Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

NGUYÊN KHÍ

Tiểu thuyết

Hoàng Minh Tường

14. THÁI PHÓ ĐINH LIỆT

Dã kính hoang lương hành khách thiểu

Cô châu trấn nhật các sa miên

( Đường vắng cô liêu người thưa bóng

Thuyền côi ghếch bến ngủ triền miên)

( Trại đầu xuân độ - Ức Trai thi tập - Nguyễn Trãi)

Bấy giờ Thái phó Đinh Liệt cùng với Đại Đô đốc Nguyễn Xí, Nhập nội Kiểm hiệu Lê Thận đặc trách trông coi chính sự trong thời gian vua Lê Thái Tông đi kinh lý miền Đông.

Ngày đức Lê Thái Tổ lâm chung, người được nhà vua gọi riêng đến ký thác con côi Lê Nguyên Long, không ai khác là Đinh Liệt. Bởi về huyết thống, Đinh Liệt gọi nhà vua là cậu ruột. Ông là con nhà võ, nhưng thông hiểu chữ nghĩa, văn chương, tính tình điềm đạm khoan hoà. Lại nữa, từ ngày ông lấy được nàng Lương Minh Nguyệt, nữ lưu vùng Sơn Nam Hạ, nức tiếng có giọng hát Chầu văn, Ả đào mê hoặc lòng người, thì con người ông có nhiều đổi khác. Ở ông không có tính quá khích của dân xứ Thanh và máu công thần bè phái của Lam Sơn hội như bọn Lê Sát, Lê Ngân, Lê Vấn, Lê Thận, Lê Ê, Lê Hiệu... Cũng không có sự giảo hoạt, xu thời lựa thế của danh sĩ đất Bắc như bọn Phan Thiên Tước, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Liễu…Ông cũng không quá ủng hộ Quốc vương Tư Tề như bọn Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Trãi… Nếu cho ông lựa chọn người kế vị, tất nhiên ông sẽ chọn Lê Tư Tề, vị hoàng trưởng tử, ngoài hai mươi tuổi đã kinh qua trăm trận, đã từng trực diện bang giao với quân Minh để dẫn tới hội thề Đông Quan, chấm dứt ách nô dịch ngoại bang, chứ không phải Lê Nguyên Long, một cậu bé 11 tuổi ham chơi, chưa hề ý thức gì về bản thân mình, chưa có ý niệm về giang sơn xã tắc. Nhưng khi đức vua Thái Tổ, trước lúc lâm chung, đã quyết chọn Lê Nguyên Long làm người kế vị, và chọn Đinh Liệt làm người thực hiện di mệnh, thì ông không thể làm khác. Thực tế chín năm qua đã cho thấy lòng trung thành tuyệt đối ở ông. Ông và vợ con ông có thể chết để bảo vệ đức vua, bảo vệ vương nghiệp.

Lại nói chuyện Bang Cơ. Ngày Thần phi Nguyễn Thị Anh sinh hoàng tử, hai hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc đến mật báo với Đại Tư mã Đinh Liệt một tin động trời: Từ ngày Thần phi được tiến cung đến ngày sinh Ấu vương, theo sách “Tẩm cung nhật trình” mà hai người ghi chép, mới được sáu tháng hai mươi ba ngày.

- Các ngươi muốn tội khi quân? – Đinh Liệt trợn tròn mắt định gầm lên, nhưng kìm lại được.

Đinh Thắng vội đưa ra cuốn “Tẩm điện nhật trình”.

- Bẩm Tướng công, chúng con xin lấy đầu làm bằng. Hai chúng con ghi chép từng giờ, làm sao nhầm lẫn được.

Đinh Liệt bảo hai giám quan trẻ vào phòng, đuổi hết gia nhân, đóng kín cửa, bắt kể hết đầu đuôi sự việc.

Câu chuyện bắt đầu từ buổi Đô giám Lương Đăng bất chấp quy định của nội cung, đưa thẳng Nguyễn Thị Anh vào gặp Hoàng thượng ở điện Hoa Dương. Sau cuộc gặp đó, Nguyễn Thị Anh được phong Thần phi, vào ở cung Khánh Phương. Cũng ngay sau đó, Đô giám Lương Đăng và Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ hạ cố đến tận tư thất của Đinh Thắng, Đinh Phúc tặng quà cùng mười nén bạc và bảo: “Hai ông nhớ ghi thẻ Thần phi Nguyễn Thị Anh. Ngày mai Hoàng thượng ngự dâm, phải đưa nàng đến tẩm điện ngay”. Nghĩ rằng đó là ý chỉ của nhà vua, ngay từ chiều, Đinh Thắng, Đinh Phúc đã cho treo đèn lồng đỏ trước cửa điện Khánh Phương. Hẳn đó phải là một ngày chờ mong nhất đời của Thị Anh. Quả nhiên, khi hai giám quan đến trước cửa phòng, Thị Anh đã đợi sẵn, dáng bồn chồn, mong đợi.Chỉ vừa nghe Đinh Phúc tuyên thánh chỉ, bộ xiêm y trên người Thị Anh đã rơi tuột. Chao ơi, hai ông quan thị đứng như trời trồng. Suốt mấy năm hầu nhà vua trẻ, chưa bao giờ thấy mỹ nhân tuyệt sắc nhường ấy. Đinh Thắng run rẩy, lập cập choàng tấm huyết bào phủ kín người giai nhân, vác chạy đến tẩm điện, nơi Nguyên Long đã đợi sẵn. Lúc đó là giờ Hợi ngày Giáp tuất, tháng 10…

