Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022

Nhà nói thật

Trần Đĩnh

Tôi được bác Minh nhắn gặp rất đột ngột. Đã lâu rồi tôi không lui tới thăm bác. Vất vả sinh nhai một phần, một phần tôi sợ thấy nỗi buồn trên mặt người mẹ suýt soát tám mươi tuổi này. Nó hệt lời tự vấn dai dẳng: “Sao tôi sống để con tôi chết? Sao người ta không bắt tôi đi cho tôi chết thay?”. Hễ gặp tôi, bác lại tỉ mỉ kể từng chi tiết hôm bác lên nhà tù Phú Sơn chôn cất Việt. “Cỗ áo quét phẩm đỏ nứt toang hoác, bác phải lấy vôi ăn trầu chít lại. Ngày nó bé nó để hở vai hở chân, mình phải đắp cho nó kín, nó ấm, bây giờ nằm dưới đất lạnh lẽo, nó còn thua một đứa bé con nhiều chứ anh? May bác lại phòng xa mang đi hai cây nến, bác cứ cảm thấy có chuyện, không thì tự dưng người ta bảo bác đi mà lại dặn không cần đem quà cáp theo làm gì? Nó đau tim nặng thế cơ mà. Anh ơi, ngọn đèn không bằng ngọn nến. Ngọn nến chập chờn như có vong linh người chết, như nỉ non với mình. Ôi, đau lòng lắm. Bác lại mang theo cả ảnh nó, y như có người xui mách vậy, tấm mà anh và nó rủ nhau đi chụp sau ngày Pháp rút khỏi Hà Nội, các anh thôi phải hoạt động chui lủi ấy. Cái ảnh chụp nó cười, anh bảo như thế có nát ruột nát gan bác ra không? Khi sắp hạ huyệt, bác lăn ra đất khóc: “Con ơi ngay giữa lòng địch con an toàn, nay trong lòng nhân dân thì đảng của con lại bắt tù con, đày ải khiến con chết một thân một mình…”. Ông coi tù bảo đâu có tù, giữ anh ấy lại cho anh ấy an toàn thôi. Tủi quá bác khóc ầm lên: “Con ơi, con được an toàn trong xà lim của đảng như thế này thì mẹ phải tạ ơn mà quỳ lạy đảng của con…”. Ông coi tù lại nói: “Cụ khóc không đúng. Cụ khóc như thế là không được…”. Bác nói: - “Vâng, thì khóc con thế nào cho đúng, cho được với đảng thì ông viết ra cho tôi để tôi khóc. Hay là đảng vui thì tôi phải im lìm chôn nó, vui sướng chôn nó?”.

Từng ấy lớp lang, chi tiết bác kể lể. Từng ấy giọt nước mắt, từng ấy thổn thức.Tôi hiểu trong nỗi đau buồn vì mất mát đứa con duy nhất của mình, còn có cả oán hận. Nhưng tôi không có cách nào làm bác khuây Nhiều khi tôi nghĩ vì thấy tôi mà bác chạnh lòng nhớ tới Việt, giá như một đứa độc thân như tôi chết thế được cho Việt thì hay bao nhiêu. Tôi vốn coi bác Minh như mẹ. Việt, con bác, và tôi từ bé đến lớn từng cùng học với nhau, từng cùng một tổ hoạt động bí mật thời Pháp chiếm đóng và rồi cùng sa vào vụ án gọi là “xuyên tạc phá hoại”. Tôi ra tù, Việt bỏ mạng trong tù. Tôi về với cuộc đời nhưng công ăn việc làm quá khó kiếm. Cắt tóc, chữa đồng hồ, sửa xe đạp, mấy cái nghề dễ học, dễ theo… đều bị cấm hết: chúng có thể nguy hiểm ở trong tay chúng tôi.

Hôm nay tự nhiên bác Minh gọi.

Bác cho biết ngôi nhà của bác phường lấy. Đổi cho một gian phòng hơn mười mét vuông. Bảo cụ có một mình già lão, sống quá rộng mà lại có gác nữa làm gì, ngã thì khổ. Bảo phường lấy là để dùng vào việc công, như thế coi như cụ cũng có đóng góp. Bác nói bác chẳng thiết gì nữa. Bác đã coi mình trắng tay từ khi Việt nó mất đi rồi. Bây giờ bác nhờ anh đến đó xem lỡ còn cái gì thì anh thu nhặt về cho bác, đừng để lại hơi hướng nào của thằng Việt và bác ở lại đó nữa, anh làm ơn giúp bác… Bác đẻ thằng Việt ở đấy, bác cũng có lúc muốn đáo thăm nhưng đau lòng lắm…

*

* *

Tôi đến ngay.

Hai ba cô cậu thanh niên đang quét dọn niềm nở mời tôi vào. Căn nhà trống không làm cho tôi bồi hồi. Cái đầu kèo như chìa ra ngay ở trước mặt. Trước khi bị bắt chừng nửa tháng, chính tay tôi nhét vào đó mấy bài báo nước ngoài phê phán Cách mạng văn hóa vô sản và Mao Trạch Đông. “Đụng vào Mặt trời là phản động, cẩn tắc vô ưu, xin cứ mời vào hầm bí mật này ẩn kỹ”, tôi đùa. Hôm bắt Việt, người ta moi ra mấy bài báo “vật chứng phản cách mạng” ấy đem đi.

