Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

Về Ánh Sáng của Tưởng Tượng và những Bông Hoa của Thực Tại trong Văn Chương (2)

Bùi Vĩnh Phúc

clip_image002

.4.

Ở một mức độ nào đó, tất cả những mảnh vải, mảnh lụa mà con người đan dệt nên bằng những chữ viết của mình, ít nhiều tùy theo bản chất của chúng, đều có pha trộn ngay trong bản thân chúng những sợi tơ của tưởng tượng. Viết, trên và trước, là một hoạt động cần đến trí tưởng tượng. Viết là rút ra từ trong ký ức của mình những hình ảnh, những câu chuyện, những biểu tượng… và sắp xếp chúng lại với nhau theo một trật tự nào đó. Công việc này không chỉ giản dị như việc các em bé cầm lấy những món đồ chơi trong hộp hay trong bị và bày biện chúng ra trước mặt. Cho dù, trong một cách nói nào đó đầy nét biểu tượng và so sánh, người ta có thể ví von công việc sáng tạo đầy tính thiên tài của một vài nhà văn nổi tiếng như thế. Thật sự, hành động viết đòi hỏi con người nỗ lực hơn thế nhiều lần.

Chúng ta đã từng nghe nhiều nhà văn nổi tiếng phát biểu về nỗi sợ hãi của mình trước trang giấy trắng như thế nào. Làm sao để có thể bắt đầu được dòng chữ đầu tiên. Làm sao để bắt được đầu mối của một câu chuyện. Nhiều người trong chúng ta đã từng có kinh nghiệm phải xé biết bao nhiêu trang giấy trước khi có thể viết được một câu đầu tiên mà chúng ta cảm thấy đúng cho một bài viết của mình. Chuyện gì đã xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc chúng ta bắt đầu ngồi xuống trước trang giấy trắng—hay là còn trước thời điểm đó nhiều nữa—và lúc chúng ta bắt đầu viết được một câu vừa ý để khởi đầu cho một bài viết? Chúng ta phải suy nghĩ, nhiều khi phải đi vào trong những ngõ ngách cũ kỹ và tối tăm của tâm hồn mình để tìm kiếm lại những hình ảnh, những cảm xúc xa xưa; chúng ta phải sống trở lại những ngày nắng và những chiều mưa trong quá khứ, phải sống lại những mộng tưởng và những thiết tha, những hạnh phúc và những đau đớn cũ… Tất cả những điều ấy nhiều khi đã được vùi lấp trong những vùng đặc kín sương mù của biết bao tháng năm chồng chất.

Công việc đi ngược thời gian và đi vào trong chính mình như thế cũng có thể là đối tượng tìm hiểu của tâm lý miền sâu (depth psychology), của những hoạt động tiềm thức, vô thức. Biên giới của nó với sự tưởng tượng, có những lúc, không thể phân biệt được. Ngày xưa, đã có thời người ta cho nhà thơ, nhà văn, kẻ sáng tạo, là những người điên, hay những con người bị quỷ ám. Vì những điều họ nói hay viết ra, phần lớn, là những điều mà con người sống trong đời thường không thể kiểm chứng được. Chúng không thể chồng khít với thực tại. Vì chúng, như Aristotle đã nói, là “những lời nói dối”. “Những lời nói dối” tuyệt diệu, phải nói như thế cho đúng tinh thần câu nói của Aristotle. Vì chính Aristotle đã đánh giá rất cao vai trò của nhà thơ, người sáng tạo, kẻ, theo ông, “có một nghệ thuật nói dối tuyệt diệu và tài tình” (Thi Học/Poetics, XXIV). Ông đặt vị trí của nhà thơ cao hơn vị trí của sử gia vì, theo Aristotle, sử gia chỉ là những người đi tìm sự thật qua những biến cố cá biệt và ngẫu nhiên; trong khi nhà thơ là những con người phát hiện ra được những sự thật phổ quát và có giá trị sâu sắc. Sự thật này nằm trong cái khả thể chứ không nằm trong cái hiện diện trước mặt hoặc đã xảy ra. Không như Plato đòi đuổi nhà thơ, con người sáng tạo, ra khỏi vương quốc của mình sau khi đã lịch sự “choàng vào cổ họ một vòng hoa”, vì ông cho rằng nhà thơ chỉ là kẻ phản ánh sai chân lý, vỗ về dục vọng và làm cho con người trở nên yếu đuối, Aristotle ca ngợi họ và cho rằng thơ ca, sáng vật của nhà thơ, kẻ sáng tạo, có thể thanh tẩy cảm xúc của con người và làm cho con người trở nên tốt hơn.

