Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Mênh mông chật chội… (11)

Lại Nguyên Ân

TI ỂU THUYẾT VÀ LỊCH SỬ

(Nhân đọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo)

Thú thật, tôi đọc Giàn thiêu khá muộn.

Ðược biết tác phẩm này ra đời đã khá lâu, được nghe ít nhiều dư luận về tác phẩm này cũng từ khá lâu rồi. Vậy mà chỉ nhân bị/được buộc chân chừng hơn một ngày bởi mưa bão, tôi mới có dịp ngồi đọc và tất nhiên đã đọc một mạch từ đầu đến cuối sách Giàn thiêu (bản in lần thứ hai, quý II/2005).

Gấp sách lại, cảm tưởng chung là hào hứng. Có lẽ ai đọc chăm chú cũng sẽ ít nhiều bị lây cái nhiệt hứng của tác giả khi khơi lại những chuyện những người ở trên đất này cách nay bảy tám trăm năm. Nhưng tựu trung các suy nghĩ của tôi do sách Giàn thiêu khơi lên đều xoay quanh các vấn đề như đề tài lịch sử và sáng tác văn học, thể loại tiểu thuyết với việc xử lý chất liệu lịch sử …

Trong vòng dăm chục năm trở lại đây ở ta đã hình thành một số quan niệm và quy phạm (không thành văn, cố nhiên) cho sáng tác về đề tài lịch sử theo đó cả lịch sử lẫn nghệ thuật đều chịu thiệt thòi, chẳng hạn người ta buộc nhà văn (và đến lượt nhà văn tự buộc mình) chỉ nên trình bày đời sống quá khứ trong trạng thái “vua tôi nhất trí”, “muôn dân một lòng”, làm như thể ở xứ này xưa kia không từng có đấu tranh quyền lực ở chính trường cấp cao, không từng có đấu tranh xã hội bên trong cộng đồng dân tộc; chính những quan niệm và quy phạm kiểu ấy đã khiến cả chất tiểu thuyết lẫn tính kịch thực sự của lịch sử bị tước mất quyền hiện diện trong văn học.

Mươi năm gần lại đây có thể thấy trên đề tài lịch sử những tìm tòi mạnh dạn hơn, vượt qua các quy phạm cằn cỗi, đem lại sinh khí cho văn chương về lịch sử. Tuy vậy, trên thực tế sáng tác đề tài này lại thường thấy sự xói mòn ranh giới thể loại giữa tiểu thuyết và truyện. Khá nhiều nỗ lực phác hoạ các bức vẽ toàn cảnh đời sống dân tộc ở những thời đoạn quá khứ nhất định, lẽ ra nên được coi là truyện dài với tính chất sử thi rõ rệt, lại thường được cả tác giả lẫn không ít nhà nghiên cứu nhà phê bình đưa ra xem xét như là tiểu thuyết, trong khi chính tác phẩm lại bỏ qua những nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết.

Ðọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, một điều tôi dần dần thấy rõ là tác giả hiểu và dồn sức vào những nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết khi tiếp cận một đề tài quá khứ. (Xin có một lưu ý nhỏ. Ðiều tôi đang gọi là “nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết” ở đây là ứng với quan niệm và mẫu hình “kinh điển” của tiểu thuyết, tức là tiểu thuyết Âu Tây thế kỷ XIX, cái quan niệm và mẫu hình đã thâm nhập sâu vào văn chương tiếng Việt từ thập niên thứ ba của thế kỷ XX, chứ không phải là những cách tân và đột phá của giới tiểu thuyết gia thế giới trên dưới một trăm năm nay, tuy những phá cách này cũng không hoàn toàn xa lạ với hiểu biết của chúng ta).

Nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết là trình bày đời sống cá nhân con người, số phận của nó, tính cách của nó. Võ Thị Hảo đã tận dụng những sử liệu của Ðại Việt sử ký toàn thư, đặc biệt là những sự kiện trong thời đoạn 1088-1138, dưới hai triều Nhân Tông và Thần Tông nhà Lý, đã tận dụng các truyền thuyết về Từ Ðạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, lại cũng đã dày công hư cấu, “thiết kế lại quá khứ”, từ núi sông cây cối, phong cảnh vùng phía tây thành Thăng Long đến thác nước sông Gâm, rồi tưởng tượng ra từ những vùng núi cao tuyết phủ xa xôi nơi Thiên Trúc, đến dinh thự quan lại, các cảnh hỗn chiến, đánh lộn, rồi các thứ lễ và hội, bánh trái, trang phục, trang sức, mỹ phẩm, v.v., tạo nên da thịt liền mạch cho đời sống quá khứ được dựng lại trong tác phẩm. Tuy vậy tác giả khó có thể thành công nếu như không đưa ra được một kiến giải mới mẻ và khả chấp về nhân vật lịch sử đồng thời là nhân vật truyền thuyết Từ Ðạo Hạnh.

Truyền thuyết về xuất thân và quá trình tu tập và hành đạo của Từ Ðạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, nguồn sử liệu đã bị huyền thoại hoá thành truyền thuyết về gốc tích vua Lý Thần Tông (do Từ Ðạo Hạnh đầu thai làm con Sùng Hiền hầu) và chuyện vua bị hoá hổ, sau được sư Minh Không chữa khỏi, ghi trong Ðại Việt sử ký toàn thư, đã được tác giả Giàn thiêu tiếp nhận, xem hai tiểu truyện ấy như những kiếp sống của cùng một con người. Hai thiên tiểu sử này, − một cái đương nhiên thấm đẫm huyền thoại cả Phật giáo Mật tông lẫn Ðạo giáo, cái còn lại lẽ ra phải thuần lý kiểu Nho gia nhưng đã không thể chối từ đưa huyễn tượng vào chính sử. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là đọc ra từ hai thiên tiểu sử vô tình bị buộc vào nhau này một vài nét nghĩa nhân sinh phổ biến.

Võ Thị Hảo đã làm được điều này và từ các chất liệu về hai nhân vật lịch sử truyền thuyết hoá, nhà văn đã xây dựng nên một nhân vật tiểu thuyết.

Từ đây, ta sẽ nói về nhân vật Từ Lộ trong tiểu thuyết Giàn thiêu.

*

Xuất hiện trong câu chuyện, chàng trai Từ Lộ ban đầu là một công tử con quan, sinh ra dường như chỉ biết đọc sách đánh cờ thổi tiêu,… tóm lại chỉ để hưởng phúc lộc. Chàng đâu biết buổi dạo chơi cùng người vợ chưa cưới vào tối nguyên tiêu năm ấy lại là những giờ khắc cuối cuả cuộc sống phù hoa mà chàng được hưởng trên cõi đời này. Ngay đêm ấy, tai hoạ ập đến gia đình chàng: cha chàng là Tăng quan đô án Từ Vinh bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Ðại Ðiên dùng phép thuật giết chết. Xác cha chàng trôi ngược sông Tô, dừng lại trước nhà Diên Thành hầu, rồi dựng đứng lên chỉ tay đánh dấu kẻ thủ phạm vụ ám hại, sau đó còn nhiều lần báo mộng nhắc con trai trả thù.

Tai biến đã làm thay đổi hẳn chàng trai. Chàng nguyện từ đây sống chỉ để trả thù cho cha. Lần thứ nhất, chàng cùng mẹ dâng đơn tố cáo Diên Thành hầu lên viên quan coi việc hình án; ông này biết Diên Thành hầu là thủ phạm nhưng cũng biết thế lực vị hoàng thân này quá lớn, bèn phán quyết rằng mẹ con chàng phạm tội vu cáo, lẽ ra bị phạt nặng nhưng vì cha chàng vừa mất nên giảm xuống mức mẹ con chàng bị cách xuống làm thứ dân và bị tịch thu gia sản. Mẹ chàng chết vì uất ức.

Lần thứ hai, không cam chịu nỗi oan khuất, chàng đem bức đơn viết bằng máu đến lễ điểm binh dâng lên vua Nhân Tông, tưởng nỗi oan được giải, nào ngờ suýt bị chém đầu vì dám làm kinh động bệ rồng, lá đơn máu bị lớp lớp chân ngựa voi xéo nát.

Lần thứ ba, biết không thể động đến thủ phạm ở ngôi cao, chàng định một phen sống mái với kẻ đâm thuê chém mướn, nhưng gân sức một thư sinh như chàng chỉ có thể là trò cười trước pháp sư Ðại Ðiên phép thuật đầy mình.

