Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Lê Bá Đảng (1921-2015)

Văn Việt : Ngày 7/3/2015, họa sĩ Lê Bá Đảng đã từ trần tại Paris. Tang lễ của họa sĩ được cử hành vào ngày 11/3/2015. Văn Việt thành kính cầu chúc hương hồn họa sĩ yên nghỉ cõi vĩnh hằng và nhân dịp này xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Thụy Khuê

Thụy Khuê


            Mỗi khi có dịp trình bày quan niệm nghệ thuật của mình, họa sĩ Lê Bá Đảng thường  nhấn mạnh ba điểm:
- Ông muốn thể hiện một nghệ thuật tạo hình không tượng, không tranh, dựa trên những nguyên liệu vật chất hoặc hư không do chính  nghệ sĩ tìm ra.
- Nghệ thuật không chỉ dành riêng cho một số người có phương tiện mua tranh, mua tượng, hoặc nằm bất động trong viện bảo tàng mà phải di động, hòa hợp với thiên nhiên, đến với con người, đi vào cuộc sống.
- Nghệ thuật của một dân tộc chỉ có thể tồn tại được nếu nó bám rễ vào đời sống và mang cá tính độc đáo của dân tộc ấy.
            Ðể thực hiện quan điểm bình dân hóa và phổ biến hóa nghệ thuật, Lê Bá Đảng luôn luôn tìm cách bội phân những tác phẩm của mình thành nhiều phiên bản, giá bán rẻ đi nhưng chất sắc và giá trị vẫn y như nguyên tác. Với Lebadangraphy, thập niên 70, ông chế tạo một thứ giấy riêng để in tranh từ những bản khắc trên đá, khiến tranh in của ông không chỉ là những phiên bản (reproduction) phẳng lì mà còn giữ trọn chiều sâu, nét gồ, nét trũng của những bức khắc, họa.
            Những năm 80, với thời kỳ Tấn tuồng nhân loại (La comédie humaine), những dessins người của Lê Bá Ðảng, vẽ trên loạt chất liệu giấy mới, linh hoạt sống động hơn, có chiều sâu nhân vị, có chất khinh khoát của lời, với những nét dị hợm trong cá tính, bộc lộ những trạng thái và tình thế của con người trong thể Tánh.
             Không gian Lê Bá Đảng, giữa thập niên 80-90, không còn thuần túy hội hoạ nữa mà được cắt, dán, vẽ, khắc... trên chất liệu đặc biệt gói trọn khí quyển và tạo vật trong không gian nghệ thuật. Lê Bá Ðảng phát triển một lối tạo hình mới: không tượng, không tranh mà tổng hợp cả tranh lẫn tượng.
             Năm 1997, họa sĩ bài trí Động Lê Bá Đảng ở miền Baux de Provence, một thắng cảnh miền trung nam nước Pháp, với chủ đề Âu Cơ, Âu Lạc, dựng lại "nguồn gốc Việt, lịch sử Việt" trong hang động bên trời Tây. Ðồng thời, dựa trên cơ sở Nghệ thuật sắc không (Le vide et le plein), ông phác họa nhiều sơ đồ nghệ thuật, hy vọng sẽ về thực hiện trên đất nước, lấy Trường Sơn, Sóc Sơn - Phù Đổng... làm bảo tàng viện thiên nhiên, hội tụ từ cánh chim, nhánh cỏ, ngọn gió đến con người. Ông sáng tạo Tranh hai mặt (Double face), một loại tranh khắc mà mỗi mặt trái phải đều là tác phẩm nghệ thuật. Rồi ông trở về với sơn dầu, mầu nước qua loạt tranh Mắt.
            Sau thời kỳ Mắt, Lê Bá Ðảng bước vào thời kỳ Thiền với những mặt người nửa Thiền nửa Phật trên nền xanh biến thiên bất tận, như muốn đạt đến sự mộc mạc đơn giản tột cùng trong nghệ thuật. Thiền xanh -mặt người chìm nổi trong bể xanh- gói trọn bí mật trần ai trong một thoáng tịnh tâm như âm thầm thách đố người xem thử tìm sau những hình thái Phật, thiền này còn bao nhiêu sắc thái khác?
            Thu 2003, Lê Bá Ðảng triển lãm Thiền xanh ở Paris dưới tiêu đề Thu xanh.
 Xuân 2004, Thiền xanh về Huế cùng những sáng tác khác, tạo nên chủ đề Muôn, Một: muôn vàn trong một, một trong muôn vàn: mỗi nét ẩn dấu muôn vạn sự đời và biết bao sự đời gói trọn trong vài nét phác.

                                                         
Bước chân Giao Chỉ

"Truyện kể rằng: Thời xưa ở nước ta, lúc trời đất còn mờ mịt, đồng không cảnh vắng, bốn phía mênh mông, ăn lông, uống máu, trí tuệ còn chưa mở mang. Lúc đó, tổ tiên ta, đói thì ăn, khát thì uống, thói tục thuần phác, chẳng biết dựa dẫm vào đâu, giống như một làng người quỷ rừng rú (sỉ mỵ).
Đó là nguồn cội xa xôi, bí mật của dân tộc ta trong Lĩnh Nam Chích Quái, những bí mật của một dân tộc "chế lấy mây và gây lấy nắng" như lời Mai Thảo, những bí mật ấy còn phải đi tìm, còn phải khám phá, còn phải lữ hành trong lịch sử, trong khảo cổ, trong dân gian, và bằng ... những bước chân Giao Chỉ của Lê Bá Đảng.
Lê Bá Đảng, con người tiền sử, vừa về đất, say mê bàn chân Giao Chỉ: tranh, tượng, khắc tạc một bàn chân, bàn chân huyền thoại ngược dòng sử thi, tìm lại lai lịch đời mình, dân mình, tộc mình.
Tương truyền:
Đế Minh (họ Thần Nông) du xuân miền nam Ngũ Lĩnh, gặp một người con gái tự xưng: "Thiếp là gái Vụ Tiên". Vụ Tiên là mây mù, sao Vụ Tiên Nữ hay Vụ Nữ dọi dòng Bách Việt, núi Vụ Tiên là núi Côn Lôn ở biên giới Lào Cai - Vân Nam.
Đế Minh gặp Vụ Tiên mây mù ở chân núi Bạch Hổ, sinh ra Lộc Tục, phong là Kinh Dương Vương coi miền Giao Nam, đặt tên nước là Xích Quỷ (bởi dân trần truồng, toàn thân da đỏ). Kinh Dương Vương có phép thần, bơi xuống Thủy phủ, được Long Vương gả con gái là Ánh Mây (Vân Anh), hạ sinh Lạc Long Quân.
Rồi Kinh Dương Vương lui về hồ Động Đình, để Lạc Long Quân trị vì Xích Quỷ.
Từ Bắc, người anh em họ Đế Lai xuống tuần du phương Nam với người thiếp yêu Âu Cơ.
Lạc Long Quân tình cờ gặp Âu Cơ, "coup de foudre"! Long Quân đem Âu Cơ về trốn ở động Hàm Rồng (Thanh Hóa).
Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, nở ra trăm con trai, 50 người theo cha xuống Thủy quốc miền duyên hải, 50 người theo mẹ về Lục quốc, xây dựng nước Văn Lang ở vùng Phong Châu (Bạch Hạc, Việt Trì).
Lê Bá Đảng, con người tiền sử, từ huyền thoại bước ra.
Bước Chân Giao Chỉ của Lê Bá Đảng là một không gian Mây, Nước giao hòa.
Mây như nguồn gốc bên ngoại, mẹ ta xưa là mây, mẹ Vụ Tiên: mây mù, mẹ Vân Anh: ánh mây...
Nước, như nguồn gốc bên nội: Long quân, thủy tộc... Mây, nước kết hợp lên con người, con người rừng rú (sỉ mỵ): người Việt đầu tiên.
Tân tiến hơn, đến mẹ Âu Cơ, biểu hiện hình người, xiêm y lộng lẫy. Mẹ Âu Cơ là lục địa, là mẹ đất. Cha Long quân, là thủy tề, là cha nước.
Đất, nước, hai yếu tố tạo nên tộc Việt, tộc người.
Ngôn ngữ thần tình của chúng ta, với hai chữ đất nước, đã là sự tạo hình, tạo ảnh, tạo lại cội nguồn con người.
Bước Chân Giao Chỉ, những bước đi đầu tiên của hoạ sĩ Lê Bá Đảng, dường như muốn tái tạo lại hành trình của dân tộc ta: từ mây nước trở nên đất nước, từ đất nước trở thành con người, rồi từ con người lại trở về mây nước.
Họa sĩ tung lên không gian một cõi triền miên mây nước, của buổi khai sinh khởi thủy đất trời. Rồi dần dần, rõ hơn, là hình dạng sỉ mỵ, nửa người nửa thú, dạng hình xích quỷ, không quần áo, thú tính lẫn nhân tính trần truồng; rồi đến những hình ảnh xiêm áo lộng lẫy nghê thường, che cái thân cầm thú nhưng cũng không giấu được cõi lòng chưa dứt thú tính bẩm sinh... Dục lạc, khổ đau, đấu tranh, chết chóc ... "dấu chân Giao Chỉ" đầy thương tích, bước trên những sa mạc cuộc đời, trên thiên tai hồng thủy, dày xéo nhau, dẫm trên những khổ đau, bội bạc, trầm luân của cõi người xưa và nay.
Xem tranh Lê Bá Đảng, ta xuôi dòng xưa về nay hay ngược dòng nay trở lại xưa, một ngược xuôi luân hồi, không tiến bộ, con người lúc nào cũng thế, vẫn là khối cô đơn nguyên thủy, vô minh, xa lạ với người và lạ xa với chính mình.


