Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2014

Đêm phương Nam cuối cùng

Truyện ngắn Lưu Thủy Hương

Lưu Thủy Hương

Lưu Thủy Hương là một blogger, chủ trang “Lưu Thủy Hương” đăng tải nhiều tác phẩm của chị, gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút…

Chị đang sống ở Berlin, Đức. 

Giờ đây bóng đêm đã xua tan đi những âm thanh hung hãn của chiến dịch giải tỏa và san bằng không còn tiếng máy ủi không còn tiếng mìn nổ không còn tiếng bê tông đổ ầm ầm chỉ còn bụi bặm đóng dày từng lớp trên sàn nhà trên mặt ghế trên sân khấu trong đêm diễn cuối cùng.

*

Họ gồm có năm người trong căn phòng rộng phủ đầy bụi.

*

G. mặc áo sơ mi đứng nép bên góc trái cánh gà, tì bụng vô bệ gỗ. Phần vải ở chỗ thường bị cọ xát mòn xơ thiếu đi một hột nút. Màu áo xanh da trời đã hoá thành màu vàng bọt biển. Nhưng ở phần cổ và phần nách vẫn còn phảng phất xanh lơ. Màu của hy vọng trong đêm cuối cùng còn mang chút hơi thở tự do. Khi tấm màn kia kéo xuống, cuộc đời gã sẽ chấm dứt. Bọn chúng đang chờ ở bên ngoài.

Gã nhìn về phía cô gái mặc áo đỏ. Thân hình trẻ trung tuyệt đẹp treo lơ lửng trên sợi dây điện thoại. Màu đỏ như một điểm sáng lộng lẫy giữa bóng đêm. Nhất định phải là màu đỏ. Màu của nhiệt huyết và ham muốn. Của bạo lực và huỷ diệt. Của sự sống và bùng nổ. Của tranh đấu và đàn áp. Cô gái chấp nhận một vai diễn không thù lao, không danh tiếng và cả không khán giả. Cô chấp nhận đơn giản sau một giây suy nghĩ bằng cái gật đầu mà không hề hỏi tại sao, được cái gì. Gã xem hành động đó là dấn thân, là niềm tin, là mơ ước tự do.

G. nhìn về phía khán giả, hy vọng những kẻ vô hình sẽ bị hút vô điểm sáng đỏ hữu hình. Mấy hàng ghế đổ gãy trống trơ phủ bụi. Bên góc tường đen, trong bóng tối quá khứ, giữa niềm mơ ước mù mờ, gã bàng hoàng nhận ra hai mái đầu xanh. Chân lý đã mang lại cho gã hai khán giả rất trẻ. Đối tượng của gã bao giờ cũng là những người trẻ tuổi. Dù rằng hai đứa trẻ tuổi này vô đây không phải để xem kịch. Đêm nay sân khấu mở cửa mà không bán vé. Hai đứa nhỏ đó vô đây chỉ để tìm một kết cục, sau một giờ lang thang giữa đống gạch đá lổn ngổn. Vở kịch lạc lõng trên một sân khấu bỏ hoang không làm tụi nó chú ý theo dõi. Hai đứa tìm được một chỗ thuận tiện trong bóng tối nhưng rồi lại thấy bực mình, thấy mất tự do vì vở kịch. Gã chặc lưỡi, buồn nhiều hơn là thương hại. Tụi bây không hiểu gì sao? Con người ta cần thứ tự do lớn hơn chứ không phải thứ tự do bị nhốt gọn trong căn phòng đầy bụi này.

Gã nhìn về phía người đàn ông ngồi bên bàn tiếp khách. Anh đang chậm rãi ăn phần cơm sườn trong hộp nhựa, chậm rãi thưởng thức món thịt người. Cái điện thoại không dây nối nằm chễm chệ trên bàn. Sợi dây đen thui đã được tháo ra để treo cổ cô gái áo đỏ lên trần nhà. Lớp phấn dày không làm cho khuôn mặt người đàn ông trẻ ra. Nó làm khuôn mặt anh ta trở nên vô cảm và thiếu góc cạnh. Bộ mặt phẳng lì không cá tính đó đang cố làm ra vẻ bất lương tàn ác. Gã lắc đầu tự hỏi, một diễn viên lâu năm và thành danh như anh sao đêm nay lại sơ xuất trong khâu trang điểm. Chẳng lẽ một người nghệ sĩ hơn ba mươi năm gắn bó với sân khấu lại không muốn sống trọn cho vai diễn cuối cùng.

