Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Chuyện kể năm 2000 (kỳ 21) – tiểu thuyết của Bùi Ngọc Tấn

*

*        *

Già Đô xuất hiện ở hành lang cũng bất ngờ như ông Hoàng xuất hiện ở hành lang. Cái hành lang vô thức in bóng những con người vóc dáng khác nhau (ông Hoàng cao lớn áo khoác ni-lông Đức loạt soạt, già Đô còm róm áo bông vá víu) ở hai cực đối nghịch nhau, nhưng cả hai cùng từ những điểm xuất phát giống nhau, đã từng có những tương đồng và giờ đây vẫn có những tương đồng.

Lúc đó là trưa, cả nhà đang quây quần quanh mâm cơm. Bữa cơm trưa bao giờ cũng vội. Để tranh thủ ít phút nghỉ ngơi trước khi Ngọc đi làm và lũ trẻ đi học buổi chiều. Thằng Dương bưng bát tự ăn, không phải bón nữa. Nó bỗng ngừng ăn, nhìn ra cửa. Cái cùi dìa cầm tay lơ lửng bên trên đùi. Cũng chẳng ai để ý đến nó. Nó cứ nhìn chằm chằm ra ngoài, hai bàn tay (có cả cái cùi dìa) nâng nâng ngang ngực.

- Dương. Ăn đi con.

Ngọc dịu dàng bảo nó. Nàng gỡ cái cùi-dìa trong tay nó, lấy thêm thức ăn vào bát nó, đảo đảo và ấn vào tay nó. Nó vẫn nhìn ra cửa, mắt long lanh thích thú, bàn tay bé tí chặn chặn ở ngực như đang ước lượng một cái gì.

Cả nhà quay ra, nhìn theo nó.

Một ông già nhỏ bé, mũ bông, áo bông rộng thùng thình dài tới gối, quần màu gụ còn mới, khoác trên vai một cái túi vải to, râu tuôn từ cằm xuống ngực.

Già Đô!

Già đứng đấy tự bao giờ, im lặng nhìn vào bữa cơm, không dám gọi. Đã có nhiều bạn tù đến chơi nhà hắn (Giang, Dự, Min, Dần) và sau này còn nhiều người đến nữa như bọn Kỷ Mình, Vũ Lượng… nhưng chẳng ai như già Đô.  Không ai đi đâu cũng mang theo cả gia tài trên lưng như già. Già ở đâu thì đó là nhà già. Có nghĩa già chẳng có nơi nào đặt cái túi vải chứa toàn bộ tài sản của già ngoài hai vai của mình.

Già vẫn như vậy. Mặt hằn những rãnh sâu chằng chịt. Những rãnh sâu khiến khuôn mặt già có một vẻ tạo hình riêng, rất hấp dẫn các nhà nhiếp ảnh. Râu già cuồn cuộn chảy che kín cổ tới ngang ngực. Lông mày chổi sể rợp trên đôi mắt nhỏ, mệt mỏi, đăm chiêu, ngơ ngác, những vẫn còn sót lại vẻ lanh lợi ngày xưa. Có thể nói khuôn mặt già là tập hợp những râu, tóc, lông mi đã hoa râm che gần kín, ở những chỗ nào không được che hết, lộ ra những mảnh nhăn chằng chịt, hằn những rãnh lõm sâu. Già vẫn như vậy cả về sắc diện nữa. Rõ ràng già chẳng vui lên tí nào khi đã được tự do.

Chỉ nhìn qua người khách đứng ở hành lang, Ngọc đã biết đó là già Đô. Hắn đã nói với nàng về già. Và chỉ thoáng nhìn, nàng cũng biết già đang ở trong tình trạng khốn cùng, không có lối thoát. Còn tệ hơn cả bọn Min, Dự đến đây hồi năm ngoái. Nàng và vội bát cơm ăn dở, đứng lên. Nhà cửa quá chật hẹp. Có một người khách là đã phiền rồi. Ngày xưa hắn bảo:

- Chúng mình ở sang đấy. Một phòng ăn, một bếp, một phòng khách, một phòng ngủ cho chúng mình, một phòng ngủ cho con. Tất cả đặt trong một căn buồng hai mươi mét vuông.

Nàng nhìn chồng dắt tay già vào buồng. Lại một người có số phận khốn nạn, có cuộc đời khốn nạn. Tất cả nhìn già ái ngại. Kể cả thằng Hiệp, con Thương. Chỉ trừ mỗi bé Dương. Nó cứ dán mắt vào chòm râu cuồn cuộn của già. Nó giơ tay vuốt vuốt chòm râu tưởng tượng trên ngực nó.

Nàng pha nước mời già. Nàng xuống thang… Nàng muốn để hai người được chuyện trò thoải mái. Vả lại có bao nhiêu việc đang chờ nàng dưới ấy: Xách nước, giặt giũ, mua rau… Nàng nghĩ: Phải mời già Đô ăn bữa chiều với vợ chồng nàng. Nàng cảm thấy phải thế. Vậy là phải mua một cái gì đó. Mấy miếng đậu phụ, áp chảo qua loa (chẳng có mỡ đâu mà rán đậu). Rồi đem kho cà chua. Nấu bát canh dưa. Ăn rau sống. Và một ít hành chẻ. Cố mua lấy hai quả trứng vịt. Rán lên, được một đĩa. Nàng phác nhanh thực đơn và trở về với những thứ đó trong rổ, rồi đi thẳng vào bếp. Đoạn nàng gọi chồng ra, thì thào dặn dò. Hắn sung sướng gật đầu lia lịa.

