Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Hai cách nghĩ, hai cách hành xử trước thực tế mới – trường hợp Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi

Nguyễn Đức Mậu

Fukuzawa Yukichi

Fukuzawa Yukichi

Nửa cuối thế kỉ XIX, Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, đứng trước thực tế mới, đó là khả năng xâm lược của phương Tây. Nhật Bản và Việt Nam, trong hoàn cảnh đó, cùng đều xuất hiện những nhà cải cách mà tiêu biểu là Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871). Và với xuất phát điểm gần nhau nhưng hai nước đồng văn, đồng chủng này, sau mấy chục năm, đứng ở hai cực phát triển và lạc hậu, điều gì tạo nên những kết quả như vậy, chắc sâu xa trong đó phần nào là kết quả của những cách nghĩ khác nhau mà biểu hiện rất rõ là ở những nhà cải cách.

Bài viết không so sánh hơn, kém mà mục đích nhằm chỉ ra những cách nghĩ khác, và từ đấy, mong muốn góp phần giải thích sự trì trệ của Việt Nam có lí do hay không trong tư duy, trong hành động lịch sử của mình. Nhưng trong phạm vi hẹp, lại rút gọn vào một vài điểm, là cách tiếp nhận cái gì, nhận thức cái gì khi hai nhà tư tưởng Việt Nam và Nhật tiếp xúc với phương Tây.

Khỏi phải khẳng định Nguyễn Trường Tộ là người yêu nước, rất yêu nước, càng không cần thiết xác quyết ông là người sắc sảo, thông kim bác cổ, nhìn ra được những vấn đề mới, có tính đột phá, so với những nhận thức có tính quen thuộc với những trí thức đương thời, bởi những điều đó hiển thị hiển nhiên trong các văn bản mà ông để lại. Nguyễn Trường Tộ tìm hiểu và có những ý kiến trên rất nhiều vấn đề, hầu như khi nói đến một vấn đề gì đó ông cũng nói đến phương Tây. Nếu thống kê số lượng những vấn đề mà Nguyễn Trường Tộ đề cập, rất cụ thể và biểu hiện đã được suy nghĩ, thì sẽ thấy năng lực tư duy và nhu cầu mạnh mẽ hướng đến một thay đổi cho đất nước.

Điều kiện thực tế, sự chế định của thực tế lịch sử như đất nước đang đứng trước nguy cơ còn mất, hoàn cảnh bản thân là người thiên chúa giáo không dễ được triều đình tin cậy và phần nào đó tính chất của điều trần nhằm thuyết phục những việc trước mắt đã quy định ít nhiều nội dung điều trần, nhưng từ suy nghĩ vụ việc cụ thể đến dự liệu các khả năng tương lai đất nước, đều thể hiện tầm nhìn, tính hệ thống, khả năng nhận thức trước thực tế mới của Nguyễn Trường Tộ.

Cái chúng tôi nói đến là cách nghĩ của hai ông phương Đông trước thực tế phương Tây, những cái gì ông quan tâm và quan tâm vì lí do gì, vì nhu cầu gấp gáp trước mắt, tính thực tế, đáp ứng thực tế hay lí do lựa chọn, tính mục đích hay tầm vóc của các tiếp nhận. Trước một hiện tượng dị kỉ, dị biệt thì chủ thể tiếp nhận phản ứng ra sao? Phê phán hay tiếp nhận ngay, băn khoăn tìm hiểu hay ngay lập tức lấy, bỏ, hay tìm cái gì trong cái khác đó để rút ra cái có lợi hay không lợi cho mục đích của mình.

Nguyễn Trường Tộ đề nghị, điều trần, luận thuyết mà không hoạt động xã hội, ông hướng đến bề trên để thuyết phục thay đổi mà không tạo ra phản ứng cộng hưởng từ xã hội, không hoạt động xã hội như Fukuzawa. Nguyễn Trường Tộ hướng đến thuyết phục bề trên và không khai dân trí, không hướng đến chủ thể của xã hội mới, con người, dân quyền, nhân quyền.

Những điểm nhận thức dưới đây phác thảo về hai cách nhìn đó.

1. Cách hiểu “thế” và “lực” có được do kĩ thuật và cách hiểu văn minh

Nói đến nhận thức về phương Tây, Fukuzawa và Nguyễn Trường Tộ, có điểm chung là rải ra trên từng mặt, từng điểm, từng bộ phận, về số lượng những điều được quan tâm là khá đa dạng, nhiều chỗ quan tâm giống nhau, cách nhưng nhìn tổng quát thì lại khác nhau. Cách thức, mong đất nước đuổi kịp, sánh vai phương Tây là như nhau, phê phán nền giáo dục Nho giáo cũng có chỗ giống nhau, và đều cùng có chống Nho giáo, thiên mệnh. Đi sâu vào chi tiết có thể cho thấy rõ hơn đặc điểm của các cách nghĩ khác và giống nhau.

