Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Mẹ ơi, dậy đi!

Truyện ngắn Tuệ Anh

Copy (2) of IMG_9610.PSVăn Việt: Tuệ Anh sinh năm 1987, tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2009. Cô đang sống và làm việc tại Hà Nội. Bắt đầu viết từ năm 2010, Tuệ Anh đã có truyện ngắn đăng ở Văn nghệ Trẻ, Tiền Phong, Da Màu và in trong một số tuyển tập. Cô vừa có tập truyện dài Rồng rắn lên mây do NXB Văn Hóa – Văn Nghệ TP. HCM ấn hành.

1.                 

“Mẹ ơi, dậy đi!”

“Tới biển rồi!”.

Mẹ choàng mở mắt, nheo nheo nhìn về phía màn sương mờ mà con tàu đang lao vào.

“Không, con ơi! Đó là những tòa nhà chọc trời”.

“Không, mẹ ạ! Là núi đấy!”.

“Mưa à?”.

“Không, là sương mù mẹ ạ!”.

“Trời đã tối rồi cơ à?”.

“Không, mẹ ơi! Bình minh đang lên”.

Tôi đẩy cái chốt. Cửa kính toa hé mở, một làn gió lùa vào, lành lạnh. Hơi thở của đêm còn đọng lại trong sương. Tôi thò ngón tay ra ngoài.

“Bống, đừng thò tay ra ngoài. Ông ngáo ộp đấy!”.

“Mẹ ơi, con lớn rồi, đừng gọi con là Bống nữa. Gọi con là Tuệ, mẹ nhớ chưa?”.

“Bông lau à?”.

“Không, là bông lúa chứ mẹ!”.

“Nhà bà có nhiều lau lắm. Khắp nơi!”.

“Thế hả mẹ? Nhưng con là ‘Bông lúa’ cơ mà!”.

Bỏ mặc chuyện bông lúa với bông lau, Mẹ nhìn không chớp mắt ra màn sương mờ. Đôi mắt chẳng nói lên điều gì. Chỉ có một màu xám xanh đùng đục của gỉ nhèm. Đôi mắt có lẽ vì thế trông mờ ảo như ẩn đằng sau một màn sương bàng bạc.

“Bống, đừng đi chơi xa. Không được đi vào lèn hái sim nghe chưa! Có nhiều ong vò vẽ lắm!”.

“Con đã bao giờ được đi hái sim đâu! Hình thù quả sim ra sao cũng không biết nữa! Nơi thế giới của ánh sáng vương giả và những bụi hồng nhàn nhã không có sim, mẹ nhỉ!”.

Mẹ vẫn lơ đãng như một cô gái mới lớn, nhìn mơ hồ ra ngoài khung cửa, mắt không chớp. Hay mẹ đang mộng du?

“Mẹ ơi, biển đẹp nhất vào mùa nào?”.

“Ve sầu đang kêu trong bụi hồng leo!”.

“Sao có thể chứ?”.

“Không có hồng leo. Cũng không có ve sầu. Mùa đã sang rồi mẹ ạ. Và mình cũng đang đi…”.

Lặng thinh. Mẹ không nghe thấy tôi. Đúng ra, từ đầu tới giờ, chưa từng có một lời của tôi chạm đến tâm trí mẹ. Tôi độc thoại. Mẹ cũng độc thoại. Hay nói đúng ra, tôi đang nói với một- người- không- phải- là- mẹ, và mẹ đang nói với một- ai- đó- không- phải- là- tôi.

Một người phục vụ đẩy xe đến, hỏi chúng tôi có dùng đồ ăn sáng không. Mẹ như bừng tỉnh, quay ra xua tay.

“Không ăn đâu!”.

Giọng mẹ thẽ thọt, như một thiếu phụ trẻ đang dỗ con thơ. Không phải của một bà lão nói với đứa con gái ngót bốn chục tuổi đầu.

“Thôi, Bống chịu khó đi! Lát về bà ngoại nấu bánh canh ngon lắm! Bánh canh nấu với tôm, ngon nhất trần đời!”.

Tôi mỉm cười với cô bán hàng, ra hiệu không mua. Cô cũng mỉm cười lại, đẩy chiếc xe đi. Tôi bắt gặp cái ngoái lại rất khẽ của cô.

“Ngày xưa Bống thích bánh canh nhất trên đời. Lúc nào cũng đòi mẹ nấu bánh canh”.

“Con có thích bánh canh đâu. Mẹ suốt ngày nấu! Có ai ăn đâu”.

“Chắc mẹ nấu không ngon bằng bà ngoại. Tiếc là…”.

