Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

Giã từ vũ khí – Khi nào và tại sao phản kháng dân sự thành công

Erica Chenoweth Maria J. Stephan

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Căn cứ trên nghiên cứu về lịch sử đấu tranh trên thế giới trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, Erica Chenoweth và Maria J. Stephan kết luận rằng các phong trào phản kháng bất bạo động có cơ may thành công và tạo biến đổi chính trị cao hơn các phong trào bạo động. Erica Chenoweth là phó giáo sư tại Trường Quốc tế học Josef Korbel của Đại học Denver và là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo. Maria J. Stephan là nghiên cứu viên cao cấp về chính sách tại Viện Hòa bình Mỹ và nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương Họ là tác giả của cuốn sách “Tại sao phản kháng dân sự thành công: Logic chiến lược của xung đột bất bạo động (“Why Civil Resistance Works: The Strategic Logic of Nonviolent Conflict”).

Ba năm qua, thế giới chứng kiến sự tăng vọt các phong trào phản kháng bất bạo động. Hình ảnh về các cuộc biểu tình đông đảo ở các quảng trường đã xuất hiện thường xuyên trên các chương trình thời sự quốc tế, và tạp chí TIME đã chọn “người biểu tình” là Nhân vật Tiêu biểu trong năm 2011. Hiện nay, dường như bất cứ lúc nào cũng có hàng ngàn người đang vận động đòi thay đổi ở một nơi nào đó trên thế giới.

Nhưng các phong trào này có khác biệt rất lớn về thời gian diễn ra, thành công, và khả năng giữ trạng thái bất bạo động, và phí tổn về mạng người. Qua nhiều năm biểu tình và và đình công lúc có lúc không, người Tunisia đã lật đổ Zine el-Abidine Ben Ali, nhà độc tài đã cai trị đất nước này trong 23 năm, sau đợt biểu tình kéo dài 28 ngày bắt đầu vào tháng 12/2010. Có từ 300 đến 320 thường dân Tunisia chết trong chính biến này, tất cả đều bị cảnh sát hay các lực lượng an ninh sát hại. Mấy tuần sau, người Ai Cập kết thúc triều đại ba chục năm của Hosni Mubarak sau khi một thập niên chống đối và phản kháng dân sự ở mức độ thấp lên đến cực điểm trong 18 ngày biểu tình quần chúng bất bạo động – nhưng trong quá trình đó các lực lượng an ninh của Mubarak sát hại khoảng 900 người. Ở Libya, các cuộc biểu tình rải rác chống Muammar al-Qaddafi bắt đầu vào tháng 2/2011 đã biến thành một cuộc nổi loạn có vũ trang. Chẳng bao lâu sau, NATO can thiệp bằng quân sự, và trong vòng chín tháng, Qaddafi chết và chế độ của ông bị lật đổ, nhưng theo nhiều ước tính khác nhau, có từ 10.000 đến 30.000 người Libya đã thiệt mạng. Ở Syria, Bashar al-Assad đã đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình từ tháng 3 đến tháng 8/2011 phần lớn là bất bạo động chống lại ách cai trị của ông, giết chết hàng ngàn người và dẫn đến một cuộc nội chiến mà đến nay đã làm thiệt mạng hơn 150.000 người và khiến khoảng chín triệu người lâm vào cảnh loạn lạc. Gần đây nhất, hồi tháng 2, người Ukraine lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych sau ba tháng phản kháng dân sự quần chúng và các cuộc biểu tình thỉnh thoảng có bạo động. Khoảng 100 người biểu tình Ukraine chết trong những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động – ít hơn so với phần lớn các cuộc đối đầu của Mùa xuân Ả rập hồi năm 2011. Nhưng phản ứng của Nga trước việc Yanukovych bị lật đổ – chiếm đoạt lãnh thổ Crimea thuộc Ukraine và tìm cách gây mất ổn định các vùng miền đông Ukraine – đã tạo ra tình hình an ninh nguy hiểm nhất và khó lường nhất ở Châu Âu trong mấy thập niên qua.

Quỹ đạo cơ bản của những phong trào gần đây – mỗi phong trào sau dường như có tính bạo động hơn và đậm chất địa chính trị hơn phong trào trước – đã gây nghi ngờ về triển vọng của phản kháng dân sự trong thế kỷ 21. Những nỗi nghi ngờ như vậy là điều dễ hiểu, nhưng sai lầm. Cần có một tầm nhìn dài hạn hơn để thấy tiềm năng thật sự của phản kháng bất bạo động; tiềm năng này hiện rõ trong bộ dữ liệu lịch sử mà chúng tôi thu thập về 323 phong trào diễn ra trong thế kỷ 20 – từ phong trào của Mahatma Gandhi để Ấn Độ giành độc lập từ thực dân Anh (bắt đầu mạnh mẽ vào năm 1919) đến các cuộc biểu tình hạ bệ Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra năm 2006. Bộ dữ liệu toàn cầu bao gồm tất cả các phong trào bất bạo động và bạo động đã được biết (mỗi phong trào có ít nhất 1.000 người tham gia được quan sát) để đòi quyền tự quyết, phế truất một nhà lãnh đạo đang cầm quyền, hay đánh đuổi quân ngoại xâm từ năm 1900 đến 2006. Bộ dữ liệu này được thu thập qua sử dụng hàng ngàn tư liệu gốc về biểu tình và bất tuân dân sự, các khảo sát và báo cáo chuyên môn, và những hồ sơ hiện có về các cuộc khởi nghĩa bạo động.

