Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ Miền Nam (kỳ 189): Ngô Thụy Miên: Mùa Thu Cho Em

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2022)

clip_image001

clip_image002

clip_image003

clip_image004

Mùa Thu Cho Em – Sáng tác: Ngô Thụy Miên

Trình bày: Ngọc Lan

Nghe thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (63)- Ngô Thụy Miên 1

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (64)- Ngô Thụy Miên 2

Đọc thêm:

Nói chuyện với Nhạc Sĩ Ngô Thụy Miên

Nghiêm Xuân Cường

Ai trong chúng ta đã không nhiều lần chìm đắm trong thế giới âm thanh ngọt ngào và lời nhạc đẹp như thơ của Ngô Thụy Miên. Trong mỗi tuổi trẻ của chúng ta, ở một vùng ký ức xa xôi nào đó là dòng nhạc êm ái với nét buồn nhẹ nhàng quyến rũ của anh ru êm trái tim sau một cuộc tình buồn. Những năm còn sống ở Seattle, Washington, một nơi nhiều cảnh đẹp thiên nhiên và cũng thật nhiều văn nghệ sĩ chúng tôi có duyên may đuợc gặp và sinh hoạt văn nghệ vài lần với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. Con người ngoài đời của anh có lẽ cũng giống như nhừng hình chụp hoặc trong các video ca nhạc Ngô Thụy Miên, bình dị và trầm mặc, cởi mở và khiêm nhường. Để cho bạn đọc của Hồn Quê được biết thêm về người nhạc sĩ dễ mến mà dòng nhạc đã làm ngây ngất hằng triệu con tim từ mấy thập niên qua, chúng tôi đã nói chuyên với nhạc sĩ Ngô Thụy Miên cách đây một ít ngày sau khi có cuộc động đất ngay tại thành phố anh cư ngụ, Olympia, thủ phủ của tiểu bang Washington.

Nghiêm Xuân Cường (NXC): Trước nhất xin cảm ơn anh đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn, nhất là trong khi anh đang bận rộn việc chỉnh tu nhà cửa sau trận động đất vừa qua. Xin anh cho độc giả của Hồn Quê biết một chút riêng tư về anh được không? Chẳng hạn về tuổi tác, nơi sinh quán, v.v. Ngô Thụy Miên có phải là tên thật của anh?

Ngô Thụy Miên (NTM): Vâng, trước hết Ngô Thụy Miên xin kính chào quí vị độc giả của Hồn Quê. Thật là một niềm vui lớn cho cá nhân tôi đã được Hồn Quê và anh Nghiêm Xuân Cường dành cho cuộc nói chuyện ngày hôm nay. Tôi sinh năm 1948 tại Hải Phòng, lớn lên tại Sài Gòn. Yêu thơ Nguyên Sa và mơ về thành phố Paris từ những ngày còn rất trẻ. Tên thật là Ngô Quang Bình, Ngô Thụy Miên là bút hiệu thứ hai của tôi. Bút hiệu đầu tiên khi tôi bắt đầu viết nhạc là Đông Quân. Tôi đến định cư ở Mỹ từ 1980 và hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Washington, miền Tây Bắc Hoa Kỳ.

NXC: Anh theo học nhạc từ năm nào và bắt đầu viết nhạc từ lúc nào? Nhiều người yêu nhạc biết đến anh qua nhạc phẩm Mùa Thu Cho Em. Đây có phải là sáng tác đầu tay của anh không?

NTM: Tôi may mắn được bố mẹ cho đi học nhạc từ lúc còn bé. Tôi đã theo học vĩ cầm với thầy Đỗ Thế Phiệt, nhạc pháp với thầy Hùng Lân tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Bắt đầu sáng tác từ năm 1963 với bút hiệu là Đông Quân. Năm 1965 hoàn tất nhạc phẩm đầu tay Chiều Nay Không Có Em với bút hiệu Ngô Thụy Miên. Bản tình ca thứ hai đã được các đài phát thanh Sài Gòn và Quân Đội phổ biến rất nhiều trong hai thập niên 60 và 70 là ca khúc Mùa Thu Cho Em. Kế tiếp là những nhạc phẩm được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em… Từ lòng yêu nhạc cùng với tình yêu người, tôi đã sáng tác và cùng với một số bạn bè, thân hữu đi trình diễn tại khắp các giảng đường đại học, các trung tâm văn hóa và hội quán văn nghệ Sài Gòn để giới thiệu những sáng tác mới của mình.