Bây giờ chỉ còn bé Dương và hai người bạn tù đã bao đêm nằm cạnh nhau. Khi tiếng kẻng cấm, tiếng kẻng thu hồn dóng dả, ngân nga dội vào rừng xanh, mỗi người đều im lặng với nỗi đau của mình, cô đơn nghiền ngẫm nó, cũng như cô đơn chiến đấu với đêm dài, một mình vật lộn với giấc ngủ, sự tập dượt hàng ngày dể sau này sẽ một mình vật lộn với cái chết. Chẳng ai giúp được ai trong lúc lâm chung hàng ngày và lúc lâm chung vĩnh viễn ấy.

Bé Dương đi lại phía bàn vịn vào đầu gối bố, áp má vào đấy, ngước nhìn lên ông khảch lạ. Giờ thì thoải mái mà nhin mà ngắm bộ râu của già. Bộ râu ấy che kín cổ, xuống tới ngực và động đậy mỗi khi già nói. Chưa bao giờ bé được nhìn thấy một cái gì tuyệt đến thế. (Ông nội cũng để râu, nhưng bộ râu của ông nội chỉ bình thường như những bộ râu khác, bé chẳng quan tâm).

Già Đô trông như người từ trong truyện cổ tích bước ra. Già đưa cặp mắt hiền hậu nhìn bé. Già biết nỗi khát khao của bé: Được sờ vào bộ râu già. Già cũng biết ngay đây là thằng bé hắn vẫn kể chuyện trong tù, ngày ấy hắn chưa biết mặt.

Thằng bé lên năm làm già xúc động. Thật chẳng có gì sánh được với những sinh vật như vậy. Nhìn chúng, lòng ta dịu lại. Nhìn chúng, tâm hồn ta thư thái, nó làm ta có thêm nghị lực, có thêm tình yêu để sống. Nhất là với những người cô độc như già.

Già bế bé lên, hít mùi thơm của đứa trẻ. Trong giây lát già tưởng như đang ở Mác xây hai mươi năm trước. Ôi. Mùi của trẻ thơ. Già nhận ngay ra nó. Đã mấy chục năm, già vẫn nhận ngay ra nó. Dù ở Địa Trung Hải hay ven Tháí Bình Dương thì cũng giống nhau cả mà thôi. Già nắm bàn tay xinh xinh của bé đưa lên chòm râu cứng, điểm bạc của già. Già cười hồn hậu vì biết rằng đã làm thằng bé toại nguyện.

Thật ra mới đầu bé sợ. Rồi được già khuyến khích, bé vuốt cả chòm râu. Bé xoè tay như cái lược chải bộ râu của già. Bé vuốt từng sợi. Bé hoảng lên khi có một sợi râu rụng xuống…

- Dương. Để bác uống nước. Ra đây với bố.

Nó ngoan ngoãn sang ngồi lòng bố và chỉ lát sau hai mắt đã díp lại ngoẹo đầu vào ngực bố.

Già Đô về từ hôm qua. Nghĩa là được tha từ hôm kia. Cũng chẳng biết rằng mình được tha. Khi xếp hàng đi làm, người ta bảo ở lại… Về tới Hà Nội thì đã tối. Ngủ ở ga Hàng Cỏ một đêm.

- Cụ có gặp Dự không? Nó vẫn ngủ ở ga Hàng Cỏ đấy.

- Thế à? Nó ngủ ở đấy à? Đông lắm. Chẳng biết ai vào ai cả.

- Thế đêm qua già ngủ ở đâu?

- Ở ga đây thôi. Nhưng ở đây họ đuổi quá. Trên kia đông. Dưới này mỗi mình tôi, họ đuổi.

Già thở dài. Rõ ràng cuộc sống trước mắt của già chưa biết ra sao… Lành ít. Dữ nhiều. Già suy nghĩ nhiều hơn trước.

Già cởi áo bông. Chính cái áo bông hắn cho. Già đã kịp vá đè lên chỗ ghi số tù ở sau lưng và ở ngực bằng hai mảnh vải xám, xé từ một quần tù. Già toát mồ hôi. Cái áo bông dày quá. Mặc thì nóng, không mặc thì lạnh. Già giở túi vải phồng căng như cái bao tải, rút ra một gói vải con con đựng khoảng hai lạng chè búp.

- Trại cho được bốn mươi hai đồng. Mua lạng chè. Cụ cầm lấy uống.

Đó là món quà của người dù thế nào cũng nhớ tới bạn bè.

- Chẳng có gì. – già Đô vừa buộc lại vừa ấn ấn cái túi – Có cái chăn bông cụ cho. Cái cặp lồng cũng của cụ cho Dự. Nó được về nó lại cho tôi. Với cái ca con của tôi. Bộ quần áo…

Hắn bảo già lấy ra cái cặp lồng, cái ca. Hắn đặt những thứ đó lên bàn. Lại nhìn thấy rừng. Lại nhai lá sắn non. Cái bếp than bé xíu, ca chè sôi rim rim. Lại nghe thấy tiếng kẻng thu hồn, tiếng kẻng mặc niệm tới gia đình. Hắn hiểu ngay rằng cái ca, cái cặp lồng, cái áo bông, chăn bông là toàn bộ tài sản của già và sẽ theo già cho đến lúc chết. Với hơn ba mươi đồng còn lại trong túi, già sẽ sống ra sao?

- Thật là một sai lầm lớn, cụ ạ.

Già nhắc lại câu tổng kết ấy. Già nói với vẻ cam chịu. Câu ấy hắn đã nghe già nói trong tù rất nhiều lần. Hắn sẽ còn nghe già nói nhiều lần nữa. Như bao nhiêu người đã phải nghe hắn nói chuyện hắn đi kêu oan. Hắn bỗng nhớ đến chị Tường Lâm của Lỗ Tấn, bị sói ăn thịt mất con, gặp ai cũng than thở: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết, sói nó ra…” Nỗi đau quá lớn, chị nói để mọi người thông cảm, để vợi bớt sự giày vò trong lòng, để lên án chính bản thân mình. Mới đầu người nghe còn thương cảm. Nhưng khi cứ thấy chị nói mãi, nói mãi cái điệp khúc ấy, người ta không chịu được. Đến nỗi vừa trông thấy chị người ta đã nói ngay với chị những điều chị định nói cùng họ: “Tôi ngu dại quá, không biết khi trời có tuyết…” và cười phá lên trước vẻ mặt ngây ngô của chị.

