Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

Thơ A. Puskin

d1f728698f973049b39c38ad6699676bVăn Việt: Trong nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga và văn học Nga, nhà giáo, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Vũ Thế Khôi luôn ấp ủ ý nguyện có được bản tiếng Việt tốt nhất cho thơ A. Puskin – nhà thơ lớn của nước Nga và của nhân loại.

Theo ông, việc chuyển ngữ một bài thơ là việc vô cùng khó khăn. Vì vậy, cách làm của ông là mỗi bài thơ cần có vài ba bản dịch của những dịch giả khác nhau, hầu đem lại cho người đọc một sự lựa chọn, một cách thưởng ngoạn tốt nhất.

Năm 1999, nhân kỷ niệm 200 năm sinh A. Puskin, ông lần đầu tập họp và giới thiệu 52 bài thơ trữ tình của A. Puskin với 93 bản dịch.

Năm nay, nhân kỷ niệm 215 năm sinh của A. Puskin, Vũ Thế Khôi cùng Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và Phân viện A. Puskin tại Hà Nội xuất bản tập thơ trữ tình song ngữ của A. Puskin. Với 90 bài thơ nguyên tác , 163 bản dịch của 37 dịch giả, công trình quý báu này đã đem đến cho bạn đọc Việt Nam một cái nhìn toàn diện hơn, phong phú hơn, chân xác hơn về thơ A. Puskin.

Văn Việt trân trọng giới thiệu một số bài thơ được rút từ tập Thơ A. Puskin, song ngữ Nga-Việt.

Khấn ngài Thổ công

Tôi xin cầu khấn ngài Thổ công

Thiện thần phù hộ cho ruộng đồng

Xóm làng, rừng núi và vườn tược,

Mái ấm gia đình của cha ông.

Xin ngài ngăn gió mạnh cuối thu

Phòng ngừa chợt lạnh những cơn mưa

Và cho tuyết dày rơi kịp lúc

Ruộng đồng no nước để được mùa

Xin ngài mãi ngự đất tổ tiên

Ngừa quân trộm cướp lúc nửa đêm

Ngăn phường ác độc không dòm ngó,

Cho nhà có phúc hưởng bình yên.

Xin ngài đi rẻo canh chừng cho

Vườn nhỏ, ao con nước lặng lờ,

Ruộng rau đôi luống gầy xơ xác,

Bờ rào xiêu vẹo, cổng đơn sơ.

Xin quí sườn đồi mướt xanh tươi

In dấu chân nhàn lúc dạo chơi

Vòm mát rừng sồi, phong cổ thụ

Đó nguồn cảm hứng nàng thơ tôi!

Văn Khôi dịch

Thiên tình sử

Một buổi tối mùa thu mưa ảm đạm

Ở nơi xa thiếu phụ cúi đầu đi,

Ghì trong tay run rẩy một hài nhi

Kết quả đó của tình yêu bất hạnh.

Yên lặng quá chung quanh, trong đêm lạnh

Những cánh rừng, ngọn núi ngủ từ lâu.

Nàng dừng chân, lo sợ ngẩng cao đầu

Mắt sâu thẳm đăm đăm nhìn đêm tối.

Khi dừng lại ở hài nhi vô tội,

Nàng thở dài ngao ngán phút giây lâu.

“Ngủ đi con của mẹ, mối u sầu,

Con không biết những nỗi niềm đau khổ.

Lúc mở mắt, ngày mai, trời sáng tỏ,

Con đói lòng không thấy sữa mẹ đâu,

Con sẽ không bắt gặp cái hôn đầu

Của mẹ nó, một con người bất hạnh.

Con sẽ hoài công khóc trong mưa lạnh

Chịu sự dày vò tủi nhục tháng năm…

Con sẽ quên bóng dáng mẹ âm thầm,

Nhưng còn mẹ, mẹ nhớ con mãi mãi.

Khi người lạ cho con nơi nương lại,

Họ nói rằng: “Mi không phải con ta!”

Gia đình thân yêu, tìm mãi không ra

Con tự hỏi: “Mẹ cha mình đâu nhỉ?”.

Giữa những trẻ thơ vui đùa hoan hỉ

Con đắm chìm trong suy tưởng vấn vương.

Tâm hồn con nhức nhối đau thương

Khi bắt gặp sự nuông chiều mẫu tử.

Khắp mọi chốn, con là người tư lự

Cúi thấp đầu trước miệng thế ba hoa.