Ngựa 

            Ngựangười, phát âm gần giống nhau, âm hao tương đồng ấy chiếu vào sáng tác Lê Bá Đảng, trở thành một "mã quan" nghệ thuật độc đáo.
            Đối với Lê Bá Đảng, ngựa là một nhân vật.
            Sự "giao lưu" người-ngựa, không mới, có từ thời thượng cổ, trong truyền kỳ Hy Lạp,  với những con centaure ngựa-người (ngựa đầu người). Ngựa còn tượng trưng cường lực, sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ, ngựa mang ấn tượng ra đi, tự do vùng vẫy, ngựa là vũ khí của chinh nhân, chinh phục, ngựa đi đôi với chiến tranh, ngựa là biểu tượng của dục vọng, nhục thể... Nhưng trên thực tế, người luôn luôn coi ngựa như loài súc vật, tuy thông minh, ngoan cường nhưng vẫn là thú.
             Lê Bá Đảng đảo ngược vai trò, với ông ngựa thực thụ là người, thế giới ngựa của ông là thế giới tự do, quần thảo những vũ bão, mơn trớn, phong ba, dục tình, dục vọng, là thế giới của chinh phục: ngựa chinh phục người.
            Thế giới ngựa của Lê Bá Đảng là một thế giới bất kham, hỗn tạp giữa ảo và thực. Tất cả những biến chuyển tâm linh và thể xác của người hiện hình trong chân dung ngựa. Vẽ ngựa, nét bút Lê Bá Ðảng linh động, vùng vẫy, như muốn bộc lộ phần nhân tính trong con vật và ông đạt. Ngựa của ông có sức quyến rũ mê hoặc như những nhân vật kỳ ảo, toát ra sự giao hòa vũ trụ ngựa-người. Như thể khi đã nắm bắt được "phần chung" giữa người và vật, hoạ sĩ có thể giải mã được những nét u uẩn riêng của hai thể loại: ngựa có thể  "hóa thân" thành họa sĩ, như "nhân vật" chị Mã trong một truyện ngắn của Lê Bá Đảng: chị Mã có khả năng sáng tạo sinh động và huyền hoặc như người.
              Nhìn tranh ngựa và những bức "kịch người" của Lê Bá Ðảng trong Tấn tuồng nhân loại, người xem không khỏi so sánh thú tính nơi con người và nhân tính nơi con vật, như thể  người-vật đã hoá thân trong nhau, như thể chính ngọn bút chị Mã đã vẽ nên những sinh vật li ti là con người hoạt náo, triền miên trong vòng ăn, ngủ, đi, đứng, đánh, đấm, khóc cười, bài tiết, sinh lý, gian manh, đạo đức, tội ác và nhân ái... những sinh vật nhỏ nhoi, hạ tiện, không ngừng quay cuồng trong thế giới tục lụy. Sự hài hòa người-ngựa trong tác phẩm dường như còn ẩn một nghiã tiên thiên: Bằng lối phát âm gần gụi ngựa-người, bằng thế uyển chuyển trong động tác sinh lý, bằng tính thiên di, bằng lòng yêu tự do, bằng mãnh lực quật khởi... Ở Lê Bá Đảng, có sự nhập thần giữa người và ngựa, phân thân giữa người và ngựa, khiến người xem tranh không phân biệt được chính người vẽ ngựa hay ngựa vẽ người. Xóa biên giới giữa nhânvật để thể hiện một thế giới tạo vật huyền đồng trong nghĩa Lão Trang, với những con ngựa sống động như những con người. Mỗi "nhân vật ngựa", bằng những dessins cực kỳ giầu đường nét, có ma lực và mã lực biến hoá những cảnh trí thông thường thành ngoạn mục, mộng tưởng.
            Ngựa của Lê Bá Đảng không chỉ là những hình hài bất động trên tranh mà chúng có khả năng chuyển động, quyến rũ, toát ra đời sống tâm linh trong ánh mắt, nụ cười, trong tác động thể xác và thú tính: Ngựa buồn, ngựa vui, ngựa trầm ngâm, ngựa đắng cay, đau khổ, ngựa lồng, ngựa phóng, ngựa đá, ngựa ăn, ngựa ngủ, ngựa dằn dữ, phong ba, ngựa yêu, ngựa ghét, ngựa nằm, ngựa đứng, ngựa ngồi... Tất cả những tư thế, những ngậm ngùi của ngựa đều được hoạ sĩ khai triển, trong những chiều kích khác nhau, bằng những chất liệu khác nhau. Mỗi khi có một nồng độ nào đó dâng lên trong huyết quản nghệ sĩ, thì lại có... ngựa, ngựa là sự giao thoa giữa một cảm xúc bất kỳ, với một làn sóng không tên dấy lên từ trực giác sáng tạo, cái mà Francis Bacon gọi là "tai nạn" (accident), tôi xin gọi là tia chớp lóe lên từ một cõi không, biến không thành có, biến ngựa thành người.

Tấn tuồng nhân loại

            Có thể nói, mỗi thời kỳ hội họa của Lê Bá Đảng ít nhiều đều phát xuất từ bi kịch cá nhân. Hoạ sĩ lấy cuộc đời làm củi lửa cho tác phẩm và những bi hài kịch trong Tấn tuồng nhân loại (Comédie humaine) cô đọng những trò đời, trò điếm mà ông đã trải qua.
            Vẽ ngựa, Lê Bá Đảng có cái nhìn lạc quan về người, ông tìm trong ngựa sự "hướng thượng" đến "tính người". Nhưng vẽ người, ông đứng ở tư thế ngược lại: nhìn người dưới góc độ thú, nói cách khác, ông đứng ở "quan điểm" của con thú để nhìn người. Francis Ponge đã từng nhìn người bằng mắt ốc, mắt sỏi... Lê Bá Đảng nhìn người bằng mắt ngựa, mắt mèo, mắt núi, mắt sông... và như thế, chưa chắc người đã cao hơn, siêu hơn thú, vật.
            Người xem đặt biệt chú ý đến những nét mỏng, nét đơn, tạm gọi là những nét bi quan Lê Bá Đảng: Nếu trong tranh ngựa, dessin của ông tung bay, hoành tráng, thì trong tranh người, ông hà tiện nét, nét ông li ti, hài hước, hoài nghi, cay độc, châm biếm, đôi lúc đến độ suồng, dâm... họa sĩ muốn bộc lộ những ti tiện tráo trở của con người với những hỉ, nộ, ái ố, lạc... trong trạng thái trần trụi thê thảm nhất, đường nét cũng khôi hài, hạ tiện, cũng đơn mỏng và lật lọng như phận người. Dessins thay người, chúng sống hộ người những trạng thái mong manh, bạc bẽo, nhạt nhẽo, phận sao phận bạc như vôi, chúng phản ánh những bi quan của Lê Bá Đảng về con người, chúng vẽ nên thói đời đơn bạc, đảo điên, chúng hướng về những bấp bênh trong cuộc sống, mong manh trong sinh mệnh, chúng treo ngành giữa sống và chết. Lê Bá Đảng dùng nét như chất liệu hội họa, như phong cách họa sĩ, để vẽ nên nhân cách con người.
            Lê Bá Đảng ghét người. Ông thao túng người qua những nét cực kỳ mỉa mai, châm biếm. Ông  vẽ cõi nhân sinh bé tí trong những trạng thái ngoạn mục và khôi hài, chữ nhân đi liền với chữ dục, thế giới người của Lê Bá Đảng là cõi nhân dục triền miên. Ông vẽ những cái không thể vẽ được: cái phiếm và cái điếm trong con người.
            Tính cách biếm và điếm trong con người, cộng nết rong chơi, hài hước của tác giả,  và những chất liệu cực kỳ đơn giản: mực tàu, nét mỏng, tạo "không khí" đối thoại, thỏa hiệp tay đôi giữa nghệ sĩ và những nhân vật mà ông tạo ra, như thể Lê Bá Ðảng đã ở trong nhân vật, nhìn và vẽ nhân vật bằng linh hồn và thể xác của chính mình.
            Với người, Lê Bá Đảng vừa phân thân vừa hóa thân, vừa vẽ, lại vừa là nhân vật trong tranh đang vẽ. Tất cả thực hiện bằng mắt. Nếu mắt với mọi người là "cửa sổ của linh hồn", thì đối với Lê Bá Đảng, mắt còn là hồng tâm sáng tạo. Mắt soi suốt tâm linh và thể xác người và vật. Mắt sống trong núi, trong cây, trong cỏ, trong sông, trong biển... Mắt ở thượng nguồn chẩy xuống miền xuôi: suối mắt, mắt phượng, mắt hiển linh, mắt thịt da, mắt dâm ô trụy lạc, mắt thú, mắt người...
            Đối tượng vẽ được/bị nhiều con mắt tứ phía chiếu vào, rồi như chính nó cũng đang đăm đăm nhìn quang cảnh xẩy ra trước mắt. Hiện tượng phức xạ này khiến những chân dung trong tranh Lê Bá Đảng lạ lùng hơn những biếm họa khác: chúng nhiều chiều. Xoay đi, xoay lại, nhìn dưới góc độ nào, mỗi thực thể trong tranh đều có thể nhìn mình, đều có thể dở dói những hành vi khác nhau, gợi những cảm giác, những rung động khác, bộc lộ không những cả "nội tâm" lẫn "hình thức" của chúng mà còn phản ánh những ẩn ức, những điều không nói, những ám ảnh, mộng mơ, chưa thành hình. Hoạ sĩ hướng người xem về vùng sâu trong vô thức con người, cho thấy tất cả đều khả thể.
                                                                   