Trong các cuộc tranh luận gay gắt nửa cuối thể kỉ XIX, bao gồm các vấn đề duy tân hay thủ cựu, chính đạo hay tà thuyết, chiến hay hòa thì Nguyễn Trường Tộ là người tiêu biểu cho đề xuất cải cách, duy tân.

Vậy duy tân thì phương Tây – được xem như một định hướng giá trị – sẽ được hiểu như thế nào, bao gồm cắt nghĩa, giải thích về những ưu việt của họ. Và quan trọng hơn, là cách lựa chọn học cái gì để đổi mới và mục đích hướng tới để làm gì, “phú quốc, cường binh” (hướng đến nước giàu, binh mạnh hơn là hướng đến phát triển xã hội và thể chế dân chủ) hay tìm hiểu cái cốt lõi để thay đổi căn bản cái “cơ sở kinh tế xã hội tạo nên chế độ chuyên chế”[1].

Nguyễn Trưởng Tộ nhìn phương Tây theo các cách nhìn sự vật vốn đã có trong truyền thống tư duy phương Đông và từng bộ phận của phương Tây được tháo rời để kết hợp với các yếu tố bản địa. Ông không cho thấy cái gì khác khi nhận xét: “Trộm nghĩ việc trong thiên hạ chỉ có “thế” mà thôi. Chữ “ thế” là nói bao gồm cả thiên thời nhân sự. Cho nên người biết rõ “thế” thì không trái thời, không mất thời, không hại người, không hỏng việc” (Di thảo số 1)[2]. Thiên hạ, cái khái niệm gốc Hán này, đến bấy giờ, đứng trước một đối tượng mới là phương Tây được dùng lại, và Đông hay Tây, hai nền văn minh cách biệt, đều được xem tất tật như nhau và “chỉ có “thế” mà thôi”.

Cách nhìn “tung hoành, phân hợp” cũng như vậy, chúng cũng được thiên di từ cái phương Đông sang cái phương Tây: “Hiện nay tôi muốn đi qua kinh đô nước Anh. Nhân nước Anh có mở đại hội cách trí, họ thường sai người đi các nước đến các đầu phố phỏng vấn về tình hình người phương Tây giao tế với các nước khác như thế nào (Việc này có tương quan đến đại thế tung hoành, phân hợp của các nước)” (Di thảo số 4). Trong một bài khác, bài Trần tình, cho biết rằng cái thế tung hoành, phân hợp được Nguyễn Trường Tộ thực sự lưu tâm hàng đầu: “…khôngmôn nào tôi không khảo cứu, nhất là để ý nghiên cứu về sự thế dọc ngang, tan hợp trong thiên hạ”(Di thảo số 3). Thế giới được gọi là thiên hạ, được nhìn theo cách tan hợp, tung hoành. Như thế trong tư duy của Nguyễn Trường Tộ đã sẵn một cách nhìn cho mọi đối tượng mặc dù giữa chúng có sự khác biệt rất lớn.

Trong Thoát Á luận Fukuzawa có một khẳng định biểu hiện suy nghĩ về sự khác biệt có tính đối lập, không chấp nhận chung sống hay dung hợp của hai hệ thống cũ – mới: “Nền văn minh hiện đại không thể song song tồn tại được cùng với truyền thống Nhật Bản” và cái cản trở sự thâm nhập của nền văn minh này nằm ngay trong cơ cấu quyền lực và cách tư duy của bộ máy chính phủ cũ kĩ, già nua, loại bộ máy mà Nguyễn Trường Tộ ngày đêm điều trần và đặt tất cả niềm tin, hy vọng (Di thảo số 13). Nguyễn Trường Tộ không nhìn thấy vai trò xã hội, và không thấy xã hội chuyên chế tập trung quyền lực vào bộ máy của nó, xã hội hiện đại là tam quyền phân lập, đối lập với cái ông theo đuổi. Ngôi vua và chức quan được coi là bản vị: “ngôi vua là quý, chức quan là trọng” (Di thảo số 13). Có thể xã hội Việt Nam thời Nguyễn Trường Tộ chưa thành yếu tố quan trọng, chỉ có quan hệ nhà nước với thần dân, và vì vậy chưa thôi thúc tư duy của ông về xã hội.

Nguyễn Trường Tộ (1830?-1871)

Nhìn nhận phương Tây theo cách nhìn tung hoành, mặt khác cũng dùng tung hoành như một biện pháp: “Trong tờ bẩm trước, tôi có nói nên dùng chước tung hoành, là muốn thi hành trong tình thế thơi thả, chớ không thể tung ra thi hành trong tình thế cấp bách. Nhưng khi đã đến nước họ rồi, thì hãy xem cơ hội có thể làm được thì làm, không thì thôi” (Di thảo số 30). Nhưng đó là những cách vốn được hình thành sẵn trong mục đích tìm cách đối phó với đối phương, nó được tính đến khi cần một cách thuyết phục đối phương trong cuộc bảo vệ đất nước. Và như vậy, có thể phần nào tâm lí cấp bách không có lí do nhường chỗ cho một ý thức tìm hiểu một cách sâu xa hơn những cái cốt lõi làm nên sức mạnh phương Tây.

