Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Rừng mai

Truyện ngắn

Trần Duy Phiên

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Cao Bá Quát)

(tiếp theo và hết)

6.

Trong chuỗi ngày ngóng đợi ấy, một buổi sáng, hình như từ nắng gío mang đến tai ông bà những rân ran của một cỗ máy thô sơ khởi động. Ban đầu những con thú lâu nay lai vãng bỏ đi - có thứ biệt tăm như nai, mang, gấu - có thứ năm bảy bữa thấp thỏm quay về như chồn, khỉ, sóc, thỏ... Tới hồi tiếng động không những thoảng đi trong gió mà còn rền rĩ trong đất, ông bỏ một ngày làm, cuốc bộ xuống đường cái. Chưa tới con cầu bắc qua sông Poco, ông gặp một đám người rất đông, mặt mày men mét, mắt sâu miệng vẩu. Lũ này từ đâu chui ra hẻ? Đã rách lại còn đói! Dò hỏi ông mới hay đây là bọn sỹ quan quân đội Sài Gòn đang trong thời kỳ học tập cải tạo - nghĩa là ở tù không có án tòa, không có thời hạn. Láo! Trước khi Ngô Hòa và Ngô Bình lên núi, chúng nói với ông ngay sau chiến thắng sẽ có hòa hợp hòa giải dân tộc. Đã hòa hợp hòa giải, ai bỏ tù ai? Nhưng rõ là tù! Đã tù, sao không nhốt trong nhà lao, đưa đến đây làm gì? - Ông hỏi một người hàm bạnh đội nón cối đi dép râu mà ông quyết chắc là cách mạng, là cán bộ, là phe chiến thắng. Thay vì trả lời, anh ta hất hàm về phía cánh rừng trước mắt. Ông nhìn tới, cánh rừng này tiếp giáp với giang sơn của ông trong kia. Mùa hè năm Nhâm Tý[15], thất trận ở Dakto một đơn vị pháo binh Việt Nam Cộng Hòa rút về đây lập căn cứ, rải mìn bao quanh phòng thủ, đêm ngày gầm réo nhả đạn lên vùng trời tây bắc. Từ đó, muốn vào cánh rừng trong kia phải men theo độc đạo khúc khuỷu, quanh co và nguy hiểm, chỉ có lũ hái măng, bọn săn trầm và vợ chồng ông len lỏi ra vào mà thôi. Bỗng dưng ông thấy lo, y như một tai họa sắp ập tới. Ông tìm hỏi. Môt cán bộ môi thâm gân guốc bảo có việc gì cứ báo cáo với thủ trưởng. Thủ trưởng là ai? Ông lần lượt giáp mặt bốn năm cán bộ nhưng đều không phải thủ trưởng. Và trong thời gian chờ đợi thủ trưởng, buồn tình ông để mắt tới bọn người bầm dập xám xỉn kia.

Cây sắt sáu trong tay làm dùi, theo hướng dẫn của một cán bộ, đám tù dàn hàng ngang dài tới nửa cây số. Một hiệu lệnh phát ra, họ ngồi xuống sát cánh nhau. Như những con bọ rùa, úp mặt chổng mông, trút sức lực vào hai cánh tay, họ cắm sâu cây sắt vào đất, ngoáy đủ vòng, rút. Ban đầu, ông thấy họ cử bộ nhịp nhàng nhanh gọn. Nhưng được một đoạn, dòng người biến thành rồng rắn uốn lượn chậm chạp mặc cho cán bộ quát tháo hối thúc. Tìm gì? Ở cái tuổi sáu mươi, hơn bốn mươi năm lăn lóc từ biển lên non, ông chưa bao giờ thấy ai tìm được cái gì trong đất bằng cách xăm xoi như thế. Áp cận, ông hỏi cán bộ nhưng tất cả đều lắc đầu xua tay với vẻ mặt bí mật. Muốn tường tận, ông lẫn vào đám tù và kinh hoàng đến sởn gáy. Mìn! Chính mắt ông thấy một người bặm môi móc lên khỏi đất một hộp sắt tròn đen sì. Rồi một người khác cận kề ông cũng tìm thấy một hộp nữa. Tiếp đến, gần như đồng loạt, họ liên tục phát hiện... Một người khuyên không nên lân la vào chỗ hiểm nguy, ông ngẫm nghĩ rồi tìm đến một gốc cổ thụ. Dọc lối đi, ông bắt gặp một đống mìn ngồn ngộn từ mé rừng bên kia chuyển qua. Là vũ khí tàn phá những công trình kiên cố và giết người hàng loạt, nhưng hình thù của mìn khá bắt mắt, nó như đồ chơi của con trẻ, như những quả tạ cử giật của giới thể thao.