Không gian Lê Bá Đảng

            Ý niệm về không gian, ai chẳng có. Ý muốn biểu dương vũ trụ cũng không lạ. Nhưng ý thức được tính tương đối trong vũ trụ thì có lẽ phải đến Trang Tử mới thật sự đặt vấn đề. Với chim bằng, cá côn, ao trời, gió lốc... Trang Chu đã  "tạo hình" cái vô cùng của tạo vật và cái lẽ tương đối ở đời.
            Hội họa Tây phương, giàu kỹ thuật, không ngừng biến chuyển, nhưng vẫn có truyền thống thiên về hiện thực, vẽ những gì thấy được, nắm bắt được, những "hiện thực cụ thể" (kể cả khi phá thể để lập thể, trừu tượng). Trong một chừng mức nào đó, hội họa Tây phương vẫn chưa thật tình thám hiểm thế giới siêu hình, tâm linh, chưa thật sự trăn trở về lẽ sống chết, cái lý tương đối ở đời.
            Hội họa Đông phương nghiêng về đạo, về triết lý sống, nhưng lại không tìm cách phát triển  những kỹ thuật hội hoạ mới cho phép diễn tả một cách đa nguyên, đa dạng.
            Hiếm hoi là những nghệ sĩ dung hợp được cách tạo hình phương Tây với triết lý sống phương Đông, để tạo ra con đường nghệ thuật phức âm, đa nghĩa, rọi ánh sáng dưới nhiều góc độ vào những trăn trở của con người về cõi sống, cõi chết, cõi biết, cõi không, về hư vô cực lạc, về cái đạo của con người, ở chỗ Tâm và Vật không còn phân chia giới hạn.
            Lê Bá Ðảng là một trong những nghệ sĩ gốc Á Đông hiếm hoi, đã nắm được bí quyết giao hoà Ðông Tây, tìm đến sự hòa đồng Tâm-Vật, Âm-Dương, Hữu Hạn-Vô Hạn trong tác phẩm nghệ thuật. 
                                                                     
            Trong hành trình sáng tạo, Lê Bá Ðảng đi từ con mèo, con ngựa, con trâu đến... con người, và ở mỗi "con", ông đều cố gắng đào sâu đến nguồn ngọn, cỗi rễ: Với lối nhìn "thấu suốt", ông có thể chế tạo những "đầu-trâu-tâm-phật", "hình người-dạ thú", "khẩu phật-tâm xà"... dễ như trở bàn tay. Qua hơn nửa thế kỷ sống với nghệ thuật tạo hình, dường như ông đã thuộc lòng thế giới "nhân vật cầm thú", cũng lại quá quen với khoảng không gian bình thường trong lối học hàn lâm, mà cách nhìn "viễn cận" chưa hề thay đổi từ hơn 20 thế kỷ.
            Lê Bá Đảng muốn trở tay, tìm kiếm, muốn thám hiểm cõi sống chết của con người, ngoài hội họa.
            Không gian Lê Bá Đảng là sự phản kháng những không gian ba chiều đã trọng tuổi, là sự chống lại quan niệm lỗi thời của hội họa trường ốc với cách nhìn một chiều: Vẽ những gì thấy trước mắt. Dù nghệ nhân có thể hồi khứ, ngoái lại dĩ vãng, nhưng vẫn phải moi ký ức ra khỏi óc, để nó lên bàn, trước mặt, mà vẽ.
            Hội họa lập thể mở rộng hơn: Đối tượng vẽ, không im lìm, không "chết", nó có quyền chuyển động. Lập thể mở thêm chiều thứ tư: Chiều chuyển động cho tác phẩm.
            Hội hoạ trừu tượng phá thể, để ngòi bút xé nát đối tượng, tiêu tùng hình thái, vẽ những tư tưởng. Mỗi nghệ sĩ có thể tạo một lối họa, lối nhìn riêng về đối tượng; và người xem cũng có quyền nhìn tác phẩm theo ý mình, độc lập với nghệ sĩ. Hội họa trừu tượng phá bung những định kiến, những hàng rào ngăn cách, để con người tự do thưởng ngoạn, tự do tưởng tượng và nghệ sĩ tự do sáng tác. Mối tương quan cố định giữa đề tài bức tranh và sự cảm nhận của người xem không còn nữa. Hội họa trừu tượng lấy tư tưởng làm đối tượng, lấy tự do làm khởi điểm và chính ở chỗ tự do ấy, con người mới thấy cái giới hạn của chính mình.

            Lê Bá Đảng muốn thoát ra khỏi tất cả những ràng buộc về quy luật của nghệ thuật cổ điển, kể cả sự "tự do giới hạn" trong hội họa trừu tượng, để mở ra một "cõi ta" của riêng mình, ông sáng tạo Không gian Lê Bá Đảng.

            Không gian Lê Bá Đảng là gì?

- Ðó là sự gặp gỡ giữa nhiều ngành nghệ thuật: Kiến trúc, điêu khắc, hội họa... Lê Bá Đảng không chỉ vẽ mà ông tạo hình.
- Ðó là mối tương quan giữa người, vật và vũ trụ. Cách nhìn của Lê Bá Đảng có gì gần gũi lẽ tương đối của Trang Chu: nhỏ có lý của nhỏ, lớn có lý của lớn, phải cũng vô cùng và trái cũng vô cùng: cứ lấy ánh sáng mà soi thì sẽ thấy lẽ tương đối nẩy ra, và họa sĩ thể hiện cái lẽ tương đối ấy trong Không gian Lê Bá Đảng. Bỏ cái nhìn một chiều, hướng về trước mặt, ông muốn biến đổi không ngừng các góc độ nhìn.
            Ở những mô hình Không gian thực tiễn, Lê Bá Ðảng nhìn từ không trung, bằng mắt chim (côn), như đứng trên mặt trăng nhìn xuống đất. Tôi gọi là viễn cận vạn lý.
            Không gian thực tiễn thể hiện những nứt nẻ trên mặt đất, những đỉnh cao, vực sâu, trong lòng đất, lòng biển, từ sự bất tận của đại dương đến những li ti như phận người, phận kiến. Trong không gian thực tiễn, với viễn cận vạn lý, Lê Bá Đảng có thể gồm thâu vũ trụ địa chất và thế giới nhân sinh trong chiều kích không quá một thước dài, hai thước rộng.
             Không gian ảo tưởng gây không khí siêu hình giữa sống và  chết. Ông vẽ cái hư vô, cái không và cái có. Kỹ thuật, chất liệu, cách sắp xếp trong mỗi không gian như muốn tạo nên một thế giới, một vũ trụ ngoài màu sắc. Nói khác đi, trong cõi hư vô ấy, màu sắc chỉ là cái cớ để lưu lại với hội họa, ông hay dùng sắc nâu, sắc xám, toàn trắng, toàn đen, màu đất nung, chấm phá vài điểm son như những cột mốc, để tư tưởng, trí nhớ và tâm linh có thể trụ lại giữa khoảng vô thỉ, vô chung.
            Trước những tác phẩm này, một cảm giác hoang mang, lạc loài xâm lấn, như mình đang nhìn cái hữu hạn của cuộc đời giao tiếp với  cái vô hạn của tử sinh, luân hồi, truyền kiếp.
            Trong loại không gian thứ ba, Không gian lịch sử-địa tầng, họa sĩ tạo cảm giác thời gian liên kết với không gian: một bên là con đường xuyên suốt quá khứ-tương lai, một bên là viễn cận xuyên địa: mắt nhìn từ cung trăng xuống địa cầu, đâm sâu vào những địa từng, địa đạo. Dường như hoạ sĩ  muốn hình tượng hóa cả một thời kỳ lịch sử dân tộc: Xuyên qua những thửa ruộng khô, những cánh đồng cháy, những bãi cát dài, những ngôi cổ mộ, vào những lớp địa tầng, đi đến trung tâm trái đất. Trên đường xuyên địa, thỉnh thoảng lộ lên vài chiếc bóng lơ lửng, mơ hồ, rêu phong, như thấp thoáng có hồn Trọng Thủy đang tìm dấu Mỵ Nương qua vết lông ngỗng xác xơ, tan tác... Ở một khoảng tối này, có phải Diêm Vương đang hành hình lũ tội đồ? Ở một không gian u ám trên kia, Hằng Nga đang cô đơn, giá buốt trên cung Quảng?...Tác phẩm của ông có nét hoài nghi về tương lai, kèm những khổ đau trong hiện tại và u hoài về quá vãng.
            Nghệ thuật của ông như muốn "thoát hài", đập vỡ cổ kính để tạo ra không gian phi thời gian, gồm thâu quá khứ, vị lai, địa tầng, địa chất, cõi này, cõi khác trong khoảnh khắc một cái nhìn. Ðộc đáo. Cô đơn. Nhưng chính sự cô đơn đó là ánh sáng nội tâm soi trong địa đạo Lê Bá Đảng.

