Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

TƯỞNG TƯỢNG & DẤU VẾT* TỪ CÁI NHÌN TƯỜNG GIẢI HỌC[1] HIỆN ĐẠI

Ngô Hương Giang

Tuong tuong va dau vetCần phải nói ngay, Tưởng tượng & Dấu vết là cuốn tiểu thuyết khó đọc. Nó khó đọc vì hai lẽ: thứ nhất, nền tảng logic văn bản không nằm trong phương pháp tạo dựng hay trong tri thức thực hành của tác giả, mà nó nằm sâu trong yếu tính[2] thời gian. Có thể nói sử tính tinh thần trong văn bản không còn dừng lại ở giá trị nghệ thuật tạo dựng tác phẩm, tác giả của nó đã nâng lên thành bản thể triết học về nhân sinh. Vì vậy, đọc văn bản cần đọc từ sử tính tinh thần trong văn bản thông qua kí hiệu giúp độc giả thông diễn. Thứ hai, đây là văn bản được tạo dựng từ một tâm thể bất tín về lý tính, về khoa học, kéo theo những cú sốc tiềm thức bật lên thành hình ảnh đứt quãng trong dòng ý thức. Do đó, giải mã văn bản, diễn giả phải là một nhân thể kép, đặt mình trong thời tính của tinh thần hiện đại - hậu hiện đại, qua đó, hiểu, diễn giải sự thật về điều đã hiểu đối với những xác tín tâm thức nhà văn qua nhân vật và qua không gian nhân vật tồn tại, đưa đến tổng kết diễn ngôn cho văn bản.

Văn bản và trò chơi nhân tính

Tưởng tượng & Dấu vết là bản tường trình về nhân tính trong thời hiện đại, mà mối quan hệ giữa người với người được xác quyết bằng một cuộc chơi vô cảm. Chàng ngồi trên xe lăn. Đọc những cuốn sách vô vị. Đọc mà như không đọc, vì nơi chứa đựng giá trị sống của tri thức bị thay thế bởi giấc mơ về chốn xưa của ám ảnh, hoài niệm. Đôi mắt chàng như cánh cửa hoang sơ mở ra trong Tưởng tượng & Dấu vết về tình người, ngắm nghĩa những gương mặt biến dạng vì sức ì bản năng, vì những phóng chiếu lí tính, mà đời sống vật hoá đang hoành hành đâu đó trong suy tư họ. Đôi mắt mở mà như không mở, vì sự phóng chiếu hiện tại của thời gian không ngăn nổi hoài niệm quá khứ đánh cắp những hình ảnh đương thời, thay vào đó là khoảng không man dại của ám ảnh mở dần ra theo các cuộc truy hoan tình ái vô cảm, một món ăn nhanh, qua đường. Trái tim chàng mở mà như không mở. Nó khép lại trong hiện thực u ám con người, đồng thời mở ra theo những gương mặt vừa quen vừa lạ, ùa đến như muốn lôi kéo, gạ gẫm nhân tính đi vào hố thẳm xói mòn từ các cuộc tình tưởng tượng. Để rồi, kết thúc văn bản chỉ còn lại những dãy số như thánh thức, khiêu khích độc giả kiếm tìm mã giải ý nghĩa từ những “chân trời” sự hiểu. Văn bản kết thúc như thế - một kết thúc lạnh lẽo như phản ứng của tác giả với lối sống hiện đại, tiên liệu cho tương lai nhân tính bị phá sản.

Ý nghĩa của văn bản lấp chồng theo những lớp thời gian co dãn, giống như sự dãn cách của ký ức và ý thức. Thời gian đã đồng quy về bản chất độ không của kí hiệu, thiết lập trung tính giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, giữa tương lai và quá khứ. Khả năng trung tính trong diễn giải của tác giả thách thức những lối đọc tỉnh táo và dè dặt, chỉ một chút sao lãng, văn bản có thể sẽ bị chìm vào lỗ hổng khó cắt nghĩa. Vì vậy, cái hay trong lối tạo dựng văn bản của tác giả nằm ở chỗ này, nhưng đồng thời, cũng chính cái hay ấy có thể dẫn độc giả tới sự ngộ nhận trong quá trình thông hiểu văn bản. Thời gian ẩn dưới lớp kí hiệu tác phẩm như điểm quy chiếu sử tính tinh thần[3], nó quay về quá khứ là để khẳng định cái hiện tại, nó hướng đến dự cảm tương lai để tiên báo khoảnh khắc đương đại - thời điểm tác giả sống và diễn giải ý niệm ra văn bản. Do đó, tác phẩm là bản phổ hệ của tư tưởng nhà văn, là quá trình thâu nhận kinh nghiệm mỹ cảm, kinh nghiệm triết lí mà tác giả từng sống, chứng kiến và phê phán qua các giai đoạn hiện hữu. Khả năng diễn giải sử tính tinh thần của tác giả trong văn bản đã phác thảo thành bản tổng lược tinh thần, để từ bản tổng lược ấy, bạn đọc có thể phóng chiếu các giai đoạn hiểu của mình về văn bản, đem đến cách thế sống, thái độ tâm tình, xúc cảm thăng hoa cùng cảm biến[4] lí tính phù hợp. Tôi phải nói ngay rằng, làm được điều này, không phải dễ. Vì vậy, những dòng khai lộ trên là cần thiết để bạn đọc đọc đúng văn bản và hiểu trúng Tưởng tượng & Dấu vết.

