Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2015

Có bao nhiêu thế hệ ước mơ tháp truyền hình cao nhất thế giới?

Lê Phú Khải
Ngày 10 tháng 3 năm 2015 vừa qua, tại khách sạn Hilton Hà Nội đã diễn ra lễ ký thỏa thuận dự án “Đầu tư xây dựng tháp truyền hình Việt Nam” với sự tham gia của đại diện VTV, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty cổ phần tập đoàn BRG.
Tại lễ ký thỏa thuận đó, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc VTV đã cho hay, tháp truyền hình của dự án sẽ cao 636 mét, cao nhất thế giới. Ông còn tuyên bố: “Đó là ước mơ không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại Truyền hình Việt Nam”.
Thật là quái gở! Không biết ông Trần Bình Minh lấy ý kiến của thế hệ làm Truyền hình Việt Nam lúc nào, trưng cầu “dân ý” người làm truyền hình lúc nào mà dám quả quyết như vậy. Hình như ở nước ta, có hội chứng cứ làm ông quan to (Ủy viên Trung ương) thì muốn phán gì thì phán, nói sao thì nói, coi người nghe không ra gì!
Kẻ viết bài này chính là thế hệ những người làm truyền hình buổi bình minh của Truyền hình Việt Nam, xin được hầu chuyện ông Tổng Giám đốc VTV hôm nay.
Ngày 18/6/1977, Nghị định 164/CP của Chính phủ thành lập Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam do ông Trần Lâm làm Chủ nhiệm. Ban Biên tập vô tuyến truyền hình thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam tách ra và trở thành Đài Truyền hình Trung ương. Ngày 14/3/1978, ông Lý Văn Sáu được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Trung ương, các phó là Trịnh Lý Thản (kỹ sư phụ trách kỹ thuật), Nguyễn Văn Hán, Vũ Tá Duyệt.
Đầu năm 1978, tôi từ chương trình phát thanh “Trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa” được Đài Truyền hình Việt Nam “tăng cường” cho Đài Truyền hình Trung ương ở Giảng Võ. Cùng đi “tăng cường” cho Truyền hình dịp đó còn có phóng viên truyền hình nổi tiếng sau này là nhà báo Trường Phước và phóng viên Vũ Văn Hiến… Sang Truyền hình Trung ương, tôi làm việc tại Ban Khoa Giáo và đi làm phim nhựa truyền hình 16 ly, có dịp đi khắp nước, từ làm phim tài liệu khoa học Cây hồi ở Lạng Sơn, đến phim Nghề nuôi cá bè ở Châu Đốc, An Giang… Lúc đó Đài Truyền hình Trung ương còn ít cán bộ công nhân viên, mọi người đều biết nhau. Mỗi lần đi làm phim về, lúc duyệt phim để phát sóng, chúng tôi đều có dịp gặp gỡ trực tiếp các vị lãnh đạo của đài, kể cả những lần được gặp Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Trần Lâm. Tôi chưa hề thấy ai, dù là phóng viên hay Tổng Biên tập “ước mơ” có một tháp truyền hình cao nhất thế giới cả!!! Chúng tôi làm việc quên mệt nhọc và chung ước mơ làm được những phim hay, những chương trình truyền hình có chất lượng.
Từ chương trình thời sự phát sóng thì điều đầu tiên, mỗi tuần một buổi vào ngày 7/9/1970, đến thành lập Đài Truyền hình Trung ương cho đến nay, Truyền hình Việt Nam đã giàu có về máy móc và phương tiện, đông đúc phóng viên, cán bộ… Nhưng hãy can đảm làm một cuộc trưng cầu ý kiến bạn xem đài, xem thử có bao nhiêu chương trình được đánh giá là chất lượng cao? Có bao nhiêu phóng sự truyền hình có tính phát hiện, dự báo cao về tình hình đất nước… giúp các nhà lãnh đạo ban hành những chủ trương chính sách kịp thời? Đa số các chương trình thời sự chỉ là quay trong hội trường, công thức, buồn tẻ… Các chương trình khoa giáo, văn nghệ của truyền hình hôm nay không được người xem mặn mà. Vậy thì làm tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì trong lúc tại các bệnh viện nhi, ba, bốn cháu nằm chung một giường, các bà mẹ nằm dưới đất! Ông Trần Bình Minh đã bao giờ đưa con vào bệnh viện nhi chưa? Đã bao giờ cử phóng viên đi làm phóng sự điều tra về sự quá tại ở các bệnh viện chưa? Nếu làm tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm “biểu tượng” cho sự năng động, phát triển đất nước như các ông rao giảng thì gần đây chúng ta đã có nhiều biểu tượng cho đất nước rồi! Chặt cây xanh hàng loạt trong nháy mắt ở Hà Nội không phải là “biểu tượng” sao? Lấp sông Đồng Nai không phải là “biểu tượng” sao? Không cần đến tháp truyền hình cao nhất thế giới nữa, trừ phi ông Trần Bình Minh quyết tâm sắt đá đưa đất nước ta trở thành “cường quốc” của những trò lố bịch!
Vả lại, bức thư ngỏ mà nhà văn Nguyên Ngọc đại diện cho 45 trí thức văn nghệ sĩ gửi ông về sự có cần thiết làm thấp truyền hình cao nhất thế giới với bốn câu hỏi cụ thể, tôi vẫn chưa thấy ông trả lời cơ mà?!
L. P. K.



                           Thẻ nhà báo của tác giả mang địa chỉ Đài Truyền hình Trung ương





        Cột ăngten phát sóng truyền hình thí điểm đầu tiên tại 58 Quán Sứ Hà Nội (ảnh tư liệu)



                              Buổi phát sóng truyền hình đầu tiên 7/9/1970 (ảnh tư liệu)


           Toàn cảnh đài Truyền hình Trung ương Giảng Võ với tháp truyền hình cao 60 mét (1979)