Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Thương Nhớ Hồng Kông…

Tản mạn

Bùi Mai Hạnh

BMH.1

Toàn cảnh khu Admiralty, khu “chiếm đóng” chính của sinh viên Hồng Kông.

Những chiếc lều vải, hàng nghìn chiếc lều vải, nín thở chờ đợi… Không ai biết chắc điều gì sẽ đến. Lúc này. Đêm nay. Ước gì có phép màu… Thứ phép màu sai khiến được chính quyền Bắc Kinh thay đổi thái độ cứng rắn với người biểu tình mà không bị mất mặt. Thứ phép màu khiến cuộc đối đầu đấu trí giữa người Hồng Kông và chính quyền thân Bắc Kinh chuyển hướng tích cực mà không cần sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Thứ phép màu khiến sinh viên và người biểu tình hoan ca cuốn lều về nhà ngon giấc trên chiếc giường của họ, trả lại đường xá cho xe cộ, không cần cảnh sát cưỡng chế… Dường như tuyệt vọng! Chẳng phép màu nào có thể đảo ngược sự yên bình giả tạo đặc quánh bầu không khí cuối thu se se lạnh ở Admiralty, nơi gần hai tháng qua tràn ngập sinh viên cắm trại nhưng khan hiếm tiếng cười.

***

Tôi khoác ba lô lên vai, kéo chiếc va li nhỏ, bước ra khỏi chiếc lều nhỏ. Bầu trời Admiralty cuối thu âm u. Ngồi dưới chiếc ô vàng khổng lồ gần bậc tam cấp từ nhà ga trung tâm sang khu chiếm đóng, tôi tự nhủ, tôi chỉ còn một tiếng đồng hồ để sống với Admiralty thôi. Rồi tôi sẽ rời khỏi đây sau hai đêm ngủ “khách sạn ngàn sao” trên đường phố, cùng người biểu tình. Đêm qua gió lạnh tràn về, tôi cứ lo mưa, cứ thắc mắc tại sao chóp lều của tôi không được ghim thêm một miếng ni lông trắng hình vuông to bằng chiếc khăn mùi soa, như của Cây Sào (nick tôi đặt cho gã người Mỹ trung niên cao nghều tôi gặp tối qua). Một cuộc gặp mà khi tỉnh dậy, tôi cứ ngỡ nó không có thực… cứ len lén một nỗi buồn dịu ngọt…

Tối qua, từ trên cầu, chụp xong toàn cảnh biểu tình bên dưới, tôi lang thang qua khoảng trống rộng vắng vẻ, bất ngờ gặp một gã đàn ông bộ dạng phất phơ lững thững đi dọc theo dãy lều chạy dài. Bỗng gã dừng lại, đá đá chân vào một chiếc lều, rồi thản nhiên bước tiếp. Gã đang say hay chỉ muốn nhạo báng độ bền của chiếc lều mong manh.

“Xin chào- Cây Sào nói cùng cái cười ngoác, xí xóa hành động kỳ cục vừa rồi- Cô là người Hồng Kông?”

“Chào ông, tôi người Việt”.

“Cô làm gì ở đây?”

Thay vì nói đùa ‘Thì cũng ất ơ giống ông thôi’, tôi lại làm ra vẻ nghiêm trọng. “Tôi muốn chứng kiến lịch sử, muốn tham dự vào lịch sử. Ông thấy đấy, khung cảnh này giống như một cuộc triễn lãm nghệ thuật sắp đặt vĩ đại của sinh viên và người dân Hồng Kông, những nghệ sĩ đích thực chỉ tôn vinh cái đẹp”.

“Đúng thế! Một cảnh tượng tuyệt vời, một cuộc cách mạng kỳ lạ của tuổi trẻ- Giọng Cây Sào hào hứng- Không ai có thể đoán trước điều gì. Mỗi ngày tôi lại thấy người Hồng Kông sáng tạo một cái gì đó mới. Một khẩu hiệu mới, một hình nộm mới, một hình thức đấu tranh mới... Họ sẽ làm thay đổi thế giới”.