Hạt gạo Trường Sơn

            Vật thể hóa một hiện tượng tâm linh, đem những yếu tố hữu hình, vật chất ra để phân tích một hiện tượng thần bí, đó là công việc của khoa học nhân văn. Sinh hóa một vật thể, huyền hóa một hiện tượng vật chất, thuộc địa hạt nghệ sĩ.
            Hạt gạo trong lòng một dân tộc hơn bẩy mươi phần trăm làm nghề nông, trở thành hạt đời, hạt reo mầm sống, hạt hạ mầm chết. Có gạo, có sinh; không gạo, không sống. Người ta sống nhờ gạo, với gạo, nhưng không ai coi gạo như một hạt huyền bí, có khả năng tạo sinh, khi hột gạo đầy, cũng không nhìn gạo như hạt phù thủy, có khả năng khai tử khi gạo rỗng. Những ý tưởng tâm linh, tâm vật ấy hiện diện trong hạt gạo Lê Bá Đảng. Ông dùng điêu khắc và hội họa hòa hợp để kiến tạo nên một sinh thể gạo mà tâm sinh vật, vật sinh tâm. Hạt gạo bá đảng là hạt gạo của trăm làng, reo rắc truyền bá lời nói thẳng, hạt gạo có bệ phóng như cái loa. Hạt gạo trực ngôn mang bản chất của người nghệ sĩ có tên Bá Đảng. như trăm, như cái loa, cứng như gỗ trắc, mềm và uyển chuyển như dây cương ngựa bằng da; đảng như thôn làng, đảng như lời nói thẳng; tất cả những ý nghĩa đó của hạt gạo tiềm ẩn trong hai chữ Đảng, tên người nghệ sĩ.

            Gạo, vật thể đã biến thành một sinh thể tâm linh huyền hoặc: gạo đầu lâu, gạo thạp thố, gạo ông Địa, gạo Rùa, gạo Âu Cơ trăm trứng, gạo Âm ty, gạo Vọng phu, gạo Thành Hoàng, gạo Thổ Công, gạo cá Kình, gạo Bình Than, gạo Diên Hồng, gạo Ngũ Lĩnh, gạo Nước, gạo Rồng, gạo Rắn, gạo Tiền sử... Lê Bá Đảng thể hiện gạo như một sự tìm về nguyên thủy. Trên đường đi, gạo bước qua lịch sử, bước qua truyền thuyết, gạo Bá Đảng gọi sử thi dân tộc và qua dân tộc là sử thi con người.

            Những thực thể gạo rực lên như những ánh đuốc tuệ, đặc như thể chất, rỗng như hư vô, được họa sĩ vận vào phong cảnh Trường Sơn, như muốn nhân hóa thiên nhiên: biến  nhiên giới thành nhân giới: Ông muốn khắc tạc và reo rắc trên Trường Sơn những hạt gạo mầm Lê Bá Đảng, tạo nên một miền Trường Sơn có nội tâm và ngoại cảnh giao thoa. Vùng Trường Sơn nghệ thuật nổi bật những biến cố lịch sử con người mà Trường Sơn đã mục kích, đã sống từ thuở hồng hoang đến bây giờ. Trường Sơn ấy không chỉ là Trường Sơn thiên nhiên thuần túy mà đã trở thành một Trường Sơn nhân văn, trùng điệp núi rừng, nhưng không hoang dại mà mang dấu ấn nhân sinh. Rặng núi dài xương sườn của đất Việt, đã có tâm ký, đã có ức ký, từ nay sẽ biết thổ lộ phần tâm ức của mình cùng suối, đèo, mây, gió, nói chuyện với những khách du tìm đến Trường Sơn, không chỉ như những thắng cảnh thiên nhiên đất đá, mà tìm đến Trường Sơn như một vùng rừng núi nhân văn, có sức sáng tạo của con người, bảo giữ lịch sử và huyền thoại dân tộc.


Mèo

            Hội họa Trung Quốc bắt đầu từ Thư pháp (calligraphie). Thư gia nổi tiếng nhất Hoa Trung là Vương Hi Chi, sống khoảng thế kỷ thứ tư, thứ năm trước Tây lịch. Những mộc bản đầu tiên ở phương Đông, khắc chữ của Vương Hi Chi. Một người tên là Pien Tsai giữ được cuộn giấy có chữ của Vương, Đường Thái Tôn phải dùng mưu để ăn cắp. Tương truyền người ấy mất ăn mất ngủ rồi chết.

            Chết vì mất chữ. Không phải ngẫu nhiên mà người Trung Hoa coi thư pháp là nghệ thuật chính, nghệ thuật nguyên thủy, bởi chữ của họ dựng lên từ đời. Mỗi chữ vẽ chân dung hiện tượng mà nó muốn gọi tên: Chữ nhân vẽ người, chữ địa vẽ đất,...

            Lê Bá Đảng không vẽ chữ, ông lấy vật làm chữ. Tại sao ông lại chọn Mèo làm con vật "chính danh"? Vì Mèo có mệnh hệ gắn bó với họa sĩ từ lâu: Mèo là con vật đầu tiên giúp Lê Bá Đảng thành danh (những bức tranh đầu tiên ông vẽ và bán được là những bức tranh mèo). Đối với Lê Bá Đảng, Mèo không chỉ là nguồn gốc phát xuất một tài năng, một tên tuổi. Mèo còn là chữ ký của tác giả.

            Ông dùng mèo như một ký hiệu thuần túy tự họa. Nét mèo của ông trở thành ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ hội họa đầy thư pháp và thi pháp Đông phương, nhưng lại hiện ra như một thứ ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình, rất Tây phương. Như dấu ấn hiện hữu của cái có, cái không, của cái hữu hình vô thể trong toàn bộ tác phẩm Lê Bá Đảng. Mèo vừa là chim, vừa là rắn. Mèo là những dấu hỏi: Lê Bá Đảng là ai? Là Tôi, hay là một tiền kiếp, hậu kiếp nào khác? Lê Bá Ðảng có hay không? Mèo của Lê Bá Ðảng là những dấu hỏi về cuộc đời, về những gì đã biết hoặc chưa biết. Dường như người nghệ sĩ ấy, qua những biến thiên trong dessin mèo, luôn luôn tự hỏi về mình, đến từ đâu, đi về đâu? Khi vẽ chim qua nét mèo, phải chăng ông cũng muốn bay cao, muốn đo lường không gian, tìm khám chiều sâu của vô tận? Hay cũng muốn trắc khảo chiều sâu, độc như rắn, hay rộng, cao như trời biển của lòng người? 

            Mèo biểu hiện cả chim lẫn rắn. Vũ trụ mèo của ông là vũ trụ người: tuy bám sát đất mà luôn luôn tìm cách vươn cao, ấp mộng bay bổng không gian, muốn tìm kiếm trên thượng tầng một bầu khí quyển mới. Hỏi có gì nơi đó? Với Lê Bá Ðảng, Mèo thể hiện tính chất mâu thuẫn trong con người. Mèo là chữ ký của nhân sinh, ký hiệu của cái biết và cái không biết, chữ ký  của không tưởng và ảo tưởng, nhưng cũng là ký hiệu của mọi sinh loại: "đầu đội trời - chân đạp đất", vừa thực tiễn, vừa lắt léo trong lòng. Sau cùng và trên hết, những nét mèo trong Lê Bá Đảng biểu hiện nghệ thuật thư pháp mà cũng là nghệ thuật tạo hình nguyên thủy, đơn sơ nhất, mộc mạc nhất, không phấn son, không màu sắc, như muốn khởi đi và tìm đến  cõi nguyên khai, tuy không mà có.


Nghệ thuật sắc không

            "Sắc tức thị không, không tức thị sắc"
            Muôn vàn sự vật, dù mang nhiều hình sắc nhưng chỉ do nhân duyên hòa hợp mà nên. Chúng không có thực thể, chúng rỗng, cho nên: sắc tức là không mà không tức là sắc.
            Sắc hay là thể sắc (Le plein) gồm cả nội sắc lẫn ngoại sắc.
            Nội sắc gồm những sắc căn hay ngũ căn: năm giác quan của con người: mắt, tay, tai, mũi, lưỡi. Ngoại sắc là những đối tượng mà ngũ căn nắm bắt được như màu sắc, hình tượng, âm thanh, mùi và vị.
            Hai yếu tố Sắc tướng (Le plein) và Hư không (Le vide) vừa đối chất, vừa bổ sung cho nhau. Họa sĩ đã nắm bắt cả hai để đem vào tác phẩm.
            Đám mây kia? Có hay không? Hay chỉ là muôn vàn hơi nước tích tụ lại? Hơi nước kia? Có hay không? Hay chỉ là sự bốc hơi của nước ở một nhiệt độ nào đó? Nhiệt độ kia? Có hay không?... tất cả những câu hỏi kia đều vô thường. Lê Bá Đảng dựa trên vô thường để tạo vũ trụ sắc-không của mình qua vật chất và trên mạng lưới điện tử. Vật chất như đất, đá, sắt thép, giúp ông tạo hình; ánh sáng, điện ảnh và điện tử giúp ông biến hình, tác tạo một thứ không gian "ăn" vật chất: Vạn vật bị tan trong một không gian háu đói, mà đen tối là nền. Tóm lại Lê Bá Đảng thể hiện sự vong thân của vật thể: Sắc biến thành không, không "ăn" sắc, trong một không gian mà ông gọi là bí mật Lê Bá Đảng.