Từ Lộ hiểu rằng muốn trả thù nhà, ít nhất là muốn trừng trị kẻ giết thuê kia, thì chính chàng phải tìm nơi học được phép thuật cao hơn Ðại Ðiên. Chàng tìm đến vị đại sư trên núi Yên Tử, nhưng ngài cho chàng biết thiền viện của ngài không phải nơi dung dưỡng niềm thù hận, cũng không dạy phép lạ hại người. Thấy chàng tha thiết “nếu khoanh tay trước kẻ ác thì tất vô tình hại người thiện”, đại sư bèn chỉ lối cho chàng cùng Minh Không và Giác Hải sang học đạo bên nước Tây Trúc, nơi mà chính Ðại Ðiên đã đến học, lại lưu ý chàng cần bền gan hơn Ðại Ðiên, hơn nữa còn muốn chàng trên đường học đạo cần đốn ngộ được đôi điều cho vơi gánh nghiệp chướng…

Ở đoạn đầu con đường hành hương về phía tây, Từ Lộ có lúc gặp lại người yêu; nàng đã bị ép gả cho chính con trai kẻ chủ mưu giết cha chàng, nàng đã cam chịu bước lên xe hoa để rồi bỏ trốn trước lễ hợp cẩn, nàng đã mai danh ẩn tích đi tìm chàng, nguyện theo chàng đến cùng trời cuối đất; nhưng Từ Lộ đã nguyện chỉ còn sống với không gì khác ngoài hận thù nên cố sức dứt bỏ. Lần cuối cùng, nàng từ trên ghềnh đá lao xuống chiếc bè của chàng đang ngược sông Gâm; đôi tình nhân dâng hiến nhau lần cuối trước khi nàng lao xuống thác dữ chỉ vì chàng quyết không cho nàng đi theo mình.

Ðường đi Tây Trúc cố nhiên vô vàn hiểm trở, nhiều lần tưởng bỏ xác dọc đường. Ðến lúc gặp được thầy, trong khi Minh Không và Giác Hải chọn học cùng một hướng thì riêng Từ Lộ chọn học một hướng khác, cốt rèn được phép thuật cao cường để trở về báo thù nhà; chàng thú nhận rằng vẫn chưa thể rời cõi vô minh, vẫn chọn con đường nặng nợ luân hồi lạc kiếp.

Từ Lộ không thể ngờ rằng công phu tu luyện gian khổ đằng đẵng mười ba năm cô độc giữa núi cao tuyết giá cốt để trả thù, vậy mà khi trở về, việc trả thù lại dễ dàng đến vậy. Diên Thành hầu chỉ còn là cái xác không hồn ngày ngày chạy theo đứa con trai độc nhất đã hoá điên sau đám cưới bất thành và vụ cháy nhà ngày ấy. Chàng tìm đến kẻ giết thuê năm xưa, hắn lại gần như không một chút chống cự, để cho chàng mặc sức ra tay và hắn tiếp nhận cái chết bình thản đến mức chàng thoáng chút ghen tỵ.

Từ Lộ rã rời, nhìn thấy kẻ thù mà chàng đã dành cả nửa đời để căm hận, để nuôi chí, nay đã tự kiệt quệ, tự huỷ hoại. Những phép thuật phải chịu khổ nhục mới luyện được trong mười mấy năm trời chẳng để dùng vào việc gì nữa. Người chàng trống rỗng” (tr. 394).

Thù nhà đã trả, chàng tìm đến thác dữ nơi người yêu đã trầm mình năm xưa toan tự tận theo nàng nhưng chính hồi ức tình yêu lại khiến sức sống trong chàng trỗi dậy.

