Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (9): “Thoát Trung” hay “thoát Mác – Lênin”?

Quách Hạo Nhiên
1. Đặt vấn đề
Từ góc nhìn văn hóa – lịch sử, tôi cho rằng cách đặt vấn đề”thoát Trung về văn hóa” của một số học giả hiện nay là không sai. Vấn đề ở đây là nên hiểu khái niệm văn hóa như thế nào để tránh rơi vào cực đoan, phiến diện mà thôi. Để tránh những tranh cãi không đáng có, thiết nghĩ chúng ta cần thống nhất với nhau là nên hiểu khái niệm văn hóa ở đây với nghĩa rộng của nó và nhất là cần hiểu những giá trị làm nên văn hóa của một dân tộc không thể và không bao giờ là thuần nhất. Về vấn đề này, tôi xin phép được trích dẫn lại đây ý kiến, quan điểm của nhà thơ, dịch giả Dương Tường mà bản thân tôi thấy rất đồng cảm:
Ở thời đại chúng ta đang sống, trong điều kiện tin học phát triển cao độ, thế giới hồ như hẹp lại, quá trình tương tác văn hóa ngày càng gia tăng, sự vay mượn, thẩm thấu lẫn nhau giữa các nền văn hóa ngày càng phổ biến. [...] Với một xác tín thành thực, tôi dám khẳng định rằng, qua nhiều quá trình tương tác văn hóa nối tiếp nhau trong lịch sử không thể tồn tại một văn hóa thuần Việt. Văn hóa Việt Nam cho đến nay đã hội nhập trong bản thân nó nhiều chiều bề khác: Trung Hoa, Ấn Độ, Chàm, Pháp, Nga, Mỹ… Tại sao lại mất công cố sống cố chết chứng minh mảng văn hóa này, nọ của ta ở thời này, thời nọ thuần túy bản địa, không mảy may ảnh hưởng của bất kỳ nền văn hóa nào? [1].
Nếu đã thống nhất với nhau như thế này thì nói cho cùng, ở phương diện nào đó” thoát Trung về chính trị” thật ra cũng là “thoát Trung về văn hóa”. Vì chính trị (quan niệm về chính trị, cách thức tổ chức bộ máy Nhà nước…) thực ra cũng là một bộ phận cấu thành và làm nên những thang giá trị văn hóa trong tiến trình lịch sử của một dân tộc. Từ đây, tôi lại mạo muội nghĩ rằng, với tình cảnh của Việt Nam ta hiện nay việc “thoát Trung” tuy cần thiết nhưng quan trọng và cấp bách hơn là vấn đề “thoát Mác – Lê”. Nói cách khác, muốn “thoát Trung” thành công thì trước hết phải “thoát Mác – Lê”; một khi đã “thoát Mác – Lê” rồi thì tự khắc dân tộc Việt Nam sẽ biết phải làm gì để “thoát Trung.
2. “Thoát Mác -Lê” là gì? Vì sao phải “thoát Mác – Lê” trước, “thoát Trung” sau?
2.1”Thoát Mác -Lê ở đây không phải là lên án, phỉ báng học thuyết Mác  cũng như chủ nhân của học thuyết này. Bởi nói cho công bằng thì bản thân học thuyết này và người sáng tạo của nó không có tội (mà tội ở đây là thuộc về những người tiếp thu và vận dụng nó một cách mù quáng và bảo thủ mà thôi, trong đó người đầu tiên chính là Lênin).
Vì thế, “thoát Mác – Lê” trước hết là phải chân thành và cầu thị chấp nhận sự phản biện của các nhà khoa học về học thuyết này. Từ đó thoát ra khỏi những quan điểm sai lầm trong mọi đường hướng, sách lược, chiến lược xây dựng và phát triển đất nước trên cả hai bình diện vi mô lẫn vĩ mô.
Cụ thể hơn, là xóa bỏ sự chuyên quyền, độc quyền và lạm quyền của Đảng hiện nay; tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân được “mở miệng”, chấm dứt sự bao cấp trong suy nghĩ, độc quyền trong tư tưởng; các cấp lãnh đạo, chính quyền phải minh bạch, công khai đối thoại với mọi tầng lớp nhân dân trên tinh thần dân chủ, bình đẳng về tất cả các vấn đề liên quan đến việc điều hành và xây dựng đất nước, v.v.
2.2 Từ góc nhìn văn hóa – lịch sử, có ba lý do căn bản sau đây cho thấy việc “thoát Trung” hiện nay là cần thiết nhưng cần thiết và cấp bách hơn vẫn là “thoát Mác – Lê”.
