Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Vài cảm nhận về “Thành phố bị kết án biến mất”

(Tiểu thuyết Trần Trọng Vũ – NXB Văn hóa thông tin và Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Đông Tây 2014)

Giáng Vân
20140425091016-anh-1
1. Toàn bộ câu chuyện tiểu thuyết diễn ra vào một ngày chủ nhật trong một khu nhà số Không trong thành phố. Vì nhà số Không, vì chủ nhân các căn hộ trong khu nhà đều có tên X, nên người đưa thư trong thành phố đã không thể chuyển cho ai bức thư của một cô gái đến từ nước Pháp, cho đến khi bức thư đến được với một trong những người đàn ông mang tên X thì đã quá muộn. Mặc dù cô gái đã đến được đúng địa chỉ khu nhà có người đàn ông mang tên X, nhưng cô đã không nhận ra anh không phải là X của cô. Và thế là, giữa những căn hộ có ghi dấu hiệu X bên ngoài của những người đàn ông mang tên X, với sự xuất hiện của cô gái đến từ nước Pháp, họ đã hiện lên như những chân dung tinh thần suy kiệt, vì cô đơn, vì hoang mang, vì sợ hãi trong một màn hơi nước bao trùm, một không khí hầu như lúc nào cũng tràn đầy lo âu, bất an, và vô vọng. Ngột ngạt, lo âu, bất an, vô vọng và vô số nghịch lí, trở thành thuộc tính của cuộc sống các nhân vật, kể từ người đưa thư trong tác phẩm.
Tuy nhiên, các nhân vật, không một ai biết điều gì đã và đang xảy ra với cuộc đời họ, ngoài những tin đồn, đoán thất thiệt cùng với một bầu trời riêng tư của ngôi nhà và các nhân vật trong đó dần dần biến mất.
Trong một màn hơi nước bao trùm thành phố, bầu trời, không gian thành phố, nơi ẩn giấu chứa đựng kí ức dần biến mất. Trong một màn hơi nước không ngừng dâng lên, làm ngưng lại các chuyển động sống, làm lây lan các trạng thái, làm mù mờ tất cả thông tin, làm người ta ngạt thở.
Câu chuyện của tiểu thuyết là thứ không thể kể bằng ngôn từ. Đó là câu chuyện mà sự thật từ nó chỉ có thể nhận được bằng sự truyền dẫn của linh giác, của một thứ phi ngôn ngữ.
2. Chính vì lí do nội tại này đã dẫn đến một hình thức hết sức đặc biệt của tác phẩm.
Gần 300 trang viết trong một mạch chuyển động liên tục của những con chữ, giống như một cuộc sắp đặt của hình ảnh, của màu sắc, của nhịp điệu, ngôn từ, của những câu, không có một dấu phẩy nào.
Và vì không có một dấu phẩy nào, tác giả sử dụng rất nhiều từ nối, nối những câu, những mệnh đề độc lập với rất nhiều động từ, khiến cho mạch văn đi nhanh, luôn sống động, luôn tạo ra các thế năng, làm lực đẩy cho các hành động tiểu thuyết.
Tuy nhiên, toàn bộ các hành động, tình tiết, câu chuyện lại được diễn đạt trong sự tiết chế tối đa. Dường như, chúng đã được cô đặc lại, được sắp đặt theo một chủ đích. Chúng không thuần túy là các hành động, tình tiết, câu chuyện, mà trở thành những ám tượng có chiều sâu và đa nghĩa: bầu trời của một thành phố nổi tiếng, khung cửa sổ nhìn ra bầu trời, vườn hoa, những cánh cửa ghi bên ngoài bằng sáp trắng chữ X, cô gái màu hồng có cặp môi hồng, ánh sáng và bóng tối trong các căn phòng, sự sắp đặt các đồ vật, dòng nước thoát từ căn nhà tràn ra phố, chiếc taxi đỗ trước cửa ngôi nhà bao giờ cũng lăn bánh khi những nhân vật X đi ra phố…
Những điệp khúc lắp đi lắp lại có vai trò như những nhắc lại có nhịp điệu được sắp đặt trong nghệ thuật thị giác. Và chúng cũng tạo những ấn tượng, những cảm giác cho người đọc y vậy. Thay cho ngôn từ được tiết chế tối đa, là không gian dành cho những cảm giác được cảm nhận trực tiếp. và vì là cảm giác, nên nó mơ hồ, nó để mở ra những không gian trong mỗi người đọc, để họ tự lấp đầy bằng trải nghiệm của chính mình.