***

Đinh Thắng và Đinh Phúc, người châu Ngọc Ma, có ông nội là người họ Lưu, làm con nuôi cụ cố nội Đinh Liệt, được đổi họ Đinh. Hai anh em sinh đôi, lên ba tuổi thì cha mẹ phát hiện cả hai cùng không có tinh hoàn, dương vật rất nhỏ, chỉ là một mẩu thịt có lỗ dùng để tiểu tiện. Dân gian gọi hiện tượng ấy là lại cái, hoặc ái nam ái nữ. Quan hoạn thuộc loại này thì gọi là giám sinh, khác với loại giám lặt là con trai bình thường nhưng tình nguyện tịnh thân để được vào hậu cung. Vì là họ hàng với Tư mã Đinh Liệt, nên bố mẹ Thắng, Phúc, một mặt bẩm báo với quan trị nhậm địa phương, một mặt cậy nhờ Đinh Liệt báo với Bộ Lễ. Quan triều đình về xem xét, khám định, y chuẩn. Từ đó mọi người gọi anh em Thắng, Phúc là hai ông Bộ, dân làng hùn tiền của để chăm nuôi, mong sau này được nhờ cậy. Cha mẹ họ hàng nở từng khúc ruột. Năm 10 tuổi, Đinh Thắng, Đinh Phúc được đón về kinh, nuôi dạy ở Giám sinh đường, sau đó được đưa vào nội điện, đặc trách những công việc tin cẩn.

Việc hai hoạn quan họ Đinh mật báo với Đinh Liệt chuyện sinh Bang Cơ khiến Lân Quốc công lo bạc tóc. Rò rỉ một tin tối mật trong tẩm cung, có thể mất đầu. Tin ấy lại liên quan đến huyết hệ đấng quân vương, đúng cũng bị tội chết, mà sai ắt không toàn mạng. Huống chi đây là chuyện Bang Cơ thiếu tháng. Một đứa trẻ thiếu hơn hai tháng, không thể khoẻ mạnh, tinh anh như vậy. Vậy thì Hoàng tử là con Nguyên Long hay con ai? Vì sao lại có chuyện lạ đời này? Kẻ nào dám cả gan sắm vai tu hú đẻ nhờ? Nhiều đêm Đinh Liệt mất ngủ. Ông thấy mình có trọng tội với Tiên đế. Ông trằn trọc, lắm lúc mê sảng, gây cho nàng Minh Nguyệt bao nỗi nghi ngờ. Nhưng Ngọc Kiều phu nhân là người đàn bà thông tuệ và mẫn cảm, nàng đã mơ hồ hiểu ra. Ví thế, không thể giấu nàng mãi, cuối cùng ông đành thú nhận. Và Lương Minh Nguyệt, với sự tinh quái và linh cảm của đàn bà, chỉ chưa đầy một tháng đã phát hiện ra mối quan hệ mờ ám giữa Thần phi và Lê Nguyên Sơn, cũng như sự thông đồng của Nguyễn Phù Lỗ, Tạ Thanh, Lương Đăng trong việc đưa Nguyễn Thị Anh vào cung. Thông tin này cũng trùng khớp với những gì hai hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc thu thập được.

Vào thời gian ấy, Thần phi Nguyễn Thị Anh đang được vua Lê Nguyên Long vô cùng sủng ái. Lại thêm ngón nghề quyến rũ của Thị như Đát Kỷ đời nhà Thương,Võ Tắc Thiên đời nhà Đường, khiến Nguyên Long đêm nào cũng lăn lóc trong cung Đài Trang, rồi đột ngột phế truất Nghi Dân, tôn Bang Cơ lên làm Hoàng Thái tử. Cơ hồ này, sự nghiệp của Tiên đế gây dựng bao nhiêu năm sẽ lọt vào tay kẻ khác mà thôi. Nhiều lúc Đinh Liệt nằm bên vợ mà phẫn uất đấm ngực thình thịch.

Đang tưởng bế tắc, thì Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dư có thai, khiến vợ chồng Đại Tư mã Đinh Liệt như những kẻ chết đuối vớ được cọc.

Nhằm ngày Ức Trai tiên sinh được triệu thỉnh từ Côn Sơn về triều tổ chức khoa thi đình, vợ chồng Đinh Liệt bàn nhau mời Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đến tư dinh dự buổi tiệc tâm giao.

Khi chỉ có bốn người trong phòng kín, sau khi đuổi hết gia nô ra ngoài, quan Đại Tư mã bèn quỳ sụp xuống vừa khóc vừa nói với Ức Trai rằng:

- Nguy mất. Cơ đồ của Tiên đế nguy cấp lắm rồi. Chỉ có quan Thừa chỉ Hành Khiển trí lự mưu lược hơn người, lại công tâm đức độ, may ra mới cứu được.

Nguyễn Trãi chột dạ, đỡ Đinh Liệt dậy hỏi đầu đuôi sự việc. Vợ chồng Đinh Liệt bấy giờ mới kể hết khúc nhôi sự tình. Nguyễn Trãi nghe xong vã hết mồ hôi, thở dài:

- Chuyện này vô cùng hệ trọng. Chỉ bốn chúng ta biết với nhau. Hở ra, ắt tất cả đều bị tội chết.

