Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

Những sai lầm của PGS.TS Nguyễn Công Lý trong sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt...”

Hoàng Tuấn Công

clip_image002

Sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở” của PGS TS Nguyễn Công Lý (NXB Giáo Dục-2011) (sau đây gọi Giải thích từ ngữ Hán Việt) có hai tập: Tập I dành cho lớp 6, 7; Tập II cho lớp 8, 9. “Lời nói đầu”, PGS. TS Nguyễn Công Lý cho biết: “Tài liệu này nhằm cung cấp cho giáo viên Ngữ văn Trung học cơ sở và các em học sinh (...) những kiến thức cơ bản về từ Hán Việt (...) giúp người dạy, người học nắm vững hơn vốn từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6,7 và lớp 8,9..."

Đây là việc làm cần thiết, bổ ích. Bởi nếu từ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn là “sữa mẹ”, thì Giải thích từ ngữ Hán Việt của PGS.TS Nguyễn Công Lý giống như món "ăn dặm" dễ tiêu hóa, cung cấp thêm nguồn “dinh dưỡng” kiến thức quan trọng cho học sinh cấp Trung học cơ sở. Tuy nhiên, mới chỉ “nếm” qua đã thấy “đồ ăn dặm” do PGS.TS Nguyễn Công Lý “chế biến” có khá nhiều “hạt sạn” và không ít chỗ còn sống sượng, ảnh hưởng không tốt tới nhận thức của giáo viên và học sinh về từ ngữ Hán Việt.

Với tư cách phụ huynh, chúng tôi xin được góp với thầy Lý-tác giả hai tập sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt” một vài ý kiến như sau:

I-Sai lầm không đáng có:

Thầy Lý cho biết: “Khi giải nghĩa từ, chủ yếu chúng tôi dựa vào Hán Việt từ điển của học giả Đào Duy Anh, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học do GS. Hoàng Phê chủ biên và Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam-Bộ Giáo dục và Đạo tạo do GS. Nguyễn Như Ý chủ biên”.

Với yêu cầu giải nghĩa 220 yếu tố Hán Việt có trong sách Ngữ văn các lớp 6,7,8,9 và mấy ngàn từ ngữ của các yếu tố Hán Việt mở rộng có liên quan, mà thầy Nguyễn Công Lý chỉ dựa vào 3 đầu sách trên làm tài liệu tham khảo kể ra hơi ít. Thậm chí là quá ít để Thầy vận dụng một phương pháp biên soạn có thể nói rất “ngây thơ” và “dại dột”. Đó là: căn cứ vào "Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh để khẳng định với"các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh" là từ Hán Việt A hoặc B nào đó hay không có từ đồng âm khác nghĩa.

Vì sao chúng tôi phải ví là "ngây thơ" và "dại dột"? Vì "Hán Việt từ điển" của cụ Đào Duy Anh tuy là một cuốn sách tốt, nhưng không phải là cuốn sách thống kê đầy đủ tất cả các từ Hán Việt, nếu không muốn nói là còn thiếu nhiều, rất nhiều từ, tự so với các cuốn từ điển Hán Việt khác (chưa nói so với thực tế). Ví dụ: “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh chỉ nêu được khoảng 5.000 đơn tự, trong khi “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu là hơn 8.000 đơn tự, “Tự điển Hán Việt”-Trần Văn Chánh khoảng 12.000 đơn tự. Và nếu muốn khẳng định các đơn tự, yếu tố Hán Việt nào đó có hay không, hoặc có bao nhiêu từ đồng âm khác nghĩa phải căn cứ kết quả thống kê, thu thập các từ đơn hoặc đơn tự chứ không phải từ ngữ. Hơn nữa, đây là việc làm không đơn giản. Một trong những cái khó và phức tạp nhất là cùng một chữ nhưng nhiều cách đọc. Có khi được đọc theo phiên thiết (mà phiên thiết trong nhiều trường hợp cũng không phải chỉ có một cách phiên duy nhất), có khi được đọc theo “tục đọc”, thói quen thường dùng của từ Hán đã Việt hóa. Việc theo cái nào, bỏ cái nào là cả một vấn đề).

