Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Cơn bấn loạn dưới đất (6)

Tiểu thuyết Nguyễn Viện

Ngày 30.4.1975. Nhà chính khách trẻ kể: Hôm ấy tôi ở trong dinh Ðộc Lập, ngồi chờ quân giải phóng đến tiếp quản. Ðây là lịch sử. Tôi đang ngồi trong lịch sử với một nỗi niềm lo sợ. Tất cả giơ tay lên. Chúng tôi lần lượt ra khỏi lịch sử trong tư thế hai tay để trên đầu. Một vài nhà báo quen chạy tới ôm lấy chầm lấy tôi. Chúng ta thắng rồi. Tới lúc đó, tôi khóc.

Ông Phan Thanh Giản bảo: Ðầu hàng là một kinh nghiệm kỳ lạ nhất về sự hiện hữu.

Khi trong lòng an bình, bố tôi lảm nhảm đọc kinh. Giọng ông vui cũng như tôi đã nghe thượng tọa Thích Huyền Diệu ê a lời kinh tán trong vườn Lâm Tì Ni ở Népal xa xăm. Chúa không ngồi trên ngai vàng. Người ở trong gió và người mang lời kinh vu vơ đến cho những ai cần sự vu vơ để đi qua trần gian.

Nếu một lúc nào đó, người mang đến cho tôi chén thuốc độc và bảo: Phần của mi. Tôi sẵn sàng cầm lấy và uống trọn số phận mình.

Vì chột mắt, nên con rồng vẫy đuôi bay vòng vòng một chỗ mà cứ ngỡ mình bay thẳng. Quẻ Bát thuần càn, hào thượng cửu: “Kháng long, hữu hối”. Lý Công Uẩn nói với bà Năm Hồng: Cẩn thận kẻo động mồ động mả.

Ngày 16.3.2004. Những con ma ngụy tụ tập chật trên đồi Thương Tiếc. Chúng đến từ Nam Lào, Quảng Trị, Huế, Tây nguyên, duyên hải Trung bộ, các tỉnh miền Ðông, miền Tây Nam bộ. Trần truồng và đói khát. Lý Công Uẩn nói to: Chưa đến ngày phán xét, sao các ngươi lại đến?

Chúng đồng thanh trả lời: Ngày nào cũng là ngày phán xét.

Ai dám phán xét các ngươi khi ngày Chúa chưa đến?

Những ngọn cỏ này, những bóng cây này.

Ta có thể phán xử gì cho các ngươi?

Thưa hoàng thượng, chúng tôi cần một chỗ nằm.

Khi ấy, Bùi Giáng cầm cây phất trần đi ngang qua, nói: Nếu các bạn chưa chết thì đừng nằm. Còn rủi như các bạn đã chết từ khuya rồi thì lại càng không nên nằm, bởi các bạn là ma.

Chúng nói như hô khẩu hiệu: Ma cũng phải nằm.

Khi các bạn nằm, các bạn không phải là ma. Bởi vì bản chất của ma là không thật, hiện tượng của ma là nhát người. Các bạn hãy lên đường chọc ghẹo bá tánh cho hãi hùng thân phận, ly kỳ số kiếp.

Một số con ma vốn là văn nghệ sĩ nói: Phải đấy.

Vấn đề của các bạn là chọn hình thức nào cho ra dáng con nhà ma.

Nhạc sĩ họ Công Tôn xen vào: Các toa như thế nào thì cứ xuất hiện y như thế cũng đủ làm kinh động thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Xoong bảo: Cậu chỉ là cái thằng Ðã Là. Vấn đề ở đây là cái Ðang Là.

Nhạc sĩ họ Công Tôn cãi: Chúng ta là cái Vẫn Là.

Cái thứ Vẫn Là của cậu chỉ là giả hình. Âm nhạc của cậu đánh đĩ thập phương.

Thơ của toa là thứ ma cô ma cạo.

Bùi Giáng ôm con khỉ bỏ đi. Lý Công Uẩn ngán ngẩm nói to: Thôi giải tán.

Cả ngọn đồi Thương Tiếc vọng lên: Thưa hoàng thượng, đi đâu?

Ði đâu là chuyện của các ngươi. Lý Công Uẩn nói như thế và kẻ nào trong các ngươi nghe được thì nghe.

Những con ma lại rầm rĩ hỏi nhau: Ði đâu?

Bấy giờ nhà thơ Nguyễn Xoong lên tiếng: Hãy đến vườn Ðá Tảng.

Vườn Ðá Tảng rộng hơn hai mươi mẫu trên cao nguyên Di Linh. Bên những viên đá tảng là tiếng thông reo từ muôn vạn kiếp phiêu diêu. Thái tử Siddhartha đã khai hoang miếng đất này từ tiền kiếp của ngài. Trước khi đi Tây hoằng pháp, ngài đã giao lại cho nhà thơ Nguyễn Xoong gìn giữ cùng với một thảo am nghi ngút mây trời. Nguyễn Xoong mang vợ con đến giữ đất chùa sau khi đã leo lên một tầng thượng trong thành phố đái xuống đất và nói: Con người đã chết.