3. Những chi tiết trong “ Thành phố bị kết án biến mất”: một ngôi nhà không số, và những ngôi nhà không số khác trong thành phố, những bầu trời xanh khủng khiếp, và những bầu trời không xanh, những đại lộ chạy đến vô tận, những con phố khiến người ta đi lạc không biết lối về, những nhân vật có cùng tên X, những cô gái luôn mặc váy hồng, đôi môi tươi cười… giống như các biểu tượng, được sắp đặt cạnh nhau, đối nghịch nhau, hỗ trợ nhau, tạo nên những ngữ nghĩa mới, hàm súc, đa nghĩa, mà nếu bằng ngôn từ thông dụng, thật khó diễn đạt.
Thật ra, Trần Trọng Vũ là một nghệ sĩ thị giác. Trong nhiều năm trời, anh đã kiên quyết đoạn tuyệt với hội họa giá vẽ để đi tìm những các cách biểu đạt mới trong nghệ thuật. Một con đường gian nan và quyết liệt.
Anh đã được công chúng Việt Nam biết đến trong một số triển lãm “Chúc sống lâu”, “Vườn A4” (trong vai trò hướng dẫn nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội thực hiện), “Những bức thư được gửi từ một người”, … và những triển lãm ở nhiều quốc gia khác. Điều dễ thấy nếu bạn quan sát, đó là tất cả những tác phẩm của Trần Trọng Vũ đều luôn có trong đó không gian cho khán giả. Ở bên trong tác phẩm của Vũ, người ta có thể đi lại, trò chuyện, trao đổi, tự mình cảm nhận, hoặc im lặng… Cùng trong không gian đó, điều mỗi người cảm nhận là những phiên bản khác nhau của tinh thần tác phẩm.
“Thành phố bị kết án biến mất” là một tác phẩm nằm trong chuỗi tác phẩm của một dự án nghệ thuật “Những đề nghị của lời và hình” của Vũ, nếu nhìn ở một góc độ khác, chính là cuộc sắp đặt của hình họa, màu sắc và các ngôn từ. Một cuộc sắp đặt chưa từng có.
4. Nếu như sự tiết chế của ngôn từ, sự chặt chẽ của bố cục, hình ảnh, sự sắp đặt đầy chủ ý của nhịp điệu, của câu cú… đòi hỏi sự quản lí của lí trí, của tư duy logic, thì ngược lại, đọc một mạch toàn bộ “Thành phố bị kết án biến mất” của Trần Trọng Vũ, điều đem lại chính là niềm thương cảm. Niềm thương cảm cho số phận con người, cho sự đơn độc, sự vô vọng, và đầy bất trắc trong cuộc sống của họ. Một xã hội phi nhân tính mà con người bé nhỏ, yếu ớt không có bất cứ khả năng nào để chống đỡ.
Vì vậy mà niềm thương cảm con người tràn ra khỏi tác phẩm. Niềm thương cảm vì vậy mà nó vượt ra khỏi các địa danh, ra khỏi thời gian. Giống như là sự bi mẫn của các Đức Phật.
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Thưa các anh các chị và các bạn!
Liên tiếp những năm gần đây, giới nghệ sĩ tạo hình và công chúng Việt Nam có nhiều dịp được tiếp cận với họa sĩ Trần Trọng Vũ, con trai nhà thơ Trần Dần trong nhiều triển lãm, khi thì cá nhân, khi thì cùng với các cộng sự ở Việt Nam, trong những dự án về nghệ thuật thị giác.