Làm gì với phần đời còn lại? – chàng tự hỏi. Sau lúc chứng kiến lễ phóng diệm khẩu (thả linh hồn chúng quỷ khỏi hoả ngục) và đàm đạo về phật lý với một cao tăng, ở chàng thành hình một đích sống mới… “…Từ nay cuộc đời chàng sẽ dành trọn cho việc khuyến dưỡng hỷ xả, xa rời vật dục, đem chân tâm để quy tập thiên hạ muôn người làm một, lấy lẽ từ bi và sự quên mình để răn dạy chúng sinh” (tr. 400). Chàng tìm đến ngôi chùa nhỏ trên núi Sài, được tôn làm sư trụ trì, cùng chúng tăng và Phật tử vác đá xây chùa mở đường, lại đem phép thuật chữa bệnh cứu người, thu nạp được nhiều đệ tử, cảm hoá được cả những kẻ sát nhân… Chỉ dăm năm sau nơi đây đã thành một ngôi chùa danh tiếng, được dân chúng xa gần tìm đến nghe thuyết pháp, chữa bệnh, cúng dường,…, pháp danh Ðạo Hạnh mà chư tăng tôn xưng nhà sư trụ trì cũng nổi danh cùng ngôi chùa…

Dắt dẫn câu chuyện tới đây, nếu dừng lại, sẽ được một bản hạnh kể thành quả tu trì và công đức cứu nhân độ thế của một cao tăng; chuyển sơ đồ này sang văn chương cận hiện đại sẽ là chuyện anh hùng chiến sĩ; ở cả hai trường hợp trần thuật đều sẽ rời xa tiểu thuyết.

Tác giả Giàn thiêu muốn đưa chất liệu lịch sử vào tiểu thuyết.

Ta sẽ tiếp tục theo dõi cách thức tác giả Giàn thiêu dùng hư cấu nghệ thuật như thế nào để xử lý lại trong tác phẩm của mình các dữ kiện đã có trong sử ký và truyền thuyết.

Nhân vật Từ Lộ trong Giàn thiêu ở giai đoạn là vị đại sư núi Sài đức cao vọng trọng được tác giả tiểu thuyết phác vẽ ra đôi nét về đời sống bên trong. Ðương khi được chúng sinh tôn sùng vì công giáo hoá và chữa bệnh cho họ, vị đại sư bỗng nhận ra việc thao túng lòng tin của họ sao mà dễ dàng đến thế. Và, càng khuyên dạy họ coi khinh vật dục, chịu đựng mọi khổ ải hiện kiếp để hưởng sung sướng nơi Niết Bàn, đại sư càng nghi ngờ lòng tin của chính mình. Ngài cảm thấy đường đến Niết Bàn càng đi càng xa, vậy mà ngẫm ra chính mình còn chưa kịp có một ngày sống cho mình. Ngài thấy bọn quyền quý riêng hưởng xa hoa, làm đủ thứ bậy bạ, lại được quyền thay trời biến thiên hạ thành trò chơi trong tay mình, lại có quyền dựa danh đức Phật để tự an ủi và lấp liếm tội ác. Ngài tự thấy dù mình đã nhiều công tu trì, đã đạt tới những bậc cao trai giới, vậy mà nhìn sâu vào bản thân, ngài không dám chắc trong lòng không còn ước ao lầu son gác tía, không luôn mường tượng hình dáng người đàn bà đã cùng mình ân ái duy nhất một lần. Ngài tự hỏi mình đang làm gì? Chẳng phải mình hằng đêm nghiến chặt răng trên giường đá lạnh, cắn nát một bên tay diệt lửa dục, thề sẽ tu nên đắc đạo để kiếp sau trở thành người có quyền lực nhất thiên hạ, để bảo hộ người thân, để cứu giúp thiên hạ…? Ngài biết mình vẫn luôn tỉnh thức, nhưng càng tỉnh thức lại càng đối mặt nhiều câu hỏi nan giải… (tr. 426-432).

Tóm lại, trong tâm can ngài, lòng ham sống đời sống trần gian vẫn còn quá sâu nặng.

Ðối với tác giả Giàn thiêu, đoạn phác hoạ tâm trạng bên trong này là hữu cơ cho trần thuật về những biến cố tiếp theo: đại sư Từ Ðạo Hạnh đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, sinh ra ở kiếp thứ hai làm công tử Lý Dương Hoán, người sẽ được lập làm thái tử và sẽ lên ngôi làm hoàng đế thứ 5 nhà Lý, ngay sau Lý Nhân Tông.

