Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Thiền quán và thi pháp

(Trích đoạn văn bản ghi lại một bài diễn giảng của Ginsberg ở Vienna năm 1994, trong Big Sky Mind: Buddhism and the Beat Generation, The Berkeley Publishing Group, 1995)

Allen Ginsberg

Hoàng Hưng dịch

Allen GinsbergĐiều mà tôi khởi sự bây giờ là mô tả “con đường từng bước dẫn tới Thi sơn” bằng cách sử dụng những khẩu hiệu theo kiểu Mao hay hình thức Tây Tạng. Tư tưởng phương Đông dược dạy bằng những khẩu hiệu có vẻ như móc xích từ cái này tới cái kia một cách hợp luận lý, dẫn tới kết thúc là lòng trắc ẩn, đó là kết quả tối hậu của việc ngồi lại với bản thân, chịu đựng cái thực tế là mình đang tồn tại trong một thân xác, biết rằng mình sẽ chết và ai ai cũng vậy, rằng gan ruột mình đang cuộn réo, chân mình đau, xương mình nhức và mình đang già đi hoặc đang tiến vào tuổi dậy thì – cái này hay cái nọ.

Tình huống của chúng ta là có cái đầu miên man sản sinh các ý nghĩ, ký ức, dự phóng tương lai, tiên tri.

Vậy thì anh làm việc cách nào với một sự hỗn mang, sự phức tạp hay cái dòng liên tục những ý nghĩ không phân tách, những ý nghĩ khác nhau ấy?

Shakespeare, cũng như Đức Phật, gợi ý rằng điều thú vị mà ta khám phá ra là ý thức không liên tục. Đó không phải là một dòng ý thức liên tục, trong đó, ý nghĩ nọ đi theo ý nghĩ kia. Có một khoảng cách giữa các ý nghĩ và chúng ta thật sự không biết được các ý nghĩ từ đâu tới hoặc chúng liên kết với nhau ra sao.

Trong ý nghĩa dó, có một loại hỗn mang. Trong phút này, chúng ta có thể nghĩ đến xúc xích Đức, phút sau ta có thể nghĩ đến Renaldo và Clara[1] và phút sau nữa ta có thể nghĩ đến đi tiểu.

Vậy khi viết, thay vì tìm cách áp đặt ý tưởng Mac-xit hay Công giáo hay Hegel lên các ý nghĩ của bạn, có lẽ bạn có thể chỉ việc bắt lấy những ý nghĩ khi chúng tới và viết chúng ra khi chúng tới theo đúng trật tự chúng tới.

Vậy thì khẩu hiệu đầu tiên là: ý nghĩ đầu tiên là ý nghĩ hay nhất! Đó là lời vị lạt ma Tây Tạng Chogyam Trungpa Rinpoche[2], và ông cũng nói trong việc thiền quán: “Hãy có một thái độ thân thiện với ý nghĩ của mình”. Cho dù nó có liên quan đến chuyện ngủ với mẹ mình. Chỉ việc quan sát mà thôi! Anh không phải thực hiện việc ấy, nhưng anh phải quan sát ý nghĩ ấy.

Một vị tổng thống Hoa Kỳ (John Adams) có lần nói: “Đầu óc phải thả lỏng” hơn là cố định hay củng cố. Cho nên nhà thơ Mỹ Charles Olson[3] nói trong luận văn Thơ Dự phóng (Projective Verse): “Một tri giác phải tức thời và trực tiếp dẫn tới một tri giác xa hơn”. Một ý nghĩ dẫn tới một ý nghĩ khác. Và như Shakespeare bảo: “Mọi ý nghĩ thứ ba sẽ là nấm mồ của tôi”. Shakespeare nhận thức đuợc ” ý nghĩ số một, ý nghĩ số hai, ý nghĩ số ba”. Đó là trong một trong những vở kịch cuối cùng của ông, một câu nói của Prospero trong vở Bão biển.

Philip Whalen, một nhà thơ Mỹ, nay là một Thiền sư ở San Francisco, bảo: “Cái tôi viết ra là một bức hình của tâm trí chuyển động”.

