Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Trong đêm vắng (từ tập Những mẩu chuyện Kolyma)

Varlam Shalamov

Phạm Ngọc dịch từ nguyên tác tiếng Nga “Колымские рассказы” Nxb FTM 2010.

Bữa tối vừa xong. Glebov chậm rãi liếm bát, tỉ mẩn vét những vụn bánh mì trên bàn vào lòng bàn tay trái rồi đưa lên miệng, thận trọng liếm sạch vụn bánh trong bàn tay. Không vội nuốt ngay, hắn cảm nhận nước miếng ứa ra đầy miệng và thèm khát quyện vào những mẩu bánh tí hon. Glebov chẳng thể nói là ngon hay không nữa. Ngon là cái quái gì chứ, quá vớ vẩn để đem ra so sánh với cái cảm giác khoái trá, quên cả đất trời do món ăn đem lại. Glebov không vội nuốt, cứ để yên mặc cho vụn bánh tan trong miệng, tan nhanh thôi mà.

Cặp mắt trũng sâu của Bagretsov sáng lên, nhìn chăm chăm vào miệng Glebov – chẳng gã nào có đủ nghị lực quay mặt đi để mắt khỏi dán vào miếng ăn đang từ từ biến mất trong miệng người khác. Glebov nuốt nước miếng, và lúc đó Bagretsov mới chịu đưa mắt ra phía chân trời nơi mặt trăng lớn màu cam đang nhú lên.

- Tới lúc rồi, – Bagretsov nói.

Họ im lặng đi dọc theo lối mòn dẫn tới vách đá và trèo lên một bậc thấp bao quanh núi đá; mặc dù mặt trời mới lặn, thế mà mấy tảng đá đã lạnh ngắt rồi, cái đám đá ban ngày nung nóng dẫy bàn chân trần qua lần dép cao su. Glebov cài nút áo bông. Đi như thế mà cũng chẳng ấm người lên được mấy.

- Còn xa không? – hắn thì thầm.

- Xa, – Bagretsov khẽ trả lời.

Họ ngồi xuống nghỉ. Chẳng có chuyện gì để nói, mà cũng chẳng có quái gì để nghĩ – mọi việc đều rõ ràng và đơn giản. Trên một bãi phẳng phía cuối bậc đá là những đống đá vung vãi lộn xộn, rêu đã tróc ra khô cứng.

- Tớ thừa sức làm một mình, – Bagretsov cười nhăn nhúm, – nhưng hai đứa thì vui hơn. Vả lại mình là chiến hữu mà…

Họ được chuyển đến đây vào năm ngoái trên cùng một chuyến tàu. Bagretsov dừng lại.

- Nằm xuống, kẻo tụi nó thấy.

Họ nằm xuống và bắt đầu liệng những hòn đá sang một bên. Chẳng có hòn nào quá to đến mức hai người phải nhỏm dậy xúm vào khiêng mới được, vì bọn chất đá sáng nay cũng chẳng khỏe gì hơn Glebov.

Bagretsov khẽ chửi thề. Hắn bị đứt tay chảy máu. Hắn đắp chút cát vào vết thương, rứt một miếng bông từ lớp lót áo khoác và rịt vào chỗ bị thương – máu vẫn rỉ ra.

- Máu loãng, khó đông, – Glebov thản nhiên nói.

- Cậu là bác sĩ à? – Bagretsov hỏi, miệng mút vết thương.

Glebov lặng thinh. Cái thời mà hắn còn là bác sĩ có vẻ như xa xôi lắm rồi. Mà có cái thời đó hay không nhỉ? Luôn cả cái thế giới ở phía bên kia núi, bên kia biển dường như cũng là một giấc mơ, là tưởng tượng. Chỉ những giờ phút này là có thực – một ngày bắt đầu từ lúc ngóc đầu dậy bởi tiếng kẻng báo thức rồi quần quật cho tới khi chẳng nghĩ ngợi gì được nữa, cũng chẳng còn sức đâu mà nghĩ. Ai cũng thế, ngày nào cũng thế.

