Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 8)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Mười tám

Những gì sẽ chờ đợi ông toán trưởng nếu ông cả gan chống lại cấp trên, đình cái công việc trọng đại người ta đã tín nhiệm giao phó cho ông chỉ vì cái cớ rất vớ vẩn là đi mua gạo ở bản Mù Càng? Và rồi khi những cơn mưa rừng đầu tiên đổ xuống, chúng tôi vẫn còn lò mò giữa rừng xanh núi đỏ, chẳng thấy cái đỉnh Hua Ca ấy ở nơi đâu thì rồi ông sẽ nói năng thế nào với Ban chỉ huy?

May mắn thay, ông toán trưởng chưa kịp phạm cái sai lầm tày đình ấy, vào buổi chiều hôm sau, khi chúng tôi vừa buông bát buông đũa đã nghe thằng học giả reo tướng:

“Có người… có người đang đi tới…”

Bọn tôi ùa ra đầu núi nơi thằng học giả đang ngong ngóng xuống đường tuyến chúng tôi mới phát vài hôm trước. Trời ơi, còn ai đi tới cái nơi u tỳ này nữa ngoài thằng liên lạc? Bọn tôi reo đến vỡ lồng ngực khi hộc tốc chạy cả xuống chân dốc đón nó.

“Gạo đâu? Gạo đâu? Sao mày chỉ đeo có ba lô thôi?”

Thằng liên lạc thở hồng hộc, xua xua tay, hạ cái ba lô xuống quăng cho thằng hộ pháp. Thằng này đón lấy, hềnh hệch cười:

“Chà, nặng thế này chắc nhiều cái đớp lắm đây. Thằng cấp dưỡng đâu, chạy lên trước bắc nồi, nổi lửa lên em.”

“Mày có mang thư lên không? Mày có mang thư lên không?”

Thằng học giả vừa hỏi vừa quạt lia lịa cho thằng liên lạc khi tất cả bọn tôi vây quanh nhìn nó thong thả mở nắp chiếc ba lô. Thịt hộp, đường, sữa, thuốc lá... Chao ôi mắt tôi hoa cả lên khi các thứ được bày la liệt trên mặt đất đến mức tôi chỉ thoáng thấy bàn tay thằng học giả chộp lấy một lá thư để lẫn trong tập báo và công văn rồi chẳng để ý gì đến nó nữa, tôi xé toạc một gói kẹo Hải châu, bóc vội vàng bỏ vào miệng. Ôi cái vị sô cô la vừa bùi bùi, vừa ngọt ngọt chọc thẳng vào lưỡi rồi xông lên đến tận chân tóc, chảy xuống tận gót chân. Tôi nhắm nghiền cả mắt tận hưởng cảm giác lâng lâng khi cái kẹo đã đi hết đoạn đường của nó và đang yên vị trong dạ dày. Thằng hộ pháp không thèm ăn kẹo, thoắt một cái nó đã bật nắp được hộp cá chích ngâm dầu và không kịp cho thằng cấp dưỡng hốt hoảng giằng lại, tôi đã thấy miệng nó nhai nhồrn nhoàm. Ngay đến ông toán trưởng cũng chẳng chịu ngồi yên, ông bóc ngay một bao thuốc lá, rút một điếu và bật lửa rít lấy rít để. Ôi, nếu có ai đã từng trải qua những ngày tháng như bọn tôi, khi chứng kiến cái cảnh đang diễn ra mới cảm thông với người trong cuộc. Đúng vào lúc cuộc lục soát ba lô thằng liên lạc diễn ra náo nhiệt nhất bất chợt tôi tôi nghe thấy tiếng cười như thét: “Ha ha... ha ha... ha ha...”

Tựa lưng vào gốc cây chò chỉ khổng lồ, thằng học giả đang há hốc miệng, từ trong liên tiếp bắn ra những tràng cười như pháo nổ.

“Thằng học giả làm sao thế kia?”

Tôi kêu to, chạy tới chỗ nó đang dang tay chới với ôm lấy gốc cây, hai chân giãy đành đạch như thằng động dại. Tôi đỡ nó dậy, bị nó đạp cho một cái, rồi lắc đầu quày quạy:

“Bước đi, đừng có thằng nào động tới tao.”

“Mày sao thế?”

“Chẳng sao hết, mặc tao...”