Mẹ đã quay nhìn ra khung cửa từ bao giờ. Ánh nhìn xa xôi bảo với tôi rằng, toàn- bộ- mẹ- đang- ngồi- trước- mắt tôi đây không- đang- ở- đây. Một tiếng hát khe khẽ. Không hẳn là hát. Một thứ âm thanh đùng đục, đứt gãy trong cuống họng. Là mẹ tôi đang hát, hay đang ngâm. Mắt vẫn nhìn đăm đăm ra ngoài khung cửa sổ. Bình minh đang lên. Mặt trời hồng rực.

Con chim ngoan của mẹ. Đi hái sim rừng xa. Túi đầy quả mọng. Đừng trêu con ong vò vẽ. Treo lủng lẳng trên cây. Đừng chọc con ong đất. Ngụy trang trong ụ đầy. Chúng rình đốt con. Con chim ngoan của mẹ…

2.

Những bông hoa trong vườn nhà tôi giờ này đang hé nở trong làn nắng sớm dịu dàng. Bụi hồng leo bám quanh tường rào xây cao. Đấy là nhóm hồng Gallica thuộc loại hồng- vườn- cựu. Hồng- vườn- cựu, hay hồng- lịch- sử (historic roses) như người ta gọi thế, đa số được lai tạo từ hai giống hồng hoang dã: Rosa Multifolia và Rosa Wichuraiana. Thời mà nhóm hồng Pháp Gallica cùng với nhóm Trung Hoa China khơi mào cho một cuộc “cách mạng” sản sinh ra hàng vạn giống mới đã chấm dứt vào thế kỉ XIX. Đế chế và những buổi hoàng hôn. Mẹ tôi bảo, cái bụi trồng ở hàng rào bao quanh nhà tôi là Kathleen Harrop thuộc giống hồng leo Bourbon màu hồng nhẹ, một trong những giống mà người Pháp đưa vào trồng ở xứ ta. Thế rồi, một ngày kia, mẹ tôi lại cất công đem nó, ý tôi là bứng nguyên cái cây ấy, trở về chính mảnh đất chôn rau cắt rốn của tổ tiên của nó. Giờ thì, người ta chỉ còn có thể hi vọng rằng, còn sót lại đâu đó nơi xử sở tha hương chăng?

Tôi chẳng thể nào nhớ nổi mấy cái tên phức tạp, cùng cái phả hệ dài ngoằng của từng loại. Hơn nữa, đã mất niềm tin vào sự thuần chủng của chúng_ nếu điều đó là tồn tại thực_ như mẹ tôi vẫn bảo. Mẹ có niềm tin riêng của một người làm vườn yêu say đắm những bông hoa của mình, và sinh mệnh cũng như số phận của chúng. Tôi thích cái gì giản đơn hơn. Ngoài việc ngắm nghía cái vẻ đẹp thuần túy bên ngoài của những đóa hồng vào mỗi buổi sớm mai ra, tôi không đòi hỏi gì thêm, một phả hệ chẳng hạn. Chúng chỉ khiến tôi loạn trí óc. Và đôi lúc, khơi gợi lên một nỗi khó chịu không nguyên cớ. Tôi thấy dễ chịu hơn nhiều vì biết rằng, giờ thì ở khắp các khu vườn của châu Âu tràn ngập các giống hồng Mĩ. Có lẽ vì chúng cho rất nhiều hoa. Cực nhiều! Những cái tên cũng mĩ miều nữa. Queen Elisabeth. Iceberg_ Băng- tuyết- ngầm. Sally Holmes. Belle Portugaise_ Người- đẹp- Bồ- Đào- Nha. Crepuscule _ Hoàng- hôn. Four of July_ Quốc- khánh- Hoa- Kì. Lại còn cả Don Juan, Joseph’s Coat hay Spice no Nice rất được ưa thích.

Mỗi buổi sáng, mẹ tôi thức dậy từ rất sớm. Đều đặn như cây trút lá mùa thu, như tuyết rơi mùa đông. Đó có thể xem như một thời gian biểu bắt buộc đối với một người làm vườn? Một thói quen? Một thú vui? Dù gì, mẹ tôi vẫn thức dậy rất sớm. Chăm sóc vườn nhà chúng tôi, tỉa tót mấy bụi hồng, trước khi đến những khu vườn khác, vì công việc.

Có lần, tôi bắt gặp mẹ trò chuyện với những bông hoa. Quả thật là như thế. Sau khi đi một lượt khắp khu vườn, làm xong công việc với tất cả những thứ cây, thứ hoa khác, mẹ đến bên bụi hồng leo trên tường rào. Ngồi đó. Lặng lẽ hàng giờ. Nhìn chúng bằng ánh nhìn trìu mến hay giận dữ, vui vẻ hay buồn rầu, thanh thản nhẹ nhõm hay đầy lo âu. Có khi mắt nhìn chúng mà thần trí mẹ có vẻ đang lạc mãi nơi nào, bảng lảng như khói chiều thu trong những cánh rừng, trên những con đường xa. Đôi môi mấp máy liên tục trong một cơn thì thầm bất tận. Việc đó bắt đầu diễn ra từ sau khi bố tôi qua đời.