Đời người là một cuộc chơi. Và văn bản là một trò chơi trong cuộc chơi ấy. Nói cho đến cùng tận, việc nhà văn kiến tạo văn bản, thực ra là đang diễn giải và hệ thống lại lịch sử tư tưởng của mình. Khi con người biết ý thức về cuộc đời, là họ đã bị cuốn vào dòng chảy của sử tính tinh thần rồi, một sự cuốn lấy nghĩa là một sự mở ra cùng lúc. Vì, quá trình nhận thức của một nhân thể là chuỗi những bước ngoặt nhận thức sự vật xung quanh. Chẳng ai tự nhận mình là người không có sử tính. Nhưng thường thì, con người sống trải qua cuộc đời có mấy ai thức tỉnh chính mình, tách mình thành một người khác để phán xét và tư duy lại điều mình đã sống trải? Uông Triều đã tách mình thành một người khác, đứng ngoài quan sát tinh thần của mình, đồng thời sáng tạo lại tinh thần ấy trên văn bản văn học. Điều này cũng đồng nghĩa, tác giả là một người chơi trong chính văn bản của anh - một cuộc chơi nhân tính. Cuộc chơi ấy mở ra theo những phả hệ dính líu, không phân biệt ranh giới giữa nhân vật này với nhân vật kia, giữa nhân vật với chính - nhân vật. Ở phía bên kia của trò chơi được tác giả dựng lên trong văn bản là tương lai con người - một tương lai giả định để nhà văn và nhân vật của anh đấu trí và đấu tình với xã hội đương đại…Để rồi, như một vòng biện chứng thông diễn, các nhân vật lại tách mình khỏi ảnh hưởng của nhà văn, quay trở lại phán xét chính điều tác giả muốn thông điệp tới bạn đọc. Như vậy, phả hệ nhân vật là chuỗi mắt xích trong vòng tròn thông hiểu tinh thần, đồng thời cũng là những tâm thể trực tiếp tham ra trò chơi số phận do tác giả khởi xướng. Hãy mở ra phả hệ nhỏ để diễn giả tiện hình dung về ý niệm trong văn bản của nhà văn:

 

Một văn bản văn học chỉ thực sự mở ra với ý nghĩa mà nó lưu giữ, khi nó có sự tác động bởi một kinh nghiệm đọc bên ngoài. Quá trình hội nhập giữa chân trời sự hiểu nơi chủ thể sáng tạo với chân trời hiểu trong thâm thức đọc chủ thể diễn giải là tất yếu của sự tương thông giữa những kinh nghiệm mỹ cảm. Thông diễn văn bản, đơn giản là chúng ta đối thoại với nó dưới hình thức hỏi, để rồi từ những gợi mở của kí hiệu, người đọc tự trả lời cho chính câu hỏi của mình. Khi những nghi vấn trong văn được giải trình, cùng với nó là ý nghĩa mà tác giả thông điệp cũng được mở ra.

Nhân tính là câu chuyện muôn thuở, vì nó gắn với giá trị quy định một hiện hữu là con - người. Tuy nhiên, để nâng nhân tính lên thành triết luận trong văn học thì không phải tác giả nào cũng làm đưclip_image001ợc. Tưởng tượng & Dấu vết có thể xem là bản tường trình triết luận về nhân tính trong bối cảnh xã hội đương đại. Con người hiện đại đang đánh đổi giá trị xúc cảm, yêu thương lấy món hàng hoa mỹ của lối sống duy lí. Như một tất yếu, quá trình lí tính hoá đời sống khi đã trượt dài khỏi tầm nhận thức chủ thể, sẽ kéo theo yếu tính quy định nhân thể sống – như - một ý nghĩa tới nấc thang khủng hoảng. Vậy thế nào là một con người sống có ý nghĩa? Câu hỏi này không còn là vấn đề thời sự gắt gao, mà trở thành điểm nhấn thẳng vào lối sống đương đại. Một nhân thể tồn tại có ý nghĩa là một nhân thể có tâm hồn, biết phóng chiếu cảm xúc của mình để xoa dịu bất an, phi - xác tín trước những tâm hồn khác. Một nhân thể sống có ý nghĩa là một nhân thể không ngừng sáng tạo hạnh phúc cho người khác trên sự trải nghiệm hạnh phúc của mình. Thế nào là một nhân thể sáng tạo hạnh phúc cho người khác? Đó không đơn thuần là câu chuyện đồng cảm hay sẻ chia nữa, mà là mặt khuất của ý thức làm người, vì đồng cảm là trạng huống tương thông về ý tưởng giữa người với người. Nhưng sáng tạo hạnh phúc cho người khác, đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng của mình, không chỉ cho những cá thể thân thuộc mà cho cả những cá thể - không - thân thuộc. Do đó, giá trị nhân bản của tác phẩm được đồng quy vào việc nhà văn sẵn sàng chung sống với các mặt đối lập trong mình. Nhân tính đi ra từ đây. Nhân vật Tôi đã đi vào lịch sử tâm hồn mình bằng những chuyến viễn du vô định, hời hợt. Một cuộc hành hương về nguồn thiếu niềm tin, trốn thoát thực tại tìm đến ốc đảo tưởng tượng để sống trong thế giới mà anh dựng lên nhằm dung dưỡng tâm hồn mình. Phải chăng, sử tính đương đại trong tâm hồn anh không đủ mạnh để kéo niềm tin quá khứ trở về với nó? Chính điều ấy, vô hình đã đẩy anh giáp mặt với con quỷ nhân tính man rợ trong mình, quy lối sống vì người khác vào những đợt thác loạn lí tính ích kỷ.

