Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết
Đặng Văn Sinh
PHẦN BA
Chương 12 (tiếp theo)
Khúc Thị Hài không thể ngờ, sau khi cùng Lê Văn Vận trốn khỏi làng Cùa, Mạc Thị Lánh lại xuýt chết vì cú đâm lút cán con dao găm của người tình. Lúc ấy, trong khi Trần Phí dẫn anh em sơn tràng truy tìm Lê Văn Vận thì một toán lính khố xanh của Tri châu Vi Văn Sầm đi tìm gỗ đàn hương nhìn thấy ba cái xác nằm bên bờ suối Đá Đen. Hai gã đàn ông đã chết. Người đàn bà bị đâm vào bụng tuy đã được cầm máu nhưng vẫn bất tỉnh. Viên đội người Thái lưỡng lự một lúc rồi bảo:
- Phải mang cô ta xuống thuyền độc mộc đưa về Chiềng Đôi để thầy mo Lủ chữa thuốc.
- Hình như cô ta bị cưỡng hiếp.
- Chắc là hai tên sơn tràng trần truồng kia. – Viên Đội khịt mũi nhổ nước bọt bảo – không biết kẻ nào đã giết chúng nhỉ?

- Ai giết cũng mặc chúng nó, cứ để đấy cho hổ báo về xé xác. – Một anh lính trẻ khoác khẩu Indochinoise([1]) bảo – Cây gỗ tìm được hôm nay chắc quan Tri châu hài lòng lắm.
- Đây là cây đàn hương rất hiếm, có người đi rừng cả đời chưa chắc đã tìm thấy. Chuyến này thế nào anh em mình cũng được thưởng bạc trắng.
- Thôi được, việc ấy để tôi trình quan xin cho anh em, giờ ta phải mang cái cô người Kinh kia xuống thuyền. Sao mà con gái người xuôi nó đẹp thế, có khi quan lớn nhà mình cũng phải mê.
Thuyền độc mộc chở được ba người. Bà Ba nằm thiêm thiếp, đôi môi khô se, tím ngắt, thỉnh thoảng lại ú ớ ngủ mê. Gần nửa ngày đi thuyền, toán lính khố xanh đưa Mạc Thị Lánh đến bản người Thái Chiềng Đôi. Thầy mo kiêm thầy lang Quàng Văn Lủ xem vết thương xong lắc đầu:
- Nặng lắm, bị mất máu nhiều, không chắc nó đã sống được .
Viên Đội đưa cho ông ta một đồng bạc trắng, ghé tai dặn:
- Đây là người của quan Tri châu, ông chữa chạy tử tế sẽ có thưởng, nếu để cô ta chết coi chừng cái mạng.
Thầy mo Quàng Văn Lủ vốn là môn đệ của Tri châu Vi Văn Sầm, cứ vài ngày lại cưỡi con ngựa gầy giơ xương về châu lỵ hầu điếu đóm cho quan lớn để được hưởng sái thuốc phiện. Nhìn sắc diện bà Ba, Quàng Văn Lủ biết tình trạng vết thương không đến nỗi nào, chỉ cần chữa thuốc trong vòng một tuần là khỏi, nhưng lão phải nói thế để may ra moi được của viên Tri châu mấy đồng thuốc phiện .
Lão thầy cúng nửa mùa này đánh bạn với nàng Tiên nâu từ năm mười sáu, ngày nào không có thuốc là người phát phiền, chẳng thiết ăn uống gì, bởi vậy, tuy là thầy thuốc nổi tiếng cả mường nhưng hễ được bao nhiêu bạc lão lại nhét hết vào dọc tẩu thành ra quanh năm nghèo đói.
Tri châu Vi Văn Sầm là tay mê gái có hạng. Tuy đã có ba bà vợ Thái, trẻ nhất mới ba mươi mốt, nhưng khi nghe thầy Đội Lò Văn Hếnh kể về cô gái người Kinh trẻ đẹp thì lão ngứa ngáy không chịu được. Bọn lính khố xanh biết ông chủ của mình ưa của ngọt liền xúm nhau vào tán dương :
- Tháng này quan lớn có lộc, coi như song hỷ lâm môn.
Lão Tri châu nhe bộ răng vàng cười hềnh hệch rồi hỏi bọn thuộc hạ:
- Thế nào là song hỷ lâm môn ?
Lò Văn Hóng biết chữ nho, viết một chữ hỉ to tướng vào tờ giấy hồng điều cung kính trình lên Vi Văn Sầm:
- Bẩm quan, cái vui thứ nhất là anh em chúng con đã tìm được cây đàn hương cổ thụ ở đầu nguồn suối Đá Đen. Thứ hai là mang được cô gái người kinh đẹp như tiên sa về bản Chiềng Đôi, nhưng nó bị thương, thầy mo Quàng Văn Lủ đang chữa.
Viên Tri châu chợt mắt sáng lên:
- Các người làm ta sốt ruột quá, liệu đến hôm nào cái người Kinh ấy nó khỏi bệnh để ta xuống thăm?
Lò Văn Hóng nháy mắt với đám lính khố xanh:
- Quan lớn cứ bình tĩnh, cô ta khỏi là chúng con đưa lên dinh ngay.
Vi Văn Sầm lừ mắt:
- Bé cái miệng thôi. chúng mày bép xép mấy con mẹ nhà dưới nó biết thì ta cắt lưỡi.
Bọn lính kín đáo đưa mắt cho nhau. Ngài Tri châu nổi tiếng hách dịch, hơi nhíu mày là bọn thuộc quan xanh mặt, nhưng người điều khiển lão ta lại là vợ cả, năm ấy đã ngót ngét sáu mươi, gầy đét như con cá mắm. Người trong châu kháo nhau, nhà bà ta truyền đời nuôi ma xó. Cách đây gần hai mươi năm ở bản Nháy xảy ra chuyện lạ. Ông Tòng Quang Phúng, chồng bà Ló, chị ruột bà Lả léng phéng với đứa con gái lão thợ săn người Mán. Khi cô này có mang thì cũng là lúc ông Phúng tự nhiên phát điên nhảy xuống vực Tiêu Diêu tự tử. Mỗi khi nghĩ đến chuyện đó, quan Tri châu lại thấy sởn gai ốc, nhưng chính mắt lão chưa bao giờ thực sự nhìn thấy loài ma chuyên gieo rắc tai hoạ cho người khác kia. Tuy nhiên vẫn phải đề phòng, bởi vì mụ vợ già Quàng Thị Lả của lão còn thính mũi hơn cả ma xó.
