Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Năm của Thỏ

Tự truyện của Teresa Mỹ Chúc

(T.H.Q. dịch, Nguồn: Bigbridge.org)

Nhà thơ trẻ Teresa Mei Chuc (tên Việt là Chúc Mỹ Tuệ) sinh năm 1976 ở Sài Gòn, sau đó theo mẹ sang Mỹ định cư. Teresa viết truyện về chiến tranh, về gia đình, về bản thân. Ngoài ra, Teresa cũng tìm thấy mình trong thơ. Cô đã được đề cử giải thưởng Pushcart trong tập thơ đầu tay Red Thread (Sợi chỉ đỏ). Thơ Teresa trĩu nặng tình cảm về xứ sở, là nỗi lòng của người tha phương nhớ về đất mẹ.

Nhà thơ Teresa là thạc sĩ nghệ thuật và văn học sáng tạo, là giáo sư văn học ở Los Angeles- Hoa Kỳ.

MỘT THAI NHI

Năm 1975, năm của Thỏ, ở Sài Gòn- Việt Nam. Tôi đang là một thai nhi, kích thước chỉ bằng nửa tờ đô-la trong tử cung của mẹ. Bơi trong nước ối, chân tay dài thêm ra trong cái bụng đầy nước ấy khi trái tim tôi đập những nhịp đập đầu tiên.

Vài tháng sau đó, cái thai nhi đã to thêm và người mẹ đi phải ưỡn ra để lấy thăng bằng. Cuộc chiến tranh đã kết thúc, người Mỹ đã rút lui, và một cuộc chiến khác cũng đã bắt đầu. Mẹ tôi mệt nhọc dưới ánh nắng chói chang và cố không để ý đến những người lính tuần tra trên phố. Máy bay trực thăng quân sự quần đảo trên bầu trời. Mẹ tôi dắt theo anh trai hai tuổi của tôi đi tìm ba tôi và tự hỏi: “Anh ấy bị gọi ra trình diện với chính quyền mới trong mười ngày, nhưng bây giờ anh ấy ở đâu? Còn sống hay đã chết?”.

Năm sau, tôi mới được sinh ra. Mẹ tôi thực sự chỉ được nghỉ đẻ vài tháng, nuôi tôi bằng bầu sữa ít ỏi của mình, đôi lúc tôi ngủ thiếp đi trong khi những giọt sữa ấm vẫn chảy qua miệng mình. Rồi mẹ phải dậy sớm đi làm sữa đậu nành bán ở hè phố trước cổng bệnh viện, trong khi bà ngoại ở nhà trông anh trai tôi và tôi. Bà địu tôi trên lưng bằng một cái bao vải và tôi nảy lên nảy xuống theo bước chân bà.

Một cô bạn nói với mẹ tôi: “Sao cô không bán con bé đi. Cô lấy gì mà nuôi nó?”. Anh trai tôi, chưa hiểu đó là một câu đùa ác, liền kêu: “Không, cháu không cho bán em gái cháu. Nhìn kìa, còn có rất nhiều gián để chúng cháu ăn”.

Căn phòng tối được chiếu sáng bằng thứ ánh sáng xanh dịu, tôi đã được một tuổi, tôi ngồi chơi trên sàn nhà. Gián chạy đua với chuột dọc tường nhà. Tôi khám phá thế giới bằng giác quan của tôi. Tôi bóp nát bét một con gián, ruột nó phều ra và chảy xuống các ngón tay tôi. Anh trai tôi vào phòng và kêu “eo ôi… eo ôi…” trong sự ghê tởm.

Đó là một thế giới tuổi thơ thú vị.

TRẠI CẢI TẠO HOÀNG LIÊN SƠN

Ba tôi vốn là đại úy trong Quân pháp của Việt Nam Cộng Hòa. Những người Cộng sản muốn “tái giáo dục” ông. Vào ngày 5 tháng 6 năm 1975, ba tôi đi trình diện chính quyền mới. Mẹ mất hẳn tin tức từ ngày đó, cho đến một năm sau mẹ mới dò hỏi được nơi mà họ đưa ba đến. Nếu ba làm việc chăm chỉ thì một hoặc hai năm, người ta cho ba nhận thư nhà nhưng trước khi đưa thư cho tù nhân họ đã đọc trước, xem có chỉ trích gì chính quyền mới trong đó không.