Tôi cho rằng bệnh của mẹ đã âm ỉ như thể người ta ủ than hồng từ hồi ấy đến giờ. Qua bao năm tháng. Chỉ có những bông hoa là biết điều đó. Tôi, con gái của mẹ tôi, không gần gũi bà bằng những bông hoa.

3.

Bên đường cảnh trí hiện ra rồi lướt qua rất nhanh. Chỉ có biển vẫng đang ở trước mặt chúng tôi, bên ngoài khung cửa sổ. Tôi khẽ giơ tay, như để chạm vào một khuôn mặt đang kề sát mặt mình. Nhưng chẳng chạm tới. Đoàn tàu đều đều nhịp đi men theo đường ray dọc bờ biển. Tôi mở rộng khung cửa kính hơn nữa. Một luồng gió mạnh hơn thốc vào, lành lạnh luồn qua mái tóc. Tôi so vai, rụt cổ sâu hơn vào chiếc khăn len mỏng.

Tôi nhìn sang mẹ. Không thấy mẹ phản ứng gì. Ánh mắt vẻ như đang dõi theo con đường men bờ biển, theo ánh bình minh hồng lên phía chân trời. Chỉ một chốc nữa thôi là nắng sẽ rải vàng như ngọc trên mặt biển. Một chùm tia nắng mỏng, sắc chiếu xuyên qua khung cửa, thẳng vào chúng tôi. Mẹ tôi chợt nhíu mày, quay sang nhìn tôi bằng một ánh mắt xa xăm. Xa như vạn năm ánh sáng. Cái nhìn ấy không đọng vào tôi.

“Bống, đi tưới hoa đi!”.

“Mẹ ơi, mình đang về nhà… Không, về quê mình! Không có hồng leo đâu!”.

“Chỉ có biển. Và những bông lau…”.

“Mẹ ơi, ngày xưa biển có như bây giờ?”.

Mẹ chỉ tay về một hướng mông lung, hướng ra biển, có thể ý mẹ là đằng những rặng núi xa đang rõ dần sau lớp sương mù tan chảy kia.

“Nhà bà ngoại… Bà đang đợi Bống!”.

“Vâng, bà vẫn đợi! Biển vẫn như ngày xưa phải không mẹ!?”.

Tôi định nói thế. Nhưng khi tôi nghe ra những từ ngữ thành hình trong giọng nói mình, chúng khác.

“Không, mẹ ơi! Giờ chỉ còn là những bông lau thôi. Lau trắng. Chập chờn. Hoang dại như gió biển”.

Tôi chớp mắt. Ngước nhìn lên. Một đám mây trắng lớn giống hình một con bướm trôi lững lờ đằng xa.

Tôi. Mẹ tôi. Có thuộc về gió nơi này, mây nơi này? Có thuộc về những bông lau? Về biển?

Biển thì chạy xa mãi. Xa tít tắp. Tận chân mây đằng kia.

4.

Bố tôi qua đời khi ông còn rất trẻ. Mẹ tôi cũng còn rất trẻ. Mẹ tôi không đi bước nữa. Mẹ không u sầu, than khóc. Mẹ câm lặng như đá. Mẹ giữ lại tất cả những dấu ấn của bố trong khắp ngôi nhà, nhưng không nhắc đến bố. Mẹ vẫn nấu món bánh canh mỗi dịp cúng giỗ bà. Nhưng mẹ chưa từng kể về bà ngoại.

Mẹ khóa chặt mọi thứ. Bưng kín mọi ngõ ngách có thể cho phép người ta len lỏi vào tâm tư bà. Từ đó, ngoài tôi ra, bà chỉ yêu những bụi hoa.

Tôi, nhiều lần, thử thâm nhập sâu hơn vào cái- đời- sống- khác được mẹ giấu kín, được bao bọc đằng sau các giống hoa hồng, các phả hệ, các loại vườn tược, các thứ sâu bệnh, nấm mốc, vân vân và vân vân. Tôi muốn nghe tiếng nói thật sự, hay ít ra là cái tiếng nói tôi chưa từng thấy để lộ ra, của mẹ, cái tiếng- nói- đang- câm- lặng đằng sau âm giọng mũi nghèn nghẹt mà mẹ phát âm rất chuẩn hằng ngày. Nhiều lần tôi cố nghe ra, xem có một âm sắc nào lạc điệu còn sót lại hay không, tựa như giờ đây người ta đang đi tìm những giống hồng- vườn- cựu còn sót lại ở xứ sở tha hương của nó. Tôi chẳng thấy gì lộ ra. Rồi tôi nghi ngờ ngay chính sự tồn tại của những điều tôi đang cố công tìm.