Một kế hoạch được gấp rút vạch ra: Không thể đưa Nghi Dân trở lại ngôi Thái tử. Cũng không thể tôn lập Hoàng tử Khắc Xương trong khi Nguyễn Thị Anh và phe cánh Lam Sơn thế lực đang ngất trời. Chỉ còn cách phải bảo vệ bằng mọi giá để Tiệp dư Ngọc Dao sinh nở mẹ tròn con vuông và chờ thời cơ phế lập.

Được sự hỗ trợ đắc lực của quan Thái uý Trịnh Khả, mọi việc tiếp theo diễn ra đúng như kế hoạch đã định. Việc Ngọc Dao sinh hoàng tử khiến vợ chồng Đinh Liệt tin rằng ân đức của Lê Thái Tổ quá lớn và sự nghiệp nhà Lê không thể rơi vào tay ngoại nhân.

Suốt thời gian vua Lê Nguyên Long đi tuần miền Đông, ngày nào Thái phó Đinh Liệt và Ngọc Kiều phu nhân cũng chờ tin báo từng giờ. Không có điểu thư, nhưng thám mã đi về như con thoi. Tin của Đinh Phúc, Đinh Thắng mật báo việc đức vua ra cửa Bạch Đằng, việc Hoàng thượng gặp quan Thừa chỉ Hành khiển ở động Thanh Hư khiến Đinh Liệt vui mừng khôn xiết vì thời cơ phế lập không còn lâu nữa. Hoàng thượng đã chủ động gặp Tiệp dư và Hoàng tử tại bến Rừng, nơi người đích thân chỉ huy cuộc tập thuỷ quân, cho thấy đức vua đã linh cảm một điều gì. Nếu chuyến đi này nhà vua lại thuyết phục được Ức Trai tiên sinh về triều, thì đây sẽ là cơ hội để tiến hành cuộc phế lập. Phải bí mật đến thời khắc cuối cùng. Phải làm sao để Nguyễn Thị Anh và Lam Sơn hội không kịp trở tay. Thái phó Đinh Liệt lúc nào cũng như thấy mình ngồi trên đống lửa. Và ông hồi hộp chờ đợi.

***

Tháng 8, ngày mồng 5, giờ dần, khi trời đất còn mờ mịt không rõ mặt người và Lân Quốc công Đinh Liệt còn đang say giấc tại tư dinh, bỗng có quan Trung sứ và quân Long tiệp mang kiệu đến thỉnh gấp vào triều, khiến ông thất kinh.

Quái lạ. Hai ngày nữa xa giá mới hồi kinh. Có việc gì khẩn thiết vào giờ này?Thái phó Đinh Liệt thầm nghĩ và lập cập khoác áo, quát gia nhân ra mời Trung sứ.

Ngọc Kiều phu nhân là người đàn bà mẫn cảm, nàng chợt nghĩ đến những vụ bắt bớ khám xét vô cớ mà Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh từng làm với Huệ phi Nhật Lệ và Tiệp dư Ngọc Dao, vội chạy lại án thư cất vội mấy bài thơ và tập ghi chép cùng những ca từ và những ca dao, đồng dao mà nàng sưu tầm được gần đây vào chiếc ống quyển, rồi mở nắp rương đậy lại.

- Hay là Hoàng thượng đã biết về Bang Cơ?Và người vừa đột ngột từ Chi Linh trở về? - Ngọc Kiều phu nhân lo lắng hỏi chồng.

- Nếu nhà vua về sao ta lại không biết? - Đinh Liệt trấn an vợ - Chắc không có chuyện gì đâu.Có thể Hoàng hậu muốn có một lễ nghênh giá trọng thể. Để ta vào triều xem sao.

- Nhưng thiếp lo lắm. Từ nãy đến giờ, tim thiếp cứ đập thình thình. Hay là Hoàng hậu đã biết việc tướng công cùng Đinh Thắng, Đinh Phúc sắp làm và biết Nguyễn Trãi sắp về triều, muốn ra tay trước?…

Thái phó Đinh Liệt sốt ruột:

- Thôi nào, để ta vào triều. Nàng ở nhà nhớ bảo gia nhân canh phòng mọi chuyện… đợi ta về.

Ngọc Kiều phu nhân bảo gia nhân lấy cho chồng bộ võ phục và nói:

- Thiếp cảm thấy bất an…. Chắc có sự biến trong cung… Tướng công không nên đi một mình. Hãy mang gia binh theo…

Đinh Liệt nghe lời vợ, nai nịt võ phục, giắt theo thanh bảo kiếm gia truyền, rồi lên kiệu, cùng đội gia binh đi lối tắt vào cửa Đoan môn.

Khắp các ngả đường vào cung, đình liệu cháy giần giật, dày đặc cấm binh, giáo mác tua tủa, sát khí đằng đằng.

Tại cửa Đoan Môn, trời đã tảng mà đèn nến vẫn sáng trưng. Lân Quốc công Đinh Liệt bị quân Thánh dực chặn ở cửa khuyết, bắt cởi gươm báu, để lại đội gia binh ở ngoài, kể cả hai vệ sĩ tin cẩn, rồi mới được vào điện Kính Thiên. Phía trong, nơi đội giáp binh tay khiên tay giáo dàn hai hàng dọc ken dày dẫn tới nội điện, đã thấy Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh mặt trắng toát như nặn bằng sáp,mặc đồ trắng, đội khăn vành dây trắng, ôm Hoàng tử Bang Cơ trong lòng, hai bên tả hữu có Đại Đô đốc Nguyễn Xí, Nhập nội Thiếu uý Lê Thận, Thái bảo Lê Bôi, Tả bộc xạ Lê Văn Linh, Hữu quân đồng Tổng quản Lê Hiệu, Nội mật viện Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ, Đô giám Lương Đăng, Hữu hình viện đại phu Trần Phong và một vài người nữa trong Lam Sơn hội.

