Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2015

Trăng xanh vẫn hát

Truyện ngắn

Nguyễn Thanh Văn

Dạo đó, chỗ chúng tôi tạm đóng quân ở ngay bìa rừng, không cách làng Hóa – quê vợ tương lai của tôi – bao xa. Nhưng giữa làng và địa điểm đơn vị đóng quân là mấy cánh đồi nối nhau, dương liễu xen những cụm sim tím và mồ mả lác đác nên trông biệt lập hẳn. Chưa nói tin đồn dai dẳng có vài nhóm biệt kích thỉnh thoảng xuất hiện sâu trong rừng làm dân làng lảng xa khu vực đồi. Ngoài bọn chăn trâu, chỉ có dăm người dân bạo gan đi kiếm củi.

Sự cố xảy ra chỉ trước lệnh chuyển quân vài ngày. Tiểu đội chúng tôi trong lúc tuần tra túm được một người đàn ông đang xách túi gạo đi về phía rừng. Mất hơn một giờ bí mật theo dõi, anh em mới ập vào bắt tại trận, trong một căn lều gỗ nhỏ gần khe suối, nơi còn thấy một số thứ linh tinh khả nghi khác: dao, búa, diêm, củi và mấy bó cá khô. Nửa giờ sau, một tổ tuần tra khác bắt được một phụ nữ trẻ cách bìa rừng khoảng nửa cây số, ngay một khu lổm ngổm đá và súc gỗ, nghi để làm hang bí mật. Chính ủy đơn vị phán đây là mối tiếp tế lương thực cho nhóm biệt kích làm một số lính trẻ mừng quýnh, ngỡ lập công to tới nơi. Sau này gẫm lại mới thấy lãng xẹt, đường đi nước bước của các mũi biệt kích phía đối phương hẳn phải được tính toán kỹ lưỡng, lương thực vũ khí chuẩn bị trước, khó có vụ liên hệ dọc đường với dân địa phương nhận tiếp tế kiểu thủ công ngớ ngẩn như thế được.

Người đàn ông mặt không rõ tuổi ngồi chồm hổm trước mũi súng cảnh giác của chúng tôi, vừa tỉ mẩn vê thuốc lá hút, vừa nói giọng tỉnh queo:

-Các chú cứ rềnh rang, chỉ tổ mất thời gian… Anh đây cũng là bộ đội phục viên về quê lao động. Lát nữa ông Bàng lên là rõ cả thôi!

Người phụ nữ mếu máo khóc khi được dẫn tới chỗ người đàn ông.

-Cũng lỗi em thôi. Anh đã can trước. Em chỉ giỏi làm đời anh lận đận!

Câu nói không có mùi vị thám báo, gián điệp, không ăn nhập gì với không khí căng thẳng, nghiêm trọng chung quanh làm chúng tôi có ý thất vọng. Rồi tới hoạt cảnh ông trưởng thôn hấp tấp ào lên đồi, cát mù trời như đang đằng vân, vừa tới là quát ngay mặt hai đối tượng khả nghi:

-Bọn nghệ sĩ như cô chú đây toàn là phản động cả. Nghệ với thuật chi, tranh tượng toàn vú với đít, can mãi không nghe.

Khinh khỉnh quay ngoắt đi, ông còn ném lại một câu đanh gọn:

-Già đời còn dại… gái!

Có vẻ như từ “gái” do thuận miệng mà nói thêm, nhưng cũng làm cho cô gái – tới lúc đó chúng tôi mới nhận rõ mặt cô, còn non choẹt đáng em gái út người đàn ông – vội úp mặt vào đầu gối, rấm rứt khóc tiếp.

Người đàn ông mặt bụi bặm, khắc khổ, thình lình rướn cái cổ dài ngoẵng – mấy sợi gân xanh căng như sắp đứt tung tới nơi – về phía người vừa chửi mình, cười. Cái cười nửa châm biếm, nửa giả lả, pha tí ngang ngạnh cũng không hợp gì với không khí phạm pháp chút nào. Nó như báo trước dấu chấm hết cho vụ điệp báo gay cấn trong trí tưởng tượng trước đó của chúng tôi. Một tên gián điệp ngoài vòng luật pháp thời chiến – manh động lôi thôi bị xử bắn tại chỗ như chơi – không thể từ tốn, điềm nhiên như thế, và sao dám cả gan anh anh chú chú với phe địch được!

Bù cho việc bị vuột mất “công lớn” trước mắt, suốt mấy ngày sau đó cánh chúng tôi được dịp thi nhau tán gẫu, cười giễu vụ bắt “gián điệp” hụt với không ít chi tiết nóng hổi. Cuối cùng ông trưởng thôn phải đứng ra giải thích, đúng là có vụ hợp đồng giữa chính quyền địa phương với nhà điêu khắc Lê Quang Khang và vợ là Trần Thị Lệ Hà về việc làm tượng lãnh tụ và đúc bia liệt sĩ. Ông Bàng còn nói ông Khang là thương binh phục viên, có mẹ ruột đã mất người gốc làng Hóa. Tiện ông bình thêm là năn nỉ lắm hắn mới chịu làm, vì vị thương binh - nghệ sĩ gàn dở này chỉ khoái làm tượng đàn bà ở truồng. Ông cho biết nhìn cảnh vú mông nóng cả mắt, lại giữ thể diện văn hóa làng, ông đã cho phân một mảnh đất gần bìa rừng cho họ, khuất mắt trẻ em.

-Người lớn lứa tui nhìn thứ văn hóa phẩm này còn dễ nhiễm độc như chơi, nói chi nhi đồng với thanh niên!

Tiếng cười hô hố, sang sảng, thậm chí khá suồng sã của ông trưởng thôn làm đám bộ đội trẻ bất ngờ cũng nhích mép cười, huề cả làng!

Canh lúc không khí có nhẹ nhàng hơn, ông Bàng bỗng hạ giọng:

-Chỗ ở hẻo lánh, đi lại tự do không ngờ lại xảy ra cơ sự này. Xin các đồng chí bộ đội xá tội cho tôi. Trăm sự do tôi!

Anh em trong tiểu đội lảng ra, xuýt xoa tiếc một nụ tầm xuân mỏng manh, yêu kiều, nói giọng Hà Nội ngọt như mía lùi, gặp cơn thiên địa phong trần nào để rơi vào một tay tù trưởng bộ lạc lôi thôi, già cỗi đến thế. Lính tráng nhắc chuyện ông trưởng thôn vui tính, mà láu cá làm bộ hùng hổ “giơ cao đánh khẽ” để cứu người nhà. Rốt cục chi tiết hứng thú nhất vẫn là xen hai cậu Minh và Điển súng lên nòng, khẩn trương áp sát hiện trường lúc cô vợ đang ngồi đái, trưng nguyên xi bộ mông Trường An bề thế đầy ấn tượng, không thua sút tranh dân gian truyền thống tí nào.

***

Chuyện làm quen rồi kết thân với anh Khang, nhân vật “gián điệp” tôi vừa kể, phải cần chút duyên lành về sau nữa. Trong một đợt nghỉ phép, tôi ghé nhà một đồng đội ở làng sát làng Hóa đưa quà cho gia đình và có ý tìm hiểu cô em họ của bạn ở làng Hóa. Gặp lúc gia đình đang bàn việc sửa lại khu mồ mả gia tộc và có người tình cờ nhắc có ông bộ đội phục viên làm bia tượng ở trên đồi cùng cô vợ trẻ đẹp như hoa. Gia cảnh bố mẹ cô hẻo người, ngoài ông bố đã yếu cần vợ đỡ đần suốt, chỉ có mụn con gái tôi đang tìm hiểu. Tôi bèn xung phong lên gặp ông thợ đúc bia. Tôi đoán không chừng gặp lại đúng cố nhân, vừa kiếm thêm ít điểm với ông bà già bạn gái.