Các nhân vật khác trong tác phẩm, thực chất là hình ảnh thời gian phóng chiếu qua nhân vật Tôi, bị Y đưa đẩy theo những dãn cách tương lai - quá khứ, đánh lừa độc giả bằng chuỗi hình ảnh mơ về. Nhưng, những đợt mơ về hay hướng tới ấy đã chứng minh tính đồng quy của thời gian về thời điểm nhân vật đang sống trải: “vì anh cứ ngồi một chỗ miên man mà tưởng tượng ra tất cả”, một khoảnh khắc sợ hãi với điều mình đang đối mặt. Việc hành hương về tiềm thức, lục lại kí ức với Miên đã che dấu ám ảnh về đời sống vô cảm đang diễn ra trước mắt của nhân vật Tôi. Một đời sống hiện hữu với những gương mặt méo xệch bởi môi sinh kỹ trị. Do đó, Miên là mã giải hoài niệm của nhân vật Tôi và cũng chính cô là mã giải văn bản cho trò chơi Nhân Tính. Tôi nói Miên là mã giải cho trò chơi, vì từ nhân vật này, văn bản mở ra theo nhiều dữ kiện liên đới tới hiện thực: từ đời sống tình dục vô cảm cho tới giấc mơ vật hoá của nhân vật chính - một giấc mơ chứa nhiều thông điệp tuyên cáo về sự băng hoại của đời sống tình cảm con người hiện đại. Tuy nhiên, mã giải sẽ chỉ thực sự mở ra khi có tác động từ bên ngoài của một kinh nghiệm sống nào đó. Việc tác độc vào văn bản bằng phương thức giải mã dựa trên kinh nghiệm mỹ cảm của diễn giả sẽ khai minh những nghi vấn, mà từ nghi vấn đó, độc giả có thể viết lại tác phẩm theo hoài niệm tưởng tượng của mình. Từ lí do đó, viết về mã giải tinh thần của nhân vật Tôi, diễn giả có thể viết lại văn bản theo 3 dự án tưởng tượng[5]:

Dự án thứ nhất: Miên là ám ảnh về cảm xúc dục tính bất toàn của nhân vật Tôi. Và, việc hành hương về lại chốn xưa trong tâm hồn nhân vật này, nhằm thoả mãn cơn khát dục từ những giai đoạn xúc cảm đứt gẫy.

Dự án thứ hai: Miên là huyền thoại được nhân vật tôi mơ về như cứu cánh cho cuộc sống hiện thời, cứu rỗi những ám ảnh bản năng trơ ì, thụ động, cướp dần ý nghĩa sự sống của nhân thể trong Y.

Dự án thứ 3: Miên không tồn tại thực. Sự hiện diện của cô là cái cớ để nhân vật tự diễn giải về mình nhằm thông điệp tới con người hiện đại - điều mà anh dự cảm.

Không thể có lối diễn giải phù hợp trong yếu tính tổng quát trên, nếu tách rời nó ra khỏi những chi tiết trong văn bản, để từ những chi tiết ấy, diễn giả có thể truy cầu ý nghĩa căn nguyên nảy sinh vấn đề xuyên qua nhiều phổ hệ dữ kiện. Mối quan hệ giữa các dự án phổ quát trên với các góc cạnh đời sống nhân vật là biện chứng pháp của vòng tròn diễn giải, quy tụ và khám phá thể tính sự hiểu về văn bản của độc giả. Muốn làm được điều ấy, tôi đề nghị phải đọc tác phẩm trên tinh thần phi định kiến với ý thức thường trực hướng về tác phẩm, có như vậy, văn bản mới mở ra theo các lớp nghĩa của nó.

Ở dự án thứ nhất: Miên là ám ảnh về cảm xúc dục tính bất toàn của nhân vật Tôi. Điều này có hợp lí không? Hãy đối thoại với văn bản. Trong trò chơi ký ức của nhân vật Tôi, Miên tồn tại như một quy chiếu xúc cảm với những ám ảnh tình dục hoàn mỹ. Miên can thiệp vào mỗi khúc ngoặt tưởng tượng của nhân vật chính, đắm mình trong hoan lạc tự hình dung. Một vấn đề đặt ra, nếu Miên là ám ảnh về giấc mơ tình dục thì hẳn rằng, sự xuất hiện của Miên nửa thực nửa ảo ở cuối tác phẩm phải là một kết thúc nhạt nhẽo cho sử tính tâm hồn nhân vật Tôi? Giấc mơ vật hoá trong tác phẩm, hiển nhiên theo đó chẳng có ý nghĩa gì, các nhân vật khác trong tưởng tượng của anh cũng vô nghĩa, cho tới chính anh cũng vô nghĩa. Khi nhân vật vô nghĩa với chính mình, thì hẳn rằng, kết thúc của trò chơi nhân tính là một khẳng định chứ không phải là một dự báo. Trong khi đó, toàn bộ văn bản với nhiều tình tiết đan xen của lối viết hiện thực huyền ảo và kỹ thuật dòng ý thức, xét đến cùng cũng nhằm dự báo về sự rạn nứt trong đời sống tình cảm của con người đương đại. Vì vậy, dự án này bất ổn ngay từ khi nó hình thành ý tưởng.