Từ năm 1900 đến 2006, các phong trào phản kháng bất bạo động chống lại các chế độ độc tài có cơ may thành công gấp đôi so với các phong trào bạo động. Phản kháng bất bạo động cũng tăng xác suất mà việc lật đổ một chế độ độc tài sẽ dẫn đến hòa bình và sự cai trị bằng dân chủ. Điều này thậm chí cũng đúng ở các quốc gia độc tài và đàn áp cao độ, những nơi mà ta có thể cho rằng phản kháng bất bạo động có thể thất bại. Khác với quan niệm thông thường, không một cấu trúc xã hội, kinh tế, hay chính trị nào từng ngăn cản một cách hệ thống không cho các phong trào bất bạo động xuất hiện hay thành công. Từ đình công và phản đối đến biểu tình ngồi và tẩy chay, phản kháng dân sự vẫn là chiến lược tốt nhất để tạo ra biến đổi xã hội và chính trị khi có áp bức. Các phong trào chọn phương pháp bạo động thường gây ra cảnh hủy diệt và tắm máu kinh hoàng, cả trước mắt lẫn về lâu về dài, mà thường không đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu. Dù hiện nay vẫn còn cảnh hỗn loạn và nỗi lo sợ từ Cairo đến Kiev, vẫn có nhiều lý do để lạc quan một cách thận trọng về triển vọng hứa hẹn của phản kháng dân sự trong những năm sắp đến.

Ở Mỹ và Châu Âu, giới quyết định chính sách thường bối rối khi đối mặt với câu hỏi có nên hậu thuẫn thường dân chống lại các chế độ độc tài bằng phản kháng bất bạo động và, nếu có, thì nên hậu thuẫn bằng hình thức nào. Giới chủ trương can thiệp có đầu óc tự do viện dẫn nguyên tắc “trách nhiệm bảo vệ” thường dân để biện giải cho sự can thiệp của NATO ở Libya và cũng đã dùng đến lập luận đó để cổ xúy cho hành động can thiệp tương tự ở Syria. Nhưng triển vọng hứa hẹn của phản kháng dân sự đề xuất một phương án khác: “trách nhiệm hỗ trợ” các nhóm hoạt động và xã hội dân sự từ sớm, trước khi các cuộc đối đầu giữa thường dân và các chế độ độc tài sa lầy thành các cuộc xung đột bạo động.

Quyền lực cho nhân dân

Phản kháng dân sự thành công không phải vì nó làm mủi lòng các nhà độc tài và bọn mật vụ. Phản kháng dân sự thành công vì so với đấu tranh có vũ trang, nó cơ may lớn hơn để thu hút lực lượng tham gia nhiều hơn và đa dạng hơn, và gây những phí tổn không bền vững đối với một chế độ. Phản kháng dân sự thì mỗi phong trào mỗi khác, nhưng các phong trào thành công đều có ba điểm chung: có sự tham gia của đông đảo quần chúng, khiến nhiều người từ bỏ chế độ, và áp dụng các chiến thuật linh hoạt. Theo dữ liệu lịch sử, phong trào càng lớn và càng đa dạng, thì càng có cơ may thành công. Những phong trào lớn có xác suất lớn hơn để thật sự làm đảo lộn hiện trạng, tăng phí tổn của việc chính quyền đàn áp, và kêu gọi các thành phần ủng hộ trụ cột của chế độ từ bỏ chế độ. Khi đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động quấy rối và bất tuân dân sự, bằng cách luân phiên thay đổi giữa các phương pháp tập trung như biểu tình và các phương pháp phân tán như các đợt tẩy chay của người tiêu dùng và đình công, ngay cả đối thủ tàn bạo nhất cũng khó lòng đàn áp và khó lòng áp bức mãi. Mohammad Reza Pahlavi, quốc vương cuối cùng của Iran, dễ dàng vô hiệu hóa các nhóm du kích Hồi giáo và thiên hướng Marxist từng chống lại chế độ cai trị của ông trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Nhưng khi đông đảo công nhân dầu mỏ, tiểu thương, và sinh viên tham gia các hoạt động phản kháng dân sự tập thể, trong đó có ngừng làm việc, tẩy chay, và biểu tình, bộ máy đàn áp của chế độ bị quá tải và nền kinh tế sa sút. Với tình cảnh đó, chẳng bao lâu sau quốc vương đành phải chạy trốn ra nước ngoài.

Sự hậu thuẫn trên diện rộng cho một phong trào phản kháng cũng có thể làm suy yếu lòng trung thành của giới chóp bu kinh tế, giới chức tôn giáo, và các thành phần báo chí nhà nước ủng hộ chế độ. Khi những nhân vật như vậy từ bỏ chế độ để đứng về phía chống đối, đôi khi họ có thể buộc chế độ đầu hàng trước các yêu sách của phe chống đối, như đã xảy ra với phong trào Quyền lực Nhân dân của Philippines trong thời kỳ 1983–1986. Những phong trào rộng lớn cũng có lợi thế về chiến thuật: các phong trào đa dạng, bất bạo động có sự tham gia của phụ nữ, giới chuyên gia, các nhân vật tôn giáo, và công chức – khác với các phong trào bạo động chủ yếu chỉ bao gồm các thanh niên khỏe mạng để huấn luyện thành chiến binh – giảm rủi ro bị đàn áp bằng vũ lực, vì các lực lượng an ninh thường ngần ngại dùng vũ lực chống lại những đám đông có thể bao gồm hàng xóm và thân nhân của họ. Và ngay cả khi chính quyền dùng vũ lực đàn áp các phong trào phản kháng, trong tất cả các trường hợp được nghiên cứu, các phong trào bất bạo động vẫn đạt được các mục tiêu của mình trong gần một nửa số trường hợp, trong khi chỉ có 20 phần trăm trong số các phong trào bạo động đạt được mục tiêu của mình, vì đại đa số trường hợp không thể huy động được mức độ hậu thuẫn của quần chúng hay khuyến khích được đủ số người từ bỏ chế độ cần để giành thắng lợi. Trong những trường hợp các lực lượng an ninh vẫn trung thành với chế độ, số người thuộc giới chóp bu kinh tế từ bỏ chế độ có thể đóng vai trò hệ trọng. Ở Nam Phi, các vụ tẩy chay chống lại doanh nghiệp của người da trắng và những trường hợp giới đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các doanh nghiệp Nam Phi đã có tính quyết định trong việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc.