Ngót hơn một giờ sục chân trong cát bỏng, chổng mông đi ngược mấy dốc đồi, tôi mới tìm được đúng chỗ. Tầng thấp nối tầng cao, toàn cát. May mắn gặp ai là vội hỏi chỗ ông bà “nặn tượng”, “đục bia”. Từ “nghệ sĩ”, “điêu khắc gia” hình như chỉ còn người Hà Nội dùng, nghe sang cả quá. Sức vóc bộ đội trẻ, mà vài ba lần phải ngồi bệt xuống, thở phì phò, tôi lờ mờ hiểu ra nguyên nhân dáng đi đầu dúi xuống cát, mông đít chổng ngược nhìn trăng sao, thứ đặc sản của phụ nữ địa phương mà lâu nay tôi không để ý.

Khi nhìn ngược xuống lưng đồi, thấy dáng di chuyển chầm chậm mà linh hoạt giữa mù mịt cát bay của một đàn ông, một đàn bà, thì tôi đã phải chờ non nửa tiếng. “Nhà” một phần nép sát cửa hang, phần chính bằng gỗ tre không cửa nẻo gì. Ngoài gió lồng lộng và vài bóng cây xanh dọc rào, chỉ thấy toàn bia và tượng. Lớp sát rào, lớp dựa gốc cây, còn lại sấp ngửa giữa sân. Lổm ngổm những thân rùa, đầu rắn bị cát vùi một nửa, trông y như rùa rắn từ hang lồm cồm bò ra thực. Đám tượng thân người lùi sâu trong nhà hang không rõ mặt, tay chân múa may, mông vú vun đầy thỗn thện, tôi đoán là vũ nữ, sơn nữ gì đó. Chỉ có lố tượng nhìn qua là nhận ra ngay các cụ Các Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh tương đối còn bệ vệ, tề chỉnh, lưng tựa sát cửa hang, mắt sáng quắc, tóc râu phấp phới gió đồi. Chị Hà – môi hồng, tóc xanh, lúm đồng tiền lúng la lúng liếng – đúng là hoa nở giữa đồi hoang. Anh Khang – mắt sáng trưng, đen sạm, tóc tai cột thành chùm không giống ai – ra vẻ phong trần đệ nhất hảo hán. Và khỏi nói tôi nhận ra anh đúng là tên gián điệp già làm thất vọng đám lính trẻ năm nào.

Chị loay hoay nấu bếp, khoe nhà sẵn gà núi, dông nướng, rắn ngâm đế. Anh Khang xoay bàn đá, khay đá, ly cũng bằng đá có tay cầm hẳn hoi, vào chuyện ngay. Khi rượu đã ngấm người, thấm giọng, cùng hương vị độc đáo của mồi ngon vùng đồi cát, bức bách con người ta thèm bộc bạch điều mà bấy lâu nay không nói được với gió, không nói được với rừng, không nói được với mênh mông cát trắng.

***

-Dạo năm 54 dù chưa theo tàu Mỹ neo ở Hải Phòng vào Nam, dân làng đạo các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ cũng xôn xao vụ ra đi hay ở lại. Ở xóm đạo ba mẹ tôi, dân trốn đi gần hết. Ông bà không tin Chúa đã bỏ vào Nam, quyết trụ lại làng, lúng túng một thời gian vì chính quyền xóa xóm đạo cũ, ghép các hộ Công giáo qua xóm và làng khác. Thấy không khí có chiều cơm không lành, canh không ngọt, lại không có chỗ đi lễ, bố nhờ một ông cán bộ huyện quen biết đâu thời cùng ở Huế, có tham gia phong trào học trò chống Pháp năm xưa, vận động cho về quê vợ. Nghề làm bia, đúc tượng của bố cũng vô hại, nhân thân rõ ràng, lại có người bảo lãnh nên chính quyền chấp thuận. Về quê chỉ vài năm, mẹ tôi bị bệnh mất. Bố tôi theo nghề cũ, tạm sống qua ngày. Vùng này nửa núi nửa đồng bằng, dạo đó chủ yếu toàn người gốc của vài họ tộc có quan hệ thân thiết với nhau nhiều đời. Ngôi nhà nguyện tuềnh toàng có từ nửa thế kỷ không còn cảnh lễ lạc như trước, nhưng chính quyền địa phương – một số cán bộ nằm vùng được giáo dân che chở một thời – còn làm ngơ cho dân trong xóm tụ tập đọc kinh tối, và trên nóc nhà nguyện Chúa vẫn còn ở lại, hai tay xòe ra bất lực giữa những chiều mất hẳn tiếng chuông nhà thờ ngân. Ký ức đậm nhất với tôi là căn lều gỗ vá víu, tượng bia nhiều hơn người, và buổi tối bố ngồi cúi đầu trước bàn thờ nhỏ, lâm râm mãi. Trước khi đi ngủ, bố nói với con trai: “Đừng nghe thiên hạ đồn nghe con. Chúa ở khắp mọi nơi. Chúa vẫn ở cùng bọn người khốn nạn như bố con mình! Nếu nay mai bố mất, Chúa sẽ ở cùng con trai của bố. Chớ tuyệt vọng!”.

Cũng giọng khều khào, sức sống lả dần theo năm tháng, bố khuyên tôi tình nguyện đi bộ đội để may ra lý lịch đời cháu nội của bố có khấm khá lên không, có khác với thân phận bố gọi là ngụ cư, bán chính thức. Cái nghiệp nặn tượng, chơi với đất, với đá là kỹ năng bố thầm lặng truyền cho từ khi tôi còn bước đi lẫm đẫm. Bố mất khi tôi còn ở mặt trận, nhưng cũng chỉ biết tin khi tôi bị thương nặng, được đưa về chữa trị ở hậu phương. Ra viện, biết không quay lại đơn vị được nữa, bố mẹ không còn, anh em vợ con không có… nếu không có đám đồng đội thương binh, không có lời động viên của nhóm anh em cùng đam mê nghề nghiệp – tụi tôi họp nhau lập một câu lạc bộ thương binh chuyên nặn tượng, đúc tượng – chắc khó lòng sống sót nổi.

Anh Khang hạ thấp giọng như đang thủ thỉ với chính mình, nhưng tuyệt nhiên không hề có âm sắc gay gắt, bức xúc. Có khi nỗi đau tợ như đã tự gạn lọc, giải phóng khỏi mọi nhu cầu than thở, để chỉ còn trơ chuỗi sự kiện tuần tự xảy ra, không màng hỏi ý kiến nạn nhân.

-Rồi giữa lúc hình tượng người thương binh nặn tượng Bác Hồ, “tàn” mà không “phế”, đang được báo đài tung hô thì tai họa ập đến… trong lúc tổ chức lúng túng chưa rõ giải quyết sao cho tiện thì tôi tự quyết định bỏ tất cả, quy cố hương, nơi không có ai chờ đợi, và chưa rõ phải sắp đặt đời mình ra làm sao… Cái rắc rối là việc một cô bé tuổi cấp hai dứt khoát đi theo tôi cho được.