“Ông là nhà báo à?”

“Không, tôi vô danh. Nhưng cuộc cách mạng này đặc biệt đến nỗi tôi không thể không viết một cái gì đó, cho riêng tôi”. Mắt gã chợt lóe lên những tia sáng tinh quái. “Tôi ở đây đã 40 đêm rồi. Tôi yêu Hồng Kông. Tôi yêu người Hồng Kông”.

“Ông nói gì? 40 đêm?” Tôi kinh ngạc kêu lên.

BMH.2

Bên bức tường Lennon, với các biểu tình viên Hồng Kông.

Thích thú vì đoán trước được phản ứng của tôi, Cây Sào thản nhiên giọng tưng tửng: “ Tôi chỉ có mỗi ba cái lều ở đây thôi. Cái lều ban nãy cô nhìn thấy tôi đá chân vào đó là lều của tôi. Tôi muốn kiểm tra xem đồ đạc có còn trong đó không thôi. Tôi còn một chiếc lều lớn hơn chiếc này, ở ngay trong sân trước cửa tòa nhà chính phủ. Cô đã đến đó chưa?”

Tôi lắc lắc đầu, kinh ngạc đến nỗi chả biết nói gì.

“Cô cần phải đến chỗ đó”. Cây Sào miệng nói chân rảo bước chả cần biết tôi có đồng ý hay không. Nom gã háo hức như thể sắp khoe một món đồ chơi mới với thằng bạn chí thân. Tôi phấn khích đi theo gã. Chính xác hơn, phải nói là, tôi thấy mình lướt đi như người mộng du. Ý tôi là, tôi bám theo gã chẳng mảy may cần sự can thiệp của lý trí. Nếu không, tại sao tôi lại con cón đi theo một gã đàn ông phất phơ lạ hoắc về lều của gã trong cái đêm một mình giữa một xứ sở mà điều gì cũng có thể xảy ra này!

Cái gì đã khiến tôi tin vào thiện chí của gã? Có lẽ tôi tin vào thiện chí của tôi thì đúng hơn. Chẳng phải là tâm trí tôi đã lao như mũi tên đến đây sao? Chẳng phải là thân xác tôi đã khao khát được có mặt ở chính tâm điểm của cuộc biểu tình, chẳng để làm gì ngoài việc được chiêm ngắm, được nếm náp, được hít thở, được nghe, được ngửi… âm thanh mùi vị màu sắc… của bầu không khí tự do này, của những gương mặt thiên thần sáng bừng nhiệt huyết này… ngay khi nghe tin cuộc cách mạng dù vàng nổ ra từ hai tháng trước…???

“Cô đã biết gì về diễn biến của cuộc cách mạng này?” Cây Sào hỏi mà chẳng cần nghe tôi trả lời, lại thao thao bất tuyệt nói, như thể bất ngờ gặp được tri kỷ. Lời kể hùng hồn nhiệt huyết của gã cuốn tôi đi... Chúng tôi lướt qua một cặp đang ăn tối trước cửa lều. Người thanh nam đang âu yếm san bớt những sợi mỳ sang bát của người thanh nữ. Chúng tôi đi qua lớp học trải dài, không chỉ có sinh viên, còn có cả những cô bé cậu bé tiểu học đang chụm đầu học bài. Hai cô gái đạp xe tập thể dục cười nói với nhau thì thầm gì đó. Chúng tôi đi qua một bãi rộng có trải thảm cho người ngồi, có biển ghi rõ phải bỏ giày dép ra ngoài, nơi một người đàn ông gầy gò đeo kính đang vung tay nói chuyện thỉnh thoảng dừng lại đón nhận từng tràng vỗ tay hưởng ứng hoặc phản đối. Thái độ của đám đông phần lớn không còn trẻ làm tôi tưởng tượng đến cảnh đấu tố nhau nơi tòa án công cộng ngày xa xưa. Thỉnh thoảng lại có tiếng nói ré lên từ đám khán giả cuồng nhiệt. Chúng tôi đi qua những người già túm tụm vào nhau thành từng nhóm riêng chỉ đàn ông hoặc đàn bà đang gay gắt tranh luận. Chúng tôi đi qua những cặp đôi trung tuổi, họ đứng bên nhau tay nắm chặt, hoặc người nam ôm người nữ từ phía sau, mắt chăm chú hướng thẳng lên diễn đàn sân khấu chính. Chúng tôi đi qua mấy chị áo hoa vàng đang bày biện những chiếc lịch nho nhỏ in hình những biểu tượng của cuộc cách mạng dù, tặng cho bất kỳ ai muốn. Chúng tôi đi qua một đám đông đang xem môt người quay phim phương Tây dí sát máy quay vào một cô gái trẻ đang vẽ những hình xăm có chữ Democracy lên tay một cô gái trẻ khác. Chúng tôi đi qua chiếc lều của một sinh viên mỹ thuật, cậu ta đang sắp xếp lại những miếng gỗ nhỏ, trên đó là những hàng chữ, thể hiện ý nguyện. Bạn có thể viết vào hai miếng gỗ, để lại một miếng trưng bày, một miếng bạn mang về nhà làm kỷ niệm… Tôi dừng lại, viết câu Never give up trên mảnh gỗ để lại, và câu I love Hong Kong để mang về…

