Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Nợ đồng lần

Vũ Thư Hiên

Người là sinh vật cấp cao, cao nhất trong mọi sinh vật mà Chúa tạo ra. Tôi đọc, thấy viết thế. Cũng chẳng nhớ sách nào.

Tôi không mấy tin định nghĩa này là đúng. Trong thực tế, anh cấp cao rất vụng mưu sinh so với em cấp thấp. Anh tính toán lợi hại, lựa chọn khó dễ. Em không kén cá chọn canh, rơi vào nơi nào là em sục sạo kiếm mồi, miễn có cái bỏ bụng.

Thằng tù dù bị giam giữ vẫn cứ là con người. Còn là con người, nó hiển nhiên là một sinh vật cấp cao. Chứ lại không à. Khốn trên đời còn có loại cao hơn nó nhiều. Loại cao nhất không ưa lũ cấp thấp ngang ngạnh hạ lệnh cho lâu la tóm cổ chúng bỏ vào nơi ba bề bốn bên chất ngất tường vây với thép gai bùng nhùng, lênh khênh vọng gác. Giam chán, rồi cũng đến ngày sinh vật cấp cao nhất nọ thả chúng ra.

Ấy là khi bọn cấp cao nọ thấy cần ra cái điều ta đây tốt bụng. Ta có thể bắt, có thể giết nhưng ta còn có lòng nhân, ta mở lượng hải hà mà khoan dung cho chúng bay.

Sau chín năm, tôi được thả khỏi nơi tù túng. Nhìn lại mình thấy còn đủ hai tay hai chân. Và quan trọng hơn cả: còn cái đầu. Còn nó là tuyệt vời. Nó không phải chỉ là cái để đội mũ. Còn nó là còn tất cả. Nó sẽ nghĩ ra đủ mọi cách có thể nghĩ ra cho sự tồn tại của tôi: bốc vác nhé, mót nước gạo nuôi lợn nhé, chữa xe đạp nhé, vô thiên lủng nghề. Tốt nhất là nghề chữa tivi… Nghề này thịnh lắm kể từ khi các thứ tivi to nhỏ ào ào từ Sài Gòn chạy ra Hà Nội. Nhưng nghề này phải tầm sư học đạo, không dễ.

Cái đầu nghĩ loạn xà ngầu, nó tính toán, nó lựa chọn hết nghề này đến nghề khác, cái nào cũng hay, cái nào cũng tốt.

Tôi băn khoăn lắm: chọn cái nào bây giờ?

Hoàng Thế Dũng bảo:

- Cứ đến Viện Thông tin Khoa học Xã hội. Tớ đã nhận vài việc ở đấy. Có điều toàn tiếng Nga, tiếng Hoa, ít tiếng Pháp. Biết tiếng Nga như cậu thì khối việc: dịch, làm tổng thuật. Nhuận bút chẳng bao nhiêu, nhưng có hơn không.

Là cựu chính uỷ Trung đoàn Một Không Hai (102), cựu phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Hoàng Thế Dũng còn là cựu tù cùng vụ với tôi, không tin anh còn tin ai?

Nhà thơ Dương Tường, cũng nòi “phản động”, cũng có tên trong sổ đen, nhưng trượt vụ đi tù cùng tôi, phán:

- Phải đấy. Cứ gặp Đỗ Thuý Hà. Cô này được lắm.

Ờ, tôi nghĩ, tại sao không?

Tôi đến.

- Tôi biết ông là ai. Ông Dương Tường đã lấy mấy tài liệu cho ông dịch khi ông vừa ra tù mà – Đỗ Thuý Hà cười rộng tiếp tôi – Sao bây giờ mới đến?

Trước mặt tôi là người đàn bà đứng tuổi, mặt vuông chữ điền, da thô, miệng rộng, phì phèo điếu sâu kèn xẹp lép.

Hà lôi ra một chồng giấy.

- Dịch tiếng Nga thì ông rành, bê cả đống này đi. Còn mấy cái tổng thuật – triết học, chính trị học, xã hội học nữa đấy… Có cả ngôn ngữ học là thứ khó nhá với người không cập nhật kiến thức chuyên ngành... Ông kham nổi không?

Tôi gật đại:

- Tôi sẽ thử.

Hà nhìn tôi, lưỡng lự:

- Tuỳ ông thôi, nhận được thì nhận.

Tôi vơ tuốt.

- Thời hạn thế nào, thưa chị?

- Không cần vội – Hà mỉm cười rộng lượng – Xong thì mang lại.

Tôi lại gật:

- Tôi sẽ gắng làm nhanh.

- Cứ tằng tằng. Không đi đâu mà vội – Hà cười rộng – Mà ông bỏ cái thưa gửi đi cho tôi nhờ.

* * *

Tôi vùi đầu vào việc.

