Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Ông viết về những người kể chuyện không đáng tin vì ông cũng là một người như thế

Alexandra Alter, The New York Times, 21/2/2021

Anh Hồng dịch

clip_image001

“Sau giải thưởng Pulitzer, tôi trở thành một – xin vui lòng đặt điều này trong ngoặc kép – “trí thức đại chúng”, Viet Thanh Nguyen nói. “Có lẽ tôi đã xử lý nó không tốt”. Ảnh: Joyce Kim dành cho The New York Times.

Một trong những ký ức sớm nhất của Viet Thanh Nguyen, là ông đang ở trên con thuyền rời khỏi Sài Gòn.

Đó là năm 1975, ông và gia đình đã không vào được sân bay và bị Đại sứ quán Mỹ từ chối nhưng cuối cùng đã lên được một chiếc xà lan, rồi một chiếc tàu. Ông không nhớ gì về cuộc đào thoát, ngoài chuyện quân lính đứng trên tàu của họ bắn vào những người tị nạn đang đến gần trên một chiếc thuyền nhỏ hơn.

Đó là ký ức thời thơ ấu duy nhất của Nguyen về Việt Nam, và ông không chắc liệu nó có thực sự xảy ra hay không hay nó đến từ điều gì đó ông đọc được trong sách lịch sử. Đối với ông, việc ông có tận mắt chứng kiến vụ nổ súng hay không không quan trọng.

“Tôi có một ký ức mà tôi không thể cậy dựa, nhưng tất cả các thông tin lịch sử đều chỉ ra rằng thực sự là tất cả những điều này đã xảy ra, nếu không phải với chúng tôi, thì cũng là với những người khác”, ông nói trong một video phỏng vấn vào đầu tháng này.

Dù là thực hay tưởng tượng, hình ảnh và cảm giác đó vẫn ở bên ông và định hình nên cuốn tiểu thuyết mới của ông, “The Committed”, phần tiếp theo của tác phẩm đầu tay đoạt giải Pulitzer, “The Sympathizer”.

Giống như “The Sympathizer”, “The Committed”, do Grove Press xuất bản vào 2 tháng 3 [2021], xoay quanh các câu hỏi về căn tính và ký ức của cá nhân và cộng đồng, làm thế nào người ta tưởng niệm các cuộc chiến tranh, kể những câu chuyện chiến tranh của mình, và điều gì xảy ra khi các ý thức hệ chính trị trừu tượng được triển khai một cách vụng về trong thế giới thực. Tác phẩm chứa đầy các vụ đấu súng, bắt cóc, tình dục và ma túy nhưng được trình bày bằng văn xuôi đậm đặc liên hệ đến các bản văn học thuật khó hiểu và các triết gia tên tuổi như Sartre, Voltaire, de Beauvoir, Fanon và Rousseau.

“The Committed” mở đầu bằng một cảnh mang cảm giác kiểu Homer, khi một nhóm người tị nạn đang thực hiện chuyến hành trình nguy hiểm trong khoang một chiếc thuyền đánh cá. Là một người tị nạn – và là người thường chỉ rõ rằng mình là người tị nạn chứ không phải người nhập cư – Nguyen muốn sử dụng hình ảnh mang tính sử thi để mô tả chuyến hành trình, để chống lại định kiến về người tị nạn là những người đáng thương và yếu đuối.

Ông nói: “Từ góc nhìn của phương Tây và những người không phải là người tị nạn, thuyền nhân – người chạy trốn bằng đường biển – thật đáng thương. Họ tuyệt vọng, họ sợ hãi, và họ chỉ là đối tượng của sự thương hại. Tôi muốn bác bỏ điều đó. Bạn phải nghĩ về họ như những anh hùng”.

clip_image003

“The Committed,” phần tiếp theo của tiểu thuyết đầu tay “The Sympathizer”.

Trong “The Sympathizer”, một điệp viên Cộng sản ẩn danh bí mật trở thành người tị nạn ở Nam California sau khi Sài Gòn sụp đổ. Sau một nhiệm vụ do thám gặp trục trặc, anh nhận thấy mình đang ở trong trại cải tạo của Cộng sản, ở đó anh bị người bạn thân nhất và cũng là người chỉ huy cũ của mình tra tấn.

Trong “The Committed”, người kể chuyện – tự xưng là Vo Danh, tức “Vô Danh” – đã thoát khỏi cuộc thẩm vấn của phía Cộng sản. Anh ta đến Paris và gia nhập một băng nhóm buôn bán ma túy, hành động tối hậu của sự nổi loạn kiểu tư bản chủ nghĩa. Anh không còn chắc mình là ai hay mình tin vào điều gì. Căn tính, sứ mệnh và thậm chí cả ý thức của anh – đôi khi anh tự gọi mình ở ngôi thứ hai – đã bị rạn nứt bởi sự dịch chuyển, vỡ mộng và tra tấn.