Chưa đầy một tuần, dưới danh nghĩa công cán, Vi Văn Sầm cùng gã tham biện và mấy tên lính khố xanh khoác súng cưỡi ngựa xuống núi. Gần trưa cả bọn đến bản Chiềng Đôi. Vi Văn Sầm bước lên chín bậc cầu thang, vừa nhìn thấy Mạc Thị Lánh đã bủn rủn chân tay, hai mắt đờ ra như bị điểm huyệt. Lò Văn Hếnh đưa cho bà Ba bộ váy áo Thái với hàng cúc bướm bằng bạc và chiếc khăn piêu mà Vi Văn Sầm đã cho làm ở nhà cô em gái. Lánh vào buồng đến khi bước ra thì viên Tri châu không còn tin ở mắt mình nữa. Một noọng Thái trắng đẹp mê hồn như từ chốn bồng lai bỗng chốc giáng trần với đầy đủ cả xiêm y lộng lẫy làm căn nhà sàn của thầy mo Quàng Văn Lủ như toả ánh hào quang. Quan Tri châu bảo :
- Nàng có bằng lòng theo ta về châu lỵ không?
Bà Ba cúi đầu e thẹn đúng với điệu bộ của những cô gái chính chuyên sắp về nhà chồng. Thực ra, trong đầu bà Ba đang dự kiến một kế hoạch. Hãy cứ thoát khỏi bản Chiềng Đôi, tạm thời làm vợ bé lão già dại gái này đã, sau đó sẽ tính chuyện về quê. Vi Văn Sầm để Mạc Thị Lánh ở ngôi nhà sàn trong ngõ hẻm cuối châu lỵ gần đường đi Đà Bắc. Mỗi tuần lão đến với bà Ba vài lần nhưng ít khi dám ngủ qua đêm. Mọi cuộc truy hoan đều diễn ra ban ngày trong gian buồng che rèm thổ cẩm và sàn lát bằng tre bương đập dập lên nước nhẵn bóng. Vi Văn Sầm đã quá lục tuần nhưng chuyện phòng the thì không già chút nào. Có sâm nhung hổ cốt trợ lực, lão khoẻ như trâu, vừa leo khỏi cầu thang đã vồ lấy bà Ba đè xuống, tốc ngựơc váy lên bổ hùng hục làm sàn nhà run bần bật. Bà Ba là phụ nữ có thừa kinh nghiệm trong lúc chăn gối, tìm mọi cách chiều chuộng lão Tri châu khiến lão chẳng tiếc gì bạc trắng cũng như những lời hứa hẹn. Lão dặn bọn thuộc hạ tuyệt đối giữ bí mật. Đứa nào để lộ ra là mất đầu. Thành thử một thời gian khá dài, viên Tri châu dan díu với cô gái người Kinh mà cả ba bà vợ đều không biết.
Vào một đêm tháng chạp mưa dầm gió bấc, bà Ba không ngủ được, chẳng phải vì lạnh mà bởi phải nằm một mình trong ngôi nhà vắng. Hơn tuần nay không thấy Vi Văn Sầm đến. Cô ta sợ mấy mụ sư tử Hà Đông đã ngửi thấy mùi mèo mỡ nên lúc nào cũng nơm nớp đề phòng. Có tiếng động nhẹ dưới gầm sàn. Con chó vện nằm trong cũi sủa dữ dội. Chẳng lẽ lại là trộm? Lánh thầm nghĩ. Chúng không biết rằng đây là nhà vợ bé quan Tri châu hay sao mà dám vuốt râu cọp? Cô ta nhẹ nhàng trườn khỏi chăn đệm, đánh lửa châm vào chiếc đèn soi rồi cầm khẩu súng lục Vi Văn Sầm đưa cho để phòng bất trắc, rón rén xuống cầu thang. Trong bóng đêm nhập nhoạng bà Ba nhìn thấy một hình người ngồi dựa chân cột như là đang ngủ gật liền chĩa khẩu súng ổ quay vào hắn quát khẽ:
- Ai?
Từ chân cột có tiếng thì thào:
- Nước!
Hắn bị thương. Bà Ba thoáng nghĩ và thận trọng lại gần sờ vào vai kẻ lạ mặt. Người hắn nóng hầm hập. Đúng là đang sốt. Nghĩ vậy cô ta cúi xuống xốc nách dìu hắn lên cầu thang. Bếp lửa được chất thêm củi. Khi ánh sáng bùng lên thì bà Ba bất giác rùng mình với khuôn mặt gớm guốc của gã đàn ông. Đó là một hình nhân thì đúng hơn bởi vì cái đầu hắn trụi sạch tóc, nhẵn thín như quả dưa hấu, thậm chí cặp lông mày cũng biến mất nhưng bộ râu dê thì lại dài một cách đáng ngờ. Nhìn bộ dạng người đàn ông, Lánh thầm đoán, chắc là tù vượt ngục. Sau khi ăn xong bát cháo, khuôn mặt anh ta đã có chút sinh khí. Bà Ba rót cho chén nước nóng, đợi người đàn ông uống xong mới hỏi:
- Bác mới vượt ngục phải không ?
- Vâng, đã ba ngày hôm nay không có gì ăn, cảm ơn cô.
- Ai bảo bác vào nhà tôi?
- Đói quá đâm liều cô ạ! – Người đàn ông nói – Với lại từ chập tối, tôi nấp ngoài góc vườn thấy nhà chỉ có mình cô nên mới dám vào.
- Bác liều quá. Ở châu lỵ này đầy mật thám, nhìn thấy cách ăn mặc với đầu tóc của bác là chúng bắt ngay.
- Hình như cô không phải là người Thái?
- Sao bác nghĩ thế?
- Nghe giọng thì biết, người Thái trên này nói tiếng Kinh không sõi lắm.
- Bác tinh thật. Tên bác là gì?
- Cứ gọi tôi là Quảng. Cảm ơn cô, giờ tôi phải đi.
- Bác chưa đi được, trời đang mưa.