BMH.3

bàn thờ mà người biểu tình lập (!).

Cây Sào vẫn “lải nhải” bên cạnh tôi về sự đụng độ kì vĩ có một không hai mà gã chứng kiến và tham dự. Có lúc ngỡ như lạc mất gã thì gã lại hiện ra, vẫn không ngừng nói. Không phải lúc nào tôi cũng hiểu gã nói gì. Tiếng của gã chìm lẫn vào tiếng ồn các loại loa vang đến từ các diễn đàn, vào tiếng hát tiếng đàn xung quanh. Hình như gã đang nói đến những người phản-biểu-tình. Chợt gã túm áo dừng tôi lại, cố giải thích cho tôi một điều gì đó. Tôi hỏi, họ ở đâu? Sao tôi chưa thấy họ nhỉ? Như thể cầu được ước thấy, bỗng có tiếng chân người rầm rập phía sau. Cây Sào kéo mạnh tôi lùi lại. Mọi người dạt sang hai bên. Một đám rước vượt lên. Một người đàn ông đầu húi cua giương cao lá cờ đỏ sao vàng của Trung Quốc, vừa chạy vừa hét hú lên man dại những gì không rõ. Tôi nhìn sang bên, nét mặt Cây Sào thản nhiên. Có lẽ gã đã quá quen thuộc với hoạt cảnh này.

Chúng tôi dừng lại trước chiếc quan tài đỏ có hình giám đốc điều hành Hồng Kông Lương Chấn Anh. Phía sau quan tài là một mảnh vườn xinh xắn với những luống rau đang lên xanh và những hạt cây được ươm đang nhu nhú lá mầm. Cây Sào nói: “Đây chính là chỗ họ đặt tượng người đàn ông khổng lồ cầm chiếc ô vàng, nay đã bị phá dỡ rồi”. Gã chỉ cho tôi xem phiên bản nhỏ của bức tượng rồi giục tôi rảo bước. Hết khu vực lều trại, đi qua “Bức tường ô nhục”, tường rào ngăn giữa tòa nhà chính phủ và người biểu tình, giữa chính quyền và nhân dân, giữa các chú lính gác mặt mày nghiêm trọng và đám sinh viên tươi trẻ hồn nhiên. Thấp thoáng nhiều bóng người mặc đồng phục công vụ trắng bên trong sân. “Chính tại chỗ này, nơi ngã ba này- Cây Sào dừng lại- mấy hôm trước, một nhóm người quá khích đã xông vào tòa nhà chính phủ, đập phá cửa kính. Tưởng là sẽ tạo nên một sự kiện, phá vỡ không khí căng thẳng bị kìm nén suốt thời gian dài”. Giọng gã chuyển tông cao, tay chân vung vẩy, hào hứng diễn lại những gì đã xảy ra. “Chính mắt tôi nhìn thấy tất cả. Sau khi đập phá, nhóm người lạ chạy đi. Cảnh sát đã đến chậm. Cảnh sát rất ôn hòa. Vì sao?” Cây Sào nháy mắt đầy ẩn ý, có thể đây là màn kịch cuối cùng được tạo dựng để cảnh sát có cớ dẹp sạch nơi này chăng?

