Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Một cuộc găp gỡ (trích Chương III)

Milan Kundera

Nguyên Ngọc dịch

Những danh sách đen

Hay tản mạn dâng Anatole France

1

Đã lâu, cùng một số đồng bào của mình, một người bạn Pháp đến Praha và tôi tình cờ ngồi cùng một chiếc taxi với một quý bà, không biết chuyện gì để nói, tôi đã hỏi bà (một cách ngây ngô) bà thích nhạc sĩ Pháp nào hơn cả. Tôi còn nhớ mãi câu trả lời tức thì, bật ra, mạnh mẽ: “Nhất thiết không có Saint-Saëns!”

Suýt nữa thì tôi đã hỏi bà: “Vậy bà đã nghe gì của ông ấy?” Chắc chắn bà sẽ trả lời tôi bằng một giọng còn bất bình hơn: “Của Saint-Saëns? Nhất thiết tuyệt đối không!” Bởi đối với bà vấn đề không phải là ghét một loại âm nhạc, mà là một lý do nghiêm trọng hơn: không có chuyện dính dấp đến một cái tên đã bị khắc vào danh sách đen.

2

Những danh sách đen. Chúng là niềm say mê của các nhà tiền phong chủ nghĩa ngay thời trước Thế chiến thứ hai. Tôi khoảng ba mươi lăm tuổi khi tôi dịch thơ Apollinaire ra tiếng Tiệp và dịp đó tôi đọc được bản tuyên ngôn nhỏ của ông trong đó ông ban phát “phân” và “hoa hồng”. Phân cho Dante, Shakespeare, Tolstoï, nhưng cả cho Poe, Whitman, Beaudelaire nữa! Hoa hồng cho chính ông, cho Picasso, Stravinsky. Tôi rất thích thú với bản tuyên ngôn tuyệt vời và buồn cười đó (ông tự tặng hoa hồng cho mình).

3

Mươi năm sau, vừa di tản sang Pháp, trò chuyện với một anh bạn trẻ, anh ta buột miệng hỏi tôi: “Anh có thích Barthes không?” Thời đó, tôi không còn ngây ngô nữa. Tôi biết tôi đang trải qua một cuộc tra xét. Và tôi cũng biết Roland Barthes, bấy giờ, đang đứng đầu tất cả các danh sách vàng. Tôi đã trả lời: “Đương nhiên là tôi thích ông ấy. Sao mà không được! Anh nói về Karl Barthes, đúng không! Người đã sáng tạo ra nền thần học tiêu cực! Một thiên tài! Làm sao có thể hình dung được các tác phẩm của Kafka nếu không có ông ấy!” Anh chàng đã tra xét tôi chưa bao giờ nghe đến tên Karl Barthes nhưng, do tôi đã gắn ông ta với Kafka, người không thể đụng đến trong tất cả những người không thể đụng đến, anh chẳng thể nói gì được nữa. Chúng tôi chuyển sang đề tài khác. Và tôi lấy làm bằng lòng về câu trả lời của mình.

4

Cũng vào thời kỳ ấy, trong một bữa ăn tối, tôi đã phải trải qua một cuộc tra xét khác. Một người mê nhạc muốn biết tôi yêu thích nhất nhạc sĩ Pháp nào. Ôi, sao mà các hoàn cảnh cứ lặp lại giống nhau đến thế! Tôi đã có thể trả lời “nhất thiết không có Saint-Saëns!” nhưng một kỷ niệm đã lôi cuốn tôi. Vào khoảng những năm hai mươi, bố tôi đã mang từ Paris về những bản nhạc viết cho piano của Darius Milhaud và đã chơi trước một công chúng thưa thớt (rất thưa thớt) trong các buổi hòa nhạc hiện đại. Cảm động vì kỷ niệm ấy, tôi đã thổ lộ tình yêu của tôi đối với Milhaud và với cả “nhóm Sáu người”. Tôi càng say sưa trong những lời ca ngợi của mình, vì đang hết sức yêu mến cái đất nước nơi tôi đang bắt đầu cuộc đời thứ hai của tôi, tôi muốn bằng cách này bày tỏ với anh ta lòng ngưỡng mộ của tôi. Những người bạn mới của tôi đã lắng nghe một cách thân tình, và rất tế nhị, đã tìm cách nói cho tôi hiểu rằng những người tôi coi là hiện đại từ lâu đã không còn là hiện đại nữa và tôi phải tìm những tên tuổi khác để mà khen.