Cái chết của Nguyễn Xoong xảy ra vào đúng giờ khắc cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai sau Thiên chúa giáng sinh, cũng là thời hạ nguyên của sắc tướng hiển lộ. Ðêm ấy, Nguyễn Xoong vừa làm xong bài thơ ca tụng mùi khai trong háng đàn bà thì ngửi thấy mùi khét của cây cỏ cháy. Ông bước ra ngoài thảo am. Lửa phừng phừng bốn phương trời đất. Lửa cháy tới đâu lũ người xuất hiện tới đó, họ mang theo cuốc xẻng và những biểu ngữ viết bằng máu: “Máu tao chảy đến đâu, đất chỗ ấy thuộc về tao”. Lũ người chạy băng qua chỗ Nguyễn Xoong đứng và ngọn lửa của họ biến ông thành cây đuốc và đất của ông thành đất của họ. Cái chết của Nguyễn Xoong nhanh đến độ mùi khai của háng đàn bà trong thơ ông không kịp tan. Sau khi thành ma, Nguyễn Xoong tiếp tục làm thơ vần vũ với mùi khai ấy.

Bọn ma ngụy kéo nhau tới vườn Ðá Tảng. Một con ma bỗng hỏi: Bùi Giáng đâu?

Ma Xoong bảo: Lão ấy giả điên quay lưng lại với thời cuộc.

Thế còn Công Tôn đâu?

Hắn về hội nhạc sĩ chờ kết nạp đảng.

Ở vườn Ðá Tảng, ma Xoong đọc thơ khai trong lúc các con ma khác khóc than về sự chia cắt âm dương. Lý Công Uẩn buồn rầu bước đến bảo: Lẽ ra các ngươi phải nghe thơ Lý Thường Kiệt. Nhưng Triệu Ðà từ Quảng Châu đội mồ chạy tới bảo: Tôi sai lầm. Tham vọng hùng cứ của các vĩ nhân là mầm mống nhiễu loạn thế giới. Lý Công Uẩn nói: Nếu ông không sai lầm thì đã không có tôi. Những con ma chập chờn cũng vọng âm: Nếu không có các ông thì đã không có chúng tôi.

Hằng nói: Em đã quen sống không có anh. Và đôi khi em tự hỏi: Anh có thật sự cần thiết với em không? Tôi nói: Thật sự không có điều gì cần thiết.

Ngày 30.4.1975. Công Tôn chạy đến giữa cầu Hiền Lương nói: Tôi có công với cách mạng. Nhưng cách mạng không tin ông, cách mạng còn muốn bỏ tù ông, nhờ có một vị lãnh đạo thích nhạc ông mà ông không bị bắt. Ðến lúc ấy ông mới hiểu, chính trị không phải là chỗ của ông.

Công Tôn biến thành ma giữa khi danh vọng lừng lẫy, rượu ngon và gái đẹp ê hề. Lý Công Uẩn hỏi: Ngươi còn điều gì nuối tiếc?

Tôi đã chờ đợi suốt hai mươi năm chiến tranh và thêm hai mươi năm hòa bình để được vào đảng, nhưng đảng đã không kết nạp tôi.

Ngày 24.4.1975. Báo Saigon Post đăng một tin rao vặt làm Custer chú ý: “Nữ sinh viên năm thứ nhất, 19 tuổi, đẹp như mơ, còn trinh, con nhà giàu, biết chơi dương cầm, muốn được nhận làm con nuôi hoặc kết hôn với người Mỹ, Anh, Pháp, Ðức để tiếp tục việc học ở nước ngoài. Mọi phí tổn xin thanh toán theo yêu cầu”.

Custer không còn thì giờ để phá trinh có thưởng.

Ngày 30.4.1975. Bùi Giáng ngồi thiền trong thiền viện Vạn Hạnh. Trước đó mấy ngày, quả bom CBU.55 lần đầu tiên được thả ở Việt Nam. Gần ba trăm bộ đội chết tại chỗ. Ký ức của họ chỉ có máu thoát ra từ thất khiếu.

Ngày 25.4.1975. Ông Dương Văn Minh bảo: Tôi chỉ làm tổng thống, không làm gì khác. Tôi là người duy nhất cứu được Sài Gòn không đổ máu.

Custer tìm các nghị sĩ chi tiền cho họ để mua sự nhất trí này.

Ngày 30.4.1975. Nguyễn Xoong bảo lũ con: Từ hôm nay chúng mày không phải đi học nữa.

Anh có muốn Custer chi tiền cho anh sang Mỹ chơi không? Hằng hỏi.

Ðêm 31.12.1999. Bùi Giáng xem Kim Cương đóng kịch. Công Tôn ngồi uống rượu nhấm nháp một em hoa hậu. Lý Công Uẩn ngồi ở sân nhà bà Năm Hồng cọ rửa một bao cốt vừa tìm thấy trong ngày. Nguyễn Xoong nằm bò dưới đất đánh hơi mùi khai. Custer xem pháo bông trên bầu trời New York. Mì xoa nắn hai bầu vú teo tóp. Lan Thanh uống bia với khách.