Chút bối rối hiện qua bộ mặt già ngắt trước tuổi, nhưng dịu trở lại ngay nhờ cái mỉm cười hiền hậu, đầy ẩn nhẫn của người kể chuyện.

-Hồi đầu nó còn độ tuổi cấp một, cứ lê la quanh phố khi xin ăn, khi xin việc. Ai mà thuê một đứa trẻ ranh, bà con dúi cho nắm cơm, gói xôi rồi xua tay. Bà phụ trách phụ nữ phường hứa cho tìm gia đình, đưa con bé về giữ tạm ở trụ sở phường, nhưng hễ rời mắt là nó biến ngay. Người lớn trong gia đình chết tất, căn nhà xập xệ ở vùng ven đã sụp, ngủ lang vệ đường, sân nhà người thích hơn. Đây là nó kể lể thế. Hỏi rõ lý do lạc bố mẹ nó ngơ ngác, không trả lời. Nó thích ngắm bọn tôi nặn tượng, đẽo đá. Lúc thấm mệt, sai lấy cái búa, cái đục hay giúp thổi nồi cơm ấm nước là lon ton lo tất. Các chú có nóng nảy to tiếng, nó chỉ cười, mắt mở to lay láy, ai ghét bỏ cho được. Rồi đúng bữa, thêm cái chén đôi đũa, anh em chú cháu hì hụp ăn với nhau như chỗ máu mủ gia đình. Có hôm xong việc nhóm bạn về nhà, nó phục xuống sàn nhà, có khi ngay thềm nhà mà ngủ, trời lạnh buốt xương vẫn ngáy khò khò. Rồi nó ở luôn, tôi lên báo sự việc với công an, họ còn động viên tụi tôi cho nó ghép hộ khẩu. Địa phương trăm công nghìn việc, bom thì dội cách ngày, thân nhân lưu lạc biết đâu mà xác minh. Cuối cùng tôi phải im lặng. Mà không thì nó về đâu! Họp phường có người nêu tên tôi và nhóm bạn trong hội nghề, khen là gương mẫu, nêu cao tình hữu ái vô sản.

Tôi bất giác bật cười và hai anh em đụng ly, nhấm nháp món mồi ngon quên nãy giờ. Anh Khang gật gù một lát như để lưng rượu thêm phần thấm thía, rồi tiếp tục kể:

-Con nhỏ thông minh, sáng dạ phải biết. Tôi bày chuyện dạy chữ cho nó mới biết nó đã từng đi học, viết chữ rõ nét, thẳng thớm, chắc gốc con nhà nền nếp. Chuyện đời nghĩ cũng ngậm ngùi, nó mà có điều kiện trường lớp bình thường như người ta thì phải giỏi còn hơn chục lần thằng thầy nó đây.

Anh lại cười hiền, liếc về phía chị đang loay hoay gì ở rào. Chắc đoán ra chúng tôi đang nhắc tới mình, chị cứ lảng xa.

-Cũng không rõ cụ thể ai đẻ ra sự cố không may đó, mà do vô tình hay cố ý nữa. Đại khái có ông bà nào đó rỗi việc tố cáo bọn tôi bôi bác cấp trên, dám ném tượng lãnh tụ lăn lóc cùng với lố tượng đàn bà ở truồng. Dạo đó đa phần cán bộ văn hóa cho làm tượng khỏa thân là tàn dư tư sản, theo chủ nghĩa suy đồi của phương Tây. Án “bất thành văn” này có khi chỉ nhẹ hơn tội xúc phạm lãnh tụ mà thôi. Thật không may, khi bất ngờ tung cửa kiểm tra, an ninh địa phương có dịp ghi thêm vào biên bản chính tội danh tày trời này: một thành viên có tên trong hộ khẩu – là cô Hà, chị bây giờ đó – đang ngủ say, “dám” gác chân, kẹp cổ tượng cụ Các Mác! Thế là… ôi thôi, không nói hết!

Anh Khang lắc đầu quầy quậy thay vì nhắc cụ thể những cảnh rắc rối mà chắc từ lâu anh đã muốn quên hẳn.

-Khi tôi lén ra ngoài cửa ô, để Hà lại – trước đó tôi lên gặp phường, hội phụ nữ “bàn giao” số phận nó – đứng đón xe đơn vị cũ, xin đi nhờ về tỉnh… Thình lình có tiếng la ơi ới, ở đâu Hà lao ra, chụp tay, giật áo khóc lóc đòi đi theo, không thì đòi cắn lưỡi chết tại chỗ. Tưởng chỉ mình tôi “ma đưa lối quỷ đưa đường” ai dè nó…

Câu chuyện đời buồn hiu chấm dứt bằng tiếng thở dài thườn thượt của người kể chuyện và người nghe chuyện bụng dạ chùng hẳn xuống, không nỡ hỏi gì thêm.

***

Tôi trở thành chỗ thân tình của anh Khang và chị Hà, và chỗ tri âm với anh từ đó. Những chuyến đi hiếm hoi theo đơn vị ra Hà Nội, dù khá bất tiện cho bản thân, tôi cũng chiều anh Khang đem vài bức tượng nhỏ ra tặng bằng hữu đồng nghiệp. Thường là tượng vệ nữ, sơn nữ, vũ nữ Chàm, vốn là mặt mạnh của anh. Nhìn qua biết cuộc sống sinh hoạt của nghệ sĩ thủ đô dạo đó không đơn giản, căng thẳng và nhếch nhác là khác. Nhưng nếu có một không khí nào quyến rũ một thằng bộ đội với cuộc sống đêm ngày phép tắc, mệnh lệnh như tôi thì đó là thế giới tài hoa, và hấp dẫn của họ. Sức thu hút của anh Khang đối với tôi là một ví dụ. Không đỡ đần gì được cho nhau nhưng ký ức về một “tài năng lận đận”, lời khen tặng những tác phẩm mà tôi gần như lén lút chuyển giúp anh Khang, và lời hẹn một “ngày về trong vinh quang của nghệ thuật tự do” của những người bạn cũ làm anh chị xúc động không kể xiết.

Mỗi đợt công tác ngắn ngày gần huyện – tôi được thăng sĩ quan vào lúc đơn vị có hợp đồng huấn luyện quân sự cho liên huyện duyên hải – tôi có dịp ghé anh chị khá đều. Nhớ mãi những đêm trăng lung linh lúc chị Hà đã đi ngủ, hai anh em thức suốt cùng cây lá quanh đồi đã dần xanh trở lại. Chúng tôi cùng nhỏ to tâm sự, ấp ủ bao điều hứng thú không kể xiết. Có khi tôi chỉ im lặng, nhìn người anh tài hoa chậm rãi đi lại ngắm nghía tảng đá trắng, hay một khối đá núi xù xì, ray rứt, dáo dác như vừa thoáng thấy hồn ai lẩn khuất sâu trong tim đá lạnh. Có đêm chị cùng thức, nấu lưng chè đậu, bắc ấm trà khuya, tán chuyện với nhau. Những câu chuyện thời chiến buồn hơn vui được kể lại không trách móc, oán than lại giúp thanh lọc trái tim người – ít ra cũng là trường hợp nhóm ba anh em chúng tôi dạo đó. Dáng chị Hà gọn ghẽ, thon thả cứ lăng xăng đi lại, thấp thoáng sau mấy bụi chè lấm tấm bông thêm nét sinh động cho đêm bìa rừng có phần quạnh quẽ. Thỉnh thoảng chị cũng phụ đục đẽo linh tinh theo chỉ bảo có phần cộc lốc của chồng, vẫn khuôn mặt tươi và tiếng “vâng” ngọt lịm có đâu từ ngày lang thang trẻ dại, lon ton làm việc vặt và bám chân thầy năn nỉ xin học nghề.