Rồi nó lại rống lên:

“Nếu hoài trên đỉnh Phăngxipăng... Ha ha... ha ha...”

Tôi lắc đầu quay trở lại chỗ cả bọn đang ngồi:

“Nó điên thật rồi mày ạ.”

Thằng liên lạc giải thích:

“Nó nhận được thư người yêu, sướng phát rồ lên đấy. Nó cứ hỏi tao sao lại chỉ có một lá thôi, mày có đánh rơi dọc đường không. Tao mới bảo còn nữa đấy, còn cả trăm lá nữa kia, có điều cái con đĩù mày nó chưa gửi.”

Thằng hộ pháp cắt ngang lời thằng liên lạc:

“Mày nói sai rồi. Nó sướng đâu mà sướng khóc rưng rức rồi kìa! Để tao thoi cho nó một cái cho tỉnh ra.”

Tôi kéo tay thằng hộ pháp can mấy đứa cứ để mặc thằng học giả khóc chán rồi phải cười, chẳng chết được đâu mà lo. Ông toán trởng búng mẩu thuốc đã cháy tới tận tay, quay sang hỏi chuyện thằng liên lạc. Tôi giở ra tờ báo, đọc chưa hết một trang, thằng hộ pháp đã nắm cổ áo tôi lôi xềnh xệch:

“Thôi thôi, tế sớm khỏi ruồi mày.”

Rồi nó oang oang gọi mọi người tới chỗ thằng cấp dưỡng đã bày la liệt thịt hộp, khoai tây rán, lạc rang... Ông toán trưởng sớt mỗi thứ một ít vào cái xoong phần thằng học giả rồi mở chai rượu cam lần lượt rót mỗi đứa một chén. Chao ôi, cái thứ nước thánh này, uống vào nó chạy rần rần khắp người khiến thằng nào thằng nấy mặt mày đỏ tía, hoa chân múa tay cứ như là những gian truân, khổ ải chẳng hề có trong cuộc đời và cái đỉnh cao tít mù sương này chính là trung tâm của vũ trụ ở đó duy nhất tồn tại có mấy thằng tôi thôi.

Ấy đấy đúng vào lúc cơn cao hứng lên tới tuyệt đỉnh của nó, đùng một cái, tiếng súng vang lên như sét đánh bên tai. Thằng học giả, thằng học giả đâu rồi? Nó không còn nằm ở cái gốc cây chò chỉ nữa, nó đã biến đâu mất rồi. Tôi thoáng nghĩ tới khẩu súng thằng cấp dưỡng vẫn dựng đầu võng giờ không còn ở đó nữa. Thôi rồi, trong cơn tuyệt vọng vì tình, thằng học giả chắc chắn đã tự bắn một phát vào đầu. Trời ơi, sao tôi không nghĩ tới chuyện đó, cứ phó mặc nó tự hành hạ, tự dằn vặt để đến nỗi nó phẫn chí lên như vậy Tôi chạy cuồng lên về phía có tiếng súng, chẳng kể gì tới những gai góc cào rách toang quần áo và da thịt, tôi cứ chạy mãi, chạy mãi và rồi khi đâm sầm vào một bụi gai mây, tôi nhìn thấy thằng học giả nằm sóng soài trên một nền cỏ tranh dập nát, cạnh đó vứt lăn lóc khẩu súng trường và một tờ giấy nhàu nát. “Cộc, cộc, cộc...”, tiếng chim gõ kiến dội xuống ngay trên đầu tôi. Đôi mắt thằng học giả nhắm nghiền, khi tôi quỳ xuống nâng đầu nó dậy, từ trong đôi hốc sâu và tối ấy, chợt ứa ra hai hàng nước mắt...

Mười chín

“Nếu hoài trên đỉnh Phăngxipăng

“Anh chỉ hát trong mây mờ huyền diệu

“anh Hiếu ơi... dù muôn ngàn giai điệu...

“Có bao giờ ấm được giá băng.”