*

Anh ngồi bên bàn tiếp khách. Hôm nay là chiều chủ nhật, đồn công an không tiếp khách.

Con nhỏ áo đỏ bị bắt mang vô đây từ buổi sáng vì tội “lạm dụng quyền dân chủ để xâm hại quyền lợi quốc gia”. Lý do buộc tội này tuy mù mờ nhưng nó có thể buộc tội tất cả mọi người và tất cả mọi hành động ngoan cố muốn làm người hay cả những động thái từ chối không làm người. Như dĩa cơm sườn này không có quy định rõ ràng nào là sườn heo, sườn gà hay sườn người nhưng nó vẫn được hiểu căn bản là sườn heo, tuy rằng nó vẫn có thể lấy từ cơ thể con gà hay cơ thể con người hay cơ thể con heo không ở phần sườn.

Anh đưa miếng sườn lên đến ngang miệng thì thấy buồn nôn đến ngang mũi thì thấy ngờ vực. Miếng sườn đã nằm trong đáy mắt anh nên không cần đưa miếng sườn lên ngang mắt mà anh vẫn nhận ra miếng sườn không có sườn. Dĩa cơm này được mua từ hồi trưa và có lẽ được nấu từ hôm qua bây giờ cơm đã khô cứng, thịt đã trắng bợt, mỡ hành đã chảy nước. Từ đó bốc lên mùi thịt thiu, mùi nước mắm cũ, mùi hành lá chua… Nhưng anh không thể đòi hỏi giác quan một sự thể hiện dối trá bằng cách giam hãm nó trong ý muốn chủ quan của mình. Anh miễn cưỡng chấp nhận quyền tự do môi giới của giác quan bằng cách nhai trệu trạo trong sự buồn nôn và ngờ vực.

Thân hình màu đỏ hơi chuyển dịch theo kiểu bức tranh treo trên tường bị gió thổi qua. Cổ con nhỏ treo lên sợi dây điện thoại kéo thẳng ra như cái ngó sen trắng ngần có một vệt bùn đen quẹt ngang. Nó nhón một chân đứng trên cái ghế gỗ, cố sức giữ thăng bằng cho vai diễn, như một nghệ sĩ múa ba lê sùng kính hành xác hay một thầy tu dòng khổ hạnh phô diễn niềm tin. Điều đó làm anh thêm ngạc nhiên vì sức chịu đựng và khả năng nhập vai của một diễn viên không biết cách chịu đựng và không biết cách nhập vai. Khi anh quật mạnh dùi cui lên bờ vai bên phải, nó cũng cố cong mình lại chịu đựng ráng tin rằng một đồng nghiệp trong vai diễn sẽ không đánh bạn mình tàn nhẫn như vậy. Nhưng khi anh quật dùi cui lên bờ vai bên trái bằng cả sự tuyệt vọng của mình, bằng cả sự giận dữ không đào thoát được, thì nó lùi lại và lắp bắp.

Sự giận dữ kéo đến đột ngột khi cái dùi cui chạm vô chủ thể mà anh từng nguyền rủa cũng như chối bỏ. Chủ thể đó không là con nhỏ đó mà là hình hài một con nhỏ khác mang tư tưởng tự do giấu trong hình hài con nhỏ này. Nó là ngày hôm qua của đứa con gái đầu lòng của anh. Nó cũng xuống đường đòi hỏi tự do và bị những kẻ nắm giữ tự do cướp nốt niềm hy vọng tự do cuối cùng. Anh giận dữ quật dùi cui lên sự dại dột của tuổi trẻ con mình. Anh điên máu quật dùi cui lên số phận đã chọn con mình và đẩy nó vô chỗ làm vật hy sinh cho thứ tự do không hề có trên đất nước vinh danh một ngàn lần tự do.

Sự giận dữ là một cơn điên ngắn, và nó luôn kết thúc trong lòng anh bằng hình ảnh của một ngôi nhà sụp đổ, nó tự vỡ tan trên những cái vỡ tan mà nó muốn đè bẹp.