Khi nghe lời xỉ mắng quá chua ngoa

Đừng giận mẹ, con ơi, đừng giận mẹ!

Cũng có thể đáp lòng mong con trẻ

Một ngày kia con sẽ gặp cha.

Anh ở đâu, kẻ phản bội hiền hoà

Không quên được của đời em mãi mãi?

Khia xoa dịu người cha khổ ải.

Con hãy nói rằng: “Mẹ mất từ lâu.

Nỗi biệt li dày xéo trái tim đau

Nên mẹ bỏ thế giới này trống rỗng”.

Cũng có thể, đừng buông lơi hi vọng

Rồi mai đây con gặp mẹ giữa đường

Cái nhìn con chan chứa yêu thương

Chẳng lẽ mẹ không nhận ra con nữa?

Ôi giá như đất trời phù hộ

Cho những con người sống với niềm tin…

Nhưng biết đâu, con đi chẳng ngoảnh nhìn

Để mẹ ôm mối hận lòng đứng mãi!

Hãy cho mẹ, lúc này con đang ngủ

Ôm chặt con, lần cuối, sát trong lòng.

Tòa án cuộc đời oan nghiệt xử xong

Khép mẹ con ta vào vòng khổ ải.

Lúc năm tháng chưa đuổi đi xa mãi

Những niềm vui trong sáng ở trong đầu,

Ngủ đi con, những khổ hạnh buồn đau

Không giết được cả tâm hồn con trẻ!”.

Bỗng bất chợt sau rừng thưa trăng hé

Sáng lều tranh cách thiếu phụ không xa.

Nàng nhón nhân nhẹ tiến đến thềm nhà

Tay ôm chặt đứa hài nhi vô tội.

Nghiêng mình xuống, nhẹ tay nàng đặt vội

Đứa con thơ bên ngưỡng cửa lạnh lùng.

Rồi quay đi, sợ hãi giật mình run

Nàng biến mất trong đêm dày tăm tối.

1814

Nguyễn Mộng Sinh dịch

Phục sinh

Họa sĩ dã man nửa mê nửa tỉnh

Bức vẽ thiên tài cầm bút tô đen,

Và bất hợp pháp quét lên trên đó

Bức vẽ của mình quệch quạc quàng xiên.

Nước sơn lạ nhạt theo ngày tháng,

Rơi rụng thành những vẩy tả tơi.

Và bức vẽ thiên tài lại hiện,

Nguyên vẹn như xưa nét bút tuyệt vời.

Cũng như vậy biến đi lầm lạc

Khỏi hồn ta dằn vặt khổ đau.

Và sống lại những hình xưa cũ,

Trong trắng tinh khôi của những buổi đầu.

1819

Minh Lê dịch

Mùa xuân mùa của tình yêu…

Mùa xuân mùa đẹp của tình yêu

Mà sao lòng nặng nỗi tiêu điều

Rã rời ngơ ngác trong tâm trí

Hồn lười chẳng thiết thú vui nhiều

Những gì xinh đẹp của mùa xuân

Cứ ngời lên sáng cứ bâng khuâng

Chỉ làm tôi thấy thêm buồn chán

Mệt mỏi vô ngần bước thế nhân

Hãy giả lại tôi cơn bão tuyết

Cuồng phong cuồn cuộn ở bên lòng

Và màn đêm dằng dặc mùa đông!

