Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

TRAO ĐỔI VỀ HỌC VIỆN HỔNG TỬ (9): Luận về Nô tài

Hiếu Tân
I. Cỗ máy diệu kỳ
Phim ảnh Trung quốc cung cấp cho ta nhiều hình ảnh đáng suy nghĩ. Có một hình ảnh trong rất nhiều phim, khắc họa đậm nét trong tâm trí tôi như thế này:
Một nhân vật - tôi không muốn gọi là một người - (có thể là trai, gái, trẻ, già) quỳ phục trước một nhân vật khác, dùng hai tay của chính mình, tát, vả tới tấp vào mặt, cũng của chính mình, mồm liên hồi kêu lên “Nô tài đáng chết. Nô tài đáng chết”.
Hình ảnh con người tự xỉ vả nhục mạ mình để mong làm vừa lòng kẻ khác, tôi chưa gặp ở đâu khác, nhưng trong phim ảnh Trung hoa, nó phổ biến đến mức người xem không ai có phản ứng gì. Cũng giống như hình ảnh một người, hay là một bầy người, có thể là lính hầu hay tể tướng, văn võ bá quan, quỳ phục trước hoàng thượng mà hô “Hoàng thượng vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”, rồi khi được phép “bình thân” thì đứng lên và “Đội ơn hoàng thượng” Lòng biết ơn được giáo dục sâu sắc biết bao nhiêu. Hình ảnh ấy chỉ cần xuất hiện một đôi lần là đủ cho ta hiểu, nhưng trong hàng ngàn tập phim, nó xuất hiện hàng vạn, hàng chục vạn lần. Và người xem (Việt nam) không ai thấy (dù chỉ là) nhàm. Càng nghĩ tôi càng thấy nhân vật này – nô tài– có một tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa chính trị Trung Hoa. Nó là một đặc sản của văn hóa Trung Hoa. Trong cái hũ tương này, nó có một mùi vị không lẫn đi đâu được.
Tôi chưa hiểu ý nghĩa của chữ tài, nhưng chữ khiến ta nghĩ tới nô lệ, đại loại nô tài là một dạng nô lệ chăng? Hoàn toàn không phải.
Nô lệ, theo tôi, có những đặc điểm sau đây :
  1. Lệ thuộc vào một (ông/bà/gia đình/tập đoàn…) Chủ.
  2. Hoàn toàn không có tự do
  3. Lao động dưới những điều kiện cực kỳ tồi tệ và toàn bộ thành quả lao động bị chiếm đoạt.
Trong những đặc tính trên đây, nô tài chỉ giống ở điểm thứ nhất. Một nô tài phải lệ thuộc ít nhất một chủ. Chủ có thể là hoàng thượng, điện hạ, thái hậu, lão phật gia, cung phi, công chúa, lái buôn… ai cũng được, miễn là người có quyền. Nô tài có thể là tể tướng hay người hầu của người hầu. Nô tài có tự do không? Có đấy. Bởi vì bản thân nô tài cũng có thể có kẻ khác làm nô tài cho mình, (có nghĩa là có nhiều cấp nô tài) nên một mặt nô tài dâng hiến trọn vẹn tự do của mình cho chủ, mặt khác nó tự do tự tiện tước đoạt và chà đạp tự do của nô tài của nó. Một mặt nô tài dâng hiến trọn vẹn nhân phẩm và tự trọng của mình cho chủ, mặt khác nó tước đoạt và chà đạp nhân phẩm và tự trọng của nô tài của nó. Mở rộng ra, có khi nó coi dân đen, dân cỏ (thảo dân) cũng là nô tài của nó. Nô tài không những có tự do mà còn có quyền, thậm chí quyền hành rất lớn, quyền sinh quyền sát. Chỉ có một điều kiện bất di bất dịch, mọi quyền hành động của nô tài hoàn toàn phục vụ cho ý muốn và quyền lợi của chủ. Đơn giản thế thôi.