Ðêm ấy, anh làm gì? Anh nghĩ đến em và ước được hôn em. Liệu điều ấy hay tất cả những điều chúng ta làm còn có nghĩa gì sau ngày tận diệt? Hằng hỏi. Tôi nói: Anh chẳng hy vọng điều gì, bởi thế anh càng muốn hôn em.

Năm 1998. Nguyễn Xoong viết một thư ngỏ gửi tất cả văn nghệ sĩ trên thế giới, nội dung kết án Công Tôn là một thằng cơ hội, vì thế cần phải tẩy chay nhạc của ông ta. Cả thế giới cười sằng sặc. Riêng Bùi Giáng mới nhìn thấy bức thư đã bị nhồi máu cơ tim, ngã xuống đất. Máu tụ trong não, Bùi Giáng biến thành ma lảm nhảm nỗi nhớ miền sơn cước sắm vai tuồng chèo cho vui lòng mán mọi. Ðôi khi tỉnh táo để lĩnh tiền nhuận bút, Bùi Giáng bảo: Thị phi là chuyện của ruồi, những con châu chấu dí buồi vào nhau.

Ngày 16.3.2004. Con ma mặt đỏ thèm rượu, ngáp dài nói với con ma đang nằm gác chân trên tảng đá: Nghe thơ thằng này giống như thủ dâm. Thà đi chơi đĩ hoặc uống bia ôm còn có lý hơn.

Con ma nằm bảo: Không thủ dâm thì làm được cái gì bây giờ.

Những con ma cái đâu hết nhỉ?

Chúng có thế giới của chúng.

Ðấy là đâu?

Hỏi Nguyễn Xoong chắc nó biết.

Nếu nó biết, nó đã không phải thủ dâm.

Hay là hỏi Lý Công Uẩn?

Thử xem.

Thưa hoàng thượng, những con ma cái đi đâu?

Ðiều này thì phải hỏi Ðức Phật.

Thưa Phật, những con ma cái đi đâu?

Cứ bước vào vòng luân hồi sẽ thấy.

Tại sao chúng con không được tái sinh?

Các ngươi không thể tái sinh khi trong lòng các ngươi vẫn còn quá khứ.

Năm 1998. Dưới gốc cây sứ của Hội Nhạc sĩ, Công Tôn nói với người bạn: Tụi nó không muốn cho moa ngồi đây nữa.

Thì đi chỗ khác.

Vấn đề không phải chỉ là cái chỗ, mà là chỗ của moa.

Chẳng có chỗ nào của moa hay toa. Toa không ngồi dưới gốc cây sứ thì đến gốc cây me.

Ở đây moa còn cảm thấy có bạn bè.

Toa tiếc gì chúng nó, khi chúng nó đẩy toa ra.

Moa không tiếc chúng nó, nhưng đấy là cuộc đời moa.

Cuộc đời toa là thế giới ngoài kia. Thằng Nguyễn Xoong nó chửi toa không phải vô lý.

Người bạn đứng dậy, bỏ đi. Công Tôn ngồi nhìn nắng đang đổ về phía mình. Trên túi áo của ông có một tờ giấy mới ghi rằng: Từ hôm nay ông được nghỉ hưu.

Năm 1997. Nhà nhiếp ảnh Hoàng Hôn dẫn vợ đến nhà Công Tôn chơi. Hào quang của Công Tôn tỏa ra trong tiếng đàn và giọng hát buồn. Hoàng Hôn lấy làm vinh dự vì hào quang ấy đang hắt vào mình, còn cô vợ trẻ đẹp thì dường như cảm động và xao xuyến. Nàng cảm nhận được giọng hát buồn của người nghệ sĩ tài hoa kia đang hát vì mình. Cái tình yêu mong manh trong bài hát chẳng phải chính là cái tình yêu của ông với nàng? Công Tôn nói với nàng: Em lên gác, anh cho xem cái này.

Nàng nhìn chồng. Chồng gật đầu.

Nàng theo ông lên gác. Ông chỉ vào bức tranh người đàn bà khỏa thân, nói: Anh đã vẽ em trong những đêm say.

Bây giờ anh say hay tỉnh?

Em thích anh tỉnh hay say?

Say.

Ông ôm cô và bảo: Anh là người suốt đời say.

Ông cởi quần áo cô và đặt cô vào chỗ của bức tranh.

Sau này, có người khen Hoàng Hôn: Thằng Công Tôn nó chơi vợ ông ngay trước mắt mà ông chịu được thì cũng giỏi.

Hoàng Hôn chỉ cười bảo: Với anh Tôn thì sao cũng được.

Không một ai biết giữa Hoàng Hôn và Công Tôn đã có một cuộc trao đổi ngầm mà xét ra Hoàng Hôn cũng chẳng thiệt tí nào. Hắn chơi cô em gái Công Tôn ngay trong nhà của ông ta sau khi chụp hình khỏa thân cô này.