Đấy nàng viết cho tao vẻn vẹn có bằng đấy thôi, kèm theo là cái thiệp báo nàng đi lấy chồng. Tao cứ cười, cười mãi để rồi thấy nó là chuyện thực chứ không phải là mơ. Cay đắng cho tao chưa? Tao đã đánh bạc cả cuộc đời tao vào tình yêu của nàng, thế rồi bỗng mở bát lên: một con số không to tướng. Lần cuối cùng giáp mặt, mẹ tao chửi tao tên là Hiếu mà bất hiếu, nàng bảo tao rằng không hề gì, thời đại mới, chứ hiếu phải hiểu theo nghĩa mới. Khi tao bị từ chối không được nhận vào trường đại học, nàng bảo tao rằng không sao, anh cứ đi lao động miền núi dăm ba năm rồi về học cũng chưa muộn. Khi tao về phép với hai bàn tay trắng, nàng lại vui vẻ bảo tao rằng vật chất chẳng đáng kể gì, anh về với em đã là một quà tặng vô giá rồi... Đấy, trên đời này còn có ai cảm thông, an ủi, khuyến khích tao như nàng được không? Nàng viết cho tao những lá thư chan chứa nhớ thương, tin cậy và hy vọng. Trời ơi, mày không thể biết được đâu, “sông sâu cá lội biệt tăm, phải duyên chồng vợ ngàn năm em vẫn chờ”, nàng đã viết cho tao như thế đấy, ha ha, ngàn năm em vẫn chờ... vẫn chờ... Đến thế thì ai mà tính đến chứ ngờ, không, lần về phép năm ngoái nàng vẫn nồng nàn, vẫn thắm thiết, vẫn đưa tao ra tận bến xe ấn vào tay nắm cơm, không một dấu hiệu nào, không một linh cảm nào gợi lên sự ngờ vực cả “Khi xe anh chạy xa rồi, em vẫn còn nhìn theo, nhìn theo mãi...”

Nàng còn viết cho tao như thế đấy. Ấy thế rồi như sét đánh giữa trời quang, đùng một cái nàng bỏ tao đi lấy chồng, như thế là thế nào, tao hỏi mày như thế là thế nào?

Đầu óc tao đông cứng lại, miệng đắng ngắt, cơn rét run làm da nổi gai, ngực tao đau nhói như máu trong tim đã khô kiệt, tao bất lực, phó mặc thân xác cho tuyệt vọng nó hành hạ, cấu xé. Ôi, mày không thể hiểu được đâu, một khi Thượng đế đã chết trong ta, một khi cái bệ đỡ cho ta trụ được trong cái kiếp sống lầm than này đã sụp đổ và rồi đúng như người ta nói “Ngó tới tương lai trào nước mắt, ngoảnh nhìn quá khứ toát mồ hôi”, với tao chỉ còn cái chết là cách giải thoát thuận tiện nhất. Đúng lúc chúng mày xúm xít quanh mâm rượu, tao lẻn tới võng thằng cấp dưỡng ăn cắp khẩu súng chạy ra rừng. Tao chọn đám cỏ tranh sạch sẽ nằm xuống, tiếng chim gõ kiến cứ bổ “cộc cộc” trên đầu, tới số rồi, nó giống như tiếng gõ cửa của định mệnh trong bản giao hưởng của Beethoven đấy, tao kê súng vào cằm và nhắm mắt lại. Thế rồi khi tao đặt ngón tay vào cò súng làm nốt cái động tác cuối cùng trong đời, bên tai bỗng vang lên những tiếng cười khả ố của chúng mày. Một cơn giận ngùn ngụt bốc lên trong tao. Bọn khốn nạn, chúng nó cười ngay bên cái chết của mình. Tao nghĩ ngay đến chuyện một thằng công nhân địa chất khổ cực quá không chịu nổi đã tự tử chết trong rừng để rồi phải kỷ luật khai trừ Đoàn rồi mới được chôn. Chắc chắn rồi tao cũng thế, cũng nằm dưới dáy huyệt chờ lão toán trưởng đọc cho xong cái quyết định khốn nạn kia rồi mới được lấp đất. A ha, đừng hòng nhé, cứ chờ đấy mà phê phán, kỷ luật tao, không, tao không được chết, tao phải sống, sống để chọi nhau với mọi thứ xấu xa, bỉ ổi đề vượt lên đầu tất cả chúng mày, cả lão toán trưởng, cả cái con búp bê phản bội kia, tất cả... Như một tia chớp lóe lên trong tao, bỗng chốc tao thấu hiểu rằng chính từ nay tao mới bắt tay vào xây dựng sự nghiệp, một sự nghiệp hiển hách tao đã mơ tới từ những ngày bị hành hạ bởi cái mà mày gọi là “nỗi buồn con nhà giàu”, đúng như thế đấy, chỉ chạm mặt với cái chết, tao mới bừng tỉnh ngộ. Thế là tao nghiến răng bóp cò, a ha, tao không bắn vào thân xác tao đâu. Tao ghếch súng lên bắn con gõ kiến, bắn vào cái định mệnh khốn nạn cho thôi đừng gõ nữa, bắn vào con người cũ của tao, con người ngớ ngẩn, ngây thơ chỉ “biết hát trong sương mù huyền diệu trên đỉnh Phăngxipăng”. Đúng đấy, nàng búp bê đã viết cho tao rất đúng đấy. Bây giờ thì tao đã hiểu, chính cái hố thẳm trong con người nàng đã dạy nàng cách gọi sự vật đúng với tên của nó. Bây giờ thì tao đã hiểu cuộc đời này nằm trong chính hai bàn tay tao. Thế là quả tên lửa đã được đặt lên bê phóng. Bay lên đi, bayÏ lên đi hỡi chú ngựa chiến...”