Thứ nhất, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, cha ông ta luôn luôn và bao giờ cũng có ý thức không để bị lệ thuộc vào người phương Bắc (dĩ nhiên ở mỗi thời đại khác nhau, ý thức này có thể đậm nhạt khác nhau). Dễ thấy nhất là tinh thần tự lực, tự cường nhằm “thoát Hán” từ xa xưa của ông cha ta qua việc sáng tạo ra loại chữ để ghi âm lại tiếng nói – tiếng mẹ đẻ của dân tộc.
Hay như tinh thần “thoát Trung” thể hiện qua câu nói của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người.
Tinh thần “thoát Trung” trong câu nói Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc.
Tinh thần “thoát Trung” trong Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc, Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời dựng nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có
Nhắc lại một những vấn đề trên không phải để “tự sướng” với những anh hào quang xưa cũ mà để cho thấy vấn đề “thoát Trung” về văn hóa vốn luôn thường trực trong tiềm thức của dân tộc Việt. Vì vậy, cũng không nên quá lo lắng về chuyện này.  
Thứ hai, chúng ta hãy thử cùng trở lại với câu hỏi mà nhiều chuyên gia đã từng đặt ra: Tại sao đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam rơi vào thảm cảnh (mà ngay cả những lãnh đạo của Việt Nam cũng phải thừa nhận) “nội lực quốc gia yếu kém và gần như lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như hiện nay?
Thực ra, về vấn đề này, câu trả lời đúng và thỏa đáng nhất đã được hai tác giả Daron Acemoglu và James A. Robinson chứng minh rất sinh động và thuyết phục trong quyển “Tại sao các quốc gia thất bại?[2]. Dựa trên những cứ liệu trong suốt 15 năm nghiên cứu hai tác giả của quyển sách đã chứng minh sự thành công hay thất bại, sự giàu hay nghèo của một quốc gia trong thế giới hiện đại không phải do quốc gia ấy có những lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên “rừng vàng biển bạc”; không phải do quốc gia ấy có bề dày về truyền thống văn hóa, lịch sử mà là do thể chế kinh tế và thể chế chính trị của chính những con người (chủ yếu giới lãnh đạo, cầm quyền) ở quốc gia ấy vạch ra.
Hẳn chúng ta đều biết, thể chế kinh tế và thể chế chính trị ở Việt Nam vốn được xây dựng trên nền tảng học thuyết Mác – Lênin suốt mấy mươi năm qua dưới sự lãnh đạo chuyên quyền của Đảng Cộng sản. Mà sự lạc hậu, lỗi thời của học thuyết này thì đã quá rõ (vấn đề này đã được vô số các học giả, chuyên gia trong và ngoài nước phân tích mổ xẻ rồi nên tôi xin không bàn lại) nhưng đau đớn và khốn nạn thay học thuyết này đã, đang (và hứa hẹn sẽ còn) là nền tảng, là “kim chỉ nam” để “soi đường” cho dân tộc này!?
Có thể nói, suốt mấy mươi năm qua (đặc biệt là từ khi nước nhà thống nhất) Việt Nam chỉ tôn thờ độc nhất chủ nghĩa Mác – Lê và nhất là xem nó như Kinh Thánh bắt nhân dân trong nước phải quỳ lạy, khấn khứa (dù phần đông họ chẳng hiểu hoặc hiểu rất mơ hồ về nó). Những người đứng đầu đất nước có một suy nghĩ rất ấu trĩ và ngông cuồng là phải kiểm soát bằng được suy nghĩ, tư tưởng của mỗi cá nhân trong xã hội nhằm dễ bề sai khiến và cai trị họ. Vì thế, cả hệ thống chính trị đã làm đủ mọi cách nhằm tuyên truyền phổ biến chủ nghĩa Mác – Lê theo kiểu “mưa dầm thấm lâu. Họ nghĩ rằng với cách làm này nhất định sẽ xây dựng nên một thế hệ “người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa nhưng có ngờ đâu thực tế cuộc sống đã nói rằng rượu ngon uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Huống hồ, với sự bùng phát của công nghệ thông tin trong thế giới hiện đại ngày nay người dân đã biết tự sàng lọc và hiểu được đâu mới là cái cần thiết cho cuộc sống của họ.
Nhìn chung thì phần đông dân chúng Việt Nam hiện nay chẳng biết mô, tê gì về học thuyết này; họ cũng chẳng thấy đâu trong thực tế cái xã hội tự do, công bằng, dân chủ, văn minh (như trong các bài giảng của các lãnh đạo tuyên giáo cùng các giáo sư, tiến sĩ triết học Mác – Lê). Tuy vậy, có một điều mà họ nhìn thấy rất rõ là cuộc sống hàng ngày của bản thân và đồng loại xung quanh sao mà lầm than, cơ cực quá. Trong khi đó, những “công bộc” của họ miệng lúc nào cũng hô hào chống tham nhũng nhưng thực tế thì của chìm của nổi không biết là bao nhiêu; cuộc họp, kỳ họp lớn nhỏ nào miệng cũng leo lẻo “vì dân phục vụ” nhưng thực tế thì bắt nhân dân đầu tắt mặt tối, cun cút làm việc ngày đêm để phục vụ cho họ.