NXC: Một trong những nét rất đặc biệt của nhạc Ngô Thụy Miên là lời nhạc rất riêng tư (personal), nhưng rất thật và diễn tả được hết những cảm xúc của người đang yêu. Xin anh cho biết anh có một kỷ niệm gì đặc biệt về một bản nhạc nào không? Chẳng hạn, anh có nhớ đến hoàn cảnh nào đã khiến anh viết Mắt Biếc, Giáng Ngọc, hoặc Niệm Khúc Cuối?

NTM: Nói đến những kỷ niệm sáng tác thì nhiều lắm, kể từ “Mùa Thu Cho Em” cho đến “Riêng Một Góc Trời”. Riêng nhắc đến Giáng Ngọc là nhắc đến những kỷ niệm của một thời bọn sinh viên trẻ chúng tôi thường đến học tại các thư viện của Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Đức. Giáng Ngọc là một cô nữ sinh Trưng Vương ngày đó với mái tóc dài đặc biệt xõa trên tà áo trắng học trò. Ba mươi năm trôi qua, tất cả đã đi vào quên lãng, nhưng bàn tay, mái tóc và dáng người đó đã cho tôi niềm cảm hứng để viết bài hát với những câu “Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa. Vẫn tóc mây bay má môi hồng thắm… ”. Một sáng tác nữa mà tôi cũng rất yêu quí, có mang một chút hình ảnh thời sự, đó là bài “Em Còn Nhớ Mùa Xuân”. Đó là tình khúc duy nhất tôi đã viết ở Sài Gòn sau tháng 4 năm 1975 trong nỗi nhớ một người bạn gái đã ra đi, và giữa những đổi thay, mất mát xảy ra quanh mình trong những ngày tháng đó. Bản nhạc nhắc đến những kỷ niệm đẹp của chúng tôi trong bối cảnh của Sài Gòn/Đà Lạt một thời thơ mộng. Cuối năm 1978 tôi hoàn tất bản nhạc, và hát lần đầu tiên trong một đêm văn nghệ tổ chức trên đảo tị nạn Bidong trước khi lên đường đi Canada. Cuối năm 1979, tôi đã gặp lại và thành hôn với người bạn gái năm đó.

NXC: Mỗi người viết nhạc một cách khác nhau. Có người viết lời trước rồi đặt nhạc sau, chẳng hạn như Rogers và Hammerstein khi viết “The Sound of Music”. Riêng với anh, anh có thể cho độc giả biết nhạc hay lời đến trước trong quá trình hoàn thành một bản nhạc, hay là mỗi bài mỗi khác. Khi sáng tác, anh thường dùng nhạc cụ nào, piano, violin, guitar…?

NTM: Tôi thường dùng piano và guitar để ghi lại cũng như hoàn tất những sáng tác của mình. Rất nhiều những ca khúc của tôi đã được bắt đầu với ý nhạc. Khi một ý nhạc đến (thường chỉ là một câu nhạc nào đó) tôi ghi lại, đặt lời nếu có cảm hứng, rồi sau đó tiếp tục phát triển thành bài hát. Một số bài thì lời ca đến trước. Nói chung thì tùy thôi, không gò bó trong bất cứ một quy luật hay kỹ thuật nào cả. Tuy nhiên trong những sáng tác của tôi, có thể chia ra làm ba khuynh hướng khác nhau:

1. Những bài phổ từ thơ: Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tình Khúc Buồn, Cần Thiết.

2. Những bài được hoàn tất nhạc trước rồi mới đặt lời sau: Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, Miên Khúc.

3. Và những bài còn lại là kết hợp của cả ý nhạc và lời ca.

NXC: Nhiều người nghe nhạc của anh nhận thấy có một nét riêng, một nét rất “Ngô Thụy Miên”, một chút buồn nhè nhẹ, lời thật chải chuốt và nhiều thơ tính. Có thể coi đây là một thứ “chữ ký âm nhạc” (musical signature) mà chỉ có ở vài nhạc sĩ khác như Phạm Duy hoặc Hoàng Trọng, mà khi nghe nhạc người ta nhận ngay ra tác giả là ai. Khi viết nhạc anh có chủ ý trau chuốt về một khía cạnh nào đó chăng để dòng nhạc có nét riêng biệt như vậy?