Không. Hắn không để mình thành kẻ ngớ ngẩn, không để mọi người giễu cợt sự đau khổ của mình như chị Tường Lâm. Mong sao già Đô cũng đừng như vậy.

Cán chưa về. Lượng chưa về. Cân chưa về. Lê Bá Di cũng chưa về. Kỷ Mình, Hỉn Sán chưa về… Phổ đã về. Toán chăn nuôi về nhiều nhất. Sáu người, toàn những người trên bốn lệnh. Cái mandoline của Cán vẫn còn. Tất Tình chưa về. Ăn thì vẫn thế thôi. Ông chánh giám thị hình như lên cục phó cục lao cải. Ông thượng uý lên thay. Ông phó giám thị thượng uý lâu lắm rồi. Quân hàm bạc hết rồi…

À. Nhưng mà cụ có nhớ Sáng không nhỉ. Sáng năm lần trốn trại ấy. Sáng ấy đấy. Sáng, hôm sau cụ về thì đêm trước trốn trại ấy. Sáng được xử. Khoảng ba bốn tháng sau có phiên toà xử Sáng. Xử ngay ở sân trại. Cũng có công tố, chánh án, luật sư bào chữa. Đủ cả. Người dự toàn tù. Sáng đầu cắt trọc, gầy lắm, đứng trước vành móng ngựa. Toà đọc cáo trạng. Toà hỏi. Toà luận tội. Toà bào chữa. Toà tuyên án Sáng tám năm tù về tội trốn tránh cải tạo. Sáng chỉ nói: “Thưa quý toà. Tôi thấy tôi chẳng có tội gì nên tôi trốn về. Các ông ở xã ghét tôi”. Anh em, người bảo Sáng may. Hết lệnh bọp ba năm, ở thêm tám năm nữa là chỉ có mười một năm thôi. Người bảo nếu vậy Sáng bở quá. Phải cộng cả án cao-su lại với án tám năm. Ai cũng có lý. Chẳng biết ra làm sao.

Đó là những thông tin của già về những người trong trại.

- Yên trí rồi, cụ ạ. Có sao chúng mình cũng không chết trong tù nữa.

Hắn cười bảo già. Hắn vẫn nhớ đến điều già sợ nhất ấy. Cứ mỗi đám ma tù, già lại thì thào vào tai hắn:

- Chúng mình cố đừng để chết trong tù nhé.

Mà kinh thật những cái đám ma tù. Đến bây giờ nghĩ lại vẫn còn kinh. Những đám ma không tiếng kèn, tiếng khóc, không người đi đưa mà chỉ có người đi chôn thôi.

Đám ma A Thềnh, đám ma Xìn Cắm, rồi đến đám ma anh Mán… Khác với Xìn Cắm, A Thềnh đi xe trâu, anh Mán Ôtenlô đi xe công nông ra huyệt. Xìn Cắm đang khoẻ mạnh lăn đùng ra chết chứ anh Mán ốm lâu, ngay khi còn sống nhìn đã sợ rồi. Ai cũng biết anh sẽ chết. Người vàng như nghệ. Phù nề trương nứt, rồi tóp lại. Ôtenlô nằm cạnh già Đô khiến già càng sợ. Đi làm về thì Ôtenlô đã chết. Tấm chăn sợi đắp trên người như dán xuống chiếu, chỗ hai bàn chân đắp chăn vút lên như cánh buồm. Hai lỗ mũi sùi ra hai đống bong bóng như bong bóng con cua đồng óng ánh màu quang phổ. Nó không vỡ dù anh chết được nửa ngày. Có lẽ nó đã biến thành thuỷ tinh. Chiếc xe công nông nổ lạch bạch lồng lên sòng sọc hất quan tài từ bên này sang bên kia thùng xe khiến hắn tự hỏi: “Không biết xóc mạnh thế kia những cái bong bóng ấy có vỡ ra không?” Hắn định nói với già Đô – lúc ấy đương nằm sấp cạnh hắn, nhìn ra cửa sổ – một câu gì đó, nhưng già Đô đã thì thầm vào tai hắn:

- Cố đừng để chết trong tù, mang cái tiếng chết rũ tù, cụ ạ.

Sau khi chôn Ôtenlô, già hoảng thực sự. Suy sụp thực sự.

Già rất gầy. Mặt teo lại. Ho. Tức ngực. Hắn lục hòm quấy cho già một ít nước đường. Có mấy viên APC Ngọc gửi vào, hắn đưa cho già. Già uống thứ thuốc trị bách bệnh ấy. Nhưng vẫn dằn dọc. Ít ngủ. Trở mình suốt. Già bảo già đau hết mình mẩy. Già nghỉ việc. Ăn không hết suất cơm. Cứ bưng cơm về già lại nghiêng bát sẻ cho hắn một góc. Hắn nài nỉ già: “Cụ cố mà ăn đi”. Già lắc đầu: “Tôi không muốn ăn. Sức khoẻ dạo này kém quá”. Già không nói đến chuyện chết với hắn nữa. Vì vậy hắn biết già đang nghĩ đến chính điều ấy. Già đang sợ chính điều ấy. Già chiến đấu với nó hay già đã thoả thuận rồi. Có cách gì cứu được già không?

Gầy gò, mắt trũng sâu, lông mày cũng bạc. Già nằm ngửa, mắt đăm đăm nhìn mái nhà. Ngoài cái chết ám ảnh, già đang nghĩ gì?