Nhuận bút đầu tiên đã làm ra phép lạ – bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi khác hẳn. Thế chỗ những nắm bột mì luộc lấm tấm xác mọt là bát cơm nóng hổi, đĩa trứng tráng vàng ươm, đĩa tôm rim đỏ au. Vợ tôi cười tươi, con tôi mắt sáng rực.

Đụng đến đống sách và tài liệu để làm tổng thuật mới thấy công việc này không dễ nhá. Sau chín năm hết nằm xà lim thì ra trại chung lao động đủ nghề: làm ruộng, đan tranh, xẻ gỗ, dựng nhà… Trại tù được người ta gọi bằng “trại cải tạo”. Trại có cải tạo được tôi hay không không biết, nhưng ở lâu với nó kiến thức sách vở của tôi bốc hơi bằng hết.

Công việc làm cho Viện được trả theo số chữ, người đặt hàng không xét nét chất lượng, miễn chấp nhận được. Nhận rồi, kế toán đếm từng chục chữ một, mỗi chục chữ gạch một cái, gộp chúng lại thành tổng số, tính thành tiền, cấp trên căn cứ vào đấy mà duyệt chi.

May cho tôi, những văn bản tôi mang về đều quen thuộc – chúng na ná nhau trong sự trích dẫn kinh điển mác-xít thần thánh, cái này sao chép cái kia.

Tôi giật thót khi bắt gặp một luận văn của trường phái triết học Leningrad. Nó cực hay. Tác giả biết giấu mình khi trình bày phương pháp tư-duy-ngược, rất mới. Những câu chữ mơ hồ, che khuất mọi từ ngữ chính trị. Có vẻ xã hội Liên Xô đã thoáng hơn trước khi thứ ngang ngạnh này được xuất bản.

Thế nhưng khi làm tổng thuật cuốn Từ Điển Thuật Ngữ Ngôn Ngữ Học dịch từ tiếng Nga, tôi lại làm chuyện ruồi bu: tôi phóng bút phang cách dịch từ “actant” sang tiếng Việt là “tác tố”. Theo tôi, nó rành rành sai. Chắc hẳn do người dịch coi từ nguyên của nó là “action” (hành động). Nghĩ kỹ thì thấy “actant” ở đây là thành phần của một mệnh đề, tương tự một hồi kịch. Từ nguyên của nó ắt phải là “actor”. Có thể gọi nó là “từ thủ vai” hay nói ngắn là “từ vai” cho tiện.

Tôi ngạc nhiên khi thấy dòng đề nghị ”Thanh toán mức 6 đồng/nghìn chữ” của Đỗ Thuý Hà bị gạch bỏ. Thay vào đó là một dòng mực đỏ: “Thanh toán 16 đồng/ nghìn chữ”.

- Ông ngạc nhiên là phải – Hà nhìn nét ngơ ngác trên mặt tôi – Tôi cũng thế. Ông ấy bảo ông là nhà ngôn ngữ học, phải trả cho xứng đáng.

Trời đất thiên hạ ơi, tôi mà là nhà ngôn ngữ học?

Cả đời tôi, trước đó và sau này, không ai gọi tôi như thế.

- Tôi nghĩ ông sai, bài này sẽ bị bác. Chính tôi cũng bất ngờ. Ông ấy bảo sửa được một chữ trong từ điển không dễ, nếu không phải là chuyên gia trong ngành.

- “Ông ấy” là ai vậy?

- Là người duyệt bản tổng thuật của ông – một là chuyên viên hàng đầu về ngôn ngữ.

Hình như ông ta tên Nguyễn Kim Thản thì phải.

- Thế nào? Khao chứ?

Khao thì khao. Ở phố Tạ Hiền có nhà hàng chim quay nổi tiếng. Tôi được được nếm món này trong một bữa tiệc nghèo bạn bè đãi mừng tôi sống sót. Nó tuyệt vời.

Nhưng Hà lắc:

- Ông khao, tôi nhận lời – Nhưng tôi sẽ là người chọn món.

Tan sở, Hà dẫn tôi cuốc bộ từ phố Lý Thường Kiệt tới tận ngõ chợ Khâm Thiên. Cả tôi, cả Hà đều không có xe đạp.

Từ đoạn này trong câu chuyện, tôi sẽ lên gân để gọi Hà bằng “nàng”. Cho nó tiện. Chứ gọi như thế e không đúng với hình dung thông thường về “nàng”. Nàng cao to, vai ngang, ngực rộng, lừng lững như Từ Hải.

Một ông già bốc mùi mồ hôi chua loét dẫn chúng tôi vào gian trong cùng một căn nhà tối mù:

- Hôm nay có Làng Vân sạch. Bà lấy một hay hai cút?

Nàng liếc nhanh tôi:

- Ta lấy một chai chứ?

