Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

NGHĨA TRANG ĐỒNG NHI

Truyện ngắn

Lynh Barcadi

lachende-grauen1Mọi sự kiện của đời tôi đều xảy đến vào những đêm khuya khoắc. Đêm nay cũng vậy, cái lành lạnh khác lạ từ đâu chạm vào da tay khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi giở tay lên vuốt vuốt làn da. Chẳng có ai bên tôi giờ này trừ con tôi. Bóng điện được bật lên. Tôi mỉm cười, dưới ánh sáng trắng con tôi vẫn đang ngủ ngoan như mọi lần.

Đã hơn ba tuần nay, tôi từ chối mọi người đàn ông. Tôi sợ họ phát hiện sự lo lắng khác thường trên gương mặt vẫn luôn lạnh lùng của tôi. Hơn nữa, tôi cũng muốn dành mọi thời gian lo cho con tôi. Cả nhiều ngày nay nó chẳng ăn uống gì, kể cả nước cơm pha đường, thức uống mà nó ưa thích nhất. Vừa rồi cũng vậy, tôi chỉ mới thiếp đi sau khi tuyệt vọng nhìn dòng nước trắng đục chảy ngược ra từ cái miệng nhỏ xíu. Vậy mà bây giờ thân thể nó lạnh ngắt. Hay nó nhõng nhẽo, muốn được ngậm ti như mọi lần. Có lẽ vậy. Tôi ngồi dậy, vén áo lên đút núm vú vào miệng nó. Cái miệng vẫn ngậm chặt, mắt không mở ra nhìn tôi cười toe toét nữa. Trước đây dù biết vú tôi không có sữa, nó cũng vui vẻ ngậm rồi dùng lợi day day nghe nhồn nhột. Tôi lấy hai ngón tay cố tách hai cái lợi đang khít chặt vào nhau, một dòng nước dãi trong veo chảy tràn xuống cổ áo nó khi hai cái lợi bị tách ra. Tôi đưa núm vú vào. Cái núm vú lạc lõng giữa hai cái lợi há hốc và cái lưỡi cứng đờ. Chắc con tôi ngủ say quá. Tôi đặt nó trở lại trên tấm khăn bông đỏ, ngả người nằm xuống bên cạnh. Cánh cửa sổ trên gác lại bật mở, tôi nhổm dậy bò ra cột dây lại.

Một vì sao nhỏ xíu đột ngột từ mái nhà vút bay về phía thật xa.

I

Đêm nay biển động. Tiếng sóng ào ào từng chặp vỗ vào bờ gào thét. Gió mạnh hơn, cát bay rào rạo. Cổ tôi rít chịt, ngứa, tóc bay rối bời. Một cái bọc đen nằm đơn độc bên bờ kè. Chắc lại nó. Tôi cúi xuống. Dưới ánh đèn đường vàng nhạt, một vật thể bầy nhầy đỏ loét nằm bên trong cái bọc. Tôi cột lại, treo nó lên ghi đông xe đạp. Nãy giờ đi hết các bờ kè chính của bờ biển, mà tôi chỉ lượm được một bào thai. Có lẽ nhóm Thiện Nguyện đã đi lượm trước. Hôm nay họ đi khuya hơn thì phải, hay họ cố tình làm vậy để tôi không còn cơ hội rớ tay vào việc gì nữa. Tôi chợt thấy nghèn nghẹn, rồi chợt nhận ra mình đang tầm phào. Càng lượm ít thai nhi càng phải mừng chứ. Tôi kéo cho cái áo sát thêm vào người. Gió biển thường lạnh, giờ này càng lạnh hơn. Hôm nay vậy là ít, không biết nhóm Thiện Nguyện tìm được bao nhiêu. Tôi vòng xe đạp trở ra nghĩa trang. Mắt nhíu xuống nặng trịch. Chắc đã khuya lắm rồi. Chợt cái bọc đen bị tuột ra rơi xuống cát. Tôi giật mình nhìn xuống, trời đất, làm sao mà hốt lên. Máu ngấm nhanh ngay khi chạm mặt cát, cái nhúm bầy nhầy bể ra văng toè loe. Tôi cúi xuống định làm một hành động gì đó, nhưng một mùi hôi dữ dội đột ngột xộc lên mũi. Tôi bỗng thấy hãi hùng, vùng đứng lên lao đầu về phía trước chạy thục mạng.

Tôi cố chạy thật nhanh, càng nhanh càng tốt như sợ linh hồn của bào thai đuổi kịp. Máu nhiều quá, tôi chưa từng thấy nhiều máu như vậy kể từ buổi vượt biên không thành. Cát bay vào miệng, tôi cố dùng lưỡi đẩy ra nhưng vô ích, miệng tôi như chứa cả bụm cát. Tôi chỉ dừng lại khi vấp phải ụ cát ai đó đã gom vào một chỗ. Lồm cồm ngồi dậy, nhìn kỹ, thì ra đó là một toà lâu đài bằng cát xây dang dở. Tôi tỉnh người, một cảm giác ngượng ngùng chợt đến. Tôi bước từng bước chậm chạp quay lại với cái bào thai, trong tay cầm cái xẻng bằng nhựa, nó là món đồ chơi mà chủ nhân tí hon nào đó của toà lâu đài để quên. Chiếc xe đạp và đống bầy nhầy vẫn ở yên đó. Tôi cởi áo ngoài bịt chặt mũi, dùng cái xẻng xúc cả cát lẫn máu thịt bỏ lại vào bao.

Xin cháu đừng giận cô, cô hậu đậu quá! Tôi vừa đạp xe ra đường lớn vừa lẩm bẩm.