Đối với những người Pháp bản xứ mà anh gặp, anh là một trong số những “thuyền nhân” [les boat-people], một nhãn hiệu mà anh bác bỏ. Người kể chuyện nghĩ: “Tôi không phải là thuyền nhân trừ khi những người Anh hành hương chạy trốn đàn áp tôn giáo để đến Mỹ trên tàu Mayflower cũng là thuyền nhân”.

Nguyen, 49 tuổi và đang giảng dạy tại Đại học Nam California, hiện sống ở Pasadena cùng vợ, Lan Duong, và hai con, Ellison, 7 tuổi và Simone, 1 tuổi. Dù phần lớn cuộc đời mình sống ở California – ông lên 4 tuổi khi gia đình rời Việt Nam – ông vẫn còn bất an với cảm giác rằng mình sẽ trở thành một người rất khác nếu gia đình mình không trốn thoát.

Ông nói: “Ý nghĩ về một cuộc đời thay thế, cuộc đời song song, những vũ trụ thay thế, luôn ám ảnh tôi. Nó ám ảnh rất nhiều người trong chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam, về cuộc sống của chúng tôi lẽ ra đã như thế nào, và vì vậy tôi nghĩ cảm giác đó tràn ngập trong truyện hư cấu và phi hư cấu của tôi”.

Sau khi trốn khỏi Việt Nam, Nguyen và gia đình đến một trại tị nạn ở Pennsylvania. Nguyen bị tách khỏi ba mẹ và anh trai trong vài tháng và được đưa vào một gia đình người Mỹ. Ông nhớ mình đã hét lên khi gia đình chủ nhà đưa ông đến thăm ba mẹ, rồi lại đưa đi.

Vài năm sau, gia đình ông chuyển đến San Jose, Calif., nơi ba mẹ ông mở một cửa hàng tạp hóa Việt Nam. Vào một đêm Giáng sinh, khi Nguyen và anh trai đang ở nhà xem phim “Scooby-Doo”, ba mẹ ông bị bắn trong một vụ cướp. Khi ông 16 tuổi, một kẻ đột nhập có vũ trang đã cố xông vào nhà họ để cướp.

Nguyen bắt đầu viết truyện khi học trung học (ông sớm được nếm trải danh tiếng văn chương từ năm lớp ba, khi ông viết một cuốn sách có tên “Lester the Cat” nhận được giải thưởng từ Thư viện Cộng đồng San Jose). Tại Đại học California, Berkeley, nơi ông lấy bằng nghiên cứu Anh ngữ và dân tộc học, ông ngấu nghiến đọc văn học của các nhà văn Mỹ gốc Á và các nhà văn da đen, bắt đầu niềm yêu thích đặc biệt với tác phẩm “Invisible Man” của Ralph Ellison.

Ông học sáng tác với tiểu thuyết gia Maxine Hong Kingston và nhớ lại mình là một “học sinh tệ” (Kingston bác bỏ điều này: “Viet nói rằng anh ấy ngủ trong giờ học của tôi. Tôi luôn nhìn thấy anh ấy với đôi mắt mở”, bà viết trong một email). Trong suốt thời gian học đại học và sau đại học, ông đã viết những truyện ngắn về người tị nạn và nạn nhân chiến tranh Việt Nam. Mùa hè sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ Anh ngữ, ông đã có đủ truyện cho một tuyển tập.

“Tôi nghĩ, đây rồi, tôi có nền tảng cho một cuốn sách”, ông nói. “Tôi đã không nhận ra rằng phải mất 20 năm trước khi cuốn sách đó được xuất bản”.

Viet Thanh Nguyen won the Pulitzer for fiction in 2016 for “The Sympathizer.”*

Viet Thanh Nguyen đoạt giải Pulitzer cho văn hư cấu năm 2016 với cuốn “The Sympathizer.”

His story collection, “The Refugees,” was published in 2017.

Tuyển tập truyện ngắn “The Refugees” xuất bản năm 2017.

Nguyen tìm được một người đại diện [agent], Nat Sobel, người này nói với ông rằng một cuốn tiểu thuyết sẽ dễ bán hơn một tuyển tập truyện ngắn. Trong vài năm tiếp theo, Nguyen viết “The Sympathizer”, sử dụng hình thức của một tiểu thuyết gián điệp để giải cấu trúc một cách tinh quái những cách mà Chiến tranh Việt Nam đã từng được mô tả trong phim ảnh và tiểu thuyết.

“Tôi viết nó một cách lạc quan, nghĩ rằng hy vọng sẽ có khán giả cho những thứ như thế này, còn nếu không, thì tôi sẽ tạo ra khán giả”, ông nói. “Tôi cố tình chọn một phong cách đậm đặc, giàu tưởng tượng để kích động sự phản kháng từ phía độc giả. Tôi không muốn độc giả có mối quan hệ trong suốt với câu chuyện”.