Ở dự án thứ ba: Miên không tồn tại thực. Sự hiện diện của cô là cái cớ để nhân vật tự diễn giải về mình nhằm thông điệp tới con người hiện đại - điều mà anh dự cảm. Dự án tưởng tượng này có vẻ sát với tác phẩm. Xét trong toàn bộ văn bản Tưởng tượng & Dấu vết thì, những nhân vật trong tác phẩm, thực chất chỉ là những tưởng tượng của nhân vật chính đang diễn giải về mình trong tư cách người khác. Nói rõ ra, mỗi nhân vật bước qua hình dung của nhân vật Tôi đều là hình ảnh của anh trong tư cách khách quan-nhân thể, nhằm nhận diện và phê phán tư tưởng mà mình hồi cố. Vì vậy, yếu tính thời gian nằm ở thời điểm nhân vật Tôi tư duy, nhưng lại đánh lừa độc giả bằng những hình dung – đang - tách khỏi - bản thể để trở thành nhân vật khác, hướng sự suy xét về quá khứ, đồng thời hồi quy tới tương lai sử tính tinh thần. Sử tính tinh thần không gì khác là lịch sử tâm hồn của nhân vật chính, nó là những kinh nghiệm mà y đã sống trải. Khoảnh khắc nơi nhân vật thực hiện chuyến hành hương về tinh thần là mắt xích đương đại của thời gian, và vì đương đại cho nên nó biểu lộ thái độ phản ứng thông qua và bằng các hình ảnh. Việc nhân vật Miên, em gái Miên, cho tới các cô gái mà nhân vật chính dựng lên đều là sự soi chiếu của nhân vật Tôi trong tư cách người khác về quá khứ kinh nghiệm tinh thần. Hành động ấy của nhân vật nhằm nhấn mạnh đến tính đương đại của vấn đề. Còn nhân vật ông già, bà bán nước là tương lai tưởng tượng của nhân vật này, nhấn mạnh đến ám ảnh hiện tại về những người đã/đang đi ngang qua cuộc đời anh. Đời sống tình dục là mã quy ước, phân biệt những giai đoạn của lịch sử tâm hồn Y. Nói rõ ra, các nhân vật không tồn tại. Anh đã sáng tạo ra họ và đồng thời cũng sáng tạo ra chính mình. Tự mình ném mình vào trò chơi tưởng tượng đó. Những cô gái đi qua tưởng tượng tính dục của anh là biểu hiện thái độ trơ lì về đời sống tình dục, của ám ảnh quá khứ với người con gái anh từng mơ về trong xúc cảm hạnh phúc toàn hảo. Tính đương đại trong ám ảnh tính dục của nhân vật Tôi như thể sức bật, hướng lí tính tới việc vạch trần bản chất tính dục của vô số con người đang tồn tại hiện thời. Với con người hiện đại, đời sống tình dục không phải là đích đến của khoái cảm hạnh phúc mà trở thành một lối sống bản năng, thiếu vắng tình yêu, tồn tại để mà tồn tại, một đời sống của đam mê vô ích. Vì vậy, những cô gái mà anh đã làm tình bằng tưởng tượng, thực chất đều là những diễn giải của nhân vật Tôi về hình ảnh cố hương tinh thần (Miên: biểu tượng/hiện thực) mà y từng sống trải. Đọc quá khứ từ điểm nhìn hiện tại là để biết được hiện tại là cuộc truy hoan bản năng. Nói rõ ra, con người đang dần bị bản năng trong mình chiếm chỗ, dẫn thay thế những xúc cảm thương yêu, trở thành một cá thể vật hoá. Cái chết của bà già trong buổi chiều hay cái chết đứng của ông già dưới dòng sông thanh tẩy đã tiên liệu cho cái chết của cảm xúc trong đời sống tình dục. Nó nằm trọn ở tương lai của tưởng tượng. Cho nên, dự án này có tính khả thi trong lập luận, nó có thể dẫn nhập và bổ sung giá trị cho dự án thứ hai mà chúng tôi muốn dành sự ưu ái đặc biệt nhằm diễn giải ẩn ý văn bản.

Dự án thứ 2: Miên là huyền thoại được nhân vật tôi mơ về như cứu cánh cho cuộc sống hiện thời, cứu rỗi những ám ảnh bản năng trơ ì, thụ động, cướp dần ý nghĩa sự sống của nhân thể trong Y. Chúng tôi sắp đặt dự án này ở dưới cùng nhằm quy chiếu với hai dự án ở trên để giải thích cho nghi vấn: đích đến của văn bản nằm ở đâu và người đọc cần đọc đúng văn bản như thế nào?