Quả thật, luôn xảy ra điều đó, việc chuyển từ bản danh sách này sang bản khác và đấy chính là chỗ những anh chàng ngây thơ thường bị hố. Năm 1913, Apollinaire đã trao hoa hồng cho Stravinski mà không biết rằng đến năm 1946 Theodor W. Adorno sẽ trao nó cho Schönberg còn với Stravinsky thì ông ta trịnh trọng trao cho một cục phân.

Và Cioran! Từ thời tôi biết ông, ông chỉ có mỗi việc lang thang từ danh sách này sang danh sách kia để đến cuối đời nằm vào danh sách đen. Ấy vậy mà chính ông ta, không lâu sau ngày tôi đến Pháp, khi tôi nhắc đến Anatole France trước mặt ông, đã nghiêng vào tai tôi mà thầm thì với một cái cười tinh quái: “Đừng bao giờ nói to cái tên đó lên ở đây, mọi người sẽ chê cười anh đấy!”

5

Đám tang Anatole France kéo dài đến vài cây số. Rồi mọi sự đều bị xô đổ. Bị kích thích vì cái chết của ông, bốn nhà thơ trẻ viết một bài văn đả kích chống lại ông. Ghế của ông ở Viện Hàn lâm Pháp bỏ trống, một nhà thơ khác, Paul Valéry, được bầu để ngồi vào đấy. Lễ nghi bắt buộc, ông phải đọc một bài ca ngợi người vừa mất. Trong cả bài tán tụng của mình, về sau đã trở thành truyền thuyết, ông đã tìm được cách nói về France mà không nhắc đến tên ông ấy và tôn vinh con người vô danh ấy với một sự dè dặt không che giấu.

Quả vậy, khi chiếc quan tài của ông ấy vừa chạm đến đáy huyệt, thì hành trình đến danh sách đen của ông ấy cũng bắt đầu. Bằng cách nào? Chẳng lẽ những lời nói của đôi ba nhà thơ chẳng bao nhiêu người đọc lại có sức mạnh ảnh hưởng được đến một công chúng một trăm lần đông hơn? Sự chiêm ngưỡng của hàng ngàn con người đã đi theo linh cữu ông, nó biến đi đâu rồi? Những bản danh sách đen, chúng lấy đâu ra sức mạnh đến vậy? Những mệnh lệnh mà chúng tuân theo là từ đâu đến?

Từ các phòng khách. Trên khắp thế giới không ở đâu các phòng khách lại có một vai trò lớn như ở Pháp. Nhờ truyền thống quý tộc kéo dài nhiều thế kỷ, rồi lại nhờ có Paris, nơi, trong một không gian hẹp, toàn bộ giới trí thức tinh hoa của đất nước dồn lại và tạo ra các dư luận; nó không lên tiếng bằng các bài nghiên cứu phê bình, các thảo luận bác học, mà bằng các công thức cừ khôi, các trò chơi chữ, các lời xảo trá bóng bẩy (như vậy đấy: các nước phi tập trung hóa pha loãng điều ác, các nước tập trung hóa thì cô đọng nó lại). Vẫn chuyện này nữa về Cioran. Vào thời kỳ tôi biết chắc tên tuổi ông chói sáng trên tất cả các bảng vàng, tôi đã gặp một người trí thức nổi tiếng: “Cioran ư?” ông ta nói và nhìn rất lâu vào mắt tôi. Rồi với một cái cười dài và nén lại: “Một chàng công tử bột của hư không…”

6

Khi tôi mười bảy tuổi, một anh bạn, lớn hơn tôi khoảng năm tuổi, là người cộng sản xác tín (giống như tôi), là thành viên kháng chiến trong chiến tranh (một người kháng chiến thực thụ đã sẵn sàng hy sinh cả đời mình và tôi cảm phục anh về điều đó), đã thổ lộ với tôi kế hoạch của anh: xuất bản một kiểu bộ bài mới trong đó các con đầm, con vua, con bồi sẽ được thay bằng những con Stakhanoviste, con đảng viên, con Lénin; có phải là một ý tưởng tuyệt vời kết hợp sự yêu thích trò chơi bài lâu đời của nhân dân với việc giáo dục chính trị không nào?

Rồi đến một hôm tôi đọc tác phẩm Các thiên thần khát trong bản dịch ra tiếng Tiệp. Nhân vật chính, Gamelin, họa sĩ trẻ theo phái Jacobin, đã sáng tạo ra một bộ bài mới trong đó các con đầm, vua, bồi được thay bằng Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Tôi sửng sốt. Có phải Lịch sử chẳng qua là một chuỗi biến cách dài? Bởi vì tôi chắc chắn anh bạn tôi chưa bao giờ đọc một dòng nào của Anatole France. (Không, chưa bao giờ, tôi đã hỏi anh).

