Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Tiễn biệt chị, Lâm Thị Mỹ Dạ

Ngô Thị Kim Cúc

Biết chị từ sau 1975, vì hai hội văn nghệ Bình Trị Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng ở sát gần nhau, thường mời nhau làm khách trong những nghi lễ hội hè. Chị lại là vợ của một trí thức Huế rất nổi tiếng: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, thần tượng của lớp trẻ cố đô trước 1975, người viết văn hay, làm báo giỏi, dạy học giỏi.

Lại gặp và sống cùng chị trong khu nội trú của học viên dân sự khi cùng vào khóa 1 Trường Viết Văn Nguyễn Du - Hà Nội. Ba năm chung đụng trong cái dãy nhà kho mái tranh - vách đất - nền đất được cải tạo thành nơi ở đó, bao nhiêu chuyện vui buồn lớn nhỏ cả chung và riêng của nhau, chúng ta đều thấu tỏ.

Chị mang theo con gái nhỏ-Bê Lim ra Hà Nội học, để con gái lớn-Bê Líp ở lại Huế với anh Tường. Và đứa bé gái đang học nói đó, hàng ngày vào ngồi chung bàn với mẹ, cùng nghe bài giảng của các trí thức bậc thầy, cùng sinh hoạt với các cô chú nhà văn nhà thơ, trở thành một nhóc-hiện-tượng, một-bạn-thân-của-hiếm, một quà tặng hết sức đáng yêu cho tất cả đồng môn của mẹ.

Ba năm, chúng ta là những học viên có lòng nhứt của khóa 1: khi một số học viên nam bỏ bài giảng của một nhà thơ vì lý do nói-chuyện-nhạt, thì các học viên nữ vẫn bảo nhau ngồi lại, chỉ để ngắm và làm-thơ-vịnh chính nhà thơ đang ở trên bục, để giúp ông đỡ thấy buồn bực (bởi lớp rất vằng) và để chính mình không bị buồn ngủ. Khi mở rộng đề-tài-thơ ra, chị đã đọc vài bài ngẫu hứng của tôi và nói: Đây đúng là thơ mà. Vui thiệt. Một bài viết trong tình huống như vậy đã được chọn in vào Tuyển tập Thơ Nữ.

Ba năm học trôi qua, rất dài mà cũng rất nhanh, sáu học viên nữ đã trải qua biết bao biến động của cuộc đời riêng giữa cuộc đời chung. Chị và chị Lê Thị Mây về lại Huế. Chị Dương Thu Hương và Nguyễn Thị Đạo Tĩnh ở lại Hà Nội, chị Đỗ Thị Hiền Hòa về lại Hải Hưng, còn tôi về Đà Nẵng và từ Đà Nẵng lại chuyển vào Sài Gòn.

Đã 41 năm kể từ tháng 12 năm ra trường 1982 đó. Trong sáu nữ học viên khóa 1, chị Lê Thị Mây và Nguyễn Thị Đạo Tĩnh vẫn ở Hà Nội, chị Dương Thu Hương đang lưu vong ở Pháp, chị Đỗ Thị Hiền Hòa mới qua đời tháng 5.2022, và giờ là chị, Lâm Thị Mỹ Dạ.

Chúng ta có với nhau nhiều kỷ niệm, đi dọc cuộc đời nhau để nhận ra là, “đời người như gió qua”, đúng như Trịnh Công Sơn đã viết.

Những tháng ngày cuối đời của chị không vui, khi sức khỏe chị ngày càng kém, do ảnh hưởng của Alzheimer. Đó là bệnh lý hay phần nào là tâm bệnh của một người muốn quên đi nhiều thứ?

Những lần tới nhà anh chị sau này, tôi vẫn làm như không biết chị bệnh, vẫn ào ào hối thúc chị như thuở còn học Nguyễn Du: “Nhanh lên, nhanh lên ra xếp hàng. Có cá mè thịt heo thịt gà ngoài cửa hàng kìa...”. Và chị, mặt sảng sốt đôi chút, có vẻ như tỉnh thức đôi chút, bỗng làm như muốn chạy nhao lên theo lời giục của tôi.

Nhưng khoảnh khắc đó qua rất nhanh, chị lại rơi trở lại vào thế giới thầm lặng của mình, gương mặt ngưng đọng, gương mặt một người đã đào thoát thành công khỏi thế giới con người đầy những muộn phiền...

Chị đã rời khỏi những người thân yêu: các con cháu, người chồng cũng đang trọng bệnh, và rất nhiều đồng nghiệp/độc giả, những người biết chị qua gương mặt một nhà thơ không thể thiếu trong hành trình thơ của người Việt qua hai cuộc chiến tranh, qua một thời hòa bình nhưng không hề yên ổn...

Mong chị sẽ tìm được bình yên ở đâu đó trong vũ trụ bao la bí ẩn này, với niềm vui đủ cho chị muốn nhớ, muốn giữ lại tất cả thay vì đã từng quên...

Xin cảm ơn Bê Líp - Hoàng Dạ Thư, đứa con gái hiếu thảo đã chăm nom từ cha tới mẹ suốt hơn hai mươi năm, đã làm tất cả những gì có thể, đã sống cùng/chia sẻ cùng cha mẹ tất cả những biến cố trong đời, đúng như một đứa con mà cha mẹ nào cũng mong có được...

Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật...

Tiễn biệt chị, Lâm Thị Mỹ Dạ...

image

Năm 1982, năm cuối của chương trình ba năm (1979-1982) Khóa 1-Trường Viết văn Nguyễn Du
Dương Thu Hương, Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh bồng Bê Lim- Hoàng Dạ Thi (từ trái qua)

image

Gần đủ mặt Khóa 1- Trường Viết văn Nguyễn Du. Chụp ở số 51 Trần Hưng Đạo, với nhà văn Đặng Thai Mai. Năm 1982.

image

Đi đám cưới.
Trần Vũ Mai (đã mất), Thái Bá Lợi, Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, xxx, Lê Thị Mây
(từ trái qua)

image

Các học viên khóa 1 trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5-1995
Lê Thị Mây, Đào Thắng, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Trọng Tạo, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Thị Đạo Tĩnh, Trúc Phương
(từ trái qua)

image

Năm 2003, đến thăm và quay một đoạn ngắn với anh Tường - chị Dạ khi VTV4 làm phim tài liệu về Ngô Thị Kim Cúc.
Lúc này anh chị vẫn khá khỏe, dù anh Tường đã trải qua tai biến.
Hoàng Phủ Ngọc Tường, xxx, Đạo diễn-nhà thơ Nguyễn Bảo Chân, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ngô Thị Kim Cúc
(từ trái qua)

image

Năm 2013, Bùi Mai Hạnh từ Úc về, đến nhà thăm anh Tường- chị Dạ. Lúc này chị Dạ cũng đã bị Alzheimer nhưng còn nhẹ. Nhìn chị vẫn không khác lúc còn bình thường.
Ngô Thị Kim Cúc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bùi Mai Hạnh
(từ trái qua)

image

Chị Dạ đang cầm sách tặng của mình (tập bài báo văn học Ngọt như cà phê) còn anh Tường cầm sách tặng của Bùi Mai Hạnh (tập thơ Hồn và xác)

image

Tháng 12.2022, Văn Việt tới thăm anh chị Tường-Dạ.
Khi anh Hooàng Hưng và mình trò chuyện thiệt vui vẻ, chị Mỹ Dạ có vẻ tỉnh táo đôi chút.
Có lẽ đây là hình chụp hiếm hoi trong thời gian bệnh nặng của chị.
Mỗi sáng, Bê Líp đều cho người chăm sóc đưa xe anh chị Tường-Dạ từ lầu cao xuống sân chung cư để phơi nắng sáng.