Thế là, dù không nói ra nhưng trong lòng ai cũng thấy mình đã, đang bị lừa mỵ, bị đầu độc bởi cái học thuyết không tưởng. Niềm tin trong lòng mọi người bị đổ vỡ, sự hoài nghi cũng bắt đầu hình thành và lớn dần theo năm tháng. Người với người giờ đây cư xử với nhau trong sự giả dối rất tinh vi và khủng khiếp: lãnh đạo lừa dối nhân dân, nhân dân giả vờ tin lãnh đạo dẫn đến mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy nghĩ, mạnh ai nấy làm. Cả một dân tộc, cả một xã hội vì thế, bị mất phương hướng, bị “loạn chuẩn”, bị “xuống cấp” về văn hóa, bị suy đồi về đạo đức… Nói như nhà thơ Nguyễn Duy trong bài thơ “Nhìn từ xa Tổ quốc là:
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan
Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài
Ðêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát
lửa ma trơi
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường
Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu
Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia li toe toét cười
Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê
Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về
Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chỉa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…
Lãnh chúa xứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa như có như không có
một người đi chật cả con đường
Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…
Ðiếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn
Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn
Thứ ba, có một vấn đề thiết nghĩ chúng ta cũng nên công tâm mà nhìn nhận là: từ khi nhà cầm quyền Trung Quốc trở mặt, hung hăng giở trò cướp giật lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông, tôi tin là trong sâu thẳm các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang rất thấm thía, rất đau đầu và nhục nhã với nhân dân lắm.  
Và tôi cũng tin việc lãnh đạo ở Việt Nam nói từ lâu họ đã nhận ra âm mưu, thủ đoạn chính trị của giới cầm quyền Trung Quốc trên Biển Đông là thật.
Nói điều này không phải để bênh vực và bao biện cho những sai lầm có hệ thống của giới lãnh đạo Việt Nam trong quan hệ đối ngoại với Trung Quốc lâu nay mà là để cho thấy rõ hơn một vấn đề cụ thể dưới đây:
Thử hỏi, tại sao dù biết rất rõ âm mưu của Trung Quốc nhưng thời gian qua lãnh đạo Việt Nam vẫn cứ chơi và kết thân với Trung Quốc; chỉ xem Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện? Tại sao dù biết âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ lâu nhưng trong nội dung những bài giảng về lòng yêu nước và những bài học cảnh giác mà lãnh đạo Việt Nam tuyên truyền với người dân lúc nào cũng lên án, công kích Mỹ, không những vậy còn xác định Mỹ và một số nước phương Tây là “kẻ thù lâu dài” của Việt Nam chứ không phải là Trung Quốc? (Tuy vậy, hiện tại lại “kêu gọi” hay chính xác là cầu mong, nhờ vả Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc)!
Câu trả lời rất đơn giản là vì bản thân giới lãnh đạo, cầm quyền ở Việt Nam không chịu từ bỏ lập trường “đi lên chủ nghĩa xã hội vốn rất không tưởng do học thuyết Mác – Lê vẽ ra (kỳ thực là để duy trì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản) vì vậy mà họ càng ngày càng bị lún sâu và tự nguyện trói buộc mình vào chính quyền Trung Quốc lúc nào không hay.
Bên cạnh đó, do phẩm chất, năng lực, trí tuệ cá nhân lẫn tập thể (thật ra làm gì có cái gọi là “trí tuệ tập thể” như họ luôn hô hào như một cách để kiểm soát tư tưởng cá nhân của người dân) của các lãnh đạo Việt Nam vốn chỉ quẩn quanh ở chủ nghĩa Mác – Lê trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc vốn đã “thoát Mác – Lê” từ rất lâu rồi (nhưng họ vẫn nham hiểm đầu độc và giăng bẫy lãnh đạo Việt Nam bằng chiêu bài “ý thức hệ cộng sản” qua phương châm “4 tốt” và “16 chữ vàng”); giới cầm quyền và lãnh đạo ở Việt Nam nói thẳng ra là chẳng có ai đạt tầm chính khách để hiểu và nhận ra thủ đoạn “binh bất yếm trá” trong vấn đề ngoại giao của giới cầm quyền Trung Quốc.
