Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014

THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (5): Đôi điều về dịch thuật

(tài liệu tham khảo)
Trịnh Y Thư
1.
Trước khi nói đến dịch thuật, bạn hãy cho phép tôi đưa ra một nhận định hết sức cơ bản và sơ đẳng như sau: Giữa bất kì hai ngôn ngữ dân tộc nào không hề hiện hữu sự đồng dạng cùng chia sẻ một hệ thống phối ngữ biến những kí hiệu ngôn từ hữu cơ thành những biểu hiệu có ý nghĩa. Nếu bạn chấp nhận đó là định đề hay nguyên lí đã được chứng minh thì tôi có thể rút ra một hệ luận dùng làm nguyên tắc chỉ đạo cơ bản cho công việc dịch thuật, đó là, nội dung một dịch phẩm ít nhiều có thể bị thêm, bớt, hoặc sai lệch với nguyên tác. Hầu hết các thể loại dịch thuật đều bị chi phối bởi nguyên tắc này, ít hơn ở sách giáo khoa, khoa học thường thức và nhiều hơn ở bình diện văn học. Nếu bạn đồng ý như thế, tôi có thể bảo dịch thuật văn học là sự tái tạo, hoặc sáng tác lại, một tác phẩm văn học để cho nó một đời sống mới.
Rất có khả năng nó sẽ tái hiện ở một “đời sống mới”. Bốn thành tố quyết định đời sống của tác phẩm là thời đại, nhà văn, tác phẩm và người đọc; một dịch phẩm hiển nhiên phải có riêng nó một đời sống mới bởi nếu dịch phẩm thành công thì chí ít năm mươi phần trăm những thành tố trên là mới. Đời sống mới này đôi khi còn rực rỡ, trường tồn hơn đời sống “cũ” của nguyên tác như trường hợp bản dịch Chinh Phụ Ngâm của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm; và, nhìn ở góc độ nào đó, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng là tác phẩm dịch.
Trên các diễn đàn văn học đã có khá nhiều những nhận định sâu sắc và giá trị về dịch thuật văn học. Tựu trung, có hai xu hướng: hoặc trung thành với văn bản của nguyên tác; hoặc đặt trọng tâm vào yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch. Theo tôi, ở thời đại của chúng ta, quan niệm đúng đắn phải là sự kết hợp chặt chẽ giữa hai xu hướng. Mặc dù những tôn chỉ chung chung như tín-đạt-nhã kềm chế người dịch, không cho hắn sa đà, nhưng người dịch không còn là kẻ “tra từ điển chuyên nghiệp” nữa. Có khoảng đất trống chừa cho hắn để hắn phô diễn nét tài hoa trong sáng tạo của mình. Câu hỏi được đặt ra là khoảng đất trống đó rộng rãi thong dong lắm không và có giới hạn nào không? Nếu bạn là Bùi Giáng thì không giới hạn nào có thể ngăn trở bạn được. Bạn có thể “tương” vào cả chục câu lục bát rất ư là Bùi Giáng ngay giữa mạch truyện của nguyên tác. Sự can thiệp tới hạn của người dịch như thế hiển nhiên có thể làm nhiều vị học giả nghiêm túc cau mày khó chịu. Riêng tôi, tôi thấy thú vị bởi tôi đang thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải một cuốn sách y học. Nhưng tôi không thể làm như Bùi Giáng, lẽ dễ hiểu bởi tôi không có văn tài độc đáo như ông. Nói như thế, dịch phẩm sẽ mang diện mạo của người dịch và điều đó góp phần không ít vào việc tiếp nhận của người đọc. Tôi không phủ nhận giá trị những dịch phẩm nghiêm chỉnh tuân thủ từng câu, từng chữ, từng dấu chấm dấu phết trong nguyên bản, nhưng tính Dionysian trong nghệ thuật bao giờ cũng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn và tôi sẵn sàng hi sinh cái chân lí tuyệt đối (đôi khi rất vô tích sự) để đổi lấy dăm ba nét linh diệu phù ảo của cái bất toàn.