Tôi rủ một cậu cùng lên gác. Đẩy cửa bước vào tôi hơi rùng mình. Cậu thanh niên nói:

- Lạnh có phải không bác? Chúng cháu đứa nào cũng kêu lạnh. Bọn con gái còn nói chúng nghe thấy cả tiếng u hu u hu như tiếng dây điện bên đường sắt nữa…

Riêng tôi thì thấy mất các mảng nắng vẫn thường nhảy nhót ở ngay sau ô cửa mở này.

Tất cả đã sạch quang. Bên trái, trên tường nổi hằn lên một mảng tròn tròn tối màu hơn nước vôi mới quét xung quanh. Tôi lại gần: hình đầu người! Lập tức tôi nhận ra ngay đầu Việt. Cậu thanh niên nói:

- Bàn thờ nhưng cụ chủ nhà đã dọn hết, bóc đi cả tấm ảnh.

À, đúng rồi, tôi thầm nghĩ, tấm ảnh bác Minh đem theo làm ma cho con trai trên nhà tù.

Cậu thanh niên nói tiếp:

- Chúng cháu quét vôi mấy lần mà vẫn thế đấy. Vôi ướt thì mất, nhưng khô vôi lại hiện lên. Chú ạ, lạ lắm. Hôm nọ, cháu tình cờ chống cái đầu chổi vào đấy thì chổi đổ. Chống lại, lại đổ mà chống sang bên thì ổn. Hôm qua, tò mò, cháu mới lấy một tờ giấy dán lên đó thì chú biết thế nào không? Tờ giấy khẽ lật phật… Mà cửa đóng, không gió. Theo chú tại sao? Nghe nói con trai bà cụ, cái chú này – hất đầu về hình đầu Việt – ẩn hiện kỳ dị lắm ở ngay trước mũi lính Pháp đấy.

- Xem Kim Dung nhiều hả? Tôi đùa hỏi.

- Kim Dung tưởng tượng, còn cháu thấy tận mắt…

Trước khi về, tôi không nén được đưa tay lên ấp vào hình đầu Việt. Không biết có phải vì câu chuyện vừa nghe hay không mà tôi thấy phập phồng trong lòng bàn tay một hơi thở. Nhấc tay lên, cảm giác ấy mất. Đặt lại tay vào, hơi thở chợt như thêm tun hút, một lối ngõ riêng, kín, hẹp. Tôi bất giác nói khẽ:

- Thôi, chào, ở lại với kỷ niệm nhé…

*

* *

Ít lâu sau, Bác Minh mất. Tôi làm chủ tang tiễn bác đi. Đám ma vắng. Mấy cụ phụ lão quá yếu không có sức xuống tận Văn Điển, mình tôi ngồi trên xe chở linh cữu bác. Khi xe quành qua một phố đông, máy bỗng ậm ạch rồi cỗ xe dừng lại. Tôi vội chạy xuống, dúi vào tay bác tài một tờ giấy bạc thì bác ta cáu kỉnh gạt ra. Đứng bên bác tài hí húi sửa xe, tôi bỗng nhận ra xe hỏng đỗ ở trước nhà Việt. Cùng lúc vẳng lên bên tai tôi lời bác Minh hôm nào: “Bác đẻ thằng Việt ở đây, nhiều lúc bác cũng muốn đảo qua…”. Ngôi nhà được sửa sang lại đã làm cho tôi không nhận ra nó. Cả mặt tiền hoá thành một dàn cửa kéo. Chắc phường có ý dùng nó vào kinh doanh. Trên gác dây điện chui qua cửa sổ bò trên mái tôn chui vào hai cái loa kép cột ở đỉnh cột đèn đường. Thình lình như bục phá, tiếng loa cất lên: “A lô, … a lô, một… hai… ba… bốn, a lô, … đây là tiếng nói phường…, phát thanh tại nhà nói thật…”. Tôi quay phắt nhìn bác tài, không tin ở tai mình. Vừa lúc bác nói: “Thôi ta rước cụ. Tội nghiệp ra đi một mình, hiu quạnh quá…”.

Nhưng tôi đang bàng hoàng vì tiếng loa. Tôi nghe lầm chăng? Thì vừa lúc xe rẽ sang phố khác, tiếng loa ở đằng sau tôi vẫn cất lên: nhiều đau khổ, oan ức, nhiều bất công, gian dối. Tôi thật sự kinh ngạc! Lẫn hồ nghi. Chẳng lẽ trong tuyên truyền có đổi khác? Không thể, tôi tự đính chính. Nhưng đám thanh niên tuyên huấn kia bố bảo cũng không dám táo tợn nói những câu ghê rợn này! Không tài nào giải thích được, tôi đành gạt nó đi. Coi như một hiện tượng thính giác tôi chưa hiểu.

