Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

“Oan tui lắm tòa ơi!”

Tự truyện Lê Đình Khẩn

 

LEDINHKHANVăn Việt: Lê Đình Khẩn sinh năm 1942 tại làng Thịnh Lạc, xã Hương Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.

Tiến sĩ Ngôn ngữ hoc. Từng giảng dạy tại Khoa Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Oan tui lắm tòa ơi trích từ tập Từ nơi làng quê heo hút ấy vừa viết xong của tác giả.

Ông đã nghỉ hưu và đang sống tại TP.HCM.

Khán là con gái một của ông Cựu Khê. Nhà Khán ở cạnh nhà thờ Thịnh Lạc Trung, gần sát trường học. Năm lớp hai tôi học chung lớp với Khán.

Thỉnh thoảng sau giờ dạy, anh rể tôi cũng là thầy dạy tôi, anh Giáo Ngụ hay ghé vào nhà Khán uống nước chè xanh, hút thuốc lào và nói chuyện với bố Khán. Những lần như thế, tôi cũng đi theo anh. Khán rất vui mừng đón tiếp. Có nhiều hôm Khán bưng lạc luộc hoặc mít chín ra mời anh em tôi.

Tôi gọi bố Khán là chú (họ xa). Mỗi lần gặp tôi, chú ít khi quên quan tâm hỏi han tôi, có lẽ vì tôi là cục cưng của bà Cửu Trinh, một người được chú luôn nể trọng. Nơi ở của gia đình chú sạch sẽ thoáng mát, gồm một ngôi nhà gỗ ba gian, vách phên nứa ngâm, lợp lá tro (lá cọ), một căn bếp nhỏ ghép thành hình thước thợ.

Nền nhà cao, xung quanh vườn có rất nhiều cây mít cổ thụ bám đầy quả. Tài sản không thấy có gì đáng giá. Cũng không thấy có người giúp việc (đứa ở). Hình như chú có một vài con trâu, người nhà tự trông coi.

Chú hiền lành, sống tao nhã, ngoan đạo, hay lui tới nhà xứ tiếp xúc với các cha, đặc biệt là cha xứ Phêrô Kiều. Chú thường đi guốc mộc làm bằng gỗ xốp thân cây dầu, hoặc dép ca rếp lê không có quai hậu, nghe tiếng “lẹp kẹp”. Chú có thói quen là hay hít mũi tạo thành tiếng gió “xịt xịt”.

Cải cách ruộng đất, nhiều người trong làng tôi bị bắt trói đem đi giam giữ, đánh đập, tra tấn, đấu tố rồi bắn chết, trong đó có chú Khê. Chú bị giết một cách rất thê thảm. Cái chết của chú đã tạo ấn tượng khủng khiếp khó phai mờ trong lòng người dân làng quê tôi trong suốt mấy chục năm qua.

Trong những ngày đáng khiếp sợ ấy, bọn trẻ chúng tôi không phải đến trường đi học, nhưng thường xuyên phải làm những việc do một đám người lớn sai khiến. Tối tối tập trung trước hội quán làng. Đốt đuốc, gõ mõ, cầm cờ, hô khẩu hiệu. Gọi là “đi cổ động”, “tuần hành” từ đầu làng đến cuối làng.

Chúng tôi chỉ việc gào theo người lớn ba từ ngữ: muôn năm, vùng lên, đả đảo. Muôn năm thì dành cho Hồ Chủ tịch, Mao Chủ tịch, Đảng Lao động Việt Nam; vùng lên thì dành cho nông dân; còn đả đảo thì dành cho địa chủ.

Cuối mỗi buổi, đứa nào gào to sẽ được nêu tên khen ngợi, gọi là “biểu dương”, trái lại đứa nào “thiếu nhiệt tình” thì sẽ bị phê bình. Vì thế, chúng tôi luôn phải theo dõi lẫn nhau, khá căng thẳng vì sợ bị đứa bên cạnh mách lẻo với người phụ trách.

Những đứa trẻ mười một mười hai tuổi có cha mẹ, chú bác là địa chủ như con Khán và tôi bị đặt vào tình thế thật bi đát.