Ba tôi và khoảng hơn một ngàn tù nhân khác làm việc trong một khu rừng ở Bắc Việt Nam. Họ tự đi chặt tre trong rừng về làm lán trại để ở. Bọn họ đều nằm chung trong cái sạp dát bằng tre rất dài, sát cạnh nhau. Họ làm việc suốt bảy ngày trong tuần. Giày dép không đủ, họ phải đi chân trần vào rừng, dù trời lạnh, gai và đá làm cho chân họ sưng tấy. Do tre ngày một hiếm, họ phải luồn rừng đi xa hàng tiếng đồng hồ mới tìm chặt được tre nhưng khi về, phải vác một cây tre dài trong rừng là chuyện không dễ dàng gì.

Họ thường không được nghỉ ngơi. Ba tôi cũng như các tù nhân khác, đều phải ăn đói. Họ được ăn hai bữa một ngày, vào buổi trưa và buổi tối. Mỗi bữa ăn có khoảng năm mươi hạt ngô và một ít rau rừng. Ba tôi bảo với mọi người, hãy nhón từng hạt đặt trên đầu lưỡi mà thưởng thức.

Các tù nhân luôn luôn đói, luôn luôn suy nghĩ về cái ăn, tuy nhiên khi ăn xong còn cảm thấy đói hơn. Trong mơ cũng chỉ mơ về ăn, nhiều người ngủ mồm nhai tóp tép. Một lần, ba tôi bị rơi xuống hẻm núi, may không chết, chỉ bị sưng chân. Ông phải buộc lá chanh nóng và muối trong một tuần mới đi lại được.

Nếu tù nhân nào vi phạm qui định của trại, họ bị phạt làm việc nhiều giờ hơn, hoặc bị bỏ đói, tra tấn, cách ly hoặc bị xét xử tử hình, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Các ông phụ trách trại nói với ba tôi và các tù nhân khác: “Chúng tôi không cần một viên đạn để giết các anh, vì các anh không có giá trị bằng một viên đạn. Chúng tôi sẽ cho các anh sống như thế này để chết dần từng ngày. Các anh phải làm việc rồi mới được chết”.

Ba tôi không dám nghĩ về vợ con. Nếu ông nghĩ, ông không thể sống sót. Ông sẽ bị tuyệt vọng. Ông những muốn hoặc giết những người giam giữ ông hoặc tự tử. Ông nhủ lòng: “Không cảm xúc, không nghĩ ngợi, chỉ cần tồn tại”.

Vài tháng một lần, các tù nhân được nhận một thứ lá để hút thuốc.

Khi một ai đó bị đưa vào trại cải tạo này, không cần tuyên án hay buộc tội gì hết, bạn cứ ở đấy trọn đời. Bạn chỉ được thả ra khi họ muốn.

THUYỀN NHÂN

Ngày 21 tháng 10 năm 1978. Hoa kiều bị phân biệt đối xử. Mỹ cho tỵ nạn những người đã làm việc trong các công ty Mỹ và cuộc sống bị đe dọa. Mẹ tôi phù hợp với cả hai loại: bà từng làm việc cho một công ty Mỹ và bà cũng là một Hoa kiều. Bà gói ghém quần áo của cả nhà và chúng tôi lên một con tàu vận tải hàng hóa có ba tầng với hơn hai ngàn năm trăm người khác, chạy trốn khỏi đất nước. Cha mẹ nuôi của mẹ tôi bị mắc kẹt lại Sài Gòn vì không có giấy tờ gì chứng minh quan hệ giữa họ với mẹ tôi.

Trong ba tháng rưỡi trời, chúng tôi sống chen chúc trong con thuyền đó, hằng ngày ăn thực phẩm do thuyền cấp. Nhiều người ngã bệnh và có nhiều người chết. Nếu có ai chết, người ta khâm liệm họ trong tấm chăn rồi ném xuống biển, trong khi những người khác cầu kinh và niệm Nam mô A di đà Phật.

Người tôi phát ra nhiều mụn nhọt và liên tục bị bệnh và ho. Mẹ tôi nước mắt ràn rụa khi nghĩ về tương lai hai đứa con. Bà chỉ muốn nhảy xuống biển mà chết.

Hầm tàu rất bẩn, sàn ngủ nhớp nháp. Mẹ tôi tắm cho hai anh em tôi bằng cách lấy khăn nhúng nước biển rồi lau người.