Nhưng phản kháng dân sự cần có không chỉ sự tham gia của đông đảo quần chúng và số người từ bỏ chế độ, mà còn cần có sự hoạch định và các chiến thuật được phối hợp. các phong trào bất bạo động thành công hiếm khi mang tính tự phát, và giới quan sát đừng nên ngộ nhận vì sự sụp đổ có vẻ nhanh chóng của các chế độ Ben Ali và Mubarak: cả hai cuộc cách mạng này đều bắt nguồn từ các phong trào đấu tranh của người lao động và phong trào chống đối đã có từ gần một thập niên. Thật vậy, từ năm 1900 đến 2006, tính trung bình một phong trào bất bạo động kéo gần ba năm. Như Robert Helvey, một đại tá Lục quân Mỹ đã về hưu từng tổ chức các lớp học về phản kháng dân sự ở Myanmar (còn gọi là Miến Điện), các vùng lãnh thổ Palestine, và Serbia trong thập niên 1990 và những năm đầu của thế kỷ này, nói với những nhà hoạt động tham gia các lớp học của ông: nếu họ muốn phong trào của mình thành công trong một năm, họ nên hoạch định như thể cuộc đấu tranh sẽ kéo dài trong hai năm.

Trong thập niên 1980 ở Mỹ, Helvey đã cộng tác chặt chẽ với học giả Gene Sharp, người đã xác định 198 chiến thuật khác nhau mà các phong trào phản kháng bất bạo động sử dụng. Các chiến thuật này bao gồm những phương pháp khác nhau về biểu tình, thuyết phục, bất hợp tác, và điều mà Sharp gọi là “sự can thiệp bất bạo động” – tất cả đều đã thành công trong các bối cảnh khác nhau. Các học giả tinh thông về công nghệ, chẳng hạn như Patrick Meier và Mary Joyce, đã cập nhật danh sách của Sharp để bao gồm các chiến thuật liên quan đến các công nghệ mới, ví dụ như dùng mạng xã hội để báo cáo những hành động đàn áp ngay khi chúng xảy ra và thậm chí dùng các máy bay không người lái loại nhỏ để theo dõi các hoạt động của cảnh sát.

Ngay cả các phong trào có đủ cả ba đặc điểm quý báu này – sự tham gia của quần chúng, những trường hợp từ bỏ chế độ, và các chiến thuật linh hoạt – không phải lúc nào cũng thành công. Còn phụ thuộc nhiều vào việc liệu chính quyền có khôn ngoan hơn những người chống đối và gây chia rẽ trong hàng ngũ của phe chống đối, có thể thậm chí xúi giục những người phản kháng bất bạo động từ bỏ những cuộc biểu tình và đình công của mình, phá vỡ kỷ cương và mất đoàn kết, và cầm súng để đáp trả sự đàn áp. Nhưng ngay cả khi các phong trào bất bạo động thất bại, không phải tất thảy thành công cốc: từ năm 1900 đến 2006, các quốc gia có những phong trào bất bạo động thất bại vẫn có xác suất rốt cuộc chuyển sang nền dân chủ cao hơn khoảng bốn lần so với những quốc gia có các phong trào phản kháng dùng phương pháp bạo động ngay từ đầu. Việc vận động dân sự bất bạo động phụ thuộc vào tính linh hoạt và xây dựng liên minh – đây cũng chính là những điều cần có cho việc dân chủ hóa.

Tất nhiên, những nhà cách mạng bất bạo động không nhất thiết có đủ năng lực cai trị đất nước trong quá trình chuyển tiếp chính trị. Ví dụ, ở Ai Cập những thanh niên hoạt động thế tục từng biểu tình ở Quảng trường Tahrir hồi tháng 1 và tháng 2 năm 2011 đã không tổ chức được các đảng chính trị hay các nhóm quyền lợi. Các cuộc nổi dậy quần chúng bất bạo động không thể luôn luôn giải quyết được những vấn đề cai trị đất nước mang tính hệ thống, chẳng hạn như các thể chế dựa vào quan hệ bè phái, nạn tham nhũng ăn sâu, và sự thiếu chia sẻ quyền lực giữa quân đội hoặc các lực lượng an ninh của một chế độ và bộ máy hành chính dân sự.