Quảng ngập ngừng:
- Ở đây lâu sợ liên luỵ đến cô.
Bà Ba bảo:
- Chuyện đâu để mai sẽ tính. Đêm nay bác cứ nghỉ ở đây.
- Thế sao được. Tôi là đàn ông…
- Không sao. Tôi cũng có ngủ được đâu. Năm nay rét quá.
Bà Ba giữ người tù ở lại mấy hôm. Rất may những ngày này lão Tri châu có công vụ phải xuống các bản Thái vùng Chiềng Om nên anh ta tạm thời được an toàn. Đêm thứ ba, thấy Mạc Thị Lánh chỉ trải một đệm một chăn, người tù có vẻ lúng túng hỏi:
- Sao cô…?
- Hôm nay rét lắm tôi muốn nằm chung.
Người tù không thể từ chối lòng tốt của bà chủ nhưng cũng không có đủ can đảm chạm vào người cô ta. Gần sáng bà Ba vòng tay ghì chặt Trần Quảng vừa khóc vừa kể:
- Vì hoàn cảnh bắt buộc tôi mới phải nấn ná ở đây sống kiểu già nhân ngãi non vợ chồng với lão Tri châu, thế nào rồi cũng có lúc bị mấy con mụ người Thái phát hiện ra. Anh có thể cho tôi đi theo được không ?
Trần Quảng ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Được, nhưng bây giờ đang giai đoạn giặc khủng bố mạnh, một số cơ sở cách mạng bị vỡ, nguy hiểm lắm.
Lánh bảo:
- Chết tôi cũng không sợ, chỉ sợ bị cột chặt ở vùng người Thái này đến già.
- Vậy thì tối nay ta sẽ đi.
- Đi như thế rất nguy hiểm, lính khố xanh hoặc mật thám phát hiện ra thì gay. Tôi có cách này anh xem có được không? – Bà Ba lục trong hòm gỗ sơn then ra mấy tờ giấy đưa cho Quảng – Đây là loại giấy thông hành đặc biệt chỉ cấp riêng cho một số người trong dinh quan châu mà tôi đã lấy trộm trong cái tráp của Vi Văn Sầm. Ta phải sử dụng nó thì mới thoát.
Trần Quảng xem qua một lượt, mừng lắm hỏi:
- Cô cũng biết chữ à?
- Cũng đọc được chút ít.
- Thế thì tốt lắm. Nếu đi trót lọt, về đến cơ sở tôi sẽ giới thiệu cô vào hoạt động trong ban phụ vận.
Sáng hôm sau, hai người đóng giả làm một cặp vợ chồng người Thái đi chợ Bản Tang Tả. Quảng đội mũ nồi che cái đầu trọc, nói tiếng Thái khá sõi vì anh ta hoạt động ở vùng cao mấy năm nên bọn lính dõng không mảy may nghi ngờ. Nhưng đến dốc Ban thì có chuyện. Hai tên mật thám chặn những người lạ mặt trình thẻ căn cước và lục soát đồ đạc. Trong chiếc túi thổ cẩm của bà Ba có khẩu súng ổ quay. Chúng mà phát hiện ra thì chỉ có Vi Văn Sầm mới cứu được. Nhìn thấy Trần Quảng, một trong hai gã lính bảo:
- Cho xem thẻ.
Người tù lừ mắt:
- Chúng mày là ai?
- Thằng này muốn ăn đạn à? – Tên mật thám nheo mắt cười gằn – Tao hỏi mày, mày lại hỏi tao, thế là thế nào?
Bà Ba móc túi lôi ra mảnh giấy bảo:
- Nhìn kỹ xem loại thẻ này cấp cho ai?
Tên mật thám vừa liếc qua đã vội rập gót chân đưa tay lên vành tai chào.
- Xin lỗi ông bà, chúng tôi làm phận sự không biết các vị là người của quan Tri châu.
Trần Quảng cười nhạt:
- Bọn cộng sản trốn tù nhan nhản thì không bắt được, chỉ giỏi hạch sách người mình.
Hai người vào chợ lẫn trong đám thanh niên Thái trắng, quẩn quanh mấy dãy hàng tạp hoá, thấy hai tên mật thám đã đi về phía cuối dốc họ mới lẻn vào rừng. Chuyến ấy Trần Quảng và bà Ba xuống núi an toàn. Đến Hạ Lôi, hai người vào một nhà cơ sở mà Quảng đã vận động tham gia tổ chức từ bốn năm trước. Chủ nhà tiếp đón khá niềm nở. Tối hôm ấy Quảng hơi quá chén, Mạc Thị Lánh phải dìu vào ổ rơm trải ở góc nhà. Món rượu ngâm tắc kè mật ong làm anh ta bị kích động như con thú đói mồi, vồ ngay lấy bà Ba. Vào đúng lúc ấy, con chó Đốm đang nằm ở chái bếp khẽ hực lên một tiếng. Linh tính cho biết có chuyện chẳng lành, bà Ba bấm tay Quảng thì thầm:
- Hình như có người rình ở ngoài.
- Đi thôi!
Quảng khe khẽ mở cánh cửa liếp phía sau. Hai người lẻn ra vườn. Trong bóng đêm lờ mờ, Lánh thấy lão chủ nhà ngoắc tay ra hiệu cho hai bóng đen ra ngoài hàng rào. Bà Ba đưa khẩu súng lục cho Quảng. Họ chạy thục mạng lên sườn đồi chẳng kịp xác định phương hướng, ước chừng năm bẩy chục thước thì gặp hàng rào gỗ. Quảng đỡ bà Ba trèo qua hàng rào. Phía sau một chớp lửa loé lên. Tiếng nổ làm Mạc Thị Lánh giật nảy người:
- Đứng lại! Chúng mày chạy không thoát đâu.