Chúng tôi đến Singapore, Singapore không muốn cho quá cảnh. Indonesia cũng vậy. Họ chỉ cho chúng tôi thực phẩm, sau đó chúng tôi phải ra đi. Rồi thuyền chúng tôi đến Malaysia. Hội Chữ thập đỏ ở đó đã cho chúng tôi đồ ăn và được lưu lại trong cảng của họ một thời gian. Bọ chét rất nhiều, chúng tôi dùng bình xịt tóc để xịt bọ chét. Trong khi chờ hóa chất để diệt bọ chét, mọi người phải lấy khăn trùm kín đầu. Cuối cùng Malaysia đã cho chúng tôi nhập cảnh để bay sang Mỹ.

Ngày 10 tháng hai năm 1979, ba mẹ con tôi đến Los Angeles, California.

NHỮNG BỨC ẢNH CỦA TUỔI THƠ

Khi tôi lên ba, tôi vẫn mút tay và uống nước bằng bình sữa. Mẹ đã ăn chay và tụng kinh, niệm Phật hằng ngày để cầu mong Đức Phật phù hộ cho ba sớm được đoàn tụ với các con.

Ngày còn ở Sài Gòn, mẹ đã từng làm việc như một nhà điều hành điện thoại trong một công ty thương mại Mỹ độ hơn mười năm, vì thế mẹ cũng biết chút ít tiếng Anh. Mẹ bỏ ra tám tháng học nhập dữ liệu và đã có một chỗ làm tại Ngân hàng Mỹ. Bà phải làm ca đêm trong một năm, tôi đã khóc rất lâu mỗi khi thức giấc không thấy mẹ bên cạnh.

Tôi đi trường Mẫu giáo vẫn mút ngón tay cho đến khi chú bôi ớt vào tay tôi mới thôi. Ba mẹ con lúc đầu ở chung với chú, dì và bốn đứa con trai của họ trong một ngôi nhà sơn màu vàng nhạt trên đại lộ Allen khu Pasadena. Khi họ chuyển đến Missouri thì chúng tôi cũng thuê một căn hộ khác trên Parkwood. Ít lâu sau, chúng tôi lại chuyển đên một căn nhà nhỏ hơn ở đại lộ Oak. Căn nhà được chia đôi cho hai gia đình ở. Hàng xóm nhà tôi là ông Joe, nhà ông có hai con mèo rất đẹp.

Tại ngôi nhà đó, tôi đã gặp tình yêu đầu đời của mình– vườn cây.

Cuộc sống của tôi không có gì khác ngoài cỏ, hoa trái, côn trùng, cây cối. Tôi có thể ăn chuối cả ngày và leo cây. Cây bơ và cây mận thay nhau ra hoa, các cành của nó vươn thẳng lên trời. Tôi sẽ chọn một quả mận chín đỏ, cắn ngập cả răng để cho nước quả mận tuôn vào miệng. Tôi yêu những cái cây, yêu vết răng của tôi chìm sâu vào màu đỏ quả chín.

Mặt cỏ dày thật là tuyệt vời cho Flip và anh trai tôi nhào lộn và vật nhau. Bầu trời của tôi màu xanh lá cây và những con bướm mà tôi đang đuổi theo. Tôi đi quanh vườn và tìm kiếm, nhìn dưới đám lá, trong các vết nứt chân tường, dưới gầm bàn, trong góc tủ, bất cứ nơi nào tôi có thể tìm thấy một con nhện và bỏ nó vào cái lọ, cái lọ ấy đã có đến mười con nhện.

Anh trai tôi và tôi sẽ làm một cái nhà dưới tán cây bơ, đào một cái rãnh xung quanh nó, đổ nước vào cho chảy thành con kênh.

Tôi rất thích chuối. Khi tôi chín tuổi, tôi nghe nói rằng papa đang đến. Ba tôi cuối cùng cũng được trở về nhà.Tôi luôn mong có một người cha, những đứa bạn đều có, tôi thì không. Tôi đang tự nghĩ, tôi sẽ cho ông cái gì? Cái gì đó thực sự đặc biệt? Tôi quyết định mang cho ông quả chuối.

Mấy mẹ con đã sẵn sàng, mẹ lái xe đưa cả nhà đến sân bay Datsun. Tôi đang ngồi trong xe, tay vẫn cầm quả chuối vàng ươm. Tôi cảm thấy có điều gì đó thay đổi, tôi bất an thấy mình sẽ không còn được như cũ nữa. Một người nào đó sẽ đến sống cùng gia đình chúng tôi. Tôi nghĩ về những gì tôi đã từng mong mỏi quá lâu, giống như cha mẹ bạn tôi ở trường. Những người ấy với khuôn mặt rạng ngời khi nhìn thấy con cái họ tan trường, họ ôm chầm lấy nhau, cười cười nói nói. Ba tôi liệu có bổ nhào đến ôm ghì lấy cô con gái nhỏ bé của mình không?