Già nằm như vậy hơn tuần lễ. Rồi già nghe lời hắn gượng đi làm. Cho vui. Ở trại buồn lắm. Họ dồn người ốm vào một buồng khoá lại. Suốt sáng, suốt chiều. Quá thời gian giam cứu. Đã ốm lại càng ốm thêm. Đi làm có anh có em. Thay đổi không khí. Già xới rau. Già thở. Già ngồi bên đống lửa. Vặt ngồng cải ninh húp nước cho mát ruột, có chất. Xuống suối giặt bộ quần áo đã nặng mùi. Già bắt nhái. Kiên trì moi chộp từng con núp sau chùm rễ si rậm rịt. Già chồm đuổi con thằn lằn bò trên tường kho dụng cụ. Già chộp hụt nó phía đuôi. Già nhảy đón dầu, chẹn được nó giữa những tiếng hò hét ầm ĩ. Già ngồi thở dốc rồi nướng con thằn lằn trên than hồng. Mỡ xèo xèo. Thơm phức. Cá rô cạn đấy. Hắn không ăn. Để già tẩm bổ. Rồi già nhận dao quắm đi lấy phân xanh. Khi trở về người già thơm lừng mùi lạc tiên. Mùi lạc tiên sao quyến rũ. Đó là mùi của quá khứ, của làng quê, của thời thơ ấu tràn trề niềm vui sống. Già đưa cho hắn một túi lạc tiên chín ngọt lịm. Già vớ được một chỗ toàn lạc tiên. Ăn no. Ăn đến đâu tỉnh đến đấy.

Cái giống lạc tiên thơm rất dai. Bàn tay hắn cứ thơm mãi mùi lạc tiên. Suốt đêm hắn ngửi mùi lạc tiên thơm mát từ người già, từ râu già, từ quần áo già toả ra qua hai lượt màn sang chỗ hắn.

Và thật bất ngờ già khoẻ lại từ hôm ấy. Khoẻ từ hôm ấy cho đến tận hôm nay, đến ngày về như già đang ngồi trước mặt hắn. Hắn cầm tay già lắc lắc. Già rầu rầu:

- Gay quá. Tôi khác cụ. Chẳng biết sống sao đây.

Hết sợ chết già lại lo sống. Sống quả thực khó khăn vất vả, nhất là với những người như già, không một ai thân thích. Không nơi nương tựa. Không một chỗ đặt ba-lô, một chốn dung thân. Người bình thường đã khó. Với cái lý lịch đi tù, lại là tù chính trị, với tuổi tác như già, cuộc sống thật là một con đường hầm tối tăm, tắc tị. Hắn chẳng thể giúp gì được già. Hắn đã quá khó khăn. Thuốc lá cuốn có thời vụ. Đúng thời vụ cũng chỉ được đồng rau, suất gạo sổ… Mùa hè thì nghỉ, treo cầu lên tường. Không ai hút thuốc quấn. Nóng. Lại phải đợi đến mùa đông. Suốt mùa hè vừa rồi hắn chạy chọt khâu được vài chục cái bao tải của Công ty phế phẩm. Chầu chực lĩnh bao, chầu chực đóng thuế, chầu chực lĩnh tiền công. Chao! Đại khổ cực mà chẳng được mấy đồng (Công khâu ba hào một cái bao. Khâu cả ngày đêm cũng được chục bao đấy, nhưng có bao đâu mà khâu).

Bây giờ đang là mùa cuộn thuốc đây. Nhưng người khôn, của khó. Lắm người cuộn quá. Mãi không giao hết một ki-lô thuốc.

Không cần hắn nói, chỉ nhìn qua, già cũng biết hắn sống chẳng dễ chịu gì. Già uống nước và kéo ghế nhích lại gần hắn, nói với hắn bằng một giọng rụt rè ấp úng:

- Tôi định nói với cụ một việc…

Già ngừng lời, ngồi thẳng người lên và nhìn xuống bàn đăm chiêu. Không biết có việc gì mà đắn đo, ngần ngại như vậy. Nhưng hẳn là việc hệ trọng. Rất hệ trọng. Già nhìn quanh căn buồng một lúc, mặc cho hắn giục. Già rào đón:

- Thế này. Tôi cứ nói, nếu không được thì thôi, cụ đừng ngại gì.

- Nhưng mà có chuyện gì hở cụ?

Khuôn mặt già đau khổ. Rõ ràng số phận già tuỳ thuộc vào việc này, tuỳ thuộc vào câu trả lời của hắn. Già cũng rất khổ tâm vì già đã cùng đường rồi. Thực lòng già không muốn thế. Hắn đọc trên nét mặt già những điều ấy. Và cũng không hiểu hắn thì có thể giúp gì cho già.

- Tôi muốn nói với cụ, tất nhiên là không phải một mình cụ quyết định mà cả cụ bà nữa (ý già muốn nói tới Ngọc). Tạm thời thôi. Vì tôi chưa thu xếp được. Ở ga này không như ga Hàng Cỏ. Ga Hàng Cỏ ngủ được. Còn ở đây người ta đuổi.

Chuyện ấy già đã nói rồi, nhưng nghe nhắc lại hắn lờ mờ hiểu được điều già định nói.

- Với lại rồi cũng phải đi kiếm ăn. Chẳng lẽ đi đâu cũng mang cái túi này.

Già lấy hết cam đảm nhìn thẳng vào mặt hắn:

- Cụ bàn với cụ bà xem có cho tôi ngủ nhờ được không. Tôi biết các cụ cũng chật chội khó khăn… Tôi chỉ về ngủ buổi tối thôi. Còn ăn, tôi tự lo.