Tiết đoạn đại sư từ biệt đệ tử trước cuộc viên tịch khác lạ được mô tả như là cảnh một bậc thầy nửa đường lừa dối và bỏ rơi đệ tử. “Ta đã lừa dối họ! Ta đã bỏ rơi họ! Cả đời họ đã theo ta để bị ta lừa dối ư? Họ sẽ sống ra sao với sự lừa dối của ta?” Như là để trả lời ngài, vừa khi ngài hồn lìa khỏi xác, đệ tử từng là kẻ sát nhân bỗng lại nổi máu xưa nghề cũ… (tr. 451-454). Cách xử lý này bộc lộ cái nhìn mỉa mai, cái nhìn sáp lại gần sự kiện, phi truyền thuyết hoá cái sự việc đã bị truyền thuyết hoá. Ðó là cái nhìn tiểu thuyết. Ngay sự việc hồn Từ Lộ nhập vào thai nhi trong bụng Sùng Hiền hầu phu nhân, một hiện tượng huyền thoại phi thực, tác giả cũng mô tả khá cặn kẽ bằng cái nhìn mỉa mai trào lộng, vạch ra nét ô trọc trong tâm tình nhân vật: hồn kẻ sẽ vào vai đứa con tương lai thoáng “ghê tởm”, “xấu hổ” vì cặp cha mẹ này, lại cũng thoáng “ham muốn” cái thân thể sẽ là mẹ mình (!), và một nét ngạc nhiên dành cho người đọc: nơi bào thai cũng đã có kẻ lén trú ngụ, nhưng hồn Từ Lộ mạnh hơn đã đuổi hồn kẻ đó ra: ấy là hồn pháp sư Ðại Ðiên (tr. 455-457).

Nhân tiện cũng lưu ý rằng bố cục tiểu thuyết Giàn thiêu tuy xáo trộn thời gian nhưng rõ ràng là được dàn thành hai mạch, bám theo thời gian các biến cố tiểu sử hai con người: Từ Lộ và Lý Thần Tông; mạch thứ nhất nằm trong khoảng thời gian 1088-1117; mạch thứ hai trong khoảng 1117-1138.

Mạch 1 (gắn với thời gian tiểu sử Từ Lộ): các chương II (Ðêm nguyên tiêu), III (Công đường), IV (Ðại đăng khoa), V (Cửu trùng), VI (Tiếng gọi), VII (Tiểu đăng khoa), VIII (Ngược thác oán), XVI (Hành cước), XVII (Báo oán), XVIII (Thiền sư), XIX (Vinh hoa), XX (Ðầu thai).

Mạch 2 (gắn với thời gian tiểu sử Lý Thần Tông): các chương I (Giàn thiêu), IX (Lãnh cung), X (Long sàng), XI (Niệm xứ), XII (Ðoạ xứ), XIII (Hổ), XIV (Cô phong), XXI (Giải thoát), XXII (Lãnh tiếu nhân gian), XXIII (Tà thư), XXIV (Ðoạn đầu đài), XXV (Lửa).

Trở lại điều đang bàn về nhân vật Từ Lộ trong tiểu thuyết Giàn thiêu.

Ở kiếp sống tiếp theo, dù có được ngôi vị cao nhất, nhân vật này vẫn chẳng làm được gì đáng gọi là vì dân vì nước. Ðiều duy nhất có thể kể lại là những lạc thú mà chỉ ở ngôi vị ấy mới được hưởng; chính đặc quyền này cắt nghĩa “tại sao trong các triều đình thường lâm vào cảnh nồi da nấu thịt, thuốc độc hoặc bùa chú ám hại lẫn nhau trong anh em ruột thịt để thoán đoạt ngôi báu” (tr. 247). Tác giả Giàn thiêu nhấn vào chỉ vài nét thôi ở kiếp thứ hai: tình và tật. Bên trong Dương Hoán có một “người già” Từ Lộ với khát khao khôn giải của kiếp trước đã in hằn thành một khắc khoải mà căn nguyên bí ẩn chỉ lộ rõ khi vua gặp mặt sư bà chùa Trầm, vốn chính là người vợ chưa cưới của Từ Lộ thời trẻ, sau khi nhảy xuống thác dữ đã được cứu vớt, rồi sống cuộc đời tu hành của một ni sư, để giờ đây gặp lại “cố nhân” đã sống ở kiếp sau trên ngôi hoàng đế. Nhưng trong Từ Lộ ở kiếp thứ hai cũng có một Dương Hoán trẻ tuổi muốn đạt tới quyền uy và danh vọng siêu việt, biểu trưng ở việc gắng thành thân bằng được với cung nữ Ngạn La, cô cung nữ có chiếc rốn màu chu sa quý hiếm, vốn được coi là nguồn khoái lạc và vận may đặc biệt cho ngôi vua, một vưu vật mà chính Dương Hoán đã cứu khỏi ngọn lửa giàn thiêu cùng 48 cung nhân khác bị buộc phải chết theo vua trước. Nếu những giây tình “hồi cố” hướng về một tiền căn mù mờ khiến Dương Hoán lâm bệnh ác, thì tham vọng “phạm thượng”lại dẫn ông vua trẻ đến cái chết.