Trở lại với hành động viết. Nó hầu như luôn đòi hỏi sự tưởng tượng, cho dù chúng ta viết bất cứ điều gì. Nguyễn Hiến Lê trong phần “Lời Nói Đầu” cho bộ Hồi Ký của mình, cũng, trong một cung cách nào đó, ngầm công nhận điều ấy. Ông xin lỗi độc giả vì biết rằng trong bộ hồi ký của mình, có những chỗ, vì lý do này hay lý do kia, ông không thể hoàn toàn chính xác được. Ông cho rằng những tập hồi ký nổi tiếng nhất và được coi là gần với sự thật nhất, như tập Confessions của J.J. Rousseau hay tập Autobiography của Bertrand Russel thì cũng như vậy mà thôi… Ông viết, “Tôi đã ghi tình cảm, suy tư của tôi lúc này về một số sự việc xảy ra trong đời tôi mà tôi đã được nghe hoặc thấy. Có nhiều chỗ tôi đã vô tình chép sai sự thật, hoặc bỏ sót, điều đó không sao tránh được. Lỗi ở kí tính con người: nó bị tình cảm sai khiến; lại thêm ở tuổi bảy mươi như tôi, nó suy giảm nhiều rồi.” Thể loại hồi ký mà cũng phải chịu sự chi phối của tình cảm như vậy thì chúng ta nghĩ sao về những thể loại khác? Nói thế không có nghĩa là cho rằng Nguyễn Hiến Lê, và những người như J. J. Rousseau hay Bertrand Russel, đã không viết thật trong hồi ký của mình. Tôi trình bày điều đó ở đây chỉ để muốn nói rằng, Nguyễn Hiến Lê, trong cảm nghiệm về cuộc sống của chính mình, đã rất chân thật và đã cho chúng ta thấy ông đã hiểu rất rõ vai trò của ký tính là như thế nào. Nó chỉ là một bộ nhớ, và khi ký ức dẫn chúng ta đi quá sâu vào những vùng mà các dữ kiện đã bị mất dấu hoặc bị xóa bỏ, con người ta sẽ bắt gặp những lỗ hổng trên con đường trở về của mình. Nhưng tình cảm của chính con người sẽ làm công việc lấp bằng những lỗ hổng đó. Cái tình cảm ấy có thể được pha trộn với một số tưởng tượng có điều kiện, có nghĩa là những tưởng tượng này có gốc rễ từ những hoàn cảnh, biến cố nào đó trong cuộc sống của mỗi một con người, mà nếu không phải là một nhà phân tâm học, hay ngay cả khi chính mình là một nhà phân tâm, con người cũng chưa chắc biết được những điều kiện tạo nên những-hình-ảnh-không-thật kia đã xuất phát từ đâu. Tưởng tượng, như thế, có thể là một cơ chế tự nhiên giúp cho con người nối kết những mảnh rời, những khoảng cách thiếu cầu nối trong ký ức họ. Nó là một cơ chế đã được “gài” sẵn trong sự sống của con người.

Trong quyển Bay Đêm (Vol de Nuit) và, nhất là, sau đó với quyển Cõi Người Ta (Terre des Hommes ), Saint-Exupéry đã viết về kinh nghiệm sống trong vai trò là một phi công đưa thư thời thập niên 20, lúc phi cơ vẫn còn là một “khí cụ” khá xa lạ với con người.

Giữa lòng một vài đêm thâu lục nhạt, tôi đã nhìn những tia lửa băng trời thành một đường rẽ vút như một làn gió dài dàn rộng giữa muôn sao (…)

Trước nhãn quan mình, tôi luôn luôn nhìn thấy lại chuyến bay đêm lần đầu tại Argentine, một đêm tăm tối, nhìn xuống bình nguyên, chỉ thấy một vài ánh sáng cô đơn lấp lánh thưa thớt như những vì sao.

Trong bóng tối bao la mờ mịt, mỗi ánh đèn báo biểu mỗi hiện diện huyền diệu của mỗi tâm linh. Chốn này, người ta đang xem sách, người ta đang suy tưởng, người ta đang thổ lộ tâm tư. Nơi kia có lẽ người ta đang dọ dẫm không gian, người ta đang mỏi mòn trước những con số, tính toán mãi về tinh vân Andromede. Chốn nọ, người ta đang yêu đương. Đó đây, lác đác trên cánh đồng, những ánh lửa đang đòi hỏi được nuôi dưỡng, giữ gìn. Cho đến cả những ánh đèn kín đáo nhất, của nhà thơ, của nhà giáo, của người thợ mộc… Nhưng giữa đám sao rào rạt sống động kia, còn biết bao cánh cửa kín bưng, biết bao tinh cầu tắt lịm, biết bao con người ngủ say.

Phải gắng làm sao tiếp ứng nhau.

Phải gắng thử tương giao với một vài đốm lửa đang thưa thớt cháy trong cánh đồng bình lặng dưới kia. (…) (4)

Quyển Vol de Nuit của Saint-Ex. được giải Prix Fémina năm 1931. Quyển Terre des Hommes, sau đó, càng nổi tiếng hơn nữa. Nó được khắp thế giới biết tiếng và được yêu mến bởi bao nhiêu triệu độc giả. Saint-Exupéry trong cuốn sách này, cũng như trước đó trong Vol de Nuit, đã tả về kinh nghiệm thực trong nghề nghiệp của mình. Những chuyến bay đưa thư trong những cơn dông bão trên biển cả. Những lần lạc mất trong không gian tối thẳm của đêm, chỉ nhìn thấy xa xăm vời vợi trong vũng tối bao la của không gian trước mặt một ánh tinh cầu le lói. Những lần rớt máy bay trong sa mạc hoang vu… Tất cả đã là những kinh nghiệm thật. Nhưng cách viết của Saint-Ex., cách kể lại những kinh nghiệm thật chen lẫn với những mẩu chuyện đời, những suy tư đầy tính triết học về cõi con người, đã làm cho tác phẩm của ông trở nên đặc biệt. Theo lời giới thiệu của Ban chủ biên tủ sách Time-Life Books, trong bản dịch tác phẩm này sang tiếng Anh của Lewis Galantière dưới nhan đề Gió, Cát và Sao Đêm (Wind, Sand and Stars, theo tựa đề cũ tiếng Pháp cho tác phẩm này của chính Saint-Ex. là Du Vent, Des Sables, et Des Étoiles), tác phẩm này đã làm bối rối cho ngay cả những nhà chuyên môn. Họ yêu thích nó, nhưng không biết phải xếp nó vào thể loại nào. Ba tháng sau khi được xuất bản, nó được Hàn Lâm Viện Pháp trao giải Grand Prix du Roman (Giải Thưởng Lớn cho Tiểu Thuyết). Họ cho đó là tiểu thuyết hay nhất của năm 1939. Những nhà xuất bản Mỹ, về phần họ, đã chọn Wind, Sand and Stars là “the best non-fiction book of the year” (tác phẩm phi-hư-cấu hay nhất trong năm).

Fiction, theo tự điển Oxford, và cũng là theo cách chúng ta vẫn thường hiểu, là “những gì được sáng tạo ra hay được tưởng tượng ra, trái với sự thật. Xét về mặt văn chương, nó liên hệ đến những thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, những tác phẩm tình cảm lãng mạn…” Kinh nghiệm thật sau khi viết ra được coi là tưởng tượng, sáng tạo! Đó là kinh nghiệm của một nhà văn nổi tiếng của nước Pháp và là một nhà văn được cả thế giới yêu mến. Như thế, Hàn Lâm Viện Pháp, một cách mặc nhiên, đã xác nhận vai trò của tưởng tượng trong một tác phẩm văn chương, cho dù là nó đã được viết ra gần như trong dạng tự thuật, hồi ký.