Đứa con gái bị anh xáng cho cái dùi cui trên vai lùi lại mở to mắt, lắp bắp nói: “Sao anh đánh phụ nữ?”. Trời Đất, câu hỏi này không có trong kịch bản. Lẽ ra sau cú đánh giả tạo phải là một tiếng hét căm phẫn, một lời buộc tội đanh thép: “Anh không được đánh người yêu nước. Đả đảo hành động đàn áp người yêu nước”. Nhưng cú đánh hung hãn của anh cũng nằm ngoài kịch bản và nó trở thành một phát động gây áp lực phản xạ. “Sao anh đánh phụ nữ?”. Câu hỏi bất ngờ của nó là một phản xạ, một xuất diễn của phản ứng cơ thể chống lại việc loại trừ phần lý trí không được tham dự vô phản ứng. Nó nằm ngoài mọi sự kiểm soát và trói buộc. Nó tự do và manh động.

Đứa con gái từ chỗ tức tối lên án anh đã bắt đầu chuyển sang trạng thái hoang mang mất bình tĩnh. Vở kịch từ chỗ mang tính đấu tranh quyết liệt biến thành ngớ ngẩn và phi lý. Thân hình căng thẳng của nó bỗng co rúm lại làm những thứ hiện hữu dào dạt bên trong muốn bung ra thoát khỏi sự kiềm hãm của cái áo thun đỏ chật chội. Sự mâu thuẫn đồng lõa với sự phi lý đẩy trạng thái xung đột vô chỗ triệt tiêu. Anh chẳng còn lý do gì để tiếp tục cái kịch bản đã chết. Dẹp cha nó luôn cái màn đấu tranh tư tưởng lằng nhằng. Anh thô bạo túm cổ con nhỏ và treo lên trần nhà. Hơn ai hết, anh hiểu nó là một loại diễn viên có biệt tài giết chết kịch bản. Nhưng anh lại không hiểu nổi, loại người nhiều hình thức mà rỗng toét nội dung như nó vì sao lại chấp nhận vai diễn đầy nguy hiểm trong buổi diễn cuối cùng vô vọng này. Thằng đạo diễn gọi đó là niềm tin và mơ ước tự do. Dẹp cha nó luôn cái gọi là niềm tin và mơ ước tự do. Hai cái bánh vẽ cũ mốc này chỉ được sơn đi sơn lại để đánh lừa và huỷ diệt tuổi trẻ. Nó làm anh thêm buồn nôn và căm ghét sự ngờ vực.

Anh múc muỗng cơm khô cứng đưa lên miệng, trệu trạo nhai mà không sao nuốt nổi. Khi anh ăn hết dĩa cơm này thì màn kịch sẽ kết thúc. Chiếc ghế sẽ bị anh đá văng. Đứa con gái sẽ bị treo cổ giãy chết trên sợi dây điện thoại. Và tấm màn sẽ kịp thời buông xuống để anh với thằng đạo diễn khiêng nó xuống trước khi nó có thể tắt thở. Anh bỗng rùng mình nghĩ, lỡ sợi dây điện thoại bị vướng víu chỗ nào mà không gỡ ra được thì sao.

*

Khi anh ăn hết dĩa cơm thì màn kịch sẽ đi vào phần kết thúc nhưng cả năm người trong gian phòng này đều không muốn anh ăn hết dĩa cơm.

Về phần anh thì quá rõ vì dĩa cơm nguội lạnh đầy cảm xúc thậm xưng của giác quan làm anh nuốt không vô.

Về phần gã áo xanh khi vở kịch kết thúc thì đêm tự do cuối cùng của gã cũng kết thúc dù là thứ tự do mong manh hay giả hiệu nhưng nó vẫn đang cố tự tạo ra một ranh giới với sự mất tự do và trong cơn hấp hối nó cũng biết rằng bọn sát thủ thứ thiệt đang chờ ở bên ngoài bên những căn nhà đổ nát trong một góc thành phố bị san bằng.

Về phần hai đứa trẻ đang mò mẫm hì hụi trong góc phòng tụi nó cũng chưa muốn ra về khi cuộc phiêu lưu tình ái chỉ mới bắt đầu và cho tới lúc này thằng con trai cũng chỉ mới mở được ba cái nút áo bên trên để áp cặp môi thô lỗ vô cái nách nhẵn nhụi của đứa con gái mới lớn còn chưa mọc đủ lông.

Về phần cô gái mặc áo đỏ cũng không mong vở kịch kết thúc khi lực lượng truy bắt phản động chưa có đầy đủ tang chứng để buộc tội hai kẻ giết người hay lem nhem lắm cũng là tang chứng buộc tội hai thằng trốn thuế.

