Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Văn hóa và Phát triển (kỳ 7)

Đặng Văn Dũng

ĐẤT CÔNG VÀ TÂM THỨC “RUỘNG VUA CHÙA LÀNG”

Nghiên cứu lịch sử phát triển của Việt Nam không bao giờ được quên một định chế chi phối suốt chiều dài lịch sử: CHẾ ĐỘ RUỘNG CÔNG (trừ đồng bằng nam bộ là vùng đất mới). Ruộng công là ruộng của chung. Định kỳ 3 năm hoặc 6 năm, tuỳ làng, ruộng công được chia đều cho các thành viên của làng, kể cả cô nhi quả phụ. Những người không được chia ruộng là dân ngụ cư và mõ.

Việt Nam nằm trong khu vực nông nghiệp trồng trọt điển hình; chăn nuôi chỉ là nghề phụ. Chế độ ruộng công chắc chắn phải có từ thời công xã nông thôn tại các vùng đồng bằng bồi tụ. Sau mùa lụt, ruộng đất cần được chia lại do phù sa đã xoá nhoà ranh giới ruộng đất. Vả lại trồng lúa nước cần phải hợp tác trong việc cấp và thoát nước chứ không thể độc lực sản xuất như ở các khu vực thảo nguyên. Chế độ ruộng công đã giữ cho thiết chế công xã nông thôn kéo dài và bền vững. Khi hình thành nhà nước; nhà nước không quản đến từng người dân mà quản theo làng. Phu phen, thuế khoá mà không được thực hiện thì quan nọc xã trưởng ra đánh đòn. Thời Trần, tầng lớp quý tộc bao chiếm rộng đất gây nên tình trạng căng thẳng xã hội nên cuối thời Trần - Hồ đã phải ban hành chính sách “hạn điền, hạn nô” và đến thời Lê đã thực thi chính sách chia ruộng đất cho dân. Thực ra đây không phải là cải cách rộng đất như một số người lầm tưởng mà cũng không phải chính sách “quân cấp ruộng đất” mà chỉ đơn giản là thể chế hoá chế độ ruộng công vốn đã tồn tại từ trước và xoá bỏ bộ phận điền trang thái ấp và quy chế nông nô có từ thời Trần. Tới thời Lê Thánh Tông cấm hẳn việc mua bán người làm nô tỳ.

Không phủ nhận việc chế độ ruộng công đã tạo ra sự ổn định xã hội tương đối nên triều đại nào cũng ủng hộ chế độ ruộng công. Thời Nguyễn, ngay từ đầu cũng rất ủng hộ chế độ công hữu ruộng đất này (đã có đề xuất mua ruộng tư để chia cho dân). Vì thế ruộng vốn là sở hữu của làng đã chuyển danh nghĩa sang “của vua” nên mới có câu: “Ruộng của vua, chùa của làng” vì vua ủng hộ chế độ chia đất cho dân. Ruộng của vua nghĩa là ruộng của nhà nước. Nhà nước chứ không phải người đang khai thác được quyền định đoạt ruộng đất. Có tồn tại một bộ phận ruộng tư do nhiều nguyên nhân như tặng thưởng, mua bán ruộng tư của các đời trước..., nhưng không có vị trí đáng kể trong chế độ ruộng đất Việt Nam. Các vị công hầu trong xã hội Việt Nam xưa không được chia lãnh thổ như quý tộc châu Âu mà chỉ được hưởng phần thuế ruộng thu được ở một khu vực nhất định mà không có quyền cai quản khu vực đó. Do đó, họ không có khả năng chiếm giữ, cát cứ một khu vực như các damio (đại danh-đại gia) Nhật Bản, vì vậy ở Việt Nam không có tình trạng chính trị phân tán kéo dài.