Phải hô vang “muôn năm” những kẻ cầm đầu đã gieo rắc đau thương chết chóc và phá tan hạnh phúc gia đình mình và bao gia đình khác; rồi gào to lên “đả đảo” đấng sinh thành đã từng hết lòng thương yêu nuôi nấng dạy dỗ mình.

Nhưng sự giằng xé ấy cũng chưa thấm tháp gì so với việc phải ngồi tê hết cả chân suốt mấy tiếng đồng hồ liền để chứng kiến cảnh cha mẹ và người ruột thịt của mình chịu đánh đập, hành hạ, chửi bới, vu oan giá họa, làm nhục, thậm chí bị giết chết một cách tàn nhẫn!

Đêm nào đấu tố ai thì hô đích danh người đó lên mà “đả đảo”. Vì thế những người già cả ốm yếu nằm ở nhà cũng biết được đêm nay ngoài bãi đang đấu tố ai, nhờ nghe tiếng hô; và ai bị bắn chết nhờ nghe tiếng súng nổ từ lũy tre phía bờ sông vọng lại.

Bãi “xử án” là một bãi đất rộng, vốn trước đây là bãi trồng ngô (đượng ngô), gần bờ sông và cũng gần con đường cái. Mặt đường cái cao hơn mặt ruộng hai gang, nên người ta dùng mặt đường làm “sân khấu”, nối hai cái bàn lại để làm bàn “chủ tịch đoàn”.

Phía sau để bốn cái tréo (ghế tựa), trước bàn chủ tịch che một tấm lá cót dài đan bằng cật nứa, cao ngang mặt bàn. Trên mặt lá cót có một dòng chữ viết bằng vôi trắng, nét chữ xiêu vẹo: “Tòa án nhân dân đặc biệt xã Hiệp Phố”.

Cách bàn chủ tịch hai mét, đắp một mô đất cao khoảng nửa mét, bề mặt mô đất hình chữ nhật chiều dài một mét rưỡi song song với bàn chủ tịch, bề rộng khoảng nửa mét, đủ cho một người quỳ, một người đứng.

Đó là nơi các “khổ chủ ” thể hiện lòng căm thù giai cấp sâu sắc của mình. Cũng có thể xem đấy như cái sân khấu để diễn vở kịch đầy đau thương và thù hận mà đám người ngồi trên bàn “chủ tịch” là đạo diễn, những người còn lại vừa là diễn viên vừa là khán giả..

Bọn trẻ chúng tôi sau khi “đi cổ động” hết một vòng quanh làng, thì được xếp ngồi thành vòng cung phía trước mô đất, cách mô đất khoảng hai mét. Có đứa dùng luôn cái mõ làm bằng ống tre để làm ghế ngồi. Sau lưng chúng tôi là các “khổ chủ”. Mỗi lần chạy lên đấu tố, họ đều bước qua mặt bọn trẻ, hấp tấp, có khi giẫm đạp lên chúng tôi. Phía sau họ là đám người lố nhố kẻ đứng kẻ ngồi.

Khán vẫn ngồi cạnh tôi. Nó ngồi bệt xuống đất, co hai chân lên, hai tay ôm lấy đầu gối, rồi gục đầu lên đó. Mệt mỏi, rũ rời chờ đợi điều khủng khiếp sắp xẩy ra. Mặt hơi nghiêng về phía tôi, da tái mét, mắt đỏ ngầu, răng cắn chặt môi. Nó đang kìm nén cảm xúc để khỏi bật khóc thành tiếng. Thỉnh thoảng nó lại chạm bàn tay yếu ớt của nó vào tôi, và kêu vài tiếng như sắp đứt hơi:

- Eeng…ơi…!

Nó cầu cứu tôi. Thương đứa em họ bé bỏng quá nhưng chẳng biết làm sao để chia sẻ. Tôi rất hiểu tâm trạng của nó lúc này. Vì tôi đã từng phải ngồi chứng kiến bọn lâu la đấu tố bêu rếu mẹ tôi ngay ở cái mô đất này.

Cái chỗ mà tối hôm qua bố Khán bị trói hai tay giật cánh khuỷu ra sau, rồi quỳ xuống cho chúng tát vào má, chúng nhui vào trán, và nghe chúng xỉ vả. Hễ bị tát hoặc bị nhui ngã lăn xuống dưới mô đất, chúng lại túm dây thừng kéo lên chẳng khác gì kéo một con vật để giết thịt.