Thụy Anh dịch

Nàng tiên cá

Có một thầy tu rất lâu rồi

Ở ẩn trong rừng, bên hồ nước

Khắc khổ tu hành tháng ngày trôi

Cầu nguyện, ăn chay, bỏ việc đời

Thầy tu lo toan chuyện hậu sự

Tự tay đào sẵn mộ một ngôi

Mong sớm được về bên cạnh Chúa

Cái chết thiêng liêng thoả lòng người

Một lần mùa hè bên bậu cửa

Trong lều xiêu vẹo vị chân tu

Mang lòng thành kính cầu nguyện Chúa

Rừng sồi lặng ngắt, đêm mịt mù

Mặt hồ lãng đãng màn sương phủ

Trăng vàng lấp loá trong đám mây

Lặng lẽ vòm trời trăng đi dạo

Thầy tu ngồi ngắm nước vơi đầy

Thầy nhìn bỗng lòng đâm hoảng sợ

Không còn tin nổi cả mắt mình…

Thầy thấy mặt hồ lao xao sóng

Thoắt đâu thiếu nữ bỗng hiện hình

Nhẹ nhàng như bóng đêm sơn cước

Trắng như tuyết trắng phủ trên đồi

Mình trần nàng bước lên mặt nước

Bờ hồ lặng lẽ nàng tiên ngồi

Nàng nhìn thầy tu tuổi già nua

Tay chải tóc mình mượt như tơ

Còn thầy toàn thân run run sợ

Ngắm sắc nàng tiên tựa trong mơ

Tay nàng vẫy vẫy như mời gọi

Đầu khẽ nghiêng nghiêng vẻ đợi chờ

Bỗng như sao trời vụt bùng cháy

Nàng lặn sau làn sóng nhấp nhô

Cả đêm thầy tu mắt chong chong

Nguyện cầu quên lãng cả ngày ròng

Ý nghĩ vẩn vơ đâu xuất hiện

Chỉ thấy bóng hình tiên trắng trong

Rừng sồi lại phủ màn đêm tối

Trăng lại hiện lên sau đám mây

Nàng tiên lại hiện trên mặt nước

Ngồi đấy xanh xao vẻ đắm say

Nàng nhìn, đầu gật như vẫy gọi

Nụ hôn nàng gửi gió hương qua

Vùng vẫy nô đùa bên con sóng

Như trẻ cười rồi khóc oa oa

Nàng gọi thầy tu, nàng thổn thức

“Thầy ơi, hãy đến, em, em đây!”

Rồi bỗng biến đi trong lớp sóng

Bờ vắng im lìm giấc ngủ say

Ba ngày thầy tu lòng đắm đuối

Bến bờ cực lạc đã kề bên

Nàng tiên trong mơ thầy ngồi đợi

Đêm phủ rừng sồi, trăng lại lên…

Bình minh bừng tỉnh xua đêm tối

Chẳng ai còn thấy thầy tu đâu

Lũ trẻ chỉ thấy râu như cước

Ẩn hiện trong làn nước hồ sâu.

Lê Đức Thụ dịch

Ông và anh

Thay vì ông trống rỗng

Nàng lỡ miệng gọi “anh”

Để hồn tôi xao xuyến

Bao giấc mơ ngọt lành

Trước nàng tôi im lặng

Không rời mắt khỏi nàng

Nói: Quí cô đẹp lắm!

Và nghĩ: Anh yêu em!

Quỳnh Hương dịch

Đêm

Gọi em tha thiết dịu dàng

Đêm đen lặng lẽ muộn màng xôn xao

Bên giường ngọn nến gầy hao

Thơ anh thắp lửa hòa vào êm êm

Dòng sông tình, đong đầy em

Chao nghiêng ánh mắt, bóng đêm vỡ òa

Ánh cười – nốt nhạc ngân nga:

Anh yêu có biết em là… của anh!

Hoàng Thị Vinh dịch

“Anh đã yêu em…”

Anh đã yêu em… ngọn lửa tình

Đến nay chưa hẳn tắt trong tim;

Nhưng thôi, chẳng bận lòng em nữa,

Anh gói tình anh vào lặng im.

Anh đã yêu, tuyệt vọng tái tê,

Day dứt ghen tuông với rụt rè.

Cầu Chúa ban em tình yêu mới

Như tình anh, trân trọng, say mê.

Huyền Anh dịch

Những con quỉ

Mây vần vụ đầy trời;

Khuất mây, ánh trăng soi

Nhờ nhờ trên thảm tuyết,

Đêm mờ mờ, rét mướt

Xe bon trên đồng hoang,

Nhạc ngựa reng-reng-reng…

Không dưng lòng sợ hãi

Giữa cánh đồng chưa quen!

“Đi thôi, bác xà ích!”

“Ngựa mệt nhoài, thưa ông,

Mắt tôi cũng tịt mít

Trong bão dông, và tuyết

Đã ngập mọi nẻo đường,

Xe chệch hướng. Trên đồng

Như có quỉ dẫn lối,

Rắp tâm đưa lòng vòng.

Kìa nhìn xem, chúng đang

Khạc nhổ vào tôi đấy,

Giờ lại gắng xô đẩy

Cho ngựa sụt hố lầy

Chúng nhô trước tôi đây

Như mốc đường lạ lẫm,

Mắt lập loè sáng lạnh

Rồi biến trong màn đêm”.