Tôi gật. Tôi tin nàng đã tính toán – giá chai rượu không làm cho khoản nhuận bút tôi vừa lĩnh bị thâm thủng quá đáng.

Với một chút ngỡ ngàng, ông già lẳng lặng rót dòng rượu trong vắt từ cái vò sành xù xì vào chai, nút lại bằng lá chuối khô, rồi mới đưa cho khách, trịnh trọng không khác gì linh mục ban bánh thánh.

Nhà nàng ở phố Trần Hưng Đạo. Con phố Tây trước kia mang tên Gambetta, chính khách nổi tiếng của mẫu quốc, là phố lớn. Một căn phòng nhỏ, tuềnh toàng, chắc hẳn là phòng bồi bếp hoặc ga ra ô tô trong một ngôi nhà to của quan chức lớn.

Một cháu nhỏ ngồi trước cái bàn tự tạo đang học bài. Tôi hỏi nhỏ:

- Ông ấy không có nhà?

Nàng rót rượu cho tôi, mặt lạnh như tiền:

- Không có ông nào cả.

Tôi không hỏi thêm. Đàn bà không chồng mà có con là sự lạ. Trong tiếng Việt khi ấy chưa có cụm từ “mẹ đơn thân”.

Sau bữa rượu, chúng tôi trở thành bạn. Không phải bạn thường, mà bạn thân.

Nhờ tình bạn này, tôi được biết nhiều chuyện đời, chuyện người. Tiếc là không phải chuyện nào cũng có thể kể lại. Như chuyện thằng bé nọ.

- Nó là số phận trao cho tôi. Nó là lẽ sống của tôi.

Tôi biết nhân vật tạo ra thằng bé, do nàng kể. Ông ta, một hoạ sĩ danh tiếng, với tôi cũng là chỗ quen biết.

Đáp lại cái nhìn ngỡ ngàng của tôi, nàng nói:

- Một tai nạn tình ái, không có gì lạ. Đã gọi là tai nạn thì phải có hậu quả.

Nhờ nàng, anh em chúng tôi mới ra tù có được một thời gian ngắn sống tốt hơn. Có thể thêm vào đấy lời khen Viện Thông tin Khoa học Xã hội: bằng việc làm cho viện này chúng tôi được tiếp cận cả một kho kiến thức.

Là nói về cái lợi cho chúng tôi thôi, chứ cái Viện ấy có cả đống sách không ra gì, nhất là mấy cuốn từ điển tiếng Việt.

* *

*

Tôi bỏ Hà Nội vào Sài Gòn một thời gian dài.

Trở ra, tôi đến thăm nàng.

Căn phòng tuềnh toàng thêm tuềnh toàng. Nàng vốn đẫy đà càng thêm đẫy đà.

- Nghe anh em nói, ông vào trong ấy ăn nên làm ra, phải không?

- Sài Gòn không phải là Hà Nội.

- Ai cũng nói thế.

- Nó là một thành phố bình thường, với những con người bình thường, tạm thời còn được sống cuộc sống tương đối bình thường.

Nàng bất bình cho Hà Nội:

- Theo ông thì Hà Nội là một thành phố không bình thường?

- Hà Nội ư? Nó không còn là Hà Nội mà tôi biết. Nó không bình thường.

Chúng tôi có một bữa rượu tái ngộ vui vẻ.

- Làng Vân đấy – nàng khoe.

Làng Vân là một nhãn hiệu nổi tiếng không cần trình toà.

Không cần phải đi xa mới có Làng Vân. Các thứ rượu lậu có ở khắp nơi. Nghe nói các bà đựng rượu lậu trong săm ô tô quấn quanh người như có chửa để qua mặt đội quân quản lý thị trường đông đúc. Rượu đựng trong săm ô tô uống đằm lắm, các sâu rượu nhận xét. Không biết trong săm cao su có chất gì mà rượu lại thành ngon thế.

Tôi mang cho nàng một số tiền nhỏ bỏ trong phong bì. Nàng bóc ngay nó ra trước mặt tôi xem trong đó có bao nhiêu.

- Bây giờ ông là Liên Xô của tôi – nàng cười vui, nâng cao bát rượu – Tôi sẽ được thường xuyên nhận viện trợ không hoàn lại chứ?

Tôi gật không dứt khoát. Tôi không tin ở mình. Tôi chỉ tin ở vận may. Mà vận may không phải lúc nào cũng có. Được làm Liên Xô, nước anh cả hào phóng của phe xã hội chủ nghĩa là một vinh dự không dễ có.

Trong thời gian lưu lại Hà Nội, thỉnh thoảng tôi gặp nàng trên đường. Ngăn tôi lại, nàng lục túi tôi, rất tự nhiên:

- Tôi lấy một ít, hả?