Sức mạnh mà phương Tây có được, trong nhận thức chung, không riêng gì Nguyễn Trường Tộ, đều cho rằng từ kĩ thuật, từ các khẩu hiệu kiểu: “Hòa hồn Dương tài” (Tinh thần Nhật và kĩ thuật Tây Âu), “Trungthể Tây dụng” (Thể chất Trung Hoa và công dụng phương Tây), “Đông đạo Tây khí” (Đạo lý phương Đông và thực hành phương Tây). Nhưng ngay Fukuzawa cũng đã cho thấy ông nhìn tính ưu việt của phương Tây là văn minh, không đơn thuần là kỹ thuật.

Nguyễn Trường Tộ nhìn nhận sức mạnh phương Tây – chủ yếu hay quan trọng nhất – là do sức mạnh kĩ xảo, chế tạo khí cụ và do bắt chước phương Đông mà phát triển lên: “NgườiTây vì loạn lạc đã lâu nay muốn trị yên nên đã bắt chước phương pháp đó chế súng điểu thương, để chống lại, và những thứ kỳ xảo khác đều lấy phương Đông làm kiểu mẫu. Về sau, việc học thuật, việc chế tạo những khí cụ ngày càng được tinh vi. Học huật được tinh vi thì sinh ra kĩ xảo. Kỹ xảo đến cực điểm thì trở nên mạnh và đã làm thay đổi hẳn cái hèn kém mông muội trước kia. Cho đến thời Minh bước tiến Âu Tây ngày một lên cao vùn vụt, đến nỗi không có chỗ để thử cái tài dũng của họ nữa” (Di thảo số 5). Cách hiểu và giải thích này về sự phát triển của phương Tây cũng có thể chi phối khá nhiều đến cách mà ông hướng đến cải cách cho đất nước, và còn có thể cản trở sự băn khoăn tìm hiểu các nguyên nhân sâu xa về xã hội, về thể chế tạo nên sự phát triển đó.

Không chỉ nói cái sức mạnh phương Tây nằm ở kỹ thuật, kĩ xảo mà ông còn diễn giải rằng nó có nguồn gốc đầy tự hào ở phương Đông, và phương Tây do biết cách học phương Đông mà phát triển: “ các nước phương Đông là ông tổ của trăm nghề,… những cái khôn khéo của người phương Tây ngày nay chính là lượm lặt được cái dư thừa của phương Đông mình ngày xưa” (Di thảo số 5). Nguyễn Trường Tộ lại giải thích sự tụt hậu của phương Đông so với phương Tây do bản tính an nhàn, không thích đổi mới, tự mãn, tự túc của người phương Đông. Lời giải thích sắc sảo này cũng chỉ mới nói đến nguyên nhân trực tiếp từ chủ thể nhận thức mà các nguyên nhân khác, như sự hỗ trợ có tính quyết định đến con người từ thể chế xã hội, nguồn gốc giáo dục,… chưa thành yếu tố để đưa ra nhận thức.

Nếu như Nguyễn Trường Tộ nhìn sức mạnh phương Tây từ sức mạnh vũ khí, kĩ thuật thì Fukuzawa lại khác, ông nhìn phương tây là “sức mạnh của nền văn minh” và “chúng ta không thể nào chống lại sức mạnh dữ dội của nó” (Thoát Á luận). Văn minh là gì, nội dung của nó được ông cắt nghĩa cụ thể: “Văn minh, trong nghĩa rộng không chỉ là những tiện nghi hàng ngày đáp ứng nhu cầu của con người mà còn là việc hoàn thiện các kiến thức và trau dồi đạo đức để nâng cuộc sống của con người lên một tầm cao mới [....]. [Như vậy] văn minh bao gồm cả những tiện nghi vật chất và ý thức. Cuối cùng, văn minh có nghĩa là sự tiến bộ cả về kiến thức và đạo đức của con người”[3]. Cách giải thích nội dung khái niệm văn minh, cách lí giải khái niệm, cách tìm hiểu tổng thể như thế về sự tiến bộ xã hội, tiến bộ về mặt xã hội, là điều không thấy Nguyễn Trường Tộ quan tâm. Đây là chỗ khác nhau khá căn bản trong cách nghĩ của hai ông khi tiếp nhận, phân tích phương Tây và cái cốt lõi làm nên sức mạnh của nó. Độc lập dân tộc đặt cùng, đặt trước hay đặt sau tiến bộ xã hội là câu chuyện về sau của những nhà cải cách Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ hình như chưa đặt vấn đề như vậy.

