Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Bài học của Don Quichotte

Juan Goytisolo

Nguyên Ngọc dịch

Juan Goytisolo, một trong những nhà văn lớn nhất của Tây Ban Nha hiện nay, sinh ở Barcelone năm 1931. Khi chế độ phát xít Franco lên cầm quyền ở Tây Ban Nha, ông lưu vong sang Pháp. Từ năm 1997 ông sống ở Maroc.

Với các tiểu thuyết « Quang cảnh sau trận đánh », « Những tấm căn cước », « Thiết quân luật », « Lưu đày ở đây và những nơi khác », « Makbara » …, sự nghiệp sáng tác của ông được biết đến trên toàn thế giới.

Năm 2002, ông nhận Giải thưởng Octavia Paz.

Ngày 23 tháng 4 vừa qua, ông được trao giải Cervantès, được coi như là giải Nobel văn học của thế giới tiếng Tây Ban Nha.

Sau đây là diễn từ nhận giải của ông trong dịp này.

Nói chung, có hai loại nhà văn, những người quan niệm công việc của mình như một nghề và những người sống công việc đó như là một việc làm thêm. Nhà văn thuộc loại thứ nhất chăm chút cho sự thăng tiến của mình, tổn sức để đảm bảo sự hiện diện của mình trên truyền thông và mong muốn thành công. Đấy không phải trường hợp của người thuộc loại thứ hai.

Đối với người thuộc loại này, thực hiện sự phát triển của chính mình là quá đủ rồi, nhưng nếu việc làm thêm của họ có đem lại cho họ ít nhiều lời lãi vật chất, thì lúc ấy họ chuyển từ người nghiện ma túy thành kẻ buôn hay bán lại ma túy. Tôi sẽ gọi những người loại thứ nhất là những người làm văn học và loại thứ hai, đơn giản là những nhà văn, hoặc khiêm nhường hơn, những thợ tập việc bất trị trong việc viết.

Lúc khởi đầu cuộc hành trình dài của mình, thoạt tiên như là người làm văn học, tôi đã phải khuất phục tiếng hát nhân ngư của lòng hãnh tiến và hiến mình cho cuộc săn đuổi thành công – phơi mình ra trước ánh đèn của thời thượng – « tạo sự kiện » như đám ký sinh của văn học thường gọi một cách tục tĩu - mà không quên cái điều rằng, như đã được nhà trí thức và là tổng thống cộng hòa Tây Ban Nha Manuel Azaña nhấn mạnh rất đúng, cái thời thượng phù du là một chuyện và tính hiện đại phi thời gian của những tác phẩm được sinh ra để trường tồn, bất chấp tình trạng phát vãng nó thường phải chịu lúc mới được viết ra, là một chuyện rất khác biệt.

Sự già đi của cái mới đi qua thời gian cùng với ảo tưởng về vẻ tươi xanh tàn lụi của nó. Còn cái dịu êm của sự nổi danh thì thống thiết khi nó không chỉ đơn giản là sai lệch. Xa lạ với mọi sự công cụ hóa và điều khiển theo lối kịch chiếu hình Trung Hoa, tác phẩm nghệ thuật chân chính chẳng chịu sức ép của đòi hỏi khẩn cấp nào hết : nó có thể nằm thiu ngủ hàng nhiều chục năm như « Nữ nhiếp chính » của Leopoldo Alas tức Clarín, hay nhiều thế kỷ như « Chân dung cô nàng phóng túng xứ Andalousie » của Francisco Delicado.

Những kẻ đã bắt nhà văn đầu tiên của chúng ta phải im lặng bằng cách kết tội ông phải sống trong tình trạng vô danh cho đến khi « Don Quichotte » được xuất bản không thể tưởng tượng được uy lực sáng thế của các cuốn tiểu thuyết của ông sẽ sống vượt qua ông và đạt đến một tầm vóc tràn qua các biên giới và các thời đại.

Tôi hoàn toàn đồng ý với Fernando Pessoa khi ông viết : « Tôi mang trong tôi ý thức về thất bại như một ngọn cờ chiến thắng ». Là đối tượng của những lời khen ngợi của thiết chế văn học khiến tôi nghi ngờ chính mình, song bị nó coi là nhân vật không được đón mời, ngược lại, lại làm cho tôi mạnh mẽ lên trong cuộc sống và lao động. Từ tầm cao tuổi tác của mình, tôi cảm nhận giải thưởng này như một nhát gươm đâm xuống nước, một nghi lễ vô ích khó nhọc lắm mới có được, thân phận con người của tôi đòi hỏi đức khiêm nhường. Cái nhìn từ ngoại vi vào trung tâm bao giờ cũng sáng suốt hơn là ngược lại, và, nhắc đến danh sách những người thầy của tôi bị những kẻ canh giữ chuẩn mực quốc gia-cơ đốc kết tội im lặng và lưu đày, tôi không thể không buồn rầu và tiếc nuối nghĩ đến sự đúng đắn trong các phê phán và đức trung thực mẫu mực của họ.