Ở đây, chúng tôi chỉ cần so sánh “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh với các cuốn tự điển, từ điển Hán Việt thuộc loại thông dụng xuất bản tại Việt Nam như: “Hán Việt tự điển”-Thiều Chửu; "Tự điển Hán Việt" -Trần Văn Chánh; "Hán Việt tân từ điển"-Nguyễn Quốc Hùng cũng đủ thấy những kết luận của thầy Lý sai lầm, gây tác hại cho nhận thức của giáo viên và học sinh như thế nào. Trong cách dẫn chứng, tôi sẽ không khẳng định có bao nhiêu từ đồng âm khác nghĩa còn lại mà chỉ đưa ra một số trường hợp cụ thể, đủ để chứng minh kết luận của PGS.TS Nguyễn Công Lý là sai. Mặt khác, để tránh dài dòng, tôi trích dẫn theo cách tổng hợp những điều chính yếu trong 3 cuốn tự điển, từ điển nói trên, và chỉ trích nguyên văn khi thực sự thấy cần thiết:

Tập I sách "Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở" dành cho lớp 6, lớp 7:

          -“1/BIỆT -Chia xa; Rời xa đối tượng có quan hệ thân thiết; Không để lại dấu vết tăm tích gì; Chia, tách ra; Khác, riêng.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có.”(tr.17)

Thưa thầy Lý, sách của cụ Đào Duy Anh không có, nhưng sách khác có. Theo Thiều Chửu, Trần Văn Chánh và Nguyễn Quốc Hùng (sau đây tôi chỉ trích dẫn để chứng minh mà không nhắc lại ba nguồn tài liệu này) còn có các chữ “biệt” khác như: 1.Biệt 彆 chỗ cong ở hai đầu cây cung; 2.Biệt sái, trặc què, khiễng chân.

          -“5/CHIẾNĐánh nhau.

          Từ đồng âm khác nghĩa: không có.”(tr.22)

Thực tế còn có chữ chiến 顫 nghĩa là: ① Rét run. Nhân rét mà chân tay run lập cập gọi là hàn chiến 寒顫. ② Cái gì nó rung động, đi lại nhanh chóng gọi là chiến động 顫動. ③ Những tiếng sợ hãi, xót xa gọi là chiến thanh 顫聲, v.v...

Có bạn đọc sẽ nói rằng, các chữ "chiến" này không thông dụng. Đúng vậy, không thông dụng không có nghĩa là "không có". Ở mục từ "đường" 堂 thầy Lý kể thêm một số "Từ đồng âm khác nghĩa" như: "đường -Tiếng trống; đường -Bờ đê, cái ao hình vuông...". Những yếu tố Hán Việt này rất hiếm xuất hiện trong từ ngữ văn chương hoặc lời ăn tiếng nói hàng ngày. Tuy nhiên thầy Lý vẫn ghi nhận chúng trong mục "Từ đồng âm khác nghĩa", lý gì lại bỏ qua những yếu tố Hán Việt đồng âm khác nghĩa rành rành khác mà chúng tôi đã nêu?

-“19/KHÁNGChống cự lại.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.44)

Không đúng. Thực tế còn có: 1.Kháng cao: như “Bất kháng, bất ti” -không tự cao, không tự ti; 2.Khánghong, khô ráo, nướng sấy, hé ra, mở ra; 3. Khángcao lớn, đồ sộ,v.v...

-“25/MÃNHMạnh mẽ, dữ tợn.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.50)

Sai. “Mãnh” còn có các từ đồng âm, khác nghĩa:

1.Mãnhđồ đựng, đồ bát đĩa. Chắc hẳn thầy Lý đã nhớ ra: “mãnh” 皿 còn là một bộ trong 214 bộ chữ Hán (giống như bộ chữ cái tiếng Việt-chú thích này dành cho bạn đọc phổ thông-HTC). Chỉ riêng “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu đã thu nhận chừng 20 chữ Hán thuộc bộ “mãnh”. Với người chỉ qua Hán học nhập môn đã phải nhớ bộ “mãnh”, không hiểu sao thầy Lý lại quên ?

2.Mãnhcon chẫu, con ếch.

-“55/Chỗ ở.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.84)

Thực tế còn có: 1.Cư 据 Bệnh tay, kiết cư 拮据 bệnh tay. Cảnh huống quẫn bách cũng gọi là kiết cư; 2.Cây cư, cây linh thọ 靈壽 gỗ dùng làm gậy chống, gọi là linh thọ trượng 靈壽丈; 3.CưVạt áo, tà áo; Cái áo dài Trung Hoa.