Chiều, xong đám bác Minh, tôi quay trở lại ngôi nhà bác. Muốn xem người ta sửa sang lại nó thế nào. Từ xa đã thấy hai chiếc loa thùng trên cột đèn, cách cửa sổ trên gác ngôi nhà chừng một tầm với. Hình như tôi nhìn đến chúng, hai chiếc loa thình lình ọ ẹ cất tiếng: “A lô, a lô, đây tiếng nói phường Thành Tâm phát thanh tại… tại… tại…” ngập ngừng giây lâu mới buột tiếp: “tại nhà nói thật” rồi im bặt liền. Cả vùng như chợt ắng lặng lại, chờ đợi một chuyện gì ghê gớm. Lúc đó, tôi mới nhận thấy ở trước nhà Việt hai anh công an đang ngửa cổ lên nhìn loa. Trên cửa sổ một anh khác đang chòi một cây sào ra chọc chọc đập đập vào chúng. Bên hai anh công an trên hè còn vài người cán bộ, vẻ mặt đều nghiêm trọng, căng thẳng. Tôi đến gần và liếc thấy trong nhà giàn cửa đã mở toang – lố nhố nhiều công an, cán bộ nữa. To chuyện rồi, tôi thầm nhủ. Rồi rẽ vào nhà hiệu cắt tóc quen ở xế đó. Ngày Việt và tôi hoạt động bí mật trong thành, bác phó cạo này thỉnh thoảng có giúp đỡ chúng tôi. Cho tin GM nào đi Hoà Bình, tướng nào đánh bạc ở Hàng Buồm, Bảo Đại mới sang Hồng Kông chơi bời. Cái tốt nhất là khi có động, bác lại hai tay dâng tấm khăn choàng ra hè, thong thả rũ, mảnh gương giấu sẵn trong tay sẽ qua cửa sổ loang loáng báo hiệu lên tường gác nhà Việt…

Vừa thấy tôi, bác thợ cúp khẽ gật đầu:

- Đâu mà lâu không thấy?

Rồi cợp mạnh cái lược vào đầu thằng bé ngó ngoáy trên ghế:

- Phắn!

Chẳng cần tôi bảo, bác ấn tôi ngồi ngay xuống ghế, nói thoảng vào tai tôi:

- Chuyện lạ lắm!

Biết tính bác, tôi gật gật ra ý rất chú ý. Chớ chặn lời bác mà săn hỏi. Cứ để bác tự biên tự diễn, kẻo bác nghĩ mình cho là chuyện bác xoàng.

- Có thấy đông không? Trong nhà anh Việt ấy?

Tôi khẽ nâng quả đấm đặt trên tay ghế lên rồi hạ từ từ xuống. Nghĩa là rất chú ý.

- Nghe thấy loa nói không?

Quả đấm tôi lại nâng lên hạ xuống, chậm hơn. Kính cẩn thế này thì bác sẽ thông báo cho không sót một li.

- Ừ, thì cơ mà nó nói gì, tôi là hỏi anh cái ấy chứ? Bác thợ cúp cau mày.

Quả đấm tôi lên xuống nhanh hơn. Trong gương, con mắt bác phó cạo ánh lên ngon lành. Liếm môi, tủm tỉm, bác lắc lắc đầu:

- Chết chết, nói mà nghe ghê cả người. Mới từ trưa thôi, lúc xe chở bà cụ Minh đi qua bị hỏng đỗ lại…

Cúi xuống sát tai tôi, bác thì thào:

- Nghe y như phản động nói vậy ấy nhá. Tố cáo mọi cái xấu, cái hà hiếp, cái cường hào, ra mà lại cứ dõng dạc, đàng hoàng chứ chẳng phải úp mở, cạnh khóe gì!

Tôi cố đưa mắt lệch sang bên kia đường ra ý hỏi bây giờ thì làm gì bên ấy. Bác tủm tỉm:

- Kiểm tra! Ủy ban, công an phường rồi quận, rồi nay cả của thành. Từng vị một nói hẳn vào mi cờ rô nhá… Tài tình, a lô a lô suông thì cho a lô nhưng hễ động đến chữ nghĩa thì ông nào cũng tương ra chỉ dặt lời lẽ phản động. Hồi chiều đưa mấy cô cậu phát thanh lên công an quận nhưng họ nói gì đều có văn bản, họ lại những mấy người cùng làm việc, chả lẽ về hùa nhất loạt được à? Bây giờ quy tội cho ai đây?

Loa thỉnh thoảng lại a lô suông cầm canh. Bác phó cúp cười lúc cúc:

- Cú, cấm ông nào dám nói quá chữ a lô. Ma à?

Tôi lắc.

- Thế thì duyên cớ gì? Đổi lấy nhà của bà cụ hai tháng rồi có sao đâu, chỉ từ trưa nay xe ma bà cụ qua đây hỏng đỗ lại mới sinh chuyện. Anh Việt chết trong ấp, bà cụ nói anh ấy chết vì nói thật, đảng không ưa, đổ cho tội xuyên tạc vu cáo…

Tôi chợt nhớ đến hình đầu Việt trên tường. Lại cảm thấy hun hút trong lòng bàn tay một hơi thở.

Sẩm tối tôi từ biệt bác phó cúp, tự nhiên thấy lưu luyến ngôi nhà chốc chốc lại a lô cầm canh.