7

Khi còn trẻ, tôi đã cố tìm định hướng cuộc đời mình trong một thế giới đang lao xuống vực thẳm của một nền độc tài mà thực tế cụ thể không có ai thấy trước, mong muốn, hình dung ra, nhất là những người đã ao ước và chào đón nó: cuốn sách duy nhất lúc bấy giờ đã có thể nói với tôi đôi điều gì đó tỉnh táo về cái thế giới không ai biết được ấy là cuốn Các thiên thần khát.

Gamelin, anh chàng họa sĩ đã sáng chế ra bộ bài kiểu mới đó, có thể là chân dung đầu tiên của một người “nghệ sĩ dấn thân”. Thời kỳ đầu chế độ cộng sản, tôi đã thấy biết bao nhiêu người như vậy quanh mình! Tuy nhiên, điều hấp dẫn tôi trong cuốn tiểu thuyết của France không phải là việc tố giác của Gamelin, mà là điều bí ẩn Gamelin. Tôi nói “điều bí ẩn”, bởi vì con người ấy cuối cùng đã tống hàng chục người lên máy chém trong một thời kỳ khác chắc chắn có thể là một người láng giềng đáng yêu, một đồng nghiệp tốt, một nghệ sĩ có tài. Làm thế nào mà một người lương thiện không thể chối cãi lại có thể giấu trong mình một con quỷ sứ? Trong những thời kỳ yên bình về chính trị, con quỷ sứ kia có hiện diện trong anh ta không? không thể phát hiện ra được? hay dẫu sao cũng có thể nhận ra? Chúng ta, là những người đã biết những Gamelin khủng khiếp, chúng ta có khả năng hé nhìn thấy con quỷ sứ đang ngủ trong những Gamelin đáng yêu quanh chúng ta hôm nay?

Ở đất nước tôi, khi người ta gỡ bỏ những ảo tưởng ý thức hệ, “bí ẩn Gamelin” không làm họ quan tâm nữa: một tên khốn nạn là một tên khốn nạn, có bí ẩn nào đâu? Bí ẩn hiện sinh bị che lấp đi đằng sau niềm tin chắc chính trị, và các niềm tin chắc mặc xác các bí ẩn. Cho nên con người, bất chấp trải nghiệm sống phong phú của họ, bước ra khỏi một thử thách lịch sử cũng vẫn dại khờ như khi đi vào.

8

Trong nhà kho, ngay bên trên căn hộ của Gamelin, có một căn phòng nhỏ tồi tàn là nơi ở của Brotteaux, nguyên là nhân viên của nhà băng vừa bị sung công; Gamelin và Brotteaux: hai cực của cuốn tiểu thuyết. Trong sự đối nghịch kỳ lạ của họ, không phải đức hạnh chống lại tội ác; cũng không phải phản cách mạng chống lại cách mạng; Brotteaux không tiến hành cuộc đấu tranh nào cả; anh ta không có tham vọng áp đặt tư tưởng riêng của mình lên tư tưởng đang thống trị; anh chỉ đòi quyền của anh được có những tư tưởng không thể chấp nhận và được nghi ngờ không chỉ cách mạng mà cả con người như Thượng đế đã tạo ra. Vào thời kỳ các thái độ của tôi đang hình thành, anh chàng Brotteaux ấy đã mê hoặc tôi; không phải vì một tư tưởng cụ thể nào đó của anh ta, mà vì thái độ của một con người từ chối tin tưởng.

Về sau này suy nghĩ về Brotteaux, tôi đã nhận ra rằng trong thời kỳ cộng sản có hai hình thái sơ đẳng của sự bất đồng với chế độ: bất đồng cơ sở trên một niềm tin và bất đồng khác cơ sở trên hoài nghi; bất đồng mang tính đạo đức và bất đồng phi đạo đức; bất đồng thanh giáo và bất đồng tự do chủ nghĩa; một cái chê trách chủ nghĩa cộng sản không tin vào Chúa, cái kia buộc tội nó tự biến mình thành một tôn giáo mới; một bên bất bình vì nó cho phép phá thai, bên kia kết tội nó làm cho việc phá thai trở nên khó khăn. (Mê muội vì kẻ thù chung, hai thái độ ấy hầu như không nhìn thấy sự khác nhau giữa chúng; sự khác nhau này chỉ nổi bật lên sau khi chủ nghĩa cộng sản đã ra đi).

