Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

BỐN MƯƠI NĂM THƠ HẢI NGOẠI (3)

Chương 3

BI KỊCH CHIẾN TRANH

Nguyễn Đức Tùng

- Ông có con không?

- Có.

- Ông có con trai không?

- Chúng tôi có một đứa con trai và chúng tôi có đứa một con gái.

- Chú bé bao nhiêu tuổi?

- Cỡ bằng tuổi cháu. Có lẽ lớn hơn một ít.

- Mà ông không ăn thịt chúng?

- Không.

- Ông không ăn thịt người.

- Không, chúng tôi không ăn thịt người.

- Vậy cháu đi theo ông được chứ?

- Được. Cháu đi theo ta.

(Cormac McCarthy, tiểu thuyết Con đường) (*)

Người Việt Nam giã từ vũ khí nhưng không vĩnh biệt chiến tranh.

Có hai lý do: cuộc xung đột hai mươi năm chưa bao giờ được các bên tham dự giải quyết xong về mặt lý thuyết. Những tranh cãi không nguội đi, các khác biệt chưa giảm bớt, nguyên nhân là tồn tại những quan điểm khác nhau về ý nghĩa của chiến tranh. Căn nhà của dân tộc như bị ma ám. Thứ hai, cuộc chiến tàn khốc và kéo dài, vinh quang và nhục nhã, quá cay đắng và hào hùng, quá mất mát, hiểu lầm, hối tiếc. Vết thương ấy đã sống quá lâu. Nó không cam lòng chết đi.

Người Việt chúng ta, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra hải ngoại, từ Đông Âu qua Bắc Mỹ, đã trở nên khác nhau. Giả thiết một khi sự xung đột không còn gay gắt, câu hỏi về hóa giải quá khứ được đặt ra nghiêm cẩn hơn và giải quyết đúng đắn hơn, thì dân tộc vẫn cần cùng nhau nhớ lại. Nhà thơ và người đọc vẫn sẽ còn đi lại con đường cũ của chiến tranh nhiều lần, bằng trí nhớ, trí tưởng tượng, soi chiếu những góc khuất tối, giúp suy nghĩ và đánh giá các thương tổn, mở những thu xếp tương lai. Đi dọc con đường mòn trở lại chiến trường cũ, tất họ sẽ gặp:

Một người lính miền Bắc.

Đứng lại!...
Hắn vẫn chạy trước tôi vài buớc
cái thằng lính bảo an non choẹt
chính cái thằng bắn sượt thái dương tôi
ngón tay tôi căng thẳng trên nấc cò
băng đạn AK va vào tôi tấm tức
chỉ cần nửa tích tắc
không, một phần mười tích tắc thôi
ngón tay tôi khẽ nhích nửa ly
thì hắn không được làm người nữa
- Đứng lại!...
Hắn vẫn cắm cổ chạy
tôi vẫn lăm lăm khẩu súng rượt theo
đuổi bắt
thật vất vả hơn nhiều
so với ấn nấc cò một phần mười tích tắc

Đó là Nguyễn Duy, đang đuổi theo rất gấp một “kẻ thù của dân tộc”.

Và một người lính miền Nam.

Thương cho em mười lăm

Em cũng quê Hà Nội

Em gọi ta bằng ông

Ờ, ta đã có cháu

Đó là Cao Tiêu, đang đối diện một tù binh, từ Hà Nội, cùng quê với ông.

Một người chạy gấp gáp, băng đạn đập cả vào mình, còn một người có lẽ đang đứng trò chuyện thong thả hơn, một người mô tả sắc sảo chi tiết, dài hơi, hồi hộp, chạy tháo cả mồ hôi mà vẫn triết lý tới nơi tới chốn, còn một người nhẹ nhàng, chừng mực, thơ vẫn nhiều dung tích, nhưng xét giọng điệu, cả hai đều giống nhau ít nhất ở ba điểm.

Thứ nhất, họ đều ở trong tư thế người chiến thắng, khi câu chuyện xảy ra.

Thứ hai, kẻ thù của họ rất khốn khổ tội nghiệp, hoặc non choẹt hoặc trẻ hơn một hai thế hệ.

Thứ ba, cả hai đều ngậm ngùi.

Và có lương tâm. Và đây là đầu mối của bi kịch. Về nghệ thuật, tác giả cả hai bài thơ đều có bút pháp cao cường, nói cái này để chỉ cái kia. Nhưng tôi không muốn bàn thêm về nghệ thuật, vì câu chuyện được kể lại trong thơ choán hết tâm trí tôi. Người Việt có thể khác nhau rất nhiều thứ nhưng họ giống nhau hai thứ: tính xúc cảm và lòng yêu nước.

phải thú nhận đã bao lần anh khóc

lệ không rơi nhưng đủ ướt làn mi

khi được nói, được viết về Tổ Quốc

dù đôi giòng ngờ nghệch chẳng ra chi

(Luân Hoán)

Khả năng phản ảnh hiện thực thể hiện trước hết ở độ gần của tác giả và chiến trường. Nhà thơ không có khoảng cách xa hay độ lùi thời gian an toàn trước sự hủy hoại và vì vậy có thể bị tổn thương tâm lý. Trong tình huống nghiệt ngã, văn chương không thể được đọc và được viết như cũ, chúng phải được đọc như những lời kêu thét của nạn nhân, như lời khai của kẻ bị lăng nhục, như hiện thực bị bóc trần.

“Khi chiến tranh xảy ra, kẻ bị bắn hạ đầu tiên chính là sự thật”, Hiram Johnson, báo cáo trước quốc hội Hoa Kỳ. Thơ chống lại điều ấy, bằng cách đi ngược dòng thời gian. Nói đến thơ chiến tranh sau năm 1975 không thể không tìm hiểu cội nguồn của nó, đề tài ấy, từ cả hai phía, nhiều phía, trước 1975. Mặt khác, xét về kỹ thuật, có hai cách xử lý thời gian: tái hiện chiến tranh và nhớ lại chiến tranh.

Tái hiện chiến tranh:

Tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ
Đêm cuối cùng bên con mắt mẹ dệt những gì
Làm sao con hiểu hết
Cả đời mẹ chưa từng viết một bức thư
Dù chỉ dăm ba chữ
Ngày mai con đi
Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ
Chiếc áo bọc hình hài mẹ cho
Bọc trái tim dòng máu mẹ cho
Không bao giờ đổi khác

(Thanh Thảo, Những người đi tới biển, trường ca, 1977)

Tác giả cũng chính là nhân vật người lính. Tuy nhiên một nhà thơ cần phân biệt các dữ kiện có thật và các yếu tố tưởng tượng, xếp đặt các chi tiết trong mối quan hệ tương hợp, tìm cách mô tả chính xác một chi tiết cá nhân và lịch sử, nếu muốn thuyết phục người đọc một cách lâu dài. Ai cũng biết một chiến sĩ dũng cảm có thể viết một đoạn văn dở về chiến tranh, và kẻ trốn lính có thể viết những câu thơ yêu nước rung động lòng người. Lý do của điều ấy là: văn chương không phải là một quá trình luân lý. Bản chất của thơ trước hết là gây niềm hứng thú ở người đọc, nói giản dị là làm hài lòng, phấn chấn, như một trò chơi. Văn học có thể là trò chơi, nhưng nó lại được truyền thêm một ước vọng vượt quá sức mình là làm người kể lại chiến tranh.