Giữa nô lệ và nô tài có gì khác nhau? Điểm khác nhau lớn nhất là: ở nô lệ, đó là sự cưỡng bức, ở nô tài, đó là tình nguyện. Nô lệ ‘gắn bó’ với chủ bằng xiềng xích, còn nô tài gắn bó với chủ bằng ơn huệ và lòng biết ơn, nên nó hoàn toàn tự nguyện. Nô tài nói chung không lao động và không phải cung hiến lao động của mình cho chủ, ngược lại, nó được ăn ngon mặc đẹp, phú quý vinh hoa. Nô lệ, từ Spactaquyt đến bác Tom, luôn luôn có mầm phản kháng, bạo động hay bất bạo động, nhưng nô tài thì không, nô tài có thể phản chủ, để đi tìm chủ khác, nhưng nô tài không bao giờ phản kháng. Để làm một nô tài, thì phải hoàn toàn mãn nguyện với thân phận nô tài. Nếu một nô lệ bị cưỡng bức phải giết người anh em của mình, nó vẫn phải làm, nhưng không thể nói nó thỏa nguyện với việc làm của nó. Đấy là chỗ khác nhau giữa nô lệ và nô tài. Khi nô tài cảm thấy có chút bất nhẫn, ấy là lúc nó bắt đầu thôi không còn là nô tài nữa.
Mác có nói (tôi nhớ đại ý) Nô lệ thật vô cùng khốn khổ, nhưng nó chỉ khốn khổ đến tận cùng nếu như nó yên vị trong thân phận ấy. Tôi muốn nói thêm: đấy là khi nó mang một phần phẩm chất của nô tài. Người nô lệ chỉ bị chủ sở hữu thân xác của mình, sức lao động của mình. Nô tài hiến dâng cho chủ tim óc của nó, mọi suy nghĩ mọi cảm xúc của nó.
Nói nô tài có một địa vị quan trọng trong lịch sử Trung Hoa, không phải là nói ngoa. Ta hãy thử nhớ lại, Lữ hậu, Tắc Thiên, chặt cụt chân tay, móc mắt, đục tai xẻo mũi tình địch quẳng vào hố xí hay ngâm thối trong chum… Ai đã làm những việc ấy? Trừ một số ngoại lệ ít ỏi không đáng kể, nói chung các bà ấy không hạ cố tự tay mình làm. Những người làm việc ấy, có thể là trai hay gái, trẻ hay già, phải là nô tài, không thể là nô lệ. Nếu là nô lệ, khi bị đẩy đến bước ấy, nhất định có lúc lưỡi gươm quay ngược về phía kẻ ra lệnh. Nhưng trong lịch sử Trung hoa, có lẽ chưa lần nào xảy ra sự cố này. Những bạo chúa nhan nhản trong lịch sử, sở dĩ có thể tồn tại, có thể làm được bạo chúa, chính là nhờ có tầng lớp nô tài này. Vậy nói nô tài là điều kiện tồn tại của bạo quyền không phải là nói quá.
Nô tài, trước hết, đó là sự tẩy xóa và thóa mạ nhân cách con người. Trong nhiều trường hợp, nó là sự tận diệt tính người trong cái thân xác gọi là người. Con người bình thường thì có lòng tự trọng, còn nó thì tự khinh, nó không để cho người khác khinh rẻ mà tự nó nhận lấy phần thể hiện lòng khinh rẻ bản thân nó một cách ồn ào nhất, mà cái động tác tự vả vào mặt mình, tự mắng mình đáng chết chỉ là một minh họa nhạt nhẽo. Nếu trong nô tài có lòng trắc ẩn, có sự rung cảm trước đau khổ của người khác, thì nô tài tự diệt, nghĩa là nó không còn là nô tài nữa. Như vậy vô cảm trước khổ đau của đồng loại là phẩm chất cần thiết nhất của nô tài, để nó được trọng dụng. Tính vô cảm này kết hợp với tính đạo đức giả của chủ là mảnh đất tốt nuôi dưỡng bạo tàn chuyên chế.