Nghe nói bên Liên Xô, bên Trung Quốc cực kỳ văn minh hiện đại, sao không chi viện máy dò cho ta mà phải bắt người rà thay? - Ông đón hỏi một cán bộ có đôi mắt sắc lạnh. Chán khối! - Anh ta nói ngay - Nhưng như thế lấy đâu ra bài bản cho nguỵ quân nguỵ quyền học tập cải tạo. Hành hạ? Trả thù? Ông bất bình nhưng vẫn gật đầu chiếu lệ, ngồi xuống một tảng đá, nhìn những chiếc máy rà mìn chạy bằng máu lúc nhúc nhấp nhô xen giữa màu xanh cỏ dại lưa thưa trước mắt. Thủ trưởng đâu? Sực nhớ, ông đứng lên nhìn quanh rồi lần tới chân đồi. Môt cán bộ tách khỏi nhóm, báo cho ông hay thủ trưởng sắp tới. Một chút hy vọng nhen nhúm, ông đi lòng vòng chờ đợi cho tới khi đám tù quay lại mé đường, ngồi xếp hàng ôm bát chực chờ nhận phần ăn. Vừa đói vừa khát, ông chỉ xin họ nước uống rồi bực dọc bỏ về.

7.

Chiều hôm sau ông Ngô Mãn trở lại, không phải xem đám tù làm việc, mà quyết tâm gặp thủ trưởng cho bằng được. Trong lúc chờ đợi, ông thấy một chiếc xe cần cẩu chạy vào. Quá nửa đời người sống ở Tây Nguyên ông không lạ gì loại xe kéo gỗ đường rừng, dân trong nghề gọi nó là bò vàng. Lạ? Lâm trường đâu có trong này mà bò với lết! Lại thêm rách nát cỡ ấy còn làm ăn cái khỉ gì nữa mà co với kéo! Lốp mòn thấu bố, buồng lái không mui, cần cẩu không tời! Ngoại hình đã bệ rạc, nội tạng cũng còn rệu rã hơn nữa. Từ đằng xa, nó phun khói chẳng thua gì một lò than hầm, tới gần các cơ phận máy móc rổn rảng y như mèo chó cắn xé nhau. Đáng ra ở bãi đồng nát, tại sao lại khó nhọc đưa nó vào đây làm gì?

Tập họp, bốn hàng dọc! - Vừa lúc ấy một cán bộ hô lớn, ông quay lui. Đám tù răm rắp vào hàng. Nghiêm! Bên trái, quay! Theo hiệu lệnh, họ thao tác rất đẹp mặc dầu áo xống, giày dép lôi thôi lếch thếch. Tại chỗ, ngồi! Một phút im lặng nặng nề. Ai trong số các người biết lái xe? - Một cán bộ môi thâm có hàm răng to khỏe dõng dạc hỏi, tất cả nín thinh, năm ba ánh mắt nghi ngại lén nhìn chiếc xe cẩu. Có nghe rõ không? - Cán bộ đanh giọng - Ai trong số các người biết lái xe? - Vẫn im lặng. Không hử? - Cán bộ nhìn thẳng vào mắt từng người. Lý lịch cải tạo có sẵn đây - Ông ta vỗ vào xắc-cốp đeo bên hông - Nhưng Cách Mạng bao giờ cũng muốn các người tự giác xung phong để thể hiện tinh thần học tập tiến bộ. Nào! Nhanh lên! - Ông ta hất hàm. Đó không phải đe dọa suông. Đám tù đều hiểu như thế. Nếu không hưởng ứng, sẽ có những biện pháp thích đáng. Nhưng tuyệt nhiên vẫn im lặng. Trong lúc trời đất và cả đại ngàn như bất động, bất chợt một cánh tay đưa lên. Những ánh mắt khô lạnh nhìn theo. Rồi hai cánh tay đưa lên. Rồi năm cánh tay đưa lên. Cán bộ cười, lóe sáng chiếc răng mạ vàng.

Rời hàng ngũ, lên xe! - Cán bộ lệnh cho năm kẻ tình nguyện. Họ làm theo trước hàng trăm con mắt dè dặt nhìn tới. Người đưa tay đầu tiên được chỉ định ngồi vào chiếc ghế rách bươm trước tay lái rỉ sét, bốn người kia leo qua mạn thành đeo cứng vào càng cẩu vì xe đã thủng mặt sàn. Cán bộ trục tiếp chỉ đạo quay lui hội ý với các cán bộ khác rồi trở lại lệnh cho xe khởi động. Đề mãi chẳng nổ, tay phụ lái phải dùng xăng mồi kích hỏa. Động cơ chớp lóe, cánh quạt quay, ống bô xịt khói ầm ầm, bò vàng rùng mình chuyển bánh. Cán bộ hớn hở ra hiệu đưa xe áp cận bãi mìn. Ông Ngô Mãn đứng bật dậy, há hốc ú ớ. Một cán bộ đứng bên liếc mắt đe nẹt, ông im lặng ngồi trở lại, tức tối nhăn nhó. Xe dừng lại ở vạch xuất phát hôm qua, cán bộ nhướng mắt bảo tất cả bọn tù còn lại leo lên. Bây giờ ông Ngô Mãn biết họ đang làm gì. Tăng trọng! Dùng máu thịt để tăng trọng cho xe. Tốp tù ở cuối hàng lừng khừng, muốn tháo lui. Một trận quát tháo rất bài bản nhưng khó nghe. Đúng như lý lịch cá nhân tù đã tự giác khai báo, cán bộ đào thấu ba đời, chửi bới từ Bắc vào Nam xuyên suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh, thông sang lịch sử các triều đại phong kiến đến đế quốc thực dân, vượt luôn Thái Bình Dương qua tận Mỹ. Đáng ra sau mùa xuân đại thắng, những thành phần như các người phải bắn bỏ. Nhưng Đảng và nhân dân tha tội chết cho, khoan hồng cải tạo, thế mà nay vẫn ngoan cố hử? Ai cải lệnh, ai chống đối, đứng riêng ra! - Một cán bộ khác nhỏ con nhưng bệ vệ coi bộ chức quyền lớn hơn cả, dõng dạc lên tiếng.

