Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Độ-Quảng-Nguyên-Ngọc

Mai Anh Tuấn

 

Nhà văn Nguyên Ngọc
(Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

 
Tiêu đề bài viết này được tôi vỡ lẽ lựa chọn sau khi, một cách chầm chậm, đọc hết những tiểu luận của ông in trong Nguyên Ngọc – Tác phẩm1 và nhất là, khi nhận ra ông có một cảm hứng thật đặc biệt với mảnh đất quê hương: xứ Quảng Nam. Theo cách hiểu của ông, “Quảng” nghĩa là “mở rộng” và từ đó, tạo nên phẩm chất rất riêng của vùng đất và con người nơi đây: luôn bước tới, ở tiền tuyến, không ngại đứng đầu sóng ngọn gió.

Tôi muốn dùng lại chữ “Quảng” này để trỏ một đặc tính gần như xuyên suốt và cô đặc thành năng lượng làm nên sức bền bỉ khó bì kịp trong tư duy cũng như cách biểu đạt tư duy của Nguyên Ngọc: luôn va đến độ rộng nhất định, rồi ngay ở tình thế buộc phải co rút các điểm nhấn, bao giờ nó cũng lộ ra một sự mở, tiềm năng mở những chiều kích suy ngẫm, những điểm khả thủ cho các hành động nhận thức tiếp theo, thường là trở lại để không ngừng trực diện, mạnh mẽ và riết ráo hơn. Chữ “độ”, đương nhiên, tôi có được thật dễ dàng, theo cảm nhận riêng tư đầy vui thích, từ Độ không của lối viết, công trình luận thuyết nức danh của nhà khoa học xã hội nhân văn Pháp, Roland Barthes, mà Nguyên Ngọc là dịch giả. Dù biết những người bạn, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng ông đã hình dung Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa2, thật nồng ấm và ít nhiều chân xác, nhưng tôi không khỏi băn khoăn, rằng, hình như những tiểu luận, bài viết của ông, với phổ quan sát, biện giải rất rộng, vẫn đang được dùng chỉ để thi thoảng phụ trợ cho vẻ đẹp dấn thân của ông, ở những nơi ông xuất hiện, phát biểu, đề đạt… Chưa mấy ai thật sự dừng lại kĩ lưỡng, dù đây chưa hẳn là công việc tức thì, ở trên đường xa mà Nguyên Ngọc đang có, đang đi ấy, để có thể dẫn nhập ông một cách rõ rệt. Tôi nghĩ mình càng không đủ khả năng làm được điều đó và sẽ thật mạo hiểm nếu trưng ra ở bài viết ngắn này vài lời lẽ khái lược mà đã tạm yên lòng về Nguyên Ngọc, một hiện tượng đa văn bản thực sự hiếm gặp trong thế hệ của ông.

Nguyên Ngọc trụ vững trên một căn nền quan trọng: ông có tư liệu và trải nghiệm của một chứng nhân, đã can dự vào nhiều giai đoạn phức tạp của lịch sử, xã hội, và đồng thời, có tri thức để biết cách sử dụng bản thân cho những lí lẽ, việc làm mang ý nghĩa nhất. 