*

* *

Công an phường gọị lên đồn.

- Có đến nhà ấy nhà ấy trong vòng hai tháng nay không?

- Có.

- Làm gì?

- Cụ chủ nhà nhờ đến xem có sót gì lại thì dọn nốt đi hộ.

- Thế đến có… có làm… (hai bàn tay hơi khum khum bới bới vào trong lòng)… làm gì không?

- Không, có mấy anh chị tuyên huấn phường cùng ở đấy.

- Còn hay đã hết quản chế?

- Hết từ năm kia rồi.

- Nhưng đừng tưởng cơ quan nghiệp vụ hết theo dõi.

- Tôi thật lòng mong được theo dõi. - Đừng giở giọng bất mãn hay khiêu khích ra. - Không, tôi nói thật, tôi mong các ông theo dõi để tôi yên trí làm ăn sinh sống.

- Thôi về. Song nhớ là không tù không có nghĩa là hết tội!

Rời đi mà ngao ngán. Biết mình là đeo tội suốt đời dù chả có toà án nào xét xử. Nhiều khi thầm nhủ thôi thì còn may hơn Lưu Thiếu Kỳ, chủ tịch nước mà bị trói gô lại quẳng vào tù chết mọp. Hay Việt…

Chẳng biết thế nào chân lại đưa tới nhà Việt. Hai chiếc loa đã biến mất. Giàn cửa kéo khép kín. Bác phó cúp cười:

- Dọn đi rồi. Này, bỏ đây đến nơi khác đài phát thanh phường lại véo von trầm bổng ra phết. Sau đám thanh niên phát thanh kể lại chuyện cái loa hay đáo để. Hôm ấy, bọn chúng nó đọc bài mừng hai mươi năm giải phóng Thủ đô, bài do thông tin thành gửi xuống còn chúng nó thì xem trước coi như đã thuộc lòng rồi thế mà ngờ đâu cái loa sinh chuyện nói láo. Cỡ mười ông từ thành đến quận xuống kiểm tra nhưng ông nào chõ vào nói là y như vã mồ hôi hột. Loa nói ra trái lại các ông chan chát. Rất lạ là mồm nói ra đúng nguyên vẹn nhưng qua cái loa thì nó mới phản thùng. Sau cứ đùn đẩy nhau nói, chả anh nào dám hăng hái lên tiếng thử tài với nó. Bây giờ cho ban tài chính phường về đây. Này – bác phó cúp hạ giọng. Dọn anh phát thanh phường đi tôi thấy mất hẳn vui.

- Mất?

- Mất thật! Anh ạ, cũng là những điều mình nghĩ nhưng cái loa nó phun ra thì lại thấy như là lần đầu nghe thấy, y như nó là diễn đàn riêng của mình vậy. Thoạt nghe sởn hết cả người ngỡ như liên lụy ngay tới nơi nhưng sau một hồi lại thấy sướng.

- Sướng? Vì sao?

- Có người nói hết ra hộ mình mà.

- Thế tôi nói hộ thì bác có sướng không?

- Có nhẽ không! Ừ, mà tại sao nhỉ? Chính cái đứa điêu tự nó phản lại nó thì mới sướng chứ, đúng không?

- Có nhẽ thế đấy. Này, không bíết tại sao đêm nằm nghĩ lại bữa ấy lại buồn. Thấy chẳng khác nào xưa nay mình vẫn cởi truồng tồng ngồng mà mù cứ ngỡ áo quần nghiêm túc lắm…, mũ áo xênh xang lắm rồi mặt vênh mày váo lên, dương dương tự đắc. May thế, lộp độp được cho vài giọt mưa, thì đấy cái tiếng loa hôm nọ hỏi có khác gì mưa? Thế ông không thấy hàng mã kỵ nhất là mưa à? Này, bao giờ nó rào xuống cho một trận toàn thành thì… (gật gù) đảm bảo bao nhiêu áo quần hàng mã sẽ trôi lềnh phềnh đầy cống rãnh Hà Nội, bao nhiêu buồi dái ngỡ đâu toàn châu báu ngọc ngà cả sẽ trật ra cù lẳng cù lẻo, hôi hám, ghẻ lở tất tần tận với nhau…

Ngừng một lát lắc đầu:

- Bất trị, hôm nọ bắt phường học tập. Bảo loa hôm ấy là làm theo kế hoạch phòng chống phản động, kiểm tra xem dân hoang mang thế nào, cán bộ phường quận phản ứng ra sao, xin bà con yên tâm, rút được nhiều kinh nghiệm bổ ích lắm… Ăn nói đến thế thì anh báo có kinh không?

- Dân bảo gì không?

Bảo ta tài quá. Cứ thế này thì chẳng ai bịp nổi gì dân được nữa… *

* *

Thế rồi tôi lại có việc đến cái nhà ấy. Nộp thuế cho tổ hợp tác guốc. Tôi sơn đẽo guốc cho tổ này đã hai năm, hôm nay bà chủ có giỗ nhờ tôi đi hộ. Hai dãy bàn nhìn vào nhau. Trong cùng, ở giữa là một bàn lớn trông ra cửa: ông trưởng ban tài chính. Có bốn người trong trụ sở. Hai anh ở chíếc bàn bên phải, một cô đang lúi húi chia nước mắm dưới chân bàn bên trái. Tôi rón rén cúi chào thì một anh ở đầu cùng bên phải hất hàm:

- Gì?