Ông Ngô Mãn quyết chắc đây là thủ trưởng. Đám tù cúi mặt, im lặng một lúc rồi tranh nhau lên xe. Nhưng sức chứa có hạn, đã ken chặt và bu bám đủ cách, số tù dôi ra quá lớn trong khi yêu cầu chồng chất càng nhiều càng tốt. Thưa quản giáo - Đang lúc tốp cán bộ chưa biết phải giải quyết thế nào, người tù ngồi trong buồng lái đưa tay lên - Thưa quý quản giáo, tôi có ý kiến - Anh ta nói. Cán bộ có uy quyền nhất nhướn măt nhìn lên, phất tay cho phép - Thưa quý cán bộ, loại mìn này... sức nặng của xe cộng với thân xác của tôi cũng đủ… Thưa cán bộ, tôi không mẹ không cha, không vợ không con, nếu mà... cũng không sao - Tần ngần mấy giây, anh ta thưa tiếp, giọng hơi run nhưng chân thành. Đám tù vẫn tìm cách lên xe. Tốp cán bộ rút qua bên kia đường hội ý. Cho các người xuống! - Cán bộ có uy quyền nhất trở lại, vừa hét vừa khoát tay làm hiệu. Đám tù lẵng lặng rời khỏi xe, chỉ còn lại một người ngồi im ở buồng lái. Anh ta cung kính chắp tay, ngước mắt lên trời, môi mấp máy. Tất cả đều gióng tai, nhưng không ai nghe được anh ta khấn gì.

Xe bắt đầu lăn bánh. Đề phòng bất trắc và cả nguy hiểm, tốp cán bộ rút lên đồi, rút súng cầm tay. Đám tù trở lại vị trí, ngồi xuống, không còn hàng lớp nhưng đông đủ, im lặng, tập trung nhìn về phía trước. Đang cuối mùa mưa, dấu lốp lún sâu vào đất bazan như in. Chạy được vài trăm mét gặp phải gò đống, bò vàng không rướn nổi, người tù cầm lái sang số mạnh, nó gục gặc rống réo lết lê được một đoạn rồi chết gí. Tốp cán bộ hò hét. Xe khởi động lại, gầm ré trườn tới. Trong khoảnh khắc ấy, chỉ có tiếng gió trên đầu ngọn cây, chỉ có tiếng xe cực nhọc rền rĩ, chỉ có tiếng tim loạn nhịp trong lòng ngực từng người. Đám khói hỏa lò bao quanh bò vàng vẫn không che khuất chỏm đầu và bờ vai người tù tình nguyện. Theo xác xuất, những cái đầu tỉnh táo đang chờ đợi một tiếng nổ. Cự ly chẳng bao xa, đôi bờ sinh tử đang khắc khoải từng giây... Rồi bò vàng quay lại, không một tiếng nổ nào. Hú vía! Nhưng kế hoạch khai quật đang hồi cao điểm. Cán bộ lãnh đạo cho phép kẻ vừa cầm lái rời xe và lệnh cho một trong số bốn người tình nguyện còn lại lên thay. Phải chà lui xát tới, giẫm cho nát cái mặt rừng này! Không bỏ sót một gốc cây bụi cỏ nào trước khi mở chiến dịch giãn dân thành phố - Ông ta chỉ thị cho thuộc cấp và cả bọn tù.