NTM: Nói về kỹ thuật sáng tác thì thực ra cũng không có gì đặc biệt. Như hầu hết các anh chị em viết nhạc khác, những tình khúc của tôi đều được viết từ tim óc. Ý nhạc đến từ trí tưởng và lời ca từ con tim. Riêng tôi đến với âm nhạc như một sự tự nhiên, không hề chọn lựa. Những sáng tác của tôi đều được cẩn trọng, chăm sóc từ lời ca đến ý nhạc. Những năm tháng học nhạc cổ điển Tây Phương đã giúp tôi rất nhiều trong việc sáng tạo, chọn lựa cũng như trau chuốt, làm đẹp câu nhạc. Đã có những bài tôi để cả năm trời chỉ để viết đi, viết lại những giai điệu mà mình chưa vừa ý! Nói về lời ca, thì có lẽ nhờ trưởng thành giữa văn thơ và sách vở tôi đã được đọc rất nhiều. Đọc nhiều nó thấm vào người lúc nào không biết. Rồi khi trái tim rung động thì lời ca tự nhiên sẽ đến.

NXC: Anh có thể cho độc giả biết tên của những bản nhạc anh đã sáng tác cũng như năm ra đời của từng bài không? Anh đã thực hiện được bao nhiêu cuốn băng hay CD? Nếu nhìn lại từng thập niên một chẳng hạn, nhạc của anh có chia ra thời kỳ nào không? Nói cách khác, nét nhạc của anh có thay đổi vì anh muốn viết cách khác đi không?

NTM: Như đã nói, trong bốn thập niên vừa qua tôi đã viết khoảng 50 tình khúc. Thú thực là tôi không giữ được nguyên bản, cũng như không nhớ chính xác là đã viết bài nào vào năm nào. Tuy nhiên, nhìn lại thì có thể chia quá trình sáng tác của tôi thành 3 thời kỳ:

1. Trước năm 1975. Đây là những ngày tháng tôi còn sinh hoạt ở Sài Gòn. Trong khoảng thời gian đó tôi đã viết 17 tình khúc. Những bài tình ca này đã đánh dấu một quãng đời mà tôi nghĩ là đẹp nhất cho tuổi trẻ của tôi: Chiều Nay Không Có Em, Mùa Thu Cho Em, Tình Khúc Tháng Sáu, Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Dấu Tình Sầu, Từ Giọng Hát Em, Mắt Thu, Tuổi 13, Mắt Biếc, Niệm Khúc Cuối, Bản Tình Cuối, Giọt Nước Mắt Ngà, Tình Khúc Mùa Xuân, Giọt Nắng Hồng, Tình Khúc Buồn.

2. Từ năm 1975-1978. Trong thời gian này tôi chỉ viết một nhạc phẩm duy nhất, Em Còn Nhớ Mùa Xuân, mà lời ca có mang một chút hình ảnh của những đổi thay mất mát đang xảy ra quanh mình ngày tháng đó.

3. Từ 1979 tới nay. Thập niên 80 tôi đã viết 14 tình khúc đánh dấu những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ, ghi lại tâm trạng chung của ngườI Việt xa quê hương, nỗi nhớ thương Sài Gòn, nhớ thương ngày tháng cũ: Nắng Paris, Nắng Sài Gòn, Dốc Mơ, Mùa Thu Xa Em, Bản Tình Ca Cho Em, Thu Khóc Trên Ngàn, Tháng Giêng Và Anh, Paris, Tháng Sáu Trời Mưa, Thu Sài Gòn, Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn, Lời Tình Cuối, Giã Từ Em Cali, Hát Cho Người Ra Đi, Mùa Đông Công Viên. Thập niên 90 tôi đã viết 17 tình khúc đánh dấu những đổi thay, những muộn phiền của đời sống. Lời ca ý nhạc chậm buồn hơn, không nhẹ nhàng trong sáng như những sáng tác của hai thập niên 60, 70: Em Về Mùa Thu, Tình Cuối Chân Mây, Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Dấu Vết Tình Yêu, Riêng Một Góc Trời, Cần Thiết, Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ, Miên Khúc, Một Đời Quên Lãng, Gọi Tên Anh, Mây Bốn Phương Trời, Tuổi Mây Hồng, Thu Trong Mắt Em, Giọt Buồn Mùa Đông, Nỗi Đau Từ Đấy, Bốn Mùa Quạnh Hiu, Thu Tưởng Nhớ. Sáng tác mới nhất năm 2000 là bài Mưa Trên Cuộc Tình Tôi đã được ca sĩ Hoàng Nam trình bày lần đầu tiên trong Đêm Nhạc Ngô Thụy Miên đuợc tổ chức tại Quận Cam, California tháng 9 năm ngoái.