- Dạ, tôi xin nộp thuế ạ!

Anh ta nghiêm ngay mặt lại vặn:

- Đến để nói láo hả? Nộp thuế hay xin miễn xin khất chứ sao lại nói là đến đấm mõm?

- Dạ, tôi ấp úng xin lỗi. Nghĩ thầm: Vặn bố láo phủ đầu à? Tôi đâu nói đấm mõm? Nhưng lập tức giật mình: tôi có nghĩ đến chữ đấm mõm.

- Ở đâu?

- Dạ, tổ guốc Lam Sơn.

(Bà chủ nhiệm giải thích cái tên này phải xin một thầy dạy văn cấp 3 đặt cho. Thầy bảo chọn phải cho vừa có ý nghĩa lịch sử lại vừa dính dáng đến nghề nghiệp, vậy tên Lam Sơn hay nhất, đã dính nghề guốc lại có chống xâm lăng)

- Giấy?

Nộp giấy. Giật xem. Mày nhíu lại. Mặt cau có.

- Tăng hơn tháng trước đấy, chuẩn bị mà nôn ra. Thuế lên bốn mươi hai đồng, vậy thì tiền chè thuốc tính là… tính là…

Tôi hơi sững. Sao lại nói năng thẳng băng thế này? Chưa kịp nghĩ tíếp thì ông trưởng ban è hè lên hai tiếng khá to. Còn anh ngồi đầu bàn phía trong đã nhoài người sang nhìn vào giấy tờ, nói:

- Thằng mặt nghệt nãy xem vẻ ú ớ chẳng biết con khẹc gì đâu. Đã lệ thuế hai chè thuốc một thì cứ quát mẹ nó là hai mươi hai đồng cho tròn đi.

Ông trưởng ban đến đây gõ bút chì xuống bàn gọi hai anh cán bộ:

- Làm đ. gì mà cái mồm ghê thế các cậu?

Hai anh cán bộ như định đứng lên đi đến ông thì ông ta lại xua xua tay, ra ý thôi.

Tôi lấy tiền ra. Bà chủ đã dự kiến gần đúng số tiền thuế và “đấm mõm” nhưng vẫn cẩn thận đưa tôi thừa năm đồng. “Bọn mồm gang họng thép này chúng nó không biết thế nào mà phòng bị đâu, chú cứ mang thừa cho tôi yên tâm.”

Ông trưởng ban đến bên cô chia nước mắm:

- Nào đánh cho cái báo cáo lên ủy ban.

Can, chai, phễu, lọ gạt sang một bên, cô gái đứng lên lau tay vào tập báo Nhân Dân treo cạnh đấy rồi ngồi vào trước máy chữ. Ông trưởng ban đặt sổ lên bàn đọc: “Nửa tháng đầu, ban thuế phường đã nộp lên bốn trăm bảy mươi chín đồng tiền thuế, ngoài ra giữ lại cho ban một trăm hai mươi đồng chẵn, trong đó chia cho trưởng ban…”

Tiếng cô gái kêu: - Điên à bác? Đánh thế ư?

- Cô này hay nhỉ? Sao không đánh được?

- Sao tự dưng bác lại đi khai ra?

- Thế xấu gì mà không khai? Xấu sao chả đứa chó nào chê?

Giọng ông trưởng nghe đã hơi bẳn.

- Thôi, đánh đi… Trăm hai giữ lại chia cho trưởng ban năm chục, còn bảy chục chia cho ba…

Tiếng cô gái rú lên:

- Bác ơi, thế này đi ấp chắc cả lũ đấy.

Hai anh cán bộ cũng đã xô ra đứng cạnh ông trưởng, run rẩy nói:

- Thủ trưởng tự thú thôi, chứ lôi cả tổ chấy vào là chúng tôi không chịu đâu.

- Thú cái gì? Sổ tay tớ ghi thế nào tớ đọc ra như thế, đây, các cậu xem… Giọng ông trưởng nghe bắt đầu nghi ngại. Cúi xem sổ tay ông trưởng, hai anh cán bộ liền tái mét mặt lại.

Như thấy vẻ hoảng hốt của hai cấp dưới, ông trưởng khẽ lẩm bẩm:

- Lúc nãy các cậu công khai đòi chè thuốc cứ bô bô, tớ đã lên tiếng…

Cô con gái phụ họa:

- Ừ, hai anh thụi lão chả giữ gìn gì…

Bốn bộ mặt thuỗn ra nhìn nhau. Một cán bộ đến vỗ vai tôi:

- Hôm nay chúng tớ hở võ, nghỉ. Mai đến hả, à, không quên lại quả cho cậu đâu, đừng sợ thiệt, cậu bảo thời buổi này thằng đ. nào mà không ăn bẩn (đấm vào bụng tôi một cái, nháy mắt). Đến trẻ con lớp một lớp hai đã biết nã tróc tiền nhau, tập tành quen để sau này bóp nặn cho thạo rồi cơ mà. Ha… ha… ha…