            Trước hết, hãy nói về Sắc (le Plein). Sắc ở đây được biểu hiện dưới hình thức không tượng mà cũng không tranh: Một vị sư ngồi thiền, nhưng hình như không phải sư, cũng  không phải là tượng, vì tượng thì phải đầy, đằng này vị thiền sư rỗng. Sự "rỗng" vừa nói lên chất hư không Đông phương, theo lối nhà Phật, lại nói lên chất hư vô Tây phương trong con người, theo triết thuyết hiện sinh, và mở cửa cho khách thưởng ngoạn vào thế giới tưởng tượng của chính mình: Thiền sư còn đó hay người đã tịch rồi? Có phải thiền sư hay chỉ là ảo giác? Nghệ sĩ muốn loại hết những yếu tố "thừa" trong tạo vật, trong nhân sinh, để chỉ giữ lại hai cốt lõi: sắc-không. Với những chất liệu như dây thép, dây vàng, dây gai... Lê Bá Đảng đã tạo ra nhiều hình sắc khác nhau: Nhện giăng tranh, mắt nhện, ngựa vờn, ngựa gió, khỏa thân, ngồi thiền... dây vừa tạo nên hình thức, vừa làm rỗng nội dung, khiến cho tác phẩm như chứa đựng hư vô trong mình.
            Vũ trụ sắc-không như một sự phủ định của tác giả về thế giới nhân sinh mà ông đã tạo ra, như một sự xóa thể, vong thân, nhưng cũng lại là một cao ngạo phi thường của con người, muốn vươn đến cái siêu việt, vô cùng, vô thân, vô thể.


Tranh hai mặt

            Phần đông các nghệ sĩ tạo hình thường chỉ chú ý đến một mặt của tác phẩm, tức là mặt phải, mặt trình diễn, mặt phô ra trước người xem tranh. Chẳng hiểu sao Lê Bá Đảng lại chú ý đến mặt sau tức là mặt trái của tác phẩm. Có họa sĩ nào nghĩ đến việc vẽ mặt sau của bức toile? Nhà điêu khắc nào khắc trong lòng bức tượng? Vậy mà Lê Bá Đảng chú tâm đến mặt sau bức tranh, để ý đến trong lòng bức tượng: Khi tạo tranh hai mặt, có phải ông đã thấy trong lòng trái đất một thế giới khác? trong lòng đại dương một vũ trụ khác? trong lòng người, dưới  đáy sâu tâm hồn, một lớp lang khác hẳn diện mạo hình thức? Cái đáy này, là vùng tiềm thức, con người không biết rõ lắm, nhưng không thể phủ nhận. Vùng ấy hình như chứa đầy những hình ảnh khác thường, lành dữ lẫn lộn, sáng tối không rõ, truyền thuyết, lịch sử hoảng loạn trong nhau. 
            Để vẽ cả hai mặt ấy của người và vật Lê Bá Đảng dùng chất cứng như kim loại làm cốt, rồi ông bồi thêm một chất liệu giống như vôi vữa để tạo nền. Trên chiều dầy kim loại và chất liệu xây dựng này, nghệ sĩ tạc hai mặt tác phẩm: Mầu sắc ở đây thường là mầu cổ, mầu rêu, rêu đen, rêu xám, màu hoàng thổ, màu sa hùynh, màu hồng hoang, màu long não, màu da đồng, màu quá khứ... Những đường khắc tạc trên tranh là những nét mơ hồ, như thể họa sĩ muốn vẽ vùng tiềm thức chứa chất muôn vạn hình ảnh mà không cái nào rõ ràng, bởi tiềm thức là cái kho huyền bí của tâm giới nhưng nó cũng lại là một thực tế rõ ràng như rong rêu trong lòng biển, như khối huyết tương trong lòng đất mà hỏa sơn phun ra.
            Tranh hai mặt Lê Bá Đảng thể hiện khía cạnh double face của sinh thể và vật thể: trái đất có lòng, đại dương có tim, con người có tâm.
            Huệ Khả nói với Bồ Đề Đạt Ma: Tâm con không yên. Đạt Ma trả lời: Ngươi đưa tâm của ngươi ra đi. Huệ Khả đáp: Con tìm mãi tâm mà không thấy. Bồ Đề Đạt Ma bảo: Đó! Ta đã yên tâm cho ngươi rồi đó. Huệ Khả giác ngộ.
            Lê Bá Đảng dường như muốn vẽ sự tĩnh tâm ấy theo Bồ Đề Đạt Ma. Mọi giải thích sách vở đều vô ích. Vẽ trạng thái Tâm truyền Tâm, không qua văn tự. Tâm vô hình, vô định, trong thiền tông. Khi không biết tâm mình ở đâu, ấy là giác ngộ.

            Mỗi hình thái trong tranh hai mặt vừa là một thực thể vật chất, nhưng cũng có thể là một mặt người hay một mảng tâm linh. Mỗi hình thái ấy dấy lên một cái gì bất định, không  chữ nghĩa nào xác định được đó là cái gì. Tranh ư? Không phải! Tượng ư? Không phải! Trừu tượng ư? Không phải! Hữu hình ư? Không phải! Bởi nó biến dạng và di động không ngừng như tâm người trong ngôn ngữ thiền tông, không cần giải thích, không cần bài bản,  sách vở mô tả. Tác phẩm nghệ thuật cũng vậy. Không cần giảng mà truyền đạt trực tiếp: tâm truyền tâm, lòng đến với lòng, như lời Bồ Đề Đạt Ma.


Cõi dục

            Phần đông tranh, tượng của Lê Bá Đảng được vẽ, được khắc, trên nền phụ nữ khoả thân, như thể thân xác mới là nền nguyên thủy của nghệ thuật. Ðối với ông, hình như chỉ cõi dục, với những dục ảnh, dục tình mới có khả năng diễn tả toàn bộ đời sống thiên nhiên kết  hợp với con người.
            Ông trộn thân xác trong bối cảnh thiên nhiên, vật thể; rồi lại từ cái vũ trụ đã hoàn thành từ thân xác ấy, ông mổ xẻ những tế bào, những bắp cơ, những mạch tuyến... để khám phá động tác dục tình. Nhưng động dục chỉ là một cớ để họa sĩ tạo ra những bí mật của đường nét: dục tình ở đây là sự giao hoan đường nét, giữa mây và bão, giữa đài hoa và nhụy hoa, giữa phấn và noãn, giữa thần linh và ác quỷ, giữa chất liệu và màu sắc, giữa chữ và nghĩa, giữa gió và mưa... Vị trí giao hoan thay đổi không ngừng như những cảnh trí, những thế đứng, thế ngồi, của các đường cong, đường thẳng trên thân thể, trong cuộc sống... đồng thời cũng là cuộc gặp gỡ hoan lạc giữa những ý niệm, của mình với chính mình, giữa con người và vật thể, con người và thú tính, con người với bóng mình, con người với những giấc mơ... Rốt cuộc, hội họa ở đây là sự tìm kiếm không ngừng một  thân xác nằm trong trời đất. Thân xác là cái đẹp đầu tiên và cuối cùng mà họa sĩ muốn thể hiện trong tranh, trong tượng, trong những bức tranh-tượng hữu hình vô thể.

            Xem tranh Lê Bá Đảng là một cách tìm hồn và xác của cái đẹp. Khi thấy một bóng, một dáng, một dạng... người chen lẫn trong nước, trong trời, trong núi, trong mưa, trong mây, trong cây, trong lá... ấy là ta đã bắt được hồn tranh; như thể họa sĩ  đem hồn mình giấu trong cỏ, cây, mây, nước, dưới những đường nét bí mật của một tha nhân khác phái, tạo nên sự kết hợp tâm-thân giữa hai thực thể cái-tôi và cái-khác-tôi, đưa đến cuộc giao hoan thầm kín giữa tình yêu và nghệ thuật trong cõi dục Lê Bá Đảng: một sự nhân hóa cảnh vật bằng chính tâm hồn người nghệ sĩ sáng tạo ở mức độ thầm kín nhất: thân thể hóa vũ trụ trong cuộc giao hoan nguyên thủy.
            Mục đích của nghệ sĩ là tìm kiếm sự thật, mà người là "sự thật" đầu tiên và cuối cùng. Người nằm trong thân xác. Muốn lại gần sự thật, hoạ sĩ đặt thân xác lên địa vị tối thượng như một thần linh, để tư tưởng không ngừng tìm kiếm, để con mắt tìm mọi cách chiếu ánh sáng vào. Hành động thầm kín và bí mật nhất của thân xác là giao hoan. Giao hoan là động tác tình yêu, nhưng đồng thời cũng là một đòi hỏi, một nhu cầu, một động tác bạo lực, động tác sống và gieo mầm sống... nhưng giao hoan là khu rừng bí mật, mà nghệ thuật khó khai thông, lại luôn luôn bị chồng chất, cất dấu, dập vùi bởi bao cấm kỵ đạo đức, tôn giáo. Phá giới, người nghệ sĩ muốn đặt hoan giao lên đài vẽ, như một hiện tượng đích thực và chính yếu của thân xác, của con người, phá những hàng rào đạo đức xã hội để tìm đến động tác cơ bản của con người trong trạng thái nguyên thủy khi Adam và Eve nếm trái cấm lần đầu, và con mắt vụng trộm của Thượng Đế chưa nhìn thấy, chưa sục sạo truy lùng để ngăn cản và hành tội.