9

Còn anh bạn tôi và bộ bài của anh? Chẳng hơn gì Gamelin, anh ta không bán được ý tưởng của mình. Tôi nghĩ rằng anh không buồn vì chuyện đó. Vì anh có khiếu hài hước. Khi anh nói với tôi về kế hoạch của anh, tôi còn nhớ, anh cười. Anh biết ý tưởng của anh là buồn cười, nhưng, theo anh, tại sao một ý tưởng buồn cười lại không thể có ích cho một mục đích tốt? Nếu tôi so sánh anh với Gamelin, chính cái khiếu hài hước phân biệt họ với nhau, và, chắc chắn, nhờ có khiếu hài hước mà anh bạn tôi đã không thể trở thành một tên đao phủ.

Trong các tiểu thuyết của France, hài hước luôn có mặt (mà kín đáo); trong trường hợp Cửa hàng thịt quay của bà hoàng Pédauque, ta chỉ có thể thích thú về điều đó; nhưng hài hước làm được gì trên thực địa đẫm máu của những bi kịch tệ hại nhất của Lịch sử? Tuy nhiên, đấy chính thị là điều độc nhất, mới mẻ, đáng để ngợi ca: biết cách chống lại cái thống thiết giả tạo gần như là bắt buộc của một vấn đề nghiêm trọng. Vì chỉ có cái khiếu hài hước mới có thể phát hiện sự thiếu hài hước ở những người khác. Và phát hiện ra điều ấy một cách kinh hoàng! Chỉ có sự sáng suốt của hài hước mới có thể nhận ra tận trong đáy tâm hồn của Gamelin điều bí mật đen tối của anh ta: cái sa mạc của sự nghiêm túc, cái sa mạc không có hài hước.

10

Chương 10 trong cuốn Các thiên thần khát: chính ở đây hội tụ không khí thật nhẹ nhàng, vui tươi, hạnh phúc; chính từ đây ánh sáng tỏa ra khắp cuốn tiểu thuyết, nếu không có chương này, sẽ tối sầm lại và mất hết cả vẻ đẹp của nó. Trong những ngày đen tối nhất của Thời kỳ Khủng bố, mấy họa sĩ trẻ, Gamelin cùng Desmahis bạn anh ta (một anh chàng hay tán phét và đi mò gái đáng yêu), một nữ diễn viên nổi tiếng (cùng những người phụ nữ trẻ khác), một người bán tranh (cùng với cô con gái Élodie của ông ta, vợ chưa cưới của Gamelin), và ngay cả Brotteaux (vả chăng cũng là họa sĩ nghiệp dư) trong một cuộc du ngoạn ra ngoài Paris trong hai ngày bù khú. Những gì họ trải qua trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy chỉ là một chuyện vặt tầm thường, nhưng chính sự tầm thường ấy lại rạng rỡ hạnh phúc. Sự kiện tính dục duy nhất (Desmahis giao hợp với một cô gái trẻ vừa to ngang vừa cao hơn vì cô có bộ xương lớn gấp đôi) vừa nhạt phèo vừa thô lỗ, song lại hạnh phúc. Gamelin, thành viên mới của Tòa án cách mạng, thấy thích thú trong đám bạn bè này, cũng hoàn toàn như Brotteaux, nạn nhân bị đưa lên máy chém tương lai của anh ta. Tất cả họ đều yêu mến nhau, một tình yêu mến nhẹ nhàng do sự dửng dưng của phần đông người Pháp đã cảm thấy đối với Cách mạng và sự khoa trương của nó; đương nhiên là một sự dửng dưng được cẩn thận che giấu, đến nỗi Gamelin không nhận ra được; anh vui vẻ cùng những người khác, dẫu, đồng thời, anh hoàn toàn cô độc giữa bọn họ (cô độc, mà còn chưa biết điều đó).

11

Những người, trong một thế kỷ, đã làm được công việc đặt Anatole France vào bảng danh sách đen không phải là những nhà tiểu thuyết; đấy là những nhà thơ: trước tiên là các nhà siêu thực: Aragon (ông còn chưa có cuộc cải đạo lớn sang tiểu thuyết), Breton, Éluard, Soupault (mỗi người đều đã viết một bài riêng của mình góp vào bài đả kích chung).

Là những nhà tiên phong chủ nghĩa xác tín, họ tập trung sự bực bội của họ vào cùng những từ khóa; Aragon chê trách người chết: “sự mỉa mai”; Éluard: “hoài nghi, mỉa mai, thiếu tình”. Như vậy sự hung hăng của họ có một ý nghĩa, một lô gích, dầu, nói thật tình, cái “thiếu tình” ấy dưới ngòi bút của Breton có làm tôi hơi ngỡ ngàng. Con người Chống-Công thức lớn ấy lại muốn kết tội cái thi hài kia bằng một từ-sếnh đến vậy?