Ông Ngô Mãn nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất rồi dùng chân chà lấy. Bao năm sống ở Tây Nguyên, ông học cách thể hiện thái độ khinh miệt của người bản địa như thế. Rồi cúi mặt bước đi. Bác ơi! - Chợt nghe ai gọi, ông ngoảnh lại - Bác còn nhớ cháu không? - Người tù vừa rời khỏi xe bước tới ôm choàng lấy ông. Anh là ai? - Ông hỏi, đưa cả hai tay đẩy hắn tách xa mình. Nhưng ngay khi ấy, hình ảnh chiếc trực thăng, viên sĩ quan không quân, con nai chà trúng thương vụt trở lại trong đầu. Thì ra… - Ông ú ớ, không dám tin vào tai mắt mình. Vâng! Cháu đây... - Anh ta đặt tay lên ngực mình, vỗ vỗ. Là thứ có cánh, tại sao không bay? - Khi đã tin chắc, ông mắng yêu, cười ha hả khiến tốp cán bộ quắc mắt nhìn tới. Vương vấn mẹ cha, vợ không chịu đi nên cháu đành ở lại... – Anh ta bọc bạch. Bây giờ cô ấy ở đâu? - Ông hỏi. Cháu vào trại cải tạo chưa bao lâu, cha mẹ mất, cô ấy mang con vượt biên nhưng không may gặp phải hải tặc... - Anh ta chợt im, cúi mặt. Xin lỗi, tôi vô tình… - Ông Ngô Mãn chưa kịp nói hết, một tiếng nổ lớn ở cuối bãi, bụi mù, đất đá tung lên thành ngọn như một cây nấm khổng lồ. Đám sỹ quan cải tạo chạy ùa về phía chiếc xe cẩu lật nghiêng, bốn bánh sau vẫn còn quay tròn. Tốp cán bộ trên đồi lao xuống, rút súng bắn chỉ thiên, hò hét vãn hồi trật tự. Đám sỹ quan cải tạo trở lại, mang theo một cái xác không nguyên vẹn, bê bết máu...

8.

Giải phóng bãi mìn, thừa thắng xông lên, một chiến dịch khai hoang mở ra. Hòa cùng đám sỹ quan cải tạo, hàng ngàn đân lao động nghĩa vụ từ thị xã đưa lên, tạo nên một đoàn quân khai hoang ô hợp tả tơi - đủ các giới và thành phần. Sau khi yên bề lán trại, có lệnh tất cả phải ra rừng, lăn xả vào đất đá, cỏ cây. Ngày đầu, loa đài rộn rã, khói lửa mịt mù, tỏ rõ quyết tâm tiến công xây dựng xã hội chủ nghĩa

Chính quyền gọi ông Ngô Mãn đến trụ sở ủy ban vừa được thành lập, báo cho hay địa bàn xã mới, ranh giới quy hoạch. Ông cảm thấy mình bị nuốt chửng vào tập thể. Không! Không bao giờ…! - Ông kêu lên, cố dằn xuống thứ cảm giác bất chợt sục sôi. Rõ ràng một góc đất trời lở loét, và ông - một sinh thể đang được chiếu cố lưu dung! Chính linh cảm này làm ông điên tiết. Nhưng đơn độc quá, ông cúi mặt im lặng, nuốt ứ uất xuống cổ họng. Cán bộ thay nhau làm công tác dân vận. Ban đầu người ta vẽ cho ông thấy cái viễn cảnh ấm no hạnh phúc, ông không chịu nghe. Tiếp đến, người ta xoáy vào thằng con đầu nhà ông là sỹ quan ngụy có nợ máu với nhân dân, ông vẫn ương bướng, không chịu ký vào bất cứ một thứ giấy tờ nào cán bộ yêu cầu. Bàng hoàng, bực bội, ông ra về. Ủy ban quy ông là thành phần nông dân lạc hậu, coi nặng tư hữu hẹp hòi, chưa thấy hết phúc lợi tập thể.

Trong lúc ông bà Ngô Mãn chưa biết xoay xở làm sao, lui tới thế nào, một cái giấy thứ hai gọi ông ra ủy ban xã. Lần này đích thân bí thư trực tiếp xử lý. Tưởng ai xa lạ, anh ta là con trai Ba Đồng - thợ hồ, cùng quê. Ngày còn ở thị, Ba Đồng đã có lần quỵt nợ ông. Nhưng bây giờ đồng chí bí thư cứ làm mặt lạ. Mở đầu anh ta bảo cô thư ký đọc một đoạn nghị quyết, ông Ngô Mãn chỉ hiểu chắp vá do một số từ lạ tai - bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản, tập trung dân chủ, cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân chủ xã hội, giương cao hai ngọn cờ... - Bí thư nhấn mạnh. Trước sau, tôi chỉ cần một ngọn thôi! - Bất ngờ ông lên tiếng. Bí thư đanh mặt một lúc rồi lại tiếp tục công tác dân vận. Lần này ông Ngô Mãn ngợp thở vì khẩu hiệu. Mỹ cút Ngụy nhào! Tổ quốc vĩnh viễn vắng bóng quân thù! Lao động vinh quang! Ấm no hạnh phúc muôn năm! Và bao nhiêu thứ muôn năm nữa! Ông có chịu xuôi theo ba dòng thác cách mạng không? - Bí thư gằn giọng hỏi. Không! - Ông Ngô Mãn bực dọc đáp trả - Tôi chỉ cần một thôi nhưng phải là dòng trong và đã được cha ông mở ra từ ngày lập quốc! Thay vì đập bàn hét tướng cho hả căm, bí thư xổ tràng giang bao kiến thức vừa mới rời ghế trường Đảng, huyên thuyên bất tận.