Nhưng các phong trào cách mạng vẫn có thể tối đa hóa xác suất đạt được mục đích cai trị đất nước mang tính đại diện hơn – xác suất đưa những thành công của biểu tình trên đường phố vào các trung tâm quyền lực – nếu các phong trào này tạo dựng cái gọi là các thể chế song song trong quá trình đấu tranh của mình. Ba Lan là một trong những ví dụ điển hình nhất. Năm 1980, sau khi khoảng 16.000 công nhân tiến hành một cuộc đình công ở xưởng đóng tàu Gdansk, các tổ chức lao động Ba Lan (vốn đã kêu gọi chống đối chế độ cộng sản được Liên Xô hậu thuẫn ở Ba Lan trong suốt một thập niên) đã thành lập Công đoàn Đoàn kết; công đoàn này đã biến thành một phong trào phản kháng dân sự và khiến chính quyền cộng sản mất dần khả năng kiểm soát đất nước. Công đoàn Đoàn kết đã xuất bản những tờ báo đối kháng bí mật, tổ chức các cuộc biểu tình và những buổi diễn kịch cấp tiến ở các nhà thờ, và phản đối những năm bị đàn áp, trong đó có việc áp đặt thiết quân luật vào năm 1981. Rốt cuộc có đến mười triệu người Ba Lan tham gia tổ chức này. Công đoàn Đoàn kết hoạt động như một kiểu chính phủ đối lập, tạo năng lực đảm nhận vai trò lãnh đạo khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ. Năm 1988, Công đoàn Đoàn kết tổ chức một loạt các cuộc đình công, và các cuộc đình công này đã dẫn đến những cuộc đàm phán trực tiếp với chế độ, với kết quả là kỳ bầu cử bán tự do vào năm 1989. Một năm sau, Ba Lan thoát khỏi ách cai trị của cộng sản với những luật lệ và tập quán bầu cử mới, trong đó có nhiều luật lệ và tập quán được Công đoàn Đoàn kết góp phần tạo nên thông qua một loạt các cuộc đàm phán, tạo điều kiện cho giai đoạn chuyển tiếp bền vững và tự tin hơn sang nền dân chủ. Tuy vẫn còn nhiều vấn đề, xã hội dân sự Ba Lan đã hoàn toàn đủ năng lực buộc giới lãnh đạo mới của mình chịu trách nhiệm giải trình – trong đó chủ tịch Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa, người được bầu làm tổng thống năm 1990.

Từ Cairo đến Kiev

Thoạt nhìn, các sự kiện gần đây, ví dụ như cuộc đấu tranh để củng cố những thắng lợi dân chủ ở Tunisia, cuộc phản cách mạng ở Ai Cập, tình trạng hỗn loạn ở Libya thời kỳ hậu Qaddafi, cuộc nội chiến dường như không giải quyết được Syria, và sự bất ổn ở Ukraine sau cuộc cách mạng ở Kiev, có vẻ như chẳng chứng minh được gì về triển vọng hứa hẹn của phản kháng dân sự. Nhưng nếu nghiên cứu kỹ hơn năm trường hợp này, ta quả thật thấy rõ tại sao quyền lực của nhân dân vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để tạo ra thay đổi chính trị, thậm chí ở các nước đàn áp mạnh mẽ.

Dù có những trở ngại hồi năm ngoái, trong đó có các vụ phiến quân Hồi giáo ám sát hai chính khách có thiên hướng tự do nổi tiếng, Tunisia vẫn có vẻ là điểm sáng trong tất cả các quốc gia trải qua biến động Mùa xuân Ả rập. Thật vậy, cuộc cách mạng ở Tunisia rất giống với những trường hợp thành công của phản kháng dân sự trước đây, chẳng hạn như Philippines và Ba Lan. Tunisia có cơ hội cao để hoàn tất quá trình chuyển tiếp sang nền dân chủ trong vòng năm năm nữa. Quỹ đạo tích cực này chủ yếu là kết quả của cách Tunisians tập hợp chống lại Ben Ali. Đông đảo người dân Tunisia tham gia những cuộc biểu tình kéo dài, và những cuộc biểu tình này có sự tham gia của nhiều tầng lớp công dân đa dạng: phụ nữ góp phần dẫn đầu các cuộc biểu tình, và hội viên nghiệp đoàn sánh bước cùng với luật sư, giáo sư, và sinh viên. Về chiến thuật, người phản kháng chủ yếu tùy cơ ứng biến, nhưng họ cũng dựa vào nhiều phương pháp khác nhau, luân phiên giữa các cuộc biểu tình và những cuộc đình công toàn quốc làm tê liệt đất nước do nghiệp đoàn tổ chức. Các biện pháp đàn áp của chế độ để chống phản kháng, chẳng hạn như các đợt bố ráp an ninh gây chết người, bị phản tác dụng, càng khiến thêm nhiều người xuống đường biểu tình và khuyến khích binh lính đào ngũ, và người trung thành từ bỏ chế độ. Sau khi đảng Hồi giáo Ennahda thắng lớn trong kỳ bầu cử đầu tiên của thời kỳ hậu Ben Ali, vào năm 2011, những cuộc tranh giành quyền lực giữa phe Hồi giáo và các đối thủ thế tục, trong lúc bùng nổ những cuộc phản kháng và bạo lực chính trị, rốt cuộc đã dẫn đến thỏa hiệp và một thỏa thuận chia sẻ quyền lực hồi cuối năm ngoái. Đặc biệt, các nghiệp đoàn đóng vai trò chủ chốt trong việc làm trung gian để đạt thỏa thuận này.