Tôi căng mắt nhìn vào màn đêm phía trước. Cứ đi, cứ rẽ, cứ đạp xe theo thói quen. Đường đến nghĩa trang khá xa. Hai bên đường những cây cao su ngả nghiêng trong gió. Vài bóng đèn néon nhỏ xíu buộc hờ hững trên cành. Thỉnh thoảng vài bóng người trồi ra thụt vô ở các thân cây rồi biến mất. Chẳng có gì lạ, đó là bọn trộm mủ cao su, giờ này mới là giờ làm ăn của chúng. Khu nghĩa trang cũng hiện ra trước mắt tôi, vẫn vắng lặng như mọi lần. Mà vắng lặng cũng phải, vì chẳng ai ra đường vào giờ này, nói chi việc đi đến nghĩa trang. Tôi để xe đạp ngã vào dãy hàng rào trước cổng, xách cái bọc đi sâu vào trong lần tìm một khoảng đất trống. Những nấm mồ nho nhỏ mọc khắp nơi, nhìn như những thân nấm non nớt rộn ràng mọc lên sau mùa mưa dầm. Những tấm bia sơ sài, khiêm nhường nép vào nhau cố tình chừa đất cho những bào thai mới. Cái xẻng bằng nhựa vậy mà có ích, tôi dùng nó để bới đất thay vì dùng tay như mọi khi. Khoảng đất nhỏ xíu, tôi phải cẩn thận lắm mới không xới lấn sang phần mộ bên cạnh. Hôm nay tôi có mang theo nhang, mùi nhang làm tôi thấy đầu óc sảng khoái. Chỉ thiếu mỗi cái bia và bông hoa nhỏ. Ngôi mộ nào cũng được nhóm Thiện Nguyện trang bị đủ ba món khi vừa chôn cất, đó là nhang, hoa và tấm bia. Nhưng không sao, ngày mai khi đến đây và phát hiện ngôi mộ mới, nhóm sẽ biết phải làm thêm những gì. Tôi chỉ có thể làm sơ sài như vầy sau khi đã rời khỏi nhóm.

Tôi chưa về vội, mà ngồi bệt xuống đất nhìn xung quanh. Nhìn để mà nhìn, chứ nơi đây cũng tối mờ mịt như đoạn đường lúc đầu. Hồi đó cũng có một bóng đèn tròn treo ở cổng, do dì Hạnh câu điện nhờ ở ngôi nhà gần đây. Nhưng khi thấy nhóm mang quá nhiều bào thai đến, và biến nơi đây thành một nghĩa trang thực thụ, thì chủ nhà đã chuyển đi nơi khác. Những người khác thấy hàng xóm bỏ đi, liền làm đơn lên phường. Bây giờ trong lúc chờ phường giải quyết cái nghĩa trang, họ cũng chuyển đến ở tạm nơi khác cho chắc ăn. Ma trẻ con đã đáng sợ, mà đây lại là bào thai chết oan thì càng dễ sợ hơn. Tôi nhớ đến dì Hạnh. Chắc dì sẽ mệt lắm, địa phương đã có giấy báo sẽ dỡ bỏ khu nghĩa trang này. Rồi dì sẽ chuyển những vong hồn chưa thành hình người này đi đâu. Hai khu nghĩa trang nằm trên vùng đất nổi tiếng có mìn sát thương thì đã chật, và mặc dù ở khá xa nơi đây, thỉnh thoảng dì Hạnh vẫn bị nhắc nhở di dời. Tôi phủi tay. Đưa mắt nhìn lại nấm mồ nhỏ chưa hoàn hảo.

Tôi không đến tu viện xin gặp dì Hạnh nữa, vì tôi biết nếu dì nhận tôi, dì sẽ lại khốn khổ với ánh mắt khó chịu của những người đàn bà đó. Trước kia họ yêu kính lòng nhân của dì, họ chào hỏi và lắng nghe dì nói về sự sống quí giá mà con người được Chúa ban chọn. Bây giờ họ không muốn nhìn mặt dì, thậm chí không thèm xếp hàng nhận bánh thánh ở dãy có dì đứng phát. Tôi không trách dì, dì đã vì tôi mà đương đầu với họ cả một thời gian dài. Tôi mong dì tạo được uy tín trở lại sau khi tôi tự động rời khỏi nhóm. Bởi nếu có uy tín, dì sẽ vận động những người có lòng từ thiện hiến những mảnh đất an toàn để làm nghĩa trang. Nhóm sẽ không phải mạo hiểm chôn bào thai ở những vùng đất hoang, đầy rẫy các quả mìn sát thương ẩn giấu dưới lớp lá héo khô của vùng đất từng qua một thời chiến tranh ác liệt. Và nhất là sẽ không còn xảy ra tình trạng bị chính quyền hăm he lấy lại đất nữa.

Sương xuống nhiều khiến da thịt tôi lạnh toát. Phải về thôi. Chợt có tiếng lay động không bình thường của cành lá, tôi giật mình, ai mà ra đây vào giờ này. Tiếng cành lá va chạm mỗi lúc mỗi rõ hơn, rồi tiếng chân người bước về phía tôi mỗi lúc mỗi gần. Tôi chẳng nhìn thấy gì, chỉ biết không chỉ có một người mà nhiều người lắm. Tôi chưa kịp sợ hãi vì nghĩ có ma, thì nhiều ánh đèn pin cùng lúc bật sáng rọi vào mặt tôi đến loá mắt. Một bàn tay ai đó đột ngột tát mạnh vào má tôi, rồi những cú đấm, đá, giật tóc tới tấp khiến tôi choáng váng. Nhưng giờ thì tôi tin chắc họ là người chứ không phải ma.

Đánh nó đi, đánh chết đồ đĩ già! Cái thứ ngoan cố, cho nó chừa cái tật đạo đức giả, đánh đi!

Một cú đấm như trời giáng trúng vào ngay cằm, tôi tưởng đầu mình đã văng ra khỏi cổ. Bị mất thằng bằng, tôi té ụp xuống, mặt đụng phải một cái bia bằng ván, đau buốt, nhưng tôi vẫn còn tỉnh táo nhận ra giọng nói vừa rồi rất quen thuộc. Phải rồi, thật không thể tin vì họ là người trong nhóm Thiện Nguyện. Họ đang làm gì tôi, họ muốn giết tôi sao. Tôi không thể la lên được, những cú đánh thô bạo vẫn giáng xuống tới tấp. Tôi không thấy đau nữa, chỉ thấy thân thể mình tê cứng lại. Tôi càng ngạc nhiên hơn, khi nhận ra tiếng của dì Hạnh vang lên đầy bức xúc.

Đủ rồi đủ rồi, đánh người ta vậy đủ rồi, vậy là nó biết rồi, hiểu rồi, không cần đánh nữa đâu!