Chúng tôi chờ đợi khá lâu và ba tôi đã xuất hiện. Nhìn thấy ông, tôi bật khóc vì sợ, khóc mãi không nín được. Tôi thấy ba tôi lần đầu tiên và tôi sợ rằng ông muốn được sống cùng chúng tôi. Ông giống như một con mèo Ai cập: gầy đói, nhớn nhác và nghiêm khắc. Ông lạnh lùng thật khó hiểu. Ông không mỉm cười, không chạy bổ đến xiết chặt tôi trong vòng tay của ông. Ông như người xa lạ ở đâu đến sống với chúng tôi. Tôi giữ lại quả chuối và không ngừng khóc trên đường về nhà. Mama nói: “Nhìn kìa, con gái anh vui quá khi gặp anh, nó cứ khóc mãi”. Tôi ăn quả chuối.

BỮA ĂN TỐI ĐẦU TIÊN VỚI BA TÔI

Bữa ăn tối đầu tiên của tôi với ba tôi sau khi đón ba từ sân bay về. Bà nội, mẹ, anh trai đã ở đó. Chúng tôi quây quần ăn bữa cơm đoàn viên đầu tiên sau chín năm phân ly. Bữa cơm có rau xào, các món thịt, bữa cơm đặc trưng của phương Đông. Tất cả mọi người đều cầm đũa. Anh trai và tôi phải mời những người bề trên trước khi ăn. Mọi người phải chờ cho bà nội ăn trước mới được ăn. Ai nấy cầm lấy đũa, tôi cũng cầm một đôi và lập tức ba hét vào mặt tôi. Tôi đã sợ đến phát run lên và tôi bị nhầm lẫn.

Ông bảo tôi từ nay không được cầm đũa tay trái nữa, nếu không ông sẽ trừng phạt tôi. Tôi như một đứa bé hư vì tôi đã sử dụng tay trái. Ông nói rằng ông sẽ không yêu tôi nữa nếu tôi cứ làm như vậy. Sự giận dữ của ông làm tôi tê liệt, từ trước tới nay không có ai quát vào mặt tôi như vậy. Tôi bắt dầu khóc, tôi không biết làm thế nào để cầm được đũa bằng tay phải vì chưa bao giờ cầm cái gì bằng tay phải cả. Mẹ tôi cũng không bao giờ bảo tôi phải cầm đũa hay bút bằng tay phải. Tuy nhiên, tôi cũng gắng hết sức để tập làm như ông bảo vì tôi nghĩ nếu không ông ấy sẽ đánh tôi hoặc giết tôi mất. Tôi nghĩ cuộc sống của tôi từ nay sẽ rất khác. Tôi ước gì ba tôi đừng bao giờ sang đây.

MỘT CÁI GÌ MẮC KẸT TRONG TRÍ NHỚ

Từ khi ba tôi trở về, cuộc sống của tôi trở nên căng thẳng. Tôi sợ hãi chết khiếp. Tôi biết mình sẽ bị trừng phạt bất kỳ lúc nào nếu như lỡ có làm điều gì sai trái. Ông luôn la mắng tôi chỉ vì một cái gì đó rất nhỏ nhặt. Chẳng hạn, nếu như tôi không đặt chai nước sốt về đúng vị trí lúc đầu, hoặc buổi sáng, hoặc buổi tối, tôi có lỡ quên chào… là ông đã quát và trừng phạt tôi ngay. Tôi đã bị biến thành một đứa trẻ hoang tưởng. Dù sao, tôi cũng phải quyết tập cho được cầm bút tay phải. Nhưng tập viết tay phải bây giờ rất khó khăn và tôi cũng đã nghĩ rằng tôi không làm điều gì sai trái cả. Tuy nhiên, trong bữa ăn, tôi vẫn phải cầm đũa bằng tay phải. Khi học, tôi ngồi sau cánh cửa và đổi tay thật nhanh khi ông sắp vào phòng. Thế mà khi ông đến gần, tôi như chết lặng vì sợ hãi rồi vội vàng chuồn ra ngoài. Vì sợ và ghét, tôi không bao giờ nói chuyện với ba tôi. Ông hỏi gì tôi trả lời bằng những câu ít từ nhất, nhưng dường như tôi vẫn rất thất vọng về ba tôi.