Đầy trời mây vần vụ;

Mây che mờ ánh trăng;

Cánh đồng hoang tuyết phủ

Dưới trăng cành mênh mang.

Sức chúng tôi đã kiệt,

Tiếng nhạc cũng thốt dừng,

Ngựa khựng… “Kìa trên đồng,

Gốc cây hay sói đó?”.

Bão khóc than, giận dữ;

Ngựa thính thở phì phò;

Lũ quỉ đã lảng xa

Riêng mắt còn ánh lửa;

Ngựa lại bước tong tả;

Tiếng nhạc reng-reng-reng…

Tôi thấy quỉ quần tụ

Trắng nhợt nhòa đồng hoang.

Chúng quay cuồng, bất tận,

Xấu xí, chẳng giống nhau,

Như lá cây tháng một,

Dưới ánh trăng đục ngàu…

Chúng bị đuổi đi đâu?

Cớ sao kêu thảm thiết?

Hay chúng chôn ma chết?

Hay phù thủy cưới chồng?

Đầy trời mây vần vụ;

Mây che mờ ánh trăng;

Cánh đồng hoang tuyết phủ

Dưới trăng càng mênh mang.

Lũ quỉ chạy từng đàn

Trên khoảng không vô tận,

Tiếng kêu réo não nùng

Xé tim tôi cô quạnh.

Tạ Phương dịch

Bức tượng vườn thượng uyển

Cô nàng đánh rơi bình nước

Bình va phải đá vỡ tan

Cô nàng ngồi buồn rười rượi

Tay cầm mảnh vỡ bẽ bàng.

Ô hay! Nhưng nước không cạn

Từ chiếc bình vỡ vẫn tuôn

Cô nàng ngồi trên nguồn suối

Trăm năm vẫn rượi rượi buồn.

Lưu Hải Hà dịch

“Không, anh đâu tiếc nuối tình hoan lạc”

Không, anh đâu tiếc nuối tình hoan lạc,

Khoái cảm đê mê điên loạn, cuồng si,

Khi rú la, rên rỉ ả ca nhi

Uốn éo trong vòng tay anh háo hức,

Nồng nàn hôn và vuốt ve rạo rực,

Hối thúc nhanh giây rung động mê li.

Em đáng yêu hơn, ơi em thục hiền!

Hạnh phúc em trao, xiết bao da diết!

Mỗi lần chiều anh van xin tha thiết,

Em dâng hiến dịu dàng, không đắm say,

Lạnh lùng e ấp đáp tình anh ngất ngây,

Chừng hững hờ, không mảy may hứng thú,

Rồi sinh tình, em sinh tình thêm nữa

Và bất giác cùng anh chia lửa ái ân.

Văn Khôi dịch

“Lạy trời đừng bắt tôi phát điên”

Lạy trời đừng bắt tôi phát điên,

Thà cho đói khát, bắt nghèo hèn,

Cho tay chống gậy, vai mang bị

Hành khất lang thang khắp mọi miền.

Đâu phải tiếc gì tôi lí trí,

Cái khôn ngoan nguyện từ bỏ liền:

Giá như cho tôi được tự do,

Tôi sẽ vù bay tận rừng già!

Thoả chí vẫy vùng nơi hoang dã,

Như trong mê sảng vang vang ca;

Trong mộng mông lung và kì diệu

Tôi mong thiếp đi, quên xót xa.

Tôi sẽ lắng nghe sóng rì rào,

Rõi nhìn thăm thẳm trời xanh cao;

Lòng tràn hạnh phúc, tràn sức lực,

Tôi như cơn lốc cuốn ào ào,

Bốc mù cát bụi, cầy tung đất,

Quật gẫy cây cao, đổ giậu rào.

Nhưng ôi bất hạnh nếu tôi điên,

Họ sẽ đem tôi nhốt cũi liền,

Tôi thành đáng sợ hơn trùng dịch,

Nên chân phải xích, tay phải xiềng;

Như con thú nhỏ kia ngu dại

Tha hồ kẻ chọc, người xỏ xiên.

Và rồi tôi phải nghe đêm đêm

Chẳng phải hoạ mi hót dịu êm,

Chẳng phải xạc xào rừng rung lá,

Mà tiếng rú la lũ bạn điên,

Tục tằn tiếng cai tù quát chửi,

Loảng xoảng lạnh ghê tiếng xích xiềng.

Văn Khôi dịch