Susan Sontag, trong quyển Tôi, v.v… và v.v… (I, etcetera) (5), đã trình bày con người mình trong những góc cạnh khác nhau, bằng những chất giọng khác nhau, khi thì nghịch ngợm, lúc lại trầm ngâm, khi thì thương cảm, lúc lại khôi hài, có lúc lại đầy chất trữ tình tha thiết. Qua tất cả những góc độ nhìn ngắm và bằng tất cả những chất giọng pha trộn ấy, qua tám truyện ngắn của tập truyện ngắn đầu tay này, bà đã cho chúng ta thấy được một con người tác giả đầy màu sắc trong nhiều chiều kích khác nhau. Con người tác giả này với Susan Sontag ở ngoài đời có thể chập vào nhau được không, có thể lắp ráp trùng khít vào nhau hay không, chuyện đó là thuộc về nhiệm vụ của người đọc—nếu họ muốn trả lời những câu hỏi trên. Trong nhận xét của tôi, Tôi, v.v… và v.v… của Susan Sontag chứa đầy sự thật mà cũng đựng đầy hư cấu. Thì tôi vẫn là tôi đấy , nhưng tôi cũng lại còn là một người khác nữa. Chính vì thế mà Borges đã viết Borges và Tôi (Borges and I), một tiểu luận thật ngắn và thật độc đáo mà tôi sẽ thử dịch ở đây. Tiểu luận này lại càng làm cho Borges nổi tiếng, và biến ông trở thành một huyền thoại:

Tất cả mọi chuyện là đã xảy đến cho một kẻ khác kia, cho Borges, chứ không phải là xảy đến cho tôi. Về phần tôi, tôi bước đi thong dong trên đường phố Buenos Aires, và, có những lúc, tôi ngừng lại, gần như một cách máy móc, để ngắm nhìn cái mái vòm cong khum khum của lối vào một ngôi nhà thờ kiểu cổ. Tin tức về Borges đến với tôi qua các thư từ mà tôi nhận được, và tôi có thấy tên hắn ta trong một danh sách ngắn của ban giáo sư đại học hay trong một quyển tự điển các tác giả. Tôi thì tôi mê các đồng hồ cát, những tấm bản đồ đủ loại, những kiểu in ấn thuở xưa thời thế kỷ thứ mười tám, tìm hiểu từ nguyên của các từ, thưởng thức mùi vị cà-phê, và văn xuôi của Stevenson; kẻ kia hắn cũng chia sẻ những sở thích của tôi, nhưng với một cung cách khá phô trương và có vẻ đầy kịch tính. Dù sao, cũng là một sự quá đáng nếu gọi liên hệ của chúng tôi mang tính thù nghịch. Tôi sống, tôi chấp nhận tiếp tục sống để Borges có thể chải chuốt, thêu dệt văn chương của hắn ta; và cái văn chương này lại xác định, biện minh cho chính con người tôi, cho chính sự hiện hữu tôi. Tôi cũng không thấy phiền hà hay ngại ngùng gì để thú nhận rằng kẻ kia, Borges, hắn cũng có cố gắng để viết được dăm ba trang xứng đáng, ra hồn, nhưng những trang sách này cũng chẳng cứu vớt được tôi, có lẽ vì những áng văn hay thì chẳng thuộc về một ai cả, ngay cả thuộc về kẻ kia, có lẽ chúng thuộc về chính ngôn ngữ, thuộc về truyền thống. Ngoài việc đó ra, định mệnh tôi đã được ghi dấu; tôi đã được định trước là sẽ phải đi vào lãng quên, lụi tàn dần, và, cuối cùng, cái tôi còn lại có chăng chẳng có gì hơn là một vài tia lửa hiện sinh nơi tôi bật cháy lấp lóe trong tác phẩm của kẻ kia. Từng chút, từng chút một, tôi trao gửi, giao nạp tất cả cho hắn, cho dù là tôi thừa biết cái thói xấu hay xuyên tạc lấm lem và hay cường điệu quá quắt của hắn. Spinoza đã hiểu rằng tất cả mọi sự đều muốn được tiếp tục mãi mãi trong chính bản thể của nó: Một hòn đá muốn là một hòn đá, muôn đời như thế, và một con hổ muốn là một con hổ, mãi mãi. Và tôi, tôi phải tiếp tục sống trong Borges, chứ chẳng phải trong tôi (nếu tôi có là một người nào đó đi chăng nữa). Nhưng tôi rất ít khi nhận ra mặt mày chân tướng mình, bản lai diện mục mình, trong những quyển sách hắn viết hơn là trong những quyển sách của những tác giả khác, hoặc là không bằng trong cái cách khảy đàn rất vụng của tôi. Nhiều năm trước đây tôi đã thử tìm cách cắt rời tôi ra khỏi hắn trong việc đào bới những huyền thoại về đời sống trong các khu nhà nghèo khó ở vùng ngoại ô, cũng như là trong việc đâm đầu vào những trò chơi với thời gian và vĩnh cửu; nhưng những trò chơi này bây giờ là của Borges, hắn cũng khoái chúng, và tôi sẽ phải tìm ra một trò khác. Và thế là đời tôi cứ chảy mòn, cạn kiệt dần, và tôi mất tất cả mọi sự, và tất cả đi vào quên lãng, hay tất cả là để phó mặc cho kẻ khác kia.

Tôi không thể nói được rằng ai trong chúng tôi đã viết ra những dòng chữ này. (6)

.5.