Nguyên Ngọc, đối với phần lớn chúng tôi, những người học hành qua loa ở quê nhà, dường như đã kết thúc ở Nguyễn Trung Thành, tác giả của Rừng xà nu vốn từng là niềm hưng phấn dễ chịu mỗi kì thi cử. Mà không chừng  ngay cả bây giờ, khi sách giáo khoa và giáo trình vẫn là “kinh thánh” ở bục giảng phổ thông, thì Nguyễn Trung Thành cùng lắm được thêm thông tin chức Tổng biên tập Văn nghệ, tờ báo có được giai đoạn đáng nhớ bậc nhất khi ông về cầm trịch. Những bài viết của ông tiếc thay, như nhiều tiếng nói đáng lắng nghe khác, đã/vẫn chưa lan rộng đến quảng đại độc giả, ít nhất là độc giả trẻ như tôi. Cơn cớ của thực tế ấy, theo tôi, nằm ở chỗ, tuy thường xuyên phát ngôn và chọn sự hiển thị chính kiến trước nhiều vấn đề cấp thiết làm cách thức xác định danh tính, nhưng tiếng nói Nguyên Ngọc thường hay vấp phải một lực cản ở xã hội ưa thuận chiều: chúng đều quá thẳng thắn và sắc bén; chúng không nửa vời dù ngắn gọn; đặc biệt, chúng có một thái độ rạch ròi biết mình muốn gì và sau cùng, cơ bản thống nhất trong các nấc thang cảm xúc và giọng điệu. Và phải nói ngay từ đầu, đọc Nguyên Ngọc tức gần như chạm đến bảng nhiệt kế không lấy gì làm dịu nhẹ.
Nhìn vào hệ thống tiểu luận, với mức độ đậm nhạt ở các bàn định, có thể thấy Nguyên Ngọc chủ yếu đặt ngòi bút trở đi trở lại trên ba địa hạt: đau đáu với không gian tộc người Tây Nguyên; tinh nhạy bắt các đỉnh sóng văn học nghệ thuật; và gần đây hơn, điểm vào các huyệt bất ổn của văn hóa, giáo dục. Trong ba địa hạt ấy, ta lại thấy ông triển khai khá cụ thể: với Tây Nguyên, chủ yếu về rừng, và các thực thể văn hóa đang có nguy cơ mai một, thậm chí, đang bị biến dạng bởi những can thiệp thô bạo từ những chính sách thiếu hiểu biết; với văn học nghệ thuật là lật ngược các vấn đề, các điểm bị đông cứng trong nhận thức và thực tế, rồi tiến đến những tri kiến riêng có khả năng ứng dụng cao; với văn hóa, giáo dục là phúc thẩm những giá trị, phản biện những sai lầm và sau khi quyết liệt với điều đó, thường háo hức trước những tín hiệu đẹp. Để không bị chới với giữa các chiều kích tưởng như tõe ra nhiều hướng ấy, Nguyên Ngọc trụ vững trên một căn nền quan trọng: ông có tư liệu và trải nghiệm của một chứng nhân, đã can dự vào nhiều giai đoạn phức tạp của lịch sử, xã hội, và đồng thời, có tri thức để biết cách sử dụng bản thân cho những lí lẽ, việc làm mang ý nghĩa nhất.
