Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Văn Việt mở mục “Văn học miền Nam 1954-1975”

Trang Văn Việt, tiếng nói của BVĐVĐĐLVN, đã nêu rõ ràng slogan “Vì một nền văn học Việt Nam đích thực”. Đấy là nguyện vọng tha thiết, là chương trình lớn, lâu dài và cốt yếu của chúng ta khi vận động thành lập Văn Đoàn. Một trong những điều kiện hàng đầu của một nền văn học như vậy là nó phải tiếp nối được một cách sáng tạo toàn bộ thành tựu văn học quá khứ của dân tộc, đặc biệt là toàn bộ giá trị văn học đã được tạo nên trên đất nước này trong suốt thế kỷ qua. Bỏ sót bất cứ mảng nào trong bức tranh tổng thể đó đều là thiếu sót tai hại và với độ lùi lịch sử ngày càng không thể chấp nhận. Tuy nhiên, như tất cả chúng ta đều biết, do những điều kiện không bình thường, một bức tranh như vậy lâu nay đã thật sự bị phiến diện. Một mảng lớn và quan trọng của văn học Việt Nam thế kỷ XX, là Văn học miền Nam 1954-1975 (tức nền văn học trong lãnh thổ thuộc Việt Nam Cộng hoà), đã bị gạt vào quên lãng.

Không chỉ những giá trị đặc sắc nhất của khu vực văn học này gần như hoàn toàn bị che lấp đối với công chúng, kể cả với những người cầm bút ngày nay, mà những hiểu biết và nhận định hoặc về toàn bộ mảng văn học này, hoặc về từng tác giả và tác phẩm của nó thường bị thiên lệch nặng nề vì những định kiến ý thức hệ dai dẳng. Trong khi dù song song với những mảng văn học khác cùng thời, do những điều kiện riêng biệt, chính ở đây lại đã có thể có những thành tựu, cả qua sáng tạo tác phẩm và trong không gian sinh hoạt văn học, rất đáng suy nghĩ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực hôm nay. Chẳng hạn, do không bị quá cách biệt, đến cắt đứt hẳn với các trào lưu văn học thế giới đương thời, “Văn học miền Nam 1954-1975” đã có trải nghiệm và tạo được một số kinh nghiệm đáng kể về hội nhập, là điều thiết yếu của một nền văn học  mong muốn thật sự hiện đại cùng nhân loại và thời đại …

Khôi phục được khuôn mặt trung thực của mảng văn học quan trọng này, đặt nó trở lại đúng vị trí trong bức tranh toàn diện của di sản văn học gần của chúng ta rõ ràng là công việc hết sức cần thiết, song cũng cần rất công phu và khó khăn. Văn Việt xin cố gắng góp phần tối đa của mình, cùng các tác giả, các nhà nghiên cứu tâm huyết trong và ngoài nước lâu nay.

Chúng tôi mong những nhà văn từng thuộc khu vực văn học này đến nay còn sống, gia đình và bằng hữu các nhà văn đã mất, các nhà nghiên cứu phê bình cho phép chúng tôi được sử dụng tác phẩm của quý vị trong chương trình này của Văn Việt. Mong bạn đọc Văn Việt giúp đỡ chúng tôi tư liệu, góp ý kiến về cách thức tiến hành để chương trình này, mà chúng tôi mong sẽ là một chương trình chung sức của tất cả chúng ta, được hoàn thiện, phong phú, hấp dẫn.

Trong điều kiện thực tế và không cầu toàn, trong khi chờ đợi những đóng góp từ quí vị, mục “Văn học Miền Nam 1954-1975” sẽ dần dần đăng lại những bài nghiên cứu và những tác phẩm quan trọng mà chúng tôi có được từ các nguồn khác nhau.

Vì một nền văn học Việt Nam đích thực!

Mọi bài vở và tư liệu đóng góp cho mục này xin gửi về địa chỉ: vanhocmiennam5475@gmail.com

VĂN VIỆT