Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Thư cuối năm và những con chim cánh cụt

Trần Mộng Tú

Các chị bạn thân mến của tôi.

Hôm nay, buổi tối cuối năm, tôi mang hai ổ bánh Bông Lan tới cho Trung Tâm Tạm Trú Qua Đêm.

Qua bãi đậu xe, không gian lạnh, tối bưng mắt, cỏ dưới chân sũng nước, lộp độp trên nón những giọt thời gian rơi.

Tối nay khá đông và có nhiều trẻ con, căn phòng như nhỏ lại hơn lần trước. Khu này phần đông dành cho phụ nữ, nhưng người mẹ nào có con nhỏ cũng được đem theo, hoặc những ông bố có con nhỏ cũng được ngủ qua đêm.

Tôi tới đúng lúc mọi người đang xếp hàng lấy thức ăn. Những chiếc đĩa giấy trên tay như vầng trăng mùa đông méo mó.

Họ co rúm trong những cái áo khoác đen, mũ vẫn chùm đầu, có mấy đứa nhỏ tay áo dài phủ kín bàn tay. Tất cả, trông giống một đàn Chim Cánh Cụt (Chim Penguin) đang rúc vào nhau.

Mấy khay mì Ý sốt cà chua, sợi mì dài múc lên trông như những con trùng màu hồng.

Nhìn chim cánh cụt con đưa cái đĩa ra, nhận những sợi mì con trùng màu hồng thả vào, chúng mang ra bàn, cúi xuống ăn. Sốt cà chua nhòe hai bên khóe miệng trẻ thơ, như có ai vẽ vội trên môi chúng những nụ cười hóa trang màu hồng.

Có người đàn ông Cam Bốt mang bà mẹ già và ba đứa con tới. Đứa con gái khoảng lên tám, da vàng khè, yếu ớt, đứa con trai hai tuổi da trắng tóc vàng, đứa bé nhấtcũng là con gái, bà nội bồng trên tay, da đen và tóc quăn rút rít. Gia đình anh ta ghé xin ăn và ngủ trọ qua đêm. Một bức tranh nhiều màu, nhàu nhĩ.

Hỏi sáng mai gia đình đi đâu? Bà nội nói không biết? Cứ ra đường để gió dắt đi.

Tôi đứng sau quầy, phân phát thức ăn, nhìn thằng bé tóc vàng hai tuổi, ngồi hiu hắt trên cái ghế chênh vênh, nó không chịu ăn gì cả.Trong một chốn lạ, ở tuổi nó, một là quấy khóc ôm chặt lấy người thân, hai là chạy lung tung phá, nhưng nó lại ngồi im lặng, không nhìn ai, như một nhà hiền triết tí hon, cô độc. Trông có thương chưa!

Bố nó bảo đừng ai hỏi han nó. Nó vừa ở nhà Foster child ra, nên hư lắm.

Tội quá, thằng bé mới lên hai. Con chim cánh cụt bé bỏng không có cánh của mẹ để rúc vào. Người ta lôi nó đi qua mấy cái nhà rồi, mà nó vẫn chưa có một mái gia đình.

Mẹ nó đang ở đâu?

Con bé da đen tóc quăn rút rít, mới 11 tháng tuổi, bà nội ẵm trên tay. Bà nội nước da nâu xạm pha sắc vàng vàng, đang húng hắng ho. Bà vừa đút chai sữa vào miệng nó, vừa nói bà đang bị cảm.

Con bé tám tuổi, mặt cũng tái mét, không ăn, vào nằm trong một góc phòng.Tối nay cả gia đình năm người của nó sẽ ngủ trong góc đó.

Người bố hỏi mượn con dao để cắt trái táo, hai cánh tay anh xanh lè những hình xâm, gương mặt anh khắc khổ, căng thẳng.

Tôi đưa con dao cho anh, thấy run trong bụng. Nhìn anh vừa khua con dao vừa nói về cuộc chạy thoát khỏi Cam Bốt: “Phim Killing Field chẳng đáng kể gì so với cảnh tôi trải qua.”

Khốn khổ như thế mà anh có tới ba đứa con với ba người phụ nữ khác chủng tộc. Ở một thời điểm nào đó trước kia chắc anh phải có việc làm, có tiền và có nhà chứ. Có tới ba người phụ nữ đã lấy anh rồi mà. Anh ở Mỹ bao lâu rồi. Hoàn cảnh nào đẩy anh tới chỗ không nhà, tôi không dám hỏi.

Mỗi lần mang thức ăn tới, ở lại tiếp thức ăn cho họ, tôi chỉ dám hỏi có ăn món rau không? Có muốn chút thịt không? Có uống sữa không?

Mỗi lần đến chỉ dám nhìn, chụp hình bằng mắt những con người không may mắn đó. Những người phụ nữ tuổi từ sáu mươi tới mười sáu đều có ở đây. Mỗi người một cái túi hành trang nhỏ, tự kiếm cho mình một góc nhà, nằm xuống. Nằm ôm trọn đời mình tối nay. Ngày mai để cho ngày mai tính.

Một số người trong họ, có thể là những con chim mẹ cô đơn, đang ôm bọc quần áo trong lòng mà ngỡ ôm con. (Bạn có biết loài Chim Cánh Cụt, khi mất con, nó đi ăn cắp con của chim mẹ khác đem về không?)

Tôi chỉ rưng rưng nhìn, không dám hỏi, vì hỏi ai trước bây giờ? Hỏi điều gì? Hỏi tại sao? Hỏi nhà xưa? Hỏi chồng cũ? Hỏi vì đâu nên nỗi hay sao?

Xót xa thương nhất là những đứa bé, vì phần đông chúng không cười, và rất ít nói.

Chúng lang thang theo cha hay mẹ nguyên ngày. Đôi chân đã mỏi, ngồi chênh vênh, đứng nghiêng ngả và hình như chúng rất buồn ngủ.

Tôi nghĩ tới mùa đông đang rơi ngoài kia, sáng mai 8 giờ, sương còn đẫm, có khi mưa nhỏ, có lúc mưa to. Chúng đang ngủ, sẽ bị đánh thức dậy, ra khỏi nơi tạm trú này. Vừa nhắm mắt vừa đi theo tay cha mẹ. Lạnh quá! Đi mà không biết đi đâu.

Cuối năm rồi.

Có những con người không có chỗ trở về.

Có những con chim cánh cụt bé bỏng, tìm hoài không thấy đôi cánh mẹ.

Có những con chim mẹ vì một lý do nào đó không tìm lại được chim con.

Các chị bạn của tôi, những bà nội, bà ngoại của đàn cháu nhỏ. Cuối năm các chị đang ôm cháu trong lòng. Đang nghĩ sẽ đút cho nó ăn gì, mua cho chúng thứ đồ chơi nào.

Các chị nhớ mở truyền hình ra, chỉ cho các cháu mình xem, trên những cánh đồng tuyết mùa đông, có những con chim cánh cụt bé bỏng, đang đi tìm đôi cánh của mẹ nó để rúc vào và kìa, có cả những chim mẹ đang lết đôi chân trên tuyết đi tìm con.

Cuối năm, chia may mắn của mình ra từng mảnh nhỏ, nhờ gió mang tới chốn nào cần.