Hãy lấy những tư kiến của ông về Tây Nguyên làm ví dụ trước hết. Cho dù không phải là nhà dân tộc học, Nguyên Ngọc vẫn khiến vùng đất này trở nên thật sáng rõ trong cách mô tả của ông và nhất là, cách phát hiện vấn đề rất sâu sắc: 1/ Rừng là một thứ không-thời gian bao trùm toàn bộ con người Tây Nguyên, do đó, người Tây Nguyên không du canh du cư – một thứ nhận định hời hợt, mà là luân canh, phương pháp canh tác thích hợp trên đất dốc (T.2, tr.17). Bởi rừng là tâm linh, là cội nguồn văn hóa nên theo ông, không cứ giao rừng cho nhà nước quản lí là đúng, vì như ông thấy ở đồng bào Cơ Tu, Cà Dong, họ giữ rừng tuyệt vời, “hơn đứt các nông trường, lâm trường, kiểm lâm” (T.2, tr.156); 2/ Làng là đơn vị cơ bản và duy nhất trong xã hội Tây Nguyên. Ngay cả thời điểm hiện tại, tinh thần cộng đồng làng lâu đời ấy vẫn có thể giữ được tính độc đáo và thu hút được sức mạnh riêng. Vì thế, chuyện già làng, hội đồng già làng ở Tây Nguyên, theo Nguyên Ngọc, “không hề là chuyện ngẫu nhiên, cũng không phải là chuyện ta muốn hay không, mà là một thực tế lịch sử có căn nguyên sâu xa và còn hết sức sống động” (T.2, tr.164). Cùng với thiết chế già làng, ở Tây Nguyên, cách thức tổ chức xã hội mang tính chất cổ xưa vẫn còn đậm, trong đó có hệ thống thần linh. Sẽ không có gì phá vỡ được hệ thống này trừ khi, Nguyên Ngọc cảnh báo, “là những tấn công ngu dốt, thiển cận và thô bạo” (T2, tr.143). Nhưng “ngu dốt, thiển cận và thô bạo” có lẽ đang dần trở thành một đặc điểm của nhiều phương sách, bất chấp yêu cầu phải tôn trọng thực tế lịch sử như là bài học đắt giá nhất. 3/ Một biểu hiện của đặc điểm đó, dưới lời lẽ đôi khi giễu nhại của Nguyên Ngọc, là sự xuất hiện cái gọi là “nhà rông văn hóa” ở bản làng. “Nhà rông là cái không ai có thể đem cho được” – Nguyên Ngọc khẳng định, “Nhà nước tuyệt đối không thể đem cho làng một cái nhà rông được” (T2, tr.645). Bởi vì nhà rông là sản phẩm văn hóa, một sản phẩm văn hóa đích thực thì bao giờ cũng phải được sinh ra từ chính trong đời sống tinh thần tự nhiên của cộng đồng. Thấu hiểu “niềm vui sống” của người dân Tây Nguyên, Nguyên Ngọc đã tự phản tỉnh những chủ trương phi căn cứ, những việc làm tỏ ra vỗ về đời sống sắc dân thiểu số nhưng thực tế lại phản tác dụng, biến những tiêu chuẩn sống đáng ngưỡng mộ thành hiện trạng sống méo mó, dị dạng. Tây Nguyên trong câu chữ Nguyên Ngọc không đơn thuần là địa danh mà là không gian thiêng, nơi ông chọn để đọc hiểu quá khứ cũng như để bình giá hiện tại, và cũng là nơi ông lên tiếng bảo vệ, chiêu tuyết cho bằng được những hằng số bất khả diễn dịch nhầm lẫn thuộc về địa-văn hóa nơi này. Sau Nguyên Ngọc, Tây Nguyên trong tiếng Việt có thể còn đầy lên bởi nhiều tiếng nói tri thức bản địa khác, nhưng hẳn sẽ không dễ tìm được một giọng điệu cứng cỏi dám chỉ thẳng vào những thực tế bất thường.