Ánh sáng bật lên từ dưới mặt đất khi ít chờ đợi nó nhất, Damaso Alonso đã nói một cách mỉa mai khi ông đã khó nhọc thành công cứu Luís de Góngora ra khỏi sự phủ nhận chôn vùi ông ấy : vậy thì còn ai có thể ở lại bên phía đối lập?

Sự thận trọng có tính bản năng của tôi đối với các thứ chủ nghĩa quốc gia dưới mọi hình thức, và đối với các thứ bản sắc có tính vật tổ của họ không thể bao gộp được hết sự phong phú và đa dạng của nội dung của chính họ, đã đưa tôi đến chỗ bám vào quốc tịch Cervantès mà Carlos Fuentes tha thiết đòi hỏi như bám vào một chiếc phao cứu sinh, bởi tôi nhận ra mình toàn vẹn trong đó.

Cervantès hóa là dấn mình vào phiêu lưu, đầu đội một chiếc mũ biến thành mũ chiến binh trung cổ, trong lãnh thổ của vô định. Cũng là hoài nghi các giáo điều và các chân lý mạo xưng, được coi là không thể vi phạm, bởi điều đó giúp ta thoát khỏi mối lưỡng nan dày vò chúng ta, giữa sự đồng phục do chủ nghĩa chính thống của khoa học kỹ thuật trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay áp đặt và phản ứng dữ dội và có thể thấy trước của các bản sắc tôn giáo hay ý thức hệ, cảm thấy bị uy hiếp trong đức tin và trong bản chất của họ.

Thay vì khăng khăng đào bới nhúm xương khốn khổ của Cervantès để làm hàng quảng cáo cho khách du lịch cứ như chúng là những thánh tích được làm từ bên Trung Quốc, tốt hơn chăng là khai quật và làm rõ những giai đoạn còn mơ hồ trong đời ông sau khi ông được chuộc về bằng tiền từ Alger ? Có bao nhiêu người đọc « Quichotte » biết những phiền muộn về tiền nong, tình trạng nghèo khốn ông phải chịu đựng, đơn xin di cư sang Mỹ của ông bị từ chối, công việc làm ăn của ông thất bại, ông phải ngồi tù ở Séville vì không trả được nợ, tình trạng thiếu tiện nghi không thể chịu nổi khi ông sống ở quận Rastro de Valladolid nổi tiếng tệ nạn cùng vợ, con gái, chị và cháu gái hồi năm 1605, là năm, giữa cảnh hỗn tạp của những quận ngoại ô và vùng dưới đáy xã hội, ông viết Phần thứ nhất cuốn tiểu thuyết của ông ?

Cách đây mấy năm, tôi có viết lời đề tặng mấy trang cho một cuốn sách nhỏ có tên là « Tư liệu cho đến ngày nay chưa được công bố về Cervantès » của tín đồ giáo phái Calvin Cristóbal Pérez Pastor, in năm 1902 với ý đồ, ông ấy nhấn mạnh, làm cho «sự thật được sáng rõ và những mơ hồ mất đi », một công trình đã gây cho tôi ấn tượng mạnh, vì dù đã có những bằng chứng không thể chối cãi và những nghiên cứu trước đây, sự thật (về cuộc đời Cervantès) cũng chỉ được biết trong phạm vi một nhóm bác học nhỏ.

Ngày nay, hơn một trăm năm sau khi công trình ấy được xuât bản, vẫn còn những khu vực « mơ hồ ». Khi những cuộc hội thảo, những vụ tôn vinh, và những tổ chức kỷ niệm khác liên tiếp diễn ra vỗ béo đám quan liêu chính thức và bọn bụng phệ ngồi ì trong những chiếc ghế bành, ít nếu không phải là rất ít chuyên gia tiếp tục tận tụy nghiên cứu một cách vô tư lần thất bại trong hoạt động sân khấu của ông ; và tìm hiểu những năm dài, như ông đã kể trong lời tựa « Quichotte », « cái ông nhà thơ tồi đã bước sang tuổi già ấy » (biết cách sa vào cảnh khốn cùng thì giỏi, mà làm thơ thì chẳng giỏi) «đã phải nằm ngủ trong im lặng của quên lãng », lặng lẽ chờ đợi xem cái vị quan tòa chẳng lấy gì làm chắc chắn mà ta gọi là công chúng sẽ phán xét (tác phẩm của mình) ra sao đây.