Tôi cứ hình dung một ông chủ thuộc một loại nào đó, có óc tưởng tượng, một hôm ngồi ước ao giá có cỗ máy nào nó biến một ý nghĩ nhỏ, một tiếng nói thầm, một cái lừ mắt của ông ta thành tai họa khốn khổ, bầm dập, thân tàn ma dại cho kẻ mà ông ta ghét, thì tốt biết mấy. Ông ta không biết rằng, từ hàng ngàn năm nay, cỗ máy như thế đã có, trên đất nước Trung hoa, với tên gọi NÔ TÀI. Đến bây giờ vẫn chạy tốt.
II. Nô tài Thi sĩ
Mới nghe thì tưởng chừng như không có sự gán ghép nào khiên cưỡng hơn: Nô tài và Thi sĩ! Thi sĩ thì phải trăng -mơ - hoa - gió - sương -nhạc - hương - mây -ong -bướm - xuân - tương tư - biệt ly -sầu - mộng… Có chi liên hệ với nô tài?
Nhiều người nghĩ một cách hạn hẹp rằng nghề của nô tài chỉ là hầu hạ. Nhưng không phải, nô tài cũng có nhiều nghề riêng, nhiều biệt tài, nhiều đẳng cấp. Tài cầm dao cầm kiếm thì đâm thì chém. Tài bày mưu tính kế thì mưu ma chước quỷ. Tài ăn nói thì uốn ba tấc lưỡi. Và trong lịch sử nô tài, có nhiều nô tài biết làm thơ, và thơ hay. Thơ có khi để ngâm vịnh tiêu dao hay thù tạc, nhưng phần lớn là để hiến dâng cho chủ. Nhưng lại có những nhà thơ cự phách, siêu quần, thiên tài trác việt, có cả một công chúng yêu thơ tôn vinh làm thi hoàng thi bá, rồi bỗng một ngày nào đó, thời thế đổi thay, thiên hạ trông vào hành ngôn hành trạng của thi nhân, thì ngẫm ra rõ ràng một đấng nô tài! Nô tài thi sĩ!
Phẩm chất số một của nô tài là dâng trọn linh hồn cho chủ. Ở phương tây có chuyện bán linh hồn cho quỷ dữ. Nhưng đó là ở phương tây, hay nói chung ở những nơi giao thương rộng mở. Ở phương đông, không bán, mà dâng. Không phải cho quỷ dữ, mà cho chủ. Chủ thì có nhiều loại, nhiều thang bậc về chức tước, nhiều phẩm chất khác nhau về tài năng và đức độ, nhưng có một cái chung, là có quyền, và có tiền. Có người trách thi sĩ viết theo lệnh chủ. Cãi rằng, ta không viết theo lệnh chủ, ta viết theo mệnh lệnh trái tim ta. Mở ngoặc, nói thầm, trái tim ta, linh hồn ta, khối óc ta từ lâu ta đã dâng cho chủ.
Nếu chủ đây là minh chủ, là một đấng anh minh khoan hòa đại độ, chắc sẽ được muôn dân kính ngưỡng tôn thờ. Và thi sĩ nô tài sẽ vô cùng hoan hỉ tự hào dùng thiên tài thi ca của mình tung hô ngợi ca không còn trời đất nào nữa, để rồi cùng theo ân chủ đi vào cõi bất tử. Nhưng nếu rủi chủ lại là kẻ mặt người dạ thú mà quyền thế nghiêng trời, thì sao? Thì đã có một quy luật thép, là qua ngòi bút kỳ diệu của nhà thơ nô tài, ông chủ ăn thịt người ấy vẫn là đấng anh minh cứu thế chói lọi như mặt trời và nhờ vậy mà muôn dân vẫn một lòng bái phục. Chỉ có điều có bất tử không, bất tử theo kiểu gì, thì không ai dám chắc.