Ba chữ “cư” chúng tôi vừa nêu trên đều có đặc điểm chung là dùng chữ 居 để ghi âm, đồng âm với chữ 居 mà PGS.TS Nguyễn Công Lý đã đưa ra.

-“77/NHẬTMặt trời, ngày, ban ngày.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.108)

Không đúng. Còn có: Nhậtchạy ngựa trạm để truyền tin tức ngày xưa (chữ “nhật” này gồm bộ 馬 ghi nghĩa và bộ nhật 日 ghi âm). Thiều Chửu chú rõ: “Dùng ngựa để truyền tin tức gọi là nhật 馹, dùng xe gọi là truyến 傳” (còn đọc là truyền-HTC chú)

Làm như thầy Lý khác nào một Nhà thực vật học vào Vườn Quốc gia Cúc Phương rồi căn cứ vào những gì tìm thấy trong đó để đi đến kết luận trên thế giới có bao nhiêu họ, bao nhiêu chi, bao nhiêu loài thực vật (?!)

Trong Tập IIGiải thích từ ngữ Hán Việt” dành cho giáo viên và học sinh lớp 8, lớp 9 cũng diễn ra tình trạng tương tự. Có nghĩa, nếu tra thấy một từ nào đó trong Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh không thấy từ hay yếu tố Hán Việt đồng âm, khác nghĩa, thầy Lý sẽ đưa ra kết luận "không có". Ví dụ:

-“11/DIỆP Lá, lá cây.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.23)

Không đúng. Ngoài "Diệp" nghĩa là lá, lá cây, còn ít nhất 3 chữ "Diệp" đồng âm, khác nghĩa nữa, như: 1.Diệp 爗 : sáng, sáng chói (Diệp diệp 爗爗 = chói lói); 2.Diệp 鍱 : Đồng sắt dàn mỏng ra từng phiến gọi là diệp. (Ví dụ: 金鍱子 kim diệp tử = Lá vàng); 3. Diệp 曄: phát đạt, thịnh vượng.

-“22/KHẨUMiệng. Nhân khẩu (nói tắt). Từng đơn vị súng pháo. Cửa khẩu (nói tắt).

Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.38)

Không đúng. Còn có chữ khẩu 釦 nghĩa là: bịt vàng, lấy vàng nạm miệng đồ; cái khuy áo. (chữ khẩu 釦 này dùng bộ khẩu 口 ghi âm và bộ kim 金 ghi nghĩa)

-“36/THẠCHđá.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có”(tr.59)

Sai. Còn có chữ: ThạchHộp đá chứa bài vị tổ tông trong tông miếu.

-38/THIỂU ít (khác ĐA nhiều)

Từ đồng âm khác nghĩa: không có”

Không đúng. Còn có: 1.Thiểu 悄 lo lắng, buồn rầu, lặng im (Truyện Kiều có câu: “Kể đà thiểu não lòng người bấy nay” chính là chữ “thiểu” này đó, thưa Thầy); 2.Thiểu 愀 Xịu mặt, tiu nghỉu: thiểu nhiên bất lạc 愀然不樂 (Vẻ mặt) tiu nghỉu không vui.

-“47/VỆgiữ gìn, che chở. Chỗ trú binh ở miền biên giới. Tên một nước chư hầu ở đời nhà Chu của Trung Quốc cổ đại.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.81)

Không đúng ! Còn có chữ vệ 躗 nghĩa là quá đáng. Như vệ ngôn躗言 lời nói quá đáng, nói khoác.

-“106/TÍNTin, tin tức.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.152)

Sai ! Còn có chữ tín 顖 (còn viết 囟) là cái thóp máy động chỗ đỉnh đầu trẻ con.v.v...