Fukuzawa nhìn phương Tây thuộc một nền văn minh khác, trong đó ông nhìn nó với cơ cấu xã hội và sự phát triển của các lý thuyết: “Trong văn minh phương Tây, cơ cấu xã hội bao gồm nhiều lý thuyết khác nhau, phát triển đồng thời, tiệm cận dần đến nhau và cuối cùng hợp nhất thành một nền văn minh. Chính quá trình này hình thành nên sự tự do và độc lập” và đi đến cách tiếp thu có hệ thống những gì phương Tây đã có: “Chúng ta cần làm những gì mà người phương Tây đã làm“[4]. Nhìn thấy xã hội, nhìn thấy cái cơ cấu xã hội “baogồm nhiều lý thuyết khác nhau” là cách nhìn mới, cách quan tâm lý thuyết cũng là cách mà chúng ta không thấy trong các văn bản Nguyễn Trường Tộ để lại.

Cách tiếp nhận hệ thống, hướng đến nhận thức, giải thích đối tượng từ tính lí thuyết, nó không chỉ là sự nhận thức và lựa chọn theo hướng thêm, bớt, lấy bỏ các bộ phận tách rời.

Từ những nhận thức mà Fukuzawa đã có, ông được nhận xét rằng: “ông đã tìm hiểu được những nền tảng căn bản của xã hội hiện đại đang phát triển ở phương Tây”.Hiểu biết cái nền tảng[5] chứ không phải con số cộng lại của tất cả các hiểu biết từ nhiều lĩnh vực. Fukuzawa nói rằng: “Những điều viết về các ngành hóa học, vật lí, về máy móc, điện năng, hơi nước, in ấn hay các ngành công nghiệp thì không phải hỏi chi li từng chút một. Tôi không phải chuyên gia về ngành đó…”. Trong khi đó Nguyễn Trường Tộ thì quan tâm không ít những kĩ thuật của nhiều ngành để có thể làm theo được, cũng cách quan tâm chi tiết kiểu này chúng ta thấy trong Tây hành nhật kí của Phạm Phú Thứ. Cái cách quan tâm cũng thể hiện cách nghĩ của hai người. Fukuzawa hướng tới tự do, bình đẳng, cá nhân độc lập và quốc gia độc lập, phát triển xã hội dân sự. Đó cũng là nền tảng của một nhà nước hiện đại.

Từ chỗ nhìn ra những cơ sở tư tưởng làm nên sức mạnh nền văn minh phương Tây, Fukuzawa hướng đến một mục đích đầy bản lĩnh là cùng phát triển theo nền văn minh ấy, cùng nỗ lực xây dựng và hưởng thành quả của nền văn minh ấy (Thoát Á luận).

Nhận thức được những cái căn bản làm nên nền văn minh, trong một bức thư viết cho người bạn ở quê nhà, ông nói rằng điều cấp thiết nhất là đào tạo tài năng trẻ chứ không phải là mua sắm vũ khí và giáo dục là hoạt động mà ông lựa chọn. Nhưng giáo dục cũng không phải là sự kế thừa cái cũ, tiếp thu cái mới mà phải đoạn tuyệt hẳn nền giáo dục cũ, cha đẻ và là thủ phạm của mọi lạc hậu, trì trệ.

Cách nhận thức về cái cốt lõi của sức mạnh phương Tây và thái độ, cách thức tiếp nhận nó ảnh hưởng có tính quyết định đến các hành động, hoạt động cụ thể của hai ông, Nguyễn Trường Tộ không mệt mỏi điều trần với triều đình, hướng về triều đình để thuyết phục, còn Fukuzawa lại đòi hỏi hủy bỏ chính phủ đương thời vì nó không thể chấp nhận nền văn minh, ông hướng đến những hoạt động hình thành xã hội hiện đại, hình thành nhà nước hiện đại – đó là cuộc cách mạng, không chỉ là duy tân hay cải cách.

Nguyễn Trường Tộ cũng nói đến luật pháp với việc phân quyền kết án cho các quan, nhà vua chỉ có quyền ân xá, không có quyền kết án. Nhưng xuất phát của yêu cầu luật pháp này cũng nhằm cho dân chúng thấy “đạo công bằng”, “đạo nhân ái” (Tế cấp bát điều) mà không được nhìn từ cơ cấu quyền lực xã hội.