Tôi giật mình. Thì ra nãy giờ dì vẫn đứng ở đây, dì chứng kiến, dì đi chung đám người này rình rập tôi. Tôi muốn nói gì đó với dì, nhưng miệng chợt tê cứng lại. Đám người cũng đã dừng tay, họ đột ngột trả cho khu nghĩa trang sự yên lặng trầm mặc như trước. Vài phút sau, một cánh tay nhẹ nhàng đặt trên vai tôi. Tôi không thể quay đầu lại, nó cũng tê cứng như quai hàm tôi lúc này. Nhưng tôi biết bàn tay đó là của dì Hạnh, dì không nói gì, mà nhét vật gì đó vào túi áo sơ mi của tôi. Ánh đèn pin và tiếng chân người xa dần. Gió rít từng hồi bên tai. Tôi ngã vật xuống đất như một thân tượng gỗ.

II

Người đàn ông xìu xuống, nằm vật ra với những giọt mồ hôi nhễ nhãi trên khắp mặt và lưng. Ông thở chậm lại, quay qua nhìn tôi mỉm một nụ cười gượng gạo. Ông đưa bàn tay đầy vết chai sần lên vuốt những giọt mồ hôi trên mặt. Ông đã tươi tỉnh hơn lúc mới đến đây. Những vết chai trong lòng tay của ông cũng có công dụng của riêng chúng, vì nhìn vào đó tôi chỉ lấy giá rất bình dân. Ông là một trong những người khách quen của tôi. Ông đến đây mỗi tuần một lần, luôn cố làm thật nhanh để trở về sớm. Vì vậy khi tôi chưa kịp cười lại với ông, thì ông đã đứng dậy mặc quần áo. Ông đặt vài tờ bạc lên cái gối, bịt khẩu trang kín mặt rồi mới dắt xe đạp ra khỏi nhà.

Anh nhớ khép dùm em cánh cửa.

Ừ.

Tôi ngồi trên gác nhìn cánh cửa từ từ khép lại. Người đàn ông đang đi xa dần. Có lẽ ông ấy phải cúi gằm mặt, cố đi cho hết con hẻm dài để tránh ánh mắt nhạo báng của người quanh đây. Tôi vói tay lấy những tờ bạc, cất chúng vào cái ví để trong gối. Thân thể tôi vẫn còn đau nhức và đầy vết tích sau trận đánh, vậy mà người khách đó không nhận ra. Tôi chợt nhớ hôm nay công việc làm ăn của mình yên ả hơn mọi ngày, đám đàn bà trong nhóm Thiện Nguyện không chọc phá khi tôi đang có khách nữa. Họ không rình rập bên ngoài, ghé mắt nhìn qua những khe hở giữa các tấm ván, hay chọi cát đá vào nhà tôi. Họ đã chán rồi ư. Mọi khi tôi chỉ dám làm tình với khách trong buồng tắm, vì ở đó kín đáo hơn, lại có cánh cửa bằng ván loại tốt và chưa bị mục nứt như cánh cửa chính. Tôi rã rời bật người đứng dậy, nhận ra thân thể mình trống rỗng, đầu óc nặng nề chỉ muốn nằm xuống trở lại. Tôi nhìn đồng hồ. Mười lăm phút nữa sẽ lại có khách. Tôi cần phải sạch sẽ và tỏ ra tràn đầy sinh lực thì mới mong giữ được họ.

Có tiếng cười khúc khích bên ngoài. Tôi giật mình, chẳng lẽ lại là đám đàn bà. Nhưng sao họ không rình lúc tôi đang có khách, bây giờ rình thì được gì chứ. Tôi chưa đi tắm vội, mà tròng cái áo đầm ngủ rồi bước từ từ xuống cầu thang gỗ. Trong khi tôi định đưa tay cài cửa lại, thì cánh cửa đột ngột bật ra. Tôi mừng rỡ nhận ra đó không phải là đám đàn bà, mà là người khách kế tiếp của mình. Ông đến sớm hơn mọi lần. Ông cũng giật mình khi thấy tôi đứng sẵn ngay cửa, nhưng cũng nhanh chóng dắt xe vào rồi chốt cửa lại. Chẳng có bà nào bên ngoài. Tôi yên tâm vì biết mình sẽ được thoải mái nằm trên sàn gác, mà không phải chui vào cái buồng tắm chật hẹp chỉ làm được với hai tư thế đứng và ngồi.

Ông khách có gương mặt hơi ngồ ngộ, nó choắt lại nhỏ xíu bằng bàn tay của tôi lúc xoè ra. Ông rất ít nói, chỉ nói những câu cần thiết nhất như “Em cởi đồ ra”, “Nằm yên” hay “Cái khăn tắm của em đâu rồi?”. Ông gạt cái chống dựng xe đạp sát vách nhà, vừa cởi nón ra để trên yên xe, vừa nhìn tôi cười thân thiện rồi đi lên gác. Mùi mồ hôi của ông phớt ngang qua mũi, chua lè, nồng nặc. Mọi người khách của tôi đều có cùng loại mồ hôi này, loại mồ hôi của giới bình dân. Ông cởi quần áo để trên gác, chỉ quấn cái khăn tắm nhỏ của tôi ngang hông, bước xuống thang đi vào buồng tắm.

Tiếng dội nước ào ào của ông khiến tôi chợt nhớ tinh trùng của người khách lúc nãy còn nồng và vẫn dính trên thân thể tôi. May mà lúc bước vào ông ấy không nhận ra. Tôi vội đến đứng sẵn ở cửa buồng tắm, định bụng chờ ông đi ra sẽ vào tắm cho thật nhanh. Nhưng tôi không làm được, vì khi mới bước ra ông đã ôm chặt lấy tôi mơn trớn. Tôi hoảng hồn, đà này là mất khách như chơi. Ông kéo phăng cái áo của tôi ra, vùi mặt vào thân thể nồng nặc của tôi hôn lấy hôn để. Chẳng thể làm gì được, tôi để mặc ông kéo tôi lên gác. Tôi nằm ngửa trên sàn, cũng để mặc ông đưa đẩy sự sung sướng cho đến khi lên đỉnh điểm. Ông nhanh chóng nằm vật ra sàn gác thở hổn hển như mọi lần, mặt mũi đỏ ké, mồ hôi nhễ nhãi.