Chuyện về những hệ lụy và hậu quả của cái công hàm mà ông Phạm Văn Đồng đã ký trước đây với họ là một ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này. Hay một ví dụ khác rõ ràng hơn, hãy nhìn mấy trăm “ông bà Nghị” – đại biểu của Nhân dân – trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi cãi nhau (vẫn không xong) về chuyện liên quan đến ba mức tín nhiệm (“tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”) sẽ thấy phẩm chất trí tuệ, tư duy, năng lực và tầm nhìn của họ như thế nào. Trong hoàn cảnh lãnh hải nước nhà nước bị xâm lấn, đời sống nhân dân đang lầm than mà các vị “đại biểu của nhân dân” còn bình tĩnh ngồi tranh cãi về một chuyện rất tào lao và vớ vẩn thì cá nhân tôi cho rằng trên thế giới chỉ có đất nước này mới sản sinh ra những ông bà Nghị sử dụng tiền thuế của dân để làm trò hề, trò con nít như thế.  
***
Đến đây, có thể nói sở dĩ Việt Nam rơi vào thảm cảnh như hiện nay, tuy sự tác động và ảnh hưởng từ Trung Quốc là có, tuy Trung Quốc có can thiệp, có chi phối nhằm kìm hãm không để Việt Nam trỗi dậy, nhưng theo tôi về sâu xa đó không phải là nhân tố quyết định nhất. Cái quyết định nhất chính là cái vòng kim cô mang tên chủ nghĩa Mác – Lê (từ đây đẻ ra cái gọi là “ý thức hệ cộng sản” mà lãnh đạo chính quyền Việt Nam mê muội, không chịu từ bỏ nên đã bị Trung Quốc lợi dụng). Về chuyện này, dân gian đã khái quát rất hay qua câu thành ngữ có tính phản tỉnh là nếu “trâu không uống nước thì ai đè đầu trâu” cho được?
3. Thay lời kết
Có thể nói trong xu thế toàn cầu hóa, sự hưng thịnh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn sức vào phẩm chất, năng lực và trí tuệ của con người (nhất là phẩm chất, năng lực và trí tuệ của giới lãnh đạo). Thế nhưng đau đớn thay, phần lớn người Việt Nam mấy mươi năm qua bị học thuyết Mác – Lê làm cho đầu óc mê muội, chai lỳ, thành “ếch ngồi đáy giếng”. Hậu quả nhãn tiền mà ai cũng thấy là một nền giáo dục – cái “quốc sách hàng đầu” – đang rơi vào khủng hoảng, càng đổi mới càng rối rắm giống như trò hề; đất nước lâm vào cảnh khan hiếm, thui chột nhân tài, mất dần “nguyên khí”; từ đó đưa đến sự trì trệ lạc hậu trên tất cả mọi phương diện nên bị lệ thuộc vào Trung Quốc ngày một nặng nề hơn (vì là cách duy nhất nhằm duy trì sự thống trị tuyệt đối của Đảng).
Cho nên, theo tôi việc “thoát Trung” hiện nay là cần thiết nhưng muốn “thoát Trung” thành công trước tiên Việt Nam phải tự thoát ra khỏi cái vòng kim cô là học thuyết Mác – Lê. Đây đồng thời cũng là câu trả lời dứt khoát, rõ ràng và minh bạch trong quan hệ với Trung Quốc. Không những vậy, “thoát Mác – Lê” là cách tốt nhất để Việt Nam không bị giới cầm quyền Trung Quốc khống chế, lợi dụng bằng chiêu bài “ý thức hệ cộng sản” rồi mang ra thương lượng, mặc cả, đổi chác với Mỹ – đối thủ chính của họ hiện nay và trong tương lai.
Quan trọng hơn nữa “thoát Mác – Lê” là cách để bạn bè thế giới hiểu về một Việt Nam chân thành, cầu thị trong vấn đề thực thi quyền tự do, dân chủ và nhất là nhân quyền; cho thấy Việt Nam đã rõ ràng hơn trong lập trường “chọn bạn mà chơi Có như vậy họ mới hết lòng giúp đỡ Việt Nam đối phó với chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc đang bắt đầu trỗi dậy.
Tóm lại, chỉ có “thoát Mác – Lê” Việt Nam mới có cơ hội “hóa rồng” như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore hiện nay. Khi ấy mới không bị Trung Quốc xem thường, ức hiếp và xâm lấn.
———————–
Chú thích nguồn:
[1] Dương Tường, Tính dân tộc (in trong Chỉ tại con chích chòe). Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2010.  
[2] Daron Acemoglu và James A. Robinson, Tại sao các quốc gia thất bại? Nhà xuất bản Trẻ, 2013.
Q. H. N.
CT, 3/7/2014
Tác giả gửi Văn Việt.