Vừa nhìn thấy Đinh Liệt, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã khóc oà:

- Ới Lân Quốc công ơi! Hoàng thượng băng rồi! Tặc thần Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đã giết Nguyên Long rồi…

Một đường lạnh buốt chạy dọc sống lưng, khiến tóc Thái phó Lê Liệt dựng ngược cả lên. Mắt ông trừng trừng nhìn khắp lượt như không tin ở tai mình.

Nội mật viện Nguyễn Phù Lỗ, mặt mày phờ phạc, mắt đỏ đọc như mắt cá chày, nói:

- Tôi vừa đi suốt đêm từ Lệ Chi Viên về đây. Nửa đêm qua, khi Thị Lộ kêu khóc chạy ra khỏi tẩm điện, chính mắt tôi đã nhìn thấy Hoàng thượng nằm bất động trên long sàng. Tôi rụng rời không còn hồn vía, một mặt tập hợp các quan ngự y tài giỏi ra sức chữa trị, một mặt tìm quan Hành quân Tổng quản Trịnh Khả để trình báo. Ngài đã nói tôi phải về ngay cấp báo với Hoàng hậu và triều đình.

Lê Thận nói:

- Đã cho lệnh bắt khẩn cấp nữ tặc Nguyễn Thị Lộ. Hai giám quan Đinh Thắng, Đinh Phúc cũng đáng tội chết. Mà sao ông Trịnh Khả lại bỏ đi đâu lúc ấy? Ai cho phép ông ấy để con dâm tặc ở cạnh tẩm điện của đức vua?

Câu nói vô tình của quan Nhập nội Thiếu uý, khiến Nguyễn Phù Lỗ giật mình, tưởng như Lê Thận đã nhìn thấu tim gan ông. Nguyễn Phù Lỗ vội nói:

- Ban đầu, đã sắp xếp cho quan Hành quân Tổng quản ở cạnh tẩm điện của Hoàng thượng, nhưng rồi ngài lại nhường phòng cho nữ tặc, xuống ở dãy tả điện…

Lê Hiệu nói như đỡ lời cho Nguyễn Phù Lỗ:

- Tội này căn nguyên là ở ông Trãi.

Lương Đăng nhìn Nguyễn Thị Anh, ý muốn nhắc nhở:

- Bẩm Hoàng hậu. Người cho truyền lệnh về Côn Sơn bắt ngay Nguyễn Trãi.

Đinh Liệt đứng như trời trồng. Rồi đột ngột đưa hai tay ôm lấy mặt, rống lên:

- Ối Đức vua Lê Nguyên Long! Ối Tiên đế! Liệt này đã phụ công Tiên đế và Đức vua rồi !…

Thấy Đinh Liệt khóc, Hoàng hậu vội lấy tay bấu vào chân Băng Cơ. Hoàng tử đang ngủ vật vờ trong lòng mẹ, bỗng khóc thét. Hoàng hậu cũng tức tưởi khóc theo:

- Ối Hoàng thượng ơi. Mẹ con thiếp phận mỏng cánh chuồn. Mới chín tháng trước đây, bệ hạ đã xuống chiếu rằng:“Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái tinh anh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội Đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng Thái tử”(1) Thái phó Lê Liệt ơi! Ngài hãy nhận di mệnh của Hoàng thượng để tôn lập Hoàng Thái tử lên ngôi Thiên tử. Xã tắc không thể một ngày không có vua…

Lê Thận nói:

- Đúng vậy. Đất nước không thể một ngày không có vua.

Lê Bôi và Lê Hiệu cùng nói:

- Quan Nhập nội Thiếu uý nói chí phải. Chúng ta phải thực hiện di mệnh của Hoàng thượng.

Nguyễn Xí đưa mắt cho Đinh Liệt, rồi nói:

- Việc tôn lập là việc trọng đại. Nhưng không phải là chuyện bây giờ. Lúc này chúng ta cần bàn là lo đón xa giá và chuẩn bị lễ tang…

Đinh Liệt như bừng tỉnh:

- Bẩm Hoàng hậu và các đại quan. Thần vẫn không tin Hoàng thượng đã băng. Mới vài tháng trước Người còn gội gió dầm mưa đi tiễu phạt bọn Man ở châu Phục Lễ và Thu Vật, sức khoẻ có thể địch muôn người…Làm sao lại dễ dàng băng thế được?Việc này phải chờ tin chính thức từ quan Hành quân Tổng quản Trịnh Khả. Vả lại Hoàng thượng chưa nằm xuống mà đã bàn chuyện tôn lập, liệu có bất nhẫn quá chăng?Công việc của triều đình lúc này là phải lo chuyện hậu sự cho nhà vua trước đã, rồi sau mới bàn những chuyện khác được.

Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ dẫm nhẹ vào chân Thái bảo Lê Bôi. Lê Bôi liếc nhìn Hoàng hậu rồi nói:

- Việc gấp lắm rồi, không thể làm tuần tự như quan Thái phó nói được. Chúng ta đều là thủ túc của Tiên đế, ăn lộc triều đình, phải sấn tay vào lo việc nước. Nhà có nóc, nước một ngày không thể không có vua. Huống chi từ cuối năm ngoái, Hoàng thượng đã nhìn xa trông rộng, xuống chiếu sai quan Nhập nội Đại đô đốc mang sắc mệnh lập Bang Cơ làm Hoàng Thái tử. Nay Hoàng thượng nửa đường đứt gánh, để lại vợ mọn con côi, quan Thái phó là trụ cột triều đình, lại là hoàng thân quốc thích, ngài không làm việc này thì còn ai xứng đáng nữa?

