Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Năm mới, bàn về chuyện sống tử tế của người Việt

Nguyễn Trọng Bình

Mới đây, báo Tuổi trẻ có tổ chức diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” để mọi người nhất là giới trẻ có... cơ hội nhìn lại mình. Phải thừa nhận đây là một ý tưởng hay và có ý nghĩa của những người làm báo nhằm góp phần làm lành mạnh hóa xã hội. Tuy vậy, qua theo dõi, người viết bài này thấy có chút băn khoăn.

Có thể thấy, bàn về chuyện sống tử tế hiện nay, hầu hết mọi người (dù có người không nói ra) đều có chung quan điểm: để làm một người tử tế trong xã hội Việt Nam bây giờ là điều không dễ dàng chút nào nhất là với những người trẻ (các em học sinh, sinh viên...) - những người mà nói thật lòng thì đa phần đều đang phải “sống bám” vào cha mẹ, vào xã hội cả về vật chất lẫn tinh thần. Không những vậy, nghiêm túc mà nói, thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay là thành phần chịu thiệt thòi nhất trong xã hội nếu nhìn ở phương diện quyền tự quyết định hướng đi riêng của cuộc đời họ trong mối quan hệ với những “người lớn”, những người đi trước.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh nền giáo dục nước nhà vẫn đang loay hoay nhằm thoát khỏi sự trì trệ, lạc hậu; còn xã hội thì đang rơi vào sự khủng hoảng các thang bậc giá trị (như nhiều người từ lâu ca thán là “xuống cấp về văn hóa và suy đồi về đạo đức”) thì việc đòi hỏi người trẻ phải sống tử tế có khi nào là “chuyện không của riêng ai nhưng cũng không phải chuyện của mình”?

Bởi lẽ, để xã hội lâm vào tình trạng “xuống cấp về văn hóa và suy đồi về đạo đức” như hiện nay, lỗi này trước hết là do những “người lớn” gây nên. Nhưng oái oăm thay, thế hệ trẻ lại là chính là những nạn nhân phải hứng chịu vì họ không có quyền lựa chọn hay tránh né. Vậy mà trong khi rất nhiều “người lớn” còn chưa biết sống tử tế hay những chính sách về giáo dục từ những người có trách nhiệm dành cho thế hệ trẻ còn chưa tử tế thì thử hỏi giới trẻ biết dựa vào đâu, tin vào ai để mà xây dựng nếp sống tử tế cho riêng họ?

Đây có thể xem là nguyên nhân chính để những bạn trẻ khi tham gia diễn đàn trên báo Tuổi trẻ thời gian quan đã liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao trước 1945: “Ai cho tao lương thiện?” để mà đau đớn, ngậm ngùi: “Ai cho tôi tử tế?” [1].

Những “người lớn”, những người đang nắm quyền điều hành xã hội và đất nước hiện nay nghĩ gì trước câu hỏi đắng lòng này của thế hệ con cháu mình? Có ai không, hãy thẳng thắn trả lời và đối thoại với thế hệ trẻ Việt Nam về câu hỏi“ai cho chúng ta sự tử tế trong một môi trường sống như thế này? [2]

Kêu gọi, định hướng, chỉ dẫn người trẻ sống cho tử tế là điều rất nên làm. Tuy nhiên, có cảm giác nhiều người đang dồn hết chuyện này về cho giới trẻ, từ những chuyện tử tế mang tầm vi mô như: “không được khạc nhổ hay vứt rác bừa bãi để giữ gìn vệ sinh nơi công cộng...” cho đến những chuyện tử tế mang tầm vĩ mô như:“trách nhiệm của người trẻ là đưa đất nước đi lên”... [3].

Người trẻ ở Việt Nam do truyền thống văn hóa và thậm chí do những định kiến hẹp hòi, phần lớn vẫn còn rất “ngây thơ” trước những suy nghĩ và toan tính của “người lớn” về vô số những vấn đề trong cuộc sống; đa phần họ cũng rất ít được can dự vào những chính sách lớn lao của đất nước mà chủ yếu chỉ biết nghe và làm theo như một cái máy mà thôi. Thế nhưng, khi xã hội và đất nước xảy ra những chuyện không hay thì không hiểu sao chỉ thấy những phong trào rầm rộ được phát động dành riêng cho lớp trẻ về lối sống tử tế mà ít thấy những phong trào như vậy dành cho những “người lớn”?

Hãy nhìn thẳng vào chuyện tham nhũng mà nhiều coi là một “quốc nạn” ở xã hội hiện nay. Thử hỏi đối tượng tham nhũng là ai? Chắc chắn không phải những người trẻ. Và tham nhũng có phải là chuyện tử tế không? Ấy vậy mà chẳng thấy có phong trào nào, tỷ như: “Nói không với tham nhũng” dành cho những “người lớn” để giúp họ sống cho đàng hoàng và tử tế hơn?

Muốn xã hội lành mạnh thì những “người lớn” không thể đứng ngoài cuộc hay không thể tự loại mình ra khỏi danh sách những đối tượng lẽ ra, phải sống tử tế trước tiên. Bởi như đã nói, đúng ra những “người lớn” phải chịu trách nhiệm chính về chuyện này chứ không phải giới trẻ. Cho nên, nếu những “người lớn” dồn hết chuyện này về phía những người trẻ, thì nếu không phải là một bất công cũng là vô trách nhiệm và hoàn toàn không tử tế một chút nào của những người đi trước.

Nguyễn Trọng Bình

--------------

Chú thích nguồn:

[1], [2]: Ai cho tôi tử tế?” - Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12/12/2014

[3]: “Trách nhiệm của người trẻ: đưa đất nước đi lên” - Báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/12/2014