Năm 1998. Nguyễn Xoong trói vợ vào cây thập tự làm bằng gỗ thông, rồi treo cây thập tự lên xà nhà. Tay cầm roi, Nguyễn Xoong quất vào cẳng vợ, tra tấn: Ðêm qua, mày trốn đi đâu?

Người vợ tóc tai rũ rượi im lặng. Mỗi lần chiếc roi của Xoong quất vào người, bà chỉ hơi giật lên một chút. Bà càng im lặng, Xoong càng điên tiết, ông quất vào chân bà cho đến khi mỏi tay mới ngừng lại. Bà thều thào: Hãy đi tìm con. Rồi ngất lịm.

Xoong hạ dây thừng thả bà xuống, tháo dây. Ông ôm vợ khóc và hôn lên hai ống chân rướm máu của bà.

Năm 1990. Những đứa con của Xoong lần lượt bỏ nhà đi sau nhiều lần bị đánh đập trên cây thập tự. Cô con gái tìm bác Tôn xin giúp đỡ. Bác Tôn gửi cho người bạn có một công ty lớn. Một đứa con trai ra Huế vào chùa để quên lãng. Một đứa con trai khác bụi đời với lời thề sẽ giết bố, nhưng chẳng bao giờ nó làm được điều ấy, chỉ đơn giản vì tình yêu với một cô gái đã làm cho nó trở nên mềm nhũn.

Hằng hỏi: Em không hiểu tại sao Xoong lại đánh đập vợ con theo kiểu La Mã như thế? Anh đoán chừng, Nguyễn Xoong coi vợ con như hình ảnh của quân trộm cướp, hoặc cũng có thể là hình ảnh của thượng đế. Ông ta ở trong tâm trạng tuyệt vọng về một đấng cứu thế không có thật. Tôi giải thích thế, nhưng Hằng bảo, ông ta vốn coi vạn pháp là không kia mà. Tôi cười, nói: Bọn bất lực khi không dí cặc vào lồn được thì dí cặc vào tất cả. Hằng kêu lên, anh bậy quá. Tôi nghiêm trang nói: Triết học tánh không đấy em ạ.

Năm 1998. Ðêm đêm, vợ Nguyễn Xoong chờ chồng ngủ say, lén mở cửa ra ngoài. Bà đi lang thang qua những tảng đá, lần mò sờ vào từng gốc cây dò hỏi: Con tôi đâu? Mặc dù bị chồng đánh dã man, bà vẫn đi qua những ngọn gió tìm con cho đến ngày bà tắt thở dưới thung lũng.

Tiếng chuông chùa ở Huế buồn như tiếng than của sự phế vong. Người con trai lớn của Nguyễn Xoong bây giờ đã là một đại đức. Thày bảo tiếng chuông trầm trọng hơn tiếng con người, bởi thế thày rất ít nói. Nhưng khi những người quen với Nguyễn Xoong gặp thày hỏi thăm về gia đình, thày lại nói: Tiếng chuông hay tiếng con người thì cũng là tiếng của hư không.

Ông bố của Nguyễn Xoong đi kháng chiến chống Tây khi Xoong còn nhỏ. Năm 1954, ông cụ trở về nhưng không về với mẹ con Xoong, sau đó ông tập kết ra Bắc cùng một người đàn bà khác. Nguyễn Xoong bảo: “Tôi là nhà thơ từ trời xuống. Và thơ tôi là máu kinh của các nữ thánh rỉ rả ngày trăng non”. Không nhà phê bình văn học nào có ý kiến về chuyện này. Khi Nguyễn Xoong lấy vợ, ông khoe với thiên tài triết học tấm hình vợ khỏa thân: “Ðây là thiên sứ trinh bạch”. Thiên tài triết học mặc áo nâu sồng nhìn chùm lông lấp lánh của thiên sứ, bảo: “Ðể cho thơ trở thành hơi thở của thi sĩ thì kinh kỳ thiên sứ chưa đủ cho niềm túy lụy, cần có mùi khai của nước đái cho thơ ngạt thở chiêm bao”. Từ đấy trong thơ của Nguyễn Xoong không chỉ có máu kinh mà còn có mùi khai.

Hằng hỏi tôi: Anh có gửi một tiếng chuông lên trời không? Không, anh chỉ có mỗi tiếng chuông trong đáy vực, tôi nói. Nhưng Hằng bảo: Anh lúc nào cũng ấm ớ.

Năm 2000. Tại sân vận động Hàng Ðẫy, hơn hai mươi ngàn người đã chứng kiến rồng bay trên trời. Ma Xoong (chưa đến Hải Dương bao giờ) bảo giống con rồng vàng bánh đậu xanh. Ma Bùi Giáng bảo giống con giun ngọ nguậy. Ma Công Tôn lại nói đó là cái xác rồng hiển linh. Riêng Lý Công Uẩn ngồi trên khán đài A nhìn thấy rõ nhất, nói đấy là con rồng giả. Quẻ Bát thuần càn. Hào cửu ngũ: “Phi long tại thiên, lợi kiến đại nhân”.