Nhưng tất cả những điều được xem là tưởng tượng, hư cấu kia, có những khi, lại dẫn người ta trở về tìm lại những thực tại được phơi bày hoặc chôn giấu trong đời thường. Một trong những tác phẩm nổi tiếng của văn chương thế giới làm tôi vô cùng yêu thích là quyển Cầu Trên Sông Drina (Na Drini Cuprija), giải Nobel văn chương năm 1961. Nguyễn Hiến Lê đã dịch quyển sách này rất hay (7). Tác giả Ivo Andric gọi tác phẩm này là một biên niên sử. Thật vậy, cuốn sách kể lại lịch sử trên dưới ba trăm năm chục năm của Nam Tư (Yugoslavia). Bao nhiêu là thế hệ đã trôi qua. Chiến tranh, lửa khói, lụt lội, tai ương, tang tóc cũng như bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, nụ cười và nước mắt của biết bao con người trong cuộc sống giữa đời đã trôi xuôi theo dòng nước dưới gầm cầu. Màu thời gian lững lờ in bóng trên mấy trăm trang sách. Đây là một cuốn biên niên sử, nhưng đây cũng là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời. Sân khấu của nó quá rộng, những diễn viên, nhân vật quá nhiều, và thời gian của cuốn sách cứ cuồn cuộn trôi qua như những cuộc đời cứ nối tiếp nhau không bao giờ cùng tận. Từ những ngày đọc xong quyển sách này ở Sàigòn vào năm đầu đại học, tôi đã bồi hồi sống với cuộc đời của những con người tưởng là xa lạ nhưng lại hết sức gần gũi ấy. Những con người bằng xương bằng thịt, sống và thở và khổ đau và hạnh phúc và cười khóc giữa đời. Tôi nhìn ra cái dòng thời gian lững lờ trôi chảy trên mấy trăm trang sách, và tôi đã thật buồn khi đọc đến những dòng cuối. Tôi không muốn câu chuyện của hơn ba trăm năm lịch sử đó chấm dứt vì, đối với tôi, nó không chỉ kể lại câu chuyện của lịch sử Nam Tư. Nó kể lại câu chuyện của đất nước và con người. Ở mọi thời và mọi nơi.

Ivo Andric là một nhà văn có tài. Ông cũng là một sử gia sâu sắc. Trước khi là một nhà ngoại giao, ông đã trình ở đại học Gratz một luận án tiến sĩ về đời sống tinh thần của người dân ở Bosnia-Herzégovina dưới thời bị Thổ-nhĩ-kỳ thống trị. Là một nhà văn, đồng thời cũng là một nghệ sĩ lớn, một nhà tâm lý với một cái nhìn thật sắc cạnh, trong tác phẩm này, Ivo Andric đã trình bày chi li những khuất khúc của tâm hồn những người dân ở đây, ở Visegrad: những người Thổ và Slave theo Hồi giáo, người Serbian theo Chính thống giáo, người Croatian theo Công giáo, những thày dòng thuộc tu hội thánh François d’Assise , những người Do thái, những sĩ quan Áo, những bọn hảo hán lục lâm… cùng những tục lệ cổ và những huyền thoại, những truyền thuyết gắn bó lấy cuộc đời họ, những trận chiến, những nguyện ước, và những mối căm thù tàn bạo, những đam mê kinh khủng của họ. Tất cả đều quấn quyện lấy nhau và có những liên hệ mật thiết với chiếc cầu đá mười một nhịp, với chiếc vòm khum khum mở rộng. Từ chiếc cầu đó, cả một thung lũng gợn sóng tỏa ra thành hình quạt với những xóm làng cheo leo trên sườn đồi, những thung lũng mơn mởn ruộng nương, đồng cỏ, vườn mận, và lác đác đó đây là những khu rừng nhỏ cùng những bụi cây bách… Đời sống người dân và lịch sử thu gọn của dân tộc Nam Tư nổi trôi theo dòng nước mà tháng năm cuốn đi dưới lòng cầu. Tờ The Daily Telegraph đã cho rằng “Cầu Trên Sông Drina là một tác phẩm lịch sử tiểu thuyết đứng đầu trong thể loại này, là một kết hợp tuyệt vời và lôi cuốn giữa thực tại và truyền thuyết… phóng chiếu và phản ánh cả một giai đoạn lịch sử với một kỹ thuật kể chuyện tuyệt luân.” J. B. Priestley thì lại cho rằng đây là “một tác phẩm đầy sức sống và sự tưởng tượng chi li, đòi hỏi một sự theo dõi cẩn trọng và một cung cách đọc thảnh thơi, thư giãn, hạnh phúc… Điều mà chúng ta có được ở đây khó có thể nói cho chắc là một tiểu thuyết, nhưng nó thuộc về một thể loại kịch-trường ca dân tộc đầy nét bi tráng, được thể hiện bằng văn xuôi”.