Công việc đục bia, làm tượng lãnh tụ – dù được anh Khang làm với vẻ bất đắc dĩ trông thấy – làm cuộc sống của cái gia đình có phần khập khiễng này khấm khá lên. Những lần tôi ghé thăm sau đó trông nhà có ra nhà hơn vì đã có vách ngăn, có cả tủ quần áo khá xập xệ mua lại đâu đó, nhưng thay đổi rõ và thú vị nhất là bà chủ tươm tất hẳn, chỗ đồi hoang vẫn áo cánh mới, váy, khăn quàng. Xuống đồi sắm sửa chút ít ở mấy phiên chợ, chị để lại cái tiếng độc đáo là người phụ nữ duy nhất mặc váy, chăm chút bề ngoài ở địa phương. Tôi ngờ rằng ở chốn dân dã quê mùa thời đó có khi đó không hẳn là tiếng tốt.

Thật ra, không khó khăn gì mà không nhận ra những vũ nữ, sơn nữ, nữ thần sắp lớp, ngổn ngang kia đều là hồn vía của người phụ nữ duy nhất trên đồi cao. Từ ánh mắt linh hoạt, tình tứ, sống mũi cao và thanh, cặp môi xinh xắn, cho đến những đường cong ở vòng eo hông, vú ngực như vừa đúng chuẩn tuyệt mỹ của cái đẹp rỡ ràng, gần như không bận tâm che giấu. Vẻ đẹp mà ngoài người nữ gốc gác tận lưu vực sông Hồng này tôi ngờ rằng Tạo hóa – nếu Ngài có thực – chỉ ban cho những nữ thiên thần đêm đêm trực tiếp hầu hạ giấc ngủ của Ngài.

Tối hôm đó, vừa khom người bước qua rào ở phía hông nhà, tôi thình lình nhận ra trên sân vườn sau chị Hà đang nằm sóng soài, người không một mảnh vải. Cơ thể – từ khuôn mặt tới gót chân – phủ một lớp trăng ngà rười rượi. Tôi điếng cả người, nhất thời chưa rõ tiến lùi thế nào, thì nhận ra dáng anh Khang đang ngồi bất động, ngay bên tảng đá đang đẽo dở chừng. Chị Hà chợt nở một nụ cười – hay chỉ trong tưởng tượng của tôi! – khi tôi lùi dần vào nhà, tay chân lẩy bẩy. Cái nhếch mép nửa phần hư, nửa phần thực không rõ dành cho anh Khang, dành cho tôi trong tình huống dở khóc dở cười, dành cho tất cả trời mây đồi núi, hay chỉ là cái nhếch môi vu vơ hớp hồn nhân loại của một cô nàng đỏng đảnh mang tên Mona Lisa nào đó bên trời Tây.

Cuối cùng bức tượng hình thành, được bí mật mang giấu sâu trong hang nhà. Bức tượng anh Khang đặt tên là “Vệ nữ dưới trăng” lớn gần bằng người thực, có lúc cao hứng anh gọi là “Nàng Trăng” và tôi hân hạnh là người ngoại cuộc duy nhất được phép thưởng ngoạn.

Mỗi dịp hiếm hoi – thường ngay giữa đêm khuya khoắt, tránh xa cặp mắt thế gian – chủ nhân cao hứng run run kéo tấm vải bố, trước dùng đựng gạo và khoai lang, che tượng đặt trong góc hang, dưới ánh nến cũng run rẩy tỏa ra từ chính tay người mẫu. Trong một góc không gian nhỏ bé, có phần chật hẹp là khác, pho tượng vẫn giữ được vẻ thanh thoát khó tin, ngỡ ngàng như vừa bị đánh thức, hướng ánh mắt còn ngơ ngác về phía chúng tôi, một bàn tay nhấc lên dở chừng khỏi mặt đất y như chưa kịp kéo tấm voan che da thịt thiên thần.

Lây không khí kì lạ, bí ẩn chung quanh tôi thầm thì, giọng lạc đi:

-Có phần thể đây là tác phẩm chính của đời anh!

Từ lõm mắt sâu của người thiếu ngủ dài ngày chợt cháy lên thứ lửa trời âm ỉ bao năm, nhưng người đàn ông vẫn im lặng. Trên đôi má của người đàn bà đẹp nổi lên những đốm hồng hạnh phúc có rộn ràng hơn. Từ đàng sau tôi bất giác đứng sững lại, dán mắt vào màn diễn không lời trước mắt, nơi cuộc đối thoại giữa bức tượng tuyệt vời và hai nhân vật trong cuộc dường như tách khỏi thế giới, gồm cả thân phận của tôi, hóa thân thành những linh hồn sống động hẳn, có lẽ thuộc về một cõi huyền bí nào đó nơi sự sống tinh tế, thiêng liêng mà an toàn hơn hẳn cái chốn trần ai mà họ vừa nếm trải.

Trong suy nghĩ bồng bột của tôi, sự công bố bức tượng trong một ngày trở về của nghệ thuật tự do là một điều chắc chắn. Và danh tiếng lừng lẫy của người anh tài hoa hơn người sẽ là điều công bằng cho cả anh và chị. Mà vinh dự cho tôi dường nào, người có duyên may chia sẻ hạnh phúc thầm lặng, sâu xa của cõi sáng tạo. Niềm hứng khởi đôi khi quá mức của tuổi trẻ cũng là chuyện bình thường, có điều nó làm chúng tôi, trước hết cá nhân tôi, không hiểu hết ý nghĩa một loạt vụ việc có phần bất thường lần hồi xảy ra, hay những người liên quan trực tiếp gián tiếp cố vờ giảm mức độ nghiêm trọng của nó, tôi không dám chắc.

***

Hôm đó do mệt mỏi vì phụ sắp xếp, di chuyển lố tượng, bia khá nặng cho anh Khang, tôi quyết định ở lại nghỉ đêm. Nằm xoài người trên chiếc ghế xếp tuềnh toàng, gia cố cả cành cây, sợi mây thay cho tấm bạt đã rách, tôi ngủ quên. Tiếng gió ở bờ rào lào xào, tiếng cành cây gãy làm tôi tỉnh giấc. Đó là một đêm không trăng, nhưng cả một trời sao sáng rỡ lên, lờ mờ soi cảnh hạ giới. Tôi cố sửa thế nằm vì đùi hơi ê ẩm, cố định thần xem mình đang ở đâu. Cái đầu tiên đập vào mắt tôi là dáng gầy gò, co ro của anh Khang đang ngủ say trên hiên nhà. Cảnh thứ hai làm tôi giật thột mình là dáng chị Hà phủ phục ngay chân ghế xếp, mái tóc dài phấp phới trước gió đêm, mặt úp vào đùi tôi, nửa ngồi nửa nằm. Tiếng ngáy đều vô tâm của chị phà cả hơi nóng nhợt nhạt thịt da tôi làm tôi bất giác ngơ ngác, không rõ chuyện gì đang xày ra, nếu không nói có phần bất nhã là chuyện quái gì đã xảy ra.