Sự kiện Dương Hoán mắc bệnh và được cứu chữa, trong tiểu thuyết Giàn thiêu, đã được kể và giải thích theo kiểu phân tâm học.

Chàng Dương Hoán trẻ tuổi không biết mình là Từ Lộ thác sinh, không hiểu những cảm giác tựa như ký ức nào đó của mình là gì. Chỉ đến khi gặp sư bà Nhuệ Anh trong hội khánh thành tám vạn bốn ngàn bảo tháp ở gác Thiên Phù, những cảm giác kia mới lay tỉnh; chàng tìm cách giữ sư bà trong cung thì sư bà bỏ đi… Thế rồi vua lâm trọng bệnh, mọc lông hoá hổ. Triều đình lập đàn tế, toan giết cung nữ Ngạn La, lại sai quân lính đi bắt sư nữ chùa Trầm… Trước mặt sư bà, vua van xin hãy cứu chữa cho mình. Sư bà đi tìm đại sư Minh Không. Và Minh Không đã chữa cho Dương Hoán bằng cách làm cho bệnh nhân nhớ lại nhân duyên từ kiếp trước (điều này gợi nhớ đến việc các nhà phân tâm học thời nay chữa bệnh tâm thần bằng cách gợi cho bệnh nhân nhớ ra nói ra những bức bối thầm kín). Mấy bảo vật tuỳ thân của đại sư Từ Lộ được đưa ra trước “bệnh nhân” Dương Hoán: mảnh gương đồng, cây sáo mà công tử họ Từ từng thổi khúc “Phượng cầu hoàng”, chiếc đầu con dã-nhân-ân-nhân từng cho Từ Lộ bú sữa mình và ngày ngày đi kiếm thức ăn nuôi chàng, đêm đêm ấp ủ chàng suốt thời gian tu tập trên núi tuyết, cuối cùng đã chết vì quả độc vừa lúc chàng thành tài. Nhưng đánh thức tiền kiếp vẫn chưa đủ. Tác giả Giàn thiêu muốn vai trò tẩy rửa thuộc về nước mắt cố nhân! − điều này cho thấy xu hướng nữ quyền không che giấu của tác giả.

Những giọt nước mắt của bà tưới lên người đức vua. Vua run rẩy. Và kỳ lạ, nước mắt chảy đến đâu, những đám lông vằn vện tuột ra từng đám, rồi lột hết, lộ ra thân mình của đức vua với nước da trắng xanh, thư sinh nho nhã…” (tr. 463). Gột bỏ bộ lông do bệnh tật, hình hài ông vua trẻ trở nên giống với chàng Từ Lộ của dăm chục năm trước.

Ðối với tác giả tiểu thuyết Giàn thiêu, thời điểm chữa bệnh cũng là thời điểm phê phán, thời điểm mà những cố nhân như sư bà Nhuệ Anh, đại sư Minh Không có thể “vặt lông” bệnh nhân cả về tinh thần nữa, nhắc nhủ ông-vua-bệnh-nhân nhiều điều hệ trọng. Sư bà lên án người tình cũ trong những năm cuối kiếp trước đã lừa dối chúng sinh, gây đổ vỡ niềm tin trong chúng sinh, còn trong hiện kiếp thì mải chạy theo vinh hoa, quên trọng trách quân vương, quên làm điều nhân nghĩa, “trước mặt ta chẳng phải Từ Lộ năm xưa… mà chỉ là một ông vua chưa thông thạo phép tắc trị nước” (tr. 469).