Đêm nay là đêm thứ hai cũng là đêm cuối chúng đưa bố Khán ra tiếp tục bêu rếu làm nhục trước khi bắn chết.

Từ bàn “chủ tịch đoàn” một người đàn ông to khỏe, khoảng hơn bốn chục tuổi, có khuôn mặt bặm trợn, đứng dậy. Đó là Đặng Hồng Tú, người chủ trì điều khiển các đêm đấu tố, cũng là thành viên quan trọng của “chủ tịch đoàn”.

Tú cầm cái ống loa gò bằng sắt tây dài chừng bốn gang tay người lớn, đưa cao lên, ghé đầu nhỏ vào sát miệng, còn đầu lớn thì chĩa về phía đám đông trên “bãi xử án”. Tú cố sức gào thật to:

-A lô a lô, đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Tòa án nhân dân đặc biệt xã Hiệp Phố tuyên bố: Buổi xét xử tội ác tên địa chủ phản động Phạm Kim Khê bắt đầu.

Rồi Tú quay sang ra lệnh áp giải chú Khê vào.

Khoảng mươi du kích dẫn chú Cựu Khê. Chú vẫn bị trói lật cánh gà hai tay về phía sau. Hai người hai bên xốc nách lôi chú đi, một người đi sau cầm đầu kia của sợi dây trói. Còn lại dăm người mang súng trường đi theo sau. Chú Khê bước rất khó khăn, vẻ đau đớn, đầu hơi gục xuống, mặt sưng lên bầm tím và biến dạng.

Khán vừa nhìn thấy cha mình trong tình cảnh ấy, theo phản xạ tự nhiên nó la lên một tiếng thật lớn và thảm thiết: “Thầy ơi…!”. Nhưng rồi kịp nhận ra sự nguy hiểm, nó lập tức đưa bàn tay lên bịt miệng lại, im bặt.

Nó úp mặt xuống đầu gối, đầu tóc xỏa ra phủ kín, toàn thân run cầm cập, nó phải dựa người vào tôi cho khỏi ngã xuống.

Tôi thấy trong lòng thật đau xót, cả sợ hãi nữa. Nhưng rồi một chút chí khí nam nhi trong người cậu bé thiếu niên đã giúp tôi phần nào trấn tĩnh lại được.

Chúng đẩy chú Khê lên mô đất rồi bắt quỳ xuống. Nhưng chú không còn quỳ thẳng người được nữa mà chỉ có thể ngồi lên trên hai gót chân. Một “khổ chủ” nhảy chồm lên mô đất, vẻ hung hăng, đứng trước mặt nạn nhân, chỉ tay vào ngực mình ngạo nghễ hỏi:

- Mi biết tau là ai khôông?

Không nghe tiếng trả lời, nó liền nhắc lại câu hỏi một lần nữa. Cũng không có tiếng trả lời. Thế là một cái tát như trời đánh vào mặt. Chú Khê “ự” một tiếng rồi ngã lăn xuống bên dưới mô đất.

Có lẽ vì đã kiệt sức nên chú Khê chỉ nằm chèo queo bất động không có phản ứng gì. Hai du kích xốc nách chú Khê dậy, đặt lên mô đất theo tư thế cũ. Nhưng bây giờ thì chú Khê không thể ngồi được nữa nếu không có hai người giữ hai bên. Một ít máu đỏ chảy ra từ mũi và miệng, đầu cử động một cách yếu ớt.

Trong buổi đấu tố tối hôm qua, tuy là người bị đấu nhưng chú Khê thường tích cực trả lời những câu hỏi thực ra không cần trả lời, tranh cãi những thứ mà chú bị đặt điều vu oan.

Ví dụ: “Mi biết tau là ai khôông?”. Đó là câu hỏi mà đứa nào lên đấu cũng nói như vậy cả. Quan thầy chúng dạy chúng như vậy. Chú lại nhanh nhảu trả lời: “Biết. Tui biết ôông là thằng Vạn Coòng đi ở dự tru (chăn trâu) cho nhà bà Cựu Cầm…”. Nó liền đánh tới tấp vào mặt chú.