Ivo Andric đã kết hợp nhuần nhuyễn khả năng nắm bắt hiện thực lịch sử của ông, như một sử gia, với trí tưởng tượng phong phú, linh động và sắc nét của một nhà văn, để vẽ lại bức tranh lịch sử hoành tráng này. Cuốn sách là một tiểu thuyết lịch sử, có nghĩa là lịch sử đã được tiểu thuyết hóa. Và nó đã làm cho tôi cứ bị băn khoăn, ám ảnh mãi. Tôi cứ muốn tìm biết thêm về khung cảnh làng mạc, đất nước Nam Tư nói chung và Bosnia-Herzégovina nói riêng. Tôi muốn tìm biết thêm về cuộc sống tinh thần cũng như vật lý của những người dân ở đấy. Bởi thế, chính vì không muốn chấm dứt quyển Cầu Trên Sông Drina, khi sang đến Mỹ, có dịp tìm tòi trong các tiệm sách cũ và các thư viện, tôi đã tìm được quyển Chuyện Cũ Bosnia (8) cũng của Ivo Andric. Nằm trong bộ trilogy (ba quyển, trong đó có cả quyển Cầu Trên Sông Drina) viết về quê hương Bosnia của Ivo Andric, về lịch sử, đất nước và con người Nam Tư, tác phẩm này còn dài hơn là quyển Cầu Trên Sông Drina nữa. Nó là tác phẩm dài hơi và vĩ đại nhất của nhà văn nổi tiếng người Nam Tư này. Cũng được đặt trong khung cảnh của xứ Bosnia, cuốn sách trình bày cuộc sống của cư dân ở một làng quê tỉnh Travnik, nơi Ivo Andric được sinh ra, trong khoảng thời gian từ năm 1807 đến năm 1814, khi Napoleon đã bị thảm bại và sự tái lập nền Dân Chủ Pháp đã khiến cho tòa lãnh sự Pháp ở Bosnia phải đóng cửa. Ivo Andric, trong quyển sách này, đã vực dậy đời sống của bao nhiêu tầng lớp người trong cái cộng đồng dân quê của một xứ sở còn rất nghèo nàn và lạc hậu gần như man rợ ấy, kể cả đời sống của một vị lãnh sự Pháp, hai vị lãnh sự Áo, và ba vị tể tướng Thổ. Ông đưa ra trước mắt người đọc một tài liệu thật sống thực và lôi cuốn về những sinh hoạt hằng ngày cũng như đời sống tinh thần của bao nhiêu con người, trong những vị trí và hoàn cảnh cá nhân của họ, mà vẫn không bị lạc mất cái bối cảnh lớn là những âm mưu chính trị và những sức mạnh vô hình vẫn đang âm thầm họat động và chi phối cuộc sống của tất cả những con người đang nằm trong cơn lốc của chúng. Tác giả cũng cho ta thấy rõ cuộc sống cô đơn trong cảnh bị cô lập của những người ngoại quốc khi sống giữa một nền văn hóa xa lạ, trong một bầu không khí nặng nề u uất, qua đó, cho người đọc nhận chân được những phẩm chất cao quý của con người nói chung. Những phẩm chất này được thể hiện rõ khi con người bị đẩy vào thế phải đối mặt với nỗi buồn sầu tưởng là không thể nào chịu đựng nổi của cuộc sống và sự kiên trì đầy tính cao cả của nó trong việc chấp nhận để tiếp tục giữ mình trong cuộc.

Cuốn sách làm sống dậy trong tôi cái khung cảnh xa lạ mà lại rất quen thuộc thân thương của con người và lịch sử Nam Tư. Nó làm tôi có cảm tưởng là mình đang sống với những con người nghèo nàn cùng khổ của chính quê hương mình. Nó làm tôi chia sẻ những bồi hồi lo lắng hoang mang sợ sệt nhưng cũng có những lúc hạnh phúc sung sướng của những người dân Bosnia kia, những con người cũng đã chịu những nỗi dày vò đau đớn của bao thảm cảnh loạn lạc ly tán giống như những người dân nghèo khổ của đất nước tôi. Rồi tôi thấy mình càng ngày càng tìm sâu vào đời sống vật lý cũng như tinh thần của người dân Nam Tư qua đủ loại sách báo. Có lần tôi mua được một quyển sách xuất bản năm 1934 của Louis Adamic, mang tựa đề Cuộc Trở Về Của Đứa Con Hoang (The Native’s Return / An American Immigrant Visits Yugoslavia and Discovers His Own Country) (9). Cuốn sách với bản khắc gỗ ngoài bìa và những phụ bản là nhiều bức hình chụp đen trắng cũ kỹ của sáu, bảy chục năm về trước, cho thấy khung cảnh đất nước, làng mạc, thành phố, chợ búa, và con người Nam Tư trong quần áo hằng ngày cũng như trong những trang phục mà họ mặc trong các dịp lễ hội, làm cho tôi thật thích. Tác giả là một người gốc Nam Tư, được cha mẹ đưa sang Mỹ di cư từ nhỏ nên đã sống và suy nghĩ như một người Mỹ. Lớn lên, trở thành một ký giả danh tiếng, tình cờ trở về quê hương, ông đã được người quê hương nhận biết và chào đón hằng ngày—trong ba bốn hôm liên tiếp trước khi ông đặt chân trở lại đất quê nhà—trên báo chí địa phương khi chiếc thuyền chở ông về nơi chôn nhau cắt rốn còn đang lênh đênh trên biển cả. Ông đã trở về và, với cặp mắt của một người ngoại quốc nhưng với một trái tim của một con người quê hương, ông đã học hỏi lại những phong tục tập quán của đồng bào mình cũng như đã tìm hiểu để thích thú khi thấy được ý nghĩa của các truyền thuyết cùng những huyền thoại đã nuôi lớn con người và đất nước ông. Cuốn sách được viết như một tự sự hồi ký nhưng lại có giá trị của một nghiên cứu nhân chủng, xã hội, tâm lý sâu sắc đầy sức lôi cuốn. Nó làm tôi say mê.