Miên tồn tại cũng như những nhân vật khác, là giả định tưởng tượng, đồng thời cũng chính cô là điểm gợi mở cho một cuộc hồi hương nhân tính. Miên và hình ảnh em gái cô vừa thực vừa ảo, vừa sáp nhập vừa phân tách trong tưởng tượng của nhân vật chính. Cô là hiện thân của kí ức đẹp về đời sống tình cảm, nhưng cũng chính cô là người đầu tiên đẩy xúc cảm thuần tuý của nhân vật Tôi tới ngã rẽ suy đồi của đời sống dục tính. Miên là biểu tượng của tình yêu thuần khiết, sẵn sàng cho đi những điều quý giá để đổi lấy giá trị đích thực của con người: tình yêu - một hình ảnh trắng trong cho những đoán định riêng tư nhân vật chính. Đó là điểm khởi đầu cho sử tính tinh thần nhân vật, quán xuyến ý nghĩa văn bản. Mỗi khi hành hương về điểm khởi đầu ấy, nhân vật chính thấy mình được vỗ về trong xúc cảm tính dục đương đại. Như ở dự án thứ 3, tôi từng đề cập đến bản năng trờ ì nảy sinh trong đời sống tình dục đương đại. Vì vậy, đời sống đương đại đã trở thành cuộc hành xác tâm hồn nhân vật Tôi. Y níu kéo quá khứ như sự vỗ về nhằm cứu rỗi cho xúc cảm hiện thời. Con người rơi vào sự khủng hoảng trong việc chọn lối đi để giải thoát cho mình và cho tha nhân. Việc nhân vật Tôi tìm về quá khứ như phản ứng lại với lối sống hiện đại, đồng thời giải mã nghi vấn: Nhân tính đi về đâu? Đó là bi kịch của con người hiện tại, một dạng thức bi kịch có tính hiệu ứng lan truyền. Con người hiện đại chạy chốn thực tại để tìm về tự do quá khứ, điều ấy nói lên quá trình khủng hoảng tâm thức và sự phá sản của tình người. Giá trị của Tưởng tượng & Dấu vết nằm ở sự khai lộ căn nguyên suy tưởng này.

Con người đương đại của sử tính tâm hồn đã viện dẫn quá khứ như điểm quy hồi nhân tính, do đó, hệ hình nhân vật trong tác phẩm là những khúc ngoặt khác nhau của các đợt sóng giải-nhân cách mà tác giả kiến lập. Hồi hương nhân tính không gì hơn là quá trình tìm lại giá trịnh nhân bản tốt đẹp mà quá khứ đã gieo trồng. Sự bất tín hiện thực này đã quy kết con người vào cuộc chạy đua ý niệm nhằm vượt thoát thực tại nhưng càng kiếm tìm con người càng thấy mình bế tắc. Con người hiện đại thu mình trong chiếc áo khoác căng tràn vật chất nhưng lại cô đơn và tàn nhẫn hơn. Nhiều mối quan hệ hơn nhưng cũng ít yêu người hơn. Nhiều màu sắc hơn nhưng cùng với nó là sự giả dối cũng tăng lên theo cấp số nhân của hành động. Con người đương đại của sử tính đang mọc ra những cáu bẩn đời sống thực vật “Từ hôm nay anh sẽ là quái thú nhưng sống một cuộc đời thực vật”, thậm chí Đừng cho rằng cây cỏ là một thứ vô tri, chỉ có chúng ta vô cảm thôi.” Quá trình vật hoá ấy nằm trong “thân thể” con người, nó tiên liệu sự len chân của lối sống vô cảm trên mảnh đất tình yêu mà họ từng sống tran hoà. Do đó, tính dự báo của tác phẩm rất cao, nó không chỉ cảnh tỉnh về nguy cơ phá sản của đời sống tâm hồn họ mà còn vạch ra bản chất phi - nhân thời hiện đại đang lấn át, chiếm lĩnh những giá trị tốt đẹp. Miên là khởi đầu của xúc xảm thuần tuý nơi nhân vật tôi. Nhưng cũng chính cô là căn nguyên đưa đẩy tới ám ảnh vật hoá của nhân vật này, mở ra sự lãnh cảm nghiệt ngã của “hạnh phúc”. Sự vô cảm đến mức “nhà nghề” của đời sống hiện đại đã đẩy con người vào cuộc tri hoan bất toàn. Tình dục với họ chỉ còn trong tưởng tượng như cách người ta thường thủ dâm với người tình trong mộng. Sự trải thảm thân xác không còn là giá trị hướng tới của con người nữa. Họ chọn lối truy hoan với đời sống thực vật trong mình hơn là ngắm nghĩa thân thể ở những khúc ngoặt cảm xúc tình dục đích thực. Cảnh rễ cây mọc lên trong ngôi nhà của nhân vật Tôi đã trở thành biểu tượng mơ về của mẹ cậu, như luyến tiếc một cái gì thuộc về quá vãng, nhưng đồng thời cũng biểu hiện sức sống trơ lì của đời sống tâm tình đang dâng cao, lấn át những nụ cười ấm nóng của xúc cảm. Cuộc chiến thú tính của nhân vật trong những câu chuyện mà nhân vật Tôi đọc cũng chính là cuộc chiến thú tính trong anh, dọn chỗ cho đợt sóng hồi hương nhân tính đích thực khi tác phẩm gấp lại trong tâm thức đọc của độc giả. Vì vậy cái thiện vẫn còn, tình yêu đích thực vẫn còn, duy chỉ có điều con người phải chiến đấu và không ngừng chiến đấu với con quỷ trong mình cho tới khi nhân bản được khai phóng. Do đó, giá trị nhân văn của cuốn tiểu thuyết đã vỗ về những giấc mơ trở lại làm người đích thực.