Hắn nhìn vào mắt già. Không thể nào từ chối được vẻ mặt ấy, đôi mắt ấy. Dù là chật chội. Chật chội đã đành, nhưng còn phiền phức, phiền phức trong sinh hoạt gia đình, đã hẳn. Lại còn chung quanh, toàn những người ghê gớm, những người coi sự bất hạnh của mình là hạnh phúc của họ. Và sau cùng, còn chính quyền, còn công an. Hắn chẳng có tội gì mà còn bị công an bắt, bị chính quyền coi là một phần tử nguy hiểm cho cách mạng. Chính quyền sẽ nhìn nhận thế nào nếu hắn, một tù chính trị lại đi chứa chấp một tù chính trị khác. Chắc chắn họ nhận định về hắn: Nếu trước đây nó không phản động thì bây giờ nó phản động. Cũng như hắn biết chuyện một người có gia đình bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất giờ đây không được đề bạt vì “trước đây bố nó bị bắn oan trong cải cách, thằng ấy thâm thù cách mạng…” Già Đô cũng hiểu tất cả những điều ấy trong vẻ mặt hắn. Già gần như nói một mình:

- Tôi bí quá. Nếu cụ giúp được thì tôi cũng chỉ dám nhờ một thời gian ngắn thôi.

Hắn rầu rầu:

- Vâng. Kể ra thì hơi chật chội, nhưng cụ cứ về tạm đây. Nhà tôi chắc cũng không có vấn đề gì đâu. Để tôi nói thêm. Chiều nay cụ cứ ở lại đây ăn cơm. Lâu lắm anh em mình không ăn với nhau rồi.

Hắn đỡ thằng Dương đã gục xuống gối bố, ngủ lăn, ngủ lóc, bế nó ra giường. Và bảo già xuống nhà rửa mặt mũi chân tay. Lại những cặp mắt tò mò của những người trong xóm nhìn già. Mà sao không nhìn cho được. Già còn lạ hơn ông già Vitali trong “Không gia đình” (1) lúc khổ cực cơ hàn nhất.

Hai người nói chuyện và đi thổi cơm. Trước khi đi làm Ngọc đã dặn nấu những món gì.

Ngọc tiếp đãi những bạn tù của chồng mình một cách đầy cảm thông và quý mến. Không ai có thể gợn một chút mặc cảm về hoàn cảnh của mình, khi nói chuyện với nàng. Nàng nhận lời ngay về việc già Đô ngủ lại ở nhà nàng.

(1) Tiểu thuyết của Hec-tô Ma-lô.

Nàng cư xử đúng như một người có đạo, dù Giatô giáo, Phật giáo hay đạo lý của những người cộng sản: Hãy thương yêu con người. Ăn ở sao để đức lại cho con. Phúc đức tại mẫu. Cách cư xử của nàng với mọi người khiến hắn kính phục, học tập. Ít nghĩ đến bản thân mình, rộng lượng, không có việc gì giúp đỡ được người khác mà lại không làm.

Hắn hiểu rằng cô nữ sinh kháng chiến ngày nào trong nàng chết hẳn rồi. Hắn chết. Cái chết của hắn kéo theo cái chết của cô nữ sinh ấy. Nhưng hắn chưa chịu chết. Hắn còn phải cựa quậy. Còn phải kiện. Phải kêu oan. Còn phải sống. Và còn phải viết nữa. Hắn phải viết vì đó là lý do hắn có mặt trên cuộc đời nay. Hắn phải viết về những gì hắn đã quý, đã yêu, đã sống, đã căm thù. Phải lồng vào khung kính những ngày rực nắng của tuổi ấu thơ. Cái tuổi mình đã biết có mình trên cuộc đời này để bây giờ nhớ lại mà buốt lòng. Phải đóng đinh lên trang giấy những kẻ sát nhân. “Bắt chúng đứng ngàn năm trên giá nhục hình. Mà mỗi lời thơ sôi sục lòng anh, là một sợi dây treo cổ”.(1)

Nghĩ vậy thôi chứ biết đến bao giờ. Khi biết bao chính sách không được cuộc sống chấp nhận “cứ trượt đi” như cách nói của Bình. Cuộc cách mạng này có lẽ phải làm lại. “Cuộc cách mạng thứ hai”. Đó là một tên truyện không đến nỗi nào. Nhưng biết đến bao giờ.  Những điều ấy hắn không dám nói với ai. Ngoài Bình. Bình bảo: “Trật tự xã hội này có cả phần của chúng mình xây dựng. Chúng ta đã một thời tự hào về nó. Bây giờ tao cố gắng bào chữa cho nó, nhưng không nổi. Chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm một phần”.

Biết tin già Đô đến ngủ ở nhà hắn, Bình đã cố tình gặp già, nhưng không được. Bình chỉ nhìn đống nội vụ của già như nhìn những gì còn đó của một cuộc đời oan khuất. Bình không gặp già vì già về rất muộn. Tắt đài một lúc mới thấy già về. Già đi lên thang gác khẽ như một con mèo. Những bước chân mịn như nhung. Già khẽ xoay nắm đấm cửa. Không một tiếng động, cánh cửa nhẹ nhàng he hé, già rón rén bước vào, tay cầm cái túi xách giả da cũ mà Ngọc đã cho già. Trong ấy có một cái cặp lồng, cái ca con, quai túi buộc cái khăn mặt cũng của Ngọc đưa.

Lúc ấy màn đã mắc. Nhưng ở cái bàn kê ngay nơi cửa bước vào chỗ hắn đã tiếp ông Hoàng – ngọn đèn có khoanh mảnh giấy vỏ bao phân đạm vẫn sáng. Lúc ấy có thể thằng Hiệp vẫn còn học bài. Có thể hắn vừa quấn xong thuốc lá. Ngọc đang thu dọn, hắn ngồi uống nước, chờ già. Hắn rót nước mời

(1) Thơ của Hắn.

già. Chén nước nóng. Khi trà mới pha. Khi thì đã nhạt. Già đỡ chén, xách túi đi thẳng vào góc nhà. Ở đó cái chiếu một đã trải. Tận phía trong cùng là cái chăn bông vải vụn gấp vuông vắn. Già uống chén nước nóng. Sụp. Soạp. Rõ ràng chén nước làm già thích thú. Nhưng già chỉ uống một chén. Già rón rén đi ra bàn, đặt chén vào khay và lùi về chỗ già, trùm chăn nằm ngủ.