Tám năm trước, vào một mùa hè, từ một cuốn sách của Ivo Andric mà tôi đã được xem thời bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa đại học—một cuốn sách như một bông hoa kỳ bí nở ra trong một khung cảnh loạn lạc, máu lửa chen lẫn hạnh phúc thiết tha của những người dân thuộc thành phố Visegrad, Nam Tư; một cuốn sách như một bông hoa kỳ bí, lạ lùng nở ra trong sự nghiên cứu về lịch sử quê hương mình quấn quyện với trí tưởng tượng độc đáo của một nhà văn—tôi đã lên đường sang thăm Nam Tư. Tôi đã đi thăm chiếc cầu trên sông Drina. Được xây đi xây lại mấy lần vì chiến tranh bom đạn tàn phá, giữa cảnh núi non hùng vĩ, chiếc cầu vẫn còn đứng đấy nhìn dòng thời gian lờ lững trôi xuôi. Màu thời gian tím ngát. Nó làm tôi bùi ngùi, cảm động. Tôi cũng đi thăm Dubrovnik, mà lịch sử hình thành được tính ngược trở lại từ thế kỷ thứ năm. Đây là một thành phố cổ với bức tường thành có số tuổi hơn một ngàn năm bao quanh. Rồi tôi đi Sarajevo thăm những con đường với những vọng tháp còn vương vất hơi thở của thời kỳ lịch sử Ottoman. Tôi cũng đi Mostar thăm ngôi làng cổ cùng chiếc cầu đá một nhịp nổi tiếng khắp thế giới—được xây vào thế kỷ XVI—ở đây. Khung cảnh đầy chất Thổ-nhĩ-kỳ với những con đường làng nhỏ ngoằn ngoèo, những ngôi nhà cổ với ống khói thở những hơi thở nặng nề, mệt nhọc lên trời xanh, những tiệm chạp phô bày cả ra ngoài lề đường với những ông già mặc áo kiểu Thổ, râu rậm dài xuống ngực và những cô gái mười tám hai mươi mắt đầy trời xanh ngồi bán những món đặc sản địa phương và những tấm thảm dệt đầy những đường nét kỷ hà vân vi nhiều màu sắc. Mostar là một làng nhỏ nhưng cũng mang trong nó cái hơi thở lịch sử như Visegrad và Sarajevo. Khoảng hơn một năm sau khi tôi đến thăm Nam Tư, vào tháng Chín 1991, Croatia đã đòi độc lập để tách khỏi liên bang chung mang tên gọi cũ là Yugoslavia (Nam Tư). Chiến tranh lại bắt đầu, và cuộc chiến ấy lại đẩy người dân Nam Tư vào một cơn ly loạn mới, chưa biết bao giờ mới thoát ra được. Sarajevo, Dubrovnik, và cả Mostar đã bị tàn phá nặng nề. Chiếc cầu đá một nhịp nổi tiếng của Mostar—ngày nào được đưa lên trang bìa của tờ báo TIME—giờ đã bị bắn sụp. Nghe những tin này, tôi thấy lòng quặn đau như khi nghe tin Huế bị tàn phá đổ nát trong cuộc chiến. Huế cũng như những thành phố ấy không phải chỉ là sự kết hợp của những cột đá, những đền đài, nhà cửa, đường phố, cây cối… Chúng có một linh hồn, và chúng có một quá khứ. Cây cầu ở Mostar đang được xây cất lại. Nhưng vết thương của chiến tranh ly loạn đã hằn sâu trong nó. Tôi thấy thương tiếc và đau lòng vì những cái đẹp đã bị tàn phá, bị bóp chết một cách hung bạo.

Sự tưởng tượng của một nhà văn có tài là Ivo Andric đã dẫn nhiều người, trong đó có tôi, tìm biết về lịch sử và con người Nam Tư. Cũng như chính là vì Kawabata, giải Nobel văn chương năm 1968, với những cuốn sách nổi tiếng của ông—đặc biệt là hai cuốn Xứ Tuyết (Yukiguni / Snow Country) và Tiếng Rền Của Núi (Yama no Oto / The Sound of the Mountain)—mà tôi đã để ý tìm hiểu thêm về đất nước, con người và văn hóa Nhật (10). Để thấy rằng dân tộc và con người ở đâu cũng mang trong mình những phẩm tính cao quý chung của loài người. Lịch sử của dân tộc nào cũng chia sẻ những khốn cùng, đau thương và những vết rạn nứt chung của trái tim nhân loại. Sự tưởng tượng, như thế, lại thúc đẩy con người tìm về với thực tại và những giá trị đích thực của chúng.

Về vấn đề này, ở đây, tôi muốn nói chút ít về một câu chuyện mà, bây giờ, đọc lại tôi vẫn còn cảm thấy lôi cuốn. Câu chuyện này cũng chứng minh cho điều mà tôi vừa nói: sự tưởng tượng có thể lại thúc đẩy con người tìm về với thực tại và những giá trị đích thực của chúng. Ngay từ khi lên bảy tuổi, Heinrich Schliemann đã được đọc và nghe kể lại về câu chuyện thành Troy, một câu chuyện mà ai cũng tin là chỉ mang tính chất huyền thoại, được viết vào khoảng thế kỷ thứ tám trước Tây lịch. Nhưng Schliemann, từ tác phẩm thơ Iliad (và Odyssey) mang đầy nét huyền hoặc kia của Homer—về nàng Helena, về Ulysses, và về những nhân vật mang đầy nét thần thoại khác—, lại muốn tìm bắt thực tại. Ông tin rằng Troy là một thành phố có thật, và ông nhất quyết tìm ra nó. Vào thời ông, những năm bảy mươi và tám mươi của thế kỷ XIX, ngành khảo cổ học còn trong giai đoạn sơ sinh. Thiếu hẳn những kiến thức và kỹ thuật của ngành khảo cổ hiện đại, và, chỉ được trang bị với một cuốn Iliad quăn queo luôn luôn có trong túi áo, Schliemann, người kém khoa học nhất trong tất cả các nhà khảo cổ mà nhân loại được biết, đã tìm lại được thành Troy cùng với những chứng tích lịch sử đầy huy hoàng và lôi cuốn của nó. Schliemann trở nên cha đẻ của khoa học về khảo cổ thời hiện đại. Tưởng tượng đã cho thấy rằng nó có sức lôi cuốn và dẫn dắt con người tìm về thực tại để khám phá trở lại những giá trị đã được mã hóa trong tác phẩm. Tưởng tượng, như thế, không cắt rời con người ra khỏi thực tại; trái lại, nó hoạt động như một chiếc cầu bắc ngang qua những biên giới vô hình để nối kết những bờ thực và bờ mộng của đời sống. James Joyce đã nói về kinh nghiệm có tính thiêng liêng này của mình như sau: “Ô! Trong cung lòng trinh trắng của tưởng tượng, lời [chữ nghĩa] đã trở thành xương thịt.” Joyce cho rằng nghệ sĩ là một “linh mục” đã biến tấm bánh mì hằng ngày của kinh nghiệm thành ra mình máu đẹp tươi, sáng láng của sự sống vĩnh hằng (11). Northrop Frye, trong The Educated Imagination, cho rằng thế giới của chúng ta có thể có bất cứ một chiều kích lớn lao nào mà sự tưởng tượng của chúng ta cho phép. Ông cho rằng không có gì ở ngoài sự tưởng tượng, vì trong lãnh thổ của sự hiện hữu con người, tưởng tượng đã tiếp máu cho tất cả những gì thuộc về sự sống. Frye còn cho rằng tưởng tượng sẽ không chịu ngừng nghỉ cho đến khi nào nó “nuốt trọn” tất cả mọi sự, kể cả thời gian và không gian, vào trong nó (12).

