Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

“Sinh - XYZ - Lão - Bệnh - Tử”

Nguyễn Hoàng Văn

Cũng nên xét lại cái chu kỳ đau đớn đã khiến Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ gia đình và ngai vàng. Xét để thấy rằng cuộc đời, với mỗi cá nhân, thực sự là một chuyến xe chứ không đơn thuần là vòng quay, chỉ một vòng thôi, của cái bánh luân hồi; rằng cuộc đời thực sự là một dòng chảy với bao xoay chuyển mới lạ và thú vị chứ không chỉ là vòng nước, chỉ một thứ nước thôi, vòng vòng quẩn quanh trong cái ao tròn.

Tôi mang máng nghĩ đến điều này từ lâu trước một “Sinh - Lão - Bệnh - Tử” trong không gian ba chiều của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. [1] Suy nghĩ đó đậm hơn chút nữa từ một cảnh cảm động trong Return the Blue Lagoon về một dấu mốc lớn của đời người con gái. Rồi, bây giờ, có hơn 20 năm kể từ kể từ cảm nhận đầu tiên ấy, suy nghĩ đó đã cô đặc lại như một ám ảnh khi loáng thoáng đó đây những người bạn vong niên bắt đầu nói về buổi hoàng hôn của cuộc đời và, thậm chí, còn mơ hồ nhắc đến chuyện hậu sự. Trong cái cảnh đời chiều không mấy gì vui này tôi lại xem The best 30 years, một phóng sự truyền hình dài kỳ mà, theo đó, qua hàng loạt cuộc phỏng vấn, những năm tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời của mỗi con người cũng đều trải dài từ tuổi 20 đến tuổi 50. [2]

Vậy cũng đủ để xét lại lời Phật. Phải xét bởi nếu chỉ sinh ra để chờ già, chờ bệnh rồi chờ chết thì cuộc đời này chẳng có gì đáng để gọi là… đời sống và nếu chúng ta chỉ thực sự thăng hoa trong 30 năm giữa chặng thì nó đã bị sót tên giữa “lão” và “sinh”. Là X, là Y, hay là Z , chúng ta phải thêm cái gì đó nữa, như “Xuân” hay/và “Tráng”, tỷ như “Sinh - Tráng – Lão - Bệnh - Tử”, v.v.

clip_image002

 

Đầu tiên là tác phẩm của Lê Thành Nhơn. Trong khi “Sinh” chỉ là hình tượng bà mẹ mang nặng chờ đẻ đau thì “Tử” là một phụ nữ cuộn tròn như cái bào thai, chân tiếp nối đầu để làm nên ý nghĩa luân hồi. Chen giữa là “Lão”, “Tử”: trong khi “Tử” là một thân hình quắt queo xương xẩu thì “Lão” là một cụ ông chống gậy với bước chân thật dài mà, theo một trong những cảm nhận thoáng qua của tôi, là nỗ lực trầy trật của con người khi những bước chân nhanh nhẹn và xốc vác chỉ là hoài niệm, phải cố bước thật dài để hoặc, bù lại cái chậm chạp, hoặc, cố vươn cho tới những cái đích vẫn chưa thể với tới được.

Như thế giữa “Sinh” và “Lão” phải thiếu thiếu cái gì đó bởi đời người nào chỉ có vậy, nào chỉ sinh ra để già, để tựa vào sức nâng cây gậy mà kéo lê từng bước chậm? Phải có những ngày mà cây gậy kia hoàn toàn là chuyện xa xôi bởi bước chân đang nôn nóng của thời “Xuân” rồi tự tin hơn, điềm tĩnh hơn của thời “Tráng” chứ?

Tôi nghĩ đến Return the Blue Lagoon khi người mẹ sắp chết trăng trối với con gái. Bị nạn, phải tự sinh trên hoang đảo với con gái cùng một đứa trẻ khác và, trong cảnh “Bệnh”, biết mình sắp ra đi, người mẹ căn dặn đứa con gái bị tách biệt với nhân loại những gì sẽ xảy ra, những gì phải đón đợi, những gì phải làm. Rồi một ngày, không lâu lắm, bà sẽ chết: chúng sẽ phải đưa bà về với đất. Rồi một ngày, thân thể người con gái sẽ ứa ra dòng kinh nguyệt đầu tiên: đó là chuyện bình thường, không có gì để lo, và đó là điều làm tôi chú ý. Chúng ta vẫn thường nói đến “dòng đời” và nếu cuộc đời là một dòng chảy thì đời sống con người đã thăng hoa hơn với từ hai dòng chảy mới thoát ra từ đâu đó trong cửu khiếu; là dòng kinh nguyệt ở khi người con gái vào tuổi dậy thì, là dòng hơi cuộn xoáy trong thực quản khi người con trai cùng trang lứa vỡ giọng và đó chính là ngưỡng cửa để từng cá nhân từ từ bước vào chặng đời rực rỡ mang tên The best 30 years.