Bọn truy đuổi hô hét ầm ĩ, thỉnh thoảng lại nổ một phát súng kíp hoặc trường mas. Quảng đẩy bà Ba đi trước, nép vào gốc cây cầm súng bằng cả hai tay nổ một phát về phía sau. Không ngờ viên đạn trúng mục tiêu. Chỉ nghe đến ối một tiếng, một trong hai tên cầm súng kíp khựng lại. Hình như đấy là lão chủ nhà. Cuộc tháo chạy đến gần sáng thì hoàn toàn mất phương hướng. Trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái đều là rừng. Trời âm u lạnh lẽo như địa phủ. Lũ vượn bạc má ngồi ôm nhau dưới tán lá tùm hum của một cây sừng trâu, mắt mở thao láo nhìn hai vị khách lạ nhưng chẳng tỏ thái độ gì. Có lẽ chúng đang đói mà thời tiết vừa mưa vừa lạnh nên không đi kiếm ăn được. Chiều hôm ấy họ gặp nhánh đường mòn dẫn đến con suối lớn. Bờ bên kia, những người thợ sơn tràng đang cốn bè.
- Sống rồi. – Quảng khẽ reo lên.
- Anh định theo đám sơn tràng sao? – Lánh rùng mình khi nghĩ đến mấy thằng đầu trâu mặt ngựa ở phường Bồ Nông.
- Không, mình chỉ xin họ ít gạo nấu cơm ăn rồi tiếp tục về thôi.
Sau gần một tháng luồn rừng, Trần Quảng và Mạc Thị Lánh mới về đến Đan Thành. Tại đây anh ta móc nối với tổ chức cũ, nhận công tác mới và đưa bà Ba vào hoạt động ở ban phụ vận với bí danh là Dương Thị Xuân.
Cuối tháng tám năm bốn nhăm, sau khi tham gia cướp chính quyền tỉnh, bà Ba được cử làm uỷ viên ban phụ vận, Quảng phụ trách ngành công an. Năm bốn bảy, quân đội Pháp từ Hải Phòng lên đánh chiếm thị xã, ủy ban hành chính phải rút về vùng rừng Lạc Lâm để chỉ đạo kháng chiến. Cũng thời kỳ này Quảng bỏ bà vợ hơn mình bốn tuổi ở quê do bố mẹ ép cưới từ năm anh ta mới mười hai, chính thức lấy Mạc Thị Lánh. Bà Ba lúc ấy đã ba tư không ngờ lại có ngày hạnh phúc như thế. Đêm tân hôn, hai người ở trong chiếc lán lợp cỏ tranh, vách ken phên nứa, giữa tiết Tiểu hàn buốt thon thót, cô ta gục vào ngực chồng khóc tức tuởi. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc bị đánh mất từ mười mấy năm trước giờ mới tìm lại được. Trong lúc ân ái với Quảng, Lánh lại hình dung ra cuộc mây mưa làm cho đất trời nghiêng ngả trong con thuyền chài trên sông Lăng với Lê Văn Vận. Nhớ tới thằng Côi chăn vịt lần đầu tiên được phá trinh con gái mà không biết cách bị mắng là đồ vô tích sự, nhớ đến lão Chánh tổng hách dịch nhưng lực bất tòng tâm… Dù sao tất cả những cái đó chỉ là ký ức của một thời vụng dại. Anh Quảng của bà Ba bây giờ mới là hiện thực. Lánh hết lòng chiều chuộng làm anh ta sướng mê tơi, đêm nào cũng vầy vò cô vợ trẻ cho đến gần sáng mới ngủ thiếp đi.
Bẩy năm sau, khi đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thị xã, Quảng được phân công giữ chức Phó chủ tịch phụ trách nội chính. Bà Ba, tức nữ đồng chí Dương Thị Xuân, làm Phó bí thư tỉnh hội phụ nữ. Thật may, thời kỳ Cải cách cả hai vợ chồng đều vô sự. Đây là điều đại phúc. Vì chỉ riêng các cơ quan cấp tỉnh trong cuộc đấu tranh giai cấp này đã có hăm chín người bị coi là có dính líu đến các tổ chức đảng phái phản động trong đó năm bị tử hình, số còn lại phải lãnh án tù từ bẩy năm đến chung thân.
Có sự can thiệp của ông Phó chủ tịch nhưng cũng phải ba ngày sau Lê Văn Nghiên mới được thả. Ra khỏi trại tạm giam, người anh ta chếnh choáng như bước trên mây vì đói và tinh thần hoảng loạn. Kinh nhất là mỗi khi nhớ lại những khuôn mặt đầy sát khí hoặc lạnh như băng và hoàn toàn vô cảm của các ông cán bộ thẩm vấn. Họ là thứ công cụ vô cùng mẫn cán với chế độ không thể dùng tình cảm tác động được. Những người ấy muốn cho ai sống thì sống và nếu cần, chỉ một cái nhếch môi là tính mạng anh đi tong. Chàng trai họ Lê lếch thếch cuốc bộ về quê trong một buổi chiều nắng hanh rất đẹp. Hai bên đường những trà lúa sớm sắp được gặt. Lúa chín vàng đang uốn câu. Lũ sẻ đồng chấp chới, lúc tản ra, lúc tụ lại thành đàn bay ràn rạt, nghe rõ cả tiếng đập cánh.
3
Ở Bắc Thoòng được gần hai năm, ông Quyển bảo Lê Văn Khải:
- Cháu phải đi học. Trình độ học vấn như thế mà ở mãi xó rừng này nó phí đi.
Khải lắc đầu:
- Cháu mà về làng Cùa bây giờ là bị bắt ngay làm sao dám mơ tưởng đến chuyện học hành.
- Ta đã có cách. – Ông cựu kiểm lâm bảo – Ta sẽ nhận cháu làm con nuôi và nhờ ông Nông ích Nghiêm chứng nhận vào hồ sơ.
Khải xem ra không mấy tin tưởng vào cách làm đầy mạo hiểm của ông Quyển nhưng hoá ra ở vùng cao này sự việc được giải quyết đơn giản hơn nhiều. Chủ tịch xã Bắc Thoòng bảo ông bạn già:
- Trước hết phải nhập hộ khẩu cho nó vào xã rồi mới làm hồ sơ cử đi học được.
Thế là Khải thành người họ Lưu, tức là họ của ông Quyển. Từ lúc lên Bắc Thoòng đến nay, Khải chẳng nhận được tin tức gì của gia đình. Chuyện cả nhà dắt díu nhau đi ăn mày đến nỗi bà Hai chết dọc đường, còn Lê Văn Nghiên phải vào trại giam chịu tội thay mình gần một năm, thiếu chút nữa thì mắc bệnh tâm thần, chỉ sau khi về làng anh mới biết.