Thoáng nghe rất rôm rả, nhưng phối kết lại chúng chí chát mâu thuẫn, ông Ngô Mãn phát hoảng nhưng vẫn phải ngồi chịu trận. Đường lối chính sách của đảng ta dân chủ gấp ngàn lần cái thứ dân chủ giả hiệu của chế độ tư sản phương tây bóc lột. Xã hội chủ nghĩa của ta tự do gấp vạn lần xã hội đế quốc Âu Mỹ thối tha! Ông Ngô Mãn cố nuốt xuống những bức bối nhói tận cổ họng. Chú nên đưa gia đình vợ con của cải vào tập thể - Bí thư hạ giọng - Chú phải giao đất đai lại cho nhà nước quản lý - Bí thư cười giả lả - Không một ai, không một thế lực nào ngăn được bước tiến của toàn đảng toàn dân. Giờ đây, chuyên chính vô sản thay trời đổi đất sắp xếp giang sơn tiến lên xã hội chủ nghĩa! - Bí thư lại cười, gật gù, nhắp một ngụm trà đặc. Tưởng mình nghe nhầm, ông Ngô Mãn ngước nhìn lên. Tài hèn đức mọn, tôi không dám bươn theo cái ngã mạn ấy - Ông nói, cố sửa giọng cho tinh tấn - Tôi chỉ biết quy phục đất trời mà vun quén đời mình thôi. Còn cái gan báng thiên nghịch địa của loài ếch nhái, tôi không có và nhất thiết không nhẹ dạ nghe theo huyễn mộng của bất cứ ai - Nghe đến đó, bí thư giận tím mặt, đứng dậy xô ghế bỏ đi.

Trên đường về, ông Ngô Mãn thấy đám người khai hoang đã vượt qua con suối, vài ba cán bộ đi thị sát còn thọc sâu hơn nữa. Gắng gượng leo lên chiếc thang độc mộc, ông nằm dài xuống sàn nhà, nhắm mắt lại, hai hàng lệ ứa trào. Từ ngày mẹ mất, đã hơn ba mươi năm, ông mới khóc trở lại! Con khôn hơn cha nhà có phúc. Thế hệ sau tiến bộ hơn trước, vận nước hanh thông. Nay ông thấy họ thiển cận, già mồm, háo thắng. Họ chỉ thấy đất mà không thấy núi. Họ chỉ thấy nước mà không thấy sông. Họ chỉ thấy hữu hạn mà không thấy vô cùng... Nhưng mình là gì trong dòng thác ấy? Ông ngẫm nghĩ, gượng dậy, cố thoát khỏi ủ ê, ghé nhìn qua ô cửa. Đương độ lập đông, ngàn mai âm thầm trút lá, trơ xương trong ánh nắng nhạt nhòa. Đoàn người khai hoang đã lan tới bờ hồ, y như một cuộc tiến quân bao vây. Lắng tai, ông còn nghe tiếng cuốc xẻng bập vào đất đá, tiếng dao rựa bứt phá bụi bờ rào dậu, tiếng cây đổ rào rào như những trận mưa đá ngủng ngẳng đầu mùa...

Sau bữa cơm tối, ông đốt một đống củi nhỏ sưởi lạnh. Bà bàn nên trở lại thị xã, ông thở dài. Không thể được! Chính sách không cho phép. Đang giãn dân ra vùng ven vùng sâu, ai cho quay về! Ông chợt nhớ lại những gì tay bí thư - con trai Ba Đồng, đã nói. Hay ta chạy xa hơn nữa! - Bà ướm thử. Sẽ lạc qua Lào qua Miên, đất nước của người ta! - Ông cảnh báo. Nhưng dù gì cũng có riêng một cõi, vẫn yên ổn hơn - Bà lại ướm thử. Bên đó nghe nói cũng đang thay trời đổi đất như bên này. Coi chừng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! - Ông xẵng giọng, bà ngẫm nghĩ khẽ gật đầu - Lại nữa, đất nước của ông cha, trước đây ta chỉ trốn chiến tranh, trốn cái chính trị hà khắc! - Ông khẳng định - Hòa bình rồi, việc gì ta phải trốn? Bà lặng lẽ đi nằm nhưng mãi trằn trọc không ngủ. Còn ông, thức trắng đêm bên nhúm tro tàn le lói ánh lửa, lâu lâu lại ra hiên nhìn vườn tược lơ mơ yên nằm trong sương lạnh, nhìn rừng mai âm thầm lặng lẽ chờ xuân. Sáng tinh mơ, ông bà Ngô Mãn xuống rẫy thu hoạch hoa màu. Mặt trời lên tới ngọn cây, họ giáp mặt đám người khai hoang. Chẳng cần chào hỏi, ông thúc vợ nhanh tay hơn nữa. Đó là đoàn quân đói - Ông rót khẽ vào tai bà - Chúng xoáy một cái, e ta đói trọn năm! Tranh thủ, hai ông bà làm việc quần quật suốt cả tuần...