Dù chưa hẳn tỉnh táo, tôi nhẹ nhàng nâng người chị Hà, đặt nhẹ xuống sàn đất. Vì sao tôi không nghĩ tới chuyện đánh thức chị dậy tôi không hiểu, có lẽ phần nào do tôi nhiều lần tận mắt chứng kiến thói quen khi muốn nghỉ là chị xoài xuống bất cứ góc nào, ngủ say lập tức. Khi tôi rướn người định đứng dậy, một bàn tay chị Hà bất ngờ bấu lấy tôi, bấu cực lực bằng năm móng tay nhọn. Tôi đau suýt la lớn nhưng kềm lại được, nhìn mặt chị Hà vẫn hồn nhiên với hơi thở đều đặn của người đang ngủ say. Tôi chầm chậm gỡ bàn tay rươm rướm mồ hôi của chị, chưa vội đặt xuống. Tôi úp mặt trên mu bàn tay của người đàn bà, lâu mau tôi không nhớ, và vì sao tôi không rõ, rồi nhẹ nhàng đặt lại trên nền đất. Tôi choàng dậy, không nghĩ tới chuyện chào hỏi từ giã, rón rén lần ra cổng, xuống đồi. Đêm không trăng, chỉ có ánh sao dẫn đường. Bầu trời cao, rộng và sâu hẳn nhưng nhẹ tênh, như lòng tôi lúc đó tự dưng không trăn trở, tư riêng. Chỉ dao động một nỗi niềm thương cảm dịu dàng, lẫn chút đắng cay vu vơ. Không chỉ cho riêng tôi, cho anh Khang, cho chị Hà. Không chỉ cho riêng ai khác, vì trời thì vẫn cao, đất thì vẫn rộng mông mênh, vượt qua tầm nhìn và tầm với của phận người vô nghĩa, bé mọn.

Dịp gặp sau đó, tôi nghe anh Khang mới vừa hết bệnh. Anh tiếp tôi, ân cần, ánh mắt còn mệt mỏi nhưng chân phương, nói năng có lẫn sắc âu yếm. Tôi thấy chị Hà ở bên kia rào, chưa kịp chào thì thấy chị đi về phía nương chè, ngờ ngợ chị không muốn chào tôi. Nhưng tôi nhầm, chị vẫn thế, vẫn chị chị em em – dù tuổi chị chắc cũng chếch tôi một, hai tuổi – và tiếng cười vẫn ròn, vẫn trong như nước suối.

Có lần chị khoe đã dò được đường đi tới mấy làng chợ xa, nơi đồ ăn rẻ hơn và lố tượng thú be bé chị làm chơi bán được cho đám trẻ con trường cấp một. Chị có vẻ hài lòng. Có điều ở đời hóa ra khó sống cho vừa bụng dạ hết mọi nhà, dù là chốn hương thôn quê mùa, chất phác. Sau thời gian lui tới phiên chợ, chị bỗng trở thành đề tài quanh xã. Các bà các cô không thích người phụ nữ duy nhất mặc váy, nhất là ở vùng quê lồng lộng gió đồi, gió biển. Rồi các anh, các ông bỗng dành thời gian trên mức bình thường bàn về cô gái nói giọng Hà Nội. Câu chuyện ông sửa xe đạp râu rậm đầu chợ hỏi chuyện Hà Nội, giở giọng tán tỉnh mà người Hà Nội chỉ cười, mà cười tươi là đàng khác, không được lòng các chị các bà có chồng. Tại sao không vả vào mồm thằng dê già như các bậc phu nhân tự trọng địa phương vẫn làm! Rồi chuyện mấy thằng ranh con thồ hàng chợ cứ vô duyên bô bô so đo vú vợ ông đục bia to hay nhỏ hơn vú bà nào đó, thậm chí với vợ nhà. Tới chuyện râm ran nhất là cha y tế xã góa vợ để ý cô Hà Nội. Cuối cùng chính tôi mục thị cảnh chị Hà ngồi sau xe cha nội này bon bon trên đường. Bất ngờ gặp tôi, chị vẫn tự nhiên cười tươi, cho biết thiếu một món dược liệu gì đó trị bệnh cho anh nên “đồng chí trưởng trạm” thuận đường chở qua chợ bản lấy. Cán bộ vì dân tới mức này thì cách mạng xã hội chủ nghĩa nhất định đại thành công, tôi buồn rầu nghĩ thầm.

Tôi không rõ mấy chuyện linh tinh dưới đồi có tới tai anh Khang không. Một lần hai anh em đang nhâm nhi, anh bỗng nhắc tới “Nàng Trăng” một cách hứng thú, nhưng khi chính nàng trăng bằng xương bằng thịt xáp tới cầm chai định tiếp rượu, thì bất ngờ anh Khang quát lớn:

-Để đấy… mặc anh em chúng tôi tiếp nhau!

Trong thoáng một giây – trước sự chạnh lòng của tôi và vẻ tẽn tò của chị – đôi mắt anh Khang không còn màu trắng đục mệt mỏi sau một ngày quần quật lao động, mà chợt nhay nháy mấy tia vằn đỏ.

***

Năm tháng cứ lùi đi mãi, nhưng những chi tiết đã xa xăm cứ lẽo đẽo theo tôi, dù lòng cứ muốn quên đi. Đúng như người ta vẫn nói, thân quen lắm có khi đâm không ý tứ. Tôi ghé anh Khang không báo trước như thường lệ, mà thời đó làm gì có điện thoại và nhờ ai báo trước đây! Con chó xù thường hay sủa đón tôi từ đâu xồ tới dụi hẳn vào lòng tôi, rin rít trong mồm không rõ tiếng. Tôi ngạc nhiên vỗ về, nắn cổ, vuốt lưng một lúc nó mới chịu nằm im.

Từ trong góc lều vang lên tiếng bạt tai, dậm chân, rồi mồn một tiếng anh Khang.

-Cơ sự này là do tao hay mày! Tao đã trốn đi một mình, đã gửi gắm mày cho bao nhiêu người. Mày đuổi theo tao để… thế này là làm sao. Trời ơi, tao đã lờ mờ ra cơ sự và chạy trốn trước. Con ma nữ khốn nạn! Tội này là tội mày hay tội tao! Hử!

Xen tiếng chị ỉ ôi gì không rõ, lại tiếng anh và vẫn câu hỏi chắc không màng câu trả lời, phảng phất lời tự kết án hơn là kết án:

-Mày nói đi! Do tao hay mày… Trời ơi là trời, có phải chính mày tự đọa đày mày hay không!

Trước đó có lúc tôi không khỏi đoán xa gần tính ích kỷ, gia trưởng, thậm chí ghen tuông vô cớ của cánh đàn ông. Rồi bỗng dưng ngay lúc này đây, tôi chết điếng nghe từ miệng anh Khang những lời rành mạch:

-Tao khuyên mày bao nhiêu lần rồi, thiếu điều năn nỉ. Vốn liếng nhặt nhạnh được gì gom lại mà về Bắc may ra kiếm được tấm chồng, mụn con sau này mà nhờ cậy. Tao có chuyện gì làm sao mà nhắm mắt cho nổi đây!

-Mặc kệ em! Em cần gì… Em sẽ chết trước anh. Bỏ anh mà đành!