Về băng nhạc và CD thì trong thập niên 70, cùng với một số bạn bè thân hữu, chúng tôi đã thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên mà trung tâm Thúy Nga đã phát hành ở Sài Gòn vào cuối năm 1974; một số các tình khúc tiêu biểu của tôi được gói trọn trong băng này như Mùa Thu Cho Em, Áo Lụa Hà Đông, Niệm Khúc Cuối, Từ Giọng Hát Em… Thập niên 80, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện cuốn băng Tình Ca Ngô Thụy Miên 2 ở hải ngoại gồm có một số sáng tác như Em Còn Nhớ Mùa Xuân, Dốc Mơ, Nắng Paris, Nắng Sài Gòn, Bản Tình Ca Cho Em… Qua đến thập niên 90 thì Trung Tâm Thúy Nga thực hiên cuốn video Tình Ca Ngô Thụy Miên, và phát hành 2 cuốn CD gồm một số bài như Em Về Mùa Thu, Cần Thiết, Riêng Một Góc Trời, Ở Nơi Nào Em Còn Nhớ…

NXC: Người nhạc sĩ khi nghe nhạc của mình được trình diễn tất nhiên như nhìn thấy đứa con tinh thần của mình được nâng niu yêu mến, chắc chắn đó là niềm cảm hứng mới cho ngươì viết nhạc. Là người sáng tác tại hải ngoại, anh cũng như những nhạc sĩ khác, không giống như ngày còn ở trong nước, đi đâu cũng nghe tiếng nhạc của mình. Nó có ảnh hưởng như thế nào đến việc sáng tác của anh? Anh có những kỷ niệm, cảm tưởng gì khi đi tham dự những Đêm Nhạc Ngô Thụy Miên, như một lần mới tổ chức vào tháng 9/2000?

NTM: Người ca sĩ phải được hát, được trình bày tiếng ca của mình trước khán thính giả mới có ý muốn trau dồi nghệ thuật, học hỏi để tiến đến một trình độ cao hơn. Cũng vậy, người viết nhạc nếu không được nghe những tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi thì cảm hứng sáng tác tiếp tục sẽ bị mất đi rất nhiều. Đây cũng là một trong nhiều lý do tại sao ở hải ngoại chúng ta ít được nghe những sáng tác có giá trị mới. Tôi vẫn nhớ 30 năm về trước, chúng tôi, những người viết nhạc ngày đó có cả một hậu thuẫn lớn lao của các anh chị em sinh viên, học sinh. Chính từ những đêm nhạc tổ chức tại các trường đại học đã tạo cho tôi có cơ hội thực hiện một chương trình trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Và từ đó những sáng tác của tôi đã được phổ biến thường xuyên qua đài phát thanh, tạo cho tôi những cảm hứng để tiếp tục sáng tác mạnh mẽ.

Trong những năm vừa qua, tôi vẫn thỉnh thoảng tham dự các đêm ra mắt CD của một vài ca, nhạc sĩ, tham dự giải Kim Khánh, cũng như các đêm hát nhạc Ngô Thụy Miên. Gần đây nhất là chương trình nhạc với chủ đề “Tình Ca Ngô Thụy Miên Qua Bốn Thập Niên” đuợc tổ chức vào đầu tháng 9 năm 2000 tại hí viện La Mirada ở Quận Cam. Trong đêm nhạc này một số anh chị em đã trình bày 23 ca khúc của tôi. Nói về cảm nghĩ khi tham dự những đêm nhạc như vậy thì quả thực có gì hạnh phúc hơn cho một người nhạc sĩ được mời đến để cùng vơì quý vị khán thính giả nghe lại những đứa con tinh thần của mình được trình bày qua những tiếng hát mà cá nhân tôi đã yêu thích từ bao năm nay. Và có lẽ một kỷ niệm vui hôm đó là khi ca sĩ Tuấn Ngọc trước khi trình bày bài Riêng Một Góc Trời đã ngỏ lời cảm ơn đến tác giả bài hát. Khi anh hát xong, giữa những tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, tôi đã rời ghế ngồi, tiến đến sân khấu bắt tay Tuấn Ngọc. Một cái bắt tay đã chia sẻ tất cả những cảm thông của hai chúng tôi, của hai con người cùng yêu quí nghệ thuật.