Như vậy ta có khái niệm “Trí Bất Ngờ”, bởi vì chúng ta không bao giờ biết được mình sẽ nghĩ gì trong một phút. Cho nên Chogyam Trungpa Rinpoche người sáng lập Viện Naropa[4] mới nói: “Thần kỳ là sự hoàn toàn tán thưởng cơ duyên”. Thần kỳ là hoàn toàn hân hoan trong ngẫu nhiên, hoàn toàn vui thú trong trí bất ngờ, hoàn toàn tán thưởng cái thực tế là tâm trí biến đổi, rằng một tri giác dẫn tới một tri giác khác, và tự thân nó là một vở kịch lớn của tâm trí. Để sáng tạo một công trình nghệ thuật bạn đâu cần phải đi xa hơn.

Nhưng rồi lại có vấn đề là tâm trí có thể rất mâu thuẫn. Trong một phút có lẽ bạn muốn ngủ với mẹ bạn, rồi phút kế tiếp, bạn có thể muốn ngủ với anh bạn. Whitman bảo rằng điều đó có thể được phép: “Tôi mâu thuẫn với chính mình ư? Được lắm, thì tôi mâu thuẫn với chính mình. Tôi rộng lớn, tôi chứa đựng vô số thứ” – là bởi ông có một đầu óc dân chủ!

Và John Keats[5] cũng nói một điều tương tự trong lá thư gửi cho người em trai, ông dẫn một khái niệm nổi tiếng đối với nhiều nhà thơ Anh: “Năng lực tiêu cực”.

Đang ăn tối với một nhóm các nhà thơ kinh viện chán ngắt, ông bỗng nghĩ: Điều gì khiến cho một người trở thành thiên tài như Shakespeare? Và ông viết: “Phẩm chất gì đã tạo nên một con người thành công, đặc biệt là trong văn chương? ‘Năng lực tiêu cực’. Đó là: Khi một con người có năng lực tồn tại trong những bất định, những bí mật, những hoài nghi, không chút nhức nhối chạy theo sự thật và lý lẽ”. Không khăng khăng đen hay trắng mà có cả hai: Đen trắng! Hay như nhà thơ Gregory Corso nói: “Nếu anh phải chọn lựa giữa hai thứ, hãy lấy cả hai”.

Vì tâm trí là không liên tục và một ý nghĩ tiếp theo ý nghĩ khác, nếu hình thức bài thơ của bạn đi theo hình thức của tâm trí thì như vậy bạn có một bài thơ “hợp thức”. Một cái gì đó giống như Cantos của Ezra Pound[6] hay văn xuôi của Kerouac. Một số bài thơ, như Đất Hoang[7], theo một nghĩa nào đó, là bức tranh xé dán hay tấm thảm dệt của những ý nghĩ khác nhau.

Ý nghĩ này chuyển qua ý nghĩ khác, thế là bạn có một loại hình thức hiện đại. Nhà thơ Robert Creeley nói trong một lá thư gửi Charles Olson: “Hình thức chẳng bao giờ có gì hơn là một sự nối dài của nội dung”. Nếu nội dung hay chủ đề của một bài thơ – nếu cốt truyện hay đề tài của bài thơ – là bản chất của tâm trí và chuyển động của tâm trí, vậy thì bạn có một địa bàn mở cho thơ, trong đó ý nghĩ nào cũng sẽ theo sau ý nghĩ kia một cách đúng đắn. Một cái gì đó giống như bài nói bột phát hay một cái gì đó giống như tranh xé dán.

Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright nói: “Hình thức đi theo công năng”.

Ở đây tôi định nghĩa nội dung và công năng – hay đề tài của một loại thơ và phim ảnh hiện đại – như một tấm gương phản chiếu hoạt động của tâm trí thực sự diễn ra trong thời gian viết. Đó là ý tưởng của Kerouac. Cho nên văn xuôi hay thơ phải chứa đựng tất cả những gì tiếp diễn trong tâm trí người viết trong khoảng thời gian ngòi bút của anh ta chạm vào giấy, cho đến khi nó rời khỏi trang giấy.