Cuộc nổi dậy được đưa tin rình rang của Ai Cập, giống như cuộc nổi dậy của Tunisia, minh họa tiềm năng của phản kháng bất bạo động. Người phản kháng dùng nhiều loại chiến thuật khác nhau, từ chiếm đóng những quảng trường chính đến tổ chức các cuộc đình công lớn. Những nhà hoạt động tìm được đồng minh trong quân đội Ai Cập, và các binh sĩ này không chịu nổ súng bắn vào các đám đông quần chúng và từ bỏ Mubarak, dẫn đến thắng lợi cho phản kháng dân sự vào năm 2011. Nhưng chẳng bao lâu sau người ta thấy rõ rằng điệp khúc phổ biến “Quân đội và nhân dân là một” là một khẩu hiệu rỗng tuếch: quân đội Ai Cập (khác với quân đội Tunisia) có ý định bám víu quyền lực bằng mọi giá. Năm ngoái, sau khi quân đội lật đổ Mohamed Morsi, tổng thống được bầu cử một cách dân chủ, chính quyền được quân đội hậu thuẫn đã trở mặt với chính những nhà hoạt động từng tổ chức những cuộc biểu tình đầu tiên chống Mubarak ở Quảng trường Tahrir, và tống giam nhiều người. Với quân đội nắm chắc quyền lực nguyên vẹn – và cựu lãnh tụ quân đội, Thống chế Abdel Fattah el-Sisi, dự kiến sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào cuối tháng 5 – Ai Cập cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy một phong trào bất bạo động thành công khi phế truất được một nhà độc tài cầm quyền không nhất thiết bảo đảm là sẽ mang lại tự do nhiều hơn và ổn định hơn trong thời kỳ sau đó.

Tuy nhiên, nếu các cuộc biểu tình ở Quảng trường Tahrir đã biến thành bạo động, tình hình ở Ai Cập rất có thể đã xấu hơn rất nhiều so với hiện nay. Những cuộc nổi dậy có vũ trang có khuynh hướng củng cố quyền lực của quân đội càng nhanh hơn, khiến binh sĩ ngại đào ngũ. Hơn nữa, những cuộc nổi dậy có vũ trang có khuynh hướng khơi mào những hành động tàn bạo nhắm vào thường dân trên quy mô rộng lớn hơn so với phản kháng bất bạo động. Những cuộc nổi loạn có vũ trang hiếm khi thành công, và khi thành công, chúng gần như chẳng bao giờ mang lại ổn định hơn.

Khi hàng ngàn người Ukraine phản kháng vào cuối năm 2013, kêu gọi Yanukovych từ chức, đây dường như là một minh chứng cho triển vọng hứa hẹn của phản kháng quần chúng bất bạo động. Dù phần lớn báo chí nước ngoài xem Kiev là trung tâm của các cuộc biểu tình, người dân quả thực đã nổi dậy ở nhiều thành phố và thị trấn trên toàn quốc. Cũng như ở Tunisia và Ai Cập, phong trào phản kháng vận dụng nhiều loại chiến thuật. Người dân tẩy chay hàng tiêu dùng của những doanh nghiệp có quan hệ với Yanukovych; ở Kiev, một chương trình rộng lớn tổ chức đi chung xe (car pool) giúp người biểu tình có thể đến và rời khỏi quảng trường chính của thành phố [Quảng trường Tự Do, N.D.]. Người phản kháng cũng hết mình vì đại nghĩa: ví dụ, thường dân nằm chắn ngang đường sắt ở ngoại ô thành phố Dnipropetrovsk để cản trở không cho một đoàn tàu chở 500 cảnh sát chống bạo động tinh nhuệ vào Kiev. Phong trào này đa dạng, bao gồm nam nữ từ các tổ chức chính trị, tầng lớp, và với độ tuổi khác nhau. Tính chất tập hợp được mọi tầng lớp của phong trào này đã khuyến khích các quan chức của chế độ và các lực lượng an ninh đứng về phía bên kia ở cả thành thị lẫn nông thôn.

Hẳn nhiên, chẳng bao lâu sau Yanukovych trốn khỏi Ukraine, vào cuối tháng 2, thắng lợi của phản kháng dân sự đã bị địa chính trị phá hoại, khi Nga phản ứng trước trào lưu thân Châu Âu ở Kiev bằng cách chiếm đoạt Crimea và gây bất ổn ở miền đông Ukraine. Nhưng những điều đó không hề thay đổi thực tế là chính các cuộc biểu tình quần chúng chủ yếu bất bạo động, chứ không phải cách mạng có vũ trang, đã lật đổ Yanukovych.