2.
Song bạn có thể hỏi ngược lại tôi: “Đọc Mùi Hương Xuân Sắc, tôi đâu muốn đọc Bùi Giáng, tôi muốn đọc Sylvie của Gérard de Nerval cơ mà. Chỗ nào cũng thấy Bùi Giáng ‘lai rai phiêu hốt’ còn tác giả ra sao, văn phong như thế nào thì chẳng thấy đâu.”   Văn phong hay phong cách trong văn học là đề tài lớn, chúng ta từng nghe nhiều nhà phê bình nói đến. Tôi vốn dị ứng với lí thuyết văn học nên không dám nói gì ở đây ngoại trừ định nghĩa cơ bản của cụm từ “phong cách văn học.” Theo tôi, phong cách trong văn học giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật, nó tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nhà văn.  Nó chính là nghệ thuật của sáng tạo. Nhìn rộng hơn, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nhà nghệ sĩ. Claude Debussy và Maurice Ravel sinh cùng thời, đều là người Pháp, cùng sáng tác dưới luồng sáng của nhạc phái Ấn tượng, nhưng nhạc của hai ông khác nhau lắm, người nghe không thể nào lẫn lộn được. Đó là nhờ mỗi ông đều thành công trong việc tự tạo cho mình cái dấu ấn đặc trưng. Đôi lúc tôi nghĩ nghệ thuật phải chăng chỉ có thế, kẻ thành công lưu danh muôn thuở chẳng qua chỉ là kẻ có cái tài năng vượt trội biết sáng tạo nên cái khác thường, độc đáo, mà sau khi công bố người đời nhìn vào đều phải bật ngửa, ngẩn ngơ thốt lên, “Ủa, có dzậy thôi mà hồi nào đến giờ mình hổng thấy cà?”   Phong cách trong văn học định đoạt tiềm năng nghệ thuật của tác phẩm. Gustave Flaubert bỏ ra năm năm trời để viết cuốn Madame Bovary. Tác phẩm ra đời đánh dấu khúc quành quan trọng trong văn học Pháp tiền bán thế kỉ XIX. Ngoài sự kiện nó là cuốn tiểu thuyết “tâm lí” đầu tiên, chính phong cách nghệ thuật của nó, nội dung cũng như hình thức, đã khiến nó được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Baudelaire bảo sau Balzac chính Flaubert là người bứt phá, đập tan cái trì trệ của văn học Pháp lúc đó.   Nghệ thuật nằm ở cái “thần” của tác phẩm. Nắm bắt cái “thần” đó trong nghệ thuật rồi tái tạo nó ở một tính thể khác, theo tôi, không phải là chuyện bất khả nhưng nó đòi hỏi tài năng và sức làm việc khủng khiếp lắm. Tôi đang nghĩ đến tác phẩm tiểu thuyết Lolita của văn hào Vladimir Nabokov. Trong tác phẩm tiểu thuyết này Nabokov thuật một câu chuyện vô luân bằng thứ ngôn từ phải nói là linh diệu. Cú pháp và thủ pháp sử dụng Anh ngữ của ông kể như vào hàng cao thủ thượng thừa, chí ít cũng mười hai thành công lực. Tiếng Việt của tôi cũng phải linh diệu như tiếng Anh của Nabokov để dịch tác phẩm này, nếu không, tôi sẽ giết Nabokov mất vì tôi biến tác phẩm nghệ thuật của ông thành chuyện dâm ô! Nhưng cái vi tế trong mỗi từ tiếng Anh, liệu tôi có thể tìm thấy nét tương đương trong tiếng Việt không? Căn cứ vào định đề đặt ra ở phần vào nhập của bài viết, câu trả lời là không và có lẽ tôi sẽ không công bằng với Nabokov chút nào. Văn phong của Nabokov chính là cái linh diệu của ngôn từ ông sử dụng trong ứng tác nghệ thuật. Thế nhưng nếu chỉ với bút pháp dịch thuật linh diệu thôi thì đã đủ để lột tả phong cách văn học (nghệ thuật) của Nabokov chưa? Tôi không biết bạn ạ, bởi nó thuộc về cái bất khả tư nghì mất rồi, tôi phải dùng trực giác để định đoạt thôi và chưa chắc tôi đã thành công. Chữ nghĩa nằm nơi tầng thứ nhất của tác phẩm, tầng thấp nhất, dễ tiếp cận nhất và cũng dễ chuyển dịch nhất; sang tầng thứ hai, tầng chứa đựng cảm xúc, nếu khéo léo và với nỗ lực tối đa, có thể tôi nắm bắt được; nhưng đến tầng thứ ba, tầng cao nhất, nơi cái “thần” của tác phẩm ẩn nấp, của cái bất khả tư nghì thì tôi chỉ có cách dùng trực giác mình để “tùy cơ ứng biến” mà thôi.   3.