Cười to lên, anh ta đẩy lưng tôi ra cửa... Vừa chán, vừa kinh ngạc, vừa giận, tôi cố một lời chào trước khi trở ra. Thì thấy họ hốt hoảng bảo nhau:

- Kìa, nó chửi cả lò bọn đểu kìa…

Tôi gần như chạy ra khỏi ngôi nhà. Về tới hợp tác xã, leo lên đỉnh đống guốc mộc giữa nhà rồi tôi mới tủm tỉm cười. Thế là không cần đến loa nữa. Nhập thẳng vào mồm người có mặt ở đó rồi. Có một điều thú vị nữa là hóa ra tôi cũng đã nhập cuộc. Hôm nay ứng ra trước tiên ở chính mồm tôi. Vậy là Việt đã thò bàn tay vào tận tim gan tôi rồi bật một cái nút thần bí. Chắc đã nhếch mép với nụ cười chế riễu quen thuộc: “Anh bạn, bi kịch thảm thương của chúng ta chẳng qua ở chỗ không có sự thật!”

Bà chủ nhiệm hợp tác xã guốc đi nộp thuế về bảo ban tài chính lại xin nghỉ. Nghe đâu cứ khách đến là nội bộ cãi nhau ỏm tỏi. “Sao nói thế?... Ấy, đừng… bác ấy nói nhịu ạ!...”. Cuối cùng một hôm bà cho hay ban thuế đã dọn về nơi cũ. Bỏ cái nhà mới này rộng rãi tiếc thật nhưng bà thì thào rằng cả xóm đồn là hễ đã bước vào cái nhà bà cụ thì y như tâm địa ruột gan thế nào đều cứ tự khắc cung khai ra. Ai lại mấy ông bà thuế cãi nhau chuyện chia chác tiền chè thuốc mà cứ sôi lên sùng sục như mít tinh đả đảo đế quốc Mỹ thế này… Bây giờ bảo đâu nhường cho nhà trẻ cái nhà ấy. Con em dâu tôi sắp đem con đến gửi đã mừng quá, chỗ ấy cho các cháu thì sướng, vừa rộng, vừa sạch, vừa mát.

Tôi thầm khen trên khéo chọn. Trẻ con thì cung khai ra được cái gì? Thế mà trẻ về đấy không sướng! Và cung khai không kém!

Một chiều, em dâu bà chủ hợp tác xã tạt qua, đứa con bé thút thít nấc trên ghế buộc sau xe.

- Cháu tôi làm sao mà khóc thế này, khổ?

Bà chủ nhiệm bế cháu lên thơm thơm nựng nựng. Cô em dâu hầm hầm:

- Người ta giỏi nhịn chứ không người ta tát cho vỡ họng. Ngày một đốn! Ai lại đi chỉ vào cô giáo bảo cô ăn cắp áo len của bạn Khánh Hà đem về cho con cô mặc. Xin mãi người ta mới nhận mà nay mày nói láo người ta đuổi cổ mày đi thì nhét mày vào cái chuồng cái cũi nào hử? Còn khóc nỗi gì?

Con bé lí nhí:

- Ư không phải, cô khoe, cô khoe cô lấy nhiều ơi ơi là nhiều. Cô lấy của bạn này, bạn này…

Bà chủ nhiệm lo lắng:

- Thế cô giáo bảo sao?

- Còn bảo sao nữa? Chả lẽ cãi nhau tay đôi với trẻ con. Cô cười bảo ừ cô lấy, cô lấy nhiều lắm, chả đứa nào mà cô tha lấy… Người ta phải pha trò thế cho nó vui lên chứ. Em tức quá mới tát cho một cái. Phải để cho cô thấy là mình đứng về phía người ta. Chị có đôi guốc Sài Gòn nào để cho em một đôi tối nay em mang đến biếu cô giáo không thì người ta đuổi.

Ngồi sơn guốc cạnh đấy, tôi nghĩ thầm: “Cô giáo không đùa đâu, cô giáo khai thật đấy…” Chuyện nhà trẻ Nụ Xinh nhanh chóng thành chuyện đầu miệng. Nhà nào chả có trẻ gửi? Tôi đón con về thế nào chả bảo cô dạy múa hát gì thì múa hát lại cho bố mẹ nghe. Chết thôi, trẻ con hát toàn lời xuyên tạc. Hỏi thì các cháu bảo các cô dạy. Hỏi các cô thì các cô đưa sách nhạc ra. Nghe đâu nhà trẻ cũng rục rịch sẽ dọn về chỗ cũ… Ở đấy rồi mà sinh hư ra hết cả ư? Các cô kêu ai lại cô cháu cứ là thi nhau nói nhảm, nói nhịu với nhau suốt ngày.

Và nhà trẻ dọn đi thật. Ai sẽ đến nhà ấy? Tự nhiên tôi thấp thỏm bồn chồn.

*

* *

Ngay hôm sau tôi đến bác phó cạo. Bác chìa cho tôi một điếu Bông Sen. “Thuế đến phải mua một cặp nhưng chê khét nên còn một mời anh.”