Năm 1950. Bố Công Tôn bán vải ở Nam Vang, thường có dịp gặp gỡ các nhà sư. Ðiều ấy cũng không ảnh hưởng gì đến máu mê cờ bạc của ông cụ. Nhưng triết lý nhà Phật về sắc và không lại làm cho ông cụ trở thành một người bản lĩnh trong trò chơi được mất này. Ông bảo cái chính là có cảm thấy vui hay không, chứ không phải cuộc đời này có ý nghĩa gì. Công Tôn được thụ hưởng di truyền từ bố máu con buôn và cả sự khoáng đạt tâm linh. Những người làm chính trị đều biết tính cách này của Tôn, họ cho Tôn lên con tàu ảo tưởng phóng vào vũ trụ. Bùi Giáng gặp Tôn bảo: Trên đỉnh Phù Vân có Trần Nhân Tôn, có Pháp Loa, có Huyền Quang, có Phó Ðức Phương, có Mỹ Linh, toa chẳng nên vướng lụy.

Tôn nói: Không lên Phù Vân, sao thấy được vô thường?

Giáng bảo cứ Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi cũng đủ thấu suốt con đường nhà ma.

Tôi nói với Hằng, có một con đường còn kinh khủng hơn nhà ma hay nhà thổ, đấy là đường vào nhà xí.

Năm 1970. Chuyện của T. Mẹ tôi sinh đứa con thứ hai. Tôi không biết có ai lấy nhau của em tôi về cho lợn ăn hoặc ngâm rượu uống hay không. Xét cho cùng, nếu có việc như thế mà không xảy ra trước mắt mình thì cứ coi như không có. Nhưng tôi đã phải chứng kiến cảnh mẹ tôi trốn vào cầu tiêu nhà thương, một bãi lầy cứt và nước đái, cùng với những người đàn bà khác nặn sữa xuống sàn để chứng minh với nhân viên y tế rằng vú mình không có sữa, mong nhận được một cái tem phiếu mua hai hộp sữa bò. Mẹ tôi tiếc sữa mình, nặn vào bát đưa cho tôi, nói: Con uống đi cho bổ. Tôi biết là bổ, nhưng gớm quá, lắc đầu. Mẹ bảo: Không phải con đã từng bú sữa mẹ sao? Con gầy cũng được, nhưng con không uống nữa. Năm ấy tôi mười tuổi.

Năm 1979. Chuyện của K. Tôi ở trong trại cải tạo. Gần trưa có người bên ngoài nói to qua hàng rào: “Ông K có người nhà đến thăm lúc 2 giờ”. Trước đó năm phút, tôi ra cầu tiêu ngồi. Ðó là một cái hố rộng nằm gần hàng rào kẽm gai, không che chắn, chỉ có hai cái cây bắc ngang. Mỗi lần ngồi xuống, ruồi ở dưới bay lên rào rào như một cơn lốc đen. Mẹ tôi giả làm nông dân cùng với đứa con tám tuổi vác cuốc đi qua, nói vọng vào: “Vợ mày nó đi theo thằng đại tá cách mạng rồi”. Không biết lặng đi bao lâu, tôi nói: “Không cần tiếp tế cho con nữa. Ráng cho thằng nhỏ đi học”. Trên hàng rào kẽm gai, ruồi bu kín làm mồi cho những con én về. Mẹ tôi và thằng nhỏ đã đi khuất, tôi đứng lên và nghĩ, mình không mặc quần cũng không có vấn đề gì.

Năm 1990. Khách sạn Bông Bụp có hai phòng không bao giờ cho thuê để dành cho nhạc sĩ Công Tôn và nhà văn Trần Trọng Ðức lúc nào muốn dẫn gái đến cũng được. Giải thích về sự ưu đãi này, ông giám đốc khách sạn quốc doanh nói: Nhiệm vụ của chúng ta là không để các nhân tài bí giái. Bởi thế, nếu các nhân tài không tự kiếm gái được thì khách sạn cũng có bổn phận phải lo chu tất.

Có người nói truyện của tôi, giữa những dòng chữ là nỗi nghẹn ngào. Cũng có người nói, tôi tàn ác. Nhưng Hằng lại bảo: Em thích cái dâm đãng của anh.

Anh dâm cho em sướng, tôi nói.

Nếu Custer không lo cho anh đi Mỹ được thì em lo cho anh, anh đi không?

Ngày 16.3.2004. Hơn hai ngàn thuyền nhân Việt Nam bị quên lãng ở Philippines từ lúc Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc rút khỏi nước này năm 1989. Tổ quốc không còn họ. Thế giới không có họ. Bằng sự cầu nguyện và niềm hy vọng, họ chờ đợi ngày chúa lại đến.

Tôi bảo không có một người viết nào lại không hy vọng một điều gì đó. Chúa nói: Hãy tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhưng dường như cả Lý Công Uẩn cũng đang ngủ gật.

Năm 1974. Dịch giả Phương Phương đến vườn Ðá Tảng tìm Nguyễn Xoong. Lúc ấy vợ Xoong đang ở trong am tụng kinh. Phương Phương nói: Tôi vừa đọc xong tập thơ thứ ba của anh, và không thể không tìm anh.