Trở lên, chúng tôi đã chứng minh "Hán Việt từ điển" của Đào Duy Anh không ghi nhận từ đồng âm khác nghĩa, không có nghĩa trong thực tế sẽ không có từ đồng âm khác nghĩa. Hẳn thầy Lý (có thể cả bạn đọc) sẽ trách cụ Đào Duy Anh sao làm sách “Hán Việt từ điển” mà thiếu nhiều chữ như vậy. Tuy nhiên, theo chúng tôi, thầy Lý không thể trách gì được. Bởi cụ Đào Duy Anh biên soạn“Hán Việt từ điển” khi đang còn ở độ tuổi 26-27 (cụ Phan Bội Châu-một trong hai người hiệu đính sách này còn gọi cụ Đào là “người bạn thanh niên”) với sự phụ tá của người vợ trẻ Trần Thị Như Mân (khi ấy mới độ tuổi 23-24). Trong điều kiện sách vở tham khảo, biên soạn, in ấn... vô cùng khó khăn lúc bấy giờ, “Hán Việt từ điển” của đôi “trai tài gái giỏi” ra đời và liên tục được bạn đọc đón nhận trong gần một thế kỷ qua đã là cả một thành công và cố gắng vượt bậc. Thứ hai, với“Hán Việt từ điển”, ngoài hạn chế do thời điểm và điều kiện biên soạn (kể cả sự khác nhau giữa từ điểntự điển) còn có nguyên nhân quan trọng mà Nhà biên soạn từ điển Trần Văn Chánh cũng đã chỉ ra như: “do mục đích chủ đạo khởi đầu là phục vụ việc học hỏi, nghiên cứu, phát huy Quốc văn trên cơ sở nắm vững kiến thức Hán văn bao gồm cả Hán Việt nên từ điển Đào Duy Anh nói chung không phải là một công cụ chuyên dùng cho việc tra cứu đọc, học, dịch chữ Hán mặc dù những công dụng này vẫn có thể có được ít nhiều trong điều kiện không có đủ sách vở hơn để tham khảo.”(Đặc san Suối Nguồn.org-HTC nhấn mạnh). Chính cụ Đào Duy Anh cũng viết trong lời đầu sách: “xin độc giả xét cho rằng bộ Hán-Việt từ-điển này là bộ sách mới lần đầu, mà người đứng làm chỉ có một mình, cứ cái tình-trạng cô đơn ấy, thời có khuyết-hám và sơ suất đến bao nhiêu, tưởng các ngài cũng sẵn lòng mà lượng thứ cho được”. Cụ Đào Duy Anh đâu có nói: sách của Cụ không có chữ A, chữ B nghĩa là thực tế không có?

Bởi vậy theo tôi, sai lầm trước tiên thuộc về phương pháp biên soạn của thầy Nguyễn Công Lý và sự đánh giá, trông cậy quá mức vào “Từ điển Hán Việt” của cụ Đào Duy Anh.

Đến đây, nhiều người sẽ nói rằng, lẽ ra thầy Lý cần viết rõ, ví dụ: “Từ A đồng âm khác nghĩa:Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh không có”. Nghe cũng có lý ! Tuy nhiên, điều giáo viên và học sinh cần là hình dung đầy đủ, chính xác về “từ ngữ Hán Việt” nói chung bằng kiến thức của thầy Lý-người làm ra sách tham khảo chứ đâu cần thầy Lý chép lại những gì Đào Duy Anh có, kể cả những khiếm khuyết trong cuốn sách đó ? Hiện nay không thiếu sách vở tài liệu để Thầy tra cứu, lấy cái này bổ khuyết cái kia, cũng không ai hạn chế số lượng sách tham khảo của Thầy. Từ điển Hán Việt số hóa lại càng sẵn. Chỉ cần gõ vài cái đã có thể nắm được tương đối cơ bản những từ đồng âm khác nghĩa. Thậm chí, tôi tin rằng nếu người đánh máy làm chế bản phần chữ Hán trong sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt” để ý một chút cũng sẽ phát hiện ra cái sai của Thầy.

Thú thật, tôi lấy làm khó hiểu về những sai lầm không đáng có trên đây của thầy Lý.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả chưa phải là chuyện cụ Đào chỉ ghi nhận có một chữ “khẩu”, thầy Lý đã vội kết luận trên đời này chỉ có một chữ “khẩu”. Bởi trong khi chép lại từ điển của Đào Duy Anh thầy Lý đã “ăn bớt” (hay bỏ sót?) rất nhiều từ, tự. Nghĩa là có nhiều từ đơn, yếu tố Hán Việt cụ Đào Duy Anh ghi nhận từ đồng âm khác nghĩa rành rành bên cạnh, kèm ví dụ, trích dẫn từ ngữ đến nơi đến chốn, nhưng không hiểu sao thầy Lý lại "không nhìn thấy" và đi đến kết luận:“không có”. Ví dụ:

-31/PHÚ 富 Giàu có.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có.(tr.57, tập I)

clip_image004

Mở đầu mục chữ "Phú" trong sách

Theo chính "Hán Việt từ điển"-Đào Duy Anh, ngoài chữ phú 富 là giàu có, còn có hai chữ “phú” đồng âm khác nghĩa được dùng khá phổ thông, đó là:

1. “Phú 覆-Che ở trên”. Đào Duy Anh trích dẫn: “như phú tái 覆 載 -Che và chở = Trời che đất chở-Ngb. Ơn bảo dưỡng” (Chữ phú 覆 này, Thiều Chửu cũng trích dẫn: Thiên phú địa tái-Trời che đất chở). Chữ “phú” 覆 này còn một âm đọc khác là “phúc” nghĩa là lật lại (trong từ phản phúc) hay xét kỹ (trong từ phúc thí, phúc khảo),v.v...Trong “Hán Việt từ điển” - Đào Duy Anh, chữ “phú” 覆 được chú: “Che ở trên - Xem chữ Phúc” và xuất hiện trong cả hai mục từ “phú”“phúc”. Tuy nhiên, “Hán Việt từ điển” của Đổng Trương Quân lại chỉ xếp chữ “phú” này vào mục từ “phúc” (Ví dụ này cho ta biết thêm thầy Lý sẽ vấp phải những khó khăn, phức tạp như thế nào khi chỉ căn cứ vào cuốn từ điển nào đó để khẳng định từ A hoặc B không có từ đồng âm khác nghĩa).

clip_image006

Kết luận mục chữ "Phú" trong sách

2. “Phú 賦-Tiền thuế-Cấp cho-Phô bày ra-Một lối văn của Tàu và Ta”. (thế nên ta hay nói “thơ với chả phú” là vậy) Đào Duy Anh trích dẫn: Phú dịch - thuế má và lao dịch;  Phú bẩm 賦稟-Cái tư năng sinh ra đã có”.

Với chữ phú 賦 nghĩa là một thể văn: Ngày trước trong chương trình học phổ thông, học sinh được tiếp cận một số bài phú nổi tiếng như: “Chí Linh sơn phú” (Nguyễn Trãi) hoặc “Bạch Đằng giang phú” (Trương Hán Siêu-hiện chỉ còn bài này trong chương trình lớp 10 phổ thông). Mặt khác, “phú” trong các thể: phú, tỉ, hứng cũng không xa lạ gì với học sinh phổ thông khi tìm hiểu về văn học dân gian (Kinh Thi cũng được dân gian sáng tác bằng 3 thể phú, tỉ, hứng) Chính “Từ điển tiếng Việt” của Hoàng Phê-cuốn sách thầy Lý dùng tham khảo, bên cạnh chữ “phú” là giàu, cũng chi nhận hai chữ "phú" khác: “Phú: thể văn cổ, thường có vần điệu, câu thường kéo dài và chia làm hai vế đối nhau, để tả phong cảnh, kể sự việc, bàn chuyện đời; Phú: [tạo hóa] cho sẵn một tính chất, một khả năng đặc biệt nào đó. sắc đẹp trời phú; được thiên nhiên phú cho nguồn tài nguyên quý giá.

Vậy, căn cứ vào đâu PGS.TS Nguyễn Công Lý kết luận rằng: chỉ có duy nhất một chữ “phú” 富 nghĩa là giàu có, ngoài ra không có từ đồng âm khác nghĩa nào ? Nếu “các thầy cô giáo và các em học sinh thân yêu” của Thầy tin vào kết luận của “Giải thích từ ngữ Hán Việt”, đến khi gặp từ “phú” trong các trường hợp khác có lẽ phải đành hiểu “phú” là “giàu có” hết chăng? Và lúc ấy sẽ xảy ra chuyện “giải thích” từ Hán Việt hài hước như sau: Chí Linh sơn phú-“làm giàu” ở núi Chí Linh (?!) (đúng nghĩa: bài phú về núi Chí Linh), thiên phú - trời cho “giàu có” (?!) (đúng nghĩa 天覆: trời che) phú bẩm -sinh ra đã “giàu có” (đúng nghĩa 賦稟: tư chất sinh ra đã có).

Vậy thầy Lý nghĩ sao về kết luận của mình trong mục từ “phú” ?