Mắt

                                                                                   Hỡi đôi mắt! Hồ thủy tinh trong suốt
                                                                                   Soi trần gian, địa ngục, vạn đời ma.
                                                                                                                                  Bích Khê

            Bích Khê hỏi mắt: Người là ai? Người hỡi người là ai?
            Lê Bá Đảng tìm về đồng tử.
            Bởi con ngươi "chúa của  mắt" như lời thơ Apollinaire "pupille, Christ de l'oeil". Từ địa vị chúa tể ấy, con ngươi ngự trị sinh hoạt con người.
            Con ngươi làm nên mắt, ở trong mắt.
            Mắt, dưới nét họa Lê Bá Đảng là một thực tế bát quái biến dịch, có khả năng nói tất cả mà không cần lời. Mắt với ông là hành trình tự do và khủng hoảng của con người, vừa tình, vừa tội, vừa đam mê, vừa phản trắc, vừa âm mưu, vừa khốn khổ; mắt xác định cái tôi, mắt là cực lạc, nhưng cũng là âm phủ. Mắt luồn lọt trong không gian, chui xuống các lớp địa tầng, mắt nằm trong lục phủ ngũ tạng, mắt xoi mói điều tra, mắt mật vụ, mắt van xin, mắt tử tội...
            Mắt, trong tranh Lê Bá Đảng, khơi lên không khí Kafka báo hiệu một thế kỷ u tối, tuyệt vọng, con người bị đàn áp và tự đàn áp. Mắt, nói lên sự sợ hãi trường thiên của cá nhân con người trong thế kỷ: bị dò thám, theo dõi, đe dọa... tất cả những trạng huống hãi hùng phản ảnh trong ánh mắt, lòng đen chìm trong hố sâu huyền hoặc, đen hơn địa ngục, bàng hoàng hơn nhật thực, tăm tối hơn nguyệt thực.
            Mắt loạn là một chủ đề khác, một sự loạn thần, nhìn gà hóa quốc, nhìn trăng hóa sao, nhìn trời thấy đất... Lê Bá Đảng vẽ những loạn tưởng, những trạng thái cuồng qua ánh mắt, vẽ những phẫn nộ, những mầm hoang tưởng trong con ngươi con người.
            Mắt của Lê Bá Ðảng có hai phần: MắtNão. Não là những đường tơ song song, hình thức sóng, não tựa như hình ảnh Thượng Đế trong câu tục ngữ Hòa Lan: "Thượng Đế tiến thẳng với những đường cong". Tuyến não giống như tuyến mắt. Ðồng tử là tụ điểm, từ đó các làn sóng não thùy xuất phát, vừa để tung ra, vừa phong tỏa các tin tức về trạng thái tâm linh con người.

            Trong những bức màu nước thực hiện năm 96, Lê Bá Ðảng làm nổi bật sự giao hòa giữa não thùy và đồng tử trong các trạng thái khác nhau. Tranh phóng vào những vùng tăm tối của não thùy, vào những âm u của trời đất, của lòng người; bởi tranh ông không chỉ thể hiện "phần người", mà luôn luôn có cả "phần thú". Tranh, có thể từ người biến sang vũ trụ, hoặc ngược lại từ vũ trụ trở về con người, tiềm ẩn sự hỗn mang trong tư tưởng, sự loạn thần của cỏ cây mây nước, sự vong thân của con người cầm thú, mắt người, miệng quỷ, tâm phật...

            Ở tranh Mắt, 2000, sự vong thân của mắt như dữ dội hơn với những bức sơn dầu lớn,  như có diêm vương trong đáy mắt: một vòng xanh, đen, trầm, lặng, mênh mông như đại dương, vô thanh như niết bàn, nhưng cũng ghê gớm như một địa ngục tịch lặng. Các làn sóng não thùy cũng đã biến đi, vùng sóng não, giờ đây, chỉ còn là một mặt bằng thuần nhất, trong như bích ngọc, lam ngọc, thủy ngọc... như thể tất cả tội ác rồi cũng tan tác, cũng cát bụi, như những kiếp người. Chỉ còn trụ lại những đáy mắt, ngục mắt, trục đồng tử không chết được, không tiêu tan được, đã đọng lại thành những tinh thể... Ðó là những linh hồn lang thang, không sống được ở cõi này, cũng không siêu thoát được trong cõi khác, bởi chúng đã chứng kiến, đã nhúng tay vào sự hành hạ con người, chúng là con người thác sinh không lối thoát, chủ thể những tha hóa của chính mình.


Thiền xanh

            Suzuki, trong Thiền luận, chương bàn về Trụ xứ của Bồ Tát, có nhắc đến câu kinh  Bát nhã bát thiên tụng: "Tâm của Như Lai không trụ bất kỳ đâu, không trụ trên các pháp hữu vi, không trụ trên các pháp vô vi và do đó không hề rời khỏi vũ trụ." Câu kinh này diễn đạt thuyết "Tánh không" trong đạo Phật.
            Tôi là gì? Tôi ở đâu? Tôi từ đâu đến? Tôi đi về đâu? Những câu hỏi này phát xuất từ đầu mối: Tự tánh của tôi ở đâu? Nghĩa là trụ xứ, chỗ trú của tôi ở đâu? Do đâu mà tôi dấy lên hành động? Về nghi vấn này, các vị thiền sư trả lời khác nhau.
            Thượng Khê Liên, khi được hỏi về phong cảnh Thượng Khê, đáp: "Con nước trước mắt chảy về đông." Thiền sư Minh, ở Tương Đàm đáp: "Núi liền Đại Nhạc, nước tiếp Tiêu Tương." Riêng Thái Khâm ở Kim Lăng trả lời: "Không vẽ nổi". (Thiền Luận, Suzuki, quyển hạ). Tất cả những khẩu quyết trên đều nhắc tới trụ xứ của Bồ Tát.
            Kinh kim cương đưa ra một khía cạnh khác của thuyết Tánh không: "Hãy để cho tâm của người khởi lên mà không cố định nó bất cứ ở đâu." Lời kinh tàng ẩn ý nghĩa: hãy "dựng tâm mình dạy mà không cố định nó bất cứ ở đâu", hay hãy "làm chủ trọn vẹn chính mình".

            Hai ba chục bức tranh mặt người dáng Phật ngồi thiền khổng lồ thực hiện trong một thời gian rất ngắn, như trong mỗi tia chớp giác ngộ, thấy một Bồ Tát dấy lên từ vô thức, họa sĩ ghi lại ngay. Những nét đọng lại trên nền xanh ấy, chưa là người, không là người, không là Phật, mà là một cõi, là "trụ xứ của Bồ Tát", là cõi tâm không, tánh không, ông vẽ cái "tâm không trụ" của chính mình để tạo cõi thiền riêng Lê Bá Đảng. Trong cõi ấy, họa sĩ đã bỏ hết dessin, màu sắc, chỉ giữ lại vài nét mơ hồ chìm nổi thất lạc trong màu xanh nguyên thủy, như muốn biểu dương những gì không thể biểu dương, muốn vẽ những gì không thể vẽ được của vũ trụ Tánh không. Cũng có thể bảo là Lê Bá Đảng vẽ cõi hư vô trong con người. Trong vô vàn cách nhìn thiền tranh, mỗi người có thể tìm thấy một sự tịnh tâm, một vũ trụ mộng tưởng, một khoảnh khắc sống "khác" những gì đang sống... Hoạ sĩ vẽ Phật ư? Không lấy gì làm chắc, nhưng vẽ gì thì vẽ, Lê Bá Đảng cũng chỉ vẽ chính mình, vẽ trụ xứ của mình. Một trụ xứ không biết đến từ đâu, trở về đâu. Với thiền tranh, trụ xứ của Lê Bá Đảng biến đổi khôn lường, trong vũ trụ xanh. Ông vẽ cái "vòng tâm bất định": Tâm của "bồ tát-tôi" được họa sĩ trình bày trong vòng tròn mặt bồ tát, với những nét thấp thoáng, dạng vòng tròn, nhưng như vô dạng, có đường kính giới hạn nhưng lại như vô hạn, tất cả xác định nên trụ xứ của bồ tát: Tôi luẩn quẩn giữa vòng tròn mà đường kính là chiều dài sợi dây buộc vào hai cực, một vòng tròn không giới hạn với đường kính vô cực, đó là chỗ "tôi-bồ tát" cư ngụ: vòng tâm bất định.
            Do đó, mỗi khuôn mặt "người-bồ tát-tôi" mà họa sĩ vung lên tuy là một vòng tròn có chu vi khép kín nhưng tạo được cảm giác mở rộng đến vô cùng. Mỗi khuôn mặt, dấy lên từ một cõi thiên thanh bất tận như trái đất, hành tinh xanh trong vũ trụ đạo. Mỗi nét mặt là một cõi tâm, "tâm vô tâm" trong vũ trụ Tánh không. Mỗi nét tròn gồm thâu những khổ đau, bất hạnh trong trời đất, những hạnh phúc của miền cực lạc xa xăm.
            Với Thiền xanh, Lê Bá Đảng muốn tạo một không gian mà vật chất tan biến trong tinh thần,  tinh thần hoà tan trong vật chất, để trả lời câu hỏi "Tôi ở đâu", họa sĩ bảo: Không vẽ nổi, qua những bức tánh không, trụ xứ bồ tát, như câu thơ Mai Thảo:Tôi không.