Giã từ vũ khí

Libya không thuộc hẳn trong nhóm các quốc gia có phản kháng bất bạo động dẫn đến thay đổi chính trị; dù gì đi nữa, Qaddafi bị lật đổ bởi một phong trào có vũ trang với sự hậu thuẫn của NATO. Nhưng Libya là một trường hợp cho thấy rõ ta sẽ sai lầm biết bao nếu phớt lờ các khả năng chiến lược của phản kháng dân sự. Libya chưa bao giờ có một phong trào phản kháng dân sự có phối hợp; thay vì thế, những nhà cách mạng và những người từ bỏ chế độ chuyển từ các cuộc biểu tình quần chúng thiếu tổ chức, chẳng hạn như các cuộc biểu tình gây rúng động Benghazi hồi tháng 2/2011, sang bạo động trong những ngày đầu tiên của cuộc nổi dậy này, giết nhân viên an ninh, đốt đồn cảnh sát và sở an ninh trên toàn quốc, và dấy loạn có vũ trang. Hơn nữa, tuy giành được những thắng lợi chiến thuật ban đầu, các lực lượng nổi loạn thua hẳn về quân số so với lực lượng trung thành với Qaddafi và hẳn đã tổn thất nặng nề nếu không có sự hỗ trợ của NATO, khiến họ hoàn toàn dựa vào cộng đồng quốc tế để giành thắng lợi về mình. Ngoài ra, số tử vong từ cuộc nội chiến Libyan cao hơn nhiều so với ở Tunisia, Egypt, và những trường hợp khác mà trong đó người hoạt động chỉ dựa vào các phương pháp bất bạo động. Suy cho cùng, chính cuộc nổi dậy có vũ trang đã khiêu khích để Qaddafi có bài phát biểu nổi tiếng vào cuối tháng 2/2011, trong đó hắn hứa “đến tận nhà” để “bắt những kẻ rác rưởi” đã phản bội hắn. Và Libya ngày nay có khung cảnh đáng sợ như các trường hợp trong quá khứ sau khi các nhóm phiến loạn lật đổ các chế độ độc tài: hàng chục phiến quân tự do hoành hành, và chính quyền trung ương nhu nhược đứng bên bờ vực sụp đổ. Kỳ bầu cử tương đối tự do hồi năm 2011 đã không dẫn đến các thể chế trị quốc hữu hiệu. Đúng là phản kháng bạo động đã lật được Qaddafi – nhưng phải trả giá đắt. Dù không thể biết liệu hành động bất bạo động có thành công hay không, những cuộc biểu tình tự phát vào tháng 2/2011 khiến nhiều người đồng loạt từ bỏ lực lượng an ninh của Qaddafi sau chỉ hai ngày cho thấy nếu đã thử biết đâu đã không vô ích.

Dù có tổ chức hơn phong trào ở Libya, phản kháng ban đầu có tính bất bạo động ở Syria gặp khó khăn do không đủ số người tham gia và thiếu một kế hoạch chặt chẽ. Những nhà hoạt động đã không phối hợp được các cuộc biểu tình trên toàn quốc theo cách lẽ ra đã có thể giảm bớt sự đàn áp của chính quyền và khuyến khích thêm nhiều người thuộc lực lượng an ninh và giới chóp bu kinh tế từ bỏ chế độ. Phần lớn các chiến thuật ban đầu mà phe phản kháng dùng để chống đối chế độ Assad có tính biệt lập và tùy cơ ứng biến: các cuộc biểu tình rời rạc diễn ra sau giờ cầu nguyện ngày thứ Sáu tại một nhà thờ Hồi giáo hay các cướp phá tập thể chớp nhoáng tại các chợ nổi tiếng. Hàng chục năm sống trong một nhà nước cảnh sát tàn bạo, trong đó láng giềng theo dõi lẫn nhau theo chỉ thị của một trong nhiều chi nhánh của cơ quan an ninh, đã khiến người phản kháng không tin nhau và phá hoại hành động tập thể. Tuy nhiên trong giai đoạn bất bạo động này của cuộc nổi dậy, một số nhân viên an ninh Syria vẫn bỏ hàng ngũ để về với phe chống đối, và phong trào nhận được mức độ ủng hộ vừa phải trong nước.

Nhưng việc cầm súng chống lại sự tàn bạo tất yếu của chế độ Assad triệt tiêu cơ hội giữ được sự ủng hộ dành cho phe chống đối ở Syria từ đông đảo những người Alawite, người Ki tô giáo, và người Druze – những nhóm thiểu số có đại diện trong phong trào bất bạo động và có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ phong trào phản kháng dân sự tập hợp mọi tầng lớp và thành công. Cuộc nội chiến sau đó đã làm xa lánh những người trước đây tham gia và những người trước đây ủng hộ cuộc cách mạng này, và xét về nhiều mặt, điều đó đã giúp chế độ mạnh hơn. Và tổn thất quá lớn. Từ tháng 3 đến tháng 9/2011, khi cuộc nổi dậy chủ yếu mang tính bất bạo động, chế độ Assad sát hại ước tính 1.000 người mỗi tháng, và được biết bắt thêm hàng ngàn người nữa. Nhưng cuộc nội chiến diễn ra sau đó đã làm thiệt mạng 5.000 người mỗi tháng, và một phần ba dân số Syria hiện nay là người tị nạn.

Nếu trường hợp Syria theo tiền lệ lịch sử, tương lai của phe nổi loạn có vẻ u ám. Ngay cả khi có sự hậu thuẫn của các nhà nước bên ngoài, các phong trào bạo động từ năm 1900 đến năm 2006 có xác suất thành công chưa đến 30%. Trong các thành công có những trường hợp đáng nghi vấn, chẳng hạn như Khmer Đỏ ở Cam Bốt năm 1975 và phiến quân Hồi giáo của Afghanistan trong thập niên 1980. Trong các thất bại có cuộc nổi dậy của người Shiite chống lại Saddam Hussein ở Iraq vào đầu thập niên 1990, sau Chiến tranh Vùng Vịnh. Và tuy tình hình ở Syria đã tệ, nó còn có thể tệ hơn. Kể từ năm 1990, một cuộc nội chiến trung bình kéo dài chín năm. Ngay cả khi phe nổi loạn rốt cuộc giành thắng lợi, chiến thắng của họ có thể sẽ không đáp ứng được hy vọng ban đầu của họ muốn có tự do nhiều hơn. Chưa đến bốn phần trăm các chiến thắng của phe nổi loạn trong các cuộc kháng chiến có vũ trang từ năm 1900 đến 2006 dẫn đến nền dân chủ trong vòng năm năm; gần một nửa quay trở lại nội chiến trong vòng mười năm.