2. Cách nhìn nhận các thể chế chính trị – thái độ trước cái khác, cái dị kỉ trong nhận thức

Chúng ta không có cùng loại văn bản để xem xét, vì văn bản của Nguyễn Trường Tộ mà chúng ta dùng là điều trần, trong khi văn bản Fukuzawa lại là tự truyện, hồi kí, luận thuyết. Mỗi loại văn bản hướng theo một mục đích khác nhau. Nhưng dẫu vậy, nội dung của các yếu tố, các phần chúng ta sẽ sử dụng cũng cho phép nói đến một cách lựa chọn, hay một thái độ.

Việc nói về việc hiểu được chính trị, xã hội phương Tây của hai ông đã có những khác biệt trong cách nghĩ và cách tìm hiểu một đối tượng mới.

Nguyễn Trường Tộ luôn nói mọi cứ như đã rõ ràng, không thấy có nào chỗ nói như Fukuzawa rằng không biết đã hiểu đúng hay sai, cách tìm hiểu để khỏi sai khi tiếp xúc với một đối tượng cơ cấu quyền lực, xã hội, chính trị mới hoàn toàn. Nhiều điều chúng ta thấy Nguyễn Trường Tộ giải thích cái lợi và không nói cái sâu xa của nó.

Nguyễn Trường Tộ nhìn nhận các Viện Thứ dân và Viện Công hầu ở các khía cạnh thế lực, quyền lực và sử dụng sự hiểu biết này để toan tính mọi việc: “Còn sự thế nước Pháp thì Viện Công hầu và Viện Thứ dân thế lực ngang nhau. Trong khi đó Viện Công hầu thì mong có chuyện để lập công, còn Viện Thứ dân thì lấy việc dàn xếp cho yên nước để làm công. Cho nên hai bên đi đến khiên chế nhau để đi đến chỗ giải quyết thỏa đáng” (Di thảo số 35). Việc họ “khiên chế nhau” để “giải quyết thỏa đáng” là một đánh giá, một thông tin tích cực, nhưng không thấy ông nói gì thêm về nó như một mẫu hình cần thiết để tiếp tục tìm hiểu.

Trong một di thảo khác, Nguyễn Trường Tộ còn giải thích và bày kế: “Vì nước họ có hai đảng: Một là Viện Công hầu, một là Viện Thứ dân; Viện Công hầu thì hay đợ bỡ ý vua, còn Viện Thứ dân thì cho việc ấy là ức hiếp người ta… Nay ta muốn mưu việc cũng phải ngầm thông với Viện này mới được…” (Di thảo số 4). Cách nhìn thông một vài biểu hiện cụ thể “đợ bỡ” hay “ức hiếp” như vậy có thể chỉ cho thấy hành vi cụ thể rồi kết luận cho cả tổ chức mà không cho phép hướng đến hiểu tính chất, chức năng, mục đích của loại tổ chức này.

Nguyễn Trường Tộ còn “tính kế” (chữ Nguyễn Trường Tộ thường dùng) cụ thể là thông qua con trai của Viện trưởng Viện Thứ dân để gặp vị Viện trưởng này để tác động nhờ “chống cãi với Viện Công hầu để bàn bạc châm chước cho ta”, “ám thông mọi việc với Viện Thứ dân”. Như vậy việc tìm hiểu tổ chức này để hiểu “thế lực” và tìm cách quan hệ chính trị ngầm. Mục đích tìm này có thể dẫn đến sử dụng nó với nhu cầu trước mắt và không hướng đến hiểu sâu xa hơn cái tổ chức này từ lí do xã hội, chính trị của nó. Văn bản với mấy câu ngắn trong di thảo không cho ta hiểu gì thêm về các suy nghĩ của Nguyễn Trường Tộ, nhưng cũng cho thấy ông nhìn hiện tượng khác Fukuzawa. Nguyễn Trường Tộ ráo riết tìm hiểu cho mục đích cụ thể và trước mắt của triều đình, phục vụ cho triều đình, điều mà ông nỗ lực, và như vậy, thì có thể ông không hướng đến nó như một nhân tố tích cực cho phát triển xã hội – là cái mà Fukuzawa cho là mục đích.

Cái khác khá quan trọng là Nguyễn Trường Tộ sẵn sàng có lời giải thích ngay, không băn khoăn về sự hiểu của mình xác đáng đến đâu.