Mẹ đã quên. Mẹ đã bỏ lại đằng sau tất cả?

Mẹ vẫn thức dậy từ rất sớm. Cần mẫn với vườn tược. Yêu những bụi hồng. Nâng niu cả những giọt sương. Ngoài làm vườn ra, mẹ ít khi gặp gỡ ai, ngay cả những người đồng hương. Mẹ nói nhiều nhất và sinh động nhất khi thuyết về phả hệ các giống hồng, thiết kế các loại vườn. Tôi đoán, chỉ là tôi đoán, cũng có thể việc nói về hồng leo khiến mẹ tôi thấy an tâm rằng mình thuộc về nơi ấy_ nơi chúng tôi đang sống.

Ngoài ra, chỉ có câm lặng. Mẹ câm lặng như đá.

5.

Tiếng xình xịch đều đều có lúc gần sát bên tai, có lúc trở nên xa xôi như vọng từ một nơi nào tới. Có lúc mất hẳn. Con tàu đi mãi. Êm như du. Hồ như đi xuyên qua ánh bình minh, xuyên qua biển, đi mãi vào mây và những rặng núi xa mờ.

Mẹ đang ngủ. Đầu hơi nghẹo sang một bên. Hơi thở đều đều. Mái tóc đã bạc trắng. Nhìn mẹ lúc này như một bà tiên. Không, nhìn hiền hòa và vô tư lự như một đứa trẻ ngủ say trong lòng mẹ. Da tuy đã nhiều nếp nhăn nhưng nước da vẫn còn ửng hồng, cứ như mùa xuân của những đóa hồng sẽ từ đó mà bung ra.

Tôi ngắm khuôn mặt mẹ. Lâu thật lâu. Tôi thảng thốt. Đó là khuôn mặt của một ai đó khác, không phải của người mẹ tôi vẫn nhìn thấy mỗi buổi mai thức dậy, cần mẫn giữa những bụi hồng, nói thứ giọng mũi nghèn nghẹt rất chuẩn. Điều đó giống như việc người ta bứt tôi khỏi người mẹ của tôi khi bà còn là một thiếu phụ rất trẻ, quăng biến tôi đi đâu đó suốt quãng thời gian dài dằng dặc, cho đến khi tôi gặp lại bà trong khuôn mặt đầy những nếp nhăn này, dưới làn tóc bạc trắng này. Hai- con- người- đó giờ thật tách biệt. Tôi chẳng cần phải gắng công đi tìm cái mặt ẩn giấu kia nữa. Nhưng tôi lại bỗng thấy xa lạ.

Cả cái giọng mũi chuẩn nãy giờ cũng biến đi đâu. Cái chất giọng, cái âm sắc mà tôi mong mỏi được nghe suốt những năm dài đằng đẵng qua, giờ tuôn chảy qua thanh quản mẹ, khởi phát thành tiếng như một điều hết sức tự nhiên lâu nay vẫn thế. Như thể bà chưa từng khoác lên nó một thứ nào khác.

Mẹ vẫn thở đều đều. Nhịp thở êm dịu quá đỗi. Nó chẳng đủ làm một sợi tơ mỏng mảnh rung lên. Đôi môi dum dúm của mẹ he hé mở. Nhìn mẹ đang ngồi đây, cạnh tôi, trên con tàu đang lao về phía trước, lướt qua những vùng cỏ lau, qua bờ biển hoang vắng gió. Một vẻ gì đó phi thực đến khó ngờ. Mẹ đang vờ ngủ chăng?

Tôi chợt ghé sát mẹ, gọi khẽ.

“Mẹ ơi, dậy đi!”.

Không có tiếng trả lời. Chỉ có một làn hơi mỏng âm ấm phà nhẹ vào bên má tôi, không đủ làm rung một sợi tơ.

Đâu đó, chỉ còn vẳng lại tiếng hát khe khẽ. Không phải thứ âm đùng đục nông choèn từ lưng chừng cổ họng. Một giọng ngâm ngọt lịm vút lên, từ tận đâu đó sâu thẳm trong gió, trong biển, từ vùng cỏ lau.

Con chim ngoan của mẹ. Đi hái sim rừng xa. Túi đầy quả mọng. Đừng trêu con ong vò vẽ. Treo lủng lẳng trên cây. Đừng chọc con ong đất. Ngụy trang trong ụ đầy. Chúng rình đốt con. Con chim ngoan của mẹ…

Còn biển thì chạy xa mãi. Xa tít tắp. Tận chân mây đằng kia.

Tháng 10-11/ 2011

Tác giả gửi Văn Việt.