Ba tôi nhức nhối ghen tị vì tình yêu mẹ tôi giành cho tôi. Tôi rất lạ vì sao ba tôi không hiểu. Ba nguyền rủa mẹ như mẹ chỉ của một mình tôi, như thể chúng tôi âm mưu chống lại ông. Vì thế, mẹ không nỡ giận ba và đã không ở lại một mình với tôi nữa. Tôi đã mất mẹ tôi.

Một ngày nắng chói chang, mẹ đang làm vườn và ba nấu các món ăn trong bếp. Ba bảo tôi vào giúp ba, tôi đành đi vào rửa mấy cái chén cho ông. Rồi tôi ra vườn giúp mẹ.

Nhưng như vậy hình như ba không hài lòng và ông đã giận tôi. Ông bắt đầu quát ầm ầm, tôi chạy ngay về phòng đóng cửa lại. Ba tôi đập cửa bắt mở ra. Tôi sợ cứng người, không dám mở. Tôi nghe tiếng choang, ba tôi lấy rìu đập vở toác cửa phòng tôi. Ông la lớn là ông sẽ giết chết tôi. Tôi chỉ có biết hét lên và khóc. Mẹ tôi lao đến che chắn cho tôi và bà cũng hét lên và khóc. Ngôi nhà ầm ỹ tiếng la hét và tiếng khóc. Những người làm vườn vẫn lặng lẽ bên khu vườn. Mẹ nói với ba khi cái rìu giơ cao trên đầu ba rằng, “Ông sẽ phải giết tôi trước…”. Ông đã phải buông xuôi nhưng để hả giận, ông lấy rìu phá hết tất cả các cái khóa trong nhà rồi nằm lăn ra sàn nhà.

MỘT CON DAO

Tôi đang ngồi làm bài tập trong nhà phía sau chậu cây. Ba ở phòng bên cạnh, trong nhà bếp. Ông bận rộn nấu ăn, tôi có thể nghe thấy tiếng đĩa bát lanh canh và mùi thức ăn thơm phức bay vào phòng. Chợt một con dao bay qua mặt tôi, phía bên trái, chỉ xịch một inch nữa là trúng vào mặt tôi. Đó la con dao của ba tôi vì ông thấy tôi cầm bút tay trái và ông phẫn nộ về điều đó. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông. Ông có thể đã giết chết tôi. Sợ hãi và giận dữ đã trở thành một sự thật bất biến. Tôi sống với ba tôi, nhưng giả vờ như ông không tồn tại. Nếu không, tôi có thể không còn tồn tại.

“CHOL HOUNG HAY”

Tôi còn đang học tiểu học. Ba tôi có hứa sẽ đưa tôi đến một số cuộc liên hoan họp hành ở trường. Hôm ấy, khi ở trong xe, tôi nhắc ông là ba đã hứa sẽ đưa con đến trường vào tối nay đấy.

Ông liền bảo: “À, không được, ba không thể đi được”.

Tôi hỏi với giọng nài nỉ: “Nhưng tại sao?”.

“Ba chỉ không muốn đưa con đi thôi”. Ba trả lời.

Tôi thất vọng vì ông đã không giữ lời hứa của mình và vì tôi đang háo hức để đi. Khi về nhà, tôi đã đẩy cánh cửa gara một cách khó nhọc hơn bình thường, điều đó làm cho ba nổi giận. Vì thế, tôi đã phải chịu hình phạt “Chol houng hay” nghĩa là ngồi trong không khí, hoặc còn được gọi là tư thế cưỡi ngựa (một loại hình phạt của Trung quốc). Lưng tôi phải thẳng, không được dựa vào bất cứ vật gì, tay giơ ngang và đùi, tay phải song song với sàn nhà. Tôi phải ngồi như thế, như ngồi trên một cái ghế nhưng không có ghế. Phải ngồi như thế năm phút nhưng tôi không thể chịu đựng được năm phút, đùi tôi như bị bóp chặt và tôi cảm thấy ngôi nhà sắp sập xuống đầu mình. Ông còn đặt một cái gậy lên đùi tôi, bảo nếu gậy rơi xuống đất ba sẽ đánh. Trong nhà không ai có thể ngăn ông, không ai dám ngăn.