Trong khoảng thời gian ấy, ngoài kia, khoảng trống đạn mìn vừa dược dọn dẹp, những túp lều mọc lên bằng vật liệu tận dụng từ rừng, thấp lè tè nhưng ngay hàng thẳng lối. Mãn hạn lao động nghĩa vụ đám dân khai hoang rút về phố, bọn tù binh cải tạo được điều động tới một mặt trận khác, người mới đổ đến, họ nói giọng Bắc Trung bộ, bủng beo, tả tơi. Ủy ban cấp cho mỗi hộ một túp lều lụp xụp rộng bằng cái chuồng heo ở nông thôn, bên trong cây dại lèn tận nóc. Họ phát dọn, nâng nền, tiếp đến lăn vào đất, vỡ hoang đến đâu gieo trồng tới đó. Trong khi chờ đợi lúa trỗ bông đậu kết trái, ăn hết số lương thực ít ỏi mang theo, họ lao vào rừng đốn củi đưa về bán ở chợ thị xã kiếm sống qua ngày. Đoàn quân đói tiến đến đâu, rừng tàn đồi trọc đến đó, ngàn mai cũng vướng vạ theo, hồ nước cạn dần, con suối trở nên vẩn đục do đất cát, rác rưởi và bao thứ phóng uế bừa bãi. Ông bà Ngô Mãn phẫn uất nhưng rồi chỉ có biết trơ mắt nhìn và ngậm ngùi tiếc nuối.

Đang cơn bần thần dã dượi ấy, ông lại nhận một cái giấy gọi đến ủy ban. Lần này, đích thân chủ tịch động viên ông gia nhập hợp tác xã nông nghiệp... Đường cùng, ông gật đầu. Người ta cũng phân cho ông một túp lều và mấy khoảnh đất hoang để canh tác. Buồn bực, lại thêm xuống sức vì thời cuộc, ông bà chẳng màng cuốc cày. Tài sản duy nhất ông bà sung vào tập thể và được chủ nhiệm cho ghi vào sổ chỉ có cặp bò. Nhưng chúng đã già không lao động nổi, chẳng bao lâu nhân ngày quốc khánh, ủy ban xã cho xẻ thịt liên hoan. Để có công điểm, ban quản trị phân cho ông chăn bầy trâu của hợp tác.

9.

Sau đợt thu hoạch vụ đầu ở vùng đất mới, xã có hân hạnh đón một phái đoàn đến thăm, nghe nói cấp cao ở tận trung ương. Cờ giăng kèn thổi, loa vang trống giục, hân hoan phấn khởi. Một ông to mặc áo đại cán[16] bước lên khán đài ban huấn thị. Sau khi phát huy khen thưởng địa phương đã phấn đấu vượt bực, đã thu hoạch một số thắng lợi nhất định bước đầu, ông ta chỉ trích ban lãnh đạo không quán triệt nghị quyết, sai lầm quy hoạch vùng dân cư. Tại sao chọn chỗ thấp - phần đất đai màu mỡ, mà làm nhà? Sao không quy hoạch trong kia - nơi khô khốc và khó canh tác? - Cả hội trường miễn cưỡng tiếp thu, nhưng lại vỗ tay rân rang như pháo nổ. Ngày hôm sau, một lệnh dời cư ban xuống, loa đài phát động, xã viên tập trung học tập. Thông rồi, mỗi hộ đi nhận đất nền và tự động tháo dỡ lều cũ. Một số hộ vâng lệnh lên đồi cao, một số lề mề nấn ná rồi thừa cơ bỏ trốn. Tự dưng ông bà Ngô Mãn được trở lại ngôi nhà sàn. Ban quản trị, ủy ban xã lại một phen bận rộn triển khai nghị quyết mới - phát động thi đua, kêu gọi ra quân, hạ quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu nghĩa vụ. Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người...

Ngày qua ngày, một đợt thu hoạch nữa lại đến, năng suất và sản lượng không bằng trước đây nhưng báo đài vẫn hồ hởi phấn khởi, vẫn ấm no hạnh phúc, xã lại có hân hạnh đón một phái đoàn đến thăm nhân ngày tổng kết cuối năm. Cũng cờ, cũng loa, cũng kèn, cũng trống, cũng hân hoan và cũng một ông to đứng lên phát biểu chỉ đạo. Và sau khi ca ngợi một số thành tích bước đầu ở vùng đất mới, ông ta cũng phê bình ban lãnh đạo đã sai lầm quy hoạch khu dân cư trên đồi cao. Lấy nước đâu mà uống? - Ông ta gào to giữa hội trường tranh tre dột nát - Lấy đường đâu mà vào ra? Sức lao động thay vì phục vụ ruộng đồng thì tiêu tốn cả vào việc lên xuống núi! Ngày hôm sau một lệnh dời cư lại ban xuống. Bổn cũ soạn lại, mỗi hộ đi nhận nền thổ cư - vùng trũng, sát bãi mìn, và tự động tháo gỡ nhà cửa. Chừng vài chục hộ chấp hành, họ dựng lên những túp lều gió vào ra tứ phía rồi lén lút bỏ đi, những đồi cũ được trả lại cho rừng nhưng trọc lóc, rặt một màu đỏ khé. Bà Ngô Mãn cũng xuôi theo dám người lén lút ấy mà đi tìm con.