Nguyên Ngọc đã tự phản tỉnh những chủ trương phi căn cứ, những việc làm tỏ ra vỗ về đời sống sắc dân thiểu số nhưng thực tế lại phản tác dụng, biến những tiêu chuẩn sống đáng ngưỡng mộ thành hiện trạng sống méo mó, dị dạng.

Nhiều người coi Nguyên Ngọc của năm 1979 như là một trong số ít cá nhân bắt đầu khai hỏa tấn công vào những nhược điểm của văn học cách mạng. Nhưng Nguyên Ngọc khi chấp bút Đề cương đề dẫn thảo luận ở Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học vào tháng 6/1979 lúc đó chưa phải là Nguyên Ngọc của cao trào đổi mới văn học, khi ông điều hành tờ Văn nghệ, và càng chưa phải Nguyên Ngọc ngay sau đó, khi ông rời tờ báo này để dấn thân vào các hoạt động văn hóa, xã hội trong tư cách trí thức độc lập. Tất nhiên sợi dây xuyên suốt ở đây vẫn là ý thức dám tiến tới, băng qua những chần chừ và níu kéo. Một Nguyên Ngọc của “chiến thắng” còn bị chất vấn bởi chính con người này thời “hậu chiến thắng”: “Vấn đề không chỉ đơn thuần là độc lập, vấn đề là trên cơ sở độc lập đó phải phát triển, phát triển dân tộc. Tìm một con đường phát triển, và tìm một cách phát triển cho dân tộc, trong thế giới biết bao hấp dẫn mà cũng xiết bao khó khăn này” (T2, tr.610). Cho nên, ngay lúc tiến trình đổi mới văn học, từ sau 1991, như Nguyên Ngọc nhận ra, bỗng chững lại rõ ràng thì ông vẫn không bị mắc kẹt, mà liên tục tìm kiếm và cung cấp những cái mới khác, bộc lộ cái mới của bản thân trên những lựa chọn có chủ đích. Nguyên Ngọc thời hậu-đổi mới là Nguyên Ngọc dịch giả, là một công đoạn chữ nghĩa khác hẳn gốc gác người sáng tác trước đây. Các khoảng trống tri thức văn chương không chỉ của Nguyên Ngọc mà còn của một thời kì co cụm góc nhìn, đã được chính Nguyên Ngọc bổ sung thông qua dịch thuật, từ Jean-Paul Sartre, Roland Barthes, đến Milan Kundera. Tôi nghĩ nhận xét của TS. Nguyễn Thị Từ Huy cho rằng các bản dịch của Nguyên Ngọc có tính ứng dụng là chuẩn xác3. Không thể kể hết những công trình, bài viết, đặc biệt trong các nghiên cứu văn chương mang tính hàn lâm, đã trích dẫn Độ không của lối viết hay Nghệ thuật tiểu thuyết kể từ khi hai bản dịch này ra đời.  Cho tới giờ, mức độ “ứng dụng” như thế đối với những công trình lí thuyết du nhập từ nước ngoài, theo quan sát của tôi, là không quá nhiều và nếu so với thực tế “ăn ngay” một cách tức thì những hệ tư tưởng được coi là ngoại quốc khác thì quá trình tiếp nhận R. Barthes hay M. Kundera chủ yếu diễn ra trong sự háo hức của việc tự kiểm chứng4. Nói như vậy vì chính Nguyên Ngọc, sau khi dịch những cuốn sách thấy cần, đã lên tiếng về việc cần khôi phục một nền dịch thuật lành mạnh, “cần kiên quyết và kiên trì cải thiện thị hiếu của người đọc đã bị vô số sách dịch tạp nham lâu nay mài mòn và làm suy thoái” (T2, tr.328). Từ văn học, Nguyên Ngọc chuyển sang dịch dân tộc học, trước nhất và bề thế nhất, là dân tộc học Tây Nguyên: Bộ ba công trình của Jacques Dournes (Mảnh đất huyền ảo, 2003; Rừng, Đàn bà, Điên loạn, 2006; Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, 2013); công trình của Anna De Hautecloque Howe (Người Ê-đê: một xã hội mẫu quyền, dịch cùng Phùng Ngọc Cửu, 2004);… Các dịch phẩm này, đôi khi đính kèm với lời giới thiệu của ông, thể hiện rõ cảm hứng “một cuộc gặp gỡ” giữa những con người hiếu tri, xuyên qua nhiều lớp văn bản để chuyển tới cộng đồng sự thông hiểu lẫn nhau như một ứng xử văn hóa trong thời đại đa văn hóa.

Nhìn vào đường xa mà Nguyên Ngọc đi qua, có thể thấy ông đã lần lượt giã từ vai trò nhà văn-chiến sĩ, nhà văn-bí thư Đảng đoàn, nhà văn-tổng biên tập…, nghĩa là những vai trò được nhấn mạnh bằng yếu tố chính thống, nhà nước hóa, để xác lập mình trong vai trò trí thức độc lập trong xã hội dân sự.