- Chưa nhìn thấy di mệnh của Hoàng thượng thì chúng ta chưa thể hấp tấp được.

Đinh Liệt buông một câu lặng ngắt. Đột nhiên ông nhớ tới Lê Tư Tề. Từ ngày Nguyên Long giáng Quận vương xuống làm thứ nhân, vợ chồng ông vẫn có ý chờ dịp để xin Hoàng thượng nể tình máu mủ huynh đệ mà xem xét lại. Tư Tề về ngôi thứ và phẩm cách đều hoàn toàn xứng đáng được kế vị ngôi báu. Giống như tổ phụ Nam Việt vương Đinh Liễn của ông khi xưa, là con trưởng vua Đinh Tiên Hoàng, lại kinh qua trận mạc, tài thao lược văn võ song toàn, lẽ ra phải được kế vị chứ không phải Đinh Toàn, con bà vợ thứ, bất tài, nhu nhược, còn hỉ mũi chưa sạch. Có người vin cớ Tư Tề rượu chè, cuồng ngông, điên khùng, đó chẳng qua chỉ là miệng lưỡi người đời thêu dệt, vả lại, đó là hậu quả về sau, khi Tư Tề biết mình đã bị vua cha hoàn toàn vứt bỏ…Bây giờ là lúc có thể tìm lại Tư Tề để đưa lên ngôi báu, chứ không thể truyền ngôi cho Băng Cơ mới hơn một tuổi để cho ả gà mái gáy sớm kia nhiếp chính…

Dường như đọc được những ý nghĩ trong đầu quan Thái phó Đinh Liệt, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đảo mắt về phía những bức rèm, nơi đang phục sẵn đội võ sĩ do Lam Sơn hội chỉ huy. Chỉ một phẩy tay của Hoàng hậu, đội võ sĩ sãn sàng hành động. Tiếng Nguyễn Thị Anh rít qua kẽ răng:

- Hình như quan Thái phó đang nhớ tới thứ nhân Lê Tư Tề? Hay ngài muốn cùng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ đi đón tiểu tử Lê Tư Thành về nối nghiệp?

Đinh Liệt lạnh toát sống lưng. Ông rất biết hàng trăm mũi giáo đang nấp sau những bức màn trướng xung quanh sẵn sàng phóng vào ông.

- Bẩm Hoàng hậu, thần đang nghĩ tới lễ đón xa giá tối nay…- Giọng Đinh Liệt run lên.

Nguyễn Thị Anh nuốt cơn xung nộ, biết Đinh Liệt đã chịu khuất phục, bèn hất hàm về phía Nguyễn Phù Lỗ:

- Kìa, Quốc cữu, người còn chờ gì nữa? Hãy đưa ra bản di mệnh của Hoàng thượng.

Quốc cữu Nguyễn Phù Lỗ e hèm một tiếng, liếc xéo sang Lương Đăng. Như đã chuẩn bị sẵn, Lương Đăng quay vào trong, phẩy tay ra hiệu. Một chiếc khay vàng trên có tờ chiếu được hoạn quan Lương Dật trình ra. Nguyễn Phù Lỗ quì xuống, đón tờ chiếu dâng lên Hoàng hậu:

- Bẩm Hoàng hậu, đây là di mệnh mà Hoàng thượng viết trước lúc lâm chung, tôn lập Hoàng Thái tử Lê Bang Cơ nối ngôi tông thống mà Nội quan Tạ Thanh vừa cho ngựa lưu tinh chạy về khẩn báo.

Đinh Liệt và Nguyễn Xí nhìn nhau. Sự việc quay ngoắt trắng đen khiến hai vị đại thần không kịp xâu chuỗi lại những điều mà ông chú họ của Hoàng hậu vừa nói lúc ban đầu. Rõ ràng Nguyễn Phù Lỗ từng nói khi ông ta thấy bà Lộ kêu khóc chạy ra ngoài tẩm điện, thì đức vua Nguyên Long đã nằm bất tỉnh trên long sàng. Vậy thì nhà vua viết di chiếu vào lúc nào? Tạ Thanh làm sao có mặt trong lúc đó để có tờ di chiếu này?

Không để cho đối phương có thời gian phản nghị, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, một tay xốc Hoàng tử Bang Cơ, một tay tóm chặt tờ di chiếu, rồi cất giọng rền vang:

- Thánh thượng ban chiếu.

Chỉ chờ có vậy, cả bọn Nguyễn Phù Lỗ, Lê Thận, Lê Bôi, Lương Đăng, Lê Văn Linh, Lê Hiệu, Lương Dật và tất cả Lam Sơn hội đều quỳ mọp. Nguyễn Xí và Đinh Liệt cũng quỳ theo.