Nếu đời là một dòng chảy thì cái thiếu trong chu kỳ nói trên có thể là những dấu chân để lại, tưởng tượng như dấu chân người con gái, đã bước qua ngưỡng ấy, của Bùi Giáng:

Người con gái lội qua khe

Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau

Nỗi niềm tưởng lại xưa sau

Bàn chân với nước cùng nhau lại đè

“Đè” chân lên cái gì đó thì chúng ta đè để, hoặc, in dấu chân lên, như là Hollywood Walk of Fame ở Los Angeles, hoặc giữ nó nằm yên trong vị trí của nó. Nước chảy cũng như thời gian trôi và làm sao để in dấu chân của mình lên hay để chặn cái dòng trôi ấy lại? Bất tri tam bách dư niên hậu, Nguyễn Du từng trăn trở cho cái “nỗi niềm xưa sau” như thế trong “Độc Tiểu Thanh Ký” và, cho đến hôm nay, chưa đầy hai phần ba chặng đường, chúng ta vẫn thấy rõ dấu chân nhà thơ để lại qua những tác phẩm của mình, trong đó dấn chân in đậm nhất, là tác phẩm phải được viết ra trong The best 30 years của Nguyễn Du.

Nhưng những năm tháng ấy lại là những năm tháng xáo trộn và, giống như chúng ta của những ngày mới qua, Nguyễn Du cũng là một nạn nhân của buổi giao thời; hoàn toàn khác với những nhân vật tham gia phóng sự truyền hình The best 30 years, những công dân của xã hội phương Tây, những kẻ mà chiến tranh loạn lạc là cái gì đó xa xôi. Nếu tổ quốc là một con tin bị kẹt cứng trong sự tham lam mang tên chủ nghĩa thực dân hay những toan tính toàn cầu mang tên địa lý chính trị thì chúng ta lại là nạn nhân vẫy vùng để sinh tồn giữa những biến động và hậu chấn nảy sinh từ các mưu toan chính trị đó; từ những ngây thơ lý tưởng ban đầu hay tham vọng lợi quyền hậu lý tưởng nhưng, bất kể thế nào, trong dòng chảy nhiễu nhương của đời sống đó, mọi cá nhân đều có The best 30 years của riêng mình với những dấu chân của năng lực và nhân cách của mình.

Rồi thì 30 năm ấy cũng qua đi và, theo thời gian, dòng chảy ấy chậm dần theo đà lão hóa để rồi tắt hẳn và tôi lại nghĩ đến một cảnh trong Troy, với lời của Achilles, nhân vật thần thoại Hy Lạp đã đi vào ngôn ngữ chung của nhân loại qua huyền thoại về cái gót chân như là điểm yếu của nhà vô địch, bất khả chiến bại. Trường ca Iliad của Homes được đạo diễn Wolfgang Petersen của Hollywood tái hiện trên màn bạc trong đó nhân vật chính Achilles, do tài tử Brad Pitt thể hiện, tâm tình với Briseis, nữ quản tế đền thờ Apollo: “Thánh thần ganh tỵ với chúng ta. Họ ganh tị vì chúng ta sẽ chết. Bởi vì bất cứ khoảnh khắc nào đều có thể là khoảnh khắc cuối cùng của chúng ta. Mọi thứ sẽ đẹp đẽ hơn bởi vì phần số của chúng ta có hạn.” (The gods envy us. They envy us because we’re mortal. Because any moment might be our last. Everything’s more beautiful because we’re doomed.)

May mắn thay cho những ai có thể mang cái rực rỡ, cái nồng cháy lẽ ra chỉ bộc lộ trong The best 30 years của mình vào tận hơi thở cuối cùng, như là Xuân Diệu, của thơ:

Xin hãy cho tôi được giã từ

Vẫy chào cõi thực để vào hư

Trong hơi thở cuối dâng trời đất

Cũng vẫn si tình đến ngất ngư

(Không đề)

Có như thế mới thấy rằng cuộc đời này không phải là cái bánh xe mà là một chuyến xe với những dấu vết để lại để rồi, đến hồi kết thúc, lại một chuyến dài, đi mãi, với cái ngây ngất của tuổi thanh xuân, như Chế Lan Viên, cũng là Chế Lan Viên trong thơ, của thơ:

Chuyến xe sau sẽ không còn anh nữa

Xe vẫn chạy ngàn đời chỉ thiếu anh thôi

Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã từng qua chuyến trước

Những chuyến xe không có khứ hồi

(Chuyến xe)

“Xe sau” và “xe trước”, những chuyến xe có mặt Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, thì cũng là “Nỗi niềm tưởng lại xưa sau” của Bùi Giáng đó thôi. Chúng ta ao ước sự bất tử nhưng sự bất tử về sinh học chỉ là một gánh nặng và sự bất tử mong đợi phải được hiểu như cái “nỗi niềm tưởng lại”, những dấu chân để lại, những khoảnh khắc rực rỡ của cuộc đời mình hay, trong những nghịch cảnh đen tối nhất mà lại chứng tỏ được phẩm cách sáng ngời hay tài năng bền bỉ, vượt trội. [3]