Cũng có hôm cả nhà đã nằm, hắn để ngọn đèn dầu vặn nhỏ. Già lặng lẽ đi đến chỗ của già, không có chén nước nóng, nhưng căn buồng đóng kín, ấm sực hơi người làm già dễ chịu. Già nằm im lặng. Hẳn già vẫn cô đơn chiến đấu với đêm dài. Già vẫn thức. Bởi vì khi ngủ, già rên. Nên khi già im lặng, hắn biết già thức. Hắn rất muốn biết già làm gì, ăn uống ra sao, có no không. Nhưng già không để cho hắn hỏi. Cứ về đến nhà là già mau chóng bước vào góc ấy và trùm chăn. Sáng hôm sau khi cả nhà tỉnh dậy, già đã đi rồi. Chăn đã gấp, chiếu đã cuộn ấp lên cái chăn. Giống cách xếp nội vụ trong trại. Già đi từ lúc còn tối đất. Già mở cửa rất khẽ, xách túi, xuống thang nhẹ như một con mèo. Già ra đường. Gió thốc lạnh buốt. Nhưng già đã có cái áo bông to lắm. Già thụt người trong áo. Già mở vòi nước công cộng, súc miệng, rửa mặt. Buộc khăn vào quai túi. Và đi. Như một người đang theo đuổi một mục đích lớn lao, một người đang có một công việc phải chịu vất vả, phải gấp lên mới kịp.

Cái chu trình ấy hình như không thay đổi. Hắn phát hiện ra sau hai lần lặng lẽ dậy theo già. Cho đến khi thấy già lững thững đi về phía trung tâm thành phố hắn mới quay lại. Gần như không ai trong số nhà này biết hắn chứa chấp một người như già. Tắt đài già mới về. Già đi lâu rồi cái loa công cộng ở Ngã Bảy mới nổi nhạc thể dục buổi sáng. Cũng may lại là mùa đông. Người ta ngủ sớm và người ta dậy muộn.

Một hôm, già Đô đi được lâu lâu, trời đã rạng, hắn nghe có tiếng gõ cửa. Chả lẽ lại là già Đô quay về. Hắn mở cửa và không tin ở mắt mình: Ông Hoàng. Gọn gàng trong bộ quần áo thun có sọc ở tay và ống chân mà bây giờ người ta gọi là “xét-tô măng” trông ông thon thả, uyển chuyển và trẻ hẳn ra. (Năm ấy ông mới ngoài năm mươi tuổi. Thế mà hắn cứ nghĩ ông đã già lắm rồi).

Hắn lúng túng vì những cái màn cũ rách, màu nước dưa rủ trên giường, dưới sàn. Ông cười:

- Phê bình nhé. Dậy muộn. Dậy muộn.

Cả nhà nháo nhào trở dậy. Ông hỏi hắn giọng nghiêm túc:

- Sao thành phố bây giờ không thấy ai tập thể dục buổi sáng là thế nào nhỉ?

Đã có một thời phong trào tập thể dục theo đài buổi sáng phát triển khá rộng rãi. Đến phố nào cũng có một số người tập. Nhưng bây giờ cái loa công cộng có vang lên nhịp điệu quen thuộc ấy thì cũng chỉ để cho chính nó mà thôi. Sau đó sẽ là chương trình giới thiệu giọng hát mới ở địa phương. Ngoại trừ một vài giọng hát tàm tạm, toàn bộ những giọng đơn ca nam nữ cùng với dàn nhạc đệm đều là sự tra tấn lỗ tai mọi người. Sự tra tấn kéo dài ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Có những lần chị Diệu về ngủ ở nhà hắn, chị nghe và bảo “Sao kêu đường sớm thế, chú?”

Lúc ông Hoàng đến nhà hắn là lúc đang “kêu đường”. Ông Hoàng lắng nghe:

- Ca sĩ nào chán thế mà cũng phát.

Sau khi nghe hắn nói về những ca sĩ lượm lặt ở các xí nghiệp, công ty, cửa hàng, chương trình này mở đầu một ngày mới cho mọi người, ông Hoàng lắc đầu:

- Tập luyện thì cứ tập luyện, nhưng không nên làm khổ tai mọi người. Cũng chẳng phải thế mới là đề cao văn nghệ quần chúng, đề cao văn nghệ nhân dân.

Trong buồng, mấy mẹ con gấp chăn màn, dọn dẹp với một tốc độ phi thường. Nhưng ông bảo hắn:

- Thôi, cứ đứng ngoài hành lang này nói chuyện.

Hắn biết có một hội nghị gì đó ở thành phố, ông Hoàng về dự. Như vậy là ông đã gặp ông K, ông Trần.

- Tôi có gặp các anh ở đây. Việc của anh phải làm từng bước.

Thế nghĩa là ông đã vấp phải một vật cản. Cản được ông phải là một vật cản ghê gớm. Ông phải chịu lùi một bước. Nghĩa là ông K, ông Trần đoàn kết chặt chẽ chống lại ông.

Hắn hơi bị hẫng. Một thoáng thất vọng. Dù vẫn nghĩ rằng công việc chẳng dễ dàng. Ông K, ông Trần chẳng dễ dàng lùi bước. Đó là những người giờ đây lừng lững như những cây đại thụ, chỉ sông, sông cạn, chỉ núi, núi tan. Thân phận hắn chỉ là bèo bọt. Hắn chỉ biết “vâng” để đáp lại. Với những người như ông Hoàng không cần phải nói nhiều. Ông nhìn thấu lòng mình. Ông vẫn còn đau nỗi đau của người khác. Ôi! Giá như ông vẫn còn làm bí thư thành uỷ kiêm chủ tịch ở đây. Việc của hắn thật dễ ợt. Ông Trần trước đây không dám vào gặp ông Hoàng, cứ đứng nép ngoài cửa…

- Tôi nghĩ phải giải quyết việc làm cho anh trước đã.