Fukuzawa lại khác, ông nói cách ông vừa đọc, vừa tra từ điển nhưng hay nhất là hỏi người bản địa, sau khi đã tra cứu sách vở mà chưa tìm ra, và nhất là tìm nhân vật tầm cỡ để dốc sức tìm hiểu, hỏi han, ghi chép[6]. Cách làm việc này là cách khoa học, tránh hiểu sai do chủ quan, tuy vậy có nhiều chuyện như ông tự thú: “Về chính trị,… tôi đã được gặp nhiều người và nghe nhiều chuyện, nhưng do không nắm được căn nguyên, nguồn gốc sự việc, nên có nghe cũng không hiểu hết”[7]. Ông kể cụ thể liên quan đến việc đi đến nhận thức đối với một đối tượng xa lạ, khác cái truyền thống: “…Lại có một thứ người ta gọi là Bank (Ngân hàng), lại nảy sinh ra vấn đề cần tìm hiểu xem dòng lưu chuyển chi thu tiền tệ như thế nào? Họ đang tiến hành xây dựng Luật bưu chính viễn thông thì phải biết luật đó được đưa ra với mục đích gì?… Luật trưng quân tựu trung lấy mục đích gì làm căn bản? Những chuyện đó tôi hoàn toàn không hiểu. Cả về Luật bầu cử là thế nào, nghị viện là cơ quan gì thì họ chỉ cười, vì tôi hỏi điều mà mọi người đã biết rõ. Nhưng đằng này tôi không hiểu và cũng không biết suy đoán ra sao.

Về các đảng phái thì hình như có Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do. Hai đảng này luôn cạnh tranh gay gắt, không bên nào chịu thua kém bên nào. Thế nghĩa là thế nào? Tại sao trong một xã hội yên bình như vậy mà các chính trị gia lại phải ra sức tranh cãi với nhau? Thật không thể hiểu nổi. Thế này thì gay go quá. Họ đang làm gì thế không biết? Mà lạ thay, những người là kẻ thù của nhau lại cùng ăn, cùng uống trên một bàn tiệc. Thật không thể hiểu được. Cho đển khi hiểu được cũng phải vất vả. Mối liên hệ giữa chuyện này với chuyện kia, dần dần tôi cũng hiểu ra từng chút, từng chút một, sau đó xâu chuỗi thành một câu chuyện đầy đủ và tạm cắt nghĩa cũng phải mất đến năm, mười ngày. Đó là điều lớn nhất của tôi trong chuyến đi châu Âu”[8]. Nếu thống kê hàng loạt cái quan tâm của Fukuzawa thì thấy mọi cái nhìn theo hệ thống, và nhiều cái Fukuzawa quan tâm thì bị Nguyễn Trường Tộ bỏ qua như ngân hàng, dòng lưu chuyển chi thu tiền tệ, Luật bưu chính viễn thông, Luật trưng quân, Luật bầu cử, nghị viện – những cái có tính cơ bản của cơ cấu xã hội hiện đại.

Chưa nói cái mà Fukuzawa quan tâm là cái gì, nó quan yếu hay không – đó là cách quan tâm, cách tư duy, mà thái độ của ông trước cái khác, cái không có trong truyền thống tư duy, không phải là ngay lập tức tìm cách giải thích hay gạt bỏ, mà ông tìm hiểu để hiểu cho ra, là phải trải qua một quá trình băn khoăn, suy nghĩ, tra cứu, tìm người giải đáp.

Thái độ băn khoăn tìm hiểu này chúng ta không thấy trong các thông tin từ Nguyễn Trường Tộ, cũng không thấy trong các ghi chép của Phạm Phú Thứ trong Tây hành nhật kí. Tất nhiên ở Nguyễn Trường Tộ thì loại văn thuyết phục của điều trần có cần thiết phải trưng ra cái băn khoăn vừa nói? Và chúng ta cũng không thấy trong cả các văn bản Trương Vĩnh Ký, một người cùng sang Pháp với Phạm Phú Thứ. Cái khuyết thiếu mang tính chất chung này phải chăng có cùng loại tư duy để ta có thể dùng để giải thích cho trường hợp Nguyễn Trường Tộ, hay do một lí do nào đó những người cùng thời Nguyễn Trường Tộ không viết ra?

Nguyễn Trường Tộ không thay đổi chế độ chính trị – cái cần nhất của công cuộc cải cách. Chúng ta thấy ông quan tâm đến các thiết chế nhà nước. Ông đề nghị thành lập bộ Nông nghiệp, bộ Ngoại giao mà trước đây chỉ có 6 bộ: bộ Binh, Hình, Lại, Lễ, Công, Hộ. Như vậy cái cách thêm vào chứ không phải thay đổi chính phủ, vì nó không cùng tồn tại với nền văn minh mới, như Fukuzawa.