NXC: Tất nhiên là với người Việt ở hải ngoại, việc cản trở nhất cho sự phát triển của nhạc Việt là không có phương tiện quảng bá. Anh có nhận xét gì về tương lai nhạc Việt ở hải ngoại, về chiều hướng sáng tác cũng như việc phổ biến các sáng tác mới?

NTM: Anh đã có một nhận xét rất đúng. Phương tiện quảng bá là một trong những cản trở lớn lao nhất trong việc phổ biến những sáng tác mới ở hải ngoại. Hệ thống truyền thanh, truyền hình và các trung tâm băng nhạc đã không thể đáp ứng được hết nhu cầu phổ biến những bài hát mới. Người nhạc sĩ sau khi bỏ ra bao nhiêu tâm huyết để sáng tác, bỏ tiền để thực hiện những cuốn CD, nhưng cũng không thể phổ biến rộng rãi hơn ngoài giới bạn bè, thân hữu nếu không được một trung tâm băng nhạc nào đứng ra lo việc phổ biến và phát hành!!

Tuy nói như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một thời điểm đặc biệt mà nền tân nhạc của chúng ta đã có nhiều nhạc sĩ trẻ, được gần gũi cũng như hấp thụ nền âm nhạc tây phương. Họ đã sáng tác, tự trình diễn lấy và nhiều người đã viết hoà âm, cũng như sử dụng các nhạc khí một cách thuần thục. Dòng nhạc của họ trẻ trung hơn, cùng với phần hòa âm sống động đã đáp ứng được với nhu cầu của thế hệ trẻ bây giờ. Tôi nghĩ là các nhạc sĩ trẻ sẽ tiếp tục đóng góp vào công cuộc duy trì cũng như phát triển nền sinh hoạt âm nhạc của chúng ta ở hải ngoại. Chỉ có điều đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa có dịp thưởng thức dòng nhạc mới của rất nhiều những người viết nhạc khác ngày hôm nay.

NXC: Anh thấy có những khác biệt như thế nào về sáng tác nhạc ở Việt Nam và ở hải ngoại?

NTM: Thưa anh, với tôi Âm Nhạc cũng như Đời Sống, đều thay đổi theo Thời Gian và Không Gian. Sống ở quê hương với những thân yêu quanh mình, với những lụa là, mưa nắng Sài Gòn, những quán hàng, những con đường quen thuộc từng dấu chân từng buổi sáng, buổi chiều… Những tháng năm đó đã cho tôi những ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca thơ mộng dịu dàng. Ở đây người ta thật vội vã, thật xa lạ! Yêu đương, hẹn hò cũng phải có giờ giấc. Những thành phố, nhà cửa thật to lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo! Ngày tháng bên này đã để lại trong nhạc tôi những dấu vết buồn bã của cuộc sống tạm dung, những muộn phiền cay đắng của những phần đời lặng lẽ quanh mình.

NXC: Anh có những dự tính gì trong tương lai?

NTM: Một lần nào đó tôi đã có nói “Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”. Từ những ngày tháng đầu tiên, âm nhạc với tôi là những phương tiện để chia sẻ những tâm tư, tình cảm riêng của mình đến với những người tôi yêu quí, nói rõ hơn là những người đã đi qua đời tôi, hay đang chia sẻ những thăng trầm của cuộc sống với tôi. Đôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi. Đời đã nghe, người đã hiểu. Nhưng khi ý nhạc hay lời ca đến thì lại ngồi xuống phím đàn. Chỉ mong là khi nào trái tim còn rung động, thì vẫn còn tiếp tục viết, dù có thể chỉ là riêng cho mình thôi.

NXC: Xin cảm ơn anh đã cho độc giả của Hồn Quê nói riêng, và những người yêu nhạc nói chung một cái nhìn rõ hơn về người nghệ sĩ mà mọi người đã ngưỡng mộ và yêu mến từ nhiều năm qua. Xin chúc anh chị thật nhiều hạnh phúc, vui tươi trong những tháng năm sắp tới, và tất nhiên là mong sẽ còn tiếp tục được nghe thêm nhiều sáng tác của anh.

NTM: Một lần nữa, cảm ơn Hồn Quê và anh Nghiêm Xuân Cường đã dành cho tôi ít phút để tâm tình với quí độc giả của Hồn Quê. Xin chào anh và kính chào quí vị.

Nghiêm Xuân Cường thực hiện

Nguồn: Hồn Quê