Giọng Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh chói gắt, tuyên đọc:

- “Trẫm tự trách mình phận mỏng đức kém, không có bụng muốn ngự xe hoàng ốc, không nối nghiệp được Tiên đế. Huống chi tâm bệnh thường hay phát ra, việc tông miếu và chính sự do đấy đều bị trở ngại. Nay phải nhường ngôi để giữ mãi cơ đồ to lớn. Hoàng Thái tử Bang Cơ, phẩm chất khác thường, tinh anh sáng láng sẽ thay trẫm lên ngôi Hoàng đế, nối nghiệp đại thống. Vì Hoàng nhi tuổi còn nhỏ, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh sẽ lên ngôi Hoàng Thái hậu, giữ quyền nhiếp chính. Các quan Thái phó Đinh Liệt, Đại đô đốc Nguyễn Xí, Hành quân Tổng quản Thiếu bảo Tham tri chính sự Trịnh Khả, Nhập nội Thiếu uý Tham tri chính sự Lê Thụ, Thái bảo Lê Bôi, làm phụ chính đại thần. Các đại quan hãy vì đại nghiệp triều Hậu Lê ta cùng giúp giập công việc với Hoàng Thái hậu Nhiếp chính và Hoàng đế để yên dân trăm họ.”

Đọc chưa hết, Nguyễn Thị Anh đã khóc rống lên, rồi véo tay vào đùi Bang Cơ cho khóc thét lên.

Các quan ai nấy không cầm được nước mắt.

Việc tôn lập vua mới coi như đã xong. Không ai có thể bàn bạc được nữa.

Thái phó Đinh Liệt xây xẩm mặt mày, loạng choạng đi ra phía ngoài điện.

Hoàng Thái hậu gọi giật ông lại:

- Kìa, quan Thái phó. Khanh đi đâu? Khanh muốn gì sẽ có người phục dịch. Kể từ giờ phút này, các đại quan phải túc trực trong chính điện chờ đón xa giá đức vua. Ta đã lệnh từ nay đến lúc đón di hài Hoàng thượng, các quan nội bất xuất, ngoại bất nhập. Kẻ nào không tuân lệnh, chém đầu.

Đinh Liệt đang nghĩ đến Nguyễn Trãi. Phải bằng mọi cách cho người về Côn Sơn mật báo để Nguyễn Trãi trốn đi. Giá lúc này có quan Thái uý Trịnh Khả hay bọn Đinh Thắng, Đinh Phúc…Nghĩ vậy nên Đinh Liệt cố nảy ra một mẹo:

- Bẩm Thái hậu, thần mắc chứng… đau bụng…

Thừa lúc đi xuống khu nhà cầu, Đinh Liệt tìm gặp tên gia nô, nói nhỏ:

- Ngươi về bẩm với phu nhân, ta có việc trọng trong nội cung không về được. Nói với phu nhân có mấy cặp bánh dày Quán Gánh, cất kỹ cho ta kẻo chó mèo ăn mất…

Câu nói bóng ấy, chỉ có Ngọc Kiều phu nhân mới hiểu nổi. “Bánh dày Quán Gánh”, ám chỉ quê Nhị Khê, tức là Nguyễn Trãi. “Cất kỹ kẻo có kẻ ăn mất”, có nghĩa là khuyên Nguyễn Trãi hãy trốn đi, kẻo bị chém đầu.

Tin nhắn của chồng khiến Lương Minh Nguyệt rụng rời. Phải bằng mọi cách cứu Nguyễn Trãi và vợ con ông. Nàng gọi hai gia nô thân tín cấp tốc phi ngựa, kẻ về Nhị Khê, người xuống Côn Sơn mật báo tin dữ.

Chú thích:

(1)Đại Việt sử ký toàn thư

15. VUA LÊ NHÂN TÔNG

Nhợ đứt khôn cầm bầy ngựa dữ

Quan cao nào đến dáng người ngây.

(Bảo kính cảnh giới -10. Quốc âm thi tập - Nguyễn Trãi)

Tháng 8, ngày mồng 6, giờ dậu, đại lâu thuyền chở di hài vua Lê Nguyên Long có quan Hành quân Tổng quản, Thái uý Trịnh Khả và quan Nhập nội Thiếu uý Tham tri chính sự Lê Thụ cùng đội thuyền chiến hộ tống, cờ rủ, lặng lẽ không kèn không trống, về tới bến Đông.

Ngay đêm ấy lễ phát tang được cử hành tại điện Phụng Thiên.

Tin dữ loan đi khắp kinh thành: Vua bị Nguyễn Thị Lộ giết.

“Ngày 12, đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng Thái tử Bang Cơ lên ngôi. Lúc ấy vua mới hai tuổi. Lấy năm sau là Thái Hoà năm thứ nhất”.(1)

***

Khi Bùi La Việt dịch chương “ Thái phó Đinh Liệt”, có một chi tiết mà anh bỏ qua, nhưng giáo sư Hoàng Nguyên muốn lấy lại.

Đó là khi Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh vừa cất giọng đọc di chiếu của vua Lê Thái Tông thì “Hoàng Thái tử Bang Cơ cựa mình phịch một bãi ra hoàng bào, rồi ngỏng chim tè một đường cong vào mặt các quan đại thần đang quì mọp dưới sân rồng. Ai nấy đều cho là điềm lành, chứng tỏ Hoàng Thái tử rất đắc chí khi nhận di mệnh lên ngôi Hoàng đế”.

Giáo sư Hoàng bảo:

- Chi tiết này có vẻ dung tục không xứng với một đấng quân vương, nhưng đó là sự thật lịch sử. Người dịch phải tôn trọng nguyên tác.

“Thọt bỉ nhân” chắp hai tay:

- Bỉ nhân xin nhận lỗi. Chẳng có gì qua mặt được giáo sư.

Đỗ Chí Cao ngẫm ngợi một lúc rồi nói:

- Các cụ trong “Đoàn gia văn phái” thâm thuý thật. Viết “Hoàng Thái tử đắc chí khi nhận di mệnh lên ngôi Hoàng đế” là một cách phúng dụ. Thật ra phải hiểu là: “được làm vua mà Bang Cơ sợ vãi đái ra quần”.