Tôi xin thỉnh giáo. Xoong khoanh tay khiêm tốn.

Tôi biết là anh không có ý định nói thế.

Cô nghĩ là tôi có thể nói khác thật à?

Vâng.

Ví dụ?

Phương Phương quì xuống trước mặt Xoong. Cô lết tới và gục mặt vào háng Xoong hít cái mùi hôi nồng của ông.

Hãy nói điều anh muốn đi.

Xoong im lặng cởi cúc quần.

Năm 1975. Phương Phương vào chùa với một niềm bí ẩn mà chính Xoong cũng không hiểu được.

Năm 1998. Nhà văn Trần Trọng Ðức dẫn vợ Hoàng Hôn vào khách sạn Bông Bụp. Người đàn bà nói: Em biết anh chơi thân với anh Tôn, cũng như anh Hoàng Hôn, điều ấy hoàn toàn không có gì quan trọng. Em muốn được làm tình với bất cứ ai em thích.

Trần Trọng Ðức bảo: Anh lại chỉ muốn hiếp vợ thằng khác.

Năm 2001. Ðồng chí giám đốc khách sạn Bông Bụp nói với Trần Trọng Ðức: Tôi muốn vào hội nhà văn.

Không có gì khó. Chỉ cần có ít nhất một tác phẩm được xuất bản.

Ông xuất bản giùm tôi được không?

Ðược. Ðưa tác phẩm đây.

Tôi chưa có. Ông viết giùm tôi được không?

Ðược. Thơ hay văn?

Cái nào sang trọng hơn?

Về hỏi vợ xem.

Vợ tôi thích văn. Nhưng bồ tôi thích thơ.

Vậy thì nên làm nhà thơ.

Nhất trí.

Chưa xong. Ông có bồ thì cũng nên chia sẻ với tôi chứ.

Lại nhất trí. Ông muốn bồ loại nào?

Tôi muốn bồ của ông.

Ðược.

Năm 1988. Một nhà thơ lão thành từ trung ương xuống gặp Nguyễn Xoong, nói: Nhận thấy chân tài của ông, chúng tôi đề nghị ông làm đơn xin gia nhập hội cho có chính nghĩa.

Xoong cười nhạt: Thơ cũng cần có chính nghĩa à?

Tất nhiên.

Nhưng tôi thì đếch cần.

Ngày 16.3.2004. Nhà thơ trẻ lên tiếng: Cháu làm thơ hay thế, tại sao không có ai khen? Các bác mù hết hay sao?

Ma Xoong hỏi: Thế mày có biết bú không?

Dạ, cháu chỉ biết bú sữa mẹ.

Thế thì về học bú thêm những thứ khác.

Ngày 10.3.2004. Ma Công Tôn nhớ những người con gái đẹp đã đi qua đời mình, ông mò vào quán Lan Thanh, vạch cu cho Hồng Phượng vọc. Sau khi xuất tinh, Tôn mới tỉnh táo hỏi chuyện Hồng Phượng. Cô gái bảo ngày xưa bố em là thiếu tá. Mẹ em thăm nuôi ông ngoại trong trại cải tạo, gặp bố em, lúc ấy đã bị vợ bỏ. Mẹ em tội nghiệp, mỗi lần tiếp tế cho ông ngoại bao giờ cũng đem thêm cho bố. Sau khi được thả, bố lấy mẹ, về quê sống.

Tôn hỏi: Bố em tên gì?

Anh hỏi làm chi?

Hỏi cho biết thôi.

Bố em tên K.

Nhìn mặt cô gái, Tôn nhận ra Hồng Phượng là con gái bạn mình. Ông ta vội biến vào những đám mây đang bay, để lại cho cô một chai rượu chát chưa tính tiền.

Những va đập làm em mất tự chủ. Hằng nói. Ðêm qua em phải uống rượu mới ngủ được. Những khuôn mặt lạnh tanh lướt qua hành lang hẹp. Chúng gạt tàn thuốc xuống nền nhà và nói năng ồn ào. Dưới đường dây điện ngầm, những xác ve đang mục. Em thật sự thấy cô đơn và trên làn da màu vàng rỉ nước. Một điều gì đó trong em đang mất đi. Em nhớ những bắp ngô luộc của cô gái từ miền Bắc vào. Chiếc xe đạp cọt kẹt phố khuya. Những hột vịt lộn vỉa hè rau răm và mùi khai dưới gốc cây me. Trên chiếc bàn dơ bẩn, những quân bài số phận nằm ngửa. Bà thày bói già xin điếu thuốc. Em đá tung đôi giày lên trời và chạy.

Trong thư viện trường đại học Berkeley, em viết cho anh và cảm thấy vui. Không biết tại sao. Phải chi có một ly cà phê với anh giờ này, em sẽ hạnh phúc.

Năm 2000. Phương Phương nhặt những cánh hoa ngọc lan rụng trong sân chùa, gói vào vạt áo. Ma Giáng nhìn thấy động lòng, nói: Lẽ ra, qua không làm thơ lục bát nữa, nhưng nhìn em quần ống cao ống thấp so le hiện thực với huyền ảo, đành phải ngỏ vài câu thương cảm.