- 94/TIỀNTrước, trước mặt, phía trước.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có” (tr.131, tập I)

clip_image008

Kết luận mục từ "Tiền" trong sách

Thầy Lý lại tiếp tục bỏ sót! Theo chính Đào Duy Anh, ngoài chữ tiền 前 nghĩa là “Trước-Mặt trước-Tiến lên”, còn có “Tiền 錢-Đồng tiền-Tiền tệ-Một phần mười của lượng”. Mục này, Đào Duy Anh trích dẫn khá nhiều từ ngữ có chữ tiền 錢 (tiền bạc), trong đó nhiều từ ngữ rất thông dụng: “Tiền hoang 錢荒 Mất mùa tiền, dân gian khốn nạn vì không tiền; Tiền nghiệp 錢 業-Nghề buôn bán bằng cách đổi tiền hoặc chứa tiền đặt nợ; Tiền sơn 錢 山- Hòn núi tiền = Nhà-đại-tư-bản; Tiền tài 錢 財-Tiền bạc của cải; Tiền tệ 錢 幣 Tiền bạc; Tiền thần 錢 神-Thế lực rất lớn của đồng tiền.Tấn-sử có bài Tiền-thần-luận có câu: phàm kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ, nghĩa là: Người đời nay chỉ tiền mà thôi; Tiền tích 錢 癖-Cái bệnh nghiện tiền = Cười người tham, sẻn.”

Dĩ nhiên, trong các sách từ điển của Thiều Chửu, Trần Văn Chánh, Nguyễn Quốc Hùng cũng có chữ tiền 錢 với nghĩa là tiền bạc đồng âm với chữ tiền 前 là trước, phía trước.

Vậy tại sao thầy Nguyễn Công Lý kết luận từ Hán Việt chỉ duy nhất có một chữ tiền 前 là trước, phía trước ? Thầy cho rằng chữ tiền 錢 (trong tiền bạc) là một từ Nôm, hoàn toàn thuần Việt sao ?

-112/TRỢ助 Giúp đỡ

Từ đồng âm khác nghĩa: không có (tr.157, tập II)

Sai ! Thực tế còn có một chữ trợ rất thông dụng nữa, đó là: trợ 箸 nghĩa là đũa (ăn cơm). Ở Thanh Hóa, ngoài cửa biển Thần Phù (địa phận huyện Nga Sơn) có Chích Trợ sơn (núi Chiếc Đũa) rất nổi tiếng. Vua Lê Hiến tông và Lê Quý Đôn từng có thơ vịnh Chích Trợ sơn. Ví dụ thơ của Lê Quý Đôn:

遠 瞻 正 似 蓮 花 座

何 事 呼 爲 隻 箸 山

Phiên âm:

Viễn chiêm chính tự liên hoa tọa,

Hà sự hồ vi Chích Trợ sơn.

Tạm dịch:

Xa trông giống hệt toà sen đó,

Sao gọi tên là chiếc đũa đây ?

                                  (Thanh Hóa kỷ thắng-Vương Duy Trinh-HTC dịch)

      Trong “Sở kiến hành”, (thời chúng tôi học, bài này có trong chương trình phổ thông) Nguyễn Du viết: “Mãn trác trần trư dương, Trưởng quan bất hạ trợ” 滿棹陳豬羊,長官不下 - Ðầy bàn thịt heo, dê, Quan lớn không đụng đũa.” Ngay bản thânHán Việt từ điển”, ngoài chữ “trợ” 助 là giúp đỡ, Đào Duy Anh cũng dẫn chữ “trợ” 箸 và giải nghĩa:”Đũa dùng để ăn cơm.”

Tự điển Hán Việt-Nguyễn Quốc Hùng còn cho biết:“耡 trợ: Nhà nông giúp đỡ nhau trong việc cày bừa - Dùng như chữ Trợ ”.

84/TÂMLòng, tấm lòng; Trái tim.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có.(tr.118, tập I)

Không đúng. Còn có chữ tâm 芯 nghĩa là ngòi, ruột, lõi. (chữ tâm này gồm bộ “thảo”  ghi nghĩa và bộ “tâm” ghi âm). Đào Duy Anh: “TâmMột thứ cỏ, cũng gọi là đăng tâm thảo, ta gọi là cây bấc.” Trần Văn Chánh: “TâmBấc (đèn), ngòi, ruột, lõi: đăng tâm 燈芯 Bấc (đèn dầu)". Thiều Chửu chú rõ: “TâmBấc đèn. Ruột một thứ cỏ dùng để thắp đèn gọi là đăng tâm 燈芯”; Nguyễn Quốc Hùng: Tâm 芯: Tên một thứ cỏ, xưa dùng làm bấc ( tim ) đèn — Cũng chỉ cái bấc đèn”, v.v...