Ngô Tháp vỗ đánh đét vào đùi, đắc ý:

- Chí lý. Phải hiểu thế mới đúng thâm ý của cụ Đoàn Khiêm, tác giả “ Long Thành tạp ký”. Các vị tính xem, Lê Bang Cơ sinh ngày 9 tháng 5 năm Tân dậu, 1441, đến ngày 12 tháng 8 năm Nhâm tuất, 1442, lên ngôi vua, vị chi là một năm ba tháng ba ngày, còn đái dầm ỉa đùn, nói chưa sõi, chưa hiểu mô tê răng rứa là gì. Vậy mà, bà Hoàng Thái hậu nhiếp chính đã bắt nhà vua phải làm những việc động trời...

Giáo sư Hoàng Nguyên buồn bã:

- Quốc lệnh số 1 của vua Lê Nhân Tông là bắt giam khẩn cấp vợ chồng quan Thừa chỉ Hành khiển, và sau đó mấy ngày,“ ngày 16 giết Hành Khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ”(2)

Ông Thấp đi lại bàn lấy bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, dở đúng trang cần tìm:

- Đây rồi, nói có sách. Quốc lệnh số 2 của ông vua ỉa đùn này là:“Tháng 9 ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Thắng, Đinh Phúc, vì khi Nguyễn Trãi sắp bị hành hình, có nói là hối không nghe lời của Thắng và Phúc”.(3) Và đây nữa, cả một chiến dịch “ giết người diệt khẩu” được cho là của vị vua trẻ này. Đây,“ năm Giáp tý, Thái Hoà năm thứ 2(1444), mùa thu, tháng 7 bắt giam Thái phó Lê Liệt”.4) Xin nói thêm, cả Ngọc Kiều phu nhân Lương Minh Nguyệt và các con của Đinh Liệt cũng bị bắt tống ngục trong đợt này. Sử ký không nói lý do. Nhưng ai cũng hiểu, liên can đến tội danh dẫn đến cái chết của Đinh Thắng, Đinh Phúc, còn có vợ chồng Đinh Liệt. Ông trưởng họ Đinh này có trong tay bản ghi chép của hai ông quan hoạn họ Đinh về ngày sinh tháng đẻ của Hoàng tử Bang Cơ. Vợ chồng ông lại sáng tác, tàng trữ những bài thơ, bài đồng dao mà bọn trẻ con Kẻ Mui, Kẻ Bưởi hát về nguồn gốc của Bang Cơ. Mãi bốn năm sau, năm 1448, Đinh Liệt mới được ra khỏi ngục Thiên Lao, còn bà Lương Minh Nguyệt, tác giả của những bài thơ, bài đồng dao kia, phải ba năm sau mới được tha. - Ngô Tháp dở tiếp mấy trang nữa - Và đây :“Năm Ất sửu, Thái Hoà thứ 3 (1445), mùa đông , tháng 10, Nhập nội Đô đốc Lê Xí có tội, vua định công khai xử theo luật pháp, nhưng vì Xí là bề tôi cũ có công lao, đáng được hưởng luật bát nghị, nên chỉ bãi chức”.(5) Các vị nhớ cho là Đinh Liệt, Nguyễn Xí đều là bậc công thần, cả hai vị này đã bị Thị Anh bắt ép để đưa Bang Cơ lên ngôi. Còn đây mới thực là tàn ác, thảm án này không kém gì thảm án Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, mà hơn năm trăm năm nay vẫn còn nằm trong bóng tối của lịch sử. Các vị nghe này:

“Năm Tân mùi, Thái Hoà năm thứ 9 (1451), mùa thu, tháng 7, ngày 26, giết Thái uý Lê Khả và con là Lê Quát, Tư khấu Trịnh Khắc Phục và con là Phò mã Đô uý Trịnh Bá Nhai.” Tiếp đó Thái hậu giết tiếp Tạ Thanh để bịt đầu mối. Trời ơi, hai võ quan lừng lẫy chiến công như Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục, không chỉ oanh liệt trong khởi nghĩa Lam Sơn, mà còn vô cùng oanh liệt trong những cuộc tiễu phạt Chiêm Thành sau này, những khai quốc công thần, văn võ song toàn như Trịnh Khả, người từng nín nhịn, thoả hiệp trong vụ án Lệ Chi Viên, đành nuốt nước mắt cùng với Đinh Liệt để cho Nguyễn Thị Anh chém đầu vợ chồng Nguyễn Trãi, vậy mà vẫn không thoát được lưỡi dao quyền lực tàn bạo dưới triều vua Lê Nhân Tông. Đó, các vị thấy chưa? Tác giả của những cuộc thanh trừng tàn bạo này là vua Lê Nhân Tông hay Thái hậu nhiếp chính Nguyễn Thị Anh? Các vị nên nhớ rằng, mãi tới năm 1453, khi Lê Nhân Tông lên 13 tuổi, bà Thái hậu mới nhường quyền cho ông trị vì đất nước. Vì vậy có thể khẳng định rằng, suốt mười năm đầu triều vua Lê Nhân Tông, quyền lực nằm trong tay Thái hậu Nguyễn Thị Anh và đồng bọn Nguyễn Phù Lỗ, Tạ Thanh, Lương Đăng, Lương Dật…

Nhà thơ Huỳnh Đạo ngồi trầm ngâm. Khi ngẩng lên, hai khoé mắt ông ngấn ướt.