Vả chăng trong Các thiên thần khát, France cũng có nói về tình. Gamelin ngồi cùng với những đồng nghiệp mới của anh, những vị quan tòa của Cách mạng, bị buộc phải rất nhanh chóng kết tội tử hình hay tha cho các bị cáo; France tả cảnh đó như sau: “một bên là những người dửng dưng, những người hăng hái, những người lý sự, chẳng hề có niềm say mê nào, và bên kia là những người bị lôi cuốn theo cảm tính, khó đạt được lý lẽ và phán xét theo tình. Những người này bao giờ cũng kết tội chết” (tôi nhấn mạnh).

Breton đã nhìn đúng: Anatole France chẳng đánh giá cao gì cái tình.

12

Bài diễn văn trong đó Paul Valéry đã quở trách một cách sang trọng Anatole France còn đáng ghi nhớ vì một lý do khác: đấy là điếu văn đầu tiên được đọc từ diễn đàn Viện Hàn lâm Pháp về một nhà tiểu thuyết mà tầm quan trọng gần như dựa hoàn toàn trên các tiểu thuyết của ông. Quả thật, trong cả thế kỷ XIX, thế kỷ lớn nhất của tiểu thuyết Pháp, các nhà tiểu thuyết lại bị Viện Hàn lâm bỏ qua. Có phi lý không?

Chẳng phải là hoàn toàn phi lý. Bởi vì nhân cách của một nhà tiểu thuyết không tương ứng với ý tưởng về một con người, bằng các tư tưởng, các thái độ, bằng tấm gương đạo đức của mình, có thể đại diện cho một quốc gia. Quy định về “nhân vật vĩ đại” mà Viện Hàn lâm đòi hỏi một cách tự nhiên ở các ủy viên của mình, đấy không phải là cái mà một nhà tiểu thuyết có tham vọng, đấy không phải là khát vọng của anh ta; do bản chất của nghệ thuật của mình, anh ta kín đáo, nhập nhằng, mỉa mai (vâng, mỉa mai, các nhà thơ siêu thực trong bài đả kích của mình đã hiểu rất đúng); và nhất là: lẫn đằng sau các nhân vật của mình, khó có thể thu rút anh ta vào một xác tín, một thái độ nào.

Nếu dẫu vậy một vài nhà tiểu thuyết đã đi vào trong ký ức cộng đồng như những “nhân vật vĩ đại”, thì điều đó chỉ là do những trùng hợp lịch sử và, đối với các tác phẩm của họ, bao giờ cũng là một tai họa.

Tôi nghĩ đến Thomas Mann cố sức làm cho người ta hiểu ra chất hài hước trong các tiểu thuyết của ông; một nỗ lực vừa cảm động vừa hoài công, bởi vì vào thời kỳ tên tuổi của tổ quốc ông bị chủ nghĩa phát-xít bôi nhọ, ông là người duy nhât có thể nói với thế giới với tư cách là hậu duệ của nước Đức xưa, đất nước của văn hóa; sự nghiêm trọng của tình thế đã che khuất một cách tuyệt vọng nụ cười quyến rũ trong các cuốn sách của ông.

Tôi nghĩ đến Maxime Gorki; muốn làm một điều gì đó tốt cho những người nghèo và cuộc cách mạng thất bại của họ (cuộc cách mạng 1905), ông đã viết cuốn tiểu thuyết kém nhất của mình, cuốn Người mẹ, rất lâu về sau (do một nghị định của đám cầm quyền) đã trở thành khuôn mẫu thiêng liêng của nền văn học gọi là xã hội chủ nghĩa; đằng sau nhân cách của ông được dựng lên thành tượng, các tiểu thuyết của ông tự do và hay hơn là người ta muốn nghĩ) đã biến mât.

Và tôi nghĩ đến Soljenitsyne. Con người vĩ đại ấy có phải là một nhà tiểu thuyết lớn? Làm sao tôi biết được? Tôi chưa bao giờ giở bất cứ một cuốn sách nào của ông. Những cuộc khẳng định lập trường vang dội của ông (mà tôi hoan nghênh sự dũng cảm) khiến tôi nghĩ rằng tôi đã biết được trước tất cả những gì ông sẽ nói.

13

Illiade kết thúc lâu trước khi thành Troie sụp đổ, lúc cuộc chiến tranh còn chưa rõ ràng và con ngựa gỗ nổi tiếng thậm chí chưa có trong đầu Ulysse. Bởi đấy là mệnh lệnh thẩm mỹ do nhà thơ sử thi lớn đầu tiên quy định: không bao giờ được để cho thời gian của các số phận cá nhân trùng hợp với các biến cố lịch sử. Bài thơ sử thi lớn đầu tiên theo cùng nhịp với thời gian của các số phận cá nhân.