Hắn không biết quá khứ của đám người xung quanh, và cũng chẳng quan tâm. Nói chung, nếu như ngày mai đây tay Bagretsov này có tuyên bố hắn là tiến sĩ triết học hay tư lệnh không quân gì gì nữa, thì Glebov cũng tin ngay, chả nghĩ ngợi gì. Mà hắn có từng là bác sĩ không nhỉ? Hắn không chỉ mất cái thói quen suy xét sự vật mà còn mất luôn thói quen quan sát sự vật nữa. Glebov nhìn Bagretsov mút máu ở đầu ngón tay bẩn thỉu nhưng không nói gì. Mọi thứ cứ lướt qua trong nhận thức, mà hắn không cách nào tìm được lời giải đáp và cũng chẳng buồn tìm làm gì. Cái ý thức còn sót lại trong hắn – có lẽ không còn là ý thức của con người – vô cùng phiến diện và giờ đây chỉ còn nhắm vào một mục đích duy nhất là làm sao moi những hòn đá này ra càng nhanh càng tốt.

- Có sâu không? – Glebov hỏi khi họ tạm nghỉ tay.

- Sâu thế quái nào được? – Bagretsov trả lời. Và Glebov nhận thấy câu hỏi của hắn thật là vớ vẩn, cái hố này tất nhiên chẳng thể nào sâu được.

- Đây rồi! – Bagretsov nói.

Hắn chạm vào một ngón chân người. Ngón chân cái thòi ra dưới những hòn đá, trông rõ mồn một dưới ánh trăng. Cái ngón chân khác hẳn ngón chân của Glebov và Bagretsov, không phải vì nó lạnh cứng và hết sinh khí, về khoản này giữa bọn tù sống và bọn tù chết cũng chẳng khác nhau là bao. Có chăng là móng chân của xác chết được cắt gọn ghẽ, còn ngón chân thì đầy đặn và mềm mại hơn của Glebov. Họ vội vã vứt những hòn đá còn chất trên thây người sang một bên.

- Tên này còn trẻ lắm, – Bagretsov nói. Cả hai khó nhọc nắm chân xác chết lôi ra khỏi huyệt.

- To con quá, – Glebov vừa nói vừa thở hổn hển.

- Nếu không to khỏe như thế, – Bagretsov nói – tụi nó đã chôn gã giống như chôn tụi mình rồi, thì hôm nay mình còn phải mò ra đây làm khỉ gì.

Họ duỗi thẳng tay xác chết ra rồi lột cái áo.

- Này, cái quần đùi gần như mới cứng! – Bagretsov nói, vẻ mãn nguyện.

Họ lột luôn quần đùi. Glebov dấu chiếc quần lót vo tròn dưới lần áo bông.

- Cậu mặc vào người thì hơn, – Bagretsov bảo.

- Không, tớ không thích, – Glebov lầm bầm.

Họ đặt xác chết trở lại huyệt rồi lấp đá lên trên.

Vầng trăng mới mọc hắt cái ánh xanh xanh lên những hòn đá, lên khu rừng thưa, khiến từng bậc đá, từng ngọn cây có vẻ gì là lạ, không như lúc ban ngày. Mọi vật vẫn thật như trước, nhưng không như lúc ban ngày. Dường như không gian đang khoác một bộ mặt thứ hai, bộ mặt của đêm.

Cái quần lót của người chết ấm lên trong lần áo khoác của Glebov, không còn cảm giác lạ lẫm nữa.

- Giờ mà có tí khói nhỉ! – Glebov nói, vẻ mơ màng.

- Mai hút cũng chưa muộn.

Bagretsov mỉm cười. Ngày mai họ sẽ bán cái quần lót đi, đổi lấy ít bánh mì, có khi kiếm được chút thuốc lá nữa cũng nên…

1954