Và, chính là tôi, hay một kẻ nào khác, hay sự tưởng tượng của mình đã viết ra những dòng này trong một bài thơ năm xưa:

(…)

Rồi tôi thấy tôi lang thang ở vùng biển Địa Trung Hải

Saint-Paul-de-Vence, gần Nice, Côte d’Azur

Những con đường nhỏ lát gạch cũ kỹ ngoằn ngoèo dẫn mãi lên cao

Những kiến trúc để lại từ thời Trung Cổ

Những bức tranh của Picasso, Klee, Dufy, Utrillo, Derain

treo đầy những bức tường ở Colombe d’Or

trả giá cho những bữa ăn thời các họa sĩ còn đang lang thang đói rét

Và mộ Marc Chagall nằm trên đồi cao gió thổi

Giữa những um tùm cây cối và những tiếng đùa vọng của chim

Ánh sáng ở đây như được lọc qua những tấm kính màu

Ở Chapelle du Rosaire do Matisse làm ra

Ánh sáng thơm và mát

Chagall đã ra đi từ 1985

Tôi gõ tay vào ngôi mộ xi-măng giản dị của ông,

một ngôi mộ với nét vẽ nguệch ngoạc

hình thiên thần hai cánh tung bay tay cầm một chân nến Hanukkah

(Ngôi mộ giản dị hơn bất cứ một ngôi mộ nào ở cái nghĩa địa gió này)

Ông cụ mở cửa hỏi tôi cần gì

Tôi bảo tại sao con người lại bay đi như chim

Tại sao con người là một nốt nhạc

Ông cụ bảo rồi anh cũng sẽ bay đi

Anh cũng là một nốt nhạc

Con người ai cũng có khả năng bay

Còn khi rung động thì họ là một nốt nhạc

Con người sẽ bay lên và họ sẽ trở thành những nốt nhạc

Nhất là khi họ yêu thương và muốn với lên những vì sao

Tôi cám ơn ông cụ và đi lang thang về những con đường,

những thành phố khác

Ở Czechoslovakia,

mùa Xuân vẫn còn đang rộ nở tại Praha

Kafka và những giấc mơ

Những con đường ngoằn ngoèo nguệch ngoạc

vẫn chạy mãi vào những trang lịch sử

Cầu Charles trên dòng Vltava

và nhà thờ Saint George ở Xóm Cũ

Tại Budapest, lịch sử Hung Gia Lợi vẫn trôi

trên dòng Danube

Con người vẫn sống vẫn thở vẫn yêu thương trên hai bờ Buda và Pest

Ở Yugoslavia,

tôi nằm nghe gió thổi miên man trên cái kapia

Cầu trên sông Drina

Ivo Andric

Những cuộc đời lại quày quả trở về

xôn xao trong tim trong mộng

Và chiếc cầu đá cổ ở Mostar

trên dòng Neretva

Bao thế kỷ rồi vẫn nhìn đời sống lướt trôi lướt trôi về vô tận

Tôi đứng trên cầu nhìn những xóm nhà heo hút

dần dần khuất bóng vào sương núi lam chiều

Ở Sarajevo, ở Dubrovnik, và ở biển Adriatic cô liêu

Những con người vẫn bay đi bay về trên dòng thời gian quạnh quẽ

Đó là một dòng chảy xanh lơ

Bây giờ máu đang chảy ra ở những nơi chốn đó

Những mộng mơ tôi nơi ấy chắc cũng hoảng hốt đập cánh tung bay

Tôi lại nhớ đến quê nhà

Những con đường và những bóng cây

Những làn khói xanh lơ và những dòng sông thuở nhỏ…

Tôi vẫn đi trên những con đường của cuộc đời

Gió mưa nắng quái và những sáng bạch chiều rơi

Những ánh sáng và những hương hoa tôi thầm ôm ấp

Có khi là những con chim dịu dàng mềm mại

Chúng thổi tiếng vi vu của cuộc đời vào lòng tôi sâu thẳm

Có khi, ừ có khi, chúng biến thành những vệt gai đâm

Hay có khi chúng thành những mảnh kính sắc

Đâm cắt vào lòng rạch nát vào tim

Tại sao những mảnh kính tại sao những mẩu gai?

Tại sao tiếng cười tại sao dòng lệ?

Thế nhưng tôi vẫn yêu mãi cuộc đời

Tôi vẫn chẳng thôi yêu thương những con chim, những dấu gai, và những mảnh kính sắc kia

Chúng dạy cho tôi biết thế nào là cuộc sống

Thế nào là dòng máu thế nào là trái tim

Thế nào là khổ đau thế nào là hạnh phúc

Và bảo rằng tôi vẫn ở giữa muôn thuở con người

Và thế nào là một niềm tin.