Trong Các thiên thần khát, Gamelin bị chặt đầu trong cùng những ngày với Robespierre, anh ta chết cùng lúc với chính quyền của những người Jacobin; nhịp điệu cuộc đời anh trùng với nhịp điệu của Lịch sử. Tự trong thâm tâm, tôi có trách France đã vi phạm mệnh lệnh của Homère? Có. Nhưng rồi về sau tôi đã sửa lại. Bởi vì điều kinh khủng trong số phận của Gamelin chính là ở đó: Lịch sử đã nuốt mất không chỉ các tư tưởng, các tình cảm, các hành động của anh, mà cùng lúc nó nuốt luôn cả cuộc đời anh; anh là con người bị Lịch sử ăn sống; anh chỉ là một sự lấp đầy Lịch sử bằng con người; và nhà tiểu thuyết đã dũng cảm nắm lấy cái kinh hoàng ấy.

Cho nên tôi sẽ không nói rằng sự trùng hợp giữa thời gian của Lịch sử và thời gian của nhân vật chính là một chỗ kém của cuốn tiểu thuyết này; tuy nhiên tôi sẽ nói rằng đó là điều bất lợi của nó; bởi vì sự trùng hợp giữa hai thời gian đó xui người đọc hiểu Các thiên thần khát như một cuốn “tiểu thuyết lịch sử”, một thứ minh họa Lịch sử. Là cái bẫy không thể tránh đối với một độc giả Pháp, vì ở nước họ, Cách mạng đã trở thành một sự kiện thiêng liêng, biến thành một cuộc tranh luận quốc gia không bao giờ dứt, chia rẽ những con người, đối lập người này với người kia, khiến một cuốn tiểu thuyết được coi như mô tả cuộc Cách mạng lập tức bị cuộc cãi vã không bao giờ ngã ngũ kia nhai nghiến.

Chính vì thế đấy mà Các thiên thần khát bao giờ cũng được hiểu ở nước ngoài tốt hơn là ở Pháp. Bởi đó là số phận của tất cả các tiểu thuyết hành động gắn quá chặt với một thời kỳ giới hạn trong Lịch sử; những người đồng bào của nó tìm thấy ở đấy một cách tự nhiên những tài liệu mà chính họ đã sống qua hay đã say sưa tranh luận; họ tự hỏi hình ảnh của Lịch sử do tiểu thuyết cung cấp có giống với hình ảnh họ biết; họ cố đọc cho ra chủ kiến chính trị của tác giả, nóng lòng phán xét chúng. Cách chắc nhất để đánh hỏng một cuốn tiểu thuyết.

Vì, ở một nhà tiểu thuyết, niềm say mê hiểu biết không nhằm vào chính trị cũng như Lịch sử. Một nhà tiểu thuyết còn có thể khám phá gì mới nữa về các sự kiện được mô tả và tranh luận trong hàng ngàn cuốn sách uyên bác đủ loại? Chẳng có gì phải nghi ngờ là Cuộc Khủng bố trong cuốn sách của France có vẻ kinh khủng, nhưng hãy đọc kỹ chương cuối đầy chất sảng khoái phản cách mạng! Anh chàng long kỵ binh đẹp trai Henry, kẻ đã tố cáo nhiều người ở tòa án cách mạng, lại hớn hở giữa những người chiến thắng! Những kẻ tự phụ trẻ tuổi lố bịch và cuồng tín đốt một hình nộm Robespierre và treo hình khắc Marat lên đèn lồng. Không, nhà tiểu thuyết không viết cuốn tiểu thuyết của ông để tố cáo cách mạng mà để khảo xét bí ẩn của các diễn viên của nó, và cùng với họ những bí ẩn khác, bí ẩn của cái hài hước đã chen vào trong những điều khủng khiếp, bí ẩn của nỗi sầu não theo sau các bi kịch, bí ẩn của con tim vui mừng vì những cái đầu bị chặt, bí ẩn của cái hài hước như là nơi trú ẩn cuối cùng của chất người…

14

Paul Valéry, như mọi người đều biết, không coi trọng lắm nghệ thuật tiểu thuyết: điều đó lộ rõ trong điếu văn của ông; ông chỉ quan tâm đến những thái độ trí thức của France; chứ không phải các tiểu thuyết của ông ấy. Về chuyện đó, ông không bao giờ thiếu những đồ đệ tận tụy. Tôi mở cuốn Các thiên thần khát trong tủ sách Folio (1989); ở cuối sách, trong phần “thư mục”, người ta giới thiệu năm cuốn sách viết về tác giả; như sau: Anatole France, nhà bút chiến; Anatole France, một nhà hoài nghi chủ nghĩa say mê; Những cuộc phiêu lưu của chủ nghĩa hoài nghi (bàn về sự phát triển tinh thần của Anatole France); Anatole, do chính ông viết; Anatole France, những năm hình thành. Các tên sách chỉ rõ người ta chú ý những gì: 1) tiểu sử France, 2) các thái độ của ông đối với những xung đột tinh thần trong thời ông. Nhưng tại sao không bao giờ quan tâm đến điều cốt yếu? Bằng tác phẩm của mình, Anatole France có nói lên điều gì chưa từng được nói về cuộc đời? Ông có mang điều gì mới đến cho nghệ thuật tiểu thuyết? Và nếu có, mô tả, xác định thi pháp tiểu thuyết của ông như thế nào?