Phương Phương e lệ thưa: Thày nói chi lời tài tử. Hồng nhan em đã nhuốm màu tê tái hậu hiện đại.

Không, em đừng để phí thời gian với lão thợ đúc ngoài biên ải.

Ðã muộn rồi, thưa công tử của Bạc Liêu huyễn hoặc.

Em đã biết mùi tanh tưởi của nguyên khí hào hoa?

Thưa, phận gái già nào dám mơ tinh huyết của thiên tài.

Ôi, ngọc lan ngọc nhũ ngọc mòng xứ lạ. Ngọc dương xanh ngọc cầm xanh thánh thót. Ngọc hoàn ngọc lệ qua về âm vực lối thu xưa.

Ngày 16.3.2004. Lý Công Uẩn bảo cần phải đóng cửa các quán karaoke. Chúng nó lợi dụng văn nghệ văn gừng để đồi trụy phản động.

Ly cà phê đã nguội, những cô gái gọi ưỡn ngực trên bàn uể oải, những người đàn ông đeo cravate sắp hàng trước cửa toilette. Trong nách tôi, những sợi lông ngọ nguậy, bốc mùi. Ðám mây chuyển mưa kéo ngang bầu trời thành phố. Hằng nói: Những đám mây sẽ làm cho ma Tôn rớt xuống. Anh có định mời ông ấy uống cà phê không?

Không, chưa bao giờ anh có ý muốn sẽ ngồi với ông ta.

Anh vẫn ngồi với họa sĩ Trịnh Cung phải không?

Ông ấy đang đọc báo. Anh thích bức tranh bước vào sa mạc của ông ấy, nơi tất cả mọi tự sự đã bị từ bỏ.

Những sợi lông trong nách anh còn ngứa?

Dường như nó đang mọc dài ra để thở.

Hồng Phượng nói với Ðại Quang: Mai mốt, quán karaoke đóng cửa, em sẽ ra đường, đứng dưới gốc me nhờ Huyền Trân Công Chúa phù hộ.

Huyền Trân Công Chúa giẫy nẩy lên: Bà không phải là bà tổ chúng mày. Ðừng có vin vào bà mà nhố nhăng.

Ðại Quang nói: Tổ tiên không lo được cho em, thì để anh lo. Anh sẽ xuất khẩu em sang châu Phi. Nếu em ngại châu Phi nghìn trùng kiểu cọ thì anh đưa em sang Campuchia, Ðài Loan, hoặc Trung Quốc đại lục cho đồng văn, đồng khí.

Hằng nói: “Em muốn uống cho say đến bất tỉnh”. Chuyện gì đang xảy ra với Hằng, tôi không biết. Ðường dây điện thoại bị cắt. Internet không kết nối. Thần giao bất cảm. Tôi không thể gào lên. Anh cũng muốn uống cho say đến điên khùng. Những gã thợ săn đã đeo súng lên vai, chúng đi vào thành phố. Chiến dịch “Tìm và diệt”đã khởi động bằng những con chim mồi. Trên những ngọn cây vô tội, chúng nhìn trời xanh và hót về sự bao la. Trong bao la có những cái bẫy nhỏ của tình yêu và bao cao su thủng. Trong bao cao su thủng có những giấc mơ vụn an ủi đứa con hoang. Những đứa con hoang nghi ngờ tố cáo lẫn nhau về tính trung thực của sự hiện hữu.

Năm 2001. Lý Công Uẩn tìm thấy xác tượng Nguyễn Trãi chìm trong đáy bùn một đìa tôm ở Khánh Hòa. Ông mang về đặt lại trên bệ tượng ở trung tâm huấn luyện hạ sĩ quan Ðồng Ðế cũ. Trãi buồn buồn nói với Lý Công Uẩn: Hạ thần tưởng mình vẫn còn bị tru di.

Không, Lê Thánh Tôn đã phục hồi danh dự cho khanh rồi. Nếu ở đây không còn ai hương khói, khanh có thể về vườn Ðá Tảng ngắm trăng uống rượu với Nguyễn Xoong và những linh hồn oan khuất khác.

Hạ thần không giao du với bọn tục tĩu. Trãi thưa.

Ðừng tưởng tục là tục. Ngươi ăn phải bả Khổng Tử.

Thưa hoàng thượng, đấy là lễ.

Nếu ngươi không trút bỏ được lễ thì ngươi sẽ phải chết vì lễ.

Em không cần bất cứ điều gì, nhưng rồi vẫn cứ phải sống. Hằng nói. Không biết em đã uống bao nhiêu rượu. Em cũng không nhớ là có Quân hay không. Khi tỉnh lại, em thấy mình nằm trên sàn nhà. Cảm giác về sự hoang vu làm em nghẹn thở. Em cố lết vào phòng tắm. Làm thế nào có thể tìm thấy danh dự trong một thế giới không danh dự. Người ta vẫn tự nhục mạ mình bằng ảo tưởng. Thân thể em băng giá.