Tóm lại chế độ ruộng công tạo ra một xã hội kỳ lạ. Phía trên là bộ máy nhà nước thu thuế và lao động công ích để trang trải chi phí và ở dưới là các công xã nông thôn hoạt động giống như các nông nô của nhà nước. Người dân có ý thức sở hữu rất kém vì ruộng là của làng, của vua chứ không phải của anh ta. Anh ta cũng ở vị thế tương tự các nông dân thuê ruộng ở Anh, khi nuôi cừu lãi hơn, các chủ đất đã đuổi họ ra khỏi đất vốn thuộc sở hữu của chủ đất (các nhà nghiên cứu Xã hội chủ nghĩa mập mờ về chi tiết lịch sử này, số lượng nông dân thuê ruộng không chiếm đa số và không phải là đại diện của nông dân Anh). Ý thức không rõ ràng về sở hữu dẫn đến tình trạng lạm quyền của nhà nước và thái độ cam chịu của người dân. Tài sản, quyền sở hữu cá nhân không được bảo vệ. Người dân chỉ phàn nàn về sưu thuế nặng nề chứ ít có chuyện phàn nàn về ruộng đất. Giả sử một chủ ruộng ở châu Âu bị chiếm ruộng thì anh ta sẽ nổ súng ngay lập tức và chết để bảo vệ ruộng. Ý thức sở hữu rất cao nên mới có câu: “Nhà của người Anh là pháo đài của anh ta”. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhà nước có thể thu một phần đồng bãi của một làng mà người dân không chống đối gì hết.

Không có mô tả ảnh.

Thực tế hợp tác xã nông nghiệp dưới thời Xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam dễ dàng thiết lập được là do truyền thống công xã nông thôn và chế độ ruộng công. Tất nhiên, đã chia ruộng thì ruộng đất manh mún, ý thức nhỏ mọn, tạo thói quen sống ở mức tối thiểu và không có ước muốn làm giàu, ước muốn thay đổi hoàn cảnh sống:

“Ông giẳng ông giăng,

Xuống chơi với tôi,

Có bầu có bạn,

Có ván cơm xôi,

Có nồi cơm nếp,

Có nệp bánh chưng,

Có lưng hũ rượu,

Có chiếu để nằm

...

Có rá vo gạo,

Có gáo múc nước,

Có lược chải đầu,

Có trâu cày ruộng,

Có muống thả ao,

Ông sao trên trời”.

(Đồng dao)

Việc không có ý thức cao về sở hữu của cả xã hội (cả chính quyền và người dân) dẫn đến tài sản không được bảo vệ và quyền cá nhân không được xác lập, làm xuất hiện thói thèm khát đố kỵ với tài sản của người khác do ở tâm lý coi tài sản là của chung. Trong bối cảnh tinh thần chung của cả xã hội như vậy thì động lực làm giàu hoàn toàn tan biến. Giàu có phải gắn với quyền lực chứ không có thứ giàu có độc lập với quyền lực vì sẽ rất nguy hiểm, bị tước đoạt lúc nào không hay. Kẻ giàu chỉ có thể là cường hào hoặc quan lại và giàu thường do vơ vét đóng góp của nhiều người chứ không do buôn bán lớn hoặc kinh doanh sản xuất.

Tâm thức này làm cho xã hội ngày càng nghèo khó do dân số tăng chứ không tạo nên bùng nổ phát triển. Đến cuối thời Nguyễn cả đất nước rệu rã trong tình trạng:

“Một lũ ăn mày, một lũ quan

Quanh đi quẩn lại chỉ một đoàn”

(Vịnh đèn kéo quân - Nguyễn Quý Tân)

Và yếu đến mức người Pháp đánh Việt Nam còn dễ dàng hơn người Tây Ban nha đánh người da đỏ ở Mexico. Năm 1873, chỉ có chưa tới 200 lính Pháp và lính mộ mà dễ dàng hạ thành Hà Nội có 7000 quân trấn giữ... chỉ trong một giờ đồng hồ.

Tình trạng mập mờ và không tôn trọng quyền sở hữu cá nhân vẫn còn cho tới ngày nay đã dẫn đến những xung đột dữ dội về ruộng đất và tình trạng dân oan khi mà ý thức của người dân đang thay đổi do tiếp nhận thông tin rộng mở của thời đại từ bên ngoài nhờ công năng khai sáng của internet. Cuộc va chạm văn hoá này sẽ còn gây nên những sự kiện choáng váng.

Bao giờ mới yên đây!

16/9/2020

Đ.V.D

(Còn tiếp...)