Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Lá thư cuối năm của nhà giáo Phạm Toàn (Châu Diên) gửi nhà giáo Trần Kiêm Đoàn[i]

Văn Việt: Tác giả gửi bài này cho Văn Việt và ghi chú “xin coi như một lá thư chúc mừng năm mới của tôi và nhóm Cánh Buồm gửi tới các bạn đọc Văn Việt và những ai quan tâm đến giáo dục nước nhà”. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thân gửi anh Trần Kiêm Đoàn,

Thôi tôi cứ gọi anh là Anh văng-xi-lô đi cho đỡ tồn thời giờ vì những sự lịch thiệp vẫn bị dán nhãn là “délicatesse bourgeoise” – tôi chắc là cả anh và tôi chúng mình đều sắp hết quỹ thời gian rồi.

Hẹn anh từ đêm qua, thực ra là 2 giờ sáng nay, bây giờ tôi viết thư tâm tình với anh đây.

Đã biết rằng “my days are numbered”, vậy mà tôi lại liều lĩnh tổ chức soạn lại sách giáo khoa cho cả cái nền GD tan nát này! Anh có thấy tôi “điên” không? Nhưng điên thì cũng bằng anh Nguyễn Đức Tùng là cùng, khi anh muốn soi rọi cho các nhà thơ và công chúng về chuyện “Thơ Từ Đâu Chui Ra” – cùng những thí dụ tương tự về Hội Họa, về Văn xuôi, về Kịch, về Installation, về Nouvelle Vague … của bè bạn chúng ta.

Cuộc sống của Dân tộc (như một phần của Loài người) buộc chúng ta phải “điên” thôi. Miễn là ra tay và điên đúng hướng.

Tôi lập ra nhóm Cánh Buồm đã được 5 năm. Năm năm qua chúng tôi tập trung vào bậc Tiểu học. Định hướng: xây dựng chương trình và sách cho trẻ em HỌC PHƯƠNG PHÁP HỌC. Và học cách học là để con em đi vào con đường TỰ HỌC - TỰ GIÁO DỤC (Không khiến và không nhờ ai dạy dỗ mình hết!!!).

Nhưng chính nhờ chiếm lĩnh được PHƯƠNG PHÁP HỌC nên con em ở nơi nào chúng tôi “nhảy vô” được, thì đều giỏi. Một trong những trường tư đó, rất to, rất giàu, rất có thế lực, đã nhờ chúng tôi soạn sách Trung học cơ sở (Medium Secondary School). Và chúng tôi nhào dzô.

Chúng tôi hình dung sách Tiếng Việt và Văn cho các lớp 6, 7, 8, 9 sẽ phải đưa con em vào thế giới rộng lớn này để các em vật lộn và sống. Cái con đường đó sẽ không thể chỉ trồng rặt một loài hoa mang tên Tố Hữu, Nam Cao, Tô Hoài, mà con đường đó phải đa dạng (đa nguyên, ai thích cứ nói) về hương sắc. Vì thể, riêng cho môn Văn (tách khỏi Tiếng Việt) sẽ gồm có:

- Lớp Sáu: Cảm hứng, Động cơ sáng tác nghệ thuật: vì sao làm thơ, vì sao vẽ, vì sao viết tiểu thuyết, vì sao diễn kịch, …

- Lớp Bảy, Tám, Chín: cách đọc để hiểu một tác phẩm, một tác giả văn xuôi, thơ, kịch, với RẤT NHIỀU tác giả và tác phẩm…

Tôi xin nói luôn là nội dung ấy rất nhiều vị trong bộ máy đều hiểu không thấu và làm không nổi. Nếu hiểu được và làm được thì họ ĐÃ LÀM RÒI, không chờ một nhóm Cánh Buồm sức học non kém và nghèo rớt không một xu trong quỹ đứng ra đảm đương và tổ chức thực hiện.

Đấy: công việc trước mắt chúng ta, đơn giản và chắc là không sai. Nhóm CB sẽ giúp các trí thức (cả hai miền) thoát khỏi sự luyến tiếc “Ôi, nền Giáo dục Việt Nam Cộng Hòa sao mà tốt đẹp”! Càng quay về quá khứ càng khơi sâu hố ngăn cách các con dân Việt Nam. Mà có quay về được với lối cũ, thì cũng cỏ mọc rêu phong rồi, đâu còn những gì tươi tắn của cuộc đời thực ngay ngày hôm nay, may lắm là còn có người đi trên những đổ nát đường Nguyễn Hoàng thành phố Quảng Trị và lẩm nhẩm hát “Diễm xưa”…

Nói cho gọn: mời anh Trần Kiêm Đoàn (và qua các anh nhờ mời thêm “sức lao động”) để giúp học sinh 14-15 tuổi TỰ GIẢI MÃ các loại tác phẩm thuộc các tác giả khác nhau (và bao giờ cũng khác nhau), từ cổ điển đến đương đại.

Theo hình dung của tôi và nhóm Cánh Buồm, học sinh hết lớp 9 sẽ vào đời ít nhất theo ba hướng:

- Tự kiếm sống;

- Đi học nghề;

- Lên Phổ thông chuyên ban để chuẩn bị vào Đại học.

Vậy là, những gì phổ thông mà CẦN HỌC, PHẢI HỌC sẽ phải ĐƯỢC HỌC cho hết ở bậc học này. Lên Phổ thông chuyên ban, các em sẽ học những khái quát nhất của từng môn học. Chúng ta hãy lo bậc Phổ thông cơ sở đã – đã nói “cơ sở” là phải hiểu là nó ĐẦY ĐỦ, nó BỀN CHẮC, nó “Open”. Chúng ta làm khúc đó cho đại đa số nhân dân. Một dân tộc không nhất thiết phải “phổ cập” tứ tài hoặc cử nhân. Nhưng một dân tộc cần có những công dân bình thường được trang bị hành trang đủ KHOA HỌC về tư duy, đủ PHONG PHÚ về cảm xúc, đủ TRÁCH NHIỆM về lối sống.

Được không nhỉ?

Tôi viết một mạch gửi anh Trần Kiêm Đoàn như đã hẹn từ “đêm qua” hoặc “sáng nay” và cũng cc tới các anh chị đang biên soạn sách lớp Sáu. Mong các bạn thứ lỗi nếu mắc lỗi do “cậu đánh máy” thế hệ 84mắt đã kèm nhèm, hoặc lỗi về thái độ (thiếu hẳn cái “délicatesse bourgeoise”), mong anh ch thứ lỗi, và chúng ta cùng bắt tay vào việc – muộn lắm rồi! Muộn quá rồi! Đứng trách móc nhau nữa, làm thôi!

Thân yêu,

Toàn

Hà Nội, 16 tháng 2 năm 2015


[i]Nhà giáo Trần Kiêm Đoàn nguyên là giáo viên trung học ở Huế, sau 1975 qua Mỹ, đã đạt được học vị Tiến sĩ về Giáo dục và giảng dạy tại Sacramento (bang California)