Bất cứ phong trào nào ở Syria, cả bất bạo động lẫn bạo động, cũng có lẽ khó có cơ may thành công, do sự tàn bạo của chế độ. Nhưng dù nghe có vẻ phi lý, phản kháng dân sự đang có tác dụng ở Syria và có lẽ có cơ may thành công cao hơn so với đấu tranh có vũ trang. Thật vậy, thay vì minh họa các hạn chế của phản kháng bất bạo động, con đường của Syria cho thấy lựa chọn bạo động có thể gây tác hại đến dường nào. Bạo động là đấu với Assad bằng sở trường của Assad trong khi khiến phe chống đối hoàn toàn dựa vào sự can thiệp bằng vũ trang của nước ngoài. Dù hoàn toàn có thể hiểu được do mức độ đàn áp của chế độ, việc đối đầu với Assad bằng chính phương thức bạo lực của hắn đã gây ra những hậu quả thảm thương – dù có thể tiên đoán được.

Để làm cách mạng

So sánh các trường hợp này ta có thể thấy vài điểm quan trọng. Thứ nhất, các phong trào bất bạo động thu hút sự tham gia đa dạng hơn nhiều so với các phong trào có vũ trang, tăng xác suất nhân viên an ninh đào ngũ và giới chóp bu của chế độ từ bỏ chế độ. Đúng là càng đông càng an toàn, nhất là khi người phản kháng đại diện cho nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội. Thứ hai, các phong trào bất bạo động thành công đã dùng nhiều chiến thuật khác nhau. Trái lại, ở Syria, những nhà hoạt động bất bạo động thường chỉ dựa vào các cuộc biểu tình và chiếm đóng, vốn là những phương pháp phản kháng dân sự có rủi ro cao nhất. Các cuộc đình công làm thử, các đợt tẩy chay, và các hình thức bất hợp tác quần chúng khác đều yếu ớt, cục bộ địa phương, và thiếu hậu thuẫn.

Thứ ba, mặc dù các cuộc phản kháng của Mùa xuân Ả rập tạo cảm hứng cho nhau và thống nhất về khẩu hiệu tương tự có tính biểu tượng được hô vang lần đầu ở Tunisia – “Nhân dân muốn chế độ sụp đổ!” – chúng không hề giống nhau. Thực ra, kết cuộc khác nhau ở mỗi quốc gia cho thấy rõ tại sao các nhóm bất bạo động phải cưỡng lại ước muốn sao chép một cuộc biểu tình quần chúng ở một quốc gia khác mà không có một chiến lược tổng quát hơn của chính mình, nhất là khi cuộc biểu tình quần chúng đó là nước cờ tàn cuộc của một phong trào bất bạo động lâu dài hơn. Thứ tư, ngoài việc giết nhiều thường dân không vũ trang hơn và làm giảm mức độ tham gia, phản kháng có vũ trang khiến các nhóm phiến loạn phụ thuộc đến mức nguy hiểm vào sự hậu thuẫn từ bên ngoài. Ở cả Libya và Syria, sự lệ thuộc hoàn toàn như vậy đã khiến phiến quân càng dễ bị cáo buộc là tay sai của các kẻ thù nước ngoài. Hơn nữa, sự hậu thuẫn quốc tế dành cho các nhóm vũ trang thường có điều kiện và dễ thay đổi, khiến các nhóm phiến loạn may nhờ rủi chịu tùy theo ý thích của người tài trợ (như minh chứng qua việc Washington ngần ngại giữ lời hứa hỗ trợ đáng kể cho phiến quân Syria).

Trong cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với một bàn tròn về vai trò thiết yếu mà xã hội dân sự đã có trong gần như tất cả các biến đổi xã hội và chính trị lớn trong nửa thế kỷ vừa qua, từ phong trào dân quyền ở Mỹ, đến cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu, đến cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Obama nói rằng quyền hội họp và lập hội ôn hòa “không phải là một giá trị phương Tây; đây là một quyền phổ quát.” Nhưng không gian cho quyền này đang thu hẹp lại ở nhiều nơi trên thế giới. Các quốc gia đang thông qua các luật bóp nghẹt xã hội dân sự, hạn chế việc các tổ chức phi chính phủ tiếp cận với nguồn tài trợ nước ngoài, kiểm soát chặt chẽ công nghệ thông tin liên lạc, và, trong những trường hợp cực đoan hơn, bắt bớ và quấy nhiễu các nhà báo và những nhà hoạt động. Obama kêu gọi các chính phủ xem các tổ chức dân sự như đối tác và, trong lời kêu gọi có phần thúc bách hơn, yêu cầu các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ tìm ra những cách sáng tạo hơn và hữu hiệu hơn để hỗ trợ các nhóm và giới hoạt động đấu tranh chống lại bất công và sự áp bức.

Nhưng điều đó đặt ra những câu hỏi về việc những hình thức hỗ trợ từ bên ngoài nào dành cho các nhóm xã hội dân sự bất bạo động có hiệu quả, và những hình thức nào không có hiệu quả. Ý tưởng “không gây tác hại” vẫn là nguyên tắc trụ cột về cách các chính phủ và thể chế nước ngoài nên cổ xúy dân chủ và hỗ trợ các nhóm xã hội dân sự ở các nước khác. Sự hậu thuẫn quốc tế dành cho các phong trào như vậy có thể có nhiều hình thức, chẳng hạn như giám sát các phiên tòa xét xử các tù nhân chính trị, can dự vào các phong trào đoàn kết để ủng hộ quyền hội họp ôn hòa, cung cấp các kênh tin tức và thông tin khác, đưa ra cảnh báo đối với các quan chức an ninh có thể muốn dùng vũ lực gây chết người nhắm vào những người phản kháng bất bạo động, và hỗ trợ việc xây dựng năng lực nói chúng cho các xã hội dân sự và báo chí độc lập. Nhưng các thành phần địa phương là vị thế tốt nhất để quyết định loại hỗ trợ nào là phù hợp và liệu hình thức hỗ trợ đó có đáng với các rủi ro liên quan hay không.