Một cái mới thuộc loại cải cách, mang tính phân quyền là đề nghị Tòa án độc lập với nhà vua, nhà vua chỉ có quyền ân xá, không có quyền kết án. Sự phân quyền này có ý hướng “một nhà nước pháp quyền” nhưng lí do của nó mà ông nói đến thì không phải như vậy. Ông giải thích việc thực hiện luật như thế “để cho dân chúng thấy đạo công bằng” và vua thì “ để tỏ đạo nhân ái”. Ở đây có một sự thêm, bớt, sự cộng vào giữa cái cũ và cái mới dù giữa chúng có sự bất tương hợp, hay triệt tiêu nhau giữa Luật của nhà nước Pháp quyền và Nhà nước quân chủ nho giáo: “Bất luận quan hay dân, mọi người đều phải học luật nước và những luật mới bổ sung thêm từ Gia Long đến nay. Ai giỏi luật sẽ được làm quan. Vì luật bao gồm cả kỷ cương, uy quyền, chính lệnh của quốc gia, trong đó có tam cương ngũ thường cho đến việc hành chánh của 6 Bộ đều đầy đủ. Quan dùng luật để trị, dân theo luật để giữ gìn. Bất cứ hình phạt nào trong nước đều không vượt ra ngoài. Bộ hình xử đoán các vụ kiện thì chỉ có thăng trật chứ không bị biếm truất. Dù vua, triều đình cũng không giáng chức họ được một bậc. Như vậy là để giúp cho các vị này được thong dong trong việc chấp hành luật pháp không bị một bó buộc nào cả. Phàm những tội ngũ hình đều do các vị này xử. Vua cũng không được đoán phạt một người nào theo ý mình mà không có các chữ ký của các quan trong Bộ ấy. Làm thế để cho dân chúng thấy rõ đạo công bằng. Vả lại vua không dự vào những việc ngũ hình để tỏ đạo nhân ái. Như chế độ xưa vua có “tam hào” (ba lần tha). Bởi vì có tội phải giết thì đó là quốc dân giết” (Di thảo số 27). Cái sâu xa của tam quyền phân lập được giải thích theo hướng cho vua và vì vua, và để cho quan xử được “không bị bó buộc”. Ông còn liên hệ về sự gần gũi giữa nó với cái đã có trong chế độ quân chủ nho giáo. Bộ máy hành pháp vẫn không tách khỏi bộ máy nhà nước, không tồn tại độc lập. Bản thân việc đề nghị một nội dung xử án và trách nhiệm quyền hạn kiểu như vậy đã là quá mới và mạnh mẽ, nhưng chưa thấy biểu hiện của sự tiếp nhận nguyên gốc cái tam quyền phân lập và giải thích ý nghĩa xã hội, chính trị sâu xa cũng như mục đích của nó.

Cách giải thích một việc xa lạ với tư duy truyền thống, lại liên hệ, kéo nó về với cái truyền thống như kiểu này không chỉ xảy ra một lần trong các văn bản Nguyễn Trường Tộ, và cũng đã thấy rất quen thuộc trong các văn bản khác của người Việt chúng ta. Nhưng có lẽ đó không chỉ là một cách làm để sao đạt được mục đích thuyết phục vua, ở đây cũng đã thể hiện cách hiểu của Nguyễn Trường Tộ.

Phân quyền cũng được thể hiện trong đề nghị giao việc cho các quan, phải chăng bởi nhằm giảm bớt sự tập quyền của chế độ quân chủ: “Vuacác nước thường giao việc nước cho quan đại thần để chu du các nước, mở rộng kiến văn, mà không phải bận tâm việc trong nước nữa” (Di thảo số 13). Nói chuyện vua “giao việc” để gợi ý một cách làm đáng học để “không phải bận tâm”, nhưng ông có nhằm vào cái nguyên tắc lập pháp trong sự “giao việc” này không. Lý do giao việc như vậy được Nguyễn Trường Tộ giải nghĩa là để chu du các nước, để mở rộng kiến văn – đây là cách để hấp dẫn vua hay là ông hiểu như thế thật.

Fukuzawa quan niệm phải “tiến hành đại cải cách chính phủ” có quy mô, “rồi cải cách chính trị”, “đặc biệt tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ” (Thoát Á luận). Như vậy các quá trình cải cách tuân thủ theo các bước được hình dung cụ thể, đó là phải cải cách chính phủ, tiếp theo là thay đổi chính trị, đổi mới xã hội, như thế khác với cách làm, cách thay các bộ phận trên một tổng thể cũ như ở Nguyễn Trường Tộ.

3. Các cách tư duy từ khái niệm cũ, mới – thay đổi hệ khái niệm trước một thực tế nhận thức khác

Các khái niệm của hệ hình tư duy cũ không thể đáp ứng những nội dung mới, nhưng chúng ta thấy điều này không trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà cải cách, họ sử dụng khái niệm mới thuộc kỹ thuật một cách mau lẹ như là những cái đó đại diện cho cái mới, cho cái hiện đại quan trong nhất.

Không chỉ với Nguyễn Trường Tộ mà ở Phạm Phú Thứ, Trương Vĩnh Ký cũng thế, dường như không thấy các khái niệm xã hội mới xuất hiện, nhưng các khái niệm kỹ thuật lại được nhắc đến nhiều (Quang học, cơ học, hóa học, thực vật học, đại số học, hình học - Di thảo số 58).