*

Cô chán ngán nhìn về góc phòng, tự hỏi, nếu cô lỡ sinh ra làm đứa con gái xấu xí bị một thằng con trai tầm thường dẫn vô góc nhà bụi băm thì cô phải làm gì. Chịu thua quách cho xong để biết mùi vị nhầy nhụa của thứ tình yêu không hề có. Hay õng ẹo kéo dài một buổi tối mà chắc là nó sẽ chẳng để lại một kỷ niệm thơ mộng nào ở phần kết cục. Cô luôn trung thành với quan điểm đạo đức sòng phẳng của mình. Trong cái gọi là tình yêu hay bất cứ mối quan hệ đực cái tự do nào, không hề có sự cho không được mỉa mai gọi là dâng hiến mà chỉ có sự trao đổi mang lại lợi lộc cho cả hai bên.

Cô luôn tin rằng mình là một siêu sao sáng chói nhưng bị cuộc đời ô nhiễm biến thành loài sao xẹt. Bởi vậy mà cô chỉ được chọn đóng những vai tình nhân cấp tốc trong những bộ phim tình cảm chớp nhoáng. Đó là loại diễn viên bị buộc phải cởi hết áo quần nhưng luôn luôn phải che kín mặt. Một sự bất công và sỉ nhục, khi mà cơ thể và khuôn mặt cô đều đẹp hoàn hảo như nhau. Đó là loại diễn viên phải sử dụng hết khả năng rên rỉ gầm gừ nhưng không được nói một câu quá ba chữ. Khi mà cô thèm khát được diễn xuất nội tâm bằng những lời tâm tình đầy tính trí tuệ: “Anh là người đàn ông vĩ đại trong giấc mộng nhỏ xíu của em”. “Em chờ anh tưới ướt miền tình yêu nóng bỏng”… Cơ hội đến vào lúc cô đã thực sự ngao ngán chuyện bị cởi áo quần hơn mười lần trong một cảnh quay, mà không được nói một tiếng tử tế nào. Cơ hội đến khi cơ thể vốn nhạy cảm của cô đã bắt đầu trơ cứng không còn cảm xúc, giọng nói êm dịu mềm mại của cô đang biến thành tiếng thú vật. Một vai chính cho riêng cô vào giữa lúc cô muốn thử sức ở một lĩnh vực nghệ thuật nghiêm túc là một điều hợp lẽ với tài năng thiên bẩm. Nhưng cô không định đặt quá nhiều kỳ vọng lên sự thành công của vở kịch khô cứng thiếu tình yêu. Cả cô và gã đạo diễn rách rưới kia đều biết rõ tỏng tỏng tong rằng, vở kịch thô thiển này sẽ chết ngủm trong im lặng.

Vở kịch có thể chết trong im lặng, nhưng cô thì không thể chết. Để tài năng mình được công nhận và phát huy, cô cần trước nhất là sự nổi tiếng. Thời buổi này, sự nổi tiếng phải đi trước tài năng. Đi ngược lại là đi lòng vòng tốn kém thời gian mà vô ích. Những người trẻ tuổi khôn ngoan cần biết cách tạo dựng tiếng tăm của mình. Bất cứ hình thức nào, bất cứ phương pháp nào, bất cứ thoả hiệp nào. Tạo xì căng đan bằng những bộ ảnh khỏa thân, viết tiểu thuyết khiêu dâm, cặp bồ với đại gia, uống rượu lái xe gây tai nạn… Những chuyện loàng xoàng đó cô đã thử qua, đã lăn lóc cọ xát, nhưng nó chỉ mang lại nhiều thứ hằm bà lằng phức tạp hơn là một sự nổi tiếng hoành tráng đáng cho mọi người kính nể. Cô cần bốc cháy, cần toả sáng để thức tỉnh giới showbiz đang luẩn quẩn cuối đường hầm. Giữa kịch nghệ và chính trị ắt phải có một mối liên hệ. Nếu không có thì cô tự tạo ra mối liên hệ đó để làm đòn bẩy cho riêng mình.

Cô đang chờ lúc bọn họ xông vô đây, để còng cổ hai thằng đàn ông kia đi. Và tuyệt vời hơn nữa, họ còng cổ cô luôn để rồi bung ra những tấm hình nóng trên mọi trang báo khủng. Trong chuyện hợp tác này, cả cô, chính quyền và báo chí đều có lợi.