Ông trao đổi ngay ở hành lang dự định của ông: Xếp hắn về một xí nghiệp nào đó ở trong ngành mà ông thấy hắn có thể phát huy tác dụng. Rồi ông xuống thang. Hắn tiễn ông ra tận đường, nhìn mãi theo ông chạy dưới hàng phượng vĩ mùa này rụng hết lá. Hai bàn tay xoắn xoắn vào nhau ngang ngực. Những bước chân hất lên. Toàn người ông một màu xanh lá cây của bộ “xét-tô măng” có những sọc trắng. Và đôi giày vải trắng. Ông chạy về nhà khách thành uỷ. Ông tiếp tục việc tập thể dục buổi sáng. Thật là một người có trách nhiệm với con người, tự nguyện mang những nỗi đau khổ của người khác.

Hôm sau, phó tiến sĩ Huỳnh lại ghé nhà hắn. Một mình phó tiến sĩ đi trên chiếc xe Vonga đen:

- Anh Hoàng mời anh ăn cơm trưa. 11 giờ 30 tại khách sạn Hùng Vương.

Hắn hỏi Bình về khách sạn ấy. Phố Hùng Vương những ba bốn khách sạn. Đoán mãi nơi ông Hoàng hẹn. Và đoán không nhầm. Hắn đến khách sạn dùng làm nhà ăn cho khách của thành uỷ.

Hai người ngồi một bàn. Bao nhiêu người nhìn hắn đối diện với ông. Ông Hoàng là một bí thư đã để lại trong lòng các cán bộ thành phố niềm quý mến, lưu luyến, sự kính trọng mà sau này nhiều bí thư khác không có được một phần. Có lẽ vừa do tài năng, vừa do đức độ của ông. Mọi người dồn mắt nhìn ông và nhìn hắn. Có nhiều người biết hắn. Và hắn ao ước: Giá ông Lan, ông Quảng, ông Trần trông thấy cảnh này.

Viên giám đốc khách sạn bước đến lễ phép hỏi ông Hoàng:

- Thủ trưởng dùng bia không?

- Ờ! Bia. Cho tôi hai chai.

Đích thân viên giám đốc đem bia đến, hai chai Hữu Nghị. Ông Hoàng lục các túi. Túi áo khoác, túi áo trong. Rồi đứng lên lục túi quần. Thấy hào nào, xu nào ông xếp cả lên bàn ăn.

Những đồng tiền hào giấy, những đồng năm xu, hai xu bằng nhôm. Ông đếm được bốn hào bảy. Ông đưa tiền cho ông giám đốc và khất:

- Để chuyển sau về tôi trả nốt. Còn thiếu bao nhiêu nữa. Thiếu ba hào cơ à. Ghi nợ nhé.

Ông rót bia. Bia vàng óng trong cốc pha-ìê. Ông giơ cốc, cười thoải mái:

- Nâng cốc.

Tiếng pha-lê chạm nhau ngân trong. Bia mát lạnh. Ông nói cho hắn biết nơi hắn sẽ về công tác. Đó chính là một xí nghiệp khi còn làm báo hắn đã theo dõi, đã xuống công tác, lấy tin viết bài.

- Anh sẽ làm thi đua. Ở đấy có một anh thi đua rồi, nhưng anh này không làm được.

Ăn xong, ông rủ hắn đi bách bộ. Hè phố buổi trưa vắng và lạnh. Đó là một phố đẹp nhất P. Ông nói về nhà máy cơ khí mà ông theo dõi chặt chẽ và là một ngọn cờ thi đua trong cả nước mà hắn cũng rất am hiểu. Hai người ôn lại kỷ niệm một buổi đi tắm biển. Ông mời những người phá kỷ lục trong các đợt thao diễn kỹ thuật đi nghỉ mát. Hắn cũng có mặt trong buổi gặp mặt ấy của đồng chí bí thư thành uỷ. Ước gì trở lại ngày ấy. Ước gì ông lại về đây làm bí thư. Hắn lại nghĩ: Giá các ông công an đi qua đây nhìn hắn và ông Hoàng đang sôi nổi trò chuyện. Để các ông ấy hiểu rằng: Hắn không chết. Không phải ai cũng như các ông ấy. Vẫn còn những người tốt cứu hắn.

Buổi chiều về nhà hắn kể lại cho Ngọc nghe tất cả. Nàng rất phấn khởi vì hắn sẽ được đi làm trong một ngày gần đây. Chẳng thể nào có được ngày xưa nữa, nhưng như thế đã là đổi đời rồi. Lại được đi làm. Có lương đều đặn. Dù ít ỏi nhưng ổn định. Và quan trọng hơn, đi làm, lại là cán bộ công nhân viên Nhà nước. Khôi phục được một phần về mặt chính trị. Cho hắn. Cho nàng. Và nhất là cho lũ trẻ. Nàng xúc động, nói với hắn, như người có lỗi:

- Tại em. Em nặng số lắm. Anh lấy em, khổ lây. Nhưng anh có quý nhân phù trợ.

Cơm tối xong, hai vợ chồng ngồi nói chuyện đến khuya. Ngủ sao được khi một tương lai khác đang đến giúp mình vợi bớt khổ đau. Giúp mình sống với một niềm hy vọng. Giúp mình ngoi lên được khỏi đáy, nó như cái hố phân sầu mà Sáng đã ngụp lặn.

Hắn còn muốn thức để chờ già Đô về. Tắt đài rồi. Lũ trẻ đã nằm trong màn, trùm chăn. Cái nắm đấm cửa bằng sứ khẽ xoay. Già Đô bước vào. Hắn gật gật khe khẽ:

- Cụ ngồi đây.