Traduttore, traditore—dịch là phản. Dĩ nhiên, giữa hai nền văn hoá bao giờ cũng hiện hữu những giá trị tương phản gần như nghịch lí, nhưng càng ngày, do sự toàn cầu hoá cộng thêm sự bùng nổ của Internet, tính tương phản ấy càng thu nhỏ. Hơn nữa, từ lâu tôi đã không xem ý nghĩa của nó là chân lí. Ngược lại là đằng khác, bởi nó có tính thời thượng. Với tôi, nó chỉ có tác dụng cảnh báo người dịch phải cẩn trọng tối đa bởi muôn vàn cạm bẫy cùng hầm hố lúc nào cũng túc trực chờ đón người dịch để chôn vùi hắn nếu hắn cẩu thả, không chịu khó tìm hiểu thấu đáo văn bản nguyên tác trước khi hạ bút. Tín-đạt-nhã. Ba tôn chỉ người Trung quốc đặt ra cho công việc dịch thuật, tưởng đơn giản nhưng quả thật không dễ dàng và con đường người dịch chọn lựa cho mình đi không rộng rãi bằng phẳng chút nào.   Cách đây ít lâu tôi bạo gan dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết The Unbearable Lightness of Being của nhà văn Tiệp Khắc Milan Kundera. Thoạt nhìn vào nhan đề cuốn sách, hiển nhiên vấn đề quan trọng và gay go nhất cho người dịch là làm thế nào để dịch từ “being” cho chuẩn và hay. Tôi đã mất khá nhiều thời gian suy nghĩ tìm kiếm một từ tiếng Việt thích hợp cho nhan đề của bản dịch. Khi tác phẩm khởi đăng nhiều kì trên tạp chí Hợp Lưu, tôi chọn nhan đề “Nhẹ Kiếp Nhân Sinh” vì tôi thấy cụm từ “kiếp nhân sinh” có vẻ “ăn khách vì hợp thời trang triết học hiện sinh” lắm. Trong đám bạn bè có người thích nhan đề này. Tuy vậy tôi vẫn thấy có cái gì không ổn và tôi nhíu mày bảo anh, “Nhưng nhan đề thiếu chữ Unbearable vốn quan trọng không kém và Kundera sẽ không vui nếu ông ta biết tớ bỏ một chữ của ông ấy, làm sao bây giờ? Hay là cậu cho tớ thêm chữ Khôn Kham vào thành Khôn Kham Nhẹ Kiếp Nhân Sinh nhá. Nghe như câu lục của bài thơ lục bát ấy. Được không?” “Xì, tựa sách gì mà dài như chợ Đệu, chẳng ma nào thèm mua đọc đâu.” Anh bạn tôi trề môi lắc đầu. Thế là sách có nhan đề mới “Đời Nhẹ Khôn Kham” như bạn thấy. Từ “nhân sinh” biến thành “đời” và Kundera, nếu biết, chắc chắn sẽ không vui bởi “being” với ông không phải là “đời sống”! Ngay cả “nhân sinh” hoặc “hiện tính”, “hiện hữu”, “hữu thể”, “thể tính”, “con người”, “thể chất”, “bản chất” và cả chục từ khác tôi tìm thấy trong các từ điển Anh-Việt cũng không thể nào phù hợp một cách xác thực với ý nghĩa Kundera muốn nói đến trong từ ngữ. Ông nói như sau về ý nghĩa của từ “being” dưới nhãn quan siêu hình của ông: “… Nếu sau khi chết chúng ta vẫn tiếp tục mơ, sau cái chết vẫn còn có cái gì đó thì cái chết không thể nào giải thoát chúng ta ra khỏi nỗi kinh khiếp của cái being.” Đúng ra, ông mượn câu độc thoại của Hamlet “To be or not to be” trong bi kịch Hamlet của Shakespeare.  “… Hamlet đưa ra vấn nạn về cái being chứ không phải đời sống. Sự kinh khiếp của being là: Cái chết có hai mặt. Một mặt là cái non-being, mặt kia là sự hiện hữu vật thể ghê sợ của cái thây ma.”   Phải chi tôi được quyền dịch là “Khôn Kham Nhẹ Cái Bi-ing”! thì đỡ khổ cho tôi biết mấy. Thôi, tôi đành phụ lòng Kundera vậy. Nếu người dịch là kẻ bắc cầu giữa hai nền văn hóa thì cây cầu của tôi là cây cầu khỉ lắc la lắc lẻo băng qua đại dương đầy sóng dữ.
4.
Bạn hỏi tôi tại sao chọn con đường dịch thuật. Không, tôi đâu có chọn nó. Nó chọn tôi đấy chứ. Dịch mệt lắm. Dịch còn có nghĩa là sai khiến. Với tôi, nó đồng nghĩa với “dịch vật”. Từ điển Hán-Việt của cụ Đào Duy Anh định nghĩa “dịch vật” là “Sai khiến mọi vật, như dùng trâu cày dùng ngựa cỡi.” Đôi khi người dịch chẳng qua chỉ là con trâu kéo cày, bảo gì làm nấy, đổ mồ hôi, sôi nước mắt.   Và “dịch vật” nhất là dịch thơ.   Dịch một bài thơ có lẽ nhanh chóng hơn dịch một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn. Tôi không tin tưởng vào việc dịch thơ lắm mặc dù trước đây tôi có lai rai dịch một số thơ của Yevgeny Yevtushenko, Boris Pasternak, Czeslaw Milosz, Robert Frost . . . sang Việt ngữ, phần lớn là những bài tương đối dễ dịch, dễ hiểu, không đòi hỏi chữ nghĩa ẩn mật hoặc tư duy siêu hình. Có nhiều lập luận chống đối việc dịch thơ, phần lớn là của các nhà thơ. Họ bảo bản dịch không bao giờ lột tả được trọn vẹn cái phong phú và ẩn mật của chữ nghĩa trong nguyên tác. Quả tình tôi không rõ lắm, hoang mang là đằng khác, và mỗi lần dịch thơ, tôi đều cảm thấy có cái gì bất ổn.   Nghệ thuật thơ là phương thức phối từ trong câu thơ khiến cho ý thơ trở nên phong phú, tạo phong cách nghệ thuật, gây thú vị nơi người đọc. Mỗi từ đứng riêng một cõi xem tầm thường vô vị nhưng khi kết hợp nhau nhờ cây đũa thần của nhà thơ bỗng như mang sức mạnh truyền tải cảm xúc mạnh mẽ. Giở ra một bài thơ nổi tiếng của một thi hào lớn nào đó, tôi thấy các từ ngữ ăn nằm với nhau như các gam màu trên bức tranh tuyệt hảo và hồ như chúng chỉ có tác dụng ở ngôn ngữ của nguyên tác thôi, khi chuyển sang ngôn ngữ khác, hiệu ứng đó mất sạch. Tôi không rõ lắm, chỉ mơ hồ nhận biết như vậy. Nhưng bạn cứ để tôi tiếp tục dịch bài thơ. Rồi nhạc tính trong thơ. Tôi phải cải biên tính nhạc của bài thơ như thế nào để khúc giao hưởng hoành tráng tuyệt vời đừng biến thành giai điệu tưng từng tứng tưng từng vô vị, gượng ép. Rồi cảm xúc của bài thơ—nếu bạn theo tôi trèo lên tầng thứ hai của thi phẩm—sẽ ra sao nếu chúng ta cho nó cái đời sống mới mà chúng