Ông Quyển và cái Thảo đưa Lê Văn Khải đến tận núi Nứa. Con cọp thành tinh đã bị phường săn bản Thí bắn hạ cách đấy nửa năm. Lúc con cọp chết người ta mới biết nó chỉ có ba chân. Bàn chân thứ tư trúng đạn bị hoại thư, nó lấy lưỡi liếm mãi cho tới khi khớp xương vỡ rời ra rồi ăn da non. Từ đó ngài chúa sơn lâm đi cà nhắc. Người kết thúc số phận nó là một thợ săn chột mắt. Thứ vũ khí ông ta sử dụng không phải là trường mas hoặc súng kíp nhồi đạn phá, mà là một cánh nỏ lắp tên thuốc độc. Ông già mặc tấm áo da hổ, đội mũ lông báo rình đúng bảy ngày ở một hẻm núi trong rừng Phạ Cốc mới phát hiện được con hùm. Mũi tên găm trúng vào bìu dái, đau quá làm nó gầm lên, lao vun vút qua bụi cây bờ suối bất kể là gai góc. Đây là mũi tên đầu có ngạnh, đuôi có cánh nhưng rất ngắn, được phóng đi từ chiếc nỏ cứng, nên tha hồ cho con thú lồng lộn, vẫn cứ lủng lẳng giữa hai chân sau. Chất độc có hoạt tính mạnh phát huy ngay tác dụng. Chưa đầy nửa giờ con hổ đã nằm phục xuống bờ suối, mắt đờ dại, mồm sàu bọt. Vị chúa rừng từng làm mưa làm gió vùng núi Nứa, sát hại bao nhiêu nhân mạng, là nỗi khiếp đảm của bà con dân bản, giờ chết rồi nhưng rất nhiều người vẫn không dám đi chợ Đồng Vài qua lối này. Có điều chắc chắn đó không phải là con hổ mà ông Quyển đã kể, vì Huổi Vằn có một đốm lông trắng như ngôi sao trên trán.
Năm ngày sau Lê Văn Khải về Hà Nội, nộp đơn thi vào khoa toán trường đại học Sư phạm. Ngày thi chỉ còn gần một tháng. Ông giáo hướng dẫn các thí sinh ôn tập nhìn Khải chẳng có vẻ gì của một thư sinh liền bảo:
- Sao anh không đăng ký vào lớp dự bị hoặc xin vào Trung cấp sư phạm cho đỡ vất vả ?
Khải đứng dậy cúi đầu hỏi:
- Thưa thầy, đề thi ra ở trình độ nào ạ?
- Phải học xong bậc phổ thông chín năm mới có hy vọng đỗ kỳ này.
- Thưa… em sẽ cố gắng, nếu không được cũng đành chịu.
Đây là khoá tuyển sinh đầu tiên của trường Đại học sư phạm, đề ra không đến nỗi khó lắm, nhưng số thí sinh trúng tuyển thấp không đủ chỉ tiêu vào khoa. Lê Văn Khải đỗ với số điểm khá cao được xếp vào học ngay hệ chính thức. Thời ấy, học đại học, sinh viên tuy được nhà nước bao cấp, nhưng mức sinh hoạt nói chung là thấp, nếu gia đình không gửi thêm tiền thì sống rất chật vật. Khải bắt đầu nghĩ đến chuyện kiếm việc làm để có thêm năng lượng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày vốn rất đạm bạc của nhà ăn tập thể. Một buổi sáng chủ nhật, mấy anh em trong ký túc xá rủ nhau ra bến phà Đen đội than từ xà lan dưới sông đổ lên bãi. Phần lớn các nhà giáo tương lai đều dài lưng tốn vải không quen lao động thổ mộc, mới nửa ngày đã bỏ cuộc vào trong phố tìm nghề khác. Lê Văn Khải có khá hơn nhưng sau nửa tháng cũng phải từ biệt chân cửu vạn vì đội than vừa bụi bặm vừa đau cổ. Sau một ngày ở bến phà về trông anh ta bẩn thỉu, nhếch nhác chẳng khác gì thợ móc cống ở công ty vệ sinh. Có lần Khải làm quen được với một cô gái điếm trong đêm từ bến phà Đen cuốc bộ về ký túc xá. Cô gái còn khá trẻ, xinh xẻo, mới trốn từ Hoà Bình về sau bốn tháng bị quản thúc trong trại phục hồi nhân phẩm cùng hơn hai trăm chị em trong đợt làm lành mạnh môi trường xã hội ở Thủ đô. Đêm đông lá bàng rơi xào xạc trên hè phố. Những ngọn đèn đường thưa thớt treo trên cao tít toả thứ ánh sáng vàng vọt làm bóng người dài ra, đôi khi bị gió bắc đánh tạt ngang khiến mọi vật đều biến dạng thành vô số hình thù quái dị. Thỉnh thoảng một gánh phở đêm dừng lại ở một phố. Ông phở già rao phở ơ…một cách lười nhác.
Đêm có lẽ đã khuya lắm. Gió chạy dọc hè phố. Gió xát xuống nền gạch nghe như tiếng lưỡi dao miết vào hòn đá ráp. Ở một ngôi chùa nào đấy trong hẻm vẫn còn thỉnh chuông. Cô gái mảnh mai mặc bộ quần áo tân thời, dép nhựa cao gót bất chợt từ một ngõ vắng bước ra nắm lấy vạt áo dính bụi than của Khải:
- Anh ơi! Cho em xin chiếc bánh mỳ.
Khải sững người. Từ khi ra thành phố đến giờ anh ta chưa bao giờ gặp cảnh này nên cứ lúng ta lúng túng không biết làm thế nào cho phải. Cô gái ghé tai chàng đội than thì thầm :
- Đi với em!
- Đi đâu? – Khải khẽ hỏi khi ngửi thấy mùi nước hoa rẻ tiền được sức rất đậm trên người cô gái ăn sương.
- Ra vườn hoa, em sẽ chiều anh …
Trong túi Khải có mấy chục ngàn tiền công vừa nhận chiều nay. Anh ta nhìn ánh mắt đầy vẻ cầu khẩn của cô gái biết rằng không thể không đi nhưng thấy mình ăn mặc nhếch nhác quá nên đâm ngượng:
- Quần áo tôi… bẩn lắm, hay là để hôm khác.
