Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 9, 2023

Vì sao phải đọc cuốn sách này?

Dạ Ngân

VỀ CUỐN SÁCH CUỘC SỐNG, CUỘC CHIẾN TRANH VÀ RỒI...

Có thể là hình ảnh về sách và văn bản cho biết 'ORIANA FALLACI CUÔC SỐNG, CUÔC CHIẾN TRANH VÀ RÃI... M DE NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HÒ CHÍ MINH'

Nhà văn Trương Văn Dân nhiệt thành và chu đáo, biệt nhãn với vợ chồng tôi. Mấy ngày trước nhất quyết mang cuốn này cho bà chị góa và nhất quyết muốn tôi phải đọc. Có lạ không? Không lạ, vì Dân hiểu sở đọc của tôi và… và cũng vì cực đoan như mọi nhà văn cần cá tính này khi mang lấy nghiệp viết. Tôi bảo tôi đọc Sự Lừa Dối Hào Nhoáng của Neil Sheehan (giải Pulitzer Giải Sách quốc gia Mỹ) và Cảm Tình Viên (còn được dịch là Kẻ Nằm Vùng) của Nguyễn Thanh Việt, tôi đã đối chiếu, tôi soi chiếu với trải nghiệm, hiểu biết thực tế và cảm nhận của tôi, tôi thấy đã đủ hoặc không bao giờ đủ, càng đọc càng thấy không đủ. Tôi đọc lùi về thời Xứ Đông Dương của Paul Doumer nữa để tham chiếu địa chính trị học, dân tộc học, xã hội học…và, khoa học cai trị của chính trị gia nữa. Nhưng, Dân vẫn khăng khăng, chị phải đọc cuốn này rồi sẽ thấy đủ hay chưa đủ hay là cuốn này vượt lên sự đủ, vì em đọc nó từ 1972, nguyên bản tiếng Ý, vừa đọc vừa tra từ điển và thấy là cuốn của mọi cuốn với góc độ ký giả viết về cuộc chiến Việt Nam!

Khổ công bạn văn của tôi, em ấy – tôi luôn gọi đôi Trương văn Dân – Elena là hai em, phải, Dân đã lùng khắp cõi bạn bè fb ở VN vì sách nguyên bản em để ở bên Ý, một người bạn nào đó có bản dịch tiếng Việt in năm 1991 của Nxb TpHCM và Dân đã đưa đi photo khổ to giãn chữ cho tôi dễ đọc. Bản photo của VN thì các bạn có thể biết, giản lược đến không chân dung không tiểu sử tác giả gì, như con người nơi trang trọng mà mặc áo cộc tay và chân không đi giày. Nhiều trang đóng kẹp ẩu bị nhíu, tôi vẫn cảm động bởi cái tình của em Dân và thương nể hơn khi em ấy cả quyết “Em đem một bản về Ý để đọc lại và đối chiếu xem bản in ở VN họ cắt nhiều không, cắt những chỗ nào!”

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang cười và cây

Đôi chim câu bên cửa sổ nhà tôi

Oriana Fallaci làm báo từ 16 tuổi, ưa thích những điểm nóng cực nóng như VN, Vùng Vịnh; phỏng vấn trực tiếp (và chắc là lịch sự một cách ngang tàng) Võ Nguyên Giáp, Henry Kissinger, Ali Buhto, Đặng Tiểu Bình… mà lại gợi cảm kiểu Ý và dám sống độc thân đến chết (trong cô độc), phải, nữ nhi phi thường đến vậy mà đến giờ tôi mới biết để đọc. Cuốn nổi tiếng thứ hai của bà được dịch ở VN năm 2015, “Thư gửi đứa trẻ chưa từng được sinh ra”, tôi có nghe mà cũng chưa đọc, thật tiếc, “thật đáng đời mày chưa DN”. Cuốn này “Cuộc Sống, Cuộc Chiến Tranh Và Rồi…” được dịch giả Lê Minh Đức dịch từ tiếng Pháp và in 1991, vì sao chìm lắng vậy? Nào, để xem, có lẽ do khi ấy chúng ta loay hoay tâm trạng mất Liên Xô mất Đông Âu mà TBT đã đi Thành Đô trong khi Mỹ chưa bỏ cấm vận. Ngay cả vợ chồng tôi hay săn sách để đọc cũng thấy tâm tư thăng giáng như chính mình đang ra khơi và cưỡi sóng, may rủi cả một quốc gia cười đó với hướng này mà trông ngóng hướng kia, lưng tưng, khắc khoải. Số phận một cuốn sách lớn về “một nơi điên loạn của điên loạn”, liên hồi chát chúa, máu me và thật sự “điên khùng” với góc độ con người của các bên, tanh tưởi kinh khủng hơn cả trong trang viết Bảo Ninh hay gần đây là Phan Thúy Hà, thì sao rất nhiều người Việt có thể chưa biết tới nó?

Oriana Fallaci đến Sài Gòn rồi rời đi, rồi lại đến và lại đến, trong vòng hơn 1 năm trước và sau Mậu Thân. Quá ngầu, quá liều, quá sắc sảo, và quá đa cảm đàn bà nhưng, nhưng gì nữa, hoài nghi và trực diện, không sợ bất cứ kiểu trực diện nào, Dakto, Pleicu, Khe Sanh (suýt quăng mình váo đó), rồi Huế Mậu Thân, rồi giữa hai làn đạn, dưới đạn pháo VC và dưới bom đạn Mỹ ở Khánh Hội, Chợ Lớn, Cầu chữ Y…; tận mắt nhiều cái chết của các nhà báo ngoại quốc ngay ở SG; cật vấn nhiều quân nhân Mỹ từ chỉ huy đến lính nhép; vô số và đối thoại “ghê gớm” với Nguyễn Ngọc Loan, với Nguyễn Cao Kỳ, với những tù binh VC quan trọng như Nguyễn Văn Sâm… và rồi, là sự cật vấn sự hoài nghi không yên không nguôi của chính mình. Tập Ký sự báo chí vô vàn chạm trán máu me vô vàn chết chóc và nhân vật – là một tác phẩm báo chí nặng trịch và sang trọng và nữ tính với những từ tốt đẹp nhất tôi cảm nhận tôi phải ghi nhận ở Bà. Đến nay đã có bao nhiêu người Việt trong nước này đọc nó và tri ân nó? Ôi sự đọc của chúng ta, trong đó có tôi. (Rất khác với cuốn Sự Lừa Dối Hào Nhoáng của Neil Sheehan – nhà báo Mỹ cự phách ở tầm vĩ mô từ nhân vật đến kích cỡ cuộc chiến, dĩ nhiên).

Có thể là hình ảnh về 1 người, đang hút thuốc, hộp đựng thuốc lá, thuốc lá và xì gà

Đẹp, giỏi và can đảm. Ảnh tôi lấy từ những nguồn có tiếng Việt, mọi ảnh hay khác dính đến bản quyền.

Bà sinh 1929, 76 tuổi thì mất ở quê nhà, thành phố Florence

Rời VN, bà suýt bị giết chết lúc bám theo Cuộc biểu tình của sinh viên và thanh thiếu niên ở Mexico chiều ngày 2 tháng 10 năm1968 khi họ phản đối Thế vận hội sẽ tổ chức ở đây vì “Ngân sách phải dành cho dân nghèo, cho việc làm, cho mọi thứ cấp bách hơn”. Chính quyền đã dùng quân đội và cảnh sát, xe tăng và súng badoca, trực thăng và súng đại liên để tắm máu người biểu tình. Sống sót, Oriana Fallaci sực tỉnh “Nếu đem so sánh với nó (cuộc tàn sát này) thì chiến tranh trở thành một trò-chơi-cao-thượng! (tôi gạch nối đế nhấn mạnh).

Trong cuộc đối thoại tâm tư của Oriana và Francois Pelou (nhà báo hãng AFP ở SG từ 1965 – 1968), người bà đề tặng cuốn sách này và là người bà mô tả và hay định nghĩa “đáng yêu đến mức không yêu không được”, đối thoại suông hoặc đối thoại trực tiếp cuồn cuộn những suy tư của hai con người “kỳ phùng địch thủ” khiến cho càng về cuối, cuốn sách thật khó mà không ôm lấy nó, càng hiểu vì sao nó không được những giải thưởng danh giá (từ Mỹ cho thể loại tác phẩm báo chí), không hề chi, biết vậy là được.

“Chắc chắn là tôi sẽ nhớ Việt Nam: đó là một đấu trường đang diễn ra cuộc đấu tranh anh hùng nhất trong mọi thời đại, Việt Nam là đất nước mà người ta không thể sống mà không anh hùng” (các bạn khoan vội cười những ý nghĩa khác nhau với cảm xúc này, vì dưới đây là):

“Có thật là người ta không thể sống không anh hùng không? Tôi chưa đồng ý. Hoặc là tôi hết đồng ý rồi, Francois ạ. Tôi đã quá mệt với chủ nghĩa anh hùng suốt một quãng dài trong cuộc đời tôi. Đến Việt Nam tôi lại bị chủ nghĩa anh hùng ấy xâm chiếm một lần nữa nhưng bây giờ thì tôi nhất quyết từ chối. Bởi vì một khi tôi chấp nhận chủ nghĩa anh hùng thì tôi phải chấp nhận cả chiến tranh. Mà tôi thì không được, không thể, không muốn chấp nhận chiến tranh”.

- Tôi xin nói với chị rằng những bài thuyết giáo chống chiến tranh của chúng ta rất đẹp, nhưng không được phỉ nhổ nhiều quá trên cái thường được gọi là chủ nghĩa anh hùng: bảo vệ con người không phải chỉ có việc ngăn cản họ khỏi chết. Điều đó có nghĩa là phải giúp họ trở thành một con người và, muốn làm người nhiều khi phải biết chết!

“Anh còn nhớ anh đã trích dẫn Pascal không Francois? “Con người nhất thiết điên đến nỗi phải có một lần điên nữa thì mới hết điên”. Cuộc sống là gì vậy, Francois?

- Tôi cũng không biết. Nhưng đôi khi tôi tự hỏi cuộc sống phải chăng là một thứ sân khấu mà người ta tự tiện ném vào đấy mà một khi đã bị ném vào thì ta bắt buộc phải băng qua. Có rất nhiều cách để băng qua. Theo cách Ấn Độ, theo cách Mỹ, theo cách Việt Cộng…

“Băng qua rồi thì sao?

- Băng qua rồi thì xong. Nghĩa là ta đã sống. Ra khỏi sân khấu, nghĩa là ta chết.

“ Còn như chết ngay?

- Chết ngay cũng vậy thôi. Sân khấu cuộc đời chị có thể băng qua nhanh hay chậm, thời gian không đáng kể. Đáng kể là cách ta vượt qua. Điều quan trọng là phải vượt qua cho tốt.

“Tôi nhớ đến câu mà anh đã nói với tôi ”Trăng là mơ ước của những người không có nó”. Nhưng tôi lại thích cái quả cầu xanh trắng, xanh da trời, lúc nhúc những xấu, những tốt, những cái gì đang sống mà người ta gọi là Trái Đất. Đó là một quả cầu bị nhiễm độc, tôi biết, và chỉ cần chạm tới nó chỉ cần sống ở đó, người ta cũng đã chết, tôi biết: cuộc sống, Francois, chính là một bản án tử hình. Nhưng anh đã có lý khi anh không nói với tôi điều đó. Và chính vì chúng ta bị tuyên án như vậy mà chúng ta phải băng qua, không được có một bước hẫng, không được ngủ một giây phút, không sợ phạm sai lầm, chúng ta không là thiên thần cũng không là thú vật mà là những con người. Đến đây đi Elisabetta, cô em gái bé nhỏ của chị. Cuộc sống là cái mà ta phải hoàn thành, đừng để mất thời gian. Cho dù nó có tan vỡ nó trong lúc ta hoàn thành nó”.

Có thể là hình ảnh về 1 người, máy đánh chữ và văn bản

Thời ông ấy ở SG, không bị yêu mới là lạ, năm 2016, trả lời phỏng vấn, ông thú nhận

"Cô ấy rất quan trọng với cuộc đời tôi". Ông thọ đến 94 tuổi.

------------

Cảm ơn em Dân của anh chị – nhà văn Trương Văn Dân – đã “bắt” chị đọc quyển sách tuyệt vời. Yêu quý các em, rất nhiều.

D. N

Nguồn: FB Dạ Ngân