Hành trình sáng tạo của Trần Trọng Vũ, điều trước hết mà chúng ta có thể cảm nhận được, đó là, một con đường độc đạo, trên đó nghệ sĩ chưa bao giờ ngừng tìm tòi, phát hiện, và luôn luôn gây ngạc nhiên cho công chúng, thậm chí cho ngay cả với bản thân mình.
Đoạn tuyệt với hội họa truyền thống, dứt khoát bước vào mê cung của nghệ thuật đương đại để tìm ra tiếng nói chỉ của riêng mình và Trần Trọng Vũ đã tiến đi những bước ngoạn mục. Một loạt những tác phẩm nằm trong một Dự án có tựa đề “Những đề nghị của lời và hình” mà anh đã và đang thực hiện là một dự án rất đáng chú ý, đặc biệt ở khía cạnh khám phá những hướng đi mới và những vấn đề mới được đặt ra cho nghệ thuật đương đại.
Cùng với triển lãm mới nhất của anh có tựa đề: “Lũy thừa của những số Không” sẽ được trình bày tại Trung tâm Mỹ thuật Dolphin Plaza-Mỹ Đình, là một hội thảo về tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây và NXB Văn hóa Thông tin ấn hành 2014. Cuốn sách là một trong các tác phẩm nằm trong chuỗi tác phẩm của Dự án nói trên.
“Thành phố bị kết án biến mất” là một tiểu thuyết có độ dài gần 300 trang in, được viết theo một cách chưa có trong tiền lệ, những cấu trúc câu không có một dấu phâỷ nào, ngôn ngữ, ngoài chức năng biểu đạt ngữ nghĩa, còn là các thành tố tham gia vào một sắp đặt về nhịp điệu, về màu sắc, về hình khối.
Các nhân vật, các tình tiết, những đối thoại, âm thanh, ánh sáng, và không khí cũng nằm trong cuộc sắp đặt này.
Nếu như người ta nói nhiều đến loại hình nghệ thuật đa phương tiện mà các nghệ sĩ đương đại ngày nay đang ưa chuộng, thì ở góc độ này, Trần Trọng Vũ đã sử dụng nó trong “Thành phố bị kết án biến mất” một cách thần diệu. Các yếu tố thị giác được sử dụng triệt để trong một văn bản tiểu thuyết. Và dường như chính điều này đã góp phần quan trọng đem lại những hiệu quả khác biệt cho tác phẩm.
Thưa các anh chị và các bạn,
Nhận định, đánh giá, phân tích về cuốn tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” của họa sĩ – nhà văn Trần Trọng Vũ, trong hội thảo này, chúng tôi vui mừng thông báo cùng các anh chị và các bạn, sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn các thế hệ: Nguyễn Phượng, Lã Nguyên, Chu Văn Sơn, Lại Nguyên Ân, Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên, Hà Thủy Nguyên, Lê Anh Hoài, Giáng Vân, Lê Hoài Nguyên, Nguyễn Bình Phương, Trần Ngọc Hiếu…
Bởi vậy, chúng tôi rất hy vọng, tại đây các anh chị và các bạn sẽ có được những góc nhìn khác nhau về cuốn sách đáng chú ý này.
Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Tây
TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY
THƯ MỜI
HỘI THẢO TIỂU THUYẾT “THÀNH PHỐ BỊ KẾT ÁN BIẾN MẤT” CỦA TRẦN TRỌNG VŨ
(NXB VĂN HÓA THÔNG TIN VÀ TRUNG TÂM VĂN HÓA NGÔN NGỮ ĐÔNG TÂY 2014)
Dẫn chương trình: MAI ANH TUẤN
Thời gian: 14h ngày Chủ nhật 21-9-2014
Địa điểm: Tầng 2, tòa nhà Dolphin Plaza Mỹ Đình (đối diện bến xe Mỹ Đình), đi đường Trần Bình, 28 Trần Bình, để gửi xe và đi vào tòa nhà.
Rất mong sự có mặt của các anh chị và các bạn!