- Sao đến sớm thế?

Khai trương trung tâm dịch vụ ăn uống của phường, ông ấy ở trong đám khách đến khánh thành. Đấy, một lũ đang ngấp nghé chờ ở ngoài cửa đấy.

Giàn cửa kéo mở toang. Những bàn ghế, những quầy. những trạn kính nhôm và các chồng bát đĩa. Lò than rừng rực với nồi nước dùng bốc khói nghi ngút bay tản vào trong những chuỗi hoa giấy, cờ giấy. Khoảng một chục cán bộ, cặp da, túi dết bên hông đang lởn vởn trên hè.

- Anh ạ, bác phó cạo nói, ngày nhà trẻ ở đây suốt ngày phải phì cười. Không sao nhịn được! Bố em công nhân, câu hát người ta đặt ra như thế thì các cháu nghe cô choang ra thành bố em cu li. Rồi Mẹ may cho em áo mới thì hoá ra thành Mẹ không cho em áo mới, Vì ba tháng nợ lương. Có kinh không anh? Nhạc sĩ người ta được kén vào hội là để đặt ra toàn những trăng những sao, những hoa những chim ríu rít chứ đâu mách qué như thế phải không? Anh ơi, ở lại thì loạn ngôn to. Bây giờ các cu cậu khôn đánh đổi cho thằng ăn uống, đã phàm tạp bỗ bã lại toàn dân tứ chiếng thập phương đến chỉ tụ bạ chốc lát là xéo thì có cơ thoát nạn chuyến này.

Pháo bỗng nổ ran. Trong khói mù mịt thấy các vị quan khách hớn hở sờ túm lưng nhau đi vào. Ngôi nhà tấp nập huyên náo hẳn lên. Bác thợ cúp nói:

- Tí nữa ta sang ăn. Chỉ nên ăn hôm khai trương chúng nó câu khách thôi anh ạ.

Cửa hàng vui như hội. Người người cười nói. Hai chúng tôi ngồi vào một góc kín. Trước mặt các vị quan khách đã thấy các vại bia trào bọt, sủi tăm. Bác thợ cúp thì thào: “Dởm chưa? Ai lại ăn điểm tâm mà nốc bia thế kia cơ chứ? Bây giờ đói mà, vớ được cái gì nạp vào mồm là tắc lẻm luôn, bỏ hết mọi lề thói, chán thật mớ đời. Ăn sáng thì bánh mì ốp la, bánh mì ốp lết hoặc xúc xích, ba tê, giăm bông với cà phê sữa hay bánh bao, tỉm xắm hay bánh cuốn thịt quay, giò chả rồi trà tàu mạn hảo kế theo chứ ai mới bảnh mắt đã tu bia ào ào như chống hạn. Chẳng còn tha cái gì! Có ông cán bộ phường còn sai con ngày ngày đến chỗ tôi lấy tóc vụn về bán lại.”

Mọi người chợt ngồi ngay ngắn. Cửa hàng trưởng mặc áo sơ mi có hai con rồng vàng chầu hai bên ngực, thắt cà vạt đỏ ra giữa nhà xoa xoa tay:

- Thưa các thủ trưởng, xin các vị không phải khách sáo giữ gìn cho nó trái với lòng dạ các vị, các vị cứ việc tha hồ đánh chén đập phá cho bõ cơn thèm khát. Vâng, mẹ nó chứ, chẳng mấy khi có dịp. Vị nào mang sẵn cà mèn, túi ni lông trong cặp xin bỏ ra đưa cho nhà bếp lấy phần trước chốc mang về…

Các vị khách bắt đầu nhớn nhác nhìn nhau. Cửa hàng trưởng nói tiếp:

- Vâng, có nghĩa lý đếch gì đồng tiền chùa. Mình không lấy thì đứa khác nó lấy. Chúng tôi trông thấy cái chức của các vị là quý, còn các vị không thấy cái ví của chúng tôi là mừng, thời nay đúng thế có phải không ạ. Tôi xin là cứ đi guốc trong bụng các vị, vâng, đi guốc. Các vị đói và túng tiền cho nên chẳng ngại gì xà xẻo từng miếng mỡ, đồng xu. Chúng ta hãy ra sức ngoắc ngoặc nhau, các vị che chắn cho chúng tôi làm ăn vào cầu trúng quả là các vị chẳng xây được nhà thì cũng phải tậu Nữ hoàng đời mới.

Một vị nom trịnh trọng nhất trong hàng quan khách đứng lên, nghiêm mặt lại nói, vẻ như muốn uốn nắn cửa hàng trưởng quá bỗ bã:

- Còn phải dài dòng làm gì, đếch có ô dù chúng tớ thì các anh sập tiệm, hỏi còn múa nổi cái gì?

- Đúng thế – một vị khác đứng ngay lên tiếp lời. Quy luật chúng ta là giúp cho nhau đều trúng quả vào cầu, các anh càng biết điều đấm mõm chúng tôi thì các anh vơ về càng bộn…

Như không muốn mất phần phát ngôn, một vị mặt đỏ gay gắt vội đứng lên:

- Khỏi lo, bọn tớ ô chắc dù khoẻ lắm, các cậu ngoan thì chắc chắn chấm sâu mút bẫm.