Cô gái nhoẻn miệng cười:
- Không hề gì, anh đi với em.
Công viên mùa đông thưa người, nửa đêm lại càng vắng. Thấp thoáng giữa những lùm cây, một vài cặp trai gái ôm nhau. Có đôi ngồi dưới gốc cây du, người đàn ông bế tình nhân trong lòng, hai tay nắn bóp bầu vú, miệng thì thầm chuyện đó. Có mùi hương rất lạ giống như hoa nhài mà lại không phải hoa nhài từ một cụm cỏ ngay chỗ Khải và cô gái ngồi thoang thoảng bay lên. Đó là thứ hoa cánh nhỏ mà dài như hình mũi tên màu trắng đục, Nhụy tím sẫm. Dưới ánh đèn tuýp xanh nhợt, cảnh vật hiện ra vừa lạnh lẽo vừa hoang sơ, thậm chí cô đơn chẳng khác gì một khu rừng nguyên sinh thời tiền sử. Cô gái điếm có lẽ chưa quá hai mươi, vầng trán hơi dô, cặp mắt dài và đôi môi mọng làm cho gương mặt đặc biệt sinh động. Cô ta gỡ cúc bấm ở cổ và nách, cởi áo dài, để lộ khuôn ngực còn rất căng được nịt chặt bằng chiếc soutien trắng. Lê Văn Khải chợt thấy người nóng bừng vội quay mặt đi hỏi bâng quơ:
- Quê em ở đâu ?
Cô gái miễn cưỡng trả lời:
- Ở gần sở Máy chai Hải Dương. Nào, anh mở hộ em cái khuy sau lưng.
- Cởi ra làm gì, em không lạnh à? – Lê Văn Khải khẽ bảo khi nhìn thấy làn da tím tái của cô gái dưới ánh đèn nê ông màu nõn chuối.
- Không. – Cô gái nhẹ nhàng đặt tay lên vai chàng sinh viên – Để cho anh xem… Chiếc khuy bật ra. Cô gái cầm tay Lê Văn Khải đặt lên ngực. Cặp vú khá mẩy so với khuôn ngực, có vẻ như mỗi lúc một nóng và nở ra khi bàn tay anh ta miết vào. Người Khải run lên bần bật nhưng rồi chẳng hiểu nghĩ sao anh ta lại quàng tấm áo lên người cô gái:
- Em mặc vào đi.
Cô gái thẫn thờ hỏi:
- Anh không muốn?
Khải lắc đầu:
- Anh thương em. Vì sao phải bỏ nhà ra đây?
Cô gái điếm sụt sịt khóc:
- Bố em bị toà án Cải cách xử tử vì gia đình thuộc thành phần tư sản phản động. Nhà cửa bị tịch biên. Mẹ cũng mất sau đó ít hôm vì bệnh tim.
-Anh em không còn ai sao?
- Anh cả đi bộ đội, hoà bình không thấy về, còn anh hai với bố em không hợp nhau, hồi Cải cách chính anh ấy lên đấu bố.
- Em ra Hà Nội từ bao giờ?
- Mới được gần một năm rồi bị công an bắt lên Hoà Bình.- Cô gái nhìn Lê Văn Khải rụt rè hỏi – Anh là công nhân bến phà Đen phải không?
Khải ngẫm nghĩ một thoáng rồi quyết định nói thật:
- Tôi đang học Đại học sư phạm nhưng tối nào cũng phải đi bốc vác kiếm thêm.
Nói rồi anh ta lấy già nửa số tiền trong túi đặt vào tay cô gái:
- Em cầm lấy đi.
Cô gái điếm giãy nảy:
- Không, em không lấy đâu.
Khải phải làm mặt giận:
- Cầm lấy ! Em đang đói kia mà.
Bỏ nghề cửu vạn, Lê Văn Khải được một anh bạn cùng lớp giới thiệu làm gia sư cho một gia đình ở phố Hàng Vò. Học trò của anh là một thiếu nữ mười bảy tuổi bị liệt hai bàn chân, phải đi nạng, có gương mặt đẹp và cái tên cũng rất đẹp: Phi Điệp. Cô nàng mắc chứng hoang tưởng, học thì ít mà chủ yếu dành thời gian viết thư tình cho đủ loại nhân vật nổi tiếng trong các tiểu thuyết lãng mạn. Ngăn bàn của Phi Điệp có hàng trăm phong bì dày cộp dán cả tem bưu chính hẳn hoi. Đó là những bức thư tỏ tình sướt mướt kèm theo vô số lời trách móc hoặc hứa hẹn bằng thứ ngôn ngữ Bí mật thành Ba([2]) hoặc Trà hoa nữ([3]) mà đối tượng thường là những chàng Tristan, Marius, d’Artagnan, Văn Quân, Lộc hoặc Điệp … Ông bố Phi Điệp làm đại sứ tại một nước Đông Âu, trước khi đi nhậm chức ông ta bảo Lê Văn Khải:
- Thày mà dạy em nó đạt trình độ toán lý hoá bậc trung học gia đình sẽ có thưởng.
- Sao hai bác không cho em Điệp đến trường?
Ông Đại sứ thở dài:
- Nói mãi mà nó không nghe. Thầy biết đấy, nó bị tật bẩm sinh ở bàn chân nên mặc cảm với bạn bè.
- Nhưng còn chuyện này, – Khải nhìn ông cán bộ ngoại giao thăm dò – chắc bác biết Điệp hay viết thư…
Ông Đại sứ lắc đầu tỏ vẻ chán nản:
- Đấy chính là sản phẩm của thứ văn hoá nô dịch còn rơi rớt lại. Tôi mà có quyền tôi sẽ ra lệnh tống tất cả bọn viết lách lăng nhăng làm mê hoặc con gái nhà lành vào trại cải tạo, vĩnh viễn phải treo bút.
-Bác nói có lý. – Lê Văn Khải ngoài miệng tuy tán thành nhưng trong lòng thoáng giật mình – Những quan chức như thế này mà lãnh đạo quốc gia thì nền văn hoá dân tộc sẽ đi đến đâu?