Hai mươi

Tôi không tin những lời “tự bạch” của thằng học giả.

Con người ta liệu có thể đột biến trở thành người khác chỉ vì một tai họa giáng xuống đầu? Nếu nó sống đúng như những lời đã tuyên ngôn với tôi trong cơn cao hứng thì chẳng qua những cái đó đã sẵn có mầm mống bên trong nó thôi. Tôi không băn khoăn lắm về cô nàng búp bê, bốn câu thơ và cái thiệp cưới đã nói khá rõ về nàng cả trước đây và sau này, đánh đổi tình yêu để lấy tiện nghi, rồi đây sự phát phì vì thỏa mãn của nàng sẽ là một trả thù đích đáng cho thằng học giả. Trong màn sương mỗi lúc một dày đặc bao quanh chỗ nằm tôi chỉ nghĩ tới những biến đổi sắp tới của thằng học giả. Đêm rừng càng vào sâu càng im vắng, con tắc kè đã im tiếng, con gõ kiến thôi không bổ vào cây ngay cả gió cũng chẳng rì rào nữa. Những lời tâm tình tối nay của thằng học giả bỗng dưng làm tôi mất ngủ. Người thày thuốc có thể chặn đứng căn bệnh hiểm nghèo khi những triệu chứng của nó đã bộc lộ trên cơ thể người bệnh vậy nhưng liệu có ai chặn đứng được sự sa đọa khi nguy cơ đã hiện rõ ở một con người? Tối nay thằng học giả đã cười khảy khi nghe tôi khuyên giải bằng những ly lẽ mà nó coi chỉ đánh lừa được những thằng óc bã đậu như thằng hộ pháp, thằng cấp dưỡng. Tôi đành phải khích nó một câu vớt vát:

“Tao không tin mày lại biến thành một thằng đê tiện một khi mày đã báo trước điều đó. Không, trước sau mày vẫn là một thằng tử tế.”

“Mày cứ chờ đấy. Mục tiêu sẽ biện minh cho phương tiện, từ nay phương châm sống của tao là thế.”

Và rồi tôi chẳng phải chờ lâu, trong buổi họp tối hôm sau, thằng học giả đã làm mọi người ngã ngửa ra vì ngạc nhiên khi nó nói rất trơn tru rằng bữa hôm trước nó muốn góp thêm chất tươi cho anh em trong bữa liên hoan nên đã lấy súng đi bắn chim gõ kiến, rằng nó không hề bi quan yếm thế đến nỗi phải xách súng định tự tử như mọi người tưởng tượng, rằng việc cắt đứt của cô hàng xóm mấy năm nay nó đang tìm hiểu là việc tất yếu vì từ lâu nó đã cảm thấy nhân sinh quan của hai người không phù hợp nhau, nó không thể theo yêu cầu của cô ta bỏ nhiệm vụ trở về sống ở thành phố được... Tất cả chúng tôi đều ngẩn ra, cả đến ông toán trưởng cũng tròn mắt dưới cặp kính lão và rồi như linh cảm ở nó một chuyện gì đó rất khó chịu, ông cắt ngang lời nó:

“Thôi được, anh nói thế là tôi đủ hiểu rồi. Chuyện này ta cho qua, tôi chỉ xin nhắc lại từ nay ngoài đồng chí cấp dưỡng ra không ai được bắn súng trong bất kỳ trường hợp nào...”