Lúc này, như nhận ra lời lẽ kỳ quái của các vị quan khách, cửa hàng trưởng bắt đầu ngơ ngác. Các quan khách nào chưa nói thì tròn xoe mắt nhìn nhau. Bác phó cạo cứ lấy đầu gối huých lia lịa vào chân tôi.

Một bà to béo phốp pháp đi ra bảo cửa hàng trưởng:

- Này tôi đi bôi trơn mõm mấy đứa trên sở thưong mại nhá. Phần của anh tôi bảo chúng nó cất vào tủ lạnh cho anh rồi.

- Có ba cái ngầu pín chứ, tôi dặn rồi? cừa hàng trưởng hỏi giật.

- Chết, con cái Sướng nó lấy mẹ nó mất ba cái ngầu pín rồi, nó lại bảo mai mới đến phần anh, mẹ béo nói.

- Hôm nay mà không có ba cái cặc bò cho ông ấy thết mấy ông ủy ban thì ăn mày cả lũ với nhau.

Cửa hàng trưởng như bị điện giật.

- Thì nó cũng là đem kỉnh tổ nội nó trên ủy ban chứ đâu.

Mấy vị quan khách hớn hở hẳn lên:

- À, có cái ấy mà cấp cho anh em đều thì hay đấy. Hàng ngày có chứ? Lên lịch chia cả cho chúng tớ với. Trong bếp vọng ra tiếng một người hỏi rất to: - Đã vớt con chuột cống chết hai hôm nay trong thùng nước mắm ra chưa mà đã xan vào vịt mang ra ngoài bàn ăn đấy?

- Vớt rồi mới xan chứ. To bằng cái bắp chuối hột thế này này.

- Có thấy mùi chuột không?

- Mùi chó gì lại được mùi nước mắm? Cửa hàng trưởng và bà phốp pháp đi ngay vào trong bếp. Tiếng rì rà rì rầm rồi một người sẵng giọng:

- Kêu chó gì bọn tôi trống mồm? Ngoài kia các ông bà trống mồm nghe rợn hết cả người lên kia kìa. Mấy vị khách chắc xét thấy cần phải can thiệp bèn cầm các vại bia đi vào. Bỗng tiếng tát đánh bốp một cái rất mạnh vẳng ra.

- A, con đĩ, con đĩ lừa tao lại ở đây.

- Đĩ đéo nào lừa ông… Ông là cái đéo gì mà ai thèm lừa.

- Đứa nào xui tao bỏ vợ? Đứa đéo nào thèm xui. Già khú đế thì có mà… mà… chó cái nó thèm vào…

- À được, thế thì trả lại tao cái bằng tốt nghiệp cấp hai tao chạy cho để mày đi học lớp trung cấp nấu nướng đi. Ầm ầm như sôi. Quát tháo, chửi rủa, khóc lóc, cười cợt…

Bác thợ cúp nói:

- Không ổn rồi, về thôi. Tim la xắng téng bày ra thế kia, lại nước mắm ngâm chuột cống, thôi về đi anh…

Tiếng một ông bỗng phè phỡn huênh hoang:

- Thôi, nghe đây, tớ ba bà ba sở, sở nào cũng có vòm đàng hoàng, có xế hẳn hoi, con cái thì đứa Nội Bài, đứa Vốt Cô, đứa du lịch… thế mà tớ vẫn duyệt, vẫn thông qua đủ mọi thứ đấy, ối dà…

Ông dại gái vẫn cay lại hét lên:

- Bây giờ mày ôm thằng nào? Ôm thằng cấp trên của mày đấy, lên mà tát nó đi, nó thì cho cậu té mẹ cậu lên tít Sóc Sơn, Ba Vì ăn sắn đéo có cả muối với mường mán…

Đòn hiểm. Quả nhiên im bặt.

Bác thợ cúp thở dài:

- Tởm lắm, về đi.

- Bác về trước, rồi tôi sang bác ngay.

Bác ra cửa, tôi lẻn vào trong nhà. Chẳng ai thèm ngó ngàng, tôi lủi nhanh lên gác.

Gác nay làm kho. Qua các thúng mủng, quang sọt bề bộn, bẩn thỉu, tôi đưa mắt tìm bức tường.

- A! Tôi giật mình buột kêu. Kia, trong bóng tối lờ mờ hình đầu Việt nổi lên rất rõ. Trước kia bằng bàn tay nay đã lan ra hết một phần ba bức tường.

Nước mắt tôi bỗng ứa ra. Và mồm thì lắp bắp như khấn, như hỏi: Sẽ có mưa rào toàn thành đấy à, hả Việt? Cân đai bối tử hàng mã sẽ trôi lềnh phềnh đầy các cống rãnh đấy chứ hả Việt?

Nhảy qua các xảo, sọt, thúng, bồ, tôi đến trước mặt Việt, xoa xoa lên cái hình mà thấy hun hút một luồng sinh khí ấm áp phả nhẹ vào bàn tay… T. Đ.

1989, năm Tự cởi trói