Suốt hai mươi năm sôi động, tươi trẻ, đầy những kế truyền, những cách tân, những đập phá, những nổi loạn, những dằn vặt triết học và siêu hình, những buồn nôn và nôn mửa, những đạp vào mặt xã hội và chính quyền, sự khinh bỉ các thể chế nửa dân chủ nửa độc tài, sau tất cả những thứ ấy, nền thơ miền Nam thức tỉnh khi ra đến hải ngoại. Nó quay lại nhìn chính mình, và nhận ra điều nó không làm được trong suốt hai mươi năm: phản ảnh cuộc chiến tranh ấy mà nó đã quay lưng lại, ca ngợi nền tự do ấy mà nó đã chỉ trích, tiếc thương ngôi nhà ấy mà nó đã hờ hững ra đi.

Nhớ lại chiến tranh:

Trường Sơn giờ đây ra sao nhỉ
đất nước còn đó cỏ hoa tươi
An Lộc liền tên cùng Quảng Trị
hỡi anh em vinh hiển đời đời
nhờ mi An Lộc thành bất tử
nhờ mi tên Quảng Trị vang rền
bút thép, mực máu, trái tim lửa
còn ghi tên lịch sử anh em
đất nước không sợ thiếu anh hùng
nhưng mày đúng là thân bảy thước
vòng tay yêu bè bạn anh em
thương cả kẻ thù chết tan tác
Nam ơi nửa đời cõi binh lửa
nửa đời trong đầy đọa ngục tù
núi sông lẫm liệt vẫn còn đó
sẽ có ngày anh em chúng ta

(Đỗ Quý Toàn, Ngày mưa đọc lại Dấu binh lửa)

Bút pháp là hình thức. Ai làm chủ được hình thức thì làm chủ được thời gian. Tuy vậy, thơ viết về chiến tranh kiểu truyền thống vẫn dựa vào một số nguyên tắc nội dung: ta tốt địch xấu; ta mạnh địch yếu; ta đứng về nhân dân và sự thật, địch đứng về phe phản động, ta đứng về dân tộc và văn hóa, địch đứng về phản dân tộc, phản văn hóa. Gọi là nguyên tắc tất nhiên có thể có vài biến chuyển, ví dụ có lúc phe địch có kẻ tốt, nhưng chỉ là thiểu số, có lúc phe ta có kẻ xấu, nhưng cũng chỉ là thiểu số. Nguyên tắc thiểu số còn được đẩy xa hơn: khi trong phe ta có một kẻ xấu, thế nào nhà văn hay nhà thơ cũng phải tìm ra được cách lý giải, hoặc nó thuộc thành phần đáng lên án, hoặc là kẻ trước sau gì cũng đi hết con đường “xấu xa” của nó. Ví dụ, trong tiểu thuyết “Ba người khác” của Tô Hoài, nhân vật xấu nhất là một anh đội cải cách, quả nhiên cuối cùng hắn ta hồi chánh. Thật là một màn hoán đổi melodrama, kịch sến. Nguyên tắc ấy ngày nay đang bị vượt qua.

Thế Dũng:

Kẻ thù ở đâu chưa rõ
Chỉ thấy máu đẫm mặt nhau
Chỉ thấy lương tâm tan nát
Chỉ thấy vòng tròn Thiện- Ác
Từng giọt máu viễn chinh
Trung đội chỉ còn một mình tôi
Kịp đến Berlin ngồi nấc
Bao nhiêu trung đội tan rồi

Cần phân biệt tâm thức chống chiến tranh như một hình thái ý thức của nhân loại văn minh và phong trào phản chiến như các cuộc vận động xã hội trước một số cuộc chiến tranh cụ thể. Cần chú ý rằng khái niệm phản chiến ở phương Tây và Bắc Mỹ không trùng hợp với khái niệm ấy ở Việt Nam. Trước năm 1975 ý thức phản chiến rất phổ biến ở miền Nam, và xuất hiện lẻ tẻ hơn trên miền Bắc ở những cá nhân xuất sắc của cộng đồng lúc ấy. Phong trào phản chiến ở miền Nam được tạo thành bởi nhiều yếu tố: lòng yêu hòa bình, khát vọng chính đáng của người dân nhất là nạn nhân chiến tranh và gia đình người lính; ý thức về cuộc chiến như một tai họa dân tộc, một sự kiện vô nghĩa; thái độ chính trị ủng hộ miền Bắc và Mặt trận giải phóng miền Nam hay ủng hộ chủ nghĩa xã hội thường có gốc rễ từ thời kháng chiến chống Pháp hoặc trước đó; các yếu tố thuần tình cảm như quan hệ ràng buộc gia đình với bên này bên kia. Trong khi đó, phong trào phản chiến ở Mỹ và châu Âu có nội dung chính trị rõ ràng: không những người phản chiến yêu hòa bình chống chiến tranh mà họ thường chống lại các chính sách về chiến tranh của Mỹ nói chung và ủng hộ các phong trào xã hội chủ nghĩa hoặc phong trào thế giới thứ ba ở châu Á châu Phi thời ấy. Có thể tìm thấy rất nhiều thí dụ ở các nhà thơ và nhà văn như Pablo Neruda, Yannis Ritsos. Chúng ta có thể thấy điều ấy trong thơ của một nhà thơ phản chiến Mỹ khá nổi tiếng ở Việt Nam, vốn là một cựu chiến binh. Bruce Weigl trong bài “Cách ăn tết” viết về sự kiện tết Mậu Thân 1968:

Tomorrow blood would run in every province

Tomorrow people would rise from tunnels everywhere

Ngày mai máu sẽ chảy khắp các ngả đường

Ngày mai người người sẽ đứng lên từ địa đạo quê hương (1)

Trong không khí ấy, một người lính miền Bắc đã phản đối chiến tranh, chọn phương pháp bỏ ra về, một nhà thơ.

Khi con người giết nhau
Những lá thư không biết gởi về đâu
Những hải cảng không có tàu cập bến

Đó là Lưu Quang Vũ, tấm lòng yêu quê hương, yêu hòa bình bát ngát. Anh thường làm tôi nghĩ đến trường hợp nhà thơ Hoa Kỳ William Stafford, người chống chiến tranh vì lương tâm (2) nổi tiếng.

Thơ viết về đề tài chiến tranh không phải là một truyền thống mạnh trong thơ miền Nam, và nếu so sánh với thơ miền Bắc cùng thời kỳ, nó kém hơn hẳn, ít nhất là về số lượng tác phẩm. Thơ hải ngoại cũng không phải ngoại lệ. Tuy vậy chúng ta có thể tìm thấy ở đó những dòng chữ lấp lánh mô tả những hy sinh của người lính, nỗi đau khổ, cái chết và thương tật. Chiến tranh là đỉnh cao của các xung đột. Dù đó là chiến tranh ý thức hệ hay giải phóng dân tộc thì nó cũng đã kết thúc, nhưng đó là kết thúc của đỉnh cao, không phải của toàn bộ các xung đột. Thơ viết về chiến tranh vì vậy thực chất phải là thơ viết về các xung đột gốc rễ. Thơ hải ngoại, ngay cả sau khi đã vượt qua những hạn chế lịch sử, vẫn tiếp tục quay lại để giải quyết những câu hỏi về văn hóa và tâm linh sau chiến tranh. Hiểu sâu thêm ý nghĩa của nhiều sự kiện thời chiến, thấy di chứng của chúng trong những hư hoại của đời sống xã hội, những tan vỡ của quê hương ngàn năm thanh bình. Tính chất anh hùng ca, tính chất chính trị của thơ chiến tranh không thể hoàn toàn áp đảo tính chất cá nhân và riêng tư.