Ngày 30.4.1975. Lúc 3 giờ sáng, trùm CIA ở Sài Gòn đánh bức điện cuối cùng gửi Washington với một nỗi cay đắng triết lý: “Ai không học gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử”.

Quân báo tin cho tôi, Hằng đã chết vì rối loạn tim mạch sau một cơn say. Người ta nhìn thấy Hằng một mình nằm úp sấp trên sàn nhà.

Tôi nói với Quân: Hằng vẫn còn đang nói chuyện với anh.

Không, Hằng thật sự đã chết. Cô ấy hiện đã được đưa vào nhà xác.

Hằng có nhắn gửi gì không?

Cô ấy bảo anh đừng ảo tưởng.

Chỉ có thế?

Còn một chữ nữa.

“Em đây”.

Năm 1999. Nguyễn Xoong ngồi khắc thơ mình lên đá. Bùi Giáng lùa dê đi ngang nhắm mắt không dám nhìn. Nhưng những con dê thì tò mò tọc mạch, chúng đứng lại nhìn Xoong hì hục đục. Chúng hỏi nhau: Con người vất vả để làm gì? Một con ra bộ tinh khôn nói để sống cho sướng. Con khác cãi lại, đã vất vả thì không sướng. Một con đến gần ngửi vào chỗ Xoong đang đục, nó nói: Chẳng có mùi gì cả.

Bọn dê kéo nhau đi.

Tôi nói với Hằng: Dù em còn sống hay đã chết, anh vẫn mong em về với anh. Anh cần em.

Em biết thế và em đang ở bên anh.

Cho anh hôn em.

Em đây.

Năm 1968. Ðồng chí Mao Trạch Ðông nói với Lý Công Uẩn: Chiến tranh nhân dân là tập đại thành của tất cả các binh pháp cổ kim đông tây. Kẻ nào nắm được nhân dân kẻ ấy nắm chắc phần thắng. Lý Công Uẩn ban đêm nằm mộng, thấy: Các chị em tiểu thương, bà con nông dân xông lên phía trước đối diện với súng đạn quân thù. Từng lớp người gục xuống. Trước khi chết, họ còn tự hào hô vang: Chết cho vinh quang người (phía) sau.

Trong một đêm mộng khác, Lý Công Uẩn thấy: Hàng ngàn công nhân lao vào đám cháy cố cứu lấy bức ảnh chân dung chủ tịch muôn đời Kim Nhật Thành, không quan tâm đến những người bị thương trong đống lửa đang gào khóc.

Nghe Lý Công Uẩn kể về hai cơn mộng ấy, nhạc sĩ Công Tôn nói: Mỗi ngày tôi chọn một loại bia. Bia để uống cho say. Bia đặt trên mộ. Và bia đỡ đạn.

Anh vẫn sống với nỗi buồn và sự vô nghĩa. Tôi nói với Hằng.

Chẳng phải là anh vẫn nói với em phải chống lại sự vô nghĩa sao?

Chống lại sự vô nghĩa không có nghĩa là sẽ có nghĩa hơn.

Thế thì tại sao anh lại để cho em chết?

Anh muốn em thuộc về anh. Yêu anh. Ở trong anh. Nhưng xem ra thực tế, điều ấy đã trở nên bất khả.

Ngày 16.3.2004. Tôi nói với Lý Công Uẩn: Còn có một người cần phải nhặt xác về, thưa hoàng thượng.

Nó chết chưa?

Xem như đã chết.

Nó là ai?

Linh mục Giuse.

Nó là linh mục thì để Chúa của nó đón, bận gì đến ta.

Ông ấy đã bị Chúa khước từ, không thể lên thiên đàng nhưng cũng không thể xuống địa ngục. Cần phải có một chỗ cho ông ta.

Nó đã làm gì nên nỗi?

Thưa hoàng thượng, trước 1975, ông ấy chống Mỹ cứu nước. Sau 1975, ông ấy chống Cộng cứu dân. Nhưng không có dân nước nào cứu ông ấy.

Ngày 30.4.1975. Cơn mưa đầu mùa không lớn nhưng cũng đủ làm cho bầu trời vốn vàng bủng vữa ra những mảng xanh đỏ, xốp và có mùi khói súng. Cha Giuse ngửa mặt nhìn đám mây, thầm nghĩ: Thế là mọi sự đã hoàn tất. Ngài cởi áo linh mục đặt trên bàn thánh, nói: Lạy Chúa, con là kẻ có tội. Chúa đã chọn con, nhưng con lại chọn thế gian. Máu của con người không phải máu hằng sống nhưng con người vẫn tìm vinh quang bằng máu. Con đã đi hết con đường của mình, và ở cuối con đường ấy con lạc mất Chúa. Chúa có bỏ mặc đàn chiên giữa bầy sói để đi tìm một mình con không?

(1/5/2004)

Tài liệu tham khảo:

-Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999).

-Cuộc tháo chạy tán loạn – Frank Snepp (NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2000).

-Bài nói chuyện của nhà văn Sơn Tùng tại Trường Cán bộ quản lý giáo dục Hà Nội.