Bây giờ tôi chẳng cần phải vội đi tắm nữa, mùi tinh trùng thì có ai khác ai đâu. Tôi nhìn lên nóc nhà, những thanh gỗ có màu sơn xanh cũ kỹ như nằm chắn ngay sát mắt, chúng gồ ghề, thấp chụp như thể sẵn sàng rớt xuống đè lên người nào đang nằm bên dưới. Căn nhà đã thấp và nhỏ, nhưng vì thích nên tôi cố làm thêm cái gác, vì thế nóc nhà gần như muốn đụng vào sàn gác. Tôi không cảm thấy an toàn khi ngủ dưới sàn nhà, sự rộng rãi làm tôi thấy cô độc. Khi ngủ tôi thích quấn chặt lấy mền, chèn gối xung quanh thân để được cảm giác ấm cúng vừa đủ.

Người đàn ông đã bắt đầu thở chậm lại, ông cũng quay qua nhìn tôi cười gượng gạo. Khác với ông kia, ông không tỏ ra phải vội quay về, mà quàng tay qua ôm lấy thân thể trần truồng của tôi. Ông nhìn tôi định nói điều gì đó, nhưng chợt nhận ra những dấu vết khác lạ trên thân thể tôi, ông lại im lặng. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi hiểu ông không dám hỏi tôi về những vết bầm, cũng như người khách trước, tôi không tin ông ấy không nhìn thấy. Nhưng nhìn thấy rồi sao? Rồi hỏi thăm. Rồi biết chuyện. Rồi sẽ phát ngán lên vì lại nhận ra một con người khốn khổ giống như họ đang ở đây, ở nơi duy nhất mà họ tin có thể mang niềm vui đến cho họ, dù chỉ trong chốc lát. Và điều đó thật vô tích sự, cũng như sẽ không còn vô tư bò lên thân thể nhau khi biết những chuyện bá láp này. Hơn nữa, có khi còn phải phát sinh một vài đồng gọi là tiền thông cảm. Chợt có những tiếng động mạnh ở dưới nhà, ông khách và tôi cùng bật người dậy. Trong lúc chúng tôi chưa kịp đoán xem chuyện gì thì cánh cửa bật ra, liền theo đó là cả đám người nối nhau bước vào nói cười ồn ào.

Tôi và ông cùng lăn người vào vách, vơ vội cái gì đó che lên thân. Tim tôi đập mạnh, nhận ra ngoài đám đàn bà, đàn ông và con nít trong xóm, còn có hai công an khu vực. Một trong hai người nhanh chóng bước lên cầu thang. Anh xông đến chỗ chúng tôi, giật phăng cái mền ông khách đang quàng ngang hông ra, rồi giật luôn cái gối tôi đang dùng để che thân thể trần trụi của mình. Anh đứng yên quan sát chúng tôi với ánh mắt thích thú, như trước mặt anh hiện giờ là hai con vật kỳ dị vừa săn được. Lát sau, anh mới chậm chạp mở ba lô lấy máy ảnh ra, bắt đầu bấm lia lịa.

Trong vòng vài giây, dường như tất cả người trong xóm đều có mặt ở căn nhà nhỏ bé của tôi. Họ xì xào bàn tán, chỉ trỏ rồi cười khúc khích. Lát sau họ hùa nhau cùng kéo lên gác xem cho tường tận. Tụi con nít cười vui như những lần được phường tổ chức cho coi văn nghệ miễn phí. Đám đàn bà với gương mặt hả hê, đứng khắp nhà chứng kiến thành quả rình rập bao lâu nay của họ. Một vài người đang tranh nhau trả lời các câu hỏi của người công an đứng bên dưới. Anh ta ghi chép gì mà đầy cả hai ba trang giấy. Tôi chỉ sợ căn gác sẽ sập mất, nó không thể kham nổi số người như vậy. Nhưng tôi chưa kịp nói gì, thì anh công an đứng bên dưới cũng nhận ra điều đó, vội vàng nói vói lên yêu cầu ai không có phận sự thì xuống đất. Anh công an trên này vẫn hí hoáy chụp hình. Anh cúi người lom khom chụp chúng tôi đủ mọi góc cạnh, cho đến khi đầu chạm phải cây cột ngang của nóc nhà thì anh mới đưa tay xoa đầu, thoả mãn bước xuống thang gác.

Anh mặc quần áo rồi theo chúng tôi ngay. Còn chị cứ vào tắm, mặc quần áo tươm tất rồi lên phường sau cũng được.

Hai người công an bước ra khỏi nhà với ông khách khốn khổ của tôi. Tôi thấy gương mặt choắt của ông như càng choắt lại, lúc ông lập cập quẹt đại một dấu x vào biên bản quả tang thay cho chữ ký. Tôi biết ông sẽ tốn một khoản tiền phạt bằng cả chục lần ông đến đây.

Người trong xóm cũng mạnh ai nấy về. Tôi biết đêm nay họ sẽ không ngủ mà thức bàn tán, phân tích chuyện của tôi cho đến hết đêm. Chỉ có ông Tài, chồng của bà Hồng và mấy người đàn bà khác còn lưỡng lự chưa đi. Tôi cúi mặt xuống, gương mặt lấm tấm nốt ruồi của ông Tài làm tôi thấy hoa mắt. Nãy giờ ông không xầm xì như những người khác, mà chỉ đứng khoanh tay, dựa lưng vào cột nhà nhìn tôi với nụ cười khinh bỉ. Tôi nhận ra mình đang sẵn sàng đón nhận những lời cay độc nhất, quả nhiên, một bà lên tiếng.

Tao đã nói có ngày tụi tao cũng bắt quả tang mày mà, bộ tưởng tụi tao giỡn chơi hả?

Vậy mà cũng bầy đặt gia nhập nhóm Thiện Nguyện, mày tưởng cứ đạo đức giả là ai cũng lừa được à? Thứ đàn bà lười biếng lao động! Một bà khác hưởng ứng tức khắc.

Bà Hồng đột ngột sấn đến như muốn tát vào tôi.