Ngọc về màn. Già Đô cảm thấy hôm nay có gì khác. Hắn rót nước, ghé sát già, thì thào:

- Mấy hôm nay, cụ làm gì?

Già trả lời ngay, không suy nghĩ:

- À. Nhì nhằng.

Rõ ràng câu trả lời này già đã nghĩ sẵn từ lâu rồi.

Hắn thấy người già bốc lên một mùi nằng nặng. Như mùi thiu. Lại như mùi đống rác ngoài đường chưa kịp xúc lên xe…

- Có nước nóng. Già có rửa ráy không?

Già lắc đầu. Hắn kéo già đứng lên và cầm phích cùng già xuống nhà. Hai người đi rất khẽ. Hắn pha nước (rất khẽ). Già cởi áo bông và khẽ khàng vớt nước nóng lên mặt, lên tay…

Hắn biết già thoải mái và dễ chịu. Hắn dành cho già một bất ngờ nữa khi đã lên buồng: Hai khúc sắn luộc đúng quy trình ở trong ấy, khi toán đi làm chủ nhật được bồi dưỡng. Bóc vỏ, đun sôi, chắt nước, rắc muối lên để âm ỉ một lúc. Miếng sắn đậm đà, chỉ tội hơi nguội. Già ăn. Không từ chối như mọi hôm. Đó là lần duy nhất già ăn khi về nhà hắn buổi tối. Già cảm thấy hắn có điều gì vui. Hắn nhìn già, khe khẽ:

- Trông cụ gầy đấy.

Già gật gù:

- Gầy là phải thôi.

Có lẽ chỉ già mới biết già đã sống như thế nào, ăn những gì. Cái cặp lồng già mang đi có được dùng đến hàng ngày không.

Già đi nằm, không mắc màn như mọi tối.

Khi hắn chợp được một lúc mà hắn tưởng như đã lâu lắm rồi, có tiếng đập cửa và tiếng gọi to như ra lệnh:

- Mở cửa nhé! Kiểm tra hộ khẩu đây!

Đó là điều hắn vẫn chờ đợi. Và hắn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Hắn bật điện, mở cửa. Anh hộ tịch đi cùng ông tổ trưởng dân phố (nguyên tắc nó phải như vậy). Đêm hôm đập cửa vào nhà người ta đánh thức cả nhà người ta đang ngủ phải dậy để đếm từng người mà sao họ không thấy phiền phức, bất tiện nhỉ? Có lẽ chẳng ai muốn, nhưng biết làm sao. Đây là công việc cần thiết, làm vì cách mạng, cái khổ tâm giảm đi được chín chín phần trăm. Công tác an ninh là một mặt trận sống còn, âm thầm lặng lẽ phải chịu khó và chịu khổ nữa.

Những nhà đương cục đứng chứ không ngồi. Họ đếm:

- Ai kia?

Cái nhìn hướng vào lùm chăn ở góc nhà, góc trong cùng cạnh chỗ thằng Hiệp.

Cái chăn lùng nhùng cọ quậy và một người ngồi nhỏm dậy. Già Đô râu dài, tóc xoã, dăn deo, sợ sệt, mắt nheo nheo vì chói ánh đèn. Người ta nhìn vào hắn. Ngọc cũng đã ngồi dậy. Nàng cố chỉnh đốn y phục, vuốt tóc tai cho đỡ bù xù, bước ra:

- Dạ thưa các anh, đây là bạn nhà tôi ạ.

- Có đăng ký tạm trú không?

- Dạ, chưa ạ.

Im lặng. Người hộ tịch gật gù:

- Đưa sổ hộ khẩu đây.

Ngọc tìm quyển sổ ghi hộ khẩu, phát minh của ông Thương Ưởng thời Chiến Quốc mà bây giờ toàn nhân loại đều học, nhưng thật đáng buồn cho Thương Ưởng, chính ông ta đã chết vì phát minh ấy của mình.

- Còn một cháu nữa đâu?

- Dạ, thưa anh cháu về quê ạ.

- Có báo tạm vắng không?

- Thưa anh cháu bé về với ông bà cháu ạ.

- Tức là không báo tạm vắng chứ gì?

Hắn im lặng. Ngọc im lặng.

- Bác khách có giấy tờ gì không?

Già Đô hất hẳn chiếc chăn bông ra. Già tìm trong đống bùng nhùng chăn màn, áo, túi, lấy ra một tờ giấy. Đó là tờ lệnh tha.

Anh hộ tịch xem rất lâu. Lật mặt trước, mặt sau tờ lệnh tha như có sự gì giả mạo rồi nói một cách bí hiểm và hăm doạ:

- Mai, anh chị và bác lên đồn nhận sổ hộ tịch, nhận giấy.

Rồi đi ra. Hắn nghe xem họ có gõ cửa nhà ai, vào nhà ai nữa không. Tất cả im lặng. Người ta chỉ kiểm tra nhà hắn. Lũ trẻ ngồi trong màn đã lăn xuống chiếu, kéo chăn trùm kín đầu. Già Đô ra bàn định nói chuyện gì đó. Hắn bảo:

- Thôi, muộn rồi. Anh em mình đi ngủ đi. Có gì để sáng mai.

Mọi người đi nằm. Nhưng nào ai ngủ được. Hắn không muốn bật điện khuya. Rì rầm khuya không có lợi.

Lo lắng. Suy nghĩ. Không biết người ta có thu sổ hộ tịch không? Có giữ giấy tha của già không? Và điều suy nghĩ nữa là: Bao nhiêu nhà, chỉ kiểm tra mỗi nhà hắn. Vì nhà hắn là nhà trọng điểm, người ta vẫn theo dõi, biết những ai đến với hắn. Biết cả già Đô về rất khuya và ra đi từ lúc còn tối đất.