Vì thế hôm nay có lẽ chú “rút kinh nghiệm” không trả lời nữa. Chúng càng hành hạ tàn nhẫn hơn. Những người bị đấu tố chỉ có quyền nghe những lời bịa đặt, vu vạ, “chặt cơn sốông trồồng cơn chết” (chặt cây sống trồng cây chết) mà đội đã dạy cho đám “khổ chủ”. Chẳng còn lẽ phải nào ở đây nữa cả.

Có lẽ muốn khỏa lấp hành vi dã man và thấp hèn, hoặc là để kích động tinh thần cho đám đông mê muội bị xúi giục, những kẻ ngồi trên bàn “chủ tịch đoàn” đều đứng dậy, vung nắm đấm lên cao và hô to “đả đảo, đả đảo, đả đảo”. Một số người hô theo, một số chỉ nắm tay vung lên một cách uể oải, vì sợ hãi mà không hô gì cả.

Một lúc sau, mấy người ngồi ở bàn “chủ tịch đoàn” ghé tai nói với nhau những điều gì đó, không ai nghe được, không ai biết được, chỉ thấy Đặng Hồng Tú lại cầm cái loa lên, gào rất to, giọng gay gắt sôi sục lòng căm thù. Anh ta nói rất nhiều về “tội” của chú Cựu Khê. Rồi thay mặt “Tòa án đặc biệt tuyên án tử hình”. Tú kéo dài hai chữ “tử… hình…”.

Tú vừa dứt lời thì tốp du kích hồi chiều nhào vô, đẩy chú Khê ngã nhào xuống rồi lôi về phía có một chiếc cọc đóng sẵn cạnh bụi tre. Lúc này người ta mới nghe tiếng kêu rên yếu ớt nhưng thật thảm thiết của chú:

-Oan… tui… lắm… tòa… ơi!…

Du kích trói chú Khê vào cái cọc. Tiếng kêu oan càng thảm thiết hơn. Và rồi, không ai nghe thấy tiếng kêu ấy nữa sau khi có mấy phát súng nổ vang xé trời trong đêm khuya. Đầu chú Khê gục xuống, chân khuỵu, máu đỏ trào ra từ trán, từ ngực, từ bụng…

Đó là một cảnh tượng không có gì man rợ và khủng khiếp hơn. Nhất là trước mắt những đứa trẻ như chúng tôi.

Lần đầu tiên trong đời, bọn trẻ làng tôi được dạy một bài học phi nhân tính bằng những hành vi rất cụ thể.

Khán bị ngất xỉu. Nó nằm xoài xuống bãi đất, toàn thân co giật. Rồi hình như có ai đó đã bấm huyệt hay xoa dầu gió cho nó. Nó tỉnh lại khi những kẻ giết người đã lục tục kéo nhau về hết. Đám đông quần chúng cũng chỉ còn lại một số ít.

Khán bật dậy gào khóc, luôn miệng gọi “Thầy ơi! thầy ơi!”. Rồi nó chạy đến chỗ có cái cọc và mấy sợi dây trói. Nó vật vã bên mô cát vùi xác cha mình, nó vốc nắm cát thấm những giọt máu cha đưa lên trước mặt rồi lại gào khóc.

Nước mắt của đứa con gái quện với máu của người cha trong cát bụi trần gian, nơi cái làng quê heo hút tưởng sẽ được mãi sống thanh bình này.

Nó bỗng nhớ đến người mẹ gầy yếu của mình cũng bị bắt buộc có mặt tại đây để chứng kiến cái chết tức tưởi của chồng bà, nó liền bật dậy, chạy như điên về phía đám đông, miệng gào lên :

-Mẹ… ơi…! Mẹ… ơi…!

Mự Khê, mẹ Khán đang nằm sõng soài trên bãi đất, vài người từ tâm đang xoa dầu cho mự. Khán lao vào ôm chầm lấy mẹ mà gào khóc thảm thiết như không còn ai xung quanh nữa cả.