ta o ép gán lên nó? Ngoại trừ những thể thơ cố tình chối từ cảm xúc (mà từ lâu tôi ngưng theo dõi vì quá ngán ngẩm), phần lớn thi ca của nhân loại đều mang nặng tính trữ tình. Ở đó, trĩu nặng đằng sau mỗi từ ngữ, mỗi con chữ, là cả một khung trời, một mảnh đất, một dòng sông, một con phố, một dung nhan, một tình yêu, một cành cây, một phiến đá, một ngôi nhà, một thành quách, một đền đài, một kỉ niệm, một quãng đời, một lịch sử, một thời đại đặc trưng mà khi chuyển ngữ chúng như bị lưu đày sang mảnh đất hoàn toàn khác lạ. Những con chữ thốt nhiên hoảng loạn; chúng li tán, ngơ ngác, loạn xạ; lai lịch chúng biến đâu mất, bản lai diện mục chúng không còn mà còn lại chỉ là những xác chữ vô hồn. Bài thơ trở nên vô cảm. Tôi nhìn những từ ngữ đường bệ hạnh phúc nằm bên nhau trong bài thơ nguyên tác bỗng thấy tội nghiệp cho chữ nghĩa của tôi nhếch nhác buồn thảm như những khuôn mặt đám lưu dân vô tổ quốc bên bài thơ dịch và tôi vò nát trang giấy rồi ném nó vào sọt rác.   Có lẽ tôi sẽ vẫn dịch thơ nhưng quả thật đó chỉ là công việc của người học trò tập tành làm thơ.   5.
Các nền văn học dân tộc trên thế giới hầu hết đều có truyền thống dịch thuật lâu dài. Nhiếu chứng tích thư tịch cổ cho thấy loài người đã dịch từ khi có ngôn ngữ viết. Sự trưởng thành của nền văn học dân tộc nào cũng kèm theo sự trưởng thành của các cao trào dịch thuật. Riêng ở Mĩ, xứ sở tôi đang sinh sống, gần như không có tác phẩm nghệ thuật quan trọng nào không được dịch sang Anh ngữ, từ Homer đến Đường thi, Hài cú. Thậm chí Tôn Tử Binh Pháp của Tôn Tử viết từ thời Chiến Quốc bên Trung Hoa cũng có chí ít hai ba bản dịch khác nhau. Tác phẩm của những nhà văn quan trọng ngoài dòng văn học những quốc gia nói tiếng Anh đều có bản dịch bày bán cho công chúng. Đó là thành tựu to tát xây đắp bởi nhiều thế hệ. Tri thức của nhân loại mấy ngàn năm bạn có thể đọc hết chỉ cần bạn thông thạo Anh ngữ (và có thời gian).   Đó là những điều tôi chứng kiến, bởi thế tôi rất ngạc nhiên khi bạn bảo tôi “… nước Mĩ, vì ít bị áp bức trong vấn đề tự do ngôn luận, nên đã không có một truyền thống mạnh về dịch thuật.” Tôi không đồng ý chút nào về lập luận này. Đúng hơn, dịch giả Mĩ là những người thầm lặng bị lãng quên. Tên tuổi họ không ai biết đến. Họ là chuyên gia, mà chuyên gia thì xoàng quá, ai cũng có thể làm được, chỉ cần chịu khó học hành và lao động. Đa phần người ta nghĩ như thế. Lại tủ sách lấy xuống cuốn One Hundred Years of Solitude của Gabriel García Márquez, tìm mãi tôi mới thấy tên dịch giả Gregory Rabassa nhỏ xíu nằm khiêm nhường ở trang trong. Họ cũng ít ồn ào. Chẳng bao giờ bạn nghe tin một dịch giả bị công an chính quyền độc tài bỏ tù vì những gì ông ta dịch. Bạn cũng chẳng bao giờ thấy dịch giả đi diễn thuyết trước công chúng nói về những điều trong dịch phẩm của ông. Ê, nếu tôi muốn biết tường tận về tác phẩm X thì tôi tìm đến nghe tác giả nó nói chuyện chứ việc gì tôi phải nghe một người second-hand như ông! Hơn nữa, văn học Mĩ quá phong phú và đa dạng, độc giả Mĩ không có nhiều nhu cầu tìm đọc các tác phẩm nước ngoài. Dịch phẩm đa phần được chiếu cố bởi giới trí thức, kinh viện ngoại trừ những tác phẩm nổi tiếng được công chúng biết đến qua báo chí, truyền thông vì nó dính líu đến khía cạnh chính trị.   Phần lớn dịch giả cũng là học giả, giáo sư Đại học, chuyên gia văn học so sánh, nghiên cứu sinh về ngôn ngữ và văn hóa thế giới. Họ làm việc với tinh thần nghiên cứu và dịch thuật luôn luôn là một chuyên đề cho họ bàn thảo. Dịch giả Mĩ hồ như là chuyên gia nhiều hơn là nhà văn, có lẽ tệ hơn thế, một người cạo giấy, một anh thợ thủ công nghệ.
6.
Dịch. Lao động thì như “dịch vật” lại còn bị người đời xem như anh thợ thủ công nghệ. Có thể tôi đang tô son trát phấn, trang điểm lộng lẫy cho cô Chung Vô Diệm chăng? Nghề văn vốn dĩ đã bạc bẽo, nghề dịch có lẽ còn bi thảm hơn.   Một hôm chiều thứ Sáu vợ tôi gọi dây nói trong lúc tôi đang làm việc ở cơ quan, “Anh ơi, tối nay về sớm anh pha bột cho em làm bánh nhé. Recipe em để sẵn trong bếp.” “Được rồi, chuyện nhỏ, em yên trí.” Tôi trả lời. Tôi về nhà đọc recipe của vợ và sắn tay áo pha bột làm bánh sinh nhật cho thằng con. Trong recipe có câu “Then pour in 5 cups of water.” Ồ, dễ quá, 5 “tách” nước đổ vào tô bột rồi cho máy đánh vào quậy. Quậy bột nên hồ. Tôi vừa làm vừa ư ử trong cổ một điệu nhạc quen thuộc. Phen này vợ tôi phải phục tài nội trợ của tôi sát đất mất thôi. Tôi làm xong bỏ đi tắm, chờ cô về nướng cái bánh tuyệt hảo.   “Giời ơi! Anh làm gì mà bột nhão như cháo loãng thế này!” Tiếng vợ tôi kêu lên thảng thốt. Mặt tôi đang hí hửng bỗng xịu xuống như mèo mắc mưa. “Ơ … thì anh làm đúng theo recipe của em đấy thôi.” Tôi chống chế. “Đây này, đổ vào 5 cup nước.” Vừa nói tôi vừa đưa cô xem cái tách cà phê tôi vẫn dùng uống cà phê mỗi sáng trước khi đi làm.   “Giời ơi là giời! Cup là cái này đây, ông ơi là ông!” Cô mở tủ bếp lấy ra một cái “cup” thủy tinh trên có những đường chỉ màu xanh vạch ngang, trên mỗi đường chỉ lại có thêm hàng chữ 1 cup, 2 cups, 3 cups chỉ định dung lượng của chất lỏng bên trong. Hiển nhiên một “tách” cà phê của tôi tương đương với 2 cups của cô! Thật là tai hại! Và sự nghiệp làm đầu bếp của tôi chấm dứt từ hôm đó.   Lost in translation. I rest my case.