Chủ thể sáng tạo như là chủ thể diễn giải trong tư cách người khác

Tôi dành mục này để thông diễn cách thế sáng tạo văn bản của tác giả, đồng thời chỉ ra giá trị tiền ý niệm của kí hiệu nghĩa, điều mà chưa hẳn tác giả đã chủ đích khi kiến tạo lối viết.

Như trên, chúng tôi đã đề cập đến yếu tính của thời gian nằm trong lịch sử tâm hồn nhân vật chính như là cách thức văn bản mở ra và hướng về các chiều kích kí ức cùng kinh nghiệm sống, kinh nghiệm mỹ cảm. Điều ấy cho phép người đọc nhận ra tính đồng quy thời gian trong tưởng tượng giữa nhân vật Tôi với các nhân vật khác và giữa nhân vật tôi với chính tác giả. Nói rõ ra, Nhân vật Tôi sáng tạo chính mình thông qua các nhân vật khác, đồng thời quy cách hiểu, cách đánh giá đời sống, quá khứ tinh thần của mình trong tư cách tác giả văn bản. Do vậy, nhân vật Tôi là người khác - trong- tư cách mình của nhà văn. Nếu như ý tưởng sáng tạo, khoảng không cảm nghiệm đời sống, biểu tượng tinh thần quá vãng là chủ quan thức nhận văn học của chủ thể viết, thì việc phán xét những đặc trưng ấy bằng thế giới hình tượng nhân vật, được nhân vật Tôi thu nạp trong diễn giải của mình với tư cách con người- khác, thực chất là quá trình tác giả tự thông diễn mình. Cho nên, tính quy tụ ý nghĩa trong văn bản từ lối diễn giải nhân vật Tôi đã ngoại hoá triệt để ý niệm sáng tác của nhà văn. Tác giả của Tưởng tượng & Dấu vết xây dựng văn bản và cố tình sắp đặt cuộc chơi nhân tính nhằm hướng nhân vật, thậm chí bạn đọc vào trò chơi ấy. Để rồi, nhân vật và bạn đọc văn bản cũng chịu sự can thiệp trực tiếp tới quá trình diễn giải ngược trở lại tác giả, khai phóng những miền tăm tối của tư tưởng mà tác giả đã lặn mình vào kí hiệu chợt quên nhận thức về nó. Sự quên lãng vô thức ấy của tác giả đã trở thành mã giải để nhân vật diễn giải lại điều anh nói.

Nếu như tác giả trong văn bản là thủ phạm dấu mặt của những dịch chuyển quan sát theo dòng ý thức, thì những bước ngoặt tâm thức qua các chương mục lại là căn nguyên để chúng ta diễn giải ngược đối với dự án về nguồn của nhà văn. Tác phẩm với 60 tiết đoạn chính thì cũng từng ấy khoảnh khắc nhà văn tìm về các giai đoạn sống, giai đoạn mỹ cảm của mình. Việc quay ngược thời tính chưa hẳn là ý thức sắp đặt lịch sử tinh thần của anh, đôi khi chính những tiết đoạn trong văn bản lại là sự gợi nhắc cho tác giả trong quá trình khôi phục dãy- lịch sử trong tâm thức mình. Mỗi khoảnh khắc tác giả xây dựng văn bản bằng ý niệm là một mắt xích tinh thần quan yếu trong chuỗi hệ thống sử tính tư tưởng anh. Nhà văn quy ước mình như một khoảng không lịch sử, để nhân vật tìm kiếm và phá huỷ khoảng không ấy, phơi bầy cho độc giả về lịch sử hình thành con người từ kí ức bị/được lãng quên và không ngừng khôi phục kí ức đó thông qua và bằng giọng điệu hoa mỹ. Vì là chủ thể đọc diễn giải ngược trở lại tác giả, cho nên, nhân vật Tôi đôi lúc đã trở thành mặt nạ tác giả tự diễn giải về mình, đó là lí do giải thích những đoạn mà nhân vật này và nhà văn song trùng trong hành động, khiến độc giả khó phân biệt ranh giới giữa thực và ảo, giữa thời tính nảy sinh đời sống nhân vật Tôi và đời sống nhân vật trong tác phẩm anh đọc…Tất cả tạo nên bản tường trình tinh thần vừa thực vừa ảo, lấy ảo làm nền để nhấn mạnh đến hiện thực sống đương thời, một hiện thực nghiệt ngã đến mức không thể nghiệt ngã hơn. Do đó, tác phẩm trở thành tấm gương tự vấn cho những ai muốn hiểu, khám phá và trở về chính mình.