May mà tụi tao khuyên dì Hạnh gạt mày ra sớm, nếu không dì có làm phước cho tụi thai nhi hết đời cũng không bù được cái trò phá gia cang người khác của mày. Bộ mày tưởng dụ được mấy thằng đàn ông kia là ngon sao, tụi nó chỉ là thứ ăn bám thôi, ăn bám vợ đó, tiền đó là tiền mồ hôi nước mắt của vợ con tụi nó đó. Mày ăn trên mồ hôi nước mắt người ta hả? Hãnh diện quá hả con?

Bà nói xong chợt nhận ra ông Tài vẫn đang đứng nhìn tôi, liền lại gần thúc ông về. Ông Tài cười cười, cố nán lại nhìn tôi thêm một chút, rồi cũng nghe lời vợ bước ra. Nhưng trước khi đi thẳng về nhà, ông còn quay lại nhổ một bãi nước bọt trên ngạch cửa.

Đám đàn bà không chì chiết nữa, họ chỉ im lặng nhìn tôi với vẻ ghê tởm. Lát sau bà Hồng nói tiếp,

Bây giờ cả xóm ai cũng biết hết rồi, coi mày có còn sống nổi ở đây không cho biết. Mày làm tụi tao cũng nhục lây, nhóm Thiện Nguyện có thành viên như mày thì ai mà tin tưởng ủng hộ nữa. Về tụi bây, về kể cho dì Hạnh nghe chuyện này là bả ngán nó liền chứ gì.

Nói xong, bà phất tay ra hiệu rồi nhanh chóng cùng các bà khác ra về.

Tôi cài cánh cửa lại. Bước vào buồng tắm. Một sự nháo nhào hỗn độn. Vậy là đi toi mấy tờ bạc của ông khách. Không biết ông ấy có can đảm quay lại đây nữa không. Nước thật dễ chịu. Tôi tưới từng ca lên thân thể nhừ mỏi của mình. Chẳng phải do việc vừa rồi khiến tôi mệt mỏi, hay do trận đánh vừa qua, mà gần đây dường như tôi xuống sức hẳn. Mau mệt hơn và luôn thấy thân thể rỗng tuếch sau mỗi lần làm tình. Tôi không múc từng ca nữa, mà ngồi luôn vào cái thau nhựa chứa đầy nước. Nhiều năm qua, tôi đã chẳng còn sợ cái trò bắt quả tang này, nhưng tôi thật sự tiếc vì đã không đề phòng, bởi rõ ràng lúc nãy tôi có nghe tiếng cười khúc khích của họ ở đâu đó. Tôi biết người thất vọng nhất sẽ là dì Hạnh, họ sẽ kể với dì chuyện hôm nay, và coi như tất cả những gì tôi nói dối trước đây đều rõ ra như ban ngày. Dì sẽ xem tôi là con quỉ cái như mọi người quanh đây.

Chợt hình ảnh của hai người công an khiến tôi giật mình, sực nhớ chuyện gì đang chờ mình vào ngày mai. Chắc chắn họ sẽ lại cảnh cáo tôi như lần trước, rằng không được tiếp tục hành nghề nếu không họ sẽ niêm phong nhà và đưa tôi đến trại phục hồi nhân phẩm. Tôi cũng biết không nên tiếp tục, vì họ sẽ đưa tôi đi thật chứ chẳng chơi. Vậy tôi sẽ làm ở đâu đây? Tôi đã từng nghĩ đến việc bán căn nhà, cái gia tài cuối cùng để đến nơi nào đó không ai biết mình. Nhưng đây là nơi tôi đã ở từ khi mới ra đời, cha mẹ tôi đã ở đây, anh chị em tôi cũng đã sinh ra nơi đây. Tôi đã bán hết hai phần ba ngôi nhà để gom vốn làm ăn khi lấy Phương, bây giờ chẳng lẽ cũng bán luôn phần nhỏ nhoi còn lại. Không thể được. Nhiều năm nay tôi đã xoay xở đủ mọi cách để không phải bán nhà, bây giờ tôi cũng sẽ không chịu thua.

Tôi lắc lắc đầu, cố xua đi ý nghĩ mà tôi cho là dại dột. Nhưng nếu không được tiếp khách ở đây có nghĩa tôi sẽ đói. Phải rồi, tại sao tôi không nghĩ đến các gốc cây ở con đường lớn của thành phố. Có lẽ tôi phải ra đó thật. Không như ở cái xóm nhỏ này, ở đó có nhiều khách giàu lui tới, lại an toàn, và mọi người quanh đó cũng đã quen nhìn các cô gái đứng đường. Tôi thả lỏng người, hài lòng với ý nghĩ mới, mà cũng biết đâu điều này sẽ làm hài lòng những người hàng xóm của tôi. Tôi chậm rãi vẩy từng bụm nước lên làn da trắng xanh. Làn da không còn mịn mát căng đầy như xưa nữa, nó đã bắt đầu nhăn lại, nhao nhão muốn chảy xệ xuống. Bất giác tôi thu mình, co gọn người lại trong cái thau nhựa. Căn buồng dường như cũng hẹp hơn với một màn tối chợt che phủ trước mắt. Tôi đã nhận ra sự thay đổi này từ lâu, nhưng tôi tin nó chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Đó chỉ là những dấu hiệu của tuổi già. Những dấu hiệu đã quá rõ rệt. Bất chợt tôi rùng mình, già rồi thì định mệnh có khác đi không.

III

Xong rồi!

Bà mụ vườn ngồi thẳng lưng dậy, vừa tháo đôi bao tay vứt vào cái sọt rác gần đó vừa nói. Tôi nhận ra nụ cười kín đáo của bà khi thấy vẻ mặt sợ sệt của tôi. Những tiếng rột roạt bên trong bụng lúc nãy làm tôi thật sự sợ, dù tôi đã trải qua hai lần cách đây vài năm. Tụt xuống cái giường sắt, tôi vội mặc lại quần. Cơn xây xẩm kéo đến tức thì, tôi loạng choạng ngồi lại xuống giường. Bà mụ lảng đi như không nhận ra tôi đang cần được giúp đỡ, mà đứng lom khom lau chùi các dụng cụ với chiếc khăn tay có màu vàng ệch. Lát sau bà để mặc tôi ở đó, rồi đi ra ngoài tiếp tục câu chuyện còn dang dở với mấy bà bạn lúc nãy. Khoảng vài phút sau Phương chạy vào, ánh mắt vẫn dịu dàng như mọi khi.