Tiếng chị Hà gào lên. Con chó xù rùn lại trong tay tôi, và chính tôi cũng muốn khuỵu xuống vì sức nặng của nỗi đau tươi rói lờ mờ cảm nhận được từ số phận của anh chị Khang, của đồi hoang côi cút…

Tôi lật đật phóng ngay về phía nhà, sợ có gì không hay xảy ra cho chị Hà, rồi đứng khựng lại, chân chôn xuống đất. Qua một góc cửa sổ, toàn bộ chiến trường bí mật từ lâu tôi đã ngờ ngờ diễn ra ngay trước mắt. Chăn gối một góc, váy xống, đồ lót lủng lẳng trên thành ghế. Anh Khang đứng sững giữa phòng, tay chống nạnh, tóc tai bù xù ngay trước dáng nửa nằm, nửa ngồi, tựa vào vách nhà của chị Hà. Khuôn mặt tuyệt vọng của chị ngửa ra, đăm đắm nhìn chồng như đang muốn hỏi lại một câu hỏi gì khẩn thiết lắm. Và cả hai đều trần truồng, không một mảnh vải che thân. Tôi há hốc mồm nhìn người ngợm chằng chịt vết thương của người đàn ông, riêng một vệt dài lõm sâu chạy từ hông trái dọc tận bẹn, như một vết thương lở loét còn mở. Cái dáng cúi gằm, vai so của anh Khang, trông tội nghiệp, bé nhỏ hẳn, và giữa háng là mớ lông kín lòa xòa, như ai mới vội vã gắn vào và gắn không đúng chỗ, không đủ sức che giấu một đối tượng không hề có thực.

Lật đật ôm chú chó bỗng co ro như vừa nhuốm bệnh trong tay, tôi dò dẫm chui vào góc lều anh Khang vẫn để dụng cụ, nằm xoài ngay xuống. Nước mắt thi nhau chảy tràn má, mặt nóng hôi hổi. Tôi nghèn nghẹn kêu tên chính cuộc đời mà chửi. Cuộc sống ơi, mi tàn nhẫn mà tội nghiệp, xấu xí và xót xa đến ngần nào!

Khuya đó lúc mở bừng mắt ra, tôi ngạc nhiên thấy anh chị trải chiếu dưới bóng cây gần lều tôi nằm. Bụng cảm động quá, tôi đoán anh hoặc chị tình cờ nhận ra tôi và chắc không khỏi lúng túng, rồi có cái quyết định có phần thân thiện mà bất thường này đây. Không khí yên ắng, thỉnh thoảng có tiếng chị nấc lên, tấm tức gì đó và tiếng anh đã khàn đục, vỗ về nghe mơ hồ như tiếng ru con của người mẹ quê đang buồn ngủ.

Chúng tôi gần như thức trọn đêm, anh Khang và tôi nói đủ thứ chuyện không đầu không đuôi như trẻ con. Chị gối đầu trên tay anh, thỉnh thoảng ư ử nũng nịu, như không hề có chuyện “trời ơi”, “tao mày” trước đó. Anh Khang chợt lên tiếng hỏi tôi:

-Có tiếng chi Tâm hè?

Tôi lắng nghe hồi lâu. Dưới những lớp tiếng vu vơ đâu đó là sự yên ắng bí mật. Ở ngay cõi yên ắng đó hình như cũng không phải hoàn toàn yên lặng. Nhưng đó là tiếng gì, tôi không rõ.

Rồi anh Khang cười khẽ, giọng có phần gượng gạo:

-Có khi tiếng trăng cười phải không Tâm!

Tôi cười phụ họa với ý ngồ ngộ của anh. Chị Hà chợt cất tiếng góp chuyện, trong kí ức tôi có khi là lần đầu tiên nếu không phải là lần duy nhất chị nói với một sắc giọng nghiêm trang, tới bất ngờ.

-Ngày còn lê la ở vỉa hè Hà Nội, thỉnh thoảng em thức ngắm trăng. Trăng sông Hồng khi vàng óng, khi đỏ như máu, đẹp mà buồn. Chỉ trên khu đồi này mới có trăng xanh. Ở đây lạ lắm… Khi còn bé, gần bố mẹ, em từng nghe tiếng trăng cười, rồi lang thang bụi bờ em biết trăng cũng có lúc biết khóc. Nó khóc lúc mọi người đã ngủ, mà tiếng khóc nhỏ, dễ nhầm với tiếng cười lắm… Nhưng chỉ khi sống trên đồi cao này, bớt tiếng người ta, không có tương lai, quên dần quá khứ, em mới nghe được thứ tiếng lạ lùng đó! Không phải tiếng gió, không phải tiếng lá cỏ hay tiếng thú khóc cười, ban đầu ngỡ chỉ là tiếng cát rùng mình, xê dịch. Chính là tiếng trăng hát, hát không rõ lời…

Giọng chị Hà nhỏ dần, như đang thiếp đi:

-Có khi có gì vui mà cười mãi, khóc chẳng ai nghe, chắt lọc lại mà thành tiếng hát! Mà tiếng của trăng, lời của trăng… em đố hai anh, ai mới hiểu được?

***

Rồi cái ngày bất hạnh nhất đùng đùng đến với gia đình anh chị. Sét đánh trúng nhà. Anh Khang đang ở vườn cũng bị sét đánh bất tỉnh. Tất cả công phu âm thầm bao năm, kể cả bức tượng “Vệ nữ dưới trăng” chỉ còn là một đống miểng đá ngổn ngang. Lố tượng nay đầu một nơi, chân một nẻo. Những vệ nữ, nữ thần nát mặt, dập vú nằm la liệt. Tất nhiên tượng các lãnh tụ cũng chịu chung số phận, không cứu được chính mình, còn cứu nổi ai. Cửa hang sụp, tác phẩm một đời gần như mất dấu vết. Cái may lớn nhất là chị Hà, đang ở lưng đồi hái chè, thoát nạn.

Bệnh tình anh Khang dấm dẳng cả năm. Tôi đoán không phải chỉ vì đá găm, mất máu mà vì tuyệt vọng. Nhà thơ để lạc mất tuyệt tác của mình, nhà nghiên cứu bị cháy mất công trình một đời lao tâm khổ tứ. Một nửa trái tim anh Khang dường như bị dập nát, khó có chuyện hồi sinh sau cái chết của “Nàng Trăng”.

Hóa ra không phải tất cả đều hoàn toàn tuyệt vọng với anh chị, cái hồi sinh được, lạ lùng thay, đó là tình yêu của họ. Bản thân chị Hà trước đó xuống sắc sức yếu đi trông thấy. Nhưng có cái gì lạ thường, mới mẻ hơn trong vẻ đi lại, đỡ đần, chăm sóc lẫn nhau sau biến cố tàn nhẫn. Thậm chí lời lẽ trao đổi ít hẳn, thì một cử chỉ, nghếch mắt là họ hiểu ý nhau ngay. Trong những dịp ghé qua, nhiều lần từ một góc sân, tôi nhìn nhân dạng quen thuộc hai con người, hai số phận đã đến lúc phải nói là quá hẩm hiu. Hai cái dáng mờ mờ nhân ảnh di động chầm chậm như trong những thước phim câm, nhưng là những thước phim còn ấm áp tình người, và sót chút hương vị tình tứ. Hai tay chèo đã thấm mệt trên một chiếc thuyền đơn giữa bão tố mù sương vây bọc, nhưng họ vẫn cố chèo, quyết chẳng rời nhau. Nhưng thuyền sẽ về đâu, và họ sẽ về đâu… họ không tìm câu trả lời nữa!