*

Cậu bé nhỏ vẫn còn nghe mãi những tiếng mưa rơi

Những tiếng mưa rơi mịt mù trong khu xóm vắng

Tiếng mưa chạy đuổi nhau với những vì sao

rớt về từ triệu năm ánh sáng

Tôi vẫn đứng trong khu rừng kia

Người con gái mắt mềm như lá múc tay xuống dòng sông ấy

(Dòng sông lổ đổ tiếng cười của những vì sao)

Cầm lên đưa tôi một con suối nhỏ

Con suối giờ vẫn còn xao động trong tim

và những vì sao trong đó vẫn còn thức giấc

Tôi vẫn ngồi trên một mái nhà

Những con chim con mèo con chó vẫn còn lang thang dạo chơi trên ấy

Và người con gái kia

với đôi mắt vương màu tím than của một ngôi sao chấp chới

Đêm vút lên thành một nốt nhạc

Rồi lặng yên bao phủ cuộc đời…

Tôi vẫn đi trên những con đường

Ánh sáng và bóng tối

những sớm nắng và những chiều sương

Có khi tôi hát ca có khi tôi ngồi quạnh quẽ

Một nửa ánh trăng che mái hiên đời

Những mảnh sắc, những gai đâm, những con chim, những đóa hoa, những cây lá…

Xếp lại dần thành vóc hình tôi

*

Rồi một buổi nào thì tôi cũng sẽ bay đi

Một ông cụ già đã bảo cho tôi biết trước

Tôi sẽ bước ra ngoài thời gian

Như trèo ra ngoài cửa sổ trổ ra song sóng những mái nhà

Trổ ra một bầu trời xanh xa sâu thẳm

Có những ngôi sao thơm mùi ngọc lan

Và tôi sẽ bước đi

ở một chiều biên giới khác.

(Saint-Paul-de-Vence, VII, 1993) (13)

.6.

Tưởng tượng, ánh sáng và bà mẹ của những bông hoa thực tại, ta muốn hỏi nhỏ: Trong dòng chảy lững lờ và miên man của cái-ta mỗi ngày kia, đâu là ánh sáng của người và đâu là thực tại đời ta?

bùi vĩnh phúc

Irvine, Calif.

XII-1998

(Xem lại và sửa: 30 – IX – 2014)

___________________________________

Chú Thích:

(1) Plinio Apuleyo Mendoza & Gabriel García Marquez, The Fragrance of Guava. London: Verso, 1983.

(2) F. R. Leavis, “The Significance of C. P. Snow”, Spectator (tháng Chín,

1962).

(3) Jorge Luis Borges, Seven Nights. Eliot Weinberger dịch, Alastair Reid giới thiệu. New York: New Directions Books, 1984.

(4) Antoine de Saint-Exupéry, Terre des Hommes. Bản dịch Việt ngữ Cõi Người Ta của Bùi Giáng. Sàigòn: Quế Sơn Võ Tánh, 1960.

(5) Susan Sontag, I, etcetera. New York: Farrar, Strauss and Giroux, 1978.

(6) Xem Who’s Writing This?/ Notations on the Authorial I with Self-Portraits, New Jersey: The Ecco Press (1995) do Daniel Halpern chủ biên. Đây là một cuốn sách tập hợp 57 tiểu luận ngắn của 57 tác giả. Dựa trên tiểu luận nổi tiếng “Borges and I” của Borges, những tác giả này—trong đó có những người nổi tiếng như John Fowles, John Updike, Margaret Atwood, James A. Michener, Susan Sontag, Darryl Pinckney, Alice Hoffman, Roy Blount Jr., Joyce Carol Oates, Czeslaw Milosz, Arthur Miller, Robert Olen Butler, Paul Theroux, Cynthia Ozick, Scott Turow, Peter Mayle…—đã trình bày trước mắt người đọc con người văn chương của mình. Một phần dựa trên cung cách của Borges, phần khác được diễn tả trong cung cách đặc thù của mỗi người, tất cả các tác giả này đều để lộ cho người đọc thấy cái chân diện mục của cái “kẻ khác” kia—tên bạn thiết, kẻ bắt chước, kẻ giả mạo, gã thế thân, nhà ẩn sĩ, kẻ tự yêu mình—trong chính con người mình ra sao. Mỗi tiểu luận đều được bắt đầu bằng một thứ “chân dung tự họa” do chính tác giả vẽ.

(7) Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê dựa theo bản Pháp ngữ , Il est un pont sur la Drina, của Georges Luciani (không rõ năm và nhà xuất bản). Bản Việt ngữ của NHL do Trí Đăng xuất bản tại Sàigòn năm 1971. Văn Nghệ tái bản tại California, Hoa Kỳ, 1989. Cũng có thể so sánh thêm với bản dịch Anh ngữ của Lovett F. Edwards, The Bridge on the Drina, Chicago: The U. of Chicago P., 1977, hay một ấn bản khác của cùng dịch giả, New York: A Signet Book, 1960. Ngoài ra, để công bằng, cũng nên so sánh bản dịch (với một số đoạn bị dịch giả lược bỏ) của Nguyễn Hiến Lê với bản dịch đầy đủ của Vương Đăng (Nhịp Cầu Trên Sông Drina, Saigon: Nguồn Sáng, 1972)

(8) Ivo Andric, Bosnian Chronicle. Bản dịch của Joseph Hitrec. New York: Alfred A. Knopf, 1963. Hoặc bản dịch Bosnian Story của Kenneth Johnstone. London: Lincolns-Prager Publishers Ltd., 1961.

(9) Louis Adamic, The Native’s Return / An American Immigrant Visits Yugoslavia and Discovers His Own Country. New York & London: Harper & Brothers, 1934.

(10) Thật ra, quyển sách mà tôi thích nhất của Kawabata là quyển Cố Đô (bản tiếng Anh lấy theo tên trong nguyên tác là Kyoto). Cuốn sách này, cùng với hai quyển Xứ TuyếtTiếng Rền Của Núi, đã cho thấy rõ những ẩn dụ đầy nét duy cảm chủ nghĩa pha với những ấn tượng trực giác thật đẹp của nhà văn để nói về những nỗi đau đời và nét cao cả trong tâm hồn con người. Đặc biệt, nó cũng cho thấy rõ cái khuynh hướng quay về với những di sản cổ điển của dân tộc Nhật Bản nơi ông.

(11) James Joyce, The Portrait of the Artist as a Young Man. New York: Viking, 1956.

(12) Northrop Frye, The Educated Imagination. Bloomington, Ind.: Indiana University Press,

1964.

(13) Bùi Vĩnh Phúc, trích đoạn trong Rồi Một Buổi Nào Thì Tôi Cũng Sẽ Bay Đi (Hợp Lưu số 13, tháng 10 & 11, 1993).