Nguyên Ngọc có một lòng yêu mến, liên tài đặc biệt đối với những con người tài năng quá cỡ, hoặc nhiệt tâm, hoặc được coi là khí phách, và ông không ngần ngại diễn đạt về họ bằng những mĩ từ, những tổ hợp tính từ khái quát cao. Thậm chí, đôi lúc ông cũng không ngần ngại kích lên một tấm gương trở nên lớn và sáng hơn bản thân nó vốn có. Hãy nhìn vào những thân danh cao mà tần số xuất hiện trong các bài viết cho thấy ông chưa hề cạn suy ngẫm về họ: nhiều nhất về Phan Châu Trinh, thâm tình với Nguyễn Khải, trân trọng bao gồm cả lăng-xê Nguyễn Ngọc Tư, đồng cảm sâu sắc với Milan Kundera, ngưỡng mộ “loại hình sống” Condominas, kĩ lưỡng với Jacques Dournes, hào hứng với Francois Jullien… Trong những bài viết đó, Nguyên Ngọc trước sau vẫn duy trì một quan điểm đánh giá không thoái lui, một độ tư duy gần để đọc thấu và đọc đúng về đối tượng và vấn đề. Cảm tưởng ông đã nhận được ở đấy những vốn xã hội ở ngoài nhà nước, phi nhà nước, để không đơn điệu và khô cằn cho sự hình dung của ông về con đường phát triển của dân tộc mà ông thường canh cánh. Chỉ riêng điều đó, ông đã tự khác, tự lật hẳn qua một vị thế mới.
Vậy thì, nhìn thế nào về mẫu người Nguyên Ngọc? Gọi ông là “con đẻ của cách mạng”5 thì sẽ trả lời thế nào nếu phải nhìn lại trong suốt mấy thập niên cả dân tộc tiến hành cách mạng, rất nhiều thế hệ đã ra đi và trở về như Nguyên Ngọc, đã được chính giai đoạn ấy dìu dắt và tôi luyện, rút cuộc, có bao nhiêu “con đẻ của cách mạng” đủ khả năng và bản lĩnh xác lập mình trong vai trò trí thức xã hội dân sự? Nhìn vào đường xa mà Nguyên Ngọc đi qua, có thể thấy ông đã lần lượt giã từ vai trò nhà văn-chiến sĩ, nhà văn-bí thư Đảng đoàn, nhà văn-Tổng biên tập…, nghĩa là những vai trò được nhấn mạnh bằng yếu tố chính thống, nhà nước hóa. Không kịp giã từ các vai trò này, người bạn thân của ông, nhà văn Nguyễn Khải, từng phải đi tìm cái tôi đã mất trong im lặng. Còn Nguyên Ngọc, ông kịp và đang thể hiện mình là trí thức độc lập trong xã hội dân sự, dù là dân sự mới ló dạng. Tôi nghĩ, đã là một trí thức thì bất luận là “con đẻ” của ngữ cảnh nào, họ vẫn trưởng thành như một cá nhân độc lập và hành trạng của họ là mẫu hình để xã hội lắng nghe, hướng tới.

1 NXB Hội Nhà văn, 2009, gồm ba tập. Tập 1 gồm những sáng tác (Tiểu thuyết, Truyện ngắn, và kí); Tập 2 gồm những tiểu luận, bài viết về nhiều chủ đề khác nhau; và Tập 3 tập hợp những công trình dịch thuật của Nguyên Ngọc. Các trích dẫn trong bài, nếu không có chú thích gì khác, đều lấy từ tài liệu này.
2 Nhiều tác giả (2012), Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa, NXB Tri thức & Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây, H.
3 Xem bài “Những dịch phẩm của tự do” của Nguyễn Thị Từ Huy trong sách Nguyên Ngọc vẫn trên đường xa.
4 Một đánh giá về dịch thuật của Nguyên Ngọc, xin xem Phùng Ngọc Kiên (2014), “Bàn về hiệu ứng đọc lí thuyết phê bình nước ngoài – trường hợp bản dịch “Độ không của lối viết”, tạp chí Nghiên cứu văn học, s.7, tr.54-65.
5 Xem bài “Nhà văn Nguyên Ngọc, con đẻ của cách mạng” của Trung Trung Đỉnh in trong tập 3, tr.487-500.

Nguồn: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=7909&CategoryID=41