***

Sau khi chú Khê bị giết, mẹ con Khán bị đuổi ra khỏi nhà, tài sản của chú dùng làm “quả thực” để thưởng công cho những kẻ có công đấu tố, vu oan giá họa, tạo nên cái chết oan nghiệt của chú. Nhưng kể cả bọn đầu trâu mặt ngựa cũng ngại vào ở trong căn nhà của chú Khê.

Cuối cùng một bà già đơn thân từng dạn dày sương gió cuộc đời, chịu chuyển đến ở. Kể từ sau khi chuyển đến ở nơi nhà cao cửa rộng này, dường như không có lúc nào bà thấy yên ổn trong lòng.

Bắt đầu là chuyện cái chậu than đêm đêm bà để dưới chõng để sưởi ấm, hễ bà hơi thiu thiu ngủ là nó nổ vỡ tan cả chậu. Chậu sành vỡ thì đã đành, bà ta thay bằng chậu gang nó cũng nổ tung tóe những hòn than đỏ rực khắp nền nhà.

Nhưng có một hiện tượng khiến bà già và những người sau này không ai dám ở trong ngôi nhà chú Cựu Khê.

Đó là, mỗi buổi tối sau khi đóng cửa chuẩn bị đi ngủ thì cứ nghe tiếng guốc “lẹp kẹp” và tiếng “xịt xịt ” mũi trước hiên nhà và trong gian phòng khách của chú Cựu Khê trước đây. Giống như chú Cựu Khê hiện về vậy.

Ghê sợ nhất là đêm hôm khuya khoắt nghe tiếng kêu ai oán từ trên nóc nhà vọng xuống: “O…a…n t…u…i l…ắ…m t…o…à ơ…i…!”. Đây là điều khó tin, nhưng những người qua trải nghiệm đều không ai trở lại ngôi nhà ấy nữa. Sau này người ta phải dỡ nhà ra đem bán cho người vùng khác.

Đủ biết dư âm tiếng kêu oan có sức vang vọng mạnh mẽ như thế nào, nó có thể vượt không gian, vượt thời gian rồi xuyên thấm vào tim óc và lương tri con người.

Tiếng kêu oan ấy sẽ vẫn mãi cất lên ở những nơi chế độ chính trị độc tài còn ngự trị.

***

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, thời gian tuy không nhiều lắm so với lịch sử phát triển của một dân tộc, nhưng cũng đủ để bọn người bất nhân có thể xóa nhòa đi tội ác do chúng gây ra.

Những người hàm oan đều đã chết, con cháu họ lo mải mê tìm kế sinh nhai nên nguôi ngoai dần, mọi việc rơi vào quên lãng.

Dường như chính tôi cũng đã cố quên đi cảnh tượng đau buồn về chú Cựu Khê và cô em họ đáng thương tên Khán từ lâu rồi. Tôi cũng phải tha phương học hành kiếm sống, phải bon chen để tồn tại.

Nhưng vào mùa hè năm 2012, tôi từ Sài Gòn về thăm quê, tình cờ biết được những chuyện bất ngờ. Người thanh niên trên ba chục tuổi mà lâu nay báo chí ca ngợi là người giàu nhất huyện Hương Khê, có chiếc xe hơi mấy chục tỷ, thuộc loại đắt tiền nhất nước Việt Nam là con trai nhà Khán.

Và cũng rất tình cờ khi đến thăm cha xứ thì gặp người Trưởng ban Hành giáo, trong câu chuyện qua lại ông ta cho biết là đang cùng với cha xứ lo tổ chức xây dựng nhà thờ mới mà con trai ông sẽ đóng góp một tỷ đồng.

Tôi thực sự bất ngờ, và cũng rất vui mừng khi biết người đàn ông đang hăng hái lo việc đạo ấy chính là chồng Khán. Tội nghiệp, nghe nói Khán đã chết lâu rồi, tôi không còn cơ hội gặp lại cô em họ đáng thương thời thơ ấu nữa.

Tôi bỗng suy nghĩ, phải chăng đã đến lúc Chúa nghe thấy tiếng kêu oan thảm thiết của chú Cựu Khê hơn sáu mươi năm trước….

(Trich trong bản thảo tập tạp ký Từ nơi làng quê heo hút ấy, phần Những bài học tuổi thơ)