Tôi đã khóc thê thảm và ba tôi nói rằng nếu tôi cứ khóc nữa ông sẽ đánh. Tôi cảm thấy như mình sắp chết, run lẩy bẩy, mồ hôi vã ra và chỉ có khóc. Trái tim như vỡ ra. Trong hai giờ, ba tôi bắt tôi ngồi như thế với cái gậy đặt trên đùi. Cuối cùng, mẹ tôi cũng năn nỉ được ba tha cho tôi. Ông cho tôi đi. Tôi vào phòng tắm và không kìm được, tôi lại òa khóc và nức nở mãi. Ba tôi nghe tôi khóc lại quát nín ngay không. Nhưng tôi không thể ngừng khóc được, không thể nín ngay được. Thế là ba tôi bắt tôi quay trở lại chịu phạt tiếp. Và tôi đã phải trở ra để chịu tiếp “chol houng hay” lần nữa.

Đó là một trong những ngày tồi tệ nhất của cuộc đời tôi.

KIẾN

Sắp tới mùa đông, những đàn kiến sẽ đi vào nhà và đi thành hàng dọc theo bồn tắm. Trước khi mở vòi nước, tôi nhặt từng con, từng con kiến ra khỏi bồn tắm. Bắt từng con kiến không nhanh được, cũng phải mất hơn nửa giờ. Một lần trong khi làm như vậy, tôi lỡ làm ướt một con. May nó còn sống, chỉ co quắp lại, tôi vuốt nhẹ nó thẳng ra rồi để nó đi. Nhưng rất nhiều con khác bị mắc kẹt trong vũng nước và bị chết đuối.

VẸT ĐUÔI DÀI

Mẹ mua cho hai anh em tôi một đôi vẹt đuôi dài. Một con màu vàng như nắng, con khác màu xanh da trời. Tôi quá thích thú, chúng tôi cho chúng vào trong một cái lồng và treo lên cành cây chanh. Tôi bị mắc kẹt ngón tay giữa nan lồng khi vuốt đuôi con vẹt. Tôi đặt một cốc nước nhỏ và một chén thức ăn cho chúng.

Hai ngày sau, tôi từ trường trở về nhà thấy lồng chim trống không. Tôi bật khóc, ôi vẹt đuôi dài xinh đẹp của tôi đã biến mất. Bà nội nói rằng mẹ cháu đã phóng sinh chúng, những sinh vật không nên bị nhốt trong lồng. Hôm sau tôi thấy một chú vẹt đuôi dài nhảy nhót trong cây chanh, làm rung những cành lá. Tôi đã hiểu…

BÀ NỘI

Ngôi nhà luôn luôn đầy mùi hương, đến nỗi làm bức tường xỉn màu vì khói hương. Bà nội đã lập một điện thờ trong nhà, trên cao là bức tượng Đức Phật và thấp hơn là hình ành của tổ tiên. Tôi thức dậy vào buổi sáng thường nghe bà tụng kinh Phật, khói hương thấm qua khe cửa vào phòng tôi. Cứ sau mỗi đoạn kinh, bà thỉnh một tiếng chuông. Đây là một nghi lễ khi bà tụng kinh: bà lấy chiếu trải ra trên sàn nhà, trước bàn thờ. Bà mặc áo dài màu nâu sòng, cổ đeo tràng hạt và bà vừa lần tràng hạt vừa thắp một tuần hương cắm vào các bát hương. Mọi người không ai được quấy rầy bà cho đến khi bà tụng xong bản kinh. Bà nội tôi thiền định mỗi ngày ba lần, một buổi sáng, một buổi chiều và một trước khi đi ngủ.

MÀU ĐỎ

Ba tôi từ chối bất kỳ thứ gì là màu đỏ. Ông nói rằng may cho xe của mẹ không phải màu đỏ, chứ nếu không, ông sẽ đi sơn lại. Ba tôi nói rằng, ông ghét màu đỏ vì theo ông đó là màu sắc của chủ nghĩa Cộng sản.

GÀ CON

Khi tôi lên bảy… Một ngày trời nắng và nóng, tôi vội vã đi học còn về để được chơi với đám gà con mà mẹ tôi vừa mua. Chúng như những quả bóng bé tý lông tơ mượt và vàng óng. Đôi ba con lông vàng như quả chuối chín. Đôi con khác lại vàng như màu xe của mẹ tôi. Còn số nữa như cái màu áo len cũ. Tôi thả chúng chạy quanh cây chuối và những khóm hoa. Tôi đỡ một con trên lòng bàn tay, cảm giác mềm mại và nhẹ nhàng. Một buổi tôi đi học về, mở cửa nhà kho. Bầy gà được nhốt trong hộp giấy. Tôi mở hộp thấy đàn kiến chạy tung tóe, ba bốn con gà con bị lũ kiến cắn đã chết. Những con khác cố chạy loanh quanh nhưng vẫn bị lũ kiến ăn sống. Chúng bu vào mắt, đốt. Con gà con vẫn mở mắt tròn xoe, nó bước được vài bước rồi gục ngã, máu rỉ ra khắp cơ thể nó. Chẳng có nơi nào để chạy, không có gì để bảo vệ, nó bị lũ kiến ăn sống. Tôi hét lên và hét lên. Tôi tìm được một con bị thương nhẹ, bắt nó ra mong cứu sống nó. Nó là con duy nhất được sống sót.