Củng cố xã hội dân sự không chỉ là một điều kiện tiên quyết để phát triển dân chủ lâu bền. Điều đó cũng có thể bảo vệ thường dân tránh khỏi những hình thức đàn áp bạo lực dã man nhất. Dù các chế độ có thể không dùng bạo lực đối với những người phản kháng ôn hòa, lịch sử cho thấy rằng việc giúp đỡ các nhóm xã hội dân sự duy trì kỷ cương bất bạo động – một tập quán thường đòi hỏi có sự phối hợp, hợp tác, và huấn luyện – rốt cuộc có thể giảm thiểu mức thương vong cho thường dân. Ngoài việc ngăn cản cuộc nổi dậy có vũ trang, việc duy trì đường lối phản kháng dân sự có thể giúp người phản kháng tránh được những hình thức cực đoan nhất của bạo lực nhà nước bằng cách tăng phí tổn của sự đàn áp (dù như Tunisia và Ai Cập đã chứng minh, hàng trăm người phản kháng vẫn có thể trả giá bằng mạng sống của mình). Các phong trào bất bạo động không lệ thuộc nhiều vào sự hậu thuẫn từ bên ngoài như các phong trào có vũ trang, nhưng cộng đồng quốc tế có thể góp phần bảo đảm rằng các nhóm xã hội dân sự duy trì không gian họ cần để thực thi các quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận và tự do hội họp trong khi tránh được ý muốn cầm súng để theo đuổi các mục tiêu của mình.

Giới hoạch định chính sách nên ưu tiên “trách nhiệm hỗ trợ” các nhà hoạt động bất bạo động và các nhóm xã hội dân sự, thay vì chỉ tìm cách bảo vệ thường dân bằng vũ lực quân sự, như trong đợt NATO can thiệp vào Libya. Dĩ nhiên, các phong trào phản kháng dân sự là các phong trào cây nhà lá vườn, và phải tiếp tục như vậy. Nhưng trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đã có nhiều hành động gây phương hại đến phản kháng dân sự vì đã hậu thuẫn một cách nhanh chóng và nhiệt tình các thành phần có vũ trang khi họ xuất hiện. Thảm kịch của Syria là một ví dụ điển hình. Dù sự đàn áp của chế độ, với sự hậu thuẫn của Iran và Nga, rõ ràng đã góp phần biến một cuộc nổi dậy chủ yếu mang tính bất bạo động thành một cuộc nội chiến, các thành phần bên ngoài lẽ ra đã có thể làm được nhiều hơn để hỗ trợ phản kháng dân sự và kéo dài cuộc nổi dậy bất bạo động ban đầu. Lẽ ra họ đã có thể góp phần khuyến khích, phối hợp, và khai thác cho mục đích chính trị những trường hợp từ bỏ chế độ (trong đó có trường hợp của các nhân vật chủ chốt của giới chóp bu Alawite); yêu cầu Assad cho phép các nhà báo nước ngoài lưu lại Syria; đẩy nhanh sự hậu thuẫn tài chính cho các mạng lưới bất bạo động quần chúng cơ sở và các hội đồng địa phương; và cung cấp nhiều thông tin cho các nhà hoạt động Syria về những điều cần làm để giữ tính chất bất bạo động trong những hoàn cảnh bị đàn áp cao độ. Thay vì thế, cộng đồng quốc tế đã công nhận và bảo hộ về mặt chính trị cho các thành phần có vũ trang, hỗ trợ cho họ cả phương tiện không gây chết người lẫn gây chết người, và góp phần quân sự hóa cuộc xung đột này, phá hoại đà tiến triển của phong trào bất bạo động. Không có giải pháp màu nhiệm nào để hỗ trợ một cách hiệu quả cho phe chống đối bất bạo động ở Syria. Nhưng các thành phần bên ngoài đã thiếu tốc độ và sự phối hợp, nhất là vào thời kỳ đầu của cuộc cách mạng này.

Trường hợp Syria cho thấy rõ nhu cầu cấp bách về đạo đức và chiến lược cần tìm ra những cách linh hoạt, nhanh nhạy hơn để hậu thuẫn các phong trào phản kháng bất bạo động. Những thành phần nội địa cổ xúy quyền lực của nhân dân sẽ tiếp tục hoạch định tương lai của chính mình. Nhưng các thành phần bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm rằng phản kháng dân sự có cơ may giành thắng lợi.

Nguồn: Erica Chenoweth and Maria J. Stephan, Drop Your Weapons, Foreign Affairs, July/August 2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Một phần của bản dịch tiếng Việt, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 2/7/2014. Bản dịch trọn vẹn đăng thành 2 kỳ, ngày 29/7/2014ngày 8/8/2014, trên blog lên đông xuống đoài. Dịch giả cho phép đăng lại trên Văn Việt.)

Bài liên quan:

· Tiềm năng cách mạng Ả rập: Sẽ còn bao nhiêu cuộc bể dâu nữa?

· “Cách mạng Cam” lần thứ nhì của Ukraine sẽ đi về đâu?

· Cuộc chiếm đóng và biểu tình ngồi tại Viện Lập pháp Đài Loan: Nguyên nhân và tác động

· Bạo động và cách mạng trong thời đại kỹ thuật số