           
Mặc áo cho cây

Làm thế nào đem nghệ thuật vào thiên nhiên? Làm thế nào phối hợp tác phẩm nghệ thuật với gió mưa trời đất; phong tục, văn hóa với danh lam thắng cảnh; núi sông, lịch sử, với đớn đau hạnh phúc của con người? Đó là một dự trình từ lâu ấp ủ trong tâm hồn Lê Bá Đảng.
Trong "phòng thí nghiệm nghệ thuật", họa sĩ tìm cách phối hợp nhiếp ảnh và tạo hình,  tạo cho ảnh tính "thật" của vật chất, tính biến thiên của sáng tác, thổi hồn vào những bức ảnh -vốn chụp ngoại cảnh- chưa có phần nội, phần sâu của tâm hồn: ông vẽ trên ảnh, tạo "tâm linh" cho ảnh.
 Tâm linh nào?
 -Tâm linh đất trời, tâm linh Việt hòa cùng tâm linh họa sĩ.
 Lê Bá Đảng xem "máu thắm, chỉ hồng" như sợi dây vô hình liên lạc các rường mối bí mật của cuộc sống, đường dây máu đỏ ngắn nhất, mộc mạc đơn thuần nhất, nhưng cũng tha thiết gắn bó nhất, giữa những yếu tố nhỏ nhất và lớn nhất trong vũ trụ, trong con người. Ðể biểu dương "màu thắm chỉ hồng", ban đầu, ông chỉ dùng một sợi dây lụa đỏ. Trên những bức khắc-họa, "máu thắm chỉ hồng" là dây tơ nối hai mảnh tranh như một kết hợp trăm năm, hoạ sĩ muốn chứng minh: chỉ một sợi tơ đỏ cũng đủ làm thay đổi toàn diện tương quan nghệ thuật của một tác phẩm.
Trong phòng thí nghiệm của họa sĩ, "máu thắm, chỉ hồng" tìm ra một kết hợp mới: nhện giăng tranh. Ông thực hiện những bức ảnh phong cảnh trong đó những sợi dây trắng, dây màu, dây luạ, dây gai, dây vải... và những giọt máu, giọt màu... chủ động giữ vai trò xúc tác quan trọng. Rời phòng thí nghiệm nghệ thuật, "máu thắm" trở thánh "áo thắm" chạy tung khắp nẻo, vào rừng "mặc"cho cây, lên núi phóng túng hình hài,  ra sông giăng mắc giữa dòng...
Xưa, cây quế kia đứng cô đơn giữa rừng. Nay, nhờ những sợi tình giăng mắc, quế sẽ biết bộc lộ linh hồn Huyền Trân. Quế sẽ nói lên lòng hiểm độc, kỳ thị của con người trong câu ca dao"Tiếc thay cây quế giữa rừng, để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo" rồi cỏ cây, theo quế sẽ khóc Huyền Trân thêm một lần nữa.
Hai cây phong đứng sừng sững lặng câm trong vườn ư? Rồi chúng sẽ trò chuyện với nhau, giăng mắc nhau bằng muôn sợi tình.
Cây đại thụ bên hồ nước kia sống đã trăm năm, đã mục kích bao nhiêu tang thương biến đổi, bao nhiêu kỳ tích đớn đau mà không nói được, từ nay nó sẽ góp mặt vào những thăng trầm của đời người, kể chuyện quá khứ, dự phóng tương lai....
Mặc áo cho cây là cách sáng tạo có thể biến thiên đến vô cùng khi người nghệ sĩ có cảm hứng dấy lên trước một thực thể bất kỳ nào đó của thiên nhiên. Họ có thể tạo linh hồn cho cây cỏ, bằng chất liệu, bằng tưởng tượng, qua thi ca, qua những nguồn văn hoá dân gian, dân tộc. Và như thế, chất liệu của nghệ thuật tạo hình, không còn bị giới hạn trong bút và mầu, mà nó gồm thâu tất cả những nguyên liệu vật chất và tinh thần mà người nghệ sĩ sở hữu; nó là nguồn "máu thắm, chỉ hồng" nuôi sống con người và tạo nên những nền văn hóa khác nhau. Chính cái chất liệu tinh thần này, Lê Bá Đảng muốn đem vào, muốn biểu dương trong thiên nhiên bằng phong cách nghệ thuật mới: Mặc áo cho cây.

Trăm năm trong cõi người ta

 Năm 2007, hội họa của Lê Bá Đảng chuyển sang một giai đoạn mới mà ông gọi là cõi người ta.
Cách đây hai mươi năm, họa sĩ đã tìm ra chất liệu thể hiện không gian Lê Bá Đảng, khai phá lối nhìn nhiều chiều về cõi nhân sinh trong hội họa.
Cõi người ta là một họa trình mới, kết hợp không gian với tâm linh con người, thể hiện tâm hồn con người trong không gian và trong tạo vật.
Cõi người ta cũng là cõi thiên nhiên đã được nghệ thuật hoá, là cõi người mà tâm thân gắn liền với tạo vật. Dồn dập, vũ bão, thanh lãng, vô vi, nghệ thuật Lê Bá Đảng ở tuổi tám sáu, như rượu vang càng ủ càng nồng, tựa những gì ông trải qua trong gần chín mươi năm sống đã đúc kết lại thành hai nguyên tố: trống - đầy, không - sắc.
Ai cũng có thể nói đến sắc-không. Nhưng sắc-không là gì? Nhiều nhà Phật học từ chối câu trả lời chính xác. Thực hiện sắc-không trong nghệ thuật tạo hình là hiện thực hoá một ảo ảnh, một triết tưởng, một luận tưởng. Lê Bá Đảng đã từng có những giai đoạn "sắc-không" mà chúng tôi tạm gọi là "thuần túy" hay thời kỳ phân tích. Nay ông từ những yếu tố đã phân, tổng hợp chúng lại trong một trật tự khác, thành cõi nhân sinh đa nghiã, phức tạp, cõi nhân sinh đắm mình trong cảnh giới: cõi người ta.
Cõi người ta 2007 của Lê Bá Đảng, cũng vẫn là cõi mà hội họa và điêu khắc thông giao như ông đã làm từ hơn hai mươi năm nay, nhưng bây giờ, trong cả nghĩa vật chất lẫn tinh thần: Vẽ, cắt là một. Rắn, mềm là một. Là thần người và thần đất hoà hợp. Là trốngđầy. Là người - vật trong nhau. Là nhân tố và ngoại tố phối hợp. Từ động đến tĩnh, từ tư tưởng đến hình hài, từ kỹ thuật đến chất liệu, từ lý trí đến siêu hình, từ con người đến thiên nhiên, tất cả đều đã là nhau trong cõi người ta Lê Bá Đảng. Ở tuổi gần chín mươi, hoạ sĩ ngày càng muốn tiến dần đến cõi tạo vật huyền đồng của Lão.
 Cõi người ta cũng chính là thực trạng tương phản của cõi đời. Nhìn theo lối Tây phương của Sartre: có người thì mới có ta; sự hiện hữu của ta là qua mắt người (l'autre). Nhờ người, ta mới hiện hữu. Nhưng người cũng là địa ngục của ta. Vì người, ta bị trầm luân trong địa ngục, trong bể khổ, nhưng nếu không có người, ta không còn hiện hữu.