Đặt cạnh nhau (chỉ trong một câu) các cuốn sách của France và các cuốn sách của Tolstoï, Ibsen, Zola, Valéry coi đó là những “tác phẩm nhẹ”. Đôi khi, chính nó không ngờ, sự độc ác lại có thể trở thành lời khen! Quả vậy, điều tuyệt vời, chính là sự nhẹ nhàng trong văn phong mà France đã biết dùng để xử lý cái sức nặng của thời Khủng bố! Một sự nhẹ nhàng không hề có cái tương tự trong bất cứ một tiểu thuyết lớn nào của thế kỷ ông. Một chút nào đó, nó khiến tôi nghĩ đến thế kỷ trước đó, đến Jacques, anh chàng theo thuyết định mệnh hay đến Candide. Nhưng ở Diderot hay Voltaire, cái nhẹ nhàng trong lối kể truyện bay lượn bên trên một thế giới ở đó thực tại hằng ngày nhìn thấy được và không được nói ra; cái tầm thường thường nhật, khám phá lớn ấy của tiểu thuyết thế kỷ XIX, ngược lại luôn hiện diện trong Các thiên thần khát, không phải bằng những mô tả dài dòng, mà bằng các chi tiết, các nhận xét, các quan sát ngắn gọn bất ngờ. Cuốn tiểu thuyết này là một sự chung sống của cái Lịch sử bi kịch một cách không sao chịu nổi với cái thường nhật tầm thường một cách không sao chịu nổi, một sự chung sống chói rực mỉa mai, do hai trạng thái đối lập ấy của cuộc sống luôn va chạm vào nhau, phủ định nhau, chế nhạo lẫn nhau. Sự chung sống ấy sáng tạo nên phong cách của cuốn sách đồng thời là một trong những chủ đề lớn của nó (cái thường nhật trong thời của các cuộc tàn sát). Nhưng dừng lại thôi, tôi không muốn chính mình làm một phân tích thẩm mỹ các tiểu thuyết của France.

15

Tôi không muốn bởi vì tôi chưa sẵn sàng cho việc đó. Tôi còn giữ ký ức đậm đà về Các thiên thần khátCửa hàng thịt quay của bà hoàng Pétraque (các cuốn tiểu thuyết này gắn sâu với cuộc đời tôi), nhưng tôi chỉ còn nhớ lơ mơ các tiểu thuyết khác của ông và có những cuốn tôi chưa hề đọc. Vả chăng đấy là cách ta biết về các nhà tiểu thuyết, ngay cả những người ta rất yêu mến. Tôi nói: “Tôi thích Joseph Conrad”. Bạn tôi thì bảo: “Còn tôi thì chẳng thích lắm.” Nhưng chúng tôi có nói về cùng một tác giả không? Tôi đã đọc của Conrad hai cuốn tiểu thuyết, bạn tôi chỉ đọc một cuốn mà tôi không biết. Vậy mà mỗi chúng tôi, hết sức ngây thơ (hết sức xấc xược một cách ngây thơ) đều tin chắc rằng mình đã nghĩ đúng về Conrad.

Có phải tình hình trong tất cả các ngành nghệ thuật đều như vậy? Không hoàn toàn như thế. Nếu tôi bảo rằng Matisse là một họa sĩ hạng hai, chỉ cần bạn mất mươi lăm phút thăm qua bảo tàng tranh của ông để hiểu rằng tôi là một tên ngốc. Nhưng làm sao có thể đọc lại toàn bộ Conrad? Phải mất đến nhiều tuần! Các nghệ thuật khác nhau đi vào tâm trí ta theo những cách khác nhau; lưu dấu lại ở đấy khó hay dễ khác nhau, theo tốc độ khác nhau, với một mức độ giản lược không thể tránh khác nhau; và với một sự bất biến khác nhau. Tất cả chúng ta đều nói về lịch sử văn học, chúng ta viện dẫn đến lịch sử ấy, tin chắc rằng mình hiểu rõ, nhưng cụ thể ra thì lịch sử văn học là gì trong ký ức chung của mọi người? Một thứ chắp vá những mảnh hình ảnh rời rạc mà, ngẫu nhiên, hàng nghìn người đọc tự tạo ra cho mình. Dưới một bầu trời lủng thủng của một ký ức mờ ảo và lừa lọc như thế, tất cả chúng ta tha hồ mà bị phụ thuộc vào những danh sách đen, những bản án tùy tiện và không thể tránh khỏi của chúng, luôn sẵn dàng nhại theo cái vẻ sang trọng ngốc nghếch của chúng.