Theo như thoả thuận, khi cô la lớn lên thì họ sẽ xông vô.

Và cô sẽ là người phụ nữ đầu tiên bị treo cổ trong đồn công an, khi mà theo sự hiểu biết mù mờ của cô, cho tới nay đồn công an chỉ mới giết chết đàn ông.

*

Đứa con gái vì chưa thoả mãn sự tò mò lại cũng chưa có lý do gì để vội vã khuất phục trước sự cảm dỗ nên nó cần thời gian để lấy thăng bằng bên ranh giới cheo leo giữa sự khao khát tôn sùng và chiếm đoạt thô bỉ khi mà đứa con trai cũng đang cần thời gian để nhào bóp khái niệm tình yêu thành tình dục dù rằng nó không hề muốn mất thời gian một cách ngu ngốc trong buổi tối ngắn ngủi ở một rạp hát sắp sập vì một đứa con gái gầy còm lại chẳng đẹp đẽ gì nên nó nhắm mắt lại và tưởng tượng đứa con gái mặt áo đỏ trên sân khấu đang ở trong vòng tay nó và sự tưởng tượng làm nó hưng phấn căng thẳng gần như mất bình tĩnh nhưng cho đến lúc này nó cũng chỉ mới được phép luồn tay xuống dưới lớp váy mỏng và mày mò ở phần đùi trên.

*

Chính anh đã tự thoa phấn trang điểm, chính anh đã mỉm cười quái ác khi tự tay mình tạo ra một bản mặt nhu nhược phẳng lì khi mà lẽ ra, đó phải là bộ mặt bất lương, tàn ác và đầy thú tính, trong một vai diễn bất lương, tàn ác và đầy thú tính. Đó là sự phi lý. Đó là nghệ thuật áp đặt sự phi lý đẩy sự mâu thuẫn đến độ xung đột. Đó là sự mâu thuẫn trong trạng thái xung đột nhằm phá huỷ những định kiến bình thường. Cái ác luôn tiềm ẩn trong những thứ gần gũi mà ta vẫn ngỡ là bình thường.

Anh ngồi quay lưng về phía cánh phải của sân khấu nên những gì xảy ra ở phần bên phải anh đều không nhìn thấy. Nhưng quay lưng lại với cánh phải không có nghĩa là anh không biết hết những điều xảy ra ở phần bên phải dù rằng anh vẫn phải giả bộ là không biết gì hết. Một diễn viên lâu năm và nhạy bén như anh đã tự thiết lập được mối giao cảm với phần không gian quanh mình. Không gian đó, những điều nhận thấy trong một khoảng cách và trong mọi tương quan về vị trí có hàm ngụ những khoảng cách, được tạo ra từ hiệu quả của sự vận động giác quan, dự đoán và giả đoán. Anh không thấy hai đứa nhỏ, không biết chính xác vị trí ghế ngồi của tụi nó, nhưng anh đón bắt được suy nghĩ và cảm xúc của tụi nó. Điều đó làm anh đau khổ. Sự thật có được qua sự vận động giác quan, dự đoán và giả đoán luôn làm anh đau khổ. Nhưng anh luôn biết cách cúi đầu chấp nhận sự thật mà không tìm cách bươi móc. Anh luôn là kẻ chấp nhận khôn ngoan và luôn sẵn sàng bỏ rơi phần nghi ngờ yếu đuối cho tên đao phủ mang tên số phận và thời thế. Chính anh cũng ngạc nhiên về trạng thái bốc đồng khi chấp nhận vai diễn nguy hiểm này, ngay trong thời điểm mọi con người khôn ngoan đều nhất nhất cẩn thận trong mọi quyết định để sinh tồn. Anh gạt bỏ cảm giác đau đớn và ân hận để phủ nhận suy diễn, sự dấn thân đêm nay là để nhận lấy phần trách nhiệm cho đứa con gái đầu lòng, để một ngày nào đó, anh đủ can đảm nhìn vào đôi mắt đã tối bưng mù loà của con. Anh nghẹn ngào đưa muỗng cơm lên miệng nuốt phần cuộc sống cứng ngắt đang bắt đầu lên men thúi.