Ta đã từng thấy những nô tài quỳ mọp, tự tay vả lên mặt mình mà luôn mồm nô tài đáng chết. Thi sĩ nô tài thì không quỳ, nhưng cũng sẵn sàng vả vào thơ ca của mình kể cả những áng thơ từng làm say lòng bao kẻ yêu thơ, nhưng chẳng may không vừa ý chủ.
Tôi cứ nghĩ mãi không hiểu cái sức đẩy huyền bí nào đã khiến người thi sĩ trứ danh từ bỏ cái hồn thơ phóng khoáng của mình giữa trời cao đất rộng vốn từng được bao người yêu mến mà chui vào nhận lấy kiếp nô tài, cho dù là nô tài thi sĩ? Nhưng ngẫm kỹ thì thấy hóa ra mình chẳng hiểu mô tê gì về thời [của các] nô tài, và xứ nô tài, và tâm lý nô tài hết. Ở thời ấy và xứ ấy, có con đường nào khác để quyền cao chức trọng, phú quý vinh hoa, nếu không tự biến mình thành một nô tài? Ấy là bởi có nhiều cấp nô tài và nhiều cấp chủ, nên trừ những chủ ở đỉnh cao nhất và những nô tài mạt hạng nhất, ở các cấp trung gian thì vai nô tài và vai chủ đan xen và luân chuyển. Cho nên vinh ở chỗ này và nhục ở chỗ khác, cái mình tưởng là vinh thì người khác cho là nhục, là chuyện thường xảy ra. Các giá trị con người đo bằng phẩm trật trong cái thống hệ nô tài, xa lạ với các phép đo khác. Nếu tôi là một ông vua, và nếu có ai nói với tôi thi sĩ Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn là con người có phẩm cách, tôi sẽ hỏi: “phẩm cách là cái quái gì?” Câu chuyện vua Tự Đức “mê đánh tổ tôm, mê ngựa hậu bổ mê nôm Thúy Kiều” muốn nọc đánh Nguyễn Du 300 roi khi đọc đến câu “Tấn Dương được thấy mây rồng có phen” chắc chỉ là một giai thoại, nhưng là một giai thoại có hàm lượng sự thật cao. Trong thâm tâm Tự Đức chắc Nguyễn Du cũng chỉ là một nô tài, cho dù ông làm quan với ông tổ bốn đời của ông ta, và chí của ông là chí không-nô-tài “Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Câu chuyện vua Louis XIV hỏi “Trong triều đại của Ta có gì là hiển hách nhất?” và được Nicolas Boileau đáp rằng “tâu bệ hạ: Molière!” cũng là một giai thoại, không biết có được bao nhiêu phần trăm sự thật, nhưng cho ta mơ về một xứ sở mà tâm lý nô tài không ngự trị.
Ấy vậy mà ở ta cũng có những người không ham và không lụy chế độ nô tài bao trùm thiên hạ. Họ hiểu cái vinh và cái nhục của chế độ đẳng cấp nô tài:
Ngán nhẽ kẻ tham bề khóa lợi, mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, khom mình đứng chực trước hầu môn.
Quản bao người tham cái giàm danh, áo giới lân trùm dưới cơ phu, mỏi gối quỳ mòn sân tướng phủ.
Họ tự đắc không chịu hãm mình trong vòng cương tỏa, và ngông cái ngông của kẻ không chịu cúi luồn.
Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp
Trong thú yên hà mặt tỉnh say
Liếc mắt coi chơi người lớn bé
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Họ biết rằng muốn được thế thì phải biết từ chối mồi bổng lộc ơn trên ban ra từ quốc khố vốn bóp nặn từ hầu bao của muôn dân đói khát, và dám chấp nhận cái nghèo thanh sạch
Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
Người ta gọi họ là những Kẻ Sĩ. Những thi sĩ không-nô-tài.