Xong rồi hả em? Phương vừa hỏi vừa ôm ngang eo đỡ tôi dậy.

Anh không thấy sao còn hỏi?!

Ừ.

Nếu anh không muốn có con thì kiếm tiền mua thuốc ngừa đi, chứ cứ canh ngày như vầy đâu có được!

Anh cũng muốn có con lắm chứ, nhưng bây giờ chưa được!

Anh đừng nói câu đó, em nghe chán rồi. Sống với nhau hơn chục năm rồi, chưa được là sao? Bao giờ mới được chứ?

Phương chẳng trả lời nữa, mà im lặng đỡ tôi ngồi lên yên xe đạp. Suốt đoạn đường hắn cũng chẳng nói thêm gì, chỉ cố đạp thật nhanh và tránh những đoạn đường nhồi sốc. Đó là tính cách của hắn, không bao giờ tranh cãi nhiều mà cố gắng kềm chế, nói năng thật nhẹ nhàng để tôi mất hứng không buồn cãi vã nữa. Căn nhà nhỏ xíu hiện ra phía trước, nó khiến tôi cảm thấy thêm cáu gắt. Nếu lần đó tôi không gặp cướp biển, cũng như không xui xẻo gặp bộ đội biên phòng, thì định mệnh của tôi có thay đổi không. Tôi có lấy Phương không, và buổi khuya đáng ghét ấy có xảy đến với tôi không.

Khuya ấy vẫn còn mới toanh trong trí tôi, như chỉ mới hôm qua, lúc tôi bỗng thức dậy bởi tiếng ếnh nhái kêu ồn ào quen thuộc. Căn nhà yên ắng với các căn buồng im ỉm không chút âm thanh của giọng ngáy cha tôi, tiếng ho của mẹ, hay tiếng mớ ngủ của các anh chị em. Tôi, con bé mười bảy tuổi, ngơ ngác chẳng hiểu mọi người đã đi đâu. Nỗi đau vì bị hiếp trước mặt cả gia đình còn âm ỉ trên da thịt, còn gặm nhấm tâm hồn tôi từng ngày. Tôi không còn cười nói vô tư với mọi người nữa. Họ đã nhìn thấy tận cùng sự xấu xa của thân xác và linh hồn tôi, tôi đã hiện diện trước mắt họ như một con vật cái. Tôi chỉ muốn mẹ vào buồng ôm tôi, nằm với tôi, nói những lời an ủi cần thiết, nhưng bà chẳng nói gì đến tôi từ khi chuyện kinh khủng đó xảy ra. Mỗi bữa ăn, bà sai bé út mang cơm vào buồng cho tôi. Khi thấy tôi chưa dậy đi tắm, bà sai chị hoặc anh vào nhắc nhở. Mọi người chẳng còn vui vẻ với cảnh nghèo như trước. Lẳng lặng ăn cơm với nhau. Lẳng lặng đi làm. Lẳng lặng đến giờ đi ngủ, chẳng ai nói với ai lời nào. Không khí trong nhà nặng nề, như thể mọi người đều bị tảng đá lớn đè lên ngực.

Tôi bắt đầu hoang mang, cầm cây đèn dầu đi soi khắp các buồng. Tôi muốn quị xuống khi nhận ra đồ đạc hầu như còn nguyên vẹn, chỉ có cái rương đựng chút tiền và vài chỉ vàng trong buồng của cha mẹ là mở bung ra, trống không. Sao giống như lần trước quá. Lần trước khi đi vượt biên, mẹ cũng lấy tất cả tài sản trong cái rương này ra, nó cũng mở bung, trống không trước mặt tôi như bây giờ. Tôi càng khó hiểu, khi nhận ra năm cuốn vở ghi chép tử vi của năm anh chị em đã biến mất trong ngăn kéo tủ của mẹ, chỉ còn trơ lại mỗi cuốn của tôi. Vậy là sao? Họ đã ra đi cả rồi sao? Màn đêm mịt mùng bên ngoài khiến tôi thêm tuyệt vọng. Tôi không thể la lên, hay kêu réo họ được. Người ta sẽ kéo nhau lùng sục họ, cuộc mạo hiểm một lần nữa lại không thành, cha tôi sẽ lại tù tội. Tôi mím chặt môi, ngồi phịch xuống thềm cửa. Chiếc đèn dầu trên bàn bỗng phụt tắt khiến tôi càng sợ hãi. Tôi lò dò vào bếp tìm lửa, rồi lại lò dò cầm mồi thắp lại đèn. Đêm nay gió to hơn mọi đêm. Tôi cầm cây đèn chui xuống gầm bàn. Ngọn lửa nhỏ đã thôi không chao đảo. Phạm vi nhỏ hẹp của gầm bàn cũng khiến tôi thấy được an toàn. Chợt nhận ra cuốn tử vi vẫn nằm trong tay mình, tôi co chân lại, ôm nó sát vào ngực sợ bị mất thêm một vật thân thuộc.

Mẹ rất tin tử vi. Mỗi khi đi đẻ đứa nào bà cũng dặn cha nhớ xé tờ lịch của ngày hôm đó cất lại. Sau đó cha còn phải đứng sẵn bên ngoài phòng sanh, khi nghe tiếng trẻ khóc là nhìn ngay đồng hồ để ghi giờ lại. Khi vừa mới ra ổ, mẹ cầm tờ lịch đó đến bà thầy ở cuối thôn xin chấm tử vi. Mọi diễn biến cuộc đời của anh chị em tôi đều được ghi trong mấy cuốn vở, mỗi người một cuốn. Nhưng mẹ chẳng bao giờ cho chúng tôi xem, mẹ nói sẽ bị chi phối khi biết trước chuyện gì đến trong tương lai. Vậy sao bây giờ mẹ để nó lại cho tôi. Có phải mẹ hàm ý muốn tôi tự lo liệu cho chính mình. Có lẽ. Nước mắt tôi chảy dài. Ừ, thì mẹ đi, cha đi, các anh chị em đi. Bình an. Bình an. Tôi lẩm nhẩm như kẻ mất hồn, tay lật lật những trang giấy chi chít các con chữ khó hiểu. Bất chợt vài tờ bạc trong cuốn tử vi rơi xuống đất, vài đồng xu cũng rơi ra theo. Tim tôi thắt lại. Mấy tờ bạc chắc là của mẹ để lại cho tôi sống tạm, còn những đồng xu kia nhìn sao quen thuộc quá. Tôi run rẩy cầm lên, rồi vội vàng vứt xuống đất trở lại. Gương mặt cứng đờ của mẹ bất giác hiện ra trong tôi. Lẽ ra tôi phải hiểu ánh mắt kinh hoàng kỳ lạ của mẹ hôm đó, khi bà nhìn thấy những đồng bạc nằm lăn lóc trên sàn thuyền mà tên cướp thảy lại cho tôi.