Ở ranh giới cuối cùng của sự tự do trong đêm chuẩn bị buớc vào màn khủng bố đàn áp tự do, anh buồn bã chấp nhận rằng, quan điểm tự do của người này không giống quan điểm tự do của người khác, quan điểm tự do của thế hệ này không giống quan điểm tự do của thế hệ khác. Sự ép buộc quan điểm tự do vào khuôn khổ chỉ sanh ra thứ quái thai méo mó dị dạng mang tính khuôn khổ.

Đứa con gái ngồi phía dưới kia là con gái út do anh sanh ra.

Anh nhận ra tiếng nói thì thầm của nó, ngay khi nó rụt rè bước vô căn phòng này. “Ở đây tối quá”. Anh đã cố giữ đứa con gái út đừng bước theo vết xe đổ của đứa con gái đầu lòng, dạy cho nó chấp nhận và yên phận với thứ tự do được giới hạn trong khuôn khổ. Giờ đây, nó ngồi ở sau lưng anh, háo hức chia sẻ với anh khoảng không gian tự do nhỏ nhoi và thứ quyền hạn làm người thấp kém nhất là làm chủ thân thể mình, một thân thể không cần sự áp đặt và tồn tại của tư tưởng phản tỉnh.  

“Đừng, đừng anh, khoan đã”. “Không, không ở dưới đó”. Nó rên rỉ chống đối nhưng rướn mình lên đón nhận sự đè bẹp.

Tụi nó, những người trẻ tuổi hiện đại trong một góc thành phố đổ nát giữa chiến dịch giải tỏa và san bằng, không dấn thân đòi thứ tự do thực thụ ảo tưởng, tụi nó đang ung dung hưởng thụ tối đa thứ tự do thực dụng hiện hữu. Anh không thể so sánh tình trạng đứa con gái đang đong đưa trên dây treo cổ với đứa con gái đang bị đè nghiến trong vòng tay hoan lạc để cho rằng sự cưỡng bức trên sân khấu tồi tệ hơn sự cưỡng bức dưới sân khấu. Anh không có quyền so sánh khi phần mình đã xong xuôi với sự lựa chọn. Anh luôn nghĩ rằng, cuộc đời anh đã xong xuôi với sự lựa chọn là thoả hiệp. Nhưng thứ niềm tin buồn nôn vẫn âm ỉ tồn tại trong đống tro tàn của ý chí, bằng một cố gắng cuối cùng trước khi chết, nó bùng dậy đánh thức sự ngờ vực và tìm cách đẩy anh tới vực thẳm của sự lựa chọn không thoả hiệp. Anh nuốt cho xong muỗng cơm thiu cuối cùng, miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện không chia sẻ của ý chí cùng với sự báo tử, nhưng anh đàn áp nó bằng cách từ chối tham gia những phát động lương tri do chính nó gây ra. Vở kịch đêm nay để tống tiễn một người bạn vào cõi chết chính là tấm thảm kịch mà anh đang tự tống tiễn mình vào cõi phân huỷ.

“Anh có yêu em không?”. Anh chưa hề nói yêu em”. “Anh chỉ muốn cái đó”. Nó khóc thút thít vì ngờ vực và chống cự yếu ớt.

Anh sẽ diễn nốt vai diễn cuộc đời mình mà không để rơi nước mắt.

*

Lúc này, thân hình thằng con trai đã che kín khuôn mặt đứa con gái. Gã thấy buồn nhiều hơn là thất vọng. Vậy là thằng nhỏ đã từ chối cơ hội tìm hiểu tự do là gì. Đồng thời nó cũng thô thiển cướp luôn quyền tìm hiểu tự do của người khác. Hoá ra vở kịch tâm huyết của gã chẳng có chút tác động nào tới hai đứa nhỏ ôn dịch kia. Hoá ra cái chết của người khác đang lơ lửng trên sợi dây điện, phơi bày ngay trước mắt, không làm hai cái đầu trẻ trung từ bỏ suy nghĩ dâm ô.

Gã thấy buồn nhiều hơn là nóng giận. Bởi vậy mà gã chỉ đứng trong cánh gà thở dài thườn thượt chứ không đi xuống bên dưới tống cho thằng kẻ cướp một bợp tai. Một kẻ đang tham gia vào vở kịch đấu tranh đòi tự do có tư cách gì đi tước đoạt tự do của người khác.