NHỎ GIỌT

Tôi khoảng mười một tuổi. Tôi chỉ có một mình ở nhà với ba tôi. Tôi rất sợ hãi thời điểm này. Tôi mong làm cái gì đó không mắc lỗi để khỏi phải bị mắng. Lúc ấy tôi lặng lẽ ngồi ở bàn ăn làm bài tập về nhà. Chợt ba hỏi:

-Con có nghe thấy gì không?

Tôi bắt đầu co rúm lại. “Nghe gì ạ?”, tôi hỏi.

-Con không nghe thấy gì à?

Tôi cố hết sức lắng tai xem nó là gì.

-Không, xin lỗi, không nghe thấy gì ạ.

-Vòi nước đang nhỏ giọt. Tại sao con không nghe để mà vặn nó lại.

-Tại con không nghe gì cả thôi ạ, tôi nói.

Nhưng ông đã ra lệnh trừng phạt tôi, tôi lại phải “chol houng hay”.

XÔ-PHA CỦA BÀ

Có một cái xô-pha được thừa nhận là giành riêng cho bà. Nhà có hai cái thì giành cho bà một. Bà ngồi đó khi nhấm nháp tách trà sáng của bà hoặc khi bà ngồi đó, cẩn thận chải mái tóc dài và trắng bạch của bà, rồi búi nó thành búi to tròn, cặp chặt gọn gàng đằng sau gáy. Bà búi tóc cũng rất công phu, cuộn từng vòng một, cuối cùng là đuôi tóc chỉ bằng ngóc tay, bà vừa soi gương, vừa một tay giữ búi tóc, một tay lấy cái cặp đã cắn sẵn ở miệng cặp chặt búi tóc lại.

CHUYẾN TRỞ LẠI SÀI GÒN

Mùa hè năm 1995, tôi trở về Việt Nam. Tôi thực sự muốn đi thăm bà ngoại tôi, Por-por. Dạo đó, tôi đang giảng dạy tiếng Anh ở Pusan- Hàn quốc và đây là cơ hội hoàn hảo để tôi đi đây đi đó. Tôi liền trở về Việt Nam. Hoàn cảnh Việt Nam đang còn nhiều hỗn loạn và tham nhũng. Vì vậy mà ba má tôi rất lo lắng khi nghĩ tôi sẽ trở về đó nhưng tôi đã có chủ ý của tôi và đừng ai ngăn cản nổi.

Khi ba mẹ con tôi rời Việt Nam là năm 1978, ông bà ngoại (cha mẹ nuôi của mẹ tôi) đã bị mắc kẹt. Những năm sau đó, mẹ giành dụm được ít tiền gửi cho ông bà ngoại để họ có thể xây lại nhà ở cho thoải mái hơn. Nhưng số tiền ấy cậu con trai của ông bà nướng sạch vào chiếu bạc. Cậu còn viết thư tống tiền gửi cho mẹ tôi, bảo nếu bà không gửi tiền cho anh ta, anh ta sẽ đưa ba mẹ vào rừng và chặt chân. Nghe nói ông ngoại bị anh ta dọa thế đã lên cơn đau tim mà chết.

Về Sài Gòn, tôi ở lại nhà người họ hàng xa. Tôi đã mạnh mẽ hơn về tinh thần để trở về Việt Nam, mọi cảm xúc trào dâng. Trong thành phố đi lại chủ yếu là xe máy. Và tôi cũng đi xe máy với mấy người anh họ. Không khí đầy bụi và khí thải. Ra ngoài đường, tôi đội mũ bảo hiểm có tấm mi ca che trước mặt, nhìn những áng mây trắng vần vũ trên bầu trời và ngửi mùi khí thải trong gió.