Chúng tôi bước qua chiếc barie ngăn cách đường phố và khuôn viên tòa nhà chính phủ. Wow! Tôi thốt lên. Sao tôi không biết chỗ này? Dưới ánh đèn trắng đèn vàng, bạt ngàn những chiếc lều màu sắc rực rỡ xếp theo hàng lối nép vào nhau, tạo nên một cảnh tượng đẹp đẽ lung linh. Tôi liên tục bấm máy. Khoảng sân rộng mênh mông không một bóng người. “Lều của tôi đấy, chiếc lều to kia kìa”. Giọng Cây Sào vang lên bên tai. Tôi dừng lại chụp ảnh trong khi gã len lách đến chiếc lều màu cam thẫm, kéo khóa mở cửa lều. Hình như bên trong có người. Gã đã giấu ai đó trong lều chăng? Hình như gã lẩm bẩm gì đó rồi quay trở lại chỗ tôi đứng. Tôi quay đi vờ như không hề biết gì, bảo gã: “Chúng ta đi khỏi đây thôi”. Cây Sào cố giấu vẻ lúng túng: “Cô có biết cái studio mới dựng lên gần đây không? Theo tôi, để tôi chỉ cho cô xem. Tôi đã bảo với cô rồi nhỉ, khung cảnh ở đây thay đổi hàng ngày. Mỗi ngày họ lại sáng tạo ra rất nhiều cái mới. Dù biết nó chỉ tồn tại chốc lát…”

BMH.4

Bên cô bạn người Hồng Kông.

“OK, ta đi thôi”, tôi bước nhanh ra khỏi khu lều trại, cố bắt kịp Cây Sào. Trong chiếc áo phông sẫm màu, quần ngố quá gối, ba lô trên vai… nom gã đúng bộ dạng dân tây ba lô chính hiệu. Gã là ai? Sao lại ở đây những 40 ngày rồi? Sao lại phải có những ba cái lều? Những câu hỏi của tôi đều bị Cây Sào lờ đi với nụ cười rộng ngoác ranh mãnh.

Đến một khoảng trống, Cây Sào bảo: “Lại đây, để tôi chụp cho cô bức ảnh, chính chỗ này”. Từ vị trí gã đứng, tôi nhìn thấy cả bầu trời Hồng Kông rực sáng với những căn nhà chọc trời lấp lánh phía xa, tiền cảnh là những chiếc lều màu sắc rực rỡ nổi bật trên những tấm phướn vàng thả dài phất phơ trong gió. “Cô thấy không? Cảnh tượng huy hoàng và lạ lùng làm sao? Có cái gì đó kỳ lạ đang diễn ra ở đây. Tất cả những điều này là gì vậy? Họ ăn ngủ ở đây đã gần hai tháng rồi??? Họ phải có một niềm tin mạnh mẽ lắm vào sự lương thiện và chính nghĩa của những việc họ đang làm. Họ đang chiến đấu với một thế lực mạnh nhất nhì thế giới. Họ chẳng có gì ngoài sức trẻ, khối óc và hai bàn tay không…”

“Vâng- Tôi ngước nhìn bầu Hồng Kông lấp lánh ánh đèn, nói với Cây Sào mà như đang thì thầm với chính mình: Sinh viên Hồng Kông, có lẽ họ không phải là những người bình thường. Có lẽ họ đến từ một hành tinh khác, để thay đổi trái đất nhiều đau khổ này chăng?”