Nhân vật Tôi ám mình vào những giấc mơ không đầu không cuối hay chính nhà văn đang run sợ trước khoảng trời xúc cảm thuần khiết bị vấy bẩn bởi bản năng trơ lì từ đời sống vật hoá? Diễn giải những nghi vấn này là nhân vật đang tư duy lại về tác giả của họ. Có thể Uông Triều đã nảy sinh ý định tiền văn bản ấy, nhưng nâng nó lên thành triết lí về sự sống, triết luận về thời gian thì chưa hẳn anh đã gửi gắm trong chủ đích hướng tới văn bản, đôi khi chính sự ám ảnh về nhân vật do mình tạo dựng đã đặt tâm thức sáng tạo nhà văn khuất sau tâm thức tự - diễn giải về vô thức, về cố hương tinh thần trong mình. Sự chân xác trong nhận định này chỉ có tác giả của Tưởng tượng & Dấu vết mới có đủ quyền uy đưa đến xác quyết minh bạch. Hãy xem nhân vật chính diễn giải về tác giả như thế nào?

Miên như một kí ức đẹp của nhân vật Tôi. Nhưng hình ảnh Miên có gì đó mỏng manh trong các bước chuyển ngoặt sử tính, là cô nhưng lại không phải là cô, Miên có những lúc hiền hậu như một cô bé ngây thơ nhưng đôi lúc lại vượt thoát quá khứ trở về hiện tại trong gương mặt lạnh sắc hoang dại, mở ra những cuộc truy hoan tưởng tượng của thân xác vãng hồn… Đó không còn là câu chuyện về kĩ thuật dòng ý thức được chủ thể sáng tạo dựng lên để chuyển tải tâm thức bất định, bất tín về đời sống quanh mình nữa, mà là những góc khuất của hoài niệm. Vì là những góc khuất của hoài niệm, cho nên, nó không ngừng bị hiện tại quy hồi trong các phán xét phản tỉnh. Vậy là, hoài niệm vừa là vô thức nhưng cũng vừa là ý thức. Do đó bên cạnh phần nổi của văn bản trong những suy xét, cắt nghĩa nhằm hướng về phía bạn đọc để thông điệp, thì vẫn còn đó khoảng lặng vô thức ám ảnh nhân vật, mà tác giả bỏ quên tại nơi hình thành thế giới: sự đỏng đảnh của kí hiệu. Chính hình hài vô thức ấy là căn nguyên nảy sinh diễn giải của nhân vật về tác giả. Hẳn là, tác giả đã ám ảnh về sự mục ruỗng nhân bản hiện đại tới mức, quá khứ của một cố hương thuần khiết tinh thần, đẹp và mãn xúc như vậy cũng bị đánh thức, dội ngược về hiện tại để suy xét, để cầu cứu sự cứu cánh?

Việc xem nhân vật là mình - trong - tư cách - người khác, Tác giả của Tưởng tượng & Dấu vết đã mở kí hiệu theo những chân trời xúc cảm, để từ những chân trời bất định ấy bắt gặp chân trời bất tín hiện thực của độc giả, tạo ra sự khoái cảm văn bản hợp lý. Do đó, đọc văn bản không gì hơn là sự hội nhập của những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm thẩm mỹ giữa con người h(ậu)iện đại với văn bản và giữa những thế hệ người đọc tiếp sau hoặc cùng thời với sự đọc. Tuy nhiên để có sự hoà trộn giữa những trân trời đọc ấy, thì văn bản cũng làm một cuộc cách mạng thanh lọc độc giả đọc nó, nó chỉ chấp nhận cho những ai tin và sẵn sàng sống trong tác phẩm. Một niềm tin về văn bản được mở ra là một ý nghĩa được hướng tới. Ngôn ngữ văn bản, một mặt phản ánh sử tính tinh thần nhà văn, nhưng mặt khác nó cũng phản ánh và tái hiện chân thực đời sống con người. Vì, ngôn ngữ phản ánh bản chất cách thế suy tư, lối ứng xử của con người với đời sống quanh nó, cho nên, đọc văn bản không gì khác là hiều con người cũng như cuộc sống lưu trữ trong văn bản. Nói rộng ra, đối thoại với văn bản là đối thoại với chính con người. Khi chủ thể diễn giải thông hiểu nhân vật của Tưởng tượng & Dấu vết thì điều ấy đồng nghĩa với việc, độc giả đang thông hiểu chính đời sống con người được nhà văn phác hoạ và thông điệp. Do đó có thể nói, ngôn ngữ được cấu trúc như một đời sống[6]. Đây cũng là căn nguyên tư tưởng để bác lại những sự hiểu lệch lạc về Tưởng tượng & Dấu vết. Nếu có sự hiểu lầm nào, đơn giản, vì diễn giả không chịu hiểu hay không tạo ra một khoảng trống tinh thần của mình để văn bản cư ngụ như một niềm tin.