***

Kể cũng lạ cho chúng tôi dạo đó, anh chị xa gần biết lý do tôi quay lại làng Hóa, và tôi không có lý do gì để giấu diếm nhưng không rõ sao mấy anh em tự dưng tránh nói trực tiếp chuyện tôi đang tìm hiểu vợ tôi sau này. Chỉ khi chuyện dần dà chín muồi, tôi mới tâm sự với anh Khang:

-Sau chiến tranh, ra khỏi đơn vị em dự định vừa xin một công việc, vừa đi học thêm. Cũng có thể em lập gia đình trước rồi tính toán dần. Cô ấy đợi ba năm rồi.

Tôi gợi ý trước:

-Chắc phải nhờ anh chị đi trong đoàn nhà trai. Ngoài quê chỉ mình mẹ và con em út vào được.

Anh ngẩng phắt lên, gần như quắc mắt nhìn tôi, vẻ dữ dội và lạ hẳn. Tôi nhìn rõ bàn tay to bành, sần sùi, nổi rõ đường gân xanh, đang run run xoa dọc đùi. Giọng anh cũng lạc đi.

-Sao vội thế… Anh lại định làm mai cho chú một người.

Tròng mắt anh như đứng lại, thu nhỏ dần. Tôi tự dưng nín lặng, nghĩ thầm anh chỉ đùa chơi.

-Người ta đạt lắm, Tâm à… cả người lẫn nết – giọng anh lửng lơ – chỉ tội thân thế mồ côi, bạc phận.

Đúng lúc đó chị Hà vô tình đi qua, anh Khang chợt hạ giọng và im bặt. Hơi chột dạ, tôi lí nhí tạm biệt, rón rén rời ghế. Lại nghe tiếng anh đuổi theo:

-Chú vội, chú vội quá! Tiếc thật!

Một lần khác đang nói chuyện, anh bỗng có một câu bâng quơ:

-Sau này e anh em lại ít dịp gặp nhau!

Anh Khang đã nhầm, chúng tôi vẫn còn dịp gặp nhau. Thậm chí tạ ơn trời phật, anh bỗng khỏe trở lại, điều làm chị Hà, hơn cả năm ân cần phục dịch chồng không tiếc thời gian, sức khỏe, vui hẳn lên.

Chúng tôi ngầm hâm nóng lại không khí ngày mới kết giao. Những lần gặp gỡ hiếm hoi là những ngày trọn vẹn. Trên đồi cao chỉ có người và gió, chúng tôi bàn đủ thứ chuyện, cả những tâm sự một thời không ai dám nói với ai. Thời thế, tương lai, ái tình, nghệ thuật… Những bữa cơm lời tiếng đáng tin cậy, điềm đạm hơn mà ý nhị, sâu lắng. Thỉnh thoảng là một bữa thức trắng toàn trăng, nói chuyện cùng trăng, về trăng: trăng cười, trăng khóc, trăng hát…

Cũng một đêm như thế, anh Khang đột nhiên nói:

-Anh tính khỏe hẳn sẽ thử làm một bức tượng mới, một tác phẩm để đời của anh. Nóng ruột lắm rồi…

Anh Khang chợt dừng lại như lỡ miệng.

Tôi ngồi lặng đi vì xúc động. Chị Hà quay mặt vào tường, rấm rứt khóc. Cặp môi dày, sậm đi vì trà thuốc của anh Khang mím lại, đầu gục gặc như hối thúc chính mình.

Vào thời gian nay, tín hiệu chấm dứt chiến tranh khá rõ. Ở trên người ta dám rút cả người trong bộ đội đi học khóa dài ngày cho một kế hoạch hậu chiến liên quan tới đào tạo nghề cho bộ đội trẻ. Râm ran tin hòa bình ngoài dân chúng. Cuộc tạm biệt giữa chúng tôi cũng lây chút lạc quan của thời thế.

-Anh nhớ có tác phẩm khi em về! Chị khỏe để còn chăm sóc anh, chị Hà nhé! Nhớ có mặt trong đoàn nhà trai cưới vợ cho em.

Thoáng chút ngượng nghịu, rồi chúng tôi lại tíu tít nói cười, bịn rịn.

***

Mấy đợt phép ngắn ngày quay lại làng Hóa, tôi nhận ra cuộc sống anh chị có vẻ càng đằm thắm, sóng gió ngầm tợ như đã qua. Tôi vẫn giữ thói quen may ô, quần đùi hì hục khiêng đá, sắp bia và giúp anh Khang chỉnh lại mái, tường nhà xiêu vẹo vì mấy cơn bão liền, làm anh chị xuýt xoa mãi. Chỉ một điều duy nhất hễ hỏi thăm “tuyệt tác” để đời là anh ra vẻ bí mật, bảo “Cảm hứng rồi sẽ tới!”, rồi nhìn chị ánh mắt là lạ. Còn chị Hà vẫn tươi cười, má đỏ au, hứa động viên anh Khang làm việc lớn.

Gió mát rười rượi thốc sau lưng khi tôi đang lên đồi, trong ba lô có quà cho cả anh Khang và chị Hà. Nhìn quanh vườn tôi cất tiếng gọi mấy lần. Biết anh chị không ở nhà, tôi quẳng ba lô ở lều, lững thững tiếp tục lên đồi. Tôi thích lên tận đỉnh, nơi nhìn xuống xóm làng bé nhỏ lại ở chân đồi, nhà cửa hóa thành những hộp nhỏ sẫm nhạt líu ríu, và toàn cảnh thu lại chỉ hai màu: màu xanh của biển và lá cây, màu trắng của những trảng cát nối nhau. Những nơi cao rộng lòng người phóng khoáng, ưa lánh chuyện tầm phào, bé mọn, thích cách ly những trò đâm thọc, tọc mạch của loài người. Gió không mang được người đi, không mang được con người ta rời khỏi mặt đất, nhưng nó nhắc nhở tới một cõi giới, vẫn hiện diện đâu đó tận trên cao kia, nơi sau khi lang thang vu vơ với thế gian có phần tầm phào, thấp thỏi dưới kia, gió lại hối hả quay về.

Đang nghĩ ngợi lang bang, chân đi đã khá xa nhà, tôi thoáng thấy bóng người rất quen từ trong khu dương liễu, băng qua mấy bụi sim tím lấp xấp, rồi khuất dạng sau đám cây um tùm, cao quá đầu người cả vài mét. Chị Hà! Tôi gọi khá lớn, nhưng không có tiếng trả lời, có lẽ vì gió ngược. Tiếng cành cây kêu lắc rắc và khi theo gần kịp, tôi ngửi được cả mùi dầu nóng quen thuộc chị Hà thường dùng, và vẫn dặn dò anh Khang và tôi xức phòng gió đêm.