Cây Sào im lặng. Lần đầu tiên tôi thấy gã không thèm cướp lời tôi. Chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau. Chẳng ai nói với ai câu nào… Cuối dãy lều, chỗ ngã ba khá vắng vẻ yên tĩnh, một studio hiện ra. Dưới ánh đèn vàng, một người họa sĩ mặc chiếc áo rộng màu đen, mặt khuất sau món tóc dài, đang cần mẫn làm việc trước một bức toan khổ lớn bằng cả bốn chiếc chiếu gộp lại. Chỉ là những nét phác thảo đầu tiên. Cạnh đó là một chiếc lều nhỏ, nép vào góc một khoảng trống khá rộng được quây bằng một sợi dây mỏng manh. Nếu không có những tòa nhà chọc trời lấp lánh ánh sáng trên nền trời đêm mãi hậu cảnh phía xa, tôi ngỡ mình lạc vào một “xưởng vẽ” của các họa sĩ thời xưa. Tôi ái ngại, nhỡ mưa thì sao nhỉ? Cây Sào trầm ngâm, “Lạ lùng là suốt gần hai tháng qua, trời chỉ mưa có một lần, và không lớn lắm. Sau lần mưa ấy, ai đó đã tự động đính thêm miếng ni lông vào chóp lều của tôi”.

BMH.5

“Bức tường ô nhục”, nơi mà chính quyền Hống Kông tạo ra ngăn cách với người dân qua mấy lớp rào.

Rời studio nghệ thuật với chút nuối tiếc giá có chút thời gian để trò chuyện với người họa sĩ, tôi theo Cây Sào quay trở lại khu biểu tình chính. Dọc đường, tôi lại nhìn thấy ông ta, người đàn ông khá to lớn hói đầu. Tôi nhớ đã xem ông trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài hôm qua. Tôi hỏi Cây Sào: “Ông có biết người đàn ông kia là ai không? Có lẽ ông ta là một nhân vật quan trọng?” Cây Sào lắc đầu. Thốt nhiên bị rơi vào một nỗi thất vọng không cần dấu giếm, tôi nói: “Tôi nghĩ ông đã có thơì gian để làm quen và trò chuyện với nhiều người ở đây. Ông có ba cái lều và bốn mươi ngày cơ mà”. Thấy giọng tôi hơi có vẻ trầm trọng, Cây Sào phản ứng, “Làm sao tôi biết hết mọi người, họ đến rồi đi. Một biển người thế này!”. Chẳng hiểu sao tôi cứ ngoan cố, lên giọng thách thức: “Vậy thì bốn mươi đêm và ba chiếc lều ở đây được dùng để làm gì?” Ngạc nhiên trước thái độ thẳng thắn không hề đùa cợt của tôi, gã bỗng nhiên trở nên cáu bẳn: “Tôi đã đưa cô đi một vòng để chỉ cho cô xem bao nhiêu thứ cô chưa biết mà sao cô lại quá thất vọng chỉ vì tôi không biết người đàn ông kia là ai?”

Cảm thấy nét mặt gã nhuốm chút mệt mỏi, tôi cũng thế, nên bảo gã với tông giọng lạnh lùng hơn là tôi muốn: “Giờ tôi phải về lều kiểm tra va li của tôi còn đó không. Có lẽ phải tạm biệt ông thôi. Rất vui được trò chuyện với ông. Cảm ơn ông. Chúc ông ngủ ngon”.

“Chào cô. Chúc cô may mắn”. Cây Sào cũng lạnh lùng đáp.

Chúng tôi bắt tay nhau, hờ hững. Cây Sào biến vào đám đông như chưa từng tồn tại. Gã đã quên không lấy địa chỉ email của tôi để gửi cho tôi bài viết của gã, như đã hứa. Và tôi cũng quên không hỏi xem chiếc lều thứ ba của gã nằm ở đâu… Tôi trở về lều mình, thu dọn va li và ba lô gọn gàng. Nửa đêm nếu có bị cảnh sát tấn công, chỉ việc khoác ba lô lên là OK.

BMH.6

Admiralty vào đêm.