Làm sao anh có thể đưa hết những ý nghĩ ấy vào? Phải, anh không thể đưa vào hết mọi thứ. Anh chỉ có thể đưa vào những gì mà anh viết được lên trang giấy. Như vậy tiến trình là tự chọn lọc!

Có thể những ý niệm này quá “phù du” hay tạm bợ, nhưng có một phương châm thú vị trong hai câu thơ của Louis Zukofsky: “Tồn tại vĩnh hằng thì cũng chẳng hơn gì/ trắng như màu trắng đang chết đi của một ngày”. Đó cũng là một kiểu ngạn ngữ Yiddish – ông là một nhà thơ Do Thái: “Tồn tại vĩnh hằng thì cũng chẳng hơn gì/ trắng như màu trắng đang chết đi của một ngày.”

À…, từ quan điểm ấy, các bạn có thể cũng ghi nhận rằng: “Tâm bình thường chứa đựng những tri giác vĩnh hằng.” Những tri giác sống động nhất có thể đến, không phải bằng cách đi tìm tri giác, mà đơn giản bằng cách quan sát tâm trí của chính mình.

Vậy thì tiến trình cho thơ sẽ là “Ghi nhận những gì anh ghi nhận!”, đúng y như anh ghi nhận hơi thở của mình – cực kỳ mẫn cảm ghi nhận những gì anh thấy nghe ngửi cảm. Tương đồng với ý ấy có câu nói của người Anh: “Hãy bắt chợt chính mình đang nghĩ!” Đó là một câu thành ngữ. Tôi không nghĩ là trong tiếng Đức có một thành ngữ tương đồng, giống như: “Hãy tỉnh giác với tâm trí của mình và bắt chợt (hay ghi nhận) bản thân mình đang nghĩ.”

Tiếp theo, đối với nhà thơ: “Hãy quan sát cái gì sống động”. Thế thì nổi lên câu hỏi: “Làm sao ta biết được cái gì sống động?”. Và câu trả lời là: “Nếu nó sống động thì nó sống động. Nếu nó không sống động thì nó không sống động!”… Cho nên khẩu hiệu là: “Sự sống động là tự lựa chọn.” Điều này dễ như húp cháo! Bạn không cần phải làm việc vất vả để tìm cái gì sống động. Nếu nó sống động thì nó ở đấy. Nếu nó không sống động thì dù thế nào bạn cũng sẽ không nhớ.

Cho nên ta có ý niệm của William Wordsworth[8] “Những đốm thời gian”. Những thời điểm loé sáng hay những thời điểm “Hiển linh”, những thời điểm đáng nhớ và sẽ trở đi trở lại trong ký ức. Và vị lạt ma Tây Tạng Gelek Rinpoche (Thầy tôi hiện nay) có một câu rất lý thú: “Tâm trí tôi mở đối với chính nó”.

Vậy thì không có vấn đề trong việc vét lên vài biểu tượng lớn lao từ vô thức của bạn, tất cả chúng ta đều miên man nghĩ ngợi và nói chuyện với chính mình. (Đặc biệt ban đêm khi chúng ta đi ngủ trong bóng tối. Nằm đấy hai mắt nhắm nghiền trong sương mù đen dày của im lặng. “Mỗi người trên giường nói một mình với chính mình, không gây tiếng động”). Đó là nền tảng.


[1] Phim ca nhạc của Bob Dylan (1958) trong đó ông dóng vai Renaldo và Sara Dylan vợ ông đóng vai Clara (các chú thích đều của ND)

[2] Đạo sư đầu tiên của Allen Ginsberg về Phật giáo

[3] Người tạo lập trường thơ Black Mountain, trong đó có Rebert Creeley

[4] Viện Nghiên cứu Phật giáo ở Boulder, bang Colorado

[5] Nhà thơ Anh (1795-1821)

[6] Tác phẩm lớn nhất của Ezra Pound viết rải rác trong thời gian 1915 – 1962, được coi là có ý nghĩa nhất trong thơ hiện đại chủ nghĩa của Mỹ TK XX

[7] Trường ca (1922) của Thomas Sterns Elliot, một tác phẩm quan trọng khác của thơ hiện đại Mỹ

[8] Nhà thơ Anh (1770-1659)