16

Tôi tìm thấy lại một bức thư cũ, đề ngày 20 tháng tám năm 1971 và ký tên: Louis. Bức thư khá dài ấy là của Aragon trả lời những gì chính tôi đã viết cho ông (mà tôi chẳng còn nhớ được chút gì). Ông kể với tôi những gì ông đã đến với ông trong tháng qua, những cuốn sách ông đang cho xuất bản (“Cuốn Matisse sẽ ra mắt ngày 10 tháng chín…”) và trong ngữ cảnh đó, tôi đọc thấy những dòng sau đây: “Bài viết đả kích France chẳng có gì đáng quan tâm, thậm chí hình như tôi cũng không có cái mẩu báo ấy trong đó có một bài viết hỗn láo về tôi, thế thôi.”

Tôi rất thích những cuốn sách của Aragon viết sau chiến tranh, Tuần lễ thánh, Tử hình… Về sau khi ông viết lời tựa cho cuốn Chuyện đùa, thích thú vì được quen biết trực tiếp với ông, tôi đã tìm cách kéo dài các mối quan hệ với ông. Tôi ứng xử với ông giống như với cái bà tôi đã gặp trên chuyến taxi và để cho có chuyện mà nói đã hỏi bà thích nhà soạn nhạc Pháp nào nhất. Để khoe rằng mình có biết cái bài đả kích của những nhà siêu thực chống Anatole France, hẳn tôi đã đặt một câu hỏi với Aragon trong bức thư của tôi. Ngày nay tôi biết có thể tưởng tượng ra sự thất vọng nhẹ nhàng của ông: “Cái bài đả kích láo xược khổn khổ kia, có phải anh chàng Kundera chỉ biết có chừng đó trong tất cả những gì tôi đã viết ra?” Và lại thêm (buồn hơn rất nhiều: “Có phải về chúng ta rồi ra sẽ chỉ còn lại những thứ hết sức vớ vẩn?”)

17

Tôi đã gần đến đoạn cuối, và để nói một lời từ giã, tôi nhắc lại lần nữa cái chương 10, cái ngọn đèn sáng, được thắp lên ở phần ba thứ nhất của cuốn tiểu thuyết, vẫn không ngớt chiếu sáng cho đến tận trang cuối của cuốn sách bằng nguồn sáng êm dịu của nó: một nhóm nhỏ bè bạn, những kẻ lang thang, thoát khỏi Paris hai ngày và trú trong một cái quán đồng quê; tất cả đều tìm một cuộc phiêu lưu tằng tịu mà rồi chỉ có một cuộc được thực hiện: đêm xuống, và Desmahis, một anh chàng hay đi mò gái và hay đùa cợt đáng yêu, lén vào nhà kho tìm một cô gái trong bọn; cô ta không có ở đấy, nhưng anh ta tìm được một cô khác: một cô làm công trong quán, một cô gái trẻ to sù, vì có bộ xương lớn gấp đôi, bề ngang lớn hơn cả bề cao; cô ta nằm ngủ ở đấy, áo váy vén lên, hai chân dạng ra; Desmahis không chần chừ và anh làm tình với cô ta. Cuộc giao hợp ngắn ấy, vụ hiếp dâm dáng yêu ấy được mô tả rất vắn. Và để cho cái đoạn khúc đó không có gì nặng nề, thô bỉ, ngày hôm sau khi nhóm bạn chuẩn bị ra đi, cũng chính cô gái có bộ xương to gấp đôi đó, leo lên một chiếc thang, hết sức vui vẻ, hạnh phúc, giã biệt mọi người bằng cách tung xuống cho họ những bông hoa. Và cách vài trăm trang sau, ở cuối tiểu thuyết, Desmahis, cái anh chàng đáng yêu đã ngủ với cô gái có bộ xương to gấp đôi ấy, lại cùng nằm với Élodie, hôn thê của bạn anh là Gamelin đã bị chém đầu. Và tất cả những cái đó, không hề có một chút bi lụy, không có lên án ai hết, cũng chẳng có cười gượng, chỉ có một thoáng buồn rất, rất, rất nhẹ.