Lại một lần nữa nó làm tôi kinh ngạc khi nó giơ tay xung phong xuống bản Mù Cang thồ số gạo thằng liên lạc đã mua sẵn để dưới đó. Đó là sự lạ so với tính làm việc cầm chừng giữ sức của nó xưa nay, cũng không phải do nó cần gửi thư, việc đó còn ý nghĩa gì đâu, vậy nó xung phong nhằm cái gì? Sau buổi họp tôi hỏi chuyện đó, nó cười tỉnh bơ:

“Vậy mày quên tao là một đoàn viên rồi sao?”

“Tao không quên, nhưng mày nên nhớ rồi người ta sẽ xét tới cái động cơ của mày.”

Nó phá ra cười:

“Động cơ là cái bên trong. Thượng đế mới kiểm soát nổi, vậy mà ông ta lại chết rồi. Bởi thế tao chỉ cần hành động là cái người đời dễ thấy. Con người là tổng số của những hành động mà hắn đã thực thi mà...”

Tôi không đủ lý luận chọi lại, nhưng tôi cảm thấy trong cái mớ lý thuyết nó đưa ra có một cái gì bỉ ổi. Nó nặng mùi giả dối là thứ sống ở nơi hoang dã này, bọn tôi tối kỵ. Không hiểu ông toán trưởng có nhận thấy không, nhưng người được ông cử đi không phải thằng học giả mà là tôi và thằng hộ pháp. Điều đó chẳng làm cho nó hổ thẹn chút nào, ngược lại, nó còn nhơn nhơn nói rằng thôi được, hai đứa cứ đi, ở nhà nó sẽ xung phong kiêm nhiệm cả việc vừa phát cây vừa đo đạc thay cho người đi vắng. Tội nghiệp ông toán trưởng, tôi biết ông cử hai thằng đi để ở nhà ông được nghỉ leo trèo vài hôm, ai ngờ thằng học giả xung phong một người làm việc bằng ba như thế, ông từ chối sao được? Thế là vào buổi sáng tôi và thằng hộ pháp theo chân thằng liên lạc xuống núi, ông toán trưởng, thằng học giả và cả thằng cấp dưỡng cũng đều phải nai nịt đi làm. Dọc đường, thằng hộ pháp hỏi tôi:

“Thằng học giả nó điên hở mày?”

“Ngược lại nó hết điên rồi.”

“Mẹ kiếp, thằng này rồi sẽ sinh rách việc đây.”

Tôi mỉm cười chua chát:

“Nó đã xuất hiện đúng lúc để bọn ta có thể tới được đỉnh Hùa Ca trước mùa mưa.”

“Có đến tết cũng chả tới được...”

Nó nói buông lửng, nhếch miệng cười ra vẻ bí mật lắm. Lúc đi qua khu nhà mồ đầu bản Mù U, chẳng hiểu sao tôi dừng sững lại, bảo hai đứa đứng chờ rồi tạt ngang đi về phía ngôi mộ mới. Lòng tôi bỗng se lại khi đi tới chỗ con chó hoang đã nằm. Dấu vết của nó trên mặt đất đã biến mất như chính bản thân nó, chỉ còn lại trong tôi đôi mắt dửng dưng và cái cảm giác ấm nóng khi lưỡi nó liếm trên mặt tôi. Con chó khốn khổ ấy đã đi đâu rồi? Nó bay lên bàu trời thăm thẳm xanh hay đã theo chủ chui xuống chiếu sâu tôi tăm của lòng đất? Không biết, không ai có thể biết được cái điệu bí ẩn huyền diệu đó là của riêng nó, dẫu rằng nó chỉ là một con chó hoang thôi.

Thằng hộ pháp hết sức bồn chồn, sốt ruột khi tôi trở lại:

“Mày táo bón hay sao lâu thế? Nhanh lên không tối cũng chẳng tới nơi.”

Thằng liên lạc lúc này mới lắc đầu:

“Cứ nhẩn nha, có vắt chân chạy cả đêm cũng chẳng tới được đâu dứt khoát đêm nay phải ngủ lại dọc đường.”

“Có nhà cửa gì không hay lại bắt chúng ông mắc võng?”

“Có chứ, có độc một cái nhà ven đường, nếu chúng mày có tiền có thể mua được con gà.”