G. thấy buồn nhiều hơn là hối hận. Câu hỏi từ nhiều ngày qua đã có một đáp số, dù là một đáp số chổng ngược. Người ta sẽ làm gì trong đêm cuối cùng còn hiện diện ở thành phố quê hương? Nằm đắp mền ngủ chờ tới lúc bị gõ cửa và bị đưa đi hành quyết? Ngồi quán nhậu với vài thằng bạn chết nhát để kéo tụi nó vào những cuộc thẩm vấn triền miên và những trò theo dõi dai dẳng? Khi gã móc túi đưa anh những đồng tiền giấy cuối cùng, gã bắt gặp nỗi đau trong mắt người bạn già. Số tiền không đủ trả công cho một đêm diễn, nhưng đó là tất cả những gì gì còn có được. Anh nói: “Tao giữ giùm cho tới lúc mày quay lại”. Gã lắc đầu, không tin sẽ có ngày quay lại thành phố này để nhận lại những tờ tiền chua loét mùi mồ hôi trong túi bạn. Nhưng gã cần anh đêm nay, một người bạn đồng hành để đi đến ranh giới cuối cùng của sự tự do. Những người bạn khác của gã đã lần lượt ra đi từ mùa hè năm trước. Bằng một cách này hay cách khác, bằng thể xác hay phần hồn, họ đã bị cưỡng bức phải rời khỏi thành phố quê hương. Anh là kẻ mà gã lưỡng lự mãi khi lựa chọn, bởi vì chính gã cũng không muốn phá vỡ cuộc sống yên ổn mà anh đang vun vén. Nhưng anh lặng lẽ gật đầu, chấp nhận trò chơi nguy hiểm bằng một bộ mặt phẳng lì quái đản.

Cái radio bên góc trái cánh gà phát ra những tiếng mài dao xoèn xoẹt. Chỉ có gã mới biết, đó là tiếng mài dao, trong vở kịch Hồn Trinh Nữ. Nhưng cái radio cũ kỹ và cái đĩa CD lở loét chỉ còn có thể phát ra những âm thanh quái dị ngắn đều, nên đôi lúc gã cũng không rõ, đó là tiếng mài dao hay là tiếng cái ghế sắt cọt kẹt theo nhịp thúc đẩy hung tợn của thằng bạo dâm. Ngay cả tiếng rên rỉ trong đêm cũng không rõ là tiếng chịu đựng đau đớn hay tiếng quy hàng nhục cảm của đứa con gái sắm vai đứng chờ bị treo cổ hay đứa con gái vào cuộc chấp nhận bị cưỡng đoạt. Cả hai thân mình cùng chao đảo mà không cưỡng lại cũng như không chống đối. Đoạn này không có trong kịch bản và hoàn toàn nằm ngoài khả năng đạo diễn của gã. Một dòng máu đỏ chảy ra từ khóe miệng cô gái làm gã sửng sốt. Cả dòng máu này cũng không có trong kịch bản. Nó từ đâu ra? Từ bịch tương cà chua lén ngậm trong miệng hay từ những cái chết có thật. Gã lo sợ nhìn kỹ cô gái. Mí mắt cô còn động đậy. Một kiểu diễn cương quái dị mà gã chưa tiếp xúc bao giờ, nhưng trong đêm nay gã lại xem đó là một hành động đấu tranh cương quyết.

Anh đã ăn xong dĩa cơm sườn, cầm dùi cui tiến về phía cô gái. Cho tới lúc này, gã vẫn hy vọng, vở kịch bạo lực theo đúng kịch bản sẽ đánh động cảm xúc của hai đứa nhỏ trong cơn mê muội.

Cô gái đột ngột vùng vẫy cố hướng cái nhìn kinh hoảng nhìn về phía cửa ra. Cô muốn gào lên gọi ai đó, nhưng sợi dây điện vướng ngang cổ họng làm cô không kêu lớn được.

Cho tới cuối vở kịch, gã vẫn hy vọng, cái chết đau thương theo đúng kịch bản của cô gái sẽ thức tỉnh hai đứa nhỏ bằng tiếng gọi yếu ớt của lý trí. Cho tới lúc gã bị trận mưa dùi cui giáng xuống, gã vẫn hy vọng hai đứa nhỏ sau cơn thoả mãn thể xác sẽ nghĩ về một thứ tự do khác.

Gã té xuống đập đầu vào bóng đêm.

Tháng 3/ 2012