Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Văn chương, văn hóa Pháp và tầng lớp tinh hoa Việt Nam

(Suy nghĩ thêm khi đọc Văn chương về đề tài chiến tranh – phỏng vấn nhà văn Nguyên Ngọc – do Nguyễn Hồng Anh thực hiện)

Lê Học Lãnh Vân

Nguyễn Hồng Anh hỏi: Có nhà văn nào ảnh hưởng đến tư tưởng, phong cách viết của ông qua các thời kỳ không?

Trả lời câu hỏi này, Nguyên Ngọc cho thấy thời đi học, dù còn nhỏ, ông bị bắt đọc rất nhiều. Đọc như một cách học, và hòa hợp với cách học đó, ông đọc một cách say mê vì chính ông cũng bị lôi cuốn bởi nền văn hóa và văn chương sâu sắc, tài hoa, “nền văn chương và văn hóa Pháp vĩ đại. Văn chương Pháp sáng sủa, trong trẻo, tinh khiết. Và thấm đẫm tự do”.

Khi các anh em Văn Việt và bạn bè ngồi thảo luận văn chương với nhau, người viết bài này cũng thường nghe Nguyên Ngọc nói phải đọc nhiều, phải chắt lọc từ sự đọc thì mình mới sáng tác được văn chương hay, mang tính tinh hoa.

Các buổi thảo luận đó giúp tôi quan niệm rõ ràng rằng muốn làm văn chương phải đọc nhiều và tôi hình dung năng lực văn chương cá nhân như con sông. Năng lực văn chương ấy do đọc, mỗi tác phẩm đọc, suy gẫm như một phụ lưu, một con suối nhỏ hay một mọi nước ngầm, tất cả hợp lại tạo thành vận tốc chảy của nước, độ lớn của sông. Được trãi nghiệm cảnh sống hiếm người khác gặp, con sông ấy mới ào ạt tuôn dòng khi đổ ghềnh thác hùng vĩ, lúc êm ả trôi giữa đồng bằng phù sa…

Năm 1946 khi tản cư khỏi Hội An, ba tôi chỉ mang theo thứ quý nhất trong nhà là tủ sách gia đình”. Điều Nguyên Ngọc nói không chỉ đúng với gia đình ông, mà rất nhiều gia đình có sách thời đó cũng tản cư với sách. Người viết bài này, vào những năm cuối thập niên 1960, được đọc các tập tạp chí Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị... từ tủ sách tản cư của gia đình. Tủ sách ấy bị chủ nhân mang đốt từng cuốn sau năm 1975, mỗi cụm khói bay lên là một khối thất vọng rơi xuống!

Nguyên Ngọc từng nói với nhà báo Pháp rằng “văn học và văn hóa Pháp đã tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng Việt Nam. Những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… cả Hồ Chí Minh….”. Theo ý tứ câu này cùng một số câu đoạn dưới, tôi xin hiểu cách mạng là đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam giành độc lập những năm trước 1950.

Nếu hiểu hai chữ cách mạng như thế, tôi muốn thêm rằng, văn học và văn hóa Pháp đã tạo nên cả một tầng lớp tinh hoa Việt Nam, trong đó có “những nhà cách mạng Việt Nam. Những Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp,… cả Hồ Chí Minh….” và cũng có rất nhiều tên tuổi khác. Tầng lớp đó gồm những nhân tài xuất chúng mà vài gương mặt đại diện có thể kể ra như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Ngô Đình Nhu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Mạnh Tường, Phan Quang Đán, Vũ Văn Mão, Vũ Quốc Thúc… Nhiều nhân vật trong số đó chủ trương giành độc lập bằng phương cách ôn hòa, vừa bảo tồn nguyên khí quốc gia, vừa khai thêm dân trí, chấn thêm dân khí và cùng lúc phát triển công thương, kinh tế… Chỉ khi cái nền dân trí, dân khí và dân sinh đủ mức thì dân tộc mới giành lại độc lập, bảo vệ độc lập và phát triển đất nước được. Gương mặt đại diện sáng nhất của đường lối này là cụ Phan Châu Trinh, người dù xuất thân cựu học cũng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Pháp.

Năm 1945, cùng với sự đầu hàng của Nhật, thời cơ giành độc lập mở ra. Người dân Việt đã chọn cách giành độc lập bằng bạo lực quân sự. Sau khi Việt Nam giành độc lập bằng đường lối vũ trang, rồi đất nước chia hai, rồi lại tái thống nhất bằng biện pháp quân sự, nhiều người theo quan điểm chính thống cho rằng biện pháp ôn hòa do Phan Châu Trinh đề ra là không hiệu quả. Cũng không ít người nhận xét khác, thí dụ cho rằng bạo lực quân sự có thể giành độc lập từ Pháp nhưng không, hoặc chưa, đem lại nước Việt đoàn kết, giàu có, tiến bộ, mà một nước Việt như thế mới là mục tiêu chính của các cuộc vận động xã hội! Điều nhận xét này dựa trên tương quan so sánh về vị trí kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, công thương giữa Miền Nam Việt Nam xưa kia với các quốc gia hay vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, và vị trí tương đối đó của Việt Nam hiện nay bị tụt hậu nhiều sau bốn mươi tám năm thống nhất! Vậy thì, về mặt phát triển quốc gia, dân tộc, Việt Nam chưa thành công. Có phải đường lối giành độc lập bằng bạo lực là nguyên nhân?

Bài viết này cho rằng cho rằng chắc chắn có những khuynh hướng khác nhau, nhận xét về hai con đường bạo động và ôn hòa. Con đường bạo động được giới chính thống hiện tại xiển dương, văn chương viết theo khuynh hướng này được tự do phát triển. Còn văn chương viết về những hoài bão, tâm tình, cuộc sống của khuynh hướng ôn hòa thì bị kiểm soát ngặt nghèo, nghiệt ngã.

Cuộc chiến Việt Nam sống động biết bao! Cuộc chiến ấy phủ bóng tàn khốc trên số phận từng gia đình, từng cá nhân. Mỗi cá nhân đi qua thời chiến đó mang trong mình rất nhiều loại tình cảm đan xen… Bức tranh muôn màu sắc ấy được vẽ lại bởi những con người uyên bác, tài hoa, được khuyến khích bởi xã hội bao dung, khai phóng, hướng về tri thức, nền văn chương hậu chiến Việt Nam sẽ phong phú, đa dạng, rực rỡ… Nền văn chương ấy mới xứng đáng với mong ước sản sinh những tác phẩm đoạt giải văn chương Nobel. Việt Nam hiện nay chưa có môi trường tự do viết văn, nhưng chỉ cần một vài người có quan điểm độc lập, tự đứng bên ngoài các ràng buộc nhỏ nhen của chính trị, phe phái, những người ấy đã đạt thành tựu đáng nể phục. Nhà văn Dương Thu Hương với giải thưởng Cino Del Duca 2023 là một thí dụ đủ rõ.

Và, quan trọng hơn bất kỳ giải thưởng nào, chỉ một nền văn chương như thế, mô tả và phân tích tinh tế đủ mọi mặt cuộc sống, nền văn chương ấy mới giúp người Việt phát triển tình cảm nhiều cung bậc, đa dạng, giàu có và tiến về triết luận thay vì dừng lại ở mô tả sự việc, cảm xúc cùng những nhận xét nhiều cảm tính… Đó mới là cái nền chính để phát triển đất nước!

Ngày 20 tháng 3 năm 2023