Đó là kiểu phá lệ kỳ quặc của chúng, ai may mắn sống sót vào trưa hôm đó đều hiểu. Tôi cũng ngạc nhiên, nhưng điều đó không làm tôi quên nỗi xấu hổ, tôi quơ quào lấy tấm áo rách cố che lại thân thể nhớp nhúa trần truồng, trườn tới cha mẹ và các anh chị em đang ngồi tê cứng mong tìm sự chia sẻ. Nhưng tôi thấy mẹ xám ngắt lại. Mẹ không khóc cũng không đưa tay đón tôi, ôm tôi vào lòng như tôi tưởng. Gương mặt khắc khổ của bà như bị chai cứng. Hai bàn tay bà đan vào nhau, chúng gồng lên hiện rõ những đường gân xanh, dấu vết của sự lao động nhọc nhằn hàng ngày. Mẹ không mừng vì những câu nam mô a di đà phật bất giác tuột ra khỏi miệng tôi, khiến tên cướp ngập ngừng hạ cây búa xuống không tàn sát nữa. Nó nhìn tôi, một điều gì sợ sệt, nghi ngại hiện lên trong mắt. Khoảng vài phút sau, nó quay nhìn lại toàn cảnh trên con thuyền nhỏ. Đồng bọn của nó đang lùng sục khắp nơi, lộn tất cả mọi túi quần áo ra ngoài, thu mọi hành lý và dồn tất cả mọi người ra giữa khoang. Những con mắt hoảng sợ đến lạc hồn dồn về phía nó. Chính nó, nó đã bổ cây búa nhầy nhụa máu lên lần lượt những con người cùng cực, để biến họ thành những xác chết vỡ nát trên mạn thuyền. Mới vừa nãy họ còn thoi thóp thở, với hi vọng yếu ớt về một phép lạ mở ra ngay giữa chân trời mênh mông nước mặn, với màn đêm phủ trùm bao ngày lênh đênh mờ mịt. Những dòng máu của họ không khô lại, mà chảy lan qua những người đang ngồi túm tụm vào nhau với gương mặt xám ngoét, như thể khi đã chết rồi họ vẫn còn sợ hãi, còn chưa tin họ đã ra đi vĩnh viễn, còn muốn tìm đến sự bao bọc của đồng loại, của anh em có cùng dòng máu của một dân tộc khốn khổ.

Tôi không dám nhìn nó nữa, mà nhắm chặt mắt lại, quì gối, miệng vẫn đọc huyên thuyên những tràng kinh. Tôi biết nó đang đứng ngay trước mặt tôi. Đen bóng. Lừng lững. Oai vệ như một tên đao phủ được ban quyền sinh sát trên pháp trường. Tôi tin mình chỉ còn đọc thêm một hồi kinh nữa thôi, chiếc búa sẽ giáng xuống đầu, kết liễu cuộc đời này và kết liễu luôn những hi vọng. Vậy rồi một lượt kinh niệm trôi qua, rồi hai, rồi ba, nó vẫn chưa giáng xuống. Tôi chưa kịp hiểu vì sao nó không bửa vào đầu tôi như đã làm với những người kia, thì sự kinh hoàng khác kéo đến ngay lập tức. Trong cơn đau đớn hoảng loạn rối bời thịt da, tôi nghe tiếng rú khoái trá của đồng bọn nó. Nằm dưới nó, tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời thoáng đãng. Ở đó mây trắng xanh vẫn bay hờ hững, nắng vàng vẫn tràn ngập như thể đó là một ngày bình thường của mọi ngày khác — vẫn bình yên. Nuốt lấy. Nuốt lấy. Nuốt lấy chút sự sống. Miệng tôi há ra tợp từng hớp không khí có vị mặn mòi quí giá của biển. Có thể chỉ lát đây thôi, nó sẽ vứt thân xác rũ rượi của tôi xuống kia. Tôi sẽ bơi trong sâu thẳm. Sẽ cười cợt một mình. Sẽ đi. Nhưng tôi đã không đi. Nhưng sao mẹ không mừng vì lòng tín ngưỡng đột xuất của tôi đã cứu sống tôi và số người còn lại trên thuyền. Bà cứ căng mắt nhìn trân trân ra mặt biển. Bà đang cố hiểu ra một điều gì đó.

Tôi run rẩy lượm những đồng xu bỏ vào lòng tay. Nắm chặt lại. Ngọn lửa nhỏ bỗng lại lập loè rồi phụt tắt.

Phương thắp lại ngọn đèn trên bàn. Hôm nay gió khá lớn, hắn phải mồi đi mồi lại cả chục lần mới thắp được đèn. Hắn vẫn chẳng nói gì từ lúc về đến giờ. Hắn lục đục làm những việc lặt vặt một cách không cần thiết, cố tình tránh ánh mắt oán hận của tôi. Lát sau chẳng còn việc gì để làm, hắn lại lục đục lấy cây đàn và tập nhạc để trong góc ra.

Anh dẹp dùm em mớ đồ vô dụng đó đi! Tôi nổi xung lên khi hắn ôm cây đàn đến ngồi đối diện tôi.

Em nói cái gì? Ngay lập tức Phương ngẩng đầu lên, trợn mắt hỏi lại. Mặt từ từ chuyển qua màu đỏ gắt. Tôi hơi sợ, vì biết máu côn đồ của hắn lại đang nổi lên. Tôi mím chặt môi, cố kiềm giữ sự bất mãn đang chực trào. Nhưng khi hắn vừa cúi mặt xuống cây đàn, tôi lại không thể dằn lòng được.