Sáu tháng trôi qua. Trình độ học vấn của Phi Điệp vẫn dẫm chân tại chỗ, nhưng kỹ năng viết thư tình đặc biệt tiến bộ do có sự trợ giúp của Lê Văn Khải. Không hiểu nghĩ thế nào, cô học trò bàn với thày viết thư cho Quasimodo và chàng Vọi. Cô nàng có cả một kho từ vựng phong phú về tình yêu, hễ cứ đặt bút là tự nó trào ra nhiều lúc viết không kịp. Ví dụ, mở đầu bức thư gửi cho thằng Gù, Phi Điệp viết:
Quasimodo gù khốn khổ của em! Tại sao chàng lại dại dột si mê con bé phù thuỷ Esmeralda để rồi phải treo cổ tự vẫn vì mụ ta? Giá mà chàng đừng si tình, cứ bền bỉ kéo chuông ở nhà thờ Đức Bà Paris([4]) thì biết đâu bây giờ chúng ta có thể gặp nhau. Tuy chàng hình dung cổ quái nhưng em yêu chàng hơn tất cả những người đàn ông điển trai trên đời này gộp lại. Em yêu cái bướu trên lưng chàng, yêu tâm hồn cao quý trong hình hài ma quỷ của chàng. Chàng chết đi làm cho nhân loại mất giống Quasimodo, không phải chỉ mình em tiếc thương mà tất cả phụ nữ đa cảm còn sống và đã chết trên hành tinh này đều vô cùng đau buồn. Ôi Quasimodo khốn khổ của em!
Vào đầu năm thứ hai, Khải vẫn tiếp tục dạy kèm cho Phi Điệp. Giữa lúc thầy trò đang lập kế hoạch sáng tạo bức thư bất hủ gửi cho chàng Don Juan nổi tiếng thế kỷ mười tám là Sở Khanh thì sự nghiệp gia sư của anh sinh viên sư phạm đột ngột chấm dứt vì một sự cố ngoài ý muốn.
Sáng hôm ấy, sinh viên trong ký túc xá đang chuẩn bị lên lớp thì dưới sân trường xuất hiện bốn người đàn ông nhà quê. Họ cứ đi đi lại lại dưới chân cầu thang như đang đợi ai đó. Quả nhiên, Lê Văn Khải vừa bước xuống, một người chân vòng kiềng đã chặn lại:
-Anh là Lê Văn Khải?
Khải sững người. Đứng trước anh ta không phải ai khác mà chính là Bùi Quốc Tầm, Chủ tịch xã Đoàn Kết. Trưởng công an Trương Đình Tái hất hàm ra hiệu cho hai dân quân rồi bảo Lê Văn Khải:
- Đi theo chúng tôi!
Biết là sự việc đã bại lộ nhưng Khải vẫn hỏi:
- Tôi phạm tội gì mà các ông bắt?
Bùi Quốc Tầm trả lời cộc lốc:
- Về nhà khắc rõ.
Khải lắc đầu:
-Các ông bắt người trái phép, tôi phải báo cáo với nhà trường đã.
Trương Đình Tái nhếch môi cười rất đểu:
- Anh không phải lo chuyện ấy. Hôm qua chúng tôi đã làm việc với ban lãnh đạo nhà trường về hành vi khai man lý lịch đi học đại học của anh.
Trưởng công an nói đúng. Lúc này cả hiệu trưởng, hiệu phó lẫn Trưởng phòng Tổ chức đều đã có mặt dưới sân. Tò mò nhất là đám nữ sinh viên. Họ không biết chuyện gì xảy ra mà có cả mấy ông dân quân khoác súng đến trường đại học. Ông hiệu trưởng vỗ vai Khải thông cảm:
- Việc này hoàn toàn do chính quyền địa phương làm, nhà trường không thể can thiệp, em đừng trách ban giám hiệu.
Về đến làng Cùa Khải mới biết, kẻ tố cáo anh là thằng Loát, con trai Bí thư đảng uỷ Lại Quang Nghinh. Thằng này học dốt nhưng vì có ông cậu làm phó ty công an nên được cử đi học lớp dự bị Đại học sư phạm. Một hôm, đến nhà ăn, nó nhìn thấy Lê Văn Khải liền viết thư về cho bố. Nghinh bàn với Bùi Quốc Tầm rồi kéo nhau sang tỉnh gặp phó ty. Nghe Tầm trình bày sự việc ông ta bảo:
- Tội khai man lý lịch là rất nặng, có thể phải đi cải tạo tập trung vài năm. Bây giờ tôi ký cho xã một cái lệnh, các anh đem người lên trường đem nó về đây.
Khải bị giam ở huyện công an. Đoàn Danh Thẩm, cán bộ điều tra, bắt anh ta khai tỉ mỉ từ lúc bỏ làng ra đi đến khi luồn được vào trường đại học bằng hồ sơ giả mạo. Lần này thì Thẩm có chứng cứ rõ ràng, khác hẳn thời kỳ hỏi cung Lê Văn Nghiên nên thái độ rất kẻ cả, thậm chí hách dịch thái quá làm Khải chỉ muốn nhổ vào mặt. Có sự trùng hợp là phòng giam của Khải cũng chính là chỗ giam Nghiên hơn một năm về trước.
Khúc Thị Hài lại phải cắp nón lên nhà 15 phố Đông Sơn. Lần này bà ta được gặp cả Trần Quảng. Nghe bà Hài kể rõ sự tình ông Phó chủ tịch hỏi:
- Cuối năm năm sáu, phần lớn các đối tượng bị Đội Cải cách xử lý sai đã được minh oan, riêng trường hợp của đồng chí Lê Văn Vận chưa thấy Uỷ ban huyện báo cáo lên. Ngày mai làm việc với bên công an, kết quả thế nào tôi sẽ thông báo cho chị.
Bà Ba trách chồng:
- Anh Vận không phải cán bộ thường mà là Chủ tịch huyện Nam Thành bị bắn oan vậy mà tại sao đến giờ vẫn chưa được phục hồi danh dự?
Ông Quảng nhíu mày ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
- Hình như trong thời kỳ hoạt động trước năm bốn nhăm, lý lịch của ông ấy có một vài chỗ không rõ ràng vì thế bên công an kiến nghị tạm dừng để xác minh thêm.
Bà Ba bảo:
- Chờ được vạ thì má sưng. Họ có biết rằng công an ngâm hồ sơ bao lâu thì con người ta ngồi trong trại bấy lâu không? Anh đã ở trong tù, anh lạ gì chuyện đó.