Thằng hộ pháp tươi mặt, gì chứ cái khoản tiền thì cả tôi lẫn nó đều dắt lưng kha khá, lâu lắm cả hai đứa dã quên mất mùi vị thịt gà, tối nay thể nào chằng giết một con. Ba đứa rảo bướt qua bản Mù U vắng lặng. Thằng hộ pháp chợt kéo tay tôi:

“Mày có thấy ngôi nhà kia không. Tao đã vào xem kỹ rồi tường và mái còn tốt lắm, bên trong có cả một cái phản gỗ nữa kia.”

“Mày lại tính chuyện đưa con vợ thằng xã đội lên đây xây tổ ấm hả?”

Nó không trả lời, chỉ tay vè phía dãy đồi trước mặt:

“Nương ở đây họ mới phá, đất tốt lắm, trồng lúa rất dễ, chỉ khoét cái lỗ bỏ hạt thóc xuống là xong, tới vụ ra cắt gánh về. Trên này người ta bảo làm chơi mà ăn thật là thế đấy. Lúc đi qua bến tắm nó lại phác tôi nghe cả một kế hoạeh dùng bương quây đoạn suối thả vịt vừa tốn ít công chăn dắt lại vừa nhân đàn vịt rất nhanh làm tôi tưởng như nó sắp sửa lập cả một làng mới ở cái nơi con người đã bỏ đi này. Tôi bảo nó rằng những điều nó nói tuy rất hay nhưng đều hão cả, chẳng có ai dại dột đem thân đến cái nơi hoang dã này, cho dù ở đây chỉ toàn những hoa thơm quả ngọt như trên thiên đường đi nữa. Nó liếc thằng liên lạc, cười khảy rồi nín lặng khiến tôi đâm ngờ trong đầu nó đang giấu một ý định nào đó. Không lẽ nó đưa con vợ thằng xã đội lên sống ở đây thật? Không, khó lắm, từ đây về quê nó đường xá xa xôi, tàu xe tốn kém, tiền bạc đâu ra mà tính chuyện tày đình? Chẳng qua nó tưởng tượng vậy để ru ngủ cái nỗi khát khao được sống bên người đàn bà ngoại tình kia thôi.”

Ra khỏi bản Mù U, chúng tôi phóng theo con đường mòn xuống núi, càng đi càng rộng ra, quang đãng và xế chiều thằng liên lạc đã chỉ cho chúng tôi một nếp nhà nhỏ cheo leo bên sườn núi:

“Tối nay phải nghỉ lại đó sáng mai đi tiếp, chiều mới tới nơi.”

Nếu xét theo tâm lý người thành phố, thật khó hiểu vì sao người ta lại đưa nhau đến sinh sống trong cái thung lũng hẹp, núi cao vây quanh, xa làng bản thế kia? Mãi tới lúc đặt chân lên cầu thang chiếc nhà sàn chơ vơ, phóng tầm mắt nhìn quanh tôi mới nhận ra sự trù phú: màu mỡ của đất đai thật lý tưởng eho cặp vợ chồng trẻ đem nhau tới đây lập nghiệp Những luống cải xanh mướt chen lẫn những cây thuốc phiện hoa vàng, đàn vịt béo núc lặn ngụp trong làn nước xanh biếc của con suối chảy quanh, cạnh đó một chiếc cối nước thậm thịch rơi đều đều. Người chồng lực lưỡng thắt độc chiếc khố, vai đeo súng kíp quẳng xuống sân một con chồn mới bắn được, ngước nhìn chúng tôi, gật đầu chào, miệng nở nụ cười hiền lành. Tôi phải đá vào chân thằng hộ pháp cho nó thôi không quá chăm chú đến người vợ trẻ chỉ quấn có chiếc váy ngang ngực, để lộ cả đôi bờ vai và khoảng lưng trắng hồng đang cúi xuống đặt bó củi dưới chân cột nhà. Quả thật quá lâu rồi bọn tôi mới được nhìn thấy một đời sống vợ chồng, bởi vậy tôi thừa hiểu những gì diễn ra trong đầu thằng hộ pháp. Nó cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn cái đệm trong góc nhà, trên đó để đôi gối trắng tinh, chiếc chăn gấp gọn ghẽ và một cái lược phụ nữ còn dính những sợi tóc dài. Tôi rủ nó ra suối tắm cho tỉnh táo và hỏi nó có định mua gà luộc ăn như đã định không? Nó nhảy ào xuống dòng nước lạnh, lắc đầu cười hềnh hệch:

“Bây giờ tao chỉ thiết con gà mái đang tắm táp ở đoạn suối trên kia thôi.”