Mấy cái thứ này có mang lại gì cho anh không chứ, anh đã mê nó hơn nửa cuộc đời rồi, bây giờ thôi đi!

Nè, cô nói gì thì nói nghe, tôi cấm cô nói đến công việc của tôi!

Công việc cái gì? Mấy cái thứ này mà là công việc của anh à? Tôi cứ nói đó, rồi sao đồ độc ác vô tích sự!

Tôi lãnh ngay cái tát nảy lửa của Phương, té lật gọng từ trên ghế xuống. Cơn đau bụng nhói lên tức thì. Tôi không thể thốt nổi lời nào, nước mắt chảy túa ra nhoè nhoẹt. Phương quay hẳn người vào phía vách, tay vẫn gảy lia lịa sáu sợi dây mong manh như để trả đũa tôi. Những âm thanh không đồng đều vang ầm ĩ càng khiến tôi phát điên. Tiếng đàn này đã ám ảnh tôi hơn chục năm qua, nó đã trở thành kẻ thù của tôi từ lúc nào chẳng biết. Tôi cắn chặt vành môi. Đây không phải lần đầu hắn đánh tôi. Hắn đã đánh tôi trước khi tôi mang thai, trong khi tôi mang thai, rồi đánh luôn sau khi tôi đã nhiều lần chiều lòng hắn phá thai. Nếu hôm qua không vì cái đẩy của hắn khiến động thai, chắc chắn tôi đã bỏ đi nơi khác để chờ đẻ đứa con tội nghiệp. Tôi bỗng gào ầm lên, có cảm giác cuống cổ đang rách ra từng đoạn.

Anh đi đi, anh cút ra khỏi nhà tôi, ra khỏi cuộc đời tôi!

Cô im đi, hàng xóm nghe bây giờ!

Khỏi cần tôi hét lên hôm nay thì họ cũng biết hết rồi, họ biết anh bắt vợ anh phá thai ba lần rồi!

Im!

Tôi không im!

Tôi đã nói lý do rồi, cô quên rồi sao?

Lý do gì? À, tôi nhớ rồi. Rằng là anh còn nhiều việc khác phải làm. Anh không có thời gian để lo cho con cái. Anh không muốn gánh thêm trách nhiệm với ai. Vì rằng đối với anh âm nhạc là tất cả, nghệ thuật là tất cả. Phải những lý do đó không? Tôi thuộc lòng rồi đó!

Cô nhạo tôi đó à?

Tôi không nhạo, tôi chỉ lập lại những lời mà anh nói đi nói lại cả hơn chục năm nay!

Tôi nói để cô hiểu.

Tôi không cần hiểu, tôi cần có con!

Có con để làm gì, sống tự do như vầy không sướng à?

Đó là việc của tôi, tôi muốn có con! Tôi đã hiểu cho anh hai lần rồi, lần này anh cũng nỡ lấy con tôi đi luôn. Trả con cho tôi!

Đồ điên!

Anh nói ai điên, ừ tôi điên đó! Anh biến khỏi cuộc đời tôi đi, đồ tồi!

Tôi chẳng còn biết trời trăng gì nữa. Những cú đánh đấm liên tục dội xuống thân thể lừ đừ của tôi. Hắn vừa nện xuống người tôi một cú, lại vừa ném hay đập một đồ vật gì đó. Tôi chỉ tỉnh hẳn người khi hắn vớ chiếc thùng cạc-tông đựng đồ cá nhân của tôi, rồi dốc ngược mọi thứ trong đó ra sàn nhà. Hắn cúi xuống, lượm cuốn vở tử vi lên sắp sửa xé. Tôi nhào đến, giằng co, chụp giựt cho đến khi hắn chịu thua buông ra. Cầm cuốn vở rách rưới nhàu nát trong tay, tôi tru khóc lên như một con chó điên. Ngay lập tức Phương nhào đến, một tay bịt miệng, một tay giật tóc tôi. Hắn chỉ buông ra khi tôi đau đớn ngậm chặt miệng lại. Hắn nhìn gương mặt lạc hồn của tôi, cười gằn,

Cô quí cuốn vở đó quá ha? Bảo vệ nó quá ha? Cô làm như thằng này không biết cái gì trong đó vậy!

Tôi giật mình, biết gì, hắn biết gì chứ?!

Tôi còn ở với cô vì tôi không muốn cô khổ đó thôi, chứ thử bỏ thằng này thì cô sẽ làm cái gì nào?

Tim tôi thót lại, hắn biết cái gì?! Hắn đang nói cái gì?!

Tôi biết gia đình cô bỏ cô đi cũng vì cái đó, cái trong cuốn vở đó đó. Bày đặt giấu tôi à? Chẳng ai điên mà giữ một con điếm bên mình! Tôi không có con với cô vì tôi không muốn con tôi có một bà mẹ làm điếm!

Anh nói cái gì? Tôi thều thào, cảm thấy mình không còn chút sinh khí.

Cô tưởng có con sẽ thay đổi được hả? Trời, định mệnh là định mệnh, có chạy đến trời Tây thì cũng chẳng ăn thua. Cô tính qua bển làm điếm cho Tây à? Ha ha… Mẹ cô biết khôn nên mới trốn cô đi đó chứ, nếu không cũng có ngày xấu mặt cả gia đình.

Anh không được nói xấu mẹ tôi, anh biết cái gì chứ?!!

Tôi chẳng rảnh! Tôi cũng nên đi, cô tưởng tôi ở đây sung sướng lắm à. Từ lúc lấy cô đến giờ, tôi cứ sợ cô trốn đi ngủ với thằng khác để kiếm tiền đó chứ!

Dứt lời Phương cười vang lên một cách độc ác. Trong lúc gục xuống, tôi nghe tiếng cười của Phương từ từ tan biến mất. Biến mất như hôm sau tôi không còn thấy hắn hiện diện bên đời tôi, như khi hắn đột ngột đeo cây đàn ghi-ta trên vai đến gõ cửa nhà tôi vào một đêm thật lạnh.

(Còn tiếp một kỳ)