Ông Phó chủ tịch thấy vợ nổi nóng liền dàn hoà:
- Thôi được, việc này cứ để tôi lo.
Bà Hài rân rấn nước mắt:
- Trăm sự nhờ ông cứu giúp, mẹ con tôi không dám quên ơn.
Trần Quảng gật đầu:
- Chị cứ yên tâm, trong tuần này cháu sẽ được về.
Ông Phó chủ tịch giữ một nửa lời hứa, mười ngày sau Lê Văn Khải ra khỏi trại giam, còn nửa kia tức là việc minh oan cho Lê Văn Vận vẫn còn vướng mắc ở một khâu nào đó nên phải gác lại.
Ở nhà được nửa tháng, Lê Văn Khải rủ Lê Văn Nghiên sang Thượng Đáp làm thợ đấu vì mấy mẹ con không có ruộng, lại những ba miệng ăn thường xuyên bị đói. Nghiên bảo:
- Anh thử ra Hà Nội xin học lại xem sao.
Khải lắc đầu:
- Chú nghĩ đơn giản lắm, qua sự việc vừa rồi liệu lão Tầm có chứng nhận vào hồ sơ cho anh em mình bước ra khỏi làng Cùa một cách đàng hoàng không ?
- Có thể là hắn đố kỵ không muốn ai hơn mình.
- Không phải chỉ riêng lão ta mà cả Lại Quang Nghinh, Trương Đình Tái cũng vậy.
Bà Hài nghe hai anh em bàn nhau liền gợi ý:
- Việc đi học của Khải mẹ lại phải lên tỉnh gặp bà Ba một chuyến may ra thì được.
Lần này Lê Văn Khải không tin tưởng lắm vào chuyến đi của mẹ. Anh ta cũng bỏ ý định làm thợ đấu, sắm chiếc thuyền và tay lưới ra sông Lăng đánh cá. Sông Lăng, cồn Vành, ngòi Mác không của riêng ai. Nghề hạ bạc có cái thú riêng của nó là tha hồ ngắm mây trời sông nước, cuộc sống đạm bạc nhưng hoàn toàn tự do, không lệ thuộc vào bất cứ sự ràng buộc nào. Nhưng rồi dự kiến cam chịu làm anh dân chài của Khải không thành. Anh ta chỉ lênh đênh trên sông Lăng được bốn tháng. Chuyện bắt đầu từ lúc bà Hài lên tỉnh gặp Bí thư phụ nữ. Ngay sau đó, ông Quảng cử một phái viên về làng. Anh cán bộ an ninh này đến gặp Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái, trao cho họ những giấy tờ gì đó rồi lên xe đi ngay. Ba hôm sau, Trương Đình Tái đến nhà bảo Lê Văn Khải làm một bản sơ yếu lý lịch. Khải viết khá lâu. Anh ta phải chọn từng chữ để làm sao nó không gây ấn tượng xấu đối với các nhà tổ chức khi đọc đến những đoạn then chốt liên quan đến thành phần gia đình. Về phần họ tên bố và quá trình hoạt động, Khải cắn bút suy nghĩ mãi không biết viết thế nào cho xuôi, cuối cùng vẫn phải hạ bút viết những dòng như sau: Lê Văn Vận, đảng viên đảng Lao động Việt Nam, hoạt động cách mạng từ năm 1935. Năm 1939 bị đế quốc bắt, đi tù Yên Bái. Tháng ba năm 1941 vượt ngục tiếp tục hoạt động ở Cao Tân. Tháng chín năm 1945, Chủ tịch ủy ban hành chính huyện Nam Thành. Thời kỳ Cải cách ruộng đất, nghi ngờ có liên quan đến Quốc dân đảng, bị xử bắn ngày 27 tháng 01 năm 1955.
Xem đến đây Bùi Quốc Tầm cau mày:
- Anh viết sơ yếu lý lịch thế này thì không một trường đại học nào người ta dám nhận dù là đỗ thủ khoa. Trước mắt, nếu muốn đi học phải bỏ ngay cái đoạn Thời kỳ cải cách ruộng đất, nghi ngờ có liên quan đến Quốc dân đảng bị xử bắn… đi, tạm thời thay bằng chết tháng 01 năm 1955.
- Sự thật đúng như thế cơ mà?
- Tôi không phủ nhận nhưng trong lý lịch ghi như thế là chính quyền nhân dân có nợ máu với gia đình ông Vận, cho dù có được minh oan đi nữa thì cũng chẳng ai dám đứng ra đảm bảo là sau này anh em nhà anh không nuôi oán hận.
Khải vẫn còn chần chừ:
- Tôi sợ đến một lúc nào đó lại bị đuổi ra khỏi trường vì khai man lý lịch .
Bùi Quốc Tầm gằn giọng:
- Anh có học mà dốt như bò. Chính quyền xã không làm việc ấy thì bố đứa nào dám thọc mũi vào. Mà tôi cũng nói để anh biết, đây là ý kiến của ông Trần Quảng, Phó chủ tịch tỉnh, xã phải chấp hành, nếu không mãi mãi các anh chỉ là những tay gõ thuyền đánh cá trên sông Lăng. Thôi về đi, nhớ bảo bà Hài sáng mai ra đồng nhận ruộng.
Lần này Khải nộp đơn thi vào đại học Nông lâm. Thực tình anh ta cũng tiếc ngành sư phạm nhưng không muốn trở lại trường cũ vì đã muộn gần một năm, nhưng cái chính là ngại gặp bạn bè sau vụ bị Bùi Quốc Tầm và Trương Đình Tái lên tận ký túc xá bắt về. Đề thi tuyển thuộc loại khó nhưng Lê Văn Khải không ngại, anh ta làm ba bài gần như trọn vẹn, đỗ thứ năm được xếp vào khoa Thú y là một ngành học khá danh giá thời bấy giờ.
(Xem tiếp kỳ sau)
Chú thích:
([1]): Một loại súng trường cổ của Pháp, nòng dài hơn mousqueton
(2): Tiểu thuyết của nhà văn Pháp Eugene Sue
(3): Nguyên văn tiếng Pháp: La Dame aux camélias của AlexandreDumas (con)
(4): Tiếng Pháp là: Cathédrale Notre-Dame de Paris