Trong khi đó Nguyễn Trường Tộ dùng lại hàng loạt khái niệm cũ, có khi để chỉ nội dung mới: tam cương, ngũ thường, tam hào (Di thảo số 27- Tế cấp bát điều) (khi nói đến Khoa luật học), Đại học sĩ, tham tri (khi nói về quan phương Tây- Di thảo số 27), hiếu nghĩa (khi nói về Khoa luật học), nhân nghĩa, thiên đạo, hà đồ, kim, mộc thủy thổ (Khi bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ). Fukuzawa thì khác, ông phê phán Âm dương, Ngũ hành: “Các sĩ phu hai nước Trung Quốc và Triều Tiên mê tín hủ lậu không biết đến khoa học là gì thì học giả phương Tây nghĩ Nhật Bản chúng ta cũng chỉ là một nước Âm dương, Ngũ hành” (Thoát Á luận). Và ông phê phán nền giáo dục Nho giáo và các khái niệm của nó: “Giữa thời buổi văn minh mới mẻ và đầy khí thế ngày nay mà khi bàn luận về giáo dục thì họ thường lên tiếng giữ gìn nền giáo dục Nho học (Hán học), bàn về giáo lý của trường học thì họ chỉ trích dẫn những lời giáo huấn “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí” (Thoát Á luận).

Khái niệm đảng của Nguyễn Trường Tộ khác khái niệm đảng của Fukuzawa, đó là một nhóm người nào đấy chứ không phải một tổ chức xã hội có tuyên ngôn chính trị và có lí do xã hội của nó. Khái niệm đảng của Nguyễn Trường Tộ cũng vẫn nằm trong nghĩa bè đảng: “học giả nước ta ngày nay phần nhiều cứ viện xưa chống nay, nói quấy làm rối loạn chính trị, đàm luận xì xào, để chia bè lập đảng mà bài báng triều đình”, “Vì nước họ có hai đảng: Một là Viện công hầu, một là Viện Thứ dân; Viện Công hầu thì hay đợ bỡ ý vua, còn Viện Thứ dân thì cho việc ấy là ức hiếp người ta” (Di thảo số 5).

Fukuzawa đã hiểu đảng là một tổ chức chính trị xã hội: “Về các đảng phái thì hình như có các Đảng Bảo thủ, Đảng Tự do. Hai đảng này luôn cạnh tranh gay gắt, không bên nào chịu thua bên nào”. Ông tìm hiểu tại sao lại có các đảng, lại có chuyện tranh cãi nhau, dần dần hiểu ra và cho đó là nhận thức lớn nhất trong chuyến đi châu Âu[9]. Đảng là một yếu tố mới của xã hội hiện đại, nó không có trong truyền thống, hiểu vai trò của nó, nhận thức được về nó, xem đó là nhận thức lớn nhất có nghĩa là phân loại được những cái gì là căn bản.

Nguyễn Trường Tộ không băn khoăn, không quan tâm cái gì là quan trọng trong các tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội, các mối liên hệ của xã hội hiện đại. Các khái niệm then chốt như tự do, bình đẳng, nhân quyền không được ông nói đến. Một loạt khái niệm kinh tế, chính trị, xã hội mà Fukuzawa rất chú ý tìm hiểu nhưng không thấy trong các di thảo Nguyễn Trường Tộ như: ngân hàng, bệnh viện, luật bưu chính viễn thông, kinh tế chính trị.

Không quan tâm đến các khái niệm xã hội, các thiết chế xã hội thì không hướng đến xã hội mà hoạt động báo chí, thành lập trường học, nâng cao dân trí như Fukuzawa. Nguyễn Trường Tộ cũng nói đến chuyện ra báo nhưng nội dung công báo phục vụ cho nhà nước, nói đến học các môn thực dụng mà không nói đến đào tạo chủ thể tư duy mới, lực lượng nhận thức của một xã hội mới.

Việc sử dụng khái niệm cũ mới liên quan đến cách hiểu văn minh, xã hội phương Tây, cách hiểu duy tân, hiện đại hóa và đồng thời ảnh hưởng quyết định đến cách hành xử.

Tác giả gửi Văn Việt.

……………………………………………

[1] Trần Đình Hượu: Lịch sử tư tưởng Việt Nam cuối thể kỉ XIX và đầu thế kỉ XX (Đề cương chi tiết). vanhoanghean.com.vn

[2] Các trích dẫn di thảo đều theo sách: Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, Trương Bá Cần, Nxb Tp.Hồ Chí Minh, 2002

[3] Dẫn theo Nishikawa Shunsaku:Nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php

Nguồn: Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới, NXB Thế giới, 2004

[5] Fukuzawa Yukichi. Phúc ông tự truyện, Nxb Thế giới, Hà Nội 2005, tr 196.

[6] 7,8,9. Fukuzawa Yukichi. Phúc Ông tự truyện, Nxb Thế giới, H. 2005, tr195; tr 190; tr.197; tr 196-197.