Việc tác giả để nhân vật Tôi tự diễn giải về mình, chứng tỏ ngôn ngữ văn bản được mở ra theo hai chiều kích: vừa chủ quan vừa khách quan. Chủ quan vì, nó là quá trình hồi hương tinh thần của tác giả, cho nên ngôn ngữ diễn giải của nó là ngôn ngữ của tri thức, của định kiến thẩm mỹ[7] ngoại tại nằm sâu trong tâm thức sáng tạo. Khách quan vì, chủ thể sáng tạo tự phân thân mình thành điểm đứng bên ngoài thông qua nhân vật Tôi để tư duy lại, để phán xét những bước đường phiêu lưu của các dòng tư tưởng trong mình. Điều này mở ra khả năng cân bằng trong giá trị văn bản, không bất cập, cũng không thái quá, không thiên tả cũng chẳng thiên hữu, là lối viết trung tính giữa logic xúc cảm và logic lí tính. Tôi nghĩ đó là thành công của Tưởng tượng & Dấu vết.

Khi văn bản này khép lại bằng sự trằm mặc suy tưởng, bằng việc ngồi đọc đi đọc lại bài viết, tham chiếu đi tham chiếu lại tác phẩm, chợt nhận thấy: nhân vật của Tưởng tượng & Dấu vết tồn tại mà như không tồn tại. Tác giả tạo ra chàng, nhân vật Tôi tạo ra nàng, nàng tạo ra mã số và cuộc chơi, cuộc chơi tạo ra cơn mơ vật hoá. Trò chơi, nàng và Tôi không tồn tại, vì Tôi tạo ra nàng và nàng là diễn giải của Tôi về hoài niệm, tiềm thức của mình. Tác giả không tạo ra nhân vật, mà nhân vật đang diễn giải điều tác giả trăn trở. Tôi và Uông Triều là tái diễn giải của tiềm thức, cùng những xác tín phi - hợp thức về tồn tại, chỉ còn lại mã số như một dấu mở cho cuộc hành hương tinh thần tìm về chốn xưa của loài người, một trạng thái mơ về của lý tính và không ngừng mơ về cho đến khi dãy số của cuộc chơi đồng quy làm một với

căn nguyên nảy sinh TÌNH NGƯỜI. Cuộc sống, tình dục đương đại đã trở thành  cuộc hành xác bản năng thiếu vắng hạnh phúc, thiếu vắng khoái cảm nhân bản, nó dừng lại như một cuộc chơi NHÂN TÍNH.


*Tiểu thuyết của Uông Triều, NXB Văn học & Nhã Nam, tháng 11/2014

1. Ở Việt Nam, hiện nay có một số quan niệm và cách dịch khác nhau về thuật ngữ Hermeneutics, cụ thể: nhóm quan niệm và dịch Hermeneutics là Tường giải học gồm: Hồ Thế Hà (Nghĩ tiếp về vai trò của chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận văn học ), Trương Đăng Dung (Tác phẩm văn học như là quá trình, Từ văn bản đến tác phẩm văn học…), nhóm quan niệm và dịch Hermeneutics là Chú giải học gồm: Đỗ Minh Hợp (Diện mạo triết học Tây phương hiện đại), Lê Hồng Sâm- Đặng Anh Đào (Bản mệnh của lý thuyết), Đinh Ngọc Thạch- Phạm Đình Nghiệm Giải thích học bao gồm: Phương Lựu (Lý luận văn học hiện đại phương Tây, (Phương Lựu tuyển tập, T. 2)), Nguyễn Kim Loan (Văn hóa như là văn bản: tự sự học và giải thích học), nhóm quan niệm và dịch Hermeneutics là Thông diễn học bao gồm: Trần Văn Đoàn (Thông diễn học và khoa học xã hội nhân văn), Nguyễn Thị Từ Huy (Alain Robbe- Grillet, Sự thật và diễn giải), Lê Tuấn Huy (Thông diễn học của Hégel), Nguyễn Ước dịch Hermeneutics là Tường chú học, Bùi Văn Nam Sơn dịch là Giải minh học (Toàn cảnh triết học Âu Mỹ thế kỷ XX)…Ở văn bản này, chúng tôi chọn thuật ngữ “Tường giải học” để dịch Hermeneutics nhằm hướng tới một nền diễn giải- mở, một sự thật được mở ra, được phơi bầy là quá trình làm cho “sứ điệp” của nhà văn trở nên (Các con đường của triết học phương Tây hiện đại ), nhóm quan niệm và dịch Hermeneutics là minh bạch, là “chúng ta hiểu tất cả những gì có thể hiểu được” (H. Gadamer), đồng thời cũng để phù hợp với thói quen trong tiếp cận thuật ngữ của bạn đọc.

2 Yếu tính của thời gian được hiểu như là bản chất sử tính được thời gian đồng quy làm một với thời điểm sáng tạo của chủ thể viết.

3 Sử tính tinh thần: tức, tính thời gian quy định tiến trình hình thành tinh thần của một cá nhân.

4 Cảm biến: cảm nhận và biến đổi trong sự hiểu về đối tượng.

5 Những dự án này đều là giả định hoài niệm cho vòng tròn diễn giải của chúng tôi.

[6] Đây là quan điểm riêng và là đề xuất triết- luận ngôn ngữ của chúng tôi,

[7] Định kiến thẩm mỹ không phải mang bản chất tiêu cực, mà nó là sự tuân theo giá trị thẩm mỹ của một cộng đồng thẩm mỹ nhất định quy định nó là nó. Vì vậy, định kiến thẩm mỹ trong mối quan hệ của những người có cùng niềm tin luôn luôn là điểm tích cực, quy định thang bậc chân thực của nhận thức văn học.