Rồi sư bà bỏ đi hẳn. Vua ngã ra bất tỉnh. Minh Không buộc bạn cũ phải lựa chọn: hoặc siêu thoát, hoặc tiếp tục ngồi trên ngai vàng và sẽ không tránh được bệnh cũ tái phát. Từ Lộ thoạt đầu nghe theo, đã phút chốc thoát hồn khỏi xác Dương Hoán, nhưng lập tức lại nhập hồn trở lại. Minh Không buồn bã: “Ta chỉ chữa được bệnh chứ không cắt được căn”.

Nhân vật vẫn chứng nào tật nấy. Vẫn theo đuổi tham vọng sống trong quyền lực, thoả mãn khát vọng cao sang, quyền quý; đây vẫn là bệnh căn từ kiếp trước, không thể chữa khỏi.

Sự kiện Dương Hoán Thần Tông chết, ở tiểu thuyết Giàn thiêu được lý giải như bị trừng phạt vì phạm thượng, tựa như phạm tội loạn luân.

Việc vua đứng chủ lễ cầu mưa giải hạn hoá ra chỉ là việc bày biện lễ nghi cho qua chuyện; trời cho mưa xuống giải hạn là nhờ lời cầu nguyện chân thành của sư bà Nhuệ Anh chứ không phải nhờ nghi lễ tắc trách của vua. Thực chất đằng sau cuộc lễ cầu mưa của triều đình là cuộc vui chơi của ngài ngự do bọn cận thần sắp đặt: cuộc vui chơi có thể gọi là hội hoa sen mà những người được tham dự chỉ có vua cùng hàng trăm cung nữ trên đảo giữa hồ Dâm Ðàm; ở đây vua gặp lại cung nữ Ngạn La, được nàng dẫn vào thế giới của thiên nhiên ao hồ giản dị và kỳ thú mà đời sống khép kín trong cung khiến vua chưa từng biết. Ðỉnh điểm và kết cục của lễ hội này là khi Dương Hoán đuổi theo lạc thú kỳ lạ, quyết phải thành thân bằng được với Ngạn La, một quyết tâm mang tính biểu tượng, chính khi ấy, khi cặp mắt ông vua trẻ kề cận chiếc rốn đỏ quý hiếm của cô gái thì vua thấy hiện lên tại chỗ ấy gương mặt tiên đế Nhân Tông, người chủ “hợp pháp” của cung nữ Ngạn La; tiên đế “chưa từng chiếm được nàng nhưng cũng không cho nàng thuộc về ai”. Vậy là “Thần Tông ngã vật xuống đất, còn kịp nhìn thấy mép của cái miệng đẹp đẽ của tiên hoàng nhếch lên mỉm cười ma quái trước khi tan biến” (tr. 492). Có thể hiểu những tham vọng của nhân vật tầm cỡ như Từ Lộ đã trở nên quá đáng khi đặt trong trật tự quân chủ, do đó bị trừng phạt, và sự trừng phạt này được tác giả Giàn thiêu diễn tả theo kiểu thần bí, giống với những cái chết bí ẩn nơi cung cấm.

Sau cái chết của Dương Hoán Thần Tông, một chi tiết cuối cho thấy: các đệ tử của đại sư Ðạo Hạnh trên hang núi Thầy vào xem vẫn thấy nhục thân ngài chưa hề hư hoại; họ tự hỏi: chẳng lẽ đến bây giờ đức thầy của họ vẫn còn lơ lửng trong cõi trầm luân này sao? Sự ham hố cõi trần, rốt lại, vẫn là nét tính cách bất biến ở nhân vật.

Như vậy, nhân vật Từ Lộ đã được tác giả Giàn thiêu thể hiện không phải như một tấm gương hay một bản thành tích công đức, nghĩa là không phải như nhân vật sử thi, mà như một con người với số phận và tính cách riêng của nó; như những kinh nghiệm sống, như những chiêm nghiệm về lẽ thành bại trong đời người, nghĩa là như một nhân vật tiểu thuyết. Người đọc sau khi gấp lại trang cuối Giàn thiêu có thể đi tới những nghiệm sinh đại loại như: con người ta sinh ra vốn không phải để trