Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2015

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (14): “VỤ 79” (3)



HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
------------------------

ĐỀ CƯƠNG ĐỀ DẪN THẢO LUẬN
Ở HỘI NGHỊ ĐẢNG VIÊN BÀN VỀ SÁNG TÁC VĂN HỌC

Bản đề dẫn này nhằm mục đích nêu ra một số vấn đề chủ yếu dự định đề nghị thảo luận ở Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học và về những vấn đề ấy nêu ra một số  ý kiến trung tâm có tính chất khêu gợi để các đại biểu dễ thảo luận. Những vấn đề sẽ thảo luận trong hội nghị không nhất thiết chỉ đóng khung trong những vấn đề nêu ra ở đây và những ý kiến phát biểu trong bản đề dẫn này, tất nhiên, cũng không có ý định muốn được coi là những ý kiến khẳng định, kết luận.
Bản đề dẫn này gồm 2 phần chính:
1. Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua.
2. Về phương hướng nhiệm vụ của văn học trong tình hình mới.

I
NHÌN LẠI MỘT THỜI KỲ VĂN HỌC VỪA QUA
Từ Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 2 (1/1963) đến nay, 16 năm đã trôi qua. Đó là một thời gian lịch sử vô cùng trọng đại. Trong thời gian ấy, tổ quốc ta đã trải qua những thử thách cực kỳ nghiêm trọng và đã liên tiếp giành được những thắng lợi hết sức vẻ vang. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc chống Mỹ cứu nước, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chưa từng có của đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ, tên sen đầm quốc tế, kẻ thù hung ác nhất của loài người; kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng tháng 8, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn 1 thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, đưa nước nhà đến thống nhất toàn vẹn, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi đó là một trong những trang chói lọi nhất của lịch sử dân tộc ta, một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đã đi vào lịch sử như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Sau thắng lợi của cuộc chống Mỹ cứu nước, kể từ ngày 30/4/1975, nhân dân ta trong cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng vừa ra sức hàn gắn những vết thương của hơn 30 năm chiến tranh ác liệt, vừa nỗ lực to lớn trong công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, lại vừa tiến hành thắng lợi hai cuộc chiến tranh mới bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi oanh liệt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài hơn 3 năm do bọn phản động Cămpuchia và bọn cầm quyền phản động Trung Quốc gây ra, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền đất nước trên biên giới phía Tây Nam; đồng thời tạo điều kiện và giúp đỡ nhân dân Cămpuchia anh em, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cămpuchia, anh dũng vùng lên đập tan chế độ diệt chủng do bọn Pônpốt-IêngXari và bọn phản động Trung Quốc áp đặt, giải phóng hoàn toàn đất nước, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Cămpuchia. Và tiếp liền sau đó, trong cùng một mùa xuân, đó là thắng lợi oanh liệt đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của bọn phản động Trung Quốc trên biên giới phía bắc nước ta.
Trong lịch sử và trên thế giới, có lẽ ít có dân tộc nào, trong một thời gian ngắn, đã phải trải qua những thử thách hy sinh to lớn, dồn dập như dân tộc Việt Nam. Chỉ trong hơn 30 năm, nhân dân ta đã phải đương đầu với 4 cuộc chiến tranh, lần lượt đánh thắng các thế lực đế quốc và phản động lớn nhất của thời đại.
Chúng ta, những thế hệ nhà văn Việt Nam đang cầm bút hôm nay, chúng ta có vinh dự và hạnh phúc lớn là những người đương thời của một thời gian lịch sử thật là kỳ lạ, thật hiếm có trong lịch sử dân tộc, cũng thật hiếm có trong lịch sử các dân tộc.
Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua trước hết là nhìn lại, đánh giá sự phát triển của nền văn học chúng ta trong thời gian lịch sử hết sức đặc biệt đó, xét xem nó − với tư cách là một hình thái ý thức xã hội có tính đặc thù và là một vũ khí sắc bén của cuộc đấu tranh xã hội, − nó đã chịu sự chi phối của nội dung lịch sử này như thế nào và đến lượt nó, trong phạm vi chức năng của nó, nó đã tác động trở lại nội dung đó ra sao?
Quy mô và tầm cỡ của mỗi một giai đoạn cách mạng là do ở chỗ giai đoạn ấy giải quyết những mục tiêu nhất định nào trên con đường tiến lên lâu dài của cách mạng; và trên đoạn đường đó nó đã khắc phục, đã đánh ngã những kẻ thù nào; bằng những phương pháp cách mạng nào. Như chúng ta đều biết, cuộc giáp mặt quyết liệt giữa nhân dân ta với bọn đế quốc Mỹ xâm lược là một cuộc đụng đầu lịch sử, một tất yếu thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà đế quốc Mỹ đã chọn chính chúng ta làm đối thủ của chúng và đã lấy Việt Nam làm hướng xuất quân chiến lược của chúng kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ 2. Ấy trước hết là vì bản thân nội dung và tính chất cuộc cách mạng của chúng ta. Ấy là vì, như báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV đã chỉ rõ: "… từ một thuộc địa vùng lên giành độc lập, anh dũng đánh thắng một đế quốc to là Pháp, đưa nửa nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời kiên quyết đấu tranh để hoàn thành độc lập dân tộc trong cả nước, cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là ngọn cờ tiêu biểu cho sự kết hợp các trào lưu cách mạng của thời đại, cho xu thế phát triển tất yếu của phong trào giải phóng dân tộc lên chủ nghĩa xã hội". Chính điều đó một mặt quy định tính quyết liệt, sống mái, mất còn của cuộc đụng độ, mặt khác cũng quy định ý nghĩa, tầm cao cuộc đấu tranh của chúng ta. Để đánh thắng kẻ thù cực kỳ tàn bạo, hùng mạnh, nguy hiểm như dân tộc ta chưa từng bao giờ gặp phải, chúng ta nhất thiết phải tự trang bị cho mình một sức mạnh lớn nhất, phải huy động dậy, thu hút về mình, tạo ra cho chính mình một sức mạnh tổng hợp lớn nhất cả trong không gian và thời gian. Sức mạnh của truyền thống và sức mạnh của lý tưởng, sức mạnh của chính ta và sức mạnh của thời đại, sức mạnh tinh thần và sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh trong chiều sâu của mỗi một con người,… tất cả tổng hợp lại, tạo nên cái điều ngày nay vẫn thường được gọi là "sức mạnh Việt Nam". Dân tộc ta nhất thiết phải vươn mình lớn vượt hẳn lên và trong thực tế đã vươn mình lớn vượt hẳn lên để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử lớn lao chưa từng có của mình. Đó chính là thực tiễn lớn nhất, đẹp đẽ, sâu xa và xúc động nhất đã diễn ra trên đất nước ta trong suốt thời gian mười mấy năm không thể quên của cuộc chống Mỹ cứu nước. Cả một dân tộc vươn mình lớn dậy, khẩn trương, dữ dội, ráo riết, mỗi một địa phương, một xóm làng, một tập thể, một gia đình, một lứa đôi, mỗi một con người ráo riết vươn mình lớn dậy, tự tìm lấy trong chiều sâu mọi mặt của chính mình và ra sức thu hút về mình mọi tiềm lực, năng lực có thể có được, đặng cuối cùng tồn tại và chiến thắng…
Hôm nay chúng ta nhắc lại những điều đó ở đây, là để một lần nữa khẳng định rằng chính thực tiễn lớn lao ấy, cuộc chuyển động mạnh mẽ và sâu xa cả đất nước và mỗi con người Việt Nam những năm chống Mỹ, là cơ sở, là nền tảng, là ngọn nguồn của một thời kỳ phát triển văn học rất đặc biệt của chúng ta, thời kỳ văn học chống Mỹ cứu nước.
Bước vào cuộc chống Mỹ cứu nước, văn học chúng ta có thể nói có cái may mắn là đã có được sự chuẩn bị tương đối lâu dài và khá vững chắc, trên nhiều mặt. Kể gần, ít ra cũng là từ Cách mạng tháng Tám. Chúng ta đã đi qua giai đoạn "tìm đường" trên một chừng mực nào đó khá vất vả những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, và từ khoảng nửa cuối cuộc kháng chiến này đã bước đầu tạo nên được cơ sở của một nền văn học mới khá nhuần nhị. Những lực lượng trong những năm đầu còn phải trăn trở tìm đường, thì đến đây đã dứt khoát nhận rõ và khẳng định con đường đi đúng đắn của mình; đồng thời có một lực lượng mới, hình thành từ trong lòng cuộc kháng chiến ấy, đến đây đã dần dần chín muồi, bắt đầu xuất hiện và định hình, khá sung sức.
Chúng ta cũng đã có được thời kỳ văn học sau năm 1954, trong đó đấu tranh thắng lợi chống ảnh hưởng của những quan điểm văn học nghệ thuật tư sản phản động, khẳng định những quan điểm văn học nghệ thuật đúng đắn của Đảng, chúng ta đã thu được những vụ mùa nở rộ vào khoảng nửa cuối những năm 50…
Có thể nói đó là những điều kiện chủ quan thuận lợi của văn học ta khi bước vào cuộc thử thách mới to lớn của dân tộc, cuộc chống Mỹ cứu nước.
Song, nhìn lại thời điểm lịch sử này, có lẽ có một điều còn quan trọng, quyết định hơn, và điều này cũng là tiếp tục và phát huy kinh nghiệm của thời kỳ trước đó, ấy là: khi dân tộc ta bước vào cuộc thử thách mới nghiêm trọng hơn, cao hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đây trong lịch sử của mình, thì văn học ta, − vốn đã được chuẩn bị đến một mức nhất định như vừa nói ở trên, − đã sớm chủ động tự đặt mình vào trung tâm cơn lốc của cuộc chuyển động cách mạng lớn lao, sâu sắc chưa từng có đó, sớm tự giác và dứt khoát, nhận lấy vị trí và trách nhiệm của mình trong cuộc vận động lịch sử ấy, như một người lính nhận lấy vị trí chiến đấu của mình trong đội ngũ lớn của dân tộc, một binh chủng nhận lấy trách nhiệm của mình trong thế trận hợp đồng chiến đấu chung. Ở đây, so với những thời kỳ trước, có chỗ khác nhau quan trọng. Lần này, khác trước, không còn phải có sự dằn vặt tìm đường, tìm chỗ đứng nào nữa, không còn phải mò mẫm băn khoăn, phân vân. Trái lại, lần này văn học bước vào cuộc chiến đấu mới với một lòng tự tin giản dị và vững chãi, tự tin rằng mình là một sức mạnh thực sự, một sức mạnh cần thiết, có ích và không thể thiếu trong hệ thống sức mạnh tổng hợp của trận đánh lớn này. Một sự "nhập cuộc" hết mình. Một nền văn học "nhập cuộc" có thể nói trọn vẹn, nhập mình trọn vẹn vào cuộc chiến đấu của dân tộc.
Nhập cuộc trọn vẹn vào cuộc đấu tranh lớn, − điều này thật đẹp đẽ và thú vị, − văn học lập tức lại được thừa hưởng những thành quả, thành tựu của cuộc đấu tranh ấy, trong đó cốt lõi và tập trung nhất là thành tựu về sự phát triển của con người, tức là ở chính cái lĩnh vực đặt toàn bộ sự quan tâm của mình. Con người Việt Nam mới của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, như đã nói ở trên, đang vươn mình lớn dậy vượt bực trong sức mạnh kỳ lạ của lòng yêu nước của mình để ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử có ý nghĩa thời đại của mình.
Điều này đúng với cả nền văn học, cũng đúng vói từng nhà văn đã chiến đấu ở vị trí của mình trong thời kỳ đó. Hãy xin lấy một ví dụ như ở nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi. Ai cũng dễ nhận thấy từ Nguyễn Ngọc Tấn đến Nguyễn Thi có sự liên tục, kế tục, ở giai đoạn trước đã có sự chuẩn bị, đã chứa đựng những tiềm lực sẽ bộc lộ trong giai đoạn sau. Nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận rằng từ Nguyễn Ngọc Tấn đến Nguyễn Thi rõ ràng có một sự bột phát, cái gì như là một sự nhảy vọt. Trong sáng tác của nhà văn ấy, ở giai đoạn sau là một cao trào. Vì sao? Có thể tìm thấy câu trả lời trước hết trong chính cách sống, lao động và chiến đấu của anh. Nguyễn Thi là một trong những nhà văn đã đi vào cuộc chống Mỹ cứu nước ngay từ đầu với tất cả ý thức tự giác rất cao và tinh thần trách nhiệm rất nghiêm túc. Anh đã đi đúng vào trung tâm cơn lốc của cách mạng, và ở đấy, với một tinh thần làm chủ thật sự, anh đã chiến đấu quên mình như một chiến sĩ và một nhà văn, một nhà-văn-chiến-sĩ, cầm súng và cầm bút, sử dụng cây bút của mình như một cây súng. Ở đây có lẽ có một điều còn sâu sắc hơn nữa: Nguyễn Thi đã coi cuộc chiến đấu chung mà anh là một chiến sĩ xung kích, như là cuộc chiến đấu cho chính mình, vì chính mình, cuộc chiến đấu để tự giải phóng chính mình. Kẻ nào thực sự quên mình trong cuộc sống thì lại được cuộc sống trả lại cho tất cả. Và khi văn học đã đạt được đến sự nhập cuộc thật cao, khi văn học đã tự quên được mình đi là văn học, thì cũng chính lúc đó nó lại càng đúng thực sự là văn học hơn cả, càng có sức mạnh lớn hơn cả. Thật sự chiến đấu quên mình ở trung tâm cơn lốc của cách mạng, Nguyễn Thi lại thừa hưởng được tất cả thành quả, thành tựu tốt đẹp nhất của cuộc vận động lịch sử ấy. Và bởi vì cuộc chống Mỹ cứu nước, − như đã nói ở trên − là một cuộc huy động tổng lực tất cả sức mạnh và tài năng, tinh thần và trí tuệ của dân tộc, cho nên Nguyễn Thi, như là đứa con của chính cuộc chuyển động cách mạng ấy, đã có thể huy động dậy và phát triển lên một đỉnh cao mới tất cả tài năng tiềm tàng, tất cả cá tính sáng tạo nghệ thuật độc đáo và sâu sắc của anh. Ở Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi chúng ta được chứng kiến một hiện tượng thật đẹp và "lạ": Chỉ trong một thời gian ngắn, vậy mà anh vừa vẫn là chính anh ấy, không lẫn lộn được, lại vừa như là một tài năng hoàn toàn mới mẻ, độc đáo, sâu sắc, nhiều mặt, đến khiến ta kinh ngạc. Có thể nói như là một hiện tượng bùng nổ của tài năng.
Nguyễn Thi là một trường hợp tiêu biểu nhưng không phải là trường hợp cá biệt, độc nhất. Điều đã diễn ra ở Nguyễn thi, trong những chừng mực nhất định, cũng đã diễn ra trong toàn bộ nền văn học chúng ta. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhất là trong khoảng thời gian những năm 60, nền văn học chúng ta thực sự đã có một bước phát triển mới về chất, cao hơn hẳn so với tất cả các thời kỳ trước đó, có thể coi là một thời kỳ cao trào của nền văn học yêu nước Việt Nam, một nền văn học yêu nước chống đế quốc xứng đáng cho chúng ta có thể tự hào chính đáng.
Chính trong thời gian này chúng ta được chứng kiến sự chín muồi của một loạt những cây bút hoặc đã được chuẩn bị tiềm tàng từ những năm trước, đặc biệt là sự chín muồi của đội ngũ những nhà văn hình thành từ kháng chiến chống Pháp. Đồng thời chúng ta cũng được chứng kiến sự xuất hiện của một loạt những tài năng mới, đầy sinh lực và nhiều vẻ độc đáo, hình thành nhanh, viết khoẻ và xông xáo, giữ lấy cả một mảng lớn không thể thiếu được trong toàn bộ bức tranh rộng lớn của nền văn học ta. Chưa bao giờ đội ngũ chúng ta đông và khỏe bằng lúc này. Cũng chưa bao giờ đội ngũ đông đảo gồm nhiều thế hệ ấy được bố trí đẹp như vậy, khá đều trên hầu khắp mọi lĩnh vực và địa bàn của cuộc sống. Ở miền Nam và ở miền Bắc, ở miền núi và ở đồng bằng, trong quân đội và trên nhiều mặt trận đấu tranh khác… Điều đáng quý hơn nữa là một số không ít trong những lực lượng ấy đã có sự bắt rễ khá sâu, chắc trên các địa bàn và lĩnh vực của mình. Thế bố trí khá rộng đó khiến cho diện mạo chung của nền văn học trở nên phong phú hơn trước nhiều.
Đây cũng là một thời kỳ phát triển mạnh và khá toàn diện của nhiều thể loại văn học, vừa hợp đồng với nhau, bổ sung, tạo điều kiện thúc đẩy nhau, tạo nên một thứ "sức mạnh tổng hợp" của nền văn học chiến đấu, nếu có thể nói như vậy. Truyện ngắn, đã có những thành tựu đáng kể từ thời gian những năm 50, nay càng chín hơn, phong phú hơn về nội dung và phong cách, có nhiều truyện ngắn được viết ra trong thời kỳ này ngay giữa chiến tranh ác liệt, đã đạt được sức súc tích khá cao, có thể sẽ còn được đánh giá thuộc số những truyện ngắn xuất sắc của nền văn học ta. Riêng ký, đặc biệt là thể tùy bút, đã nổi bật lên như một thể loại xung kích, có tác dụng ứng chiến mạnh mẽ, xông xáo, sắc bén. Nhiều tác phẩm ký xuất sắc được viết ra trong thời kỳ này đã chứng minh khả năng nghệ thuật không hề nhỏ bé của thể loại văn học này và chắc hẳn sẽ có thể tồn tại lâu dài như những giá trị văn học có ý nghĩa đánh dấu. Còn một thể loại văn học khác tuy không hoàn toàn mới mẻ nhưng lần này đã xuất hiện thành một hiện tượng khá độc đáo, đặc sắc và giữ một vị trí không thể thay thế được trong nền văn học. Đó là thể loại "văn học tư liệu", gần với báo chí, nhiều khi không phải do các nhà văn viết ra, mà sức truyền cảm nghệ thuật từng có lúc thật lớn, và nếu ta biết chú trọng phát triển và sử dụng tốt hơn, sẽ là những cơ sở quý báu để về sau tiếp tục xây dựng những tác phẩm lớn về thời kỳ lịch sử này.
Một hiện tượng độc đáo khác là sự xuất hiện khá sớm và đã có một số thành tựu đáng kể của tiểu thuyết ngay trong những năm tháng chiến tranh hết sức ác liệt, cả ở hậu phương và ở tiền tuyến, ở miền Bắc và ở miền Nam, về đề tài chiến tranh cách mạng cũng như về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tiểu thuyết có sớm ngay giữa chiến tranh, vừa là do chính yêu cầu của cuộc chiến đấu tiến lên ngày càng phong phú, phức tạp và cao, vừa chứng tỏ sự cố gắng lớn của các nhà văn chúng ta ra sức đáp ứng kịp những yêu cầu đó.
Thơ cũng có bước biến chuyển mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn về nội dung, phong phú hơn về hình thức, thể loại…
Mối quan hệ giữa các thể loại cũng là một điều rất đáng lưu ý. Có hiện tượng một nhà văn cùng một lúc sử dụng nhiều thể loại, và ở một số người, đều giỏi trong các thể loại ấy. Các thể loại cùng phát triển gần như song song, vừa phát huy sức mạnh riêng của từng vũ khí lại vừa quan hệ chằng chịt với nhau, khêu gợi, kích thích, chuẩn bị, tạo điều kiện cho nhau. Rất đáng chú ý và có lẽ sẽ rất thích thú nếu ta nghiên cứu sâu hơn chẳng hạn mối quan hệ giữa thể loại văn học tư liệu, thể ký và tiểu thuyết trong toàn bộ nền văn học và trong từng nhà văn ở thời kỳ này.
Công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, chủ yếu bằng việc khẳng định những giá trị mới xuất hiện và từng bước sơ kết những kinh nghiệm mới của hoạt động văn học, hoặc làm sống lại những giá trị truyền thống của văn học dân tộc, đã cố gắng góp phần trực tiếp của mình vào trận đánh chung.
Công tác giới thiệu văn học nước ngoài, ngay trong điều kiện chiến tranh, cũng đã có những cố gắng nhất định…
Tất cả những kết quả trên đây, cuối cùng dẫn đến một thành tựu tập trung nhất: đó là sự sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật mới mẻ, những giá trị tinh thần và phẩm cách mới mà văn học, trong chức năng thiêng liêng của nó phải đem đến cho con người đang đấu tranh, như một khêu gợi, một nhắc nhủ ân cần, chân tình, như một sức mạnh mới góp vào sức mạnh sống và chiến đấu của họ, như một ánh sáng dù là nhỏ nhoi khiêm tốn ở phía trước giúp họ vươn tới.
Tất nhiên, chúng ta hiểu rõ, những giá trị tinh thần, phẩm cách, đạo đức mới được phát triển lạ lùng trong chống Mỹ cứu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đạt đến đỉnh cao mới trong chống Mỹ cứu nước, là thành quả tập trung của chính cuộc đấu tranh vươn tới quyết liệt sâu sắc của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là sự sáng tạo tinh thần tuyệt vời của nhân dân ta, Đảng ta. Nhưng nhiệm vụ của văn học nghệ thuật chính là ở chỗ sớm nhận ra nó, phát hiện, khám phá ra nó, khái quát, cô đúc, tái tạo lại nó trong những hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ, nhuần nhị,  "hiểu biết, khám phá, sáng tạo", như đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói. Và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật là ở chỗ khi những thành tựu tinh thần cao đẹp ấy được phát hiện và cô đúc tái tạo lại thành những hình tượng nghệ thuật nhuần nhuyễn, có sức thuyết phục nghệ thuật sâu sắc, thì dường như nó bỗng có sự thay đổi mới về chất, nó được khẳng định, cố định lại, trở thành tài sản lâu dài bền vững của nhân dân, thành sức mạnh mới được nhân lên thêm nhiều lần của nhân dân. Trong hình tượng nghệ thuật được người nghệ sĩ sáng tạo, hiện thực anh hùng của nhân dân hiện lên dưới cái vẻ như là  một trường hợp đơn nhất, cá biệt, mà lại có tính khái quát cao, nó hiện lên một lần nữa và đi trở vào đời sống, cao hơn chính nó khi nó còn là nguyên mẫu, mặc dầu chính nó, − hiện thực ấy − là cơ sở, là ngọn nguồn của sự sáng tạo kia. Cũng chính vì vậy mà hình tượng nghệ thuật cao đẹp, sâu sắc thì có tính dắt dẫn đối với đời sống. Con người vốn từng là nguyên mẫu của nó, bây giờ lại khát khao vươn tới nó như vươn tới những mơ ước tốt đẹp của mình. Đó là tính biện chứng phong phú và đẹp đẽ của mối quan hệ giữa hiện thực và nghệ thuật, cuộc sống và nghệ thuật.
Nhìn từ góc độ đó, chúng tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng: nền văn học chúng ta trong chống Mỹ cứu nước, dựa chắc trên nền tảng cuộc chiến đấu quyết liệt của dân tộc, tìm nguồn cảm hứng và những nguyên mẫu của mình từ những con người anh hùng đánh Mỹ tuyệt vời có tên hay không có tên, lại đã sáng tạo ra không ít những hình tượng nghệ thuật có sức rung động chính những con người anh hùng ấy (vừa là đối tượng thể hiện vừa là đối tượng phục vụ của văn học ta), được chính những con người anh hùng ấy luôn luôn bồi dưỡng khát vọng tiếp tục vươn lên tốt hơn, đẹp hơn, xứng đáng hơn. Không ít đâu những người chiến sĩ lên đường ra chiến trường, đi đến những trận đánh và những chiến công của mình mà cũng là đi tới những hình tượng nghệ thuật được họ coi như là những khát vọng của họ, do các nhà văn nhà thơ chúng ta sáng tạo ra trong những tùy bút, những truyện ngắn, tiểu thuyết, những bài thơ đánh Mỹ đầy sức rung động. Cũng không phải hoàn toàn không có những bài thơ, những tùy bút, những bài ký hay những trang tiểu thuyết từng được bao nhiêu người đọc anh hùng của chúng ta coi như một thứ tuyên ngôn tinh thần của chính họ, trong những ngày đánh Mỹ gian nan nhất hay vui sướng nhất. Trong hành lý tinh thần của những thế hệ đánh Mỹ, có thể khẳng định, có một phần tài sản do nền văn học chống Mỹ của chúng ta góp vào. Đứng trước dân tộc của mình, đứng trước nhân dân mình đang phải tự huy động đến toàn lực tất cả sức mạnh khả dĩ huy động được để nhất thiết phải thắng trong một cuộc đấu tranh mất còn, văn học chúng ta đã là một nền văn học có ích. Và điều ấy, chúng tôi nghĩ, là lớn lắm.
Tự giác đặt mình với đầy đủ tinh thần trách nhiệm vào chính giữa cơn lốc cuộc đấu tranh quyết liệt của dân tộc, tiếng nói văn học chống Mỹ cứu nước của chúng ta là tiếng nói chân chất, tiếng nói thật của cuộc đời chiến đấu. Và điều đó là quý lắm. Có thể chúng ta nói chưa được nhiều, chưa thật sắc, chưa thật uyển chuyển, nhưng lời nói văn học chống Mỹ cứu nước của chúng ta rất xa lạ với những kiểu tiếng nói phù phiếm, hoa hòe, − về điểm này, chúng ta có thể hoàn toàn tự tin, − so với bất cứ nền văn học nào khác.
Nhìn lại một thời kỳ văn học vừa qua, vâng, chúng ta có quyền tự hào. Chúng ta có quyền vui mừng với sự đánh giá rất cao của Đảng: "Với những thành tựu đã đạt được chủ yếu trong việc phản ánh hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, văn học nghệ thuật nước ta xứng đáng đứng vào hàng ngũ tiên phong của những nền văn học chống đế quốc trong thời đại ngày nay".
Tự hào về những thành tựu quan trọng đó, phấn khởi trước sự đánh giá cao của Đảng, chúng ta lại càng muốn nghiêm túc nhận rõ những hạn chế, những chỗ còn thiếu sót, non yếu của văn học ta trong thời kỳ lịch sử lớn này; đặc biệt chúng ta muốn nhận rõ thực chất của tình hình văn học ta hiện nay.
Nhìn chung dễ thấy ngay một sự hạn chế rõ rệt: những thành tựu văn học của ta còn chưa tương xứng với tầm cỡ cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc mấy chục năm qua. Sự nghiệp của Đảng, của nhân dân thì to lớn, hùng vĩ, sâu sắc, mà sự nghiệp văn học ta đã đạt được thì quả còn nhỏ bé, mờ nhạt, nông cạn. Khoảng cách giữa đời sống và văn học còn khá xa.
Như chúng ta đều biết, thực tiễn cách mạng đã diễn ra trên đất nước ta mấy chục năm qua là một thực tiễn hết sức phong phú, phức tạp. Trên phạm vi cả nước, "một đảng thống nhất lãnh đạo một nước tạm thời bị chia cắt làm đôi tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, đó là đặc điểm lớn nhất và cũng là nét độc đáo của cách mạng nước ta từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975" (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội IV). Riêng ở miền Nam, do những điều kiện lịch sử nhất định, nên trong suốt thời kỳ này cuộc đấu tranh của nhân dân ta đã diễn ra dưới hình thức rất phức tạp, vừa là một cuộc chiến tranh vừa là một cuộc cách mạng, cuộc chiến tranh vừa mang tính chất chiến tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc vừa mang tính chất nội chiến cách mạng gay gắt. Do đó, trải qua cuộc đấu tranh vừa lâu dài vừa khẩn trương này, đã diễn ra những sự biến động rất sâu sắc, dữ dội trong toàn bộ xã hội, trong lực lượng các giai cấp, trong từng xóm làng, từng gia đình, từng con người.
Nhìn lại những tác phẩm văn học được viết ra trong thời kỳ này, chúng ta thấy mặt đấu tranh xã hội, − tức là mặt chuyển động trong chiều sâu của hiện thực, − được phản ánh còn mờ nhạt. Dường như lịch sử được tái tạo lại trong văn học mới còn chủ yếu ở những đường nét lớn chung nhất của nó, trên các sơ đồ chung nhất của nó; còn ở những tần số rung động sâu xa, tinh vi của nó thì chưa rõ rệt. Trong văn học, lồ lộ khá rõ là số phận chung của cả dân tộc, cả đất nước, nhưng còn số phận riêng của từng người, từng thành viên trong đội ngũ lớn đó thì còn khá sơ lược, giản đơn. Mặt yêu nước nổi bật lên, − và đây là một chỗ mạnh của văn học ta thời kỳ này như đã nói ở trên, − nhưng mặt đấu tranh xã hội thì không rõ bằng. Tính thơ lý tưởng của cuộc chiến đấu được biểu hiện khá mạnh, nhưng còn tính sần sùi phức tạp của đời sống thì yếu hơn. Cho nên tính hiện thực của văn học có bị hạn chế.
Điều này cũng biểu hiện cả trong sự mạnh yếu khác nhau của các thể loại. Thơ, ký, truyện ngắn, − những thể loại chiến đấu trực tiếp, − khá mạnh. Tiểu thuyết − vốn là thể loại phản ánh gần và sâu hơn của cuộc đấu tranh xã hội, có sức mô tả tính biện chứng tinh vi uyển chuyển hơn trong sự vận động của tâm hồn, trong số phận con người, − thì ít đạt bằng. Một số tiểu thuyết có thể nói chủ yếu gần như là những bài thơ hay tùy bút dài, nói chung còn quá trơn tru, dễ dãi.
Nếu tính theo khu vực đề tài thì phần viết về chiến tranh cách mạng khá hơn phần viết về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong phần viết về chủ nghĩa xã hội, cũng chỉ mới còn chủ yếu là phản ánh một bước cải tạo quan hệ sản xuất.
Nếu tính theo thời gian thì sự phát triển trong khoảng những năm 60 tốt hơn, thuận hơn trong khoảng những năm 70.
Ít lâu nay trong người đọc, trong cả chính người viết có một số suy nghĩ hoặc một số dư luận khá phổ biến cho rằng từ một số năm gần đây, 5 năm, 7 năm hay khoảng mười năm trở lại đây, văn học ta đã có sự dừng lại. Mỗi người diễn đạt sự suy nghĩ, lo lắng đó một cách khác nhau: có người nói là văn học đang tụt lùi, có người gọi là "có tình trạng trì trệ". Cũng có người cho rằng ta đang ở trong một tình hình khá nguy hiểm, ấy là tình hình "nhàng nhàng" không dở không hay, không sai nhưng cũng không thật đúng. Có người cho là đang có khủng hoảng. Cũng có người bảo: một số năm gần đây ta vẫn "có nhiều sách nhưng không có tác phẩm", "vẫn có nhiều trận đánh nhưng là những trận tiêu hao, không có trận đánh tiêu diệt"…
Rõ ràng trong hội nghị này chúng ta có một công việc nghiêm túc: đánh giá thật đúng thực chất tình hình và cố gắng tìm ra nguyên nhân của nó.
Trước hết chúng tôi nghĩ rằng tình hình được phản ánh trong những suy nghĩ lo lắng vừa kể trên, tình hình đó là có thật. Quả văn học "đang có vấn đề".
Vấn đề gì? Và ở đâu?
Dường như nó bắt đầu vào khoảng đầu những năm 70. Thật ra kể từ khoảng thời gian đó, và cho đến những năm rất gần đây, một vài năm nay, số tác phẩm được viết ra không hề ít hơn trước, nếu không phải là nhiều hơn. Trong số đó, có những tác phẩm không hề thua kém những năm trước, nếu không nói là khá hơn. Đội ngũ sáng tác vẫn phát triển, về số lượng và chất lượng. Cả về đội ngũ lẫn tác phẩm, tình hình vẫn tiến đều, nhìn trên những con số thống kê không thấy có hiện tượng giảm sút… Vậy mà sao cái cảm giác lo lắng kia vẫn ngày càng rõ, càng đậm hơn, trong người đọc, người viết? Đứng trước các quầy sách bây giờ, nhìn những đầu sách mới in ra, nhiều, dày, hình như ta thấy lo nhiều hơn vui. Vì sao?
Có một điều dễ nhận thấy ngay: sách vẫn được viết, được in ra đều, chất lượng ít ra cũng bằng hoặc khá hơn trước, nhưng trong một số năm gần đây rất hiếm hoặc không có những tác phẩm gây nên được những "sự kiện văn học" mới. Sách viết ra, in ra, người ta đọc, rồi nó phào đi, không để lại được những dấu vết sâu sắc, đậm nét trong đời sống tinh thần của xã hội. Cảm giác "có nhiều sách mà không có tác phẩm" là như thế. Người đọc thờ ơ với chính những quyền sách mình vừa đọc, tuy cũng chẳng có gì để chê bai nó. Có một không khí mệt mỏi, lạnh nhạt giữa người viết và người đọc.
Như vậy, chúng tôi nghĩ, phải chăng là tác phẩm vẫn như trước kia hoặc khá hơn một ít, mà trong khi đó đời sống đã thay đổi rất nhiều rồi. Tác phẩm thì vẫn như trước, vẫn "hay" như trước kia nó đã "hay", song hiện thực đã biến đổi khác trước. Phải chăng có những vấn đề mới đã xảy ra, những câu hỏi mới đã phát sinh trong hiện thực, trong khi đó văn học vẫn lặp lại những vấn đề cũ, trả lời những câu hỏi cũ, có thể trả lời khá hay nhưng vẫn là trả lời những câu hỏi mà hiện thực đã vượt qua rồi.
Trong hiện thực xã hội chúng ta, trong cuộc chiến đấu quyết liệt liên tục của đất nước ta, quả thực vào khoảng thời gian từ đầu những năm 70, tình hình đã có những biến đổi mới sâu sắc. Ở miền Nam, như chúng ta đều biết, đây là thời kỳ "Việt Nam hóa chiến tranh", đỉnh cao của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Cuộc chiến tranh trở nên đặc biệt ác liệt, phức tạp, toàn diện hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Chưa bao giờ trên chiến trường miền Nam số quân địch, cả Mỹ ngụy và chư hầu đông bằng lúc này, chưa bao giờ số lượng bom đạn, vũ khí giết người của chúng cao đến thế, chưa bao giờ những thủ đoạn đánh phá của kẻ thù tàn bạo nham hiểm toàn diện bằng, và tất cả đều tập trung đánh thẳng vào người dân, vào cơ sở, vào từng chi bộ, từng thôn xã, từng gia đình, thậm chí từng con người, tức là vào từng tế bào nhỏ nhất của xã hội, làm rung chuyển toàn bộ đời sống xã hội… Đứng về phía ta, thời gian đó chính là đêm trước của một cao trào cách mạng mới, cao trào sẽ bùng nổ trong mùa xuân 1975. Nhưng cũng như thường thấy trong mọi đêm trước của những cao trào, tình hình dường như bỗng trở nên cực kỳ đen tối. Có lúc như bế tắc. Đó là bước chuyển mình dữ dội của đêm tối để chuyển sang bừng sáng…
Ở miền Bắc, đó cũng là một thời gian đặc biệt phức tạp. Địch buộc phải ngừng ném bom, rồi lại ném bom dữ dội hơn; chiến tranh kéo dài; hậu phương lớn phải dốc toàn lực ra cho tiền tuyến lớn chuẩn bị cuộc quyết chiến sau cùng. Mặt khác, trong nền sản xuất, cơ sở của xã hội cũng đã nảy sinh những vấn đề, những mâu thuẫn mới. Quan hệ sản xuất đã được thay đổi, nông thôn đã hợp tác hóa, nhưng việc dừng lại quá lâu trong tình trạng sản xuất nhỏ, mặc dầu đã hợp tác hóa, đã làm phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực, có khi có tính cách tàn phá của nó. Trong xã hội, do chiến tranh và do có vấn đề trong nền kinh tế, đời sống khó khăn, những hiện tượng tiêu cực xuất hiện có lúc khá nghiêm trọng.
Sau năm 1975, tình hình lại có những sự phức tạp khác, trên một mặt nào đó mà nói, còn rộng lớn hơn: những vấn đề dồn lại của một đất nước vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tranh tàn khốc hơn 30 năm, những vấn đề của một công cuộc cải tạo và xây dựng mới rộng lớn chưa từng có; và lập tức bóng đen của một kẻ thù sinh tử mới đã lù lù hiện ra…
Tất nhiên không phải cứ khi hiện thực trở nên đặc biệt khó khăn phức tạp thì văn học dừng lại, tụt lùi. Trái lại mới phải. Chính những lúc đó càng cần đến tiếng nói sáng suốt, tỉnh táo và tin tưởng của văn học. Cũng chính những cảnh huống xã hội đó cho phép văn học trở nên sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. Nhưng vấn đề là ở chỗ chính trong những thời điểm bước ngoặt đó, về phía chủ quan của mình, văn học ta đã bộc lộ một số nhược điểm quan trọng, đồng thời chúng ta cũng đã phạm phải một số thiếu sót trong sự chỉ đạo văn học.
Chính trong thời điểm này, các lực lượng văn học của ta trước nay đã hình thành được một thế bám sâu khá đẹp trên các địa bàn, ở các mũi nhọn của cuộc sống, nay hầu hết đều bị bật ra khỏi các vị trí của mình. Mất liên hệ với đời sống, chúng ta bỗng bối rối, mất phương hướng. Hiện nay có thể nói về cơ bản chúng ta không còn, hoặc có rất ít những lực lượng sáng tác, nhất là những cây bút chủ lực, bám sâu trên các địa bàn xung yếu nữa. Có những  mảng rất lớn và hết sức quan trọng của đời sống, chẳng hạn như mảng đồng bằng sông Cửu Long nơi đang diễn ra cuộc đấu tranh cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức sâu sắc, gay go, độc đáo; hoặc như ở Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược về kinh tế và quân sự; hoặc như ở phía Tây Nam và trong nhiệm vụ quốc tế cao đẹp của chúng ta ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Cămpuchia anh em; hoặc cả trên tiền tuyến phía Bắc… hiện nay gần như hoàn toàn vắng bóng các nhà văn chúng ta, những nhà văn từng có truyền thống xông xáo, bám sâu, lăn lộn tích cực trong đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân. Trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp… hiện nay tình hình cũng không khá hơn mấy… Nói gì thì nói, đó là một tình hình không lành mạnh, không thể bào chữa được, một tình hình đáng báo động. Sự lãnh đạo của chúng ta đã không sớm phát hiện ra tình hình này và kiên quyết, kiên trì sửa đổi nó.
Mặt khác chính đến lúc này đã bộc lộ một chỗ yếu có nguyên nhân lâu dài trong tình hình đội ngũ của chúng ta: đã khá lâu chúng ta không chú trọng đầy đủ việc xây dựng đội ngũ, nhất là lớp nhà văn trẻ. Việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh xã hội của nhà văn bị buông lỏng. Việc học tập nâng cao trình độ mọi mặt của người cầm bút làm không thường xuyên, không có hệ thống, nói chung còn du kích, chắp vá. Một phần do tình hình chiến tranh, một phần do thiếu sót chủ quan của ta, nói chung trong nhiều năm chúng ta không đặt và thực hiện tốt việc xây dựng cơ bản… Cho nên, trước những phức tạp mới của hiện thực, có hiện tượng những người cầm bút chúng ta không đủ sức làm chủ tình hình, không đủ sức phân tích đúng đắn, sáng suốt. Nói gì đến cung cấp cho nó một câu trả lời sáng sủa.
Cả hai mặt đó cộng lại đã sinh ra sự bối rối trong tâm trạng, trong tình cảm, trong sự suy nghĩ của người viết. Cũng có thể nói, có sự giao động. Khi một người cầm bút giao động, ấy là khi anh ta giao động về nhân vật trung tâm của mình, về con người lý tưởng của mình. Khi anh ta bắt đầu nghi ngờ con người ấy trong hiện thực, hoặc ít ra là anh ta bối rối về họ, từ đó mà giảm lòng tin yêu ở họ. Cái lòng tin yêu vốn phải cháy bỏng, niềm khao khát đến cháy bỏng về con người, có cái ấy thì mới bắt đầu có cảm hứng sáng tạo nghệ thuật chân chính, mạnh mẽ. Dĩ nhiên người nghệ sĩ không phải cứ chờ cho đến khi con người trong hiện thực đã thật hoàn hảo, suôn sẻ, khi ở họ cái tốt, cái đẹp đã hiện ra thật lồ lộ, minh bạch… thì mới tin và yêu họ. Nếu vậy thì nói cho cùng còn cần gì đến nghệ thuật và người nghệ sĩ nữa. Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ của nghệ thuật không chỉ là ở chỗ biểu hiện hiện thực như nó đã có, một hiện thực tĩnh tại, mà chính là ở chỗ mô tả hiện thực như là một cái gì có thể thay đổi được và bồi dưỡng lòng tin, sự khát khao mãnh liệt muốn thúc đẩy sự thay đổi ấy. Phải chăng lúc này có hiện tượng không ít phổ biến là người viết vẫn cứ viết mà không thật tin ở chính điều mình viết ra. "Người là muối mà chính người lại không mặn thì biết lấy gì để muối người". Văn học, nói theo một cách nào đấy, là lòng tin. Không có lòng tin lớn thì không bao giờ có thể có văn học lớn.
Nhân đây chúng ta cũng muốn nói rõ: quả là trong thời gian này trong nhiều người viết chúng ta đã có bối rối, giao động, điều ấy đã hạn chế sức chiến đấu của văn học ta nhiều lắm. Hôm nay chúng ta nghiêm khắc nhận rõ thiếu sót đó. Song cũng cần khẳng định rằng: trong văn học ta, ngay ở thời gian này, không có cái gì có thể gọi là "một luồng tà khí", "phản động", "chống Đảng"… như có lúc một số người đã ngộ nhận, càng gây thêm rắc rối. Chúng tôi nghĩ trong hội nghị này chúng ta có thể chính thức báo cáo với Đảng kính yêu của mình như vậy.
Một mặt khác nữa đã góp phần không ít vào tình hình trì trệ này là sự chậm trễ kéo dài, sự thô thiển kéo dài trong công tác lý luận và phê bình văn học. Sự thô thiển trước hết ở một điểm rất cơ bản: ở quan niệm về chức năng của văn học.
Trái với những quan điểm đúng đắn của Đảng, quan niệm này, hoặc có khi được phát biểu chính thức hoặc bàng bạc trong không khí phê bình, lý luận, đánh giá, đã dung tục hóa mối quan hệ giữa hiện thực và văn học. Nó tuyệt đối hóa hiện thực, và kết quả là buộc văn học phải khiếp nhược trước hiện thực, người nghệ sĩ phải khiếp nhược trước đời sống. Như vậy thực chất là nó phủ nhận khả năng cải tạo trở lại hiện thực của con người, của văn học. Nó hạ thấp văn học xuống thành một sự sao chép hiện thực, coi giá trị văn học cao nhất là làm sao cố sao chép cho đúng nguyên hiện thực, có thế thôi. Bởi vì, theo nó, "hiện thực đã tốt, đẹp đến mức không còn gì có thể tốt, đẹp hơn…". Quan niệm không mác-xít đó đã từng biểu hiện chẳng hạn ở chủ trương tuyệt đối hóa thể "người thật việc thật" trong văn học, muốn lấy đó làm dòng chủ đạo, thậm chí dòng duy nhất của văn học ta.
Chúng tôi nghĩ viết người thật việc thật là một chủ trương đúng và tốt. Nó giúp chỉ ra cho văn học một hướng lớn của đời sống, giúp văn học hướng sự chú ý tập trung của mình đến nơi tiền tiến nhất của cuộc chiến đấu. Nhưng tuyệt đối hóa nó thì lại rất sai. Và ngay trong việc viết người thật việc thật cũng cần phải hiểu đúng hơn.
Văn học bắt nguồn từ cuộc sống, thu hút không những nguyên liệu mà cả linh hồn các tác phẩm của mình từ đấy, nhưng đến lượt nó, nếu như nó muốn có ích, muốn phục vụ trở lại cuộc sống, thì nó lại phải sáng tạo ra một cái gì đó khác, mới mẻ, chưa từng có, cao hơn về chất so với cái nguyên liệu cuộc sống đã cung cấp cho nó. Ăn dâu nó phải nhả ra tơ. Nếu nó lại nhả ra những cái lá dâu thì bản thân sự có mặt của nó thành vô nghĩa. Ngay cả những tác phẩm viết về người thật việc thật cũng không thể thoát khỏi cái luật biện chứng của sự sáng tạo đó. Người thật việc thật dẫu đã cao đến mấy, khi đi vào tác phẩm văn học vẫn phải được sáng tạo lại, trở nên cao hơn. Lý do rất đơn giản: chính những con người tốt đẹp của chúng ta vẫn luôn luôn khát khao mong ước tự hoàn thiện mình không ngừng. Vả chăng, điều mà nhà văn muốn phản ánh sinh động trong tác phẩm của mình, nói cho thật đúng ra, không phải là những hiện tượng của hiện thực, mà là những quy luật sâu xa của hiện thực. Người nghệ sĩ luôn luôn có khát vọng muốn nhận ra, chỉ ra bằng những quy luật bí ẩn và đẹp đẽ nào mà cuộc sống lại sáng tạo ra được những điều kỳ diệu đến thế.
Quan niệm thô thiển về mối quan hệ giữa hiện thực và văn học dẫn đến tai hại: Khi trong hiện thực có những sự phức tạp, những mặt đấu tranh phức tạp, thì nhà văn dễ đâm ra hoang mang, mất hết lòng tự tin ở chính nghề nghiệp của mình, chức năng xã hội của mình, và anh ta sẽ đành lòng làm ra một thứ văn chương "phải đạo" nhuốm đầy màu sắc chủ quan.
Quan niệm thô thiển về chức năng của văn học cũng dung tục hóa mối quan hệ giữa văn học và chính trị. Nó tuyệt đối hóa chính trị, tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học, mà quên rằng với tư cách là những hình thái ý thức xã hội, chính trị và văn hóa, qua những sự khúc xạ gần xa khác nhau đều là phản ánh hiện thực đấu tranh xã hội. Chúng tôi nghĩ Đảng không bao giờ đòi hỏi văn học nghệ thuật minh họa chính trị, trái lại Đảng yêu cầu, còn cao hơn nhiều, văn học nghệ thuật với sức mạnh riêng của nó, làm phong phú thêm cho chính trị bằng những khám phá và sáng tạo của riêng mình, không thay thế được…
Có lẽ điều đáng lo hơn cả trong tình hình công tác lý luận, phê bình văn học thô thiển kéo dài, là ở chỗ nó đã tạo nên có thể nói là những định kiến xã hội đơn giản, dung tục đối với văn học, xói mòn năng lực thẩm mỹ của người đọc, mặt khác thấm cả vào chính người cầm bút, xói mòn ý chí sáng tạo, dũng khí sáng tạo nghệ thuật và ý thức trách nhiệm xã hội đúng đắn của nhà văn, tạo nên sự cản trở vừa ở ngoài họ, quanh họ, vừa ở trong chính họ. Phải chăng chính đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến cả những lối làm ăn tệ hại, hết sức đáng trách, thiếu phẩm chất, trong một số người cầm bút mà chúng ta đang hết sức lo lắng.
Một nguyên nhân khác nữa đã hạn chế những thành tựu của văn học ta vừa qua là ở sự chỉ đạo cụ thể đối với sáng tác. Nói chung vừa qua, trong chỉ đạo sáng tác, chúng ta còn dừng lại ở chỉ đạo đề tài, chưa đi sâu vào chỉ đạo chủ đề, hoặc có thì cũng còn khá chung chung. Chỉ đạo đề tài là rất quan trọng. Buông lỏng chỉ đạo đề tài thì sẽ dễ dẫn đến phủ nhận chức năng xã hội của văn học. Đánh đồng tất cả các đề tài tức là phủ nhận sự cần thiết văn học phải luôn luôn hướng vào những mũi nhọn nhất của đời sống và như vậy cũng không thể nhận ra đúng đắn, sâu sắc những chủ đề lớn, những nội dung lớn của đời sống. Song, nhất là khi trong hiện thực diễn ra những biến động sâu, mạnh, phức tạp, thì việc chỉ đạo chủ đề càng có ý nghĩa quyết định. Chỉ đạo chủ đề tức là giúp cho người nghệ sĩ sớm nhận ra cái cốt lõi bên trong của sự vận động của hiện thực, mò ra quy luật của nó, từ đó, dưới cái vỏ biểu hiện bên ngoài là đề tài, có thể mô tả nó không hời hợt, không hình thức, không bối rối…

***

Hôm nay, trong hội nghị này, chúng ta muốn nghiêm khắc nhìn lại những thiếu sót trên đây của văn học ta vừa qua, là để, với tư cách là những người cầm bút của Đảng, tức là những người vừa là những người chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn học, vừa là bộ phận tham mưu của Đảng trên mặt trận này. Chúng ta nhận rõ hơn trách nhiệm của mình, cố gắng cùng nhau khắc phục những thiếu sót đó, đưa văn học ta tiến lên ngày càng ngang tầm nhiệm vụ của nó.


II
VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CỦA VĂN HỌC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Từ sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới. Kết thúc vẻ vang quá trình lâu dài đấu tranh giải phóng dân tộc, chúng ta chuyển sang thời kỳ lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Đặc điểm lớn nhất của giai đoạn cách mạng này là: "… nước ta đang ở trong quá trình từ một xã hội mà nền kinh tế còn phổ biến là sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa". Đặc điểm lớn nhất ấy "nói lên thực chất của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và quy định nội dung chủ yếu của quá trình đó". (Nghị quyết Đại hội IV).
Từ mùa xuân 1975 đến nay, thêm 4 năm đã trôi qua. Trong 4 năm ấy, lại đã có những biến động mới to lớn trong tình hình chung, trong đó quan trọng hơn cả là sự xuất hiện, trong thời kỳ được gọi là "thời kỳ sau Việt Nam", một kẻ thù mới của cách mạng thế giới, kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta. Đó là chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc Trung Quốc. Trong 4 năm, chúng đã tiến hành hai cuộc chiến tranh xâm lược nước ta ở biên giới phía Tây Nam và ở biên giới phía Bắc. Mặc dầu bị thất bại nhục nhã, song âm mưu cơ bản của chúng là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta vẫn chưa hề thay đổi. Chừng nào ở Trung Quốc vẫn còn ban lãnh đạo theo chính sách bá quyền, bành trướng thì nguy cơ chiến tranh trực tiếp đối với nước ta vẫn còn nguyên vẹn. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta còn lâu dài, gian khổ, phức tạp… Đó là một đặc điểm lớn nữa của tình hình nước ta hiện nay.
Hai đặc điểm lớn trên đây đang chi phối toàn bộ quá trình vận động xã hội Việt Nam chúng ta trong cả thời kỳ lịch sử này. Đứng ở trung tâm của cuộc vận động xã hội mới, lại cũng rất quyết liệt, khẩn trương, phức tạp này, là con người Việt Nam của thời kỳ mới.
Nói về phương hướng nội dung của văn học trong thời kỳ mới hiện nay, chúng tôi muốn trước hết tập trung sự suy nghĩ phân tích của chúng ta vào con người ấy, nhân vật trung tâm của nền văn học mới, đối tượng thể hiện và đối tượng phục vụ của văn học ta hiện nay. Chúng ta muốn cố gắng từng bước nhận ra diện mạo tinh thần mới của họ, ước đoán ra khuôn mặt mới mẻ hấp dẫn của họ, và hơn thế nữa chúng ta muốn hình dung cuộc đấu tranh vận động tiến lên mới chắc hẳn là rất khó khăn mà rất đẹp đẽ của họ, bởi vì khát vọng tha thiết của chúng ta, người cầm bút chính là được tham gia vào cuộc đấu tranh đó, góp thêm một tiếng nói trợ lực, một sức mạnh dù là nhỏ giúp họ đi tới, giúp họ sớm tự hình thành, tự định hình, tự khẳng định.
Con người mới ấy, như Đảng đã chỉ rõ, sẽ là kết quả tổng hợp của cả 3 cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa. Đảng cũng đã sớm chỉ ra cho chúng ta hình dạng tinh thần tổng quát của con người mới ấy: đó là con người lao động Việt Nam làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa.
Ở đây, có sự khám phá, sự sáng tạo lớn của Đảng ta.
Như chúng ta đều biết, làm chủ, đó vấn đề lâu dài, là cuộc đấu tranh vật lộn lâu dài của con người. Quả vậy, trong những buổi ban đầu hoang sơ, vừa bước ra khỏi tình trạng thú vật, con người sống trong những bầy đàn. Đó là một cái số đông vô danh, trong ấy chưa phân rõ những cá thể riêng biệt. Song chính ngay từ buổi hoang muội đó, con người đã bắt đầu có cái yêu cầu tự nhận ra mình, tự phân biệt mình với thế giới chung quanh, tự phản ánh mình, tìm ra, hiểu ra hình ảnh của chính mình, nhận ra những năng lực, những khả năng, sức mạnh của chính mình, khẳng định mình trên những vật mà con người tác động đến, bằng lao động của mình. Cái yêu cầu tự phân biệt, tự khẳng định mình đó là một yêu cầu bức thiết, có tính người, ngay từ buổi đầu và sẽ diễn ra trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của con người. Cái yêu cầu tự khẳng định, tự giải phóng mãi mãi những năng lực vô tận của chính mình, làm chủ số phận của mình ngày càng cao hơn, chính cái yêu cầu vĩnh viễn đó đã thúc đẩy con người mãi mãi tiến lên.
Song cũng từ đây đã bắt đầu tấn "bi kịch" kéo dài hàng nghìn, hàng vạn năm của lịch sử con người. Do những hạn chế lịch sử nhất định, cứ mỗi bước con người tiến lên tự khẳng định mình thêm một nấc, mạnh hơn, rõ hơn, sâu hơn thì đồng thời cũng là thêm một bước nó đối lập trở lại gay gắt hơn với cái bầy đàn ngày xưa của nó, với đồng loại của nó. Mỗi một bước có thể được giải phóng ra là thêm một bước nó đối lập lại với tập thể, với số đông, với xã hội sâu sắc: "Lịch sử loài người từ khi có giai cấp là lịch sử mà mỗi bước tiến là một bước lùi tương đối" (Engels). Tiến lên một bước trên con đường trở nên người hơn thì đồng thời nó cũng bị tha hóa đi thêm một phần, mất tính người bớt đi một phần. Lịch sử con người từ hàng nghìn, hàng vạn năm nay, theo một cách nào đó, cũng có thể nói là lịch sử một cuộc đấu tranh lâu dài ngày càng gay gắt, quyết liệt với chính đồng loại của nó, cuộc đấu tranh lâu dài của cá thể với số đông, của mỗi con người với toàn xã hội… Cho đến cuộc cách mạng tư sản thì sự khẳng định cá nhân con người trở nên quyết liệt nhất, sự "giải phóng", "làm chủ" của cá nhân trở nên cực đoan nhất, và sự đối lập của cá nhân với xã hội cũng trở nên triệt để nhất, mỗi một cá nhân đối lập quyết liệt, triệt để với toàn xã hội. Và tấn bi kịch kéo dài suốt lịch sử đến đây trở nên thảm khốc hơn bao giờ hết. Khi cá nhân tự khẳng định, tự "giải phóng" mình đến cực đoan nhất đó, chưa bao giờ con người tự thấy năng lực của nó to lớn đến thế, chưa bao giờ nó làm chủ được những lực lượng vật chất khổng lồ đến thế thì đồng thời nó cũng trở nên bơ vơ, cô đơn nhất. Sự tha hóa của con người đạt đến mức cùng cực. Cuối cùng nó rơi vào trong cái vực thẳm của chính nó. Chúng ta đã từng thấy tình trạng bi đát cùng cực này được phản ánh như thế nào trong nền văn học tư sản, dưới mọi màu sắc. Đó là tình trạng của con người trong cái đêm trước của buổi bình mình chủ nghĩa xã hội.
     Bước lên vũ đài lịch sử, một trong nhiệm vụ to lớn và đẹp đẽ nhất của chủ nghĩa xã hội, chính là giả quyết tấn “bi kịch” lịch sử lâu dài đó, khôi phục mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và xã hội, xây dựng một xã hội trong đó cá nhân không phải là một đơn vị vô danh, mù mờ, không màu sắc; trái lại mỗi cá nhân đều long lanh những sắc màu riêng độc đáo nhất, sự tự do phát triển và do đó năng lực sáng tạo to lớn của mỗi cá nhân đều đạt đến chỗ cao nhất. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thật sự là chủ nghĩa xã hội chân chính nếu nó đảm bảo sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi cá nhân. Và mỗi một con người chỉ thật sự là con người xã hội chủ nghĩa khi được phát triển đến cao nhất bản sắc của riêng nó, nó lại hòa hợp với toàn xã hội ở mức độ rất cao. Có thể nói đây là lần đầu tiên, sau hàng nghìn, hàng vạn năm, con người lại trở lại với cái gốc của nó, và trong cuộc tái ngộ kỳ diệu này, cả hai, xã hội và con người, đều đã lớn vượt hẳn lên, mạnh mẽ và đẹp đẽ biết bao nhiêu. Toàn xã hội đều phát triển đến mức cao nhất, ở đó không còn sự đối lập lâu đời giữa cá nhân và xã hội, ở đó sự làm chủ của từng con người là một bộ phận, một điều kiện, một thành phần tất yếu của sự làm chủ của toàn xã hội. Ở đó lịch sử con người tiến lên mà không còn có bước lùi tương đối nào nữa. Xã hội, có thể nói, lần đầu tiên thực sự là xã hội loài người. Đó là một bài toán cực kỳ khó khăn, cũng cực kỳ lý thú, đẹp đẽ mà chủ nghĩa xã hội phải trả lời. Nhìn từ góc độ ấy chúng ta dễ nhận rõ cuộc đấu tranh xây dựng con người trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa về cơ bản là cuộc đấu tranh xây dựng mối quan hệ mới về chất giữa cá nhân và xã hội, từng con người và tập thể.
Bài toán đó, tất nhiên, cũng đặt ra đối với chúng ta khi chúng ta bước vào chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm riêng của đất nước ta. Từ sản xuất nhỏ đi thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, chúng ta đang giải đáp bài toán này như thế nào?
Bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa chúng ta "bỏ qua", chúng ta tránh cho con người chúng ta phải rơi vào tấn thảm kịch mà xã hội tư sản đã lâm vào. Song, cái công việc khẳng định toàn diện của cá nhân, phát triển đến cao nhất mọi năng lực của mỗi con người, giải phóng mọi sức mạnh và cá tính sáng tạo phong phú, độc đáo của từng con người, thì từ con người của nền sản xuất nhỏ đi lên phải chăng chúng ta nhất thiết phải làm, hơn nữa phải làm rất mạnh, rất nhiều, rất toàn diện. Đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa, tất nhiên xã hội ta cũng phải giải quyết mối quan hệ rất cơ bản đó. Nhưng bài toán ở đây cũng có chỗ khác hơn. Chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình có một đặc điểm lớn nhất là: từ một nền sản xuất nhỏ − nền sản xuất của một nước vừa thoát ra khỏi chế độ phong kiến và nửa thuộc địa, vừa thoát ra khỏi một cuộc chiến tranh hết sức ác liệt, lâu dài − chúng ta tiến thẳng lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Tận dụng những điều kiện của thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản chúng ta bỏ qua cả một giai đoạn lịch sử, cả một chế độ xã hội. Đó là một hạnh phúc lớn của dân tộc ta. Song cũng chính vì vậy mà có thể nói, ngày nay chúng ta phải làm, trong một cuộc cách mạng, nội dung của cả hai cuộc cách mạng gộp lại. Cụ thể là chúng ta phải xây dựng cho kỳ được một nền sản xuất lớn và lại là một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Về phương diện con người, sự "bỏ qua" này là như thế nào? Chúng tôi nghĩ phải chăng đó là bài toán lớn mà chúng ta phải giải đáp. Phải chăng vấn đề chủ yếu là ở chỗ: từ những con người của một nền sản xuất nhỏ, tức là những con người mà năng lực làm chủ còn hết sức hạn chế, phương thức làm chủ và do đó ý thức làm chủ, trách nhiệm làm chủ còn rất nhỏ hẹp, phân tán, rời rạc, con người vốn chỉ quen sống và lao động trong những tập thể nhỏ bé, yếu ớt, mới chỉ quen ý thức được vị trí của nó trong những phạm vi hạn chế, rời rạc, cô lập lẫn nhau đó…, chúng ta phải vượt lên xây dựng con người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tức là những con người của một nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chiếm lĩnh được những năng lực làm chủ to lớn mạnh mẽ, có ý thức về vị trí của mình trong cả một nền sản xuất đã xã hội hóa cao.
Như chúng ta đều biết, xu hướng tự phát của nền sản xuất nhỏ là phát triển lên chủ nghĩa tư bản. Chính cái xu hướng tự phát đó đã từng kích thích ghê gớm niềm háo hức của con người phát triển dữ dội những năng lực của riêng mình, đặng chiếm lĩnh về mình tất cả thế giới chung quanh, đã từng kích thích niềm say mê đến tàn bạo của con người chiếm đoạt tất cả, tất cả cho riêng mình, cho cái cá nhân ích kỷ đến tuyệt đối của mình. Nó đã từng kích thích ghê gớm cái "tinh thần trách nhiệm" cá nhân muốn lao lên làm chủ tất cả vì cá nhân… Và, cũng éo le thay, khi cái mục đích của sự chiếm đoạt, sự làm chủ ấy − tức là làm chủ cho riêng cá nhân mình − không còn, không đạt được, thì tất cả, niềm say mê và trách nhiệm, bỗng đổ sụp. Tất cả chỉ còn là một sự uể oải nặng nề, một sự thờ ơ lạnh nhạt…
Vấn đề của chúng ta ngày nay phải chăng là ở chỗ thay đổi về chất niềm say mê ấy bằng việc thay đổi về cơ bản mục tiêu của nó, chứ tuyệt đối không phải là xóa bỏ nó đi. Vấn đề của chúng ta ngày nay là kích thích niềm khao khát của con người tự phát triển năng lực sáng tạo cá nhân của mình đến cao nhất, để chiếm đoạt toàn bộ thế giới chung quanh, làm chủ nó, cho tất cả, cho xã hội, cho mọi người. Chứ không phải là xóa bỏ niềm khát khao tự phát triển năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân đi, tạo nên một thú tập thể vô danh, nặng nề, đồng loạt và do đó, yếu đuối. Tập thể mà sinh động, tập thể mà tinh nhuệ.
Như chúng ta đã có thể thấy trong thực tiễn, đó là một công việc cực kỳ khó khăn, bởi vì chúng ta phải xây dựng nên những con người thật là mới, vừa là kế tục cuộc đấu tranh vất vả tiến lên lâu dài của con người, vừa cũng là chưa từng có, con người thật sự được giải phóng, thật sự hạnh phúc. Đó cũng chính là thực chất chủ nghĩa nhân văn cộng sản chủ nghĩa của chúng ta.
Sự vận động của lịch sử cũng thật kỳ lạ. Nó đã đưa chúng ta, trong cuộc đấu tranh đầy tính nhân đạo cộng sản này, đến giáp mặt với một kẻ thù mới như là kẻ đối lập tuyệt đối của lý tưởng chúng ta: ấy là bọn phản động bành trướng đại dân tộc Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà, một lần nữa, chúng ta lại gọi cuộc giáp mặt này là một cuộc đụng đầu lịch sử. Những gì đã diễn ra ở Cămpuchia trong 3 năm dưới sự thống trị của bọn Pônpốt −Iêngxari, tay sai của bọn cầm quyền Bắc Kinh, đã làm bộc lộ khá rõ thực chất của chủ nghĩa Mao, cái lý tưởng xã hội kỳ quặc và khủng khiếp của nó. Cái xã hội mà chúng lập nên ở Cămpuchia là một hình ảnh điển hình, một mô hình khá toàn diện và đầy đủ của chủ nghĩa Mao. Cốt lõi của cái kiểu "xã hội" ấy là sự thủ tiêu chính xã hội; thủ tiêu con người với tư cách sơ đẳng nhất là con người, thủ tiêu triệt để mọi quan hệ xã hội của con người cho đến những quan hệ sơ đẳng nhất, phá vỡ tận gốc mọi quan hệ xã hội mà con người đã xây dựng được trong suốt lịch sử tiến lên hàng vạn năm của mình, đẩy lùi con người trở lại tình trạng bầy đàn tăm tối nhất. Trong cái gọi là xã hội ấy thực chất không còn có xã hội, trong cái gọi là chủ nghĩa tập thể ấy thực chất không còn có tập thể của những con người, chỉ còn có số đông vô danh, vô thức, vô tri. Ở đấy con người hoàn toàn bị mất đi, thậm chí đến một cái dấu hiệu, một tín hiệu nhỏ nhoi nhất về con người cũng không còn. Cứ theo cái đà ấy có lẽ không lâu lắm nữa đâu, ngôn ngữ của con người cũng sẽ biến mất đi nốt. Điều rất đáng suy nghĩ ở Cămpuchia là, ngay giữa thế giới hiện đại này, giữa thế kỷ 20 này, mà chỉ trong 3 năm thôi, chủ nghĩa Mao đã có thể gây ra một tai họa khủng khiếp đến thế trên một đất nước có truyền thống văn minh lâu đời và huy hoàng đến thế, một thảm họa chưa từng có trong lịch sử. Rõ ràng có một mối họa lớn và thực tế đang đe dọa loài người, chính ngay trên ngưỡng cửa của giai đoạn giải phóng cao nhất của nó, giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa.
Điều đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta là chính tấm gương phản diện khủng khiếp chủ nghĩa Mao lại càng làm sáng tỏ con đường cách mạng sáng ngời của chúng ta, và riêng trên lĩnh vực con người, càng làm sáng tỏ quan điểm và con đường đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta về xây dựng xã hội mới, con người mới. Con người làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của chúng ta là đối lập triệt để với cái lối con người tăm tối vô danh man dại kiểu Mao.
Cho nên, nếu suốt trong các quá trình cách mạng liên tục của chúng ta nhiệm vụ xây dựng con người bao giờ cũng mang ý nghĩa chiến đấu, qua chiến đấu mà xây dựng con người và xây dựng con người để ngang tầm với nhiệm vụ chiến đấu từng lúc, thì lần này ý nghĩa ấy càng hết sức rõ rệt, sâu sắc. Bởi vì lần này cuộc đấu tranh quyết liệt lâu dài chống bọn ngoại xâm phương Bắc lại cũng chính là cuộc đấu tranh để bảo vệ lấy con đường cách mạng đúng đắn của chúng ta, bảo vệ chính cái cốt lõi thiêng liêng của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ và khẳng định cách sống Việt Nam, con người mới Việt Nam.
Trên đây chúng ta đã cố gắng phân tích một số nét chủ yếu trong nội dung cuộc đấu tranh mới, cuộc vận động cách mạng mới đang diễn ra trên đất nước ta ngày nay. Đó cũng chính là phương hướng nội dung của văn học ta trong thời kỳ mới, hoặc cũng có thể nói, những mục tiêu chiến đấu quan trọng của văn học ta ngày nay. Rõ ràng so với trước, nội dung văn học đang đòi có một sự phát triển mới, văn học đứng trước những nhiệm vụ mới, sâu hơn, cao hơn, cũng có thể nói, bản chất hơn.
Chúng tôi nghĩ điều này sẽ chi phối toàn bộ các mặt chủ trương và công tác khác của văn học ta hiện nay.

***

Nhận thức về phương hướng nội dung của văn học trong thời kỳ mới như trên, chúng tôi nghĩ, để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, có lẽ cũng còn có một số điểm chúng ta cần bàn bạc, làm sáng tỏ ra thêm về chức năng của văn học trong đời sống, trong cuộc chiến đấu chung. Trước đây đã nhiều lần chúng ta thảo luận về vấn đề này và đã cùng nhau xác định một số chức năng chủ yếu của văn học như chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ, v.v… Bây giờ chúng ta muốn cố gắng tìm hiểu sâu thêm một ít nữa vấn đề này.
Thực tế đời sống đã cho thấy rằng nhu cầu văn học nghệ thuật quả thực là một nhu cầu không thể thiếu được của con người, thậm chí có thể coi đó như một trong những điều kiện tồn tại của con người. Con người càng phát triển cao thì nhu cầu về điều kiện tồn tại này càng lớn, càng bức thiết. Vì sao vậy?
Như chúng ta đều biết: văn học phản ánh đời sống. Song vấn đề ở đây là nó phản ánh cái gì vậy trong đời sống, mà đến nỗi sự có mặt của nó lại cần thiết, bức thiết như thế đối với con người? Chúng tôi nghĩ văn học phản ánh đời sống, song cái mà nó sao chép lại, cái mà nó "bắt chước" (nếu có thể nói như vậy) không phải là chính đời sống ấy. Cái mà nó bắc chước là sự sáng tạo ra đời sống. Nó luôn luôn cố gắng tìm học lấy bằng những cách thức nào, bằng những quy luật kỳ diệu nào mà đời sống đã được sáng tạo ra đẹp đẽ lạ lùng như vậy. Cái mà văn học cố gắng phản ánh chính là sự sáng tạo ra đời sống, chứ không phải chính đời sống như thường đã bị hiểu nhầm. Học lấy những cách thức, những quy luật tuyệt diệu do đó mà đời sống đã được sáng tạo nên, nương theo những quy luật ấy, trong những tác phẩm của mình, nhà văn lại sáng tạo ra một thế giới khác tương đương với thế giới có thực bên ngoài.
Cho nên, có thể nói, chức năng tập trung nhất của văn học, tác dụng cuối cùng và độc đáo của nó là như một tấm gương sáng về sự sáng tạo, nó kích thích ở con người sự sáng tạo, niềm khát khao sáng tạo, ý chí sáng tạo. Nó giúp cho con người tự giải phóng những năng lực sáng tạo vô tận của mình.
Nếu chúng ta nhất trí rằng cái cốt lõi của chủ nghĩa làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là giải phóng đến cao nhất mọi năng lực sáng tạo độc đáo của từng con người gắn liền với toàn xã hội, thì phải chăng chính đến lúc này đây, văn học, hơn bao giờ hết, vừa có điều kiện vừa phải đi sâu hơn cả, đi đúng hơn cả vào chức năng của nó. Tự bản thân nó phải thật sự làm chủ, thật sự sáng tạo, mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm đều phải thật sự có sự tìm tòi công phu, sâu sắc, đều phải độc đáo sáng tạo.
Nhận thức này rất cao đối với văn học ta ngày nay, liền đặt ra một loạt những yêu cầu nhiều mặt mà văn học phải phấn đấu đáp ứng. Trong đó có lẽ rất quan trọng là yêu cầu đối với người nghệ sĩ - nhà văn. Rõ ràng nhà văn phải là người làm chủ, người sáng tạo. Phải từ bỏ có lẽ trước hết là mọi thái độ thụ động, bị động trước cuộc sống. Phải phấn đấu rất cao, không ngừng để tự mình chiếm lĩnh những năng lực làm chủ ngày càng lớn. Phải gắn mình với toàn bộ cuộc đấu tranh xã hội. Phải xác định vững chắc trách nhiệm làm chủ mạnh mẽ của mình.