Tôi phải chịu cái thằng này nhanh mắt, thoáng cái nó đã nhận ra người đàn bà lấp ló sau những hàng câùy sa nhân mọc chìa ra hai bên suối. Tôi bảo nó hãy liệu hồn, chồng cô ta còn lực lưỡng không kém nó, anh ta lại có khẩu súng kíp, đòm một phát là nó hết đời. Nó nhảy cẫng lên y như là mới ăn một phát đạn vào bụng:

“Ối giời ơi sao con bé này giống vợ thằng xã đội thế? Cũng đôi mắt lá dăm, cũng cái sống mũi cao, cái miệng rộng, còn hai quả dừa của nó cũng đồ sộ như thế. Ôi chao, cái thằng chồng kia sướng thật mày ạ, đi làm về chỉ việc ngồi hút thuốc, sưởi bếp, cơm nước khắc có vợ nấu, muốn ăn gì tùy thích nhé, nhạt miệng bắt con vịt đánh tiết canh, thiếu chất tanh ra suối mò con ốc, bắt con cá. Cơm no bò cưỡi chập tối rửng mỡ chẳng còn cái việc gì kéo ngay vợ lên đệm, thật sướng hơn vua, nhất thống một vùng, chẳng ai dòm ngó, tao mà như thằng đó hả, suốt ngày tao bắt con kia lên giường.”

Nó lại trợn mắt nhìn người đàn bà với mớ tóc ướt mới ở dưới suối lên, trên vai vác những ống nứa dài ngoằng. Tôi lại phải đá vào nó, nhắc nhở, nó thở dài:

“Lạ thật mày ạ, tao nói điêu tao chết bất đắc kỳ tử, cái con mẹ này giống hệt con vợ thằng xã đội, nếu nó không quấn cái váy mà lại mặc quần thâm thì chắc tao ôm nhầm rồi. Nó là cái điềm đấy mày ạ, điềm tao sắp được sống với con kia rồi.”

“Đừng có điên, muốn làm gì cũng phải chờ tới cuối năm đi phép. Thằng học giả cũng khuyên mày chớ có manh động.”

“Manh động là cái khỉ gì. Tao cũng muốn chờ lắm nhưng cái ruột tao nó không chờ.”

Tôi giật mình:.

“Mày tính chuồn ngay hả?”

Nó lấm lết nhìn quanh rồi nói nhỏ vào tai tôi:

“Tao tin mày là thằng tử tế không phản bạn đúng không?”

“Nếu đúng vậy thì sao?”

“Tao làm gì mặc tao. Nếu mày không giúp được gì tao thì mày cũng đừng có làm gì hại tao. Nhớ nha?”

Tôi im bặt, chẳng hứa hẹn gì với nó, cũng chẳng hỏi xem nó định làm gì. Thôi đành để nó tự trách nhiệm lấy nhữn g hành động của nó, can ngăn cũng chẳng được. Tối hôm đó chủ nhà đãi bọn tôi bữa rượu thịt chồn bày la liệt trên sàn ngay bên bếp và ngọn đèn dầu đặt trên khúc gỗ tròn. Thằng hộ pháp cứ rót rượu lia lịa cho chàng chủ nhà và thằng liên lạc còn chính nó chỉ hớp hớp lấy lệ. Món thịt chồn gần cạn, ngời đàn bà lôi trong bếp ra những con ếch nướng bọc lá chuôi bốc khói nghi ngút. Thằng hộ pháp quét cái nhìn trên cánh tay trần cô ta rồi mới đón lấy con ếch, bẻ làm đôi bỏ vào bát, giọng cười cợt:

“Cái món đặc sản này từ bé tôi mới đợc ăn đây. Để khi nào có dịp, cô lại làm món này cho tôi ăn nữa nhá.”

Người đàn bà trẻ không trả lời, chỉ gật gạt và nhìn nó với ánh mắt long lanh. Thằng liên lạc say quá rồi, đành cáo lỗi lui vào chiếu trong, gối đầu lên cái sắc cốt vẫn đeo khư khư bên mình, lăn ra ngủ. Người chồng giục chúng tôi:

“Uống nữa, uống nữa, còn rượu còn uống, uống thật nhiều cho vui mà...”