51/BẠCH Trắng, rõ ràng, bày tỏ ra, sạch sẽ.

Từ đồng âm khác nghĩa: không có (tr.79)

Thầy Lý vẫn tiếp tục bỏ sót. Đào Duy Anh có ghi nhận một chữ "bạch" 鉑 nữa với nghĩa là bạch kim. Ngoài còn có một chữ "bạch" rất thông dụng mà “Hán Việt từ điển” của cụ Đào thiếu, đó là: BạchLụa, thứ dệt bằng tơ trần gọi là bạch. Như bạch họa帛畫 Tranh lụa (Trần Văn Chánh); BạchLụa trắng; Tên họ người (Nguyễn Quốc Hùng).

Như vậy, thầy Lý không thể trách được cụ Đào Duy Anh, nhưng cụ Đào Duy Anh không thể hài lòng với cách làm của Thầy.

Vấn đề từ đồng âm khác nghĩa rất quan trọng đối với môn Hán văn nói chung và từ Hán Việt nói riêng. Chúng tôi từng chỉ ra những sai lầm của Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân (trong nhiều cuốn từ điển) Chuyên gia thơ Bác-Lê Xuân Đức (trong Nhật ký trong tù và lời bình, Đi tìm xuất xứ thơ Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Ngữ học Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển tục ngữ Việt”)v.v... khi không phân biệt được nhiều từ Hán Việt đồng âm khác nghĩa. Bởi vậy, trong “Giải nghĩa từ ngữ Hán Việt” thầy Lý chủ trương cung cấp vốn từ của 220 yếu tố Hán Việt có trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở, “Đồng thời tài liệu cũng mở rộng, cung cấp thêm một số từ Hán Việt thường gặpsách giáo khoa không nêu và cung cấp các từ đồng âm của các yếu tố Hán Việt (nếu có) (trích Lời nói đầu HTC nhấn mạnh) là việc làm rất cần thiết. Rất tiếc thực tế lại không giống nhưng những gì Thầy nói.

Như vậy, cách “mở rộng” từ và yếu tố Hán Việt của thầy Lý chẳng những đã không rộng mở mà còn vô tình đẩy “quý thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh thân yêu” của mình vào thế “Tỉnh để chi oa” mà hình dung bầu trời từ Hán Việt mênh mông chữ nghĩa trên đầu !

Trong khi trao đổi nếu có gì không phải, dám mong PGS,TS Nguyễn Công Lý kịp thời chỉ bảo. Bởi chúng tôi và bạn đọc hãy còn xin phép được gặp lại thầy Lý trong các bài tiếp theo của câu chuyện về “món ăn dặm” từ Hán Việt trong hai tập sách “Giải thích từ ngữ Hán Việt trong sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở” của Thầy.

HTC/Thanh Hóa, Tiết Trung Thu/2014

Kỳ II- Sống và sượng

Một vài thông tin về PGS.TS Nguyễn Công Lý:

“Hiện ông là giảng viên khoa Văn học và Ngôn ngữ, đồng thời là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc Gia Tp.HCM.

Ông tham gia giảng dạy từ năm 1979 với các trường đã từng dạy qua: Cao đẳng Sư phạm Buôn Ma Thuột, Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, Đại học Tây Nguyên, Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Bình Dương, Học viện Phật giáo Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP. HCM, Đại học Sư Phạm TP. HCM, Đại học Văn Hiến…

Ông dạy trên dưới 10 môn học về Văn học trung đại Việt Nam, Lịch sử các tôn giáo cổ đại Ấn Độ và Văn hóa Phật giáo, bao gồm ở cả các bậc Đại học, Cao học và Nghiên cứu sinh trong khoa lẫn ngoài khoa (khoa Triết học, Văn hóa học). Ông còn là tác giả của 17 đầu sách viết riêng, 16 đầu sách in chung và trên 100 bài nghiên cứu về văn học, văn hoá, tư tưởng Nho – Phật – Lão được công bố trên các tạp chí.

Ông có nhiều thành tích nổi bật trong chuyên môn, cụ thể đã nhận 04 giải thưởng về Văn học nghệ thuật, Khoa học – Công nghệ của các tổ chức: Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2001); Uỷ ban Nhân dân tỉnh Khánh Hoà (2003); Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (2003); Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (2011)”. (Theo http://vhu.edu.vn/)