***

Trên đây chúng ta đã phân tích một số điểm chủ yếu về phương hướng, nội dung, nhiệm vụ của văn học ta hiện này.
Để thực hiện tốt những phương hướng ấy, vấn đề rất quan trọng phải giải quyết là vấn đề lực lượng, vấn đề đội ngũ của chúng ta.
Bước vào cuộc chiến đấu mới ngày nay, chúng ta đã có một đội ngũ văn học khá đông đảo, khá từng trải, được rèn luyện, nhiều kinh nghiệm, gồm nhiều thế hệ nối tiếp.
Chúng ta có một lực lượng rất quý những nhà văn đã cầm bút từ trước cách mạng tháng Tám, đã đi suốt cùng cuộc chiến đấu quyết liệt gian khổ của Đảng của nhân dân mấy mươi năm qua, vừa rèn luyện mình trong cuộc chiến đấu ấy vừa tích cực tham gia cuộc chiến đấu đó bằng nhiều sáng tác, hoạt động văn học và hoạt động xã hội của mình, đã góp phần quan trọng dìu dắt, đào tạo những thế hệ tiếp sau. Một số trong những nhà văn ấy đến nay vẫn còn sung sức sáng tạo.
Chúng ta có lực lượng những nhà văn được hình thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đã là đội ngũ chủ lực của thời kỳ văn học chống Mỹ cứu nước, có đóng góp quan trọng.
Chúng ta có lực lượng đông đảo những nhà văn trẻ bắt đầu cầm bút từ giữa những năm đánh Mỹ ác liệt, đang là lực lượng hoạt động nhất của văn học ta hiện nay.
Gánh vác những nhiệm vụ mới ngày nay của nền văn học, chúng ta có cả 3 thế hệ đó, mỗi thế hệ đều có những chỗ mạnh riêng của mình, đều có vị trí độc đáo của mình.
Vấn đề chúng ta muốn đề cập ở đây hôm nay là, đứng trước nhiệm vụ mới, trong đội ngũ đông đảo của chúng ta, chúng ta muốn cùng nhau xác định lực lượng nào sẽ phải là lực lượng trung tâm chịu trách nhiệm lớn nhất, đồng thời cũng có nhiều điều kiện, nhiều khả năng hơn cả giải quyết những nội dung mới của cuộc chiến đấu trên mặt trận văn học mà chúng ta đã phân tích trên kia.
Mỗi một giai đoạn cách mạng, bao giờ cũng vậy, lại làm xuất hiện những lực lượng mới từ vai trò trung tâm giải quyết những nhiệm vụ mới của giai đoạn ấy. Mỗi một giai đoạn văn học cũng vậy. Trong giai đoạn mới này của văn học ta, chúng tôi nghĩ, lực lượng trung tâm đó phải là lực lượng mà ta thường gọi là lực lượng các nhà văn trẻ, lực lượng các nhà văn hình thành chủ yếu từ cuộc chống Mỹ cứu nước. Lực lượng ấy phải tiến lên trở thành đội ngũ chủ lực của giai đoạn văn học mới này. Tất nhiên như vậy tuyệt nhiên không hề có nghĩa là chúng ta phủ nhận, loại bỏ vị trí của tất cả những người cầm bút khác. Rất có thể nhiều nhà văn thuộc các lớp trước sẽ sáng tạo nên những tác phẩm xuất sắc nhất của mình trong chính những năm tháng hiện nay và sắp tới. Song những vấn đề của hôm nay, cùng tất nhiên, dẫu sao chính những người đang sống ở trung tâm của cuộc sống hôm nay mới có đầy đủ nhất những điều kiện để giải quyết tốt nhất.
Cho nên chúng ta muốn cố gắng phân tích kỹ hơn chính những điều kiện đó.
Có lẽ một trong những đặc điểm cũng là một chỗ mạnh quan trọng của lực lượng này là, khác các thế hệ trước, nói chung họ sinh ra hoặc bước vào đời sau Cách mạng tháng Tám, cuộc đời của họ nói chung hoàn toàn thuộc về chế độ mới, chính họ là thành quả của cách mạng, những vấn đề của cuộc đời họ là những vấn đề của chính thực thế cách mạng vài chục năm nay như có người nói rất đúng "họ là con đẻ của Đảng, do Đảng dứt ruột đẻ ra". Tuổi trẻ của họ, hay là sự chuẩn bị của họ chính là trường học lớn và dữ dội của cuộc chống Mỹ cứu nước. Và điều quan trọng hơn nữa, ngày nay họ đang là người đương thời trực tiếp của cuộc chiến đấu mới hôm nay. Họ đang ở trung tâm cuộc chiến đấu hôm nay. Những vấn đề đang đặt ra ở trung tâm cuộc chiến đấu hôm nay đang đặt ra cho chính họ, ở đúng cái tuổi trưởng thành và sung sức nhất của họ. Hơn ai hết họ có điều kiện nghe rõ hơn, tập trung hơn những câu hỏi bức thiết của cuộc sống bây giờ, bởi vì, cũng giản đơn thôi, những câu hỏi ấy trước hết là hỏi họ. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ư, chính họ phải cầm súng. Đổ máu ư? Chính là máu của họ. Xây dựng ư? Chính bàn tay họ phải làm, mồ hôi họ phải đổ! Xây dựng con người mới làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ư? Chính họ phải trước hết trở nên những con người như vậy…
Nói những điều trên đây, chúng tôi nghĩ, trước hết chúng ta muốn nói lực lượng các nhà văn trẻ chúng ta hiện nay phải có ý thức đầy đủ về vị trí và nhiệm vụ lịch sử ấy của mình, từ đó mà có trách nhiệm đầy đủ với vị trí và nhiệm vụ đó. Họ phải làm chủ.
Và từ đó họ phải đối chiếu mình với nhiệm vụ, phấn đấu rất cao tự xây dựng mình cho ngang tầm với nhiệm vụ ấy.
Rõ ràng hiện nay so với tầm cỡ nhiệm vụ mới đó, lực lượng sẽ là lực lượng chủ lực của chúng ta có rất nhiều chỗ còn bất cập.
Từ sau mùa xuân 1975, cũng như các lực lượng khác, nói chung họ cũng bật ra khỏi các mũi nhọn của đời sống. Họ cũng đã rời các địa bàn xung yếu của cuộc chiến đấu. Cho nên là những lực lượng mới nhưng chưa chắc họ đã nghe được đúng được thấu những câu hỏi mới của cuộc sống. Trở lại ngay các mũi nhọn đời sống quả là một việc cấp bách.
Mặt khác do khuyết điểm kéo dài nhiều năm của chúng ta trong việc chăm lo đào tạo bồi dưỡng thế hệ nhà văn trẻ, nên ngày nay khoảng cách giữa trình độ các mặt của anh chị em, trình độ chính trị, văn hóa, kiến thức chung, nghề nghiệp… so với nội dung của nhiệm vụ mới còn khá xa. Khoảng cách này có thể nói có lúc đã đến mức báo động, và đòi hỏi một nỗ lực rất lớn, kiên quyết, kiên trì mới giải quyết được.
Còn một vấn đề khác nữa, có lẽ là đáng lo nhất chăng trong đội ngũ trẻ. Đó là vấn đề tư cách xã hội, ý thức trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong một số không ít anh chị em. Do chưa nhận rõ ra nội dung mới của cuộc đấu tranh, nhiệm vụ mới mà thế hệ mình phải đảm nhiệm, nên việc tu dưỡng rèn luyện phẩm cách của người nghệ sĩ cách mạng có bị xao lãng, hoặc không có phương hướng đúng đắn, rõ rệt…
Phải chịu trách nhiệm về những hạn chế không nhỏ trên đây, chúng tôi nghĩ, vừa có phần là của chính từng anh chị em trong đội ngũ trẻ, vừa có phần quan trọng là ở những người lãnh đạo chúng ta.
Chúng ta nhất thiết phải phấn đấu khắc phục và nhất định sẽ khắc phục được, tạo nên một sinh khí mới trong nền văn học chúng ta.
Nguồn: Tài liệu gốc là bản in stencil (đánh máy trên giấy nến rồi lăn ru-lô in thành nhiều bản) của Văn phòng Hội Nhà Văn Việt Nam. Nhà nghiên cứu Từ Sơn (Nguyễn Đức Dũng) giữ được một bản gốc nói trên. Bản đánh máy vi tính trên này là theo bản gốc do ông Từ Sơn cung cấp. Sau đó người sưu tầm (Lại Nguyên Ân) gửi qua email văn bản này cho nhà văn Nguyên Ngọc, (người đã viết bản đề dẫn này và đọc tại hội nghị nhà văn đảng viên năm 1979) đề nghị anh Ngọc xem lại, lưu ý có những chỗ bản đánh máy cũ có sai sót; lại cũng đề nghị anh Ngọc cho vài dữ liệu về xuất xứ tài liệu này. Thư trả lời dưới đây. (Trong bản gửi lại, những chỗ tô màu đỏ là anh Ngọc đã sửa so với bản anh Từ Sơn đang giữ).
Thư ghi chú cuả Nguyên Ngọc, 31 Mars 2008:
“Ân thân mến,
Rất cảm ơn Ân đã tìm lại được tài liệu này. Đọc lại rất hay, nhưng cũng rất buồn cười, nhiều chỗ hồi ấy mình còn cứng quá chừng! Mình sửa lại những chỗ đánh máy sai, có nhiều đoạn người đánh máy (bản hồi ấy) đã đánh nhầm từ đoạn này sang đoạn khác, mình đã cố tìm cách khôi phục lại. Tuyệt đối không thêm gì vào so với tư duy hồi ấy.
Mình vừa hỏi lại Bùi Minh Quốc. Hội nghị đảng viên diễn ra trong ba ngày từ 10 đến 12-3-1979. Khi viết Đề dẫn chỉ có mình viết, không có tập thể nào. Thỉnh thoảng Nguyễn Khải có tạt qua và trao đổi
một số ý  kiến. Với Đảng đoàn mình cũng chỉ báo cáo những ý chính chứ không chính thức thông qua Đảng đoàn toàn văn báo cáo.
Nguyên Ngọc”