- Mỗi lần nghĩ đến cái chết oan khuất của Ức Trai và Đức bà Nguyễn Thị Lộ, cùng mấy trăm con người trong gia tộc, tôi không thể cầm lòng được. Tiếc rằng lịch sử còn để lại nhiều khoảng tối quá…

Ông Cao cười chua chát:

- Tối gì? Sáng bừng lên ấy chứ. Các vị hãy đọc xem quốc sử đánh giá thế nào về mười bẩy năm trị vì của vua Lê Nhân Tông, mà thực chất là quyền lực nằm toàn bộ trong tay Thái hậu Nguyễn Thị Anh - Cao bảo Ngô Tháp cho mượn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, dở trang đã đánh dấu - Đây là lời bàn của sử gia Phan Phu Tiên, tác giả của “Việt âm thi tập”, bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước Việt, người được vua Nhân Tông giao cho biên soạn: “Đại Việt sử ký tục biên” vào năm 1455: “Nhân Tông lên nối ngôi vào tuổi ấu thơ, bên trong có mẫu hậu buông rèm trông coi chính sự, bên ngoài các đại thần đồng lòng phò tá trị nước, cho nên trong khoảng 17 năm, thiên hạ thái bình, an cư lạc nghiệp, xứng đáng là vị vua nhân từ…”

Ông Thấp chen ngang:

- Đó là đánh giá của nhà cầm quyền. Còn giới thức giả đánh giá thế nào, phải đọc bài “Trung hưng ký” viết năm Quang Thuận.

- Có ngay đây - Ông Cao mở tiếp mấy trang, nơi có bài “ Trung hưng ký”:

“ Nhân Tông mới lên hai tuổi đã sớm nối ngôi vua, Thái hậu Nguyễn Thị Anh là gà mái gáy sớm, Đô đốc Lê Khuyển như thỏ khôn giữ mệnh. Vua đàn bà mắt quáng buông rèm ngồi chốn thâm khuê, bọn họ ngoại lòng tham, khoác lác hoành hành khắp cõi, kẻ thân yêu nắm quyền vị, nạn hối lộ được công khai. Việc văn giáo lặng lẽ như băng hàn, người hiền tài phải bỏ cánh. Bậc túc nho như Lý Tử Tấn, Trình Thuấn Du thì đẩy vào chỗ nhàn, phường dốt đặc ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó chuột nhe răng. Tể thần như Lê Sủng, Lê Sát thì ngu si không phân biệt sáu loại súc vật, Chưởng binh Lê Điên, Lê Luyện, thì mù tịt, chẳng sao hiểu được bốn mùa một năm. Bọn lương thần như Trịnh Khả, Khắc Phục thì kèn cựa mà giết đi, người tài sỹ như Nguyễn Mộng Tuân thì đẩy vào vòng tai họa. Oan uổng không chỉ kêu xin, mọi việc thảy đều đổ nát. Văn giai như Công Soạn tuổi gần tám mươi, tể thần như Lê Ê không biết một chữ. Bọn trẻ không biết nghĩ, làm bậy ngông cuồng, người già chẳng chết đi, trở thành mối họa. Bán quan mua kiện, ưa giàu ghét nghèo. Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im lặng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử. Hành khiển Nguyễn Hữu Quang, nội mật Lê Hoan Chi, hoạn quan chừng năm sáu bọn mà không một người đóng cửa cho nghiêm; cấm vệ Lê Đắc Ninh, chỉ huy Lê Hoằng Dục, vệ sĩ đến tám chín lũ mà không một ai mang mộc che đỡ. Lòng người sôi động, đường sá xôn xao. Họ ngoại như Văn Lão, Xương Lê, lòng như quỷ quái, vị không như Trần Lựu, Đỗ Tư ai chẳng cười chê? Cửa ngõ thì sơ sài, tay không cũng phá nổi. Thế là nó dẫn quân cú vọ cáo cầy, ngầm nuôi mưu kế cướp ngôi phản nghịch. Bọn tặc thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lăng, Ngô Trang và phường chó lợn hơn ba trăm đứa, nửa đêm dám cả gan bắc thang trèo tường lẻn vào như vào chỗ không người. Vua và Hoàng thái hậu đều bị hại, thương thay!”(6)

Ông Thấp sướng quá vỗ tay cười:

- Nghe cứ như báo mạng lề trái bây giờ. Phản động gấp trăm lần trang Webside “Thọt bỉ nhân” ấy các bố nhỉ. Cái tay “Trung hưng ký” này đại phản động. Cứ như viết về triều đình Mubarak, Gaddafi, Kim Jong Il và các chế độ độc tài. Các vàng sử thần Phan Phu Tiên, lẫn sử thần Ngô Sỹ Liên cũng không dám viết như “Trung hưng ký”. Ông tác giả này mà viết vào lúc Nguyễn Thị Anh đang làm mưa làm gió trên ngai vàng thì khó mà toàn thây. Tài tình nhất là cái đoạn này: “Hiền tài là rường cột của triều đình mà sạch không như quét đất. Văn chương là khí vận của nhà nước mà im lặng tựa cỏ khô. Bọn xiểm nịnh được tin dùng, kẻ đao bút được tiến cử.” Ha ha…Kẻ đao bút được tiến cử. Giỏi, giỏi quá. Thế mới đáng mặt sử gia chứ.

Chú thích:

(1), (2), (3), (4), (5), (6): Đại Việt sử ký toàn thư