Thằng hộ pháp lại với cái chai rót cho anh ta đầy chén nữa. Lúc anh ta xuống thang ra ngoài, nó ghé tai tôi nói:

“Phải cho thằng này đổ luôn, nếu không, đêm nay mình nằm đây, vợ chồng nó nằm kia, quần thảo nhau huỳnh huỵch bố ai mà ngủ cho được.”

Tuy nhiên, khi xong cuộc rượu, anh chồng đã say khướt, vậy mà đến nửa đêm tôi đang ngủ lơ mơ thằng hộ pháp vẫn bấm tôi dậy để nghe những tiếng thở hổn hển, tiếng rên gừ gừ phía bên kia bức màn gió vọng sang. Tôi phải bịt miệng thằng hộ pháp không cho nó cười thành tiếng và cố giỏng tai ra phía ngoài lắng nghe tiếng chim “chót thì bóp” khắc khoải gọi nhau trong đêm, cố quên nỗi khổ tâm của thằng đàn ông khỏe mạnh mà tôi đang phải gánh chịu. Quả thực, có trải những thử thách như tôi lúc này mới cảm thông cho chuyến du hành bí mật trong đêm của cái mặt đồng hồ dạ quang của ông toán trưởng mà thằng cấp dưỡng cứ ngỡ là con ma trơi bò bò trên mặt sàn. Thằng hộ pháp vẫn rù rì bên tai tôi những lời như kiểu thuyết minh một trận bóng đá khiến có lúc tôi phải tống vội cái khăn tay vào miệng cắn thật chặt khỏi bật ra cời. Tiếng “chót thì bóp” vẳng tới từ xa rồi im bặt, cả ngôi nhà bỗng rơi vào tịch mịch tưởng nh ư mọi chuyện của đất trời đều đã lắng đọng trừ ra có mỗi tiếng gáy của chàng chủ nhà chợt vang lên từ phía bên kia cánh màn.

“Tan cuộc rồi đấy, mày ngủ đi, tao làm gì mặc tao...”.

Thằng hộ pháp thì thào rồi hết sức cẩn thận, nó ngồi dậy, nhích dần, nhích dần ra cửa, bước xuống bậc thang không hề gây một tiếng động. Tôi nằm cứng ngời không dám thở, lạnh toát vì ý nghĩ thằng hộ pháp đã bỏ trốn, và tôi liệu có nên ngăn nó lại? Tôi hé mắt nhìn sang bên, thằng liên lạc vẫn há miệng ngủ và thi đua với ông chủ nhà, từ trong cổ họng nó cũng dồn dập đưa ra những tiếng ngáy hùng hồn. Đêm rừng đã vào sâu lắm, tiếng chim tắt hẳn nhưng bên tai chợt nghe vẳng tới từ dưới vườn tiếng mèo kêu và tôi bỗng hiểu tất cả. Trời ơi, liệu có thể như thế được không, thằng hộ pháp đã buông được những lời đường mật vào lúc nào vậy? Không, tôi không tin phép lạ sẽ xảy ra theo tốc độ cỡ vũ trụ như vậy. Nỗi phấp phỏng làm tôi run bắn, cầu trời cho tất cả mọi người đang nằm trong ngôi nhà sàn lạnh lẽo này hãy cứ ngủ yên, ai ở đâu ở đó, mặc tiếng mèo rúc-kia rồi sẽ phải im đi trong thất vọng.

Tôi cứ nằm, mắt mở tròn lo sợ. Thế rồi trong cái khung áng trăng hắt từ ngoài vườn lên sàn nhà bỗng dưng tôi nhận thấy một bóng ngời trắng toát, chập chờn như bóng ma, rón rén bước như người đi trên quãng lội, bàn tay níu lấy mớ tóc xõa dài quàng ra phía trước người. Tôi nhắm nghiền mắt lại. Tiếng mèo rúc ngoài vườn đã tắt hẳn. Tôi không còn biết mình đang nghĩ ngợi gì, nỗi buồn tê tái đã mở ra trong tôi một cái vực sâu thẳm và không còn ngập ngừng nữa tôi buông rơi mình xuống đó.