**

Phải, tôi còn một tiếng nữa để sống với Admiralty. Nếu muốn, ngay lúc này đây, trước khi tạm biệt nơi này, tôi vẫn còn đủ thời gian quay lại lều của Cây Sào, xin lỗi về thái độ “dở hơi” của tôi đêm qua. Nhưng biết “gã phát vãng đáng ghét” ấy đang “vạ vật” ở cái lều nào? Cuộc gặp gỡ đêm qua diễn ra trong thứ ánh sáng huyền hoặc mộng mị, nơi đường phố giăng giăng những khẩu hiệu chữ đen trên phướn vàng. Tôi có thể là một kẻ mơ mộng, nhưng tôi không phải là người duy nhất”. Phải rồi. Giới trẻ Hồng Kông đang mơ. Người dân Hồng Kông đang mơ. Cây Sào đang mơ. Tôi đang mơ. Người Việt của tôi đang mơ. Cả thế giới văn minh đang mơ…

Giấc mơ đẹp đẽ về một thế giới đẹp đẽ đã mất, thế giới nơi con người được sống trong tự do dân chủ bình đẳng bác ái. Một giấc mơ dường như bất khả: đối thoại với độc tài, với cái ác. Giấc mơ làm mềm lòng ác quỷ bằng tình yêu hòa bình, đánh thức lòng trắc ẩn của nó bằng sự lương thiện trong trẻo của tri thức và tuổi trẻ…

***

Khi viết những dòng cuối này, tôi nhận được tin khu lều trại ở Mongkok đã bị giải tỏa, Joshua Wong, thủ lãnh vừa qua tuổi vị thành niên đã bị bắt và bị bạo hành. Cậu được thả tự do nhưng lại bị cấm lai vãng tới khu vực biểu tình Mong Kok. Nhưng tôi đã thấy hình ảnh của cậu tràn ngập khắp nơi trên tay người biểu tình như một sự đáp trả nhanh chóng với lệnh cấm. Và tôi cũng đã kịp thấy hình ảnh tươi cười của W, của F trên FB, hai người bạn Hồng Kông đã ngủ lều cùng tôi đêm đầu tiên ở Admiralty. Họ vẫn an lành sau đêm cưỡng chế ở Mongkok. Thế còn cậu giáo Anthony có khuôn mặt đẹp trai sáng láng, cô giáo tóc tím vòng tím xinh như minh tinh phim Hồng Kông thì sao? Tôi không thể không tỏ lòng cảm phục với một bé gái chín tuổi theo bố mẹ đi ngủ biểu tình ngây thơ nói: “Em biết vì sao em ở đây, để làm gì, nhưng không thể nói đúng bằng tiếng Anh cho cô hiểu được”. Và một bà già Hồng Kông tôi gặp trong phòng chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất cứ dúi tờ tiền Hồng Kông vào tay tôi…

Giờ đây, tôi thấy mình đang thầm nhớ đến họ với niềm ngưỡng mộ sâu sắc và niềm tin mạnh mẽ rằng, nhân dân Hồng Kông sẽ chiến thắng, họ nhất định sẽ lấy lại được nền dân chủ mà họ xứng đáng được hưởng: một nền dân chủ đích thực với cơ chế phổ thông đầu phiếu để bầu chọn người lãnh đạo thành phố.

***

Khu Admiralty, “đêm nằm năm ở” của tôi, rất có thể bị xóa sổ nay mai. Ba chiếc lều của gã Cây Sào cũng sẽ bị phá nát. Bốn mươi đêm ngủ đường phố, ba chiếc lều nằm ở ba vị trí xa nhau phòng khi bất trắc, để làm gì nếu không phải để ủng hộ phong trào dân chủ? Vậy thì, tôi biết gã là ai rồi. Tôi hình dung ra gã, khua khoắng chân tay giữa hoang tàn đổ nát, và hét lên: “Hỡi các thế lực độc tài, thế giới đang thay đổi! Hãy đợi đấy!”.

Chợt thoáng một nỗi nhớ thương tha thiết…

Nhớ thương Hồng Kông!

Hà Nội, 29/11/2014