Chuẩn bị rẽ vào ngay khu cây lá rậm rạp chị Hà vừa khom người bước vào, tôi đoán chừng chị quay lại khuân củi, hay quên cái cào, cái cuốc gì đó. Muốn dành cho chị chút bất ngờ, và luôn tiện hỏi anh đang ở đâu, tôi sải chân nhanh hơn khi nghe bước chân chị gần quanh đó. Trời đã về chiều, nhưng nắng mặt trời còn vàng ơ trên những đọt cây trên đầu tôi, và trăng lững lờ phía núi tròn vo nhưng chưa có ánh sáng. Khi loáng thoáng dáng chị Hà dừng lại, tôi vừa định cất tiếng gọi thì nín bặt. Bóng cành cây la đà che bớt nhưng tôi kịp thấy cảnh chị ném thẳng cái áo ngoài thùng thình, vướng lòng thòng trên cành cây, lộ chiếc áo cánh phong phanh, hở cả thịt da. Và thật bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của tôi, lờ mờ sau bờ cây ngọn cỏ rung rinh, một hình hài đàn ông nằm gần như trần truồng dài trên máng cỏ. Tôi bước lui hai bước, kềm mình không muốn nhìn cái cảnh phải gọi là đê tiện ấy. Rồi máu chợt xông lên não, bừng cả mặt. Không, không thể như thế được. Làm sao có thể tha thứ nổi… Tôi liếc quanh thật nhanh, nhưng sao phải cần tới vũ khí, gã chiến sĩ từng nếm trải cảnh chiến trường lửa đạn trong tôi sôi lên, chực nhào vào kết liễu số phận quân hậu phương khốn nạn dám xúc phạm tới lớp chiến binh dũng cảm, tới người anh kết nghĩa thân thiết của tôi. Ráng kềm chế ngọn lửa đang bùng lên, tôi rón rén một bước, hai bước. Chao ôi, cũng là thứ vô liêm sỉ, thấp thoáng dáng con đàn bà ngồi bệt xuống cỏ, mặt úp vào lòng gã nhân tình. Có tiếng gì nửa như tiếng hát nho nhỏ, nửa như tiếng cười rúc rích. Cái đầu của thằng đàn ông nghễnh lên – dù đang tư thế nằm – đầy hãnh tiến và tôi bắt gặp ngay, ánh mắt mở to, nhìn thẳng mặt, nhưng… bất động của hắn. Trong mấy tích tắc vẫn tư thế đầu nghếch, ánh mắt hắn chằm chằm nhìn tôi, nhưng lơ láo, vô hồn hẳn.

Tôi bật ngửa người, nghẹn họng, cố giữ thăng bằng khi lùi lại, từng bước một. Lại tiếng hát khẽ, cũng tiếng cười rúc rích, lẳng lơ như cũ, nhưng lần này tôi nhận ra ngay là tiếng chị Hà. Một nỗi căm giận nổi lên khi tôi chuyển hướng đi, không vòng qua nhà anh Khang nữa. Chân sục sâu vào lớp cát còn nóng hổi, tôi nguyền rủa người anh kết nghĩa, vì sao đã giấu tôi việc bức tượng đã hoàn thành, vì sao không biết đã có chuyện không hay ho gì công khai xảy ra giữa trời đất như thế. Và vì sao, vì sao… Tôi bỗng giật nẩy người. Với kỹ năng cảnh giác chiến đấu của thằng lính từng ở trận địa, chỉ nửa giây tôi đã dợm người đứng giấu mình sau một góc liễu sát lối đi, một bàn tay không hờ trước mặt, đúng tư thế đạn đã lên nòng. Anh Khang từ đâu trong đám bờ bụi lù xù xuất hiện, chầm chậm đi qua chỗ tôi như trong một thước phim không lời. Cái bóng giữa chiều hiu quạnh đi ngược lối mòn về hướng chị Hà, và dù ánh trăng đã loang đầy núi đồi, cây lá, vóc người đàn ông nhỏ bé dần, không in nổi bóng mình trên mặt cát.

Tôi chạy băng băng xuống đồi. Ngã sấp, lại đúng bật dậy. Ở hướng này dốc đồi có đoạn gần như thẳng đứng, nhưng tôi bất kể, lúc ngã sóng xoài cứ để mặt cát trôi. Về đâu, về đâu không cần biết nữa… Và tiếng kêu hôm nào bỗng bật dậy. Cuộc sống, cuộc sống ơi, mi trần trụi và tàn nhẫn quá. Mi xấu xí mà ngậm ngùi đến mức đó hay sao!

***

Chúng tôi ngồi bệt ngay thềm nhà. Suốt mấy phút đầu không ai nói với ai. Tôi không dám mở lời an ủi anh Khang. Mà cũng lạ, tôi không ngờ người ra đi trước lại là chị Hà. Chị còn khỏe, chưa có nét gì đầu hàng số phận như anh và sao chị nỡ quên cái trách nhiệm không thể để anh Khang lại, một mình trên cánh đồi quá rộng, quá nhiều trăng xanh và gió lại lạnh đến dường này.

Chính anh Khang nhắc tôi trước:

-Cũng phải đưa chú Tâm lên đồi thăm mộ chị.

Tôi muốn dìu anh khi thấy bước chân anh hơi loạng choạng, nhưng anh Khang hất tay gạt đi. Dù mang máng đoán trước được, nhưng tôi không khỏi chạnh lòng khi bước chân chúng tôi giẫm lại chính lối đi cũ nhắc tôi nhớ cái ký ức không hề muốn nhớ.

Khi đến phần mộ chị Hà phải đi qua bức tượng. Lạ một điều là anh Khang không dừng lại giới thiệu và không có phản ứng gì khi thấy thái độ gần như hững hờ của tôi.

Sau một lát im lặng, anh Khang chợt nói:

-Có bức tượng đây chị cũng bớt cô đơn!

Tôi quay mặt về phía khác, tránh nhìn anh.

Tôi lúi húi thắp hương trước mồ chị Hà. Anh Khang bước lùi về phía “tuyệt tác thứ hai” của mình, vai rùn, chân lảo đảo như một người thua cuộc. Trên tấm bia đá chính tay anh khắc, khuôn mặt và ánh mắt chị vẫn trẻ đẹp. Ánh mắt linh hoạt có lẫn chút giễu cợt, rằng mọi chuyện tuế toái, điên đảo dành phần tôi đã xong rồi, giờ tới lượt các vị đấy nhé!

Anh em chúng tôi vẫn không nói với nhau lời nào, mỗi người như đang trôi theo những trang đời khổ lụy tình cờ chia sẻ cùng nhau, tất cả đến và đi nhẹ tênh, tợ như một mớ ảo ảnh. Không khí như đã lắng đến tận cùng đáy vực, nơi những số phận đã thấm mệt tự nguyện dừng cuộc chơi, loay hoay rũ bỏ những bụi hồng mộng mị còn bám trên linh hồn mình. Bỗng dưng không báo trước, có âm thanh gì đó hết sức mơ hồ vọng lại, từ mặt cát ngà, bắt đầu lốm đốm những mụn xanh, đang giữ thể xác người thân thương bé nhỏ của chúng tôi, hay từ trên cao kia, đâu đó giữa đám sao li ti, không ngừng nhấp nhánh! Đúng rồi, trăng đang hát… trăng xanh đang hát!

Tôi rùng mình, lén nhìn anh Khang, không rõ anh có nghe thấy không. Từ phía sau, đầu cúi, lưng khòng, người anh hùng bất hạnh của thời đại chúng ta trông hệt một cụ già, hai bàn tay và đầu gối nhô lên như muốn kẹp chặt tai mình! Trong tiếng ngân nga mà âm sắc chính vẫn là điệu buồn từ huyền kiếp lẫn tiếng cười nghịch ngợm, lẳng lơ mà tôi từng nghe đâu đó… Chị Hà ơi, đã có câu trả lời cho câu hỏi hôm nào của chị, dù muộn màng lắm rồi. Chỉ có những người nhờ lắm tai ương, bất hạnh mới giải mã được bài ca u uẩn muôn đời của thiên nhiên, mới nghe và hiểu được lời trăng. Và một ngày rồi sẽ tới, khi cát bụi lại hoàn cát bụi, những hồn xưa tất cả đã về trời, giữa hư không lồng lộng chỉ còn gió vô tình thổi mãi và trên những cánh đồi cao chênh vênh, côi cút của nhân gian, trăng xanh vẫn hát!

Sài Gòn, 3/2015