Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Phan Thuý Hà - Người viết sách tự do

Lê Học Lãnh Vân

Phan Thúy Hà nói cô không phải là nhà văn dù được nhiều người gọi như vậy.

Tôi khóc theo những câu viết của Thúy Hà. Mỗi chuyện nhỏ của cô như một áng mây đen, nhiều áng mây gom lại thành bầu trời sũng nặng mưa trong từng quyển sách. Cũng đôi khi gấp sách trúng ngay một đoạn tả cảnh khiến lòng nhẹ nhõm. Cảnh mơ hồ quen thuộc như từ ca dao, từ những bài Quốc Văn Giáo Khoa Thư khiến lòng rung động, nhưng mà đôi dòng tả cảnh ít quá, nhẹ quá so với bầu trời đen kịt nặng nề…

Cảm xúc trên xuất phát từ sự chân thực và thô mộc của lời văn. Lần đầu tiên tôi cảm nhận ý vị chân thực thô mộc ấy là vào một năm học bậc trung học đệ nhất cấp (tương đương cấp hai bây giờ), khi đọc tác phẩm Trước Vành Móng Ngựa của nhà văn Hoàng Đạo.

Hai ngàn quan tiền phạt! Năm trăm quan tiền phạt! Ba tháng nhà pha! Một tháng nhà pha!... Những câu phán quyết lạnh lùng giáng xuống những người An Nam khốn khó thời Pháp thuộc những năm 1930 bị đưa ra tòa trước vành móng ngựa. Những câu phán quyết ấy cứ hiện lên trong tôi khi đọc các mẩu chuyện của Phan Thúy Hà. Nhưng khác với những người An Nam cùng khổ kia, các nhân vật trong phóng sự của Hà là những người lính của Miền Bắc và Miền Nam sau thời đó ba bốn chục năm. Họ không bị lôi ra tòa án nhận xử phạt tiền hay vài mươi ngày nhà pha. Họ bị đứng trước vành móng ngựa của thời cuộc để bị xử phạt để lại một phần thân thể trên chiến trường trong cuộc chiến khốc liệt hai mươi năm, cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai! Tất nhiên hàng triệu người bị xử phạt bằng mạng sống thì Hà không thể đưa vào sách!

Tôi cùng thế hệ với nhiều nhân vật trong sách Hà. Chúng tôi cùng bị lôi ra trước vành móng ngựa thời cuộc chiến tranh, những người có cùng số phận với các nhân vật được Hà phỏng vấn đã chịu tội thay cho những người như tôi may mắn được tha bổng!

Năm cuốn sách đã xuất bản của Phan Thuý Hà 
(ảnh: Tự Trung, trên Tuổi Trẻ cuối tuần)

Xin cùng nhau lướt qua vài nhân vật chịu tội…

Vợ chồng chú Châm trong cái chòi chăn vịt. Chú Châm đeo một bịch nước tiểu quanh người hơn bốn mươi năm, từ lúc bị thương ở bên sông Thạch Hãn năm 1973, khi chú là một lính nhảy dù. Vợ chú sửng sốt khi nhìn thấy chồng kéo áo lên trong đêm đầu tiên về với nhau. Cô có thể bỏ chú mà không ai chê trách, nhưng cô thương chú, ở lại với chú, chấp nhận một đời sống vợ chồng không bình thường, không có con

Bác Lý cụt hai chân, cụt một tay, mù một mắt, một mắt nhìn rất mờ. Nửa thế kỷ nằm một chỗ, không tự đi vệ sinh được. Nửa thế kỷ người vợ bác không bỏ bác một ngày nào. Nửa thế kỷ người vợ sáng đi cắt cỏ, lượm mủ cao su, để trưa về có một nắm gạo hay khoai mì nấu cho chồng, đút cho chồng ăn, và chiều lại đi đến tối, ngày qua ngày như thế, cả nửa thế kỷ như thế. Họ sống âm thầm trong rừng cao su, như ngoài lề xã hội

Rồi chú kéo áo lên chỉ cho tôi ba mảnh bom ở bụng, gáy và hông. Những mảnh bom chạm vào thấy lận cận. Người ta có thể sống được với rất nhiều mảnh bom dính trong cơ thể

Đó là bà Trí bò lại bên từng đứa con. Bà liếm máu trên từng xác con. Bảy cái xác nằm trên đất. Sáu đứa con và một đứa cháu. Một buổi trưa cuối mùa đông năm 1972 ở Hương Khê, Hà Tĩnh

Những người chịu tội như vậy nhiều vô số và trải dài từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau. Tôi quý Thúy Hà bởi vì qua những dòng văn thô mộc của cô người đọc hiểu hơn rằng đường vinh quang không chỉ xây bằng xác thù mà còn xây bằng xác ta nữa. Mà, kẻ thù cũng là anh em ruột thịt của ta, chính là ta đó! Bao nhiêu năm trời ta đã giết ta? Để hôm nay, cô gái hậu sinh là Thúy Hà tìm từng người sống cụt tay, cụt chân, mù mắt… ghi lại vết tang thương!

Thúy Hà bị chấn động khi biết những sự thực trước kia không được biết, không có quyền biết. Cô đã khóc nhiều lần vì nhiều lý do. Trái tim nhạy cảm của cô gái nhân hậu này không cho phép cô làm văn bóng bẩy trước những nỗi thương tâm quá lớn. Tình cảm sâu và nỗi đau lớn, bản thân chúng đã là văn chương thiên cổ!

Lý giải tại sao mình hối hả tìm từng người để viết, Thúy Hà lo “những chuyện có thật xảy ra trong những năm tháng ấy bị quên bẵng, bị biến mất, bị thêm bớt”. Và cô hối hả vì “ký ức phai dần và quỹ thời gian của họ không còn nhiều”…

Tôi nghe trong lời tâm sự của Thúy Hà từng giọt nước mắt “Tôi thấy có tội với thế hệ cha ông khi từ trước tới nay tôi không biết gì cả, sống như vô tri. Nay đã biết được một phần nào, tôi muốn ghi lại, cho những ai từng như tôi. Họ cần phải biết. Họ được quyền biết”. Tâm sự đó mang thông điệp chan chứa thương yêu. Trong tâm sự đó chắc không có chỗ cho chiến thắng, mừng công…

Phía sau ý muốn ghi chép, không biết Hà có hậu ý gì cho những quyển sách của cô. Riêng tôi, tôi thấy thực là vô lương tâm người Việt nào mưu toan dùng những xác chết và những cơ thể đui, què, sứt mẻ kia để đẩy thế hệ sau vào vòng thù hận thêm nữa! Lúc này không nghĩ tới thương yêu nhau, giúp đỡ nhau cùng phát triển mà nghĩ tới thù hận, bóc lột nhau thì không còn gì để nói…

Người Việt cần phải giải lời nguyền. Không phải lời nguyền địa lý, chính là lời nguyền do những cuộc nội chiến và đối xử tàn tệ nhau! Cũng không phải mới bây giờ, trong thế kỷ qua. Lời nguyền từ Nguyễn - Tây Sơn, từ Trịnh - Nguyễn, từ Lê – Mạc, từ xa hơn…

Lời nguyền chỉ có thể được hóa giải bằng tình thương yêu và tính hiền hậu!

Ngày 04 tháng 7 năm 2023

Nguồn: https://www.diendan.org/sang-tac/phan-thuy-ha-nguoi-viet-sach-tu-do