Sinh - Tử là chuyện thường tình vì đó là… đời. Nhưng giữa cái khởi thủy và cái chung cuộc này không chỉ là “Lão” và “Bệnh” mà còn những điều khác, là X, là Y, hay là Z tùy theo chọn lựa của từng cá nhân. Vấn đề chính là chọn lựa ấy để rồi, hoặc là thanh thản khi chuẩn bị cho cuộc hành trình không có khứ hồi; hoặc phải nhọc nhằn nặng trĩu với những dấu chân không đáng mong đợi nhưng đã lỡ ấn vào dòng đời, dấu chân của kẻ mơ làm Trần Hưng Đạo mà xấu hổ khi nghe xướng tên những vị anh hùng; mơ làm Nguyễn Trãi hay Nguyễn Du mà không dám nhìn thẳng mặt Nguyễn Du hay Nguyễn Trãi nếu có cơ may gặp mặt như thế.

Xem ra, xét lại cái chu kỳ Phật dạy ấy, cũng là xét lại chính mình, xét lại những chọn lựa trong những năm tháng tràn đầy năng lượng và lý tưởng của mình.

Tham khảo:

[1] https://www.tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=96&artworkIdp=94

[2] https://www.9now.com.au/the-best-30-years/season-1

[3] Khoảng giữa thập niên 1980 tôi đọc trên báo một truyện ngắn mà nhân vật chính là Mephisto, là con quỷ trong văn học dân gian Đức, với câu chuyện về một con người bán linh hồn cho con quỷ này để thỏa mãn khát khao hiểu biết và các ước mơ. Câu chuyện được Johann Wolfgang Goethe (1749-1832) đưa vào kịch phẩm Faust, vở kịch lấy tên nhân vật chính là Faust, một học giả xuất chúng bị Mephisto dụ dỗ với hợp đồng tương tự .

Truyện ngắn này tôi đọc qua bản dịch, người dịch viết tên tác giả theo kiểu phiên âm của Việt Nam nay không nhớ nổi. Trong truyện Mephisto cố thuyết phục tác giả bán rẻ linh hồn để đánh đổi sự bất tử và ở đây tôi vận dụng trí nhớ của mình để diễn tả lại, một các cô đọng, cuộc thương thảo giữa hai bên:

Mephisto: Hãy dâng hiến linh hồn của nhà ngươi cho ta, ta cho ngươi bất tử!

Tác giả: Hừm.. kể ra thì hấp dẫn thật nhưng bất tử để làm gì vậy cà? Ngài hãy tưởng tượng cái ngày tôi sống tới ba ngàn tuổi, bao nhiêu người thân đã về bên kia thế giới hết, để một mình tôi sống với sự cô đơn khủng khiếp, vui không biết chia cho ai, buồn chẳng biết tỏ cùng ai. Bất tử mà chán thế thì bất tử làm gì!

Mephisto: Thì ta cho ngươi tái sanh. Kiếp này ngươi là ông Brown hay ông Henry thì kiếp sau ngươi cũng y chang là ông Brown hay ông Henry, tha hồ mà kết bạn, tha hồ mà tìm người thương tâm sự, đời này qua đời khác!

Tác giả: Thôi, thôi, tôi van, tôi lạy ngài. Cứ tiếp tục tái sinh rồi tiếp tục đánh vật với những bài học vỡ lòng, những bản cửu chương, những công thức toán, những kỳ thi, rồi phải đi học nghề, đi xin việc. Đi học thì bị thầy mắng vì quên bài, rồi đi làm thì bị sếp mắng mỏ vì thiếu kinh nghiệm, làm không đúng ý. Thôi thôi, tôi không ham đâu, tôi xin kiếu.

Mephisto: Thế thì ta cho ngươi tái sinh cả trí tuệ và kinh nghiệm. Đời trước ngươi học được cái gì, khi tái sinh nhà ngươi vẫn giữ nguyên những hiểu biết và kiến thức của đời trước, tha hồ mà vượt trội, chả phải sợ thầy phạt hay sếp mắng nữa nha!

Tác giả: Ối dào, cũng chả sướng sung gì. Tưởng tượng ngày tôi tái sanh lần đầu, tôi mang trong đầu những suy nghĩ và kinh nghiệm của một ông già 90 hay 100 tuổi trong hình hài đứa bé mới có 5, 6 tuổi. Nếu tôi nói thật suy nghĩ của tôi ra thì chẳng có ai chơi với tôi. Còn muốn có bạn để chơi thì tôi phải giả vờ ngây thơ. Ôi, sống mà cứ nơm nớp đóng kịch mãi từ kiếp này sang kiếp khác thì sống làm gì cho khổ? Thôi xin ngài để cho tôi yên, tôi muốn sống và chết bình thường như một người phàm, tôi chả cần đến sự bất tử ấy đâu!