Nghiêm trang, kính cẩn trước sự mất mát:

Cùng đứng lại hai chân nghiêm cúi mặt

Đây hàng quân đọc lại thiếu tên em

Người lính trẻ chưa đầy hai mươi tuổi

Nhớ thì về cốc rượu để phần em

(Trần Hoài Thư)

Trong các tình huống xung đột, sự chắc chắn, tính quả quyết được nâng cao, vì có ích cho cuộc chiến đấu. Khi hòa bình, tính chắc chắn bị đặt thành vấn đề. Không phải là quan điểm chính trị mà là phương pháp nghệ thuật. Chúng ta có thể tin tưởng vào giác quan của chúng ta, mắt thấy tai nghe, một phần nào, nhưng chúng ta tin bao nhiêu vào ký ức? Hồi tưởng của người khác? Suy luận? Khi ngôn ngữ là công cụ nhận thức, công cụ ấy đáng tin đến mức nào?

Miền Nam đi vào cuộc chiến tranh một cách không chuẩn bị, đối với họ chiến tranh là tai nạn, vượt ra ngoài kiểm soát của con người, và vì vậy không thể lý giải được. Chiến tranh là đau đớn, chết chóc, thù hận và sợ hãi, và không có vinh quang nào dành cho người thắng trận hay thua trận trở về. Hà Thúc Sinh, rất thật, rất người:

Giao thừa sao mà vội

Hãy khoan đã chú mày

Cứ đóng xa vài dặm

Mà ăn uống no say.

Ta cũng người như chú

Cũng nhỏ bé trong đời

Có núi sông trong bụng

Mà bất lực hôm nay.

Những người lính thực sự cầm súng băng rừng lội suối, không phải bọn lính kiểng ở thành phố hay bọn tướng tá hèn nhát chưa đánh đã chạy, cùng một lúc đối diện với hai trận tuyến, trận tuyến phía trước của đối phương, và trận tuyến phía sau gồm có một hậu phương không vững chắc, không có niềm tin, ngày càng tan rã, một đồng minh Hoa Kỳ bị lung lay tận gốc rễ vì các phong trào phản chiến, và một chính phủ và lãnh đạo quân đội kém cỏi, tham nhũng. Trong niềm cay đắng, Trần Hoài Thư vẫn tỏ ra hài hước:

Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn, lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ, ta là thằng chạy chót

Khát vọng chiến thắng kẻ thù xâm lược là ưu tiên của thế hệ thơ chống Mỹ ở miền Bắc. Khát vọng hòa bình là ưu tiên của thơ miền Nam. Sau tháng Tư năm 1975, tất nhiên không một người Việt nào còn muốn sống một ngày trong chiến tranh, nhưng người ta vẫn phải sống lại, nhà thơ và người đọc thơ càng phải trở về tìm kiếm ở nơi đồng đội mất tích, đi tìm nguyên ủy cái chết của người thân, cắt nghĩa vết chém trên cây, sự sụp đổ của buổi rạng đông, sợi dây trên bậc đình làng.

Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng

Anh dắt tay em trời chi chít sao giăng

Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm

(Phạm Tiến Duật)

Đó là niềm khao khát hòa bình được lồng trong một câu thơ xung trận, nhưng chắc chắn không phải, chưa phải là một câu thơ kêu gọi hòa bình. Hòa bình chưa được nghĩ tới vào lúc ấy, và nếu có thì cũng không phải là ưu tiên, nếu đặt nó bên cạnh ưu tiên chiến thắng quân xâm lược, và đó là điều có thể hiểu. Đối với miền Bắc lúc ấy, tổn thất và hy sinh vì miền Nam có thể rất lớn, đau thương, nhưng đó là những tổn thất có thể lý giải được. (3)

Nhân vật thời trước có đặc tính ngoại hạng, sống trong hoàn cảnh dị thường. Chiến tranh càng tô đậm đặc điểm ấy. Ngày nay người đọc than phiền về sự lu mờ của nhân vật, sự nhạt nhoà của cấu trúc chuyện kể trong văn chương hiện đại hay hậu hiện đại, nhưng họ bỏ qua sự thay đổi bút pháp của văn xuôi; trong khi ấy đối với thơ, tình hình ngược lại, người ta than phiền về sự thay đổi bút pháp mà ít chú ý rằng các nhân vật và câu chuyện trong thơ cũng thay đổi.

Muốn vượt ra khỏi hai nguồn cội thơ ca nói trên, hay đúng hơn cái bóng của chúng, thơ hiện nay viết về chiến tranh phải đứng từ một điểm nhìn khác. Đó là từ góc độ của người dân thường, của nạn nhân chiến tranh. Nhưng nạn nhân của cuộc chiến tranh vừa qua không chỉ có người, mà còn là thú vật, chim muông, đất đá, cây cỏ, lũy tre, con đê, làng xóm, tình người. Trong ngôi làng cũ của tôi, thời những năm 60, mỗi mùa xuân về bướm bay rợp đường làng. Bốn mươi năm sau chiến tranh, vắng ngắt.

Tháng Tư đi vào trong núi

Tìm con ngựa trận năm nào

Yên cương bây giờ mục nát

Hỏi chàng chàng biết tăm hao

(Trần Mộng Tú)

Những bài thơ xưa nhất của nhân loại cũng là thơ viết về chiến tranh, nhưng đó là về các trận chiến, nhân vật nổi tiếng, sự tích anh hùng và sự kiện lịch sử. Ngày nay văn học chiến tranh trở nên phức tạp hơn nhiều, cá nhân hơn, cũng như bản thân các cuộc chiến: ngày càng khốc liệt hơn, chớp nhoáng hơn, sát thương hơn, vô hình hơn, với nhiều nguyên cớ đan xen vào nhau, hậu quả khôn lường hơn, sự tàn hại đối với môi trường và văn hoá lớn hơn.

Và nhất là, chiến tranh ngày nay mang nhiều khuôn mặt lừa đảo. Cần ngược dòng rất xa về phía thượng nguồn nếu muốn giải thích chúng. Trong trường ca Mẹ về biển Đông, viết ở hải ngoại, Du Tử Lê đã nhắc đến, dù một cách riêng tư, như thơ ông vốn thế, những tội ác của quân đội viễn chinh Pháp, trong kháng chiến 1945-1954.

Trí nhớ tôi là ngôi nhà nằm ven sông Đáy
Ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ
Có cánh cửa ngó xuống nỗi lầm than của mấy đời chạy giặc
những ngôi mộ xới nhanh
giấu đi những xác người chết trẻ
xác chị, xác anh
Nho Quan, mồng ba Tết
những viên đạn lửa không hận thù
những viên đạn lửa rất khoái trá
tôi chắc người xạ thủ Tây đen hay Tây trắng nào đó
đã sằng sặc cười
lúc thấy những viên đạn lửa xuyên suốt qua thân thể anh tôi
lồ lộ bên bờ ruộng
nửa đêm
người đem tin
đập gấp rút hai cánh cửa gỗ lim
tiếng nện thình thịch dội trên những bộ ngực thoi thóp vùng tề
mẹ tôi xé vội chiếc áo dài trắng
quấn lên đầu chúng tôi (4)

Đó là thí dụ về sự giải thích của thơ ca đối với tội ác chiến tranh, tất nhiên chỉ từ một góc nhìn của tuổi thơ. Chiến tranh không những chỉ là sự hủy hoại trong hai mươi năm ở cả hai miền Nam Bắc mà di chứng của chúng còn kéo dài, không những kéo dài mà hình như mỗi ngày một lan rộng không giảm đi. Sẽ có người ngạc nhiên về điều này khi họ nhìn thấy những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, xảy ra vì sự tiến bộ chung của thế giới, trong thực tế là sự hủy hoại môi trường thiên nhiên, vốn là sự kế thừa truyền thống hủy hoại trong chiến tranh.