Mùa khô tới, bầy trâu đang béo tốt tự dưng lở mồm long móng theo nhau ngã quỵ. Năm lần bảy lượt báo cáo, chẳng ai biết đâu mà lần, ông Ngô Mãn trở nên thất nghiệp. Không trâu, ông thường cầm roi đi lơ ngơ đến trụ sở hợp tác, mồm phì phèo điếu thuốc lá chuối khô to như củ khoai từ. Vắng hoe, chẳng có ai, ông ghé qua ủy ban. Cũng vắng hoe, chẳng có một cán bộ nào, ông âm thầm đi sâu vào núi tìm lại ngôi nhà sàn. Tay lâm tặc nào đã táo tợn bổ dọc hai gốc hương to nhất, nhà không còn vững chắc nữa, giờ như một cái tổ rệu rã, rên rỉ mỗi khi trời nổi gió. Săm soi một lúc, ông tìm cách chống đỡ rồi leo lên. Lâu ngày vắng chủ, lũ chuột kéo tới lập giang sơn, nay nghe động vội tháo chạy lên các ngọn cây. Ông cởi áo lau dọn bàn thờ. Cha ơi! Mẹ ơi!... - Ôm lấy bát hương, ông run rẩy thầm thì. Bồ chạn còn sót lại ít lương thực, ông nướng khoai ăn tạm, ngồi vắt vẻo một mình ở cầu thang. Mùi vị lá chuối khô nhợt nhạt nhưng ông vẫn vấn hút, bặp hít liên tù tì. Tàn phá, khô khốc, chết chóc tràn ngập mắt. Vòm trời xanh hóa thành nhọn hoắt. Công tác thủy lợi hóa ra thủy hại, khiến con suối lạc dòng, mặt hồ nứt nẻ. Cỏ cây bỏ chạy về phía xa.

Bà Ngô Mãn trở lại nhà trong bóng tối nhập nhòa. Khó nhọc leo lên thang độc mộc, bà trưng ra trước mắt ông tờ giấy báo tử mang tên Ngô Bình rồi gục xuống ôm mặt khóc. Ông Ngô Mãn vẫn ngồi lặng im. Còn Ngô Hòa? - Tới hồi thấy vợ đã cạn nước mắt, ông hỏi. Người ta cho hay nó có vợ ở vùng sâu nhưng chẳng bao lâu thì mất tích ở mặt trận biên giới Tây Nam - Bà vẫn cúi mặt, nghẹn ngào. Thế sao từ ấy thư nó vẫn đều đặn bí mật gởi về? - Ông cau mặt hỏi vợ. Toàn là thư giả mạo do cơ quan tạo ra để bắt liên lạc với nhà mình mà xin tiếp tế - Bà nói. Ba tháng qua mình đã đi tới những nơi nào? - Như chợt nhớ điều gì, ông hỏi. Về tận Sài Gòn rồi xuống lục tỉnh. Gia đình con út không sao, chồng nó đang phục vụ trong ủy ban quân quản do bấy lâu hoạt động bí mật cho cách mạng - Bà nói. Thế thằng Hai? - Không nghe bà nhắc tới Ngô Thành, ông nôn nóng. Vợ con nó di tản trước và đã ra tới hạm đội - Bà nghẹn cứng cổ họng một lúc - Còn nó, tự sát theo trung đoàn trưởng ngay khi tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng... Nghe đến đó, ông gượng ngồi dậy, ôm lấy đầu, mím chặt môi. Bà biết ông đang ở tận cùng đớn đau nhưng đã hết nước mắt để khóc con. Được một lúc, ông níu lấy vợ đứng lên, lần xuống thang độc mộc, đi thơ thẩn về phía núi. Bà ra cửa nhìn theo, nhưng chẳng thấy gì ngoài bóng tối...

Những ngày giáp tết Kỷ Mùi, cảnh sống ông bà Ngô Mãn vô cùng khó khăn, đất đai hoang hóa, bồ chạn trống không. Có bữa họ phải ăn cả rau rừng thay cơm. Túng bấn, ông chợt nhớ và nảy sinh ý định rút lại khoản tiền ký gởi năm xưa. Ông đi từ sáng sớm, đến trưa mới về tới kho bạc tỉnh - nay treo bảng hiệu ngân hàng nhà nước. Ông trình đủ các loại giấy tờ qua ghi-sê[17] - ô cửa trước đây ông bà đã gởi tiền vào, một nhân viên nữ mặc áo quần bộ đội đón lấy, cúi đọc rồi lạnh lùng trả lại. Sao vậy? - Ông hỏi. Cô ta ấm ớ ra hiệu đó là loại giấy tờ không còn giá trị. Bức xúc, ông tìm gặp lãnh đạo và được giám đốc cho hay không có chủ trương hoàn trả. Chủ trương nào nữa? - Ông lý sự - Chúng nó bỏ chạy, vợ con cũng không kịp mang theo huống hồ tiền bạc. Các ông thu lấy và quản tất cả, vậy phải trả lại cho dân! - Ông tin chắc mình nói đúng. Hãy qua bên Mỹ mà đòi! - Giám đốc xẵng giọng. Nói vậy mà nghe được a? - Ông thét. Giám đốc gọi công an bảo vệ đưa ông ra ngoài. Nghĩ mình thân cô thế cô, ông đi một mạch về núi, giận đễn nỗi quên đói quên khát.