Đạt đến tuổi già, là đo lường được sự trống rổng và viển vông của cuộc đời, nói cách khác, đo được cái mà Gabriel Garcia Márquez gọi là « món cứt ngon lành của vinh quang» khi ông điểm lại các công tích đáng nhạo báng của viện đại tá Aurelíano Buendía và những chiến binh Macondo nhẫn nhục. Căn vườn dễ chịu nơi diễn ra cuộc sống của những kẻ có nhiều hơn không được làm ta quên số phận dành cho những kẻ có ít hơn, trong cái thế giới mà tiến bộ kỳ diệu của những kỹ thuật mới kéo theo một cách khắc nghiệt việc lan truyền chiến tranh và các cuộc xung đột chết người, không ngừng làm gia tăng bất công, và nghèo đói.

Bởi vì sự nghiệp của những hiệp sĩ lang thang, như Don Quichotte đã nói, là « trả thù cho những bất công, cứu giúp và mang sự hộ trợ đến cho những người bị đàn áp », nên tôi tưởng tượng ông Hidalgo xứ Manche thông thái cưỡi con ngựa Rossinante, tay cầm giáo, lật đổ đám cảnh sát của Santa Hermandad hiện đại đang thực hiện lệnh tống nhưng người bị kết tội ra khỏi nhà họ, cùng bọn tham nhũng đầu cơ tài chính, hay, vượt eo biển Gibratar, đến các chân thành Ceuta và Melilla mà ông cho là những lâu đài có ma với cầu rút và tháp cao lỗ chỗ lỗ châu mai, cứu nhưng người nhập cư chỉ có mỗi tội là bản năng sống và niềm khát khao tự do của họ.

Thậm chí nếu thật khó cho nhân vật của Cervantès, và cho chúng ta, những độc giả được hưởng ân huệ từ cuốn tiểu thuyết của ông, cam chịu đối với việc chấp nhận một thế giới hoại thư vì thất nghiệp, tham nhũng, bấp bênh, bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng và thanh niên phải di cư để mong kiếm được một việc làm, và ngay cả khi sự từ chối đó sẽ bị coi là một sự điên rồ, thì ta vẫn vui lòng chấp nhận nó. Bởi anh chàng giám mã tốt bụng Sancho Panza sẽ biết cách tìm ra câu ngạn ngữ biện minh và bênh vực cho những lý lẽ của sự điên rồ ấy.

Quang cảnh giăng ra trước mắt ta thật đen tối: khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, và khủng hoảng xã hội. Theo những thống kê tôi có được trong tay, hơn 20% trẻ em của nước Tây Ban Nha thượng hạng chúng ta hiện đang sống dưới mức nghèo khổ, tuy thế con số đó cũng còn thấp hơn số phần trăm thất nghiệp. Những lý do để chúng ta bất bình không thiếu, và nhà văn không thể không biết điều đó mà không tự phản bội lại chính mình.

Đối với chúng ta, vấn đề không phải là đem ngòi bút của mình phục vụ một sự nghiệp, dù có chính đáng đến đâu, mà là chưng cất từ đấy ra chất men nghi ngờ trong cái ta viết. Kéo tính tiểu thuyết trở lại trong khuôn đúc của những hình thức đã mòn đến xơ ra thì chỉ có thể đẩy tác phẩm vào chỗ vô nghĩa. Một lần nữa, trên ngã ba đường, Cervantès lại chỉ lối cho chúng ta đi theo.

Ý thức về những điều xấu xa của thời đại « ngấu nghiến và nuốt chửng hết mọi thứ », mà ông đã nói đến với nghệ thuật bậc thầy ở chương IX Phần I của cuốn sách, ông đã vượt lên nó bằng cách sử dụng những thể loại văn học đang thời thượng làm chất liệu phá hủy để xây dựng một truyện kể phi thường trong tất cả các truyện kể, còn khai triển đến vô tận. Như tôi có nói cách đây nhiều năm, cơn điên của ngài Alonso Quijano, bị rối trí vì đọc sách, lây sang cả tác giả cũng trở thành điên vì những quyền năng của văn học.

Chúng ta cần quay về với Cervantès và đảm nhận lấy cơn điên của nhân vật ông như một hình thức cao cấp của minh triết, đấy là bài học cần nhớ từ « Quichotte ». Trở về với Cervantès, ta không trốn chạy khỏi thực tế bất công đang bao quanh chúng ta, ngược lại nhập sâu vào đó. Hãy nói thật to rằng ta có thể. Những ai đã bị lây bệnh của ông nhà văn đầu tiên của chúng ta sẽ không bao giờ đầu hàng trước bất công.

Juan Goytosolo

clip_image002