Ra Hà Nội lần ấy, tôi có một phát hiện buồn: nàng không phải lấy rượu làm vui, mà đã trở thành con nghiện.

Mà không riêng nàng. Mấy người bạn thân của tôi cũng thế. Họ thành đệ tử Lưu Linh từ lúc nào không hay. Tôi không phải người nghiên cứu xã hội học để có thể đưa ra kết luận về hiện tượng này. Nó không còn là hi hữu. Nó tràn lan.

Tôi hay đến thăm Văn Cao. Chúng tôi quen nhau từ thời ở rừng Việt Bắc. Lần nào cũng thấy anh ngồi với rượu – khi thì một mình như triết gia, khi bốc đồng ba hoa xích tốc với đám chầu rìa. Đến nỗi ai đến chơi với anh đều cắp nách một chai rượu làm quà.

Dương Bích Liên cũng vậy. Tranh một bên, rượu một bên.

Nghe bạn bè kể thì nàng bán cả phiếu gạo, phiếu vải, phiếu thực phẩm để mua rượu. Mà mấy thứ phiếu này là vật bất ly thân của người Hà Nội. Ông Đặng Châu Tuệ, nhà cách mạng cựu trào, một thời là chủ tịch tỉnh Ninh Bình, một thời là nghị viên, đi đâu cũng lủng lẳng bên mình cái xà cột cũ rích bằng vải bạt xơ xác, trong đó chắc chắn có tất cả các thứ phiếu mà nhà nước có thể nghĩ ra.

- Phiếu là cái gì? Là cuộc sống, cháu ạ – ông vỗ đồm độp vào cái xà cột – Mất phiếu là mất hết.

Ông không nói: “Mất độc lập là mất hết” như các bạn tù ngày xưa của ông nay làm quan thường nói.

Nhiều người nhận xét nàng thuộc dạng bất đắc chí. Tôi không biết cái chí của nàng là gì. Phải có chí thì mới bất đắc được chứ. Có thể bản năng tự do trong nàng quá mạnh, mà xã hội lại toàn rào cản chăng?

* *

*

Rồi do một tình cờ, kẻ có lý lịch không thể xấu hơn là tôi cũng được đi Liên Xô, đi Ukraina trong vai thông ngôn, đôi khi còn được đôn lên một chức vụ không khi nào tôi nghĩ tới – thành viên một phái đoàn thương mại.

Cái sự tình cờ này là một chuyện thú vị, có thể kể vào một lúc nào khác.

Tôi được ở lại Moskva, thoạt đầu với tư cách đại diện cho một công ty xuất nhập khẩu tỉnh lẻ. Sau vài năm, công ty này do làm ăn bết bát hay do cái gì khác không liên hệ với tôi nữa, mặc tôi muốn sống thế nào thì sống. Thế là tôi ở lì, trở thành kẻ lưu vong.

Tôi đến Moskva khi nó còn là thủ đô một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Tôi ở đó liền tù tì cho tới khi Liên Xô vĩ đại đổ sụp để tách ra thành một số quốc gia độc lập không biết nên gọi là cái gì cho chính xác.

Trong cuộc mưu sinh bận rộn, Hà trôi tuột vào quá khứ.

Người nhắc tôi nhớ tới nàng là một bạn trẻ của tôi. Anh về nước sau khi nhận bằng tiến sĩ xã hội học.

Ở sân bay Sheremetchievo, chúng tôi chợt nhắc tới Hà:

- Em có mang quà cho chị ấy,một tút Drug – Nam khoe – Loại này nặng, đúng gu của chị ấy.

Drug tiếng Nga nghĩa là bạn. Nó không đóng bao mà đóng hộp có hình một con béc-giê.

- Vẫn thuốc lá?

- Vẫn. Hút như điên.

- Vẫn rượu?

- Còn phải nói. Giờ tích cả vò.

- Cậu vẫn thường gặp chị ấy? Cuộc sống của chị ấy giờ thế nào?

- Như mọi người – Nam thở dài – Rách.

- Tội nghiệp – tôi thấy lòng mình đau nhói.

Tôi sờ túi. Trong ví chỉ có ít tiền không đáng kể.

À, còn cái đồng hồ Rado trên tay.

Tôi tháo nó đưa cho Nam:

- Đưa cho Hà giùm anh.

Nam cầm, ngắm nghía nó hồi lâu:

- Loại này ở Hà Nội đang có giá.

- Nhắn hộ anh: anh vẫn nhớ những gì chị ấy làm cho anh khi anh vừa từ nhà tù trở về. Anh không quên.

- Chị ấy thì lại bảo: “Không có các ông ấy thì tôi đói dài”.

Trong cuộc sống này, người với người có nợ đồng lần.

Chẳng bao giờ chúng ta trả hết nợ cho nhau.