Mấy năm qua, không ai thấy bóng dáng ông bà Ngô Mãn vãng lai thị xã nữa. Một dạo, bọn đi trầm ngang qua có ghé lại. Ông bà mời họ ăn canh nấm, thịt khô hông khói. Họ biếu ông bà ít đường và thuốc lá điếu. Đêm giữa rừng sâu, trăng ngàn ngút ngợp, trẻ già ngồi quanh bếp lửa, ông kể cho họ nghe về cuộc đời vợ chồng mình. Ông cho họ hay trước đây cây cỏ vùng này hùng vỹ xanh tươi thế nào, đẹp đẽ làm sao. Đó là chuyện hoang đường, không một ai tin. Điều khiến bọn đi trầm thắc mắc - do đâu mà đôi vợ chồng này bám lấy ngôi nhà xiêu vẹo, cô trung với đất trời bên lề thế gian? Phần đời còn lại, cô bác có mong chờ gì không? - Trước khi đi ngủ, một người trong bọn ấy hỏi. Có chứ! - Ông Ngô Mãn quả quyết - Một ngày nào đó, những đứa cháu của lão sẽ tìm về. Và rừng mai sẽ tái sinh - Lắng nghe, bọn họ không tin, chỉ có bà khẽ gật đầu, cúi gập mình lau nước mắt.

                                                                                                                                                1996


[1] Quản đạo: Chức quan triều Nguyễn - Phúc, đứng đầu một tỉnh mới thành lập.

[2] Hương lý: Chức vụ lý trưởng, đứng đầu một làng.

[3] Nha động viên thuộc bộ quốc phòng (VNCH): Cơ quan phụ trách tuyển quân.

[4] Quân dịch: nghĩa vụ quân sự.

[5] Trước 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam có hai nguồn sĩ quan. Thủ Đức đào tạo sĩ quan trừ bị (có thể giải ngũ sau chiến tranh), học viện võ bị Đà Lạt đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp (coi quân sự như một nghề nghiệp chuyên môn).

[6] Lon quánh. Lon: dụng cụ bằng thiếc hình trụ dùng để đựng hoặc đong. Quánh: loại chảo để nấu ăn làm bằng gang, bằng nhôm có tay cầm. Người ta mượn từ kép này để tỉnh lược khi phát âm từ galon (tiếng Pháp – phù hiệu xác định phẩm hàm quân nhân)

[7] Chiến cuộc Mậu Thân: Cuộc tổng tiến công của quân đội miền Bắc vào một số thành thị miền Nam như Huế, Sài Gòn, Kontum vào Tết Nguyên Đán năm 1968.

[8] Phu xướng phụ tùy (từ Hán Việt): Chồng khởi xướng, vợ hưởng ứng, ý nói sự hòa hợp của cuộc sống lứa đôi.

[9] Hà chính mãnh ư hổ (Hán Việt - Chính trị hà khắc còn dữ hơn cọp). Truyện kể, một hôm Khổng tử cùng học trò ngang qua một vùng rừng núi, bỗng gặp một người đàn bà ôm ngôi mả mới mà khóc. Thấy lạ, ông hỏi, bà ta cho hay năm kia chồng chết vì cọp vồ, năm ngoái đứa con trai đầu chết cũng bị cọp vồ, và mới đây đứa con trai thứ lại bị cọp vồ. Khổng Tử liền khuyên bà ta nên bỏ sơn lâm về phố thị mà sinh sống vì vùng này lắm cọp dữ. Bà ta nói cọp tuy dữ nhưng đôi khi có thể tránh được hoặc đánh trả lại, còn ở nơi phố thị vua quan nhũng nhiễu hà khắc, biết làm đâu! Nghe xong, Khổng Tử quay lại bảo học trò: Hà chính mãnh ư hổ.

[10] Nhân vật này có thể là tiến sĩ Trần Quí Cáp, bị xử chém ở Khánh Hòa (?).

[11] Đất ô (phiên âm tiếng Bahnar: đất oh): đất phù sa rất phì nhiêu do sông bồi đắp thành gò, thành đụn, thành đám, thành bãi.

[12] Nhật xuất nhi tác hề!... Nhật nhập nhi qui hề! (Hán Việt). Tạm dịch: Mặt trời mọc, hãy đi làm!... Mặt trời lặng, về nhà nghỉ!

[13] Ngu Cơ, Hạng Vũ: nhân vật lừng lẫy trong bộ truyện lịch sử Hán Sở Tranh Hùng.

[14] Triệu Tử Long: nhân vật tài ba mưu trí trong bộ truyện Tam Quốc diễn nghĩa.

[15] Năm 1972.

[16] Áo đại cán (tiếng Trung Quốc): Loại áo ngắn dài tay, vải kaki, màu xanh lá cây, rộng thùng thình, có bốn túi, cán bộ cao cấp thường mặc.

[17] Ghi-sê (phiên âm từ guichet - tiếng Pháp): ô cửa nhỏ dùng để giao dịch với khách hàng.