Căn nhà mỏng mảnh tưởng như một trận gió mạnh cũng có thể thổi bay nó. Những tấm vải che phủ các bức tường được mở ra. Người ta bán thực phẩm và các đồ lặt vặt ngay trên vỉa hè. Tiếng người và tiếng xe inh tai nhức óc. Hai đứa trẻ khoảng bảy tuổi chạy đến ôm lấy tôi, chìa cái bát ra xin tiền. Người dân đang lo lắng rằng chính phủ sẽ buộc họ rời bỏ nhà cửa để về nông thôn. Lá cờ đảng và cờ tổ quốc vẫn còn tung bay bên cạnh nhau, như anh em.

Bà ngoại không biết tôi đến. Chúng tôi không thể nói với bà vì ngại người con trai của bà. Người bà con đưa tôi đến nơi bà ở. Phía ngoài ngõ, có một người đàn ông đứng như đang gác cổng. Tôi đi vào trong nơi bà ở, gọi bà và nói với bà tôi là ai, cháu là A Wai rồi ôm chặt bà. Tôi nhớ mẹ nói với tôi rằng chân của bà yếu lắm, không đứng lên được. Bà không được chăm sóc, cáu bẩn, quần áo bừa bộn, một cái giường nhỏ, và chỉ còn đủ chỗ cho tôi len vào. Bà lấy ra một số ảnh của tôi từng năm mà mẹ tôi gửi về cho bà. Bà cháu ôm chầm lấy nhau một lúc lâu, cả hai không cầm được nước mắt.

Cuối cùng, sau mười bảy năm, bà cháu còn có thể gặp lại nhau. Tôi rời Việt Nam hạnh phúc hơn và cũng buồn hơn.

VẾT SẸO

Mẹ đã cho tôi xem những vết sẹo trên tay mẹ. Những vết sẹo ấy là kết quả của những trận đòn của cha mẹ nuôi đánh bà bằng cách treo bà lên xà nhà rồi đánh khi bà không vâng lời. Những vết sẹo chồng lên nhau, giống như vết sẹo trên ngón tay trái của tôi khi tôi nắm lấy cái bình thủy tinh làm nó vỡ trong tay.

Mẹ bị sốc khi tôi phàn nàn với mẹ thời thơ ấu của tôi. Bà yêu những vết sẹo của mình, bà nói rằng chúng được tạo ra bởi tình yêu thương. Bà lý giải rằng cha mẹ ruột của bà đã bỏ rơi bà thì cha mẹ nuôi ít nhất cũng đã nuôi bà lớn lên.

Sự thay đổi có ý nghĩa tốt đẹp như thế nào khi ta đặt hoàn cảnh này bên cạnh hoàn cảnh khác. Tuổi thơ của tôi: Nỗi kinh hoàng với số người này nhưng lại phước lành với số người khác. Cuộc đời của một ai đó: có thể là nỗi kinh hoàng với số người này và có thể là phước lành với số người khác.

CÂU CHUYỆN TRƯỚC KHI ĐI NGỦ

Mẹ thường kể cho anh em tôi một câu chuyện cổ để cho mau ngủ. Mẹ kể rằng…

Ngày xửa ngày xưa… Nhà có hai đứa trẻ, cậu anh trai và cô em gái, sống với mẹ ở trong rừng. Một hôm, khi hai anh em đi vào rừng chơi thì có một mụ phù thủy lẻn vào nhà và ăn thịt người mẹ. Đến tối, hai anh em trở về nhà, gõ cửa và gọi: “Mẹ ơi, mở cửa cho các con”. Mụ phù thủy liền thổi tắt các ngọn nến rồi mở cửa. Hai đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, sao nhà tối om vậy? Mẹ không thắp nến lên”.

Mụ phù thủy nói: Mắt mẹ bị đau, mẹ sợ ánh đèn. Đã muộn rồi, giờ cũng là lúc đi ngủ con ạ”.

Tất cả bọn họ ngủ cùng nhau trên một cái giường lớn. Nửa đêm, cậu anh trai đang ngủ chợt nghe thấy tiếng tanh tách, liền hỏi: “Mẹ ơi, tiếng gì thế?”.

“Mẹ đang ăn hạt dẻ mà”.

“Mẹ cho con mấy hạt được không?”.

“Không được, con ạ. Muộn rồi, ngủ đi”.

Nằm trên giường, cậu bé quờ tay xung quanh tìm em gái mình nhưng không thấy. Nó chợt nhận ra rằng mẹ nó hoặc mụ phù thủy hay ai đó đã ăn thịt em gái nó và đang nhai xương rau ráu…

Tôi không còn nhớ được phần kết thúc…

Dịch giả gửi Văn Việt.