Với Tản Đà, người còn là ảnh:
 Mình với ta, dẫu hai nhưng một,
Ta với mình, sao một mà hai?
Nhưng người cũng là bóng:
Ta ngồi thời bóng cũng ngồi,
Ta đi, ta đứng, bóng thời cũng theo.
Có khi lên núi qua đèo,
Mình ta với bóng leo trèo cùng nhau.
Có khi quãng vắng đêm thâu,
Mình ta với bóng âu sầu nỗi riêng.
Có khi rượu nặng hơi men,
Mình ta với bóng ngả nghiêng canh tàn.
Tất cả những ảnh, những bóng của Tản Đà, một thế kỷ sau sống lại, hiển linh trên nghệ thuật tạo hình của Lê Bá Đảng.
 Người-ta trong Lê Bá Đảng, không chỉ là hai nhân vật đối điện nhau mà có thể là bất cứ vật thể, sinh thể... nào, là tất cả những cặp phạm trù đối đẳng. Như người với thiên nhiên và vạn vật: bởi người sống với, sống vì, sống nhờ thiên nhiên, vạn vật. Như người và lịch sử: bởi người làm nên lịch sử và lịch sử chi phối con người. Người và trời đất: người sinh trong trời đất và người tác động lên trời đất. Người và không gian: người chiếm hữu không gian, nhưng không gian bao la cho người thấy mình nhỏ nhoi, bất lực. Người và thời gian: người đo lường thời gian qua trí nhớ và hồi tưởng, nhưng người không thể làm thời gian ngừng lại. Những cặp phạm trù tương phản ấy lồng ấp trong nhau như âm với dương, sinh biến cùng nhau trong cõi sống.
Cõi ngưòi ta - thể hiện cái sinh biến ấy - không chỉ ở chỗ tương phản mà còn là cõi hoà đồng; nơi tâm, thân con người hoà quyện với không gian và thời gian, nội giới và ngoại giới hoà hợp, con người và cảnh vật trao thân trong những nét nửa tiên nửa tục, nửa họa nửa khắc: Cảnh trong người, người trong cảnh.
Phật hiện ra, thật nhiều, cùng khắp, nhưng không phải đức Phật, mà là sống phật, sống thật: phật tại tâm, tâm là phật. Cho nên, dưới dạng buông tuồng, sân si, lãng mạn, u uất, hào hùng, thất thố, ẩn dấu một cái tâm khác, một sự thật khác.
 Nguyễn Du đã từng bày giãi trăm ngàn mạo diện, tư thế, tâm uất của kiếp người trong nghệ thuật tạo chữ. Lê Bá Đảng dường như cũng đang thể hiện những cảnh ngộ, những tình huống, những đam mê, những ám ảnh siêu hình của con người trong nghệ thuật tạo hình. Khát vọng của ông là đem cả cái cõi người ta ấy về trồng trong lòng đất nước, giữa trung tâm địa hình, hồng tâm văn hoá: cố đô Huế.
Nếu việc ấy thành, thử mường tượng một hôm dạo trên đồi nhìn xuống sông Hương hay trên đường thiên lý xuyên rừng, bỗng nhiên ta bắt gặp một hình hài uy linh như đức Phật, hay một bóng dáng phụ nữ lả lướt như tiên sa, hoặc cả một đoàn người huyền ảo lung linh gánh lúa... Những hình tượng ấy có thể bằng gỗ, bằng đồng, bằng thép, bằng dây thép, dây gai, bằng bất cứ chất liệu nào, có thể khắc trên cây, treo trên cành, tạc xuống đường, đặt trên bệ, mà cũng có thể là một hình thái khổng lồ trong không gian, chứa ta và bao trùm lên cảnh vật. Tác phẩm nghệ thuật có thể xuất hiện trên đường trường, trong phong cảnh, ở những chỗ bất ngờ nhất và ta có cảm tưởng lạ lùng như thấy mình cùng một lúc đang ở trong, ở trên và ở ngoài tác phẩm; sở dĩ có cái cảm tưởng ấy là bởi vì tác phẩm luôn luôn trình bày sự trực diện và hoà đồng giữa người ta.
 Để thể hiện trạng thái đó, Lê Bá Đảng dùng hai yếu tố trống đầy như một phương pháp nghệ thuật.
Về hình, trước hết ông dùng trốngđầy để làm cho những hình hài mà ta vừa nhìn không chỉ bằng mắt mà còn có thể đi trong "nó", sờ được "nó", cho ta cái cảm giác tay chân cũng góp phần trong cái đẹp: tác phẩm có ta ở trong với cả đầu mình tứ chi. Đó là về hình.
Rồi ông dùng trốngđầy để tạo hồn cho các hình thái, và tạo bóng cho những linh hồn ấy. Vì thế, ông còn gọi những thực thể nghệ thuật mới nhất của ông là hồn bóng. Một hình có thể có nhiều bóng. Nhưng bóng lại gây liên tưởng tới ma trong tâm hồn người Việt, cho nên người với ma đôi khi chỉ đơn giản là bóng với hình. Lê Bá Đảng dường như đã muốn thể hiện tất cả những mối liên lạc tâm linh và huyễn tưởng, những khúc mắc siêu hình trong đầu óc người Việt: ông muốn diễn tả cái sinh biến trong cõi người.

Những điều vừa nói trên sẽ rất hiển nhiên, nếu bạn đứng trước tác phẩm. Nhưng nếu bạn không có dịp tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm, thì mọi chuyện sẽ không dễ dàng như thế. Trước hết, cần phải giải thích: trốngđầy trong tác phẩm của Lê Bá Đảng là gì? Tại sao ông lại dùng trốngđầy? Cái trống tức cái không (le vide) ở đây có hai nghiã: nghiã đen và nghiã Phật học. Lê Bá Đảng sử dụng nghiã thứ nhì: trống chính là đầyđầy cũng là trống, ông đã tìm cách biến thành không, biến không thành .
Biến như thế nào? Rất đơn giản: vừa cắt xong một hình hài trên giấy (hoặc bất cứ chất liệu gì) tức là đã có "đầy" rồi, ông bèn khoét trong hình ấy những hình hài khác. Nói khác đi, ông tạo trong lòng cái hình đầy ấy, những khoảng trống khác: làm cho đầy thành trống. Rồi những khoảng trống ấy, nhờ không gian và ánh sáng rọi vào, chúng biến thành những hình hài sinh động: chỗ trống (chỗ bị khoét) đã trở thành đầy (tức là thành hình). Động tác này bất cứ ai cũng đã làm trong đời sống (như tạo một con chim, một chiếc máy bay bằng giấy cho trẻ con chơi) nhưng chúng ta thường không ý thức về hành động của mình, cho nên không thấy sự biến thể và biến chất trong động tác. Sự biến thể và biến chất mà họa sĩ vừa thực hiện và chúng ta cũng đã từng làm mà không biết ấy, chính là ý nghiã cụ thể của câu "thần trú" Phật học: sắc tức thị không, không tức thị sắc. Là không mà có, là có mà không. Nhưng đồng thời, nó còn có một nghiã khác, nó thể hiện tính chất lưỡng nguyên trong con người: như hình với bóng, như tâm với hồn, như chết với sống, trong thơ Tản Đà.
Thực hiện xong phần hình với bóng, lại một vấn đề khác đặt ra: còn lòng dạ người? Làm sao dò được lòng người? Lòng người là một vực sâu, đầy biến hoá, khi thánh thần khi ma quỷ. Để trả lời câu hỏi này, Lê Bá Đảng tạo ra những hình và bóng không chập nhau: hình người-bóng Phật, hình người-bóng ngựa, hình người-bóng cây, hình người-bóng chó, hình người-bóng quỷ... đối với ông, người cũng là ma: đêm đạo trích, ngày đạo hạnh.
Con người không thể đứng trơ giữa trời đất, mà con người đứng trong trời đất, tâm hồn và thể xác giao hưởng với trời đất: Màu nước biển kia có xanh chăng? Hay chính màu xanh đã nằm trong ánh mắt? Lá cây kia rung động thật chăng? Hay chính gió bão trong lòng người đã làm xao động lá cây? Đoá hoa kia, hồng hay tím? Hay chính lòng người đã nhuộm hồng nhuộm tím màu hoa? Nếu ta không biết nhìn thì cỏ cây cũng thành gỗ đá. Nếu ta không biết nhìn thì gỗ đá cũng là bùn đất. Nếu ta không biết nhìn thì bùn đất chỉ là nhơ bẩn. Nhưng nếu ta biết nhìn, thì đại dương sẽ biến thành biển biếc, đồng cỏ biến thành hoàng hôn một vùng cỏ áy bóng tà,... Lê Bá Đảng muốn thể hiện những vùng cỏ áy bóng tà ấy trong lòng người: cho nên trong cấu trúc hình họa của ông, đôi khi bỗng thấy giữa tim người trổ lên một đoá hoa, một cành lá, một sườn đồi, một dòng suối... như thể người và cảnh đã ở trong nhau, đã là nhau, hoàn toàn chung một nhịp tim: tâm truyền tâm, như Phật nói.
Lại hỏi: Có bao nhiêu hạng người? Người đạm-tiên, người sở-khanh, người tú-bà, người thúc-sinh, người hoạn-thư, người từ-hải, người hiền-như-bụt, kẻ giảo-hoạt-khôn-lường... hoạ sĩ thể hiện mỗi cá nhân bằng một hình giống như chữ, những chữ-người này có giá trị như một cụm từ (tú bà, sở khanh...) bởi vì nó không chỉ đơn thuần là một hình chữ, nó là con người có cá tính riêng biệt: chữ hoá thân thành người. Vẫn là tình trạng biến thể: sắc-không, Lê Bá Đảng trình bầy trùng điệp những đạo quân người trong ván cờ người, bằng những mẫu tự người đứng bên nhau thành ngữ đạo. Con người hiện hữu, bằng hành động, bằng trách nhiệm, bằng cách ứng xử với thiên nhiên và đồng loại, tạo thành ngữ tự của chính mình.
Nhưng lại hỏi: Con người có quá khứ có hiện tại không? Hoạ sĩ trả lời: Rằng có, mỗi cá nhân mang một sử thi trong lòng: có người tiền sử, người Âu Lạc, người Tô thị, người Vạn Hạnh, người Thăng Long, người Bến Ngự, người Đồng Tháp, người cầy, người cấy, người hôm qua, người hôm nay. Nhìn kỹ toàn bộ tác phẩm mới của ông, chúng ta sẽ thấy tất cả: mỗi hình hài, mỗi ngữ tự trong cõi người ta, gói ghém một cơ đồ, một thời đại, dường như không cá nhân nào thoát khỏi sử kiếp của mình và của dân tộc.
Lê Bá Đảng muốn đem những ngữ tự người muôn mặt ấy, về đặt trong trời đất, trong thiên nhiên. Ông muốn đem tất cả những bình diện trắc diện của con người về trồng trên quê hương, nghệ thuật hóa thiên nhiên qua lịch sử, trong tâm linh con người.
Ông muốn dựng cõi người ta trên nền Huế, tâm của đất Việt.

Thụy Khuê





Tranh Lê Bá Đảng trên mạng:

http://lebadang.free.fr