Tháng Tư vợ ngóng chồng đầu ngõ

Nón sắt giày sô vất bỏ dọc đường

Mưa sớm khai mùa tuôn xối xả

Đất trời xúc động nỗi tai ương

Thương binh lê lết ra y viện

(Diên Nghị) (5)

Nỗi khao khát hòa bình cháy bỏng trong cổ họng tất cả người dân Việt Nam nhưng nhiều nhất là ở những người cảm thấy cuộc chiến tranh là vô nghĩa. Không phải những người tin cuộc chiến tranh là để chống xâm lược của Mỹ thì không biết đến đau khổ và không mong cầu hòa bình. Nhưng họ mong cầu hòa bình với điều kiện, đó là một nền hòa bình sau khi đã đuổi xong quân thù. Mặc dù có những thành tựu, thơ về đề tài chiến tranh trong thơ miền Nam và hải ngoại cho đến nay vẫn còn là sự thất vọng. Chúng ta có rất ít những bài thơ hay về một cuộc chiến tranh tàn khốc đến thế, đau thương đến thế, buồn rầu đến thế.

Trung đội những thằng trai tứ chiếng.

Những thằng bỏ lại tuổi thanh xuân.

Diều hâu bôi mặt hù ma quỉ.

Thuở đất trời bày đặt nhiễu nhương.

Đêm của âm binh về xứ khổ.

Poncho phơ phất gió hờn oan.

Trên vai cấp số hai lần đạn.

Không một vì sao để chỉ đường.

(Trần Hoài Thư)

Không một vì sao để chỉ đường là một ẩn dụ lớn. Nhưng chúng ta cũng còn có quá nhiều những bài thơ sáo rỗng, những bài thơ chiến tranh hời hợt như phim Hollywood về chiến tranh Việt Nam, kiểu Rambo, Việt Nam lịch sử truyền hình. Tôi tin rằng những người lính và nạn nhân cần nhiều hơn tác phẩm xứng đáng với máu, nước mắt của họ.

Người đọc hôm nay cần những bài thơ làm họ xúc động, suy nghĩ. Người đọc cần những bài thơ làm họ thức dậy lúc nửa đêm, tung chăn ngồi lên, giật mình hối hận. Hãy còn quá ít những người cầm súng viết về chiến tranh, hãy còn quá ít những nhà thơ đã sống trong thời kỳ ấy viết về nó, hãy còn quá ít những nhà thơ sinh sau năm 1975 đọc về nó, sống lại, viết về nó. Chúng ta muốn nhìn thấy trong thơ tác động của các lực đẩy lịch sử, sức đi của các cuộc xung đột, chúng ta muốn nhìn thấy những khả năng, tức là điều con người có thể làm được cho nhau, không phải chỉ sự bất lực, bất khả, khôn kham. Chúng ta muốn cái chết của cha ông chúng ta, dù ở bên này hay ở bên kia của chiến tuyến, không trở thành vô nghĩa.

chúng tiến
chúng tiến đến mục tiêu
anh dũng
chẳng phải một người bỏ mạng
cả bọn anh rồi sẽ hy sinh
ôi mục tiêu
mày là cái gì hỡi ?
có phải là miếng ăn
có phải là lá cờ tự do nào treo đó ?
anh đã biết nó là gì
em hỡi em, làm sao anh nói

Luân Hoán hài hước nhưng buồn rầu. Bạn có thể bảo: chiến tranh nào mà không kết thúc buồn rầu? Nhưng Đệ nhị Thế chiến và nội chiến Mỹ đã kết thúc một cách bi thảm và hào hùng. Bi thảm không phải là buồn rầu, bi thảm là tình trạng đầy năng lượng.

Trong mỗi cá nhân, các xung lực hủy hoại và tự hủy hoại chỉ có thể được điều chỉnh nếu con người đạt tới sự thấu hiểu đối với các động cơ, tỉnh thức nhận ra hậu quả của hủy hoại đối với người khác và đối với bản thân. Chống lại sự thấu hiểu này là các cơ chế tự vệ tâm lý. Trong đời sống cá nhân và cộng đồng có những cơ chế rất mạnh chống lại sự thấu hiểu có thể gọi là các phương tiện vô minh.

Ý nghĩa của chiến tranh là một khái niệm gắn bó với thời gian. Thời gian không phải là yếu tố khách quan, ý nghĩa càng không phải thế. Ý nghĩa không tồn tại ngoài các tương tác của con người, mà là những phép đo về mối quan hệ giữa các phe trong cuộc chiến, tác động của chúng lên đời sống dân sự, lên sinh thái vật chất và tinh thần, và cuối cùng, lên thời gian. Có thể nhận xét rằng suy nghĩ và xúc cảm của người Việt Nam đối với cuộc chiến tranh vừa qua, trong nước hoặc hải ngoại, đều đã thay đổi trong mấy mươi năm qua và sẽ còn thay đổi.

Như vậy ý nghĩa là một hàm số của thời gian. Chúng ta chỉ có thể nhận diện sự thật, phân biệt chúng với sự lừa dối, nhờ vào sự chuyển dịch. Chúng ta, người quan sát, đến lượt cũng dịch chuyển. Bạn lớn lên, tham gia vào cuộc chiến, hay trở thành nạn nhân của nó, trực tiếp hoặc gián tiếp, bạn hồi tưởng về những vết thương của nó, và vì vậy bạn thay đổi.

Rừng sương trắng bủa vây
Nuốt mặt trời buổi sáng
Toán tù binh đốn cây
Lạnh lùng như chiếc bóng
Trong khu vườn mùa xuân
Người lính xưa lặng lẽ
Hái một đóa mai vàng
Lòng nghe sầu xa vắng

(Thái Tú Hạp)

Cái tôi trong thơ hải ngoại sau chiến tranh là một cái tôi đau xót nhưng nhận thức sáng rõ hơn, và vẫn có nhu cầu giao tiếp. Những thuận lợi mới đang chờ trước mặt, đang đến, cho dòng thơ hải ngoại về chiến tranh là cuộc sống trên đất lạ bắt đầu ổn định, các phương tiện thông tin mới, các hồ sơ lịch sử được lật ra, sự liên lạc trong ngoài và Nam Bắc ngày một cởi mở.Trong khi người Việt cần có nhận thức lại về cuộc chiến tranh vừa qua, hiểu đúng hơn về các khái niệm chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh xâm lược, thì thơ ca không những cần phải bám gót nhận thức mà còn đôi lúc vượt lên và chỉ đường cho nó. Bằng cách nào? Bằng những rung cảm nghệ thuật, sức phản chiếu của tâm hồn, bằng sức mạnh của ý thức thơ ca. Tăng cường nhận thức và tự nhận thức vì vậy trở thành một trong những công việc của bài thơ. Trong khi chống lại chủ nghĩa hiện đại và tinh thần duy lý, chống lại các đại tự sự, có công trong việc xóa nhòa ranh giới giữa cái trung tâm và cái ngoại vi, thì chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đem lại những hậu quả tai hại riêng của nó: sự giễu cợt và phá phách gần như là tinh thần chủ đạo của dòng thơ này đã loại trừ khả năng của nó như một người xây dựng diện mạo của dòng chảy lịch sử, từ chối trở thành người diễn dịch của xung đột dân tộc. Chủ nghĩa hậu hiện đại quan niệm rằng phương tiện truyền thông như truyền hình và báo chí đã ảnh hưởng quá nhiều đến quần chúng, làm xô lệch hẳn cái nhìn về hiện thực, nhưng chính nó thực ra cũng góp phần vào việc thay đổi khả năng làm chứng của thơ ca.

Mặt khác, những thông tin khuất lấp, không được hiển lộ trong bài thơ, có thể xem là đặc trưng của thơ hiện đại hay hậu hiện đại. Sự giao tiếp, tương thông bao giờ cũng xảy ra trên hai bình diện, hoặc kinh nghiệm của người đọc khi đọc thơ dưới ảnh hưởng của chữ, tiết tấu, âm nhạc, hình ảnh, chúng được lập tức cảm nhận, hoặc giao tiếp trực tiếp giữa nhà thơ và người đọc. Trường hợp thứ hai xảy ra nhiều hơn đối với một bài thơ đương đại (6). Thơ Thường Quán, nói về hòa bình và chiến tranh, không trực tiếp mà vẫn ám khói thuốc súng, gây khó thở:

đất vỡ ngực, những con se sẻ không bao giờ quay lại đầu chái nhà anh, kể từ

cuộc xử bắn

ngôi sao tự treo nó lên xanh, không dây

như một khúc dạo đầu

thú: một thân lẽo đẽo

trật trịa lưng đèo

Một trong những khuynh hướng của thơ sau 1975 là nghĩ lại về chiến tranh. Chế Lan Viên:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi !

Như thế là tự nhận thức, và cũng chỉ mô tả người lính trực tiếp chiến đấu, chưa nói về người dân thường trong sự kiện ấy. Hoàng Vũ Thuật đi xa hơn, ra khỏi cái tôi nhận thức, khi anh từ Lệ Thủy đi tìm người anh ruột hy sinh ở miền Nam:

Qua trảng bom lại trảng bom

Diết da màu trắng không mòn người ơi

Cái màu trắng tựa mây trôi

Bồng bềnh trên đất cuối thời chiến tranh.

Hay Trần Nhuận Minh, hoán đổi vị trí chủ thể và chọn cách nói thế sự:

Hai em trai chết trận

Chiến tranh ở hai đầu

Ảnh thờ mờ sương khói

Vẫn không nhìn mặt nhau

Trong dư luận xã hội, bao giờ cũng có một sự miễn cưỡng khi đề cập đến các hậu quả của chiến tranh. Tâm lý do dự này vẫn khởi động bộ máy vận hành của nó chống lại quá trình phân tích và lý giải. Khi một nhà văn đi xuyên qua được các biên giới và mô tả đối phương như những con người, các nhân vật bằng xương bằng thịt, thì tác phẩm của họ đạt được tầm kích lớn hơn. Nguyễn Bắc Sơn, lính miền Nam, sau năm 1975 gặp bố là đại tá quân đội nhân dân, đã than phiền.
Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy.

Vì văn chương không phải là một quá trình luân lý.

Các lý thuyết vật lý hiện đại quan niệm rằng vũ trụ, trong đó có nhân loại, được cấu thành bởi các rung động như kiểu các sợi dây đàn vĩ cầm rung lên. Khi khả năng ấy bị giảm thiểu, trong tình trạng chiến tranh hoặc thù địch, con người mất thăng bằng, trở nên rối loạn. Khi chúng ta không thấy người khác là những con người, mà nhìn thấy họ như là những vật thể đại diện cho thế lực đen tối, chúng ta dễ dàng tuân lệnh, hoặc tự cho phép mình quyền, dẫm đạp lên như gỗ đá. Khi khả năng rung động trước người khác, giao hòa với người khác được phát triển, cá nhân sống trong sự hòa hợp với sinh thái. Ngược lại, sự chia cắt từng mảnh (fragmentation) và thiếu trách nhiệm cá nhân là bầu khí quyển tinh thần của chiến tranh.

Trong thơ trữ tình, cái riêng tư vẫn có tính chính trị. Khái niệm ấy càng đúng đối với thơ về chiến tranh, một khi tác giả có một độ lùi thích hợp cho các biểu hiện cá nhân thay thế tình cảm sử thi. Đỗ Quyên:

Ta trong chiều hôm những tin hồng

Ranh giới không phân biệt

Chữ, bút có thể đứng ngồi vô lối

Tranh trên trần nhà

Gương phủ lối đi

Bạn khỏi băn khoăn về cây viết của mình

chỉ quen hát quốc ca

Khỏi băn khoăn về một người em không quên mình từng đau đớn

xà tới cười với những song sắt lằn gân

Khỏi hỏi về một sắc dân bao giờ thay giống

về tuyệt vọng-niềm tin và những cặp chữ cuối bài

Bạn có thể bỏ màu trắng đi chơi

những chuyến tốc hành xuyên giấy mực

Lòng kính trọng sự thật và quyền tự do biểu đạt là căn bản đầu tiên của hóa giải hận thù dân tộc. Làm thơ về chiến tranh là trò chuyện về những mất mát, về những bất công lịch sử và với người đã chết. Những người nghe bạn có thể không thể trả lời, không ai biết chắc bạn nói đúng hay không về một sự kiện, sự thắng bại của một trận đánh, mức độ tổn thương, bạn chỉ có thể tự biết lấy mình. Vì vậy bạn có nhiều tự do, và một nhà thơ càng có nhiều tự do càng có trách nhiệm và phải sống với nhiều khó khăn để tìm kiếm thứ tiếng nói vừa phản ảnh sự thật trong quá khứ vừa hướng về sự hóa giải hận thù trong tương lai. Tất cả những nước xảy ra nội chiến đều phải trải qua một quá trình tương tự lâu dài. Quá trình ấy ở Việt Nam chậm chạp, thậm chí chưa chưa hề đạt được tiến bộ nào, vì bản chất của cuộc chiến tranh không phải chỉ là nội chiến mà còn là chiến tranh ý thức hệ.

Tôi là con cá sinh ra trong dòng sông Bến Hải

Buổi sáng bơi qua bờ bắc tìm ăn tránh bộ đội lưỡi câu

Buổi chiều về ngủ bờ nam trốn lính rình giăng lưới

Ngày ngày lính bờ bắc đói khổ chán chường chửi lính bờ nam

Lính bờ nam mệt mỏi nản lòng chửi lính bờ bắc

Nhiều đêm nhìn sao trời thao thức

Tôi tự hỏi lòng họ làm người có vui sướng hay không?

(Ngu Yên)

Bất kỳ một thành tựu thơ ca nào, không dựa trên những tiền đề tương thích của dân tộc, mà chỉ dựa trên các quan điểm chủ quan sai lầm về chiến tranh, dù có thể có giá trị thẩm mỹ nhất định, được nhắc đến một thời, sẽ không tồn tại lâu dài. Nếu dòng thơ hoài niệm trong bốn mươi năm qua đạt được nhiều thành tựu, thì thơ hải ngoại viết về chiến tranh còn chưa nhiều, ít có bài thơ hay. Thế hệ tiếp nối không có nhiều kinh nghiệm và sự tiếp xúc của họ đối với lịch sử gần như không có. Đó là một vài lý do làm cho dòng thơ về chiến tranh tuy chưa bao giờ ngừng tìm kiếm những cách tân, vẫn để lại nhiều vết trắng.

Người đọc thơ không chủ ý đi tìm các sự thật như mục đích chính yếu của việc đọc và không nên có ảo tưởng rằng các đoạn trích dẫn thơ hay văn trên đây là ảnh chụp chân dung không bao giờ thay đổi về những chuyện thực sự xảy ra. Người đọc thơ tìm kiếm giữa các chữ, đằng sau các chữ, một dòng sóng sôi động mà người viết trực tiếp tham dự hoặc chia sẻ gánh nặng. Đó là sự thật của hận thù và thấu hiểu, của hèn mọn và cao cả, của tội ác chiến tranh và lòng khoan dung dân tộc. (7)

Đối với nhiều nhà thơ, ý thức dân tộc chỉ có thể là ý thức của thơ ca, của ngôn ngữ, bởi vì đó là góc nhìn duy nhất, là đường lối duy nhất để họ đi từ hiện tại đến quá khứ và ngược lại, để họ vượt qua những khuất lấp, kể lại sự thật với người đọc không phải chỉ bằng sự chứng kiến có tính cách lịch sử mà bằng cả tâm hồn và thể xác, đôi khi chính sinh mệnh của mình.

Về dòng văn học chính thống trong nước, số lượng xuất bản của thơ về chiến tranh là áp đảo so với các dòng khác và có xu hướng tiếp tục như thế vì hai lý do. Sự hỗ trợ của các thiết chế nhà nước, báo chí, tài chánh và tinh thần, những khuyến khích như các giải thưởng và sự nổi tiếng. Nhưng lý do quan trọng hơn, những thế hệ tương lai viết về chiến tranh được nuôi dưỡng kỹ trong một bầu không khí thuận lợi cho lối cảm xúc và suy nghĩ của người thắng trận. Ngược lại, những nhà thơ hải ngoại, với những quá khứ khác, những đau khổ khác, và tất nhiên niềm tin khác, gặp khó khăn hơn nhiều khi viết về đề tài này. Như trong thơ Cao Đông Khánh:

Thời tiết chật hơn chiều sâu trí nhớ
vượt ngục vượt biên vượt biển xuyên bang
khuya hôm đó có người bị xử tử
để cho người sống sót, chết không yên

Chữ nghĩa là ánh sáng của mặt trăng ngoại quốc
nàng trắng như giá băng, nàng ấm như trái chín cây
con ngựa của thế kỷ trước chở tình vào lịch sử
chở công nương đi dạ vũ trá hình

Áp lực cộng đồng, mặt khác, là có thật đối với các nhà thơ hải ngoại lớp trẻ hơn viết về nội chiến hai mươi năm, mặc dù tất nhiên không thể nào sánh được với tình trạng lo âu mà đồng nghiệp của họ có thể phải chịu đựng trong nước. Tình yêu nước đã từng xô đẩy người Việt bắn giết nhau thì chính nó có thể hóa giải hận thù do nội chiến gây ra. Một bài thơ được cho là vô danh, viết ở miền Bắc trước đây nhân việc mất Hoàng Sa năm 1974, nói lên niềm tin: dân tộc Việt Nam là một.

Em ơi, trên từng trang sử nhỏ

Xin kể thêm tôi, thành 19 triệu một người

Thành viên gạch hồng tươi

Làm bức tường thành, ngăn triền sóng dữ

Giữ không cho rơi một giọt mật nào

Mỗi giọt ra đi chính mỗi giọt máu đào, bao đời cha ông nhỏ xuống

Người bạn hải quân miền Nam ơi

Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng

Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương

Nhờ những điều kiện đặc biệt của mình, thơ hải ngoại có khả năng ghi lại và lưu giữ ký ức của đất nước, một giai đoạn đau thương của dân tộc. Đó là người thư ký với nhiều công lao và nhiều khiếm khuyết. Mối quan hệ giữa hoài niệm và suy tưởng chiến tranh, giữa quê hương cũ và xứ sở mới, giữa xã hội bên ngoài và đời sống bên trong, là mối quan hệ biến động, tương tác, thay đổi mỗi ngày. Trong ý nghĩa ấy, thơ về chiến tranh không phải chỉ là thơ về nỗi mất mát mà còn về sự tìm kiếm, khôi phục. Đôi khi chính người ra đi đã giữ lại cái tan vỡ, chính người thua cuộc mang trong hành trang của họ những gìn vàng giữ ngọc quê hương, cái chết bị xem là vô nghĩa của người lính vô danh, tức là vô danh đến hai lần, những huyền thoại bị xóa sạch ở nơi khác. Truyền thống thơ trữ tình về chiến tranh tích hợp vào nó yếu tố tự sự. Xuất phát từ một nền văn học non trẻ, chết ngay trong lúc trưởng thành, dưới hoàn cảnh lưu vong ngặt nghèo, thơ vẫn tiếp tục đi con đường riêng của nó, và bảo vệ được tính chất đặc thù của miền Nam và của hải ngoại trong việc nhận thức chiến tranh, tìm kiếm, đánh giá lại, nghi ngờ, tháo gỡ, giải thích, xác định, tra vấn. Sự tìm kiếm tiếp tục về một cuộc chiến tranh đã mất tạo nên chính năng lượng của thơ.

Rất mới:

bệnh chiến tranh dày vò sâu xương tủy
nắng thời bình không xuyên nổi nắp hầm

kinh nghiệm giết nhau có đéo gì là dinh hạnh
mà lải nhải quààài thời năm mươi sáu mươi sáu mươi bẩy mươi

tôi quạt con đạm tiên một tràng ak nát mặt
những đời sau không cần biết tới mày

(8)

Bài thơ của Nguyễn Hoàng Nam, với trích đoạn trên đây, đòi hỏi sự giao tiếp trực tiếp giữa tác giả và người đọc. Đúng là thơ ca không thể thay đổi được lịch sử nhưng có thể làm cho một người hiểu biết hơn, thận trọng hơn, tinh tế hơn, và do đó tiến gần hơn đến sự giao hòa với thiên nhiên và người khác, có thể cư trú lâu dài trong trạng thái cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, bước tới cánh cửa của sự tha thứ và bao dung. Bốn mươi năm sau, nhà thơ Uyên Nguyên thăm lại một trong những địa danh nổi tiếng khi cuộc chiến sắp tàn. Bút pháp mới, thao thức.

Chiều qua cầu Cỏ may
chân giẵm tà dương xa lỡ
mấy độ đường nhàu đỏ gót ngày
lửa mắt khát quê nhà rơi tuột từng tờ lịch máu
tháng tư
nhớ khúc sông Mường
cồn cỏ sau lưng con trăng cốc vũ không bờ trôi giạt

một lần qua chiều đứng lại
khói quấn tiếng kêu
cuống cổ đặc cảm giác không nơi chốn
khoảng lạ dòng Cỏ May kinh động màu nước
bức xám vẽ trôi trời mây
loang/ vết cắt gió loạn phơi xác
những con lộ cháy
đen /thịt người /nắng/ khét

đêm nằm trên khoang cá nhìn trăng 16

(26/04/15) (10)

Khi con người, mặc dù có thể đầy đủ tiện nghi, chỉ quan tâm đến mình, không có khả năng cảm nhận tinh tế về người khác, họ sẽ sống trong lo âu và sợ hãi. Ngôi thứ nhất, cái tôi, là nhân vật trung tâm của thơ, nhất là thơ trữ tình, dĩ nhiên không đồng nhất với nhà thơ và cuộc đời riêng của nhà thơ ấy, nhưng chúng cũng không hoàn toàn tách rời biệt lập. Tuy nhiên trong thơ chiến tranh, cái tôi chủ thể thường khi cũng chính là người lính. Đó là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu ở cả hai miền Nam Bắc trước đây. Khuynh hướng tự sự trong thơ đương đại, với giọng điệu ngày một văn xuôi hóa, trong chừng mực mà người đọc thơ Việt, vốn bảo thủ, chấp nhận được, mở ra khả năng tồn tại nhiều điểm nhìn, nhiều giọng nói trong thơ, phá vỡ tính giới hạn của chủ thể thơ trữ tình, ý thức giới hạn của nhân vật.

Chàng đứng giữa nhà giới thiệu cùng em

Những ai xưa đã có lúc sum vầy

(Tô Thùy Yên, 1997)

Khoảng cách hiện nay giữa các chiến tuyến vẫn là số đo bất tận. Văn học không thể rút ngắn khoảng cách ấy. Nó chỉ có thể chiếu ánh sáng vào chân của người đi tìm đường cho những cơ hội hóa giải hận thù. Thơ ngày nay cần phải thay đổi, vì chỉ có đi con đường riêng, mới mong tìm ra được dấu tích của kẻ đã đi mất, mang theo hắn những câu chuyện bí mật, không phải phần kết thúc đầy kịch tính của chúng, mà phần mở đầu, chương Một, phần giới thiệu nhân vật và căn nhà của họ, cha mẹ, tuổi thơ của họ, những kẻ về sau có thể lớn lên thành kẻ giết người.

Tôi đã từng có dịp nhìn thấy một người phụ nữ từ Hà Nội lang thang đi tìm dấu tích của chồng chết ở mặt trận thành cổ Quảng Trị, và đã từng có dịp nhìn thấy một người đàn bà khác lặng lẽ đến bên cầu Tràng Tiền thắp hương cho đứa con trai mất tích trong tết Mậu Thân. Thơ có thể làm được gì cho họ? Thơ có thể bắt thời gian dừng lại, khắc sâu một ngày vào trăm năm, đóng đinh một tờ lịch mỏng vào bức tường ký ức trắng xóa, một tình yêu tan vỡ vào một câu thơ ngắn. Tại sao thơ ca có thể làm được điều ấy, quyền năng của nó là ở đâu?

Ở nhu cầu muốn được lắng nghe của con người. Mỗi cá nhân không thể chống được thời gian, chống lại cái chết, nhưng dân tộc và nhân loại, như một tập thể, có khả năng làm được điều ấy hay mơ ước làm được điều ấy.

Trước mỗi ngọn nến hồng
Sau ngày thua trận
Im lặng sâu hơn
Vì chờ tiếng nói
Mưa rả rích ngoài trời
Vẫn không một lời
Giã từ nhau lặng lẽ.

Chiếc cầu sắt đen
Những thanh tà vẹt rỉ
Tàu qua mỗi buổi chiều

(Lữ Quỳnh, bài Người lính buồn, 2011) (10)

Có những nơi chốn sâu hơn ngôn ngữ. Nơi bạn rơi vào cõi đen tối. Khi ấy, bạn không cần đến ngôn ngữ và thơ ca. Nhưng cũng có những lúc khác, ngôn ngữ giúp bạn thu xếp lại đời mình, giữa những bộn bề của lịch sử mà bạn bước qua, ngọn nến chiếu trên tay, tỉnh thức. Chiến tranh bao giờ cũng là một tai họa, nhưng cuộc chiến tranh của người Việt chúng ta là một bi kịch. Bi kịch được hiểu là tai họa, mất mát, đau đớn sinh ra từ tương tác lịch sử, những xung đột khách quan, không hóa giải được. Bi kịch là một tai họa tuy do con người gây ra nhưng con người không cưỡng lại được, một tình huống không thể vượt thoát.

Thơ viết về chiến tranh đã qua thời kỳ nhìn từ góc độ của người tham dự trực tiếp, chiến tuyến này hay chiến tuyến khác, dù nhà thơ ấy đã thực sự cầm súng, đã qua thời kỳ kêu gọi lên đường chiến đấu hay kêu gọi chống chiến tranh, đã qua thời kỳ thương cảm và bi lụy. Nhà thơ viết về chiến tranh hôm nay cần rời bỏ chiếc ghế trên đó anh ta đã ngồi quá lâu, dù đó chỉ là chiếc ghế xếp bên vỉa hè, bước về phía bên kia đường, len lỏi qua dòng xe cộ, về phía nhân dân, nạn nhân, hay ngay cả đối phương nếu đó là phía có thể nhìn thấy sự thật, vượt qua xúc cảm, bước tới nhận thức và mô tả khách quan. Nhà thơ sẽ giúp người đọc và các thế hệ mai sau nhìn được khía cạnh hào hùng và bi thảm của một dân tộc bị xua vào tai ương, bị dẫn dụ, bóc tách những vỉa đá thời gian, những lớp bụi của lừa dối và tự lừa dối, làm hiển lộ khuôn mặt kẻ bị gõ cửa trong đêm, dẫn đi giữa tiếng khóc gào, mất tích trong bóng tối hay bị dẫm nát.

Khi khuôn mặt ấy hiện ra dưới ngón tay đào bới của thơ ca, giữa đất đá bụi bặm, người đọc nhận ra nó quá quen thuộc.

Vì đó là khuôn mặt của anh ta.

N.Đ.T.

Chú thích chương 3:

(*) Mc Carthy, Cormac, The Road, Vintage International, 2006, p.284.

Do you have any kids?

We do.

Do you have a little boy?

We have a little boy and we have a little girl.

How old is he?

He’s about your age. Maybe a little older.

And you dind’t eat them.

No.

You don’t eat people.

No, we don’t eat people.

And I can go with you?

Yes. You can.

(1) Carolyn Forché, Against Forgetting, NXB Norton, 1993, p. 705

(2) Conscientious objector: những người từ chối nhập ngũ vì lý do niềm tin, đạo đức, tôn giáo. Một khái niệm thường dùng ở Hoa Kỳ.

(3) Cho đến khi họ gặp phải sự thật sau đây.

Mưa đã tẩy hết dấu vết. Hoàn toàn do tình cờ mà bọn anh đã chạm trán với chúng ở dưới chân quả đồi độc lập. Bảy tên lính viễn thám. Ba tên bị hạ khi đọ súng. Bốn tên bị bắt sống. Thịnh "con" hy sinh trong trận chiến, đạn trúng tim, không kịp một tiếng kêu, ngã sấp.
- Đâu rồi? Họ đâu, ba cô gái ấy? - Kiên hỏi, giọng cực kỳ ôn tồn. Bốn tên tù binh không phải trói, bị đánh nhừ tử, áo quần rách bươm, be bét bùn và máu, đứng lặng, làm thinh. Chúng uể oải đổi chân.
- Nào, họ đâu rồi? Họ còn thì chúng mày còn. Tên nom to con nhất bọn, mắt trái bị báng súng dộng lò
i ra, máu hòa nước mưa nhuộm đỏ nửa mặt, đưa con mắt nhìn Kiên, cười khẩy, và khàn khàn nói, nhe hàm răng trắng ớn.
- Ba nhỏ đó trình quí anh, tụi này làm thịt cúng hà bá rồi
, mấy nhỏ la khóc quá trời.
Cả tốp trinh sát soạt soạt rút dao găm. Kiên vội ngăn:
- Đừng! ấy chớ
. Bọn này chắc cũng muốn được la khóc đã rồi mới chết. Chết ngay thì chúng không thích đâu.

(Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh) (http://kenhsinhvien.net/topic/dang-doc-noi-buon-chien-tranh-bao-ninh-than-phan-cua-tinh-yeu.21953/)

Tiếng chửi mắng chen lẫn tiếng nổ khô và gọn. Chúng chửi mắng hoặc bắn chết thương binh. Chưa bao giờ tôi căm thù và ghê tởm bọn chúng đến ngần này. Chiến tranh là luật của sống chết, nhưng khi người đối địch với mình ngã xuống thì ai nỡ lòng nào để hành hạ và giết chết. Lũ chúng nó, loài không có linh hồn. Đã bao lần chúng tôi bắt được tù binh, kẻ cho thuốc lá, người cho cơm ăn, những người lính Nhảy dù xưa nay vẫn có tiếng là cứng rắn nhưng chưa một lần nào chúng tôi hành hạ tù binh, huống gì tù bị thương. Nhưng ở đây, bọn Việt cộng như một kẻ vô linh hồn, chúng quên mất tình người. Người nằm đấy, những người Việt Nam chung với chúng một dòng máu, chiến tranh đã biến đổi họ thành thù địch trong trận đánh, nhưng bây giờ còn gì để tạo nên thù hận! Nhưng rõ ràng tôi nghe trong bóng đêm những tiếng chửi mắng tục tĩu, và những tiếng nấc cuối cùng của người chết khi nhận những lát dao tàn bạo hoặc những viên đạn cuối cùng thật chính xác nổ vào đầu… Tôi bò nhanh về phía tay phải theo triền dốc, đâu đâu cũng có người chết, có xác đã lạnh cóng, có xác còn nóng của những kẻ vừa chết. Tôi đụng vào một người.

– Ai đó? Tôi, Cấm đây, cứu dùm tôi với…

Có tiếng chân người chạy đến, một tên Việt cộng…

– Mẹ mày, để tao cứu cho.

Nó cười hềnh hệch man dã, một viên đạn nổ chát chúa, nó bắn vào đầu anh Cấm… Tôi nằm im không nhúc nhích, mặt úp xuống lá cao su.

(Phan Nhật Nam, Dấu binh lửa) ( http://buonvuidoilinh.wordpress.com/2013/06/06/phan-nhat-nam-hoi-ky-dau-binh-lua-2/)

Khả năng phản ảnh sự thật của văn học mở rộng đến đâu? Người đọc bình dân thưởng thức văn học bằng nội dung, người đọc chuyên nghiệp chú ý đến hình thức nghệ thuật, nhưng cả hai, dưới tác động thẩm mỹ, thường hình dung văn học là sự thật, trong khi thật ra, ngay ở thành tựu cao nhất, nó chỉ là tấm gương phản chiếu sự thật. Vậy thì, có bao nhiêu sự thật trong hai đoạn văn trên, một của Bảo Ninh có thể xem là tiểu thuyết có tính tự truyện, một của Phan Nhật Nam có thể xem là tiểu thuyết có tính bút ký, hoặc ngược lại?

(4) Du Tử Lê, Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu, NXB Văn học nhân chứng, 1989, p181.

(5) Phan Bá Thụy Dương, Talawas. http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3708&rb=0101

(6) Adam Kirsch, the modern Element, Norton, 2008, p. 25

(7) Tôi ít thấy nhà thơ thế giới nào viết giản dị và thuyết phục như nhà thơ Ba Lan Wislawa Szymborska trong bài thơ nhan đề “Việt Nam”:

“Chị ơi, tên chị là gì?” “Tôi không biết.”

“Chị bao nhiêu tuổi? Quê quán nơi đâu?” “Tôi không biết.”

“Tại sao chị đào cái hang này?” “Tôi không biết.”

“Chị trốn ở đây bao lâu rồi?” “Tôi không biết.”

“Tại sao chị cắn tay của tôi?” “Tôi không biết.”

“Chị có biết chúng tôi không làm hại chị không?” “Tôi không biết.”

“Chị đứng về phe nào ?” “Tôi không biết.”

“Đây là chiến tranh, chị phải chọn một phe chứ.” “Tôi không biết.”

“Làng cũ của chị còn không?” “Tôi không biết.”

“Những đứa trẻ này có phải con chị không?” “Dạ phải.”

Vietnam

"Woman, what's your name?" "I don't know."
"How old are you? Where are you from?" "I don't know."
"Why did you dig that burrow?" "I don't know."
"How long have you been hiding?" "I don't know."
"Why did you bite my finger?" "I don't know."
"Don't you know that we won't hurt you?" "I don't know."
"Whose side are you on?" "I don't know."
"This is war, you've got to choose." "I don't know."
"Does your village still exist?" "I don't know."
"Are those your children?" "Yes."

(Wislawa Szymsborska, Poems new and selected, translated by Stanislaw Baranczak and Clare Cavanagh, Hartcourt Inc, 1998, p.90.)

(8) Inra Sara, “Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại”.

http://inrasara.com/2009/06/08/t%e1%bb%ab-ch%e1%bb%91i-li%e1%ba%bfm-h%e1%ba%a1t-tro-qua-kh%e1%bb%a9-nguy%e1%bb%85n-hoang-nam-lam-d%c6%b0%e1%bb%a3c-gi-cho-th%c6%a1/

(9) https://trangchunhat.wordpress.com/2015/04/26/giac-mo-trang-tho-pham-van-phuong/

(10) Nguyễn Lệ Uyên. http://t-van.net/?p=17451

Các tài liệu tham khảo:

Những bài thơ do một số nhà thơ cung cấp. Nhân đây xin được bày tỏ lòng biết ơn của tác giả đến tất cả.

Gaston Bachelard, The poetics of space, Beacon, 1969

Mieke Bal, Narratology, Introduction, University of Toronton, 1985

Thi Vũ, Bốn mươi năm thơ Việt nam 1945- 1985, Quê Mẹ, 1993

Caroly Forché, Against Forgetting, Norton, 1993

J.D. Mc Clatchy, The vintage book of contemporary world poetry, Vintage, 1996

Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Giáo dục, 1998

Nhóm Việt Thường, Tuyển tập thơ văn hải ngoại năm 2000, Văn Mới, 2000

26 Nhà thơ Việt Nam đương đại, Tân Thư, 2002

Nguyễn Bùi Vợi, Quang Huy, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam thế kỷ XX, Thơ trữ tình, Giáo Dục, 2005

Jennifer Ashton, From modernism to postmodernism, Cambridge Press, 2005

Nguyễn Hưng Quốc, Thơ con cóc và những vấn đề khác, Văn Mới, 2006,

Agnieska Gutthy, Exile and the narrative/ poetic imagination, Cambridge Scholars, 2010

Võ Phiến, Văn học miền Nam tổng quan, Người Việt Books, 2014

Du Tử Lê, Phác họa toàn cảnh 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người Việt Books, 2014