Lúc đầu, có vẻ như ông đã quá lạc quan. Mười ba nhà xuất bản đã từ chối trước khi Peter Blackstock, một biên tập viên ở Grove Atlantic, đưa ra đề nghị. Blackstock cho biết ông bị quyến rũ bởi “giọng nói rõ ràng và văn xuôi phong phú, đầy tính ẩn dụ”, và bởi sự lật đổ đầy khiêu khích của Nguyen trong câu chuyện gián điệp giật gân.

Cuốn sách đã nhận được những đánh giá xuất sắc khi được phát hành vào năm 2015 và doanh số bán ra khá tốt cho một tác phẩm văn học đầu tay, vào khoảng 30.000 bản. Sau đó, Nguyen đoạt giải Pulitzer và sau là giải Mystery Writers of America’s Edgar Award cho tiểu thuyết đầu tay hay nhất, một ví dụ hiếm hoi về một tiểu thuyết gia giành được giải thưởng chính thống và giải thưởng về thể loại cụ thể cho một tác phẩm. “The Sympathizer” tiếp tục bán được hơn 1 triệu bản trên toàn thế giới, và Nguyen đột nhiên được mời làm diễn giả, người tham gia chương trình TV, khách mời chương trình truyền hình đêm khuya và người viết bình luận trên báo, lên tiếng cho người tị nạn và người nhập cư vào thời điểm mà cả hai nhóm này bị tấn công kì thị [nguyên văn: being demonized – bị coi là ma quỷ].

Giải thưởng và sự chú ý rất tốt cho sự nghiệp nhưng tệ hại cho công việc của ông. Trong năm tiếp theo, ông hầu như không viết được một từ nào. Ông nói: “Sau giải thưởng Pulitzer, tôi trở thành một – xin vui lòng đặt điều này trong ngoặc kép – “trí thức đại chúng”. Có lẽ tôi đã xử lý nó không tốt”.

May mắn thay, ông có hai thập kỷ sáng tác chưa xuất bản để dành. Ông nhanh chóng nối tiếp “The Sympathizer” với tuyển tập truyện “The Refugees” và một tác phẩm phi hư cấu “Nothing Ever Dies”.

clip_image005

“Ý nghĩ về một cuộc đời thay thế, cuộc đời song song, những vũ trụ thay thế, luôn ám ảnh tôi. Nó ám ảnh rất nhiều người trong chúng tôi, những người tị nạn Việt Nam, về cuộc sống của chúng tôi lẽ ra đã như thế nào”. Ảnh: Joyce Kim dành cho The New York Times.

Ban đầu, Nguyen không định viết series về một điệp viên vỡ mộng. Nhưng khi hoàn thành “The Sympathizer”, ông trở nên gắn bó với người kể chuyện giễu nhại của mình, giọng nói của người này đến với ông một cách tự nhiên đến nỗi nó giống như cái tôi thay thế của ông.

Ông nói: “Tôi không thể nói với tư cách là một học giả những điều tôi nói trong “The Sympathizer”, vì vậy việc viết nó thực sự giải phóng tôi. Tôi có thể lấy tất cả những ý tưởng và lập luận mà tôi đã có và đặt chúng vào miệng của anh chàng này, người có thể diễn đạt nó theo cách đáng ghét nhất có thể”.

Nguyen hiện đang lên kế hoạch cho cuốn thứ ba và cũng là cuốn cuối cùng trong bộ sách, cuốn này sẽ theo chân người kể chuyện khi anh ta trở lại Hoa Kỳ để “thắt lại những đầu mối còn lỏng lẻo”. Ông cũng đang thực hiện một cuốn hồi ký, có tựa đề “Seek, Memory”, để đồng cảm với Vladimir Nabokov, trong việc khơi gợi những ký ức mà ông đã kìm nén trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình.

Khi đào bới quá khứ, Nguyen đã phải đối mặt với những hồi ức sai lạc của mình.

“Cuốn sách một phần nói về ký ức, nhưng tất nhiên vấn đề về ký ức là ký ức của tôi không đáng tin cậy, tôi nghĩ những điều đã xảy ra nhưng thực chất không xảy ra, và ngược lại”, ông nói.

Trong tiểu thuyết của mình, Nguyen đã mô tả độ hổng [porous] của ký ức theo những cách gợi liên tưởng, so sánh nó với vết ố do cặn vôi để lại, một sàn nhà nhiều lớp có thể rửa đi, tủy xương tạo nên hương vị nước dùng. Khi người kể chuyện của “The Sympathizer” than thở rằng anh ta không thể làm lại những món ăn mà anh thèm ở nhà, nó nhắc anh nhớ về mọi thứ mà anh ấy đã đánh mất và lãng quên. Những gì anh để lại là một dư vị đáng thất vọng: “vị chua ngọt của những ký ức không đáng tin cậy, vừa đủ đúng để gợi lại quá khứ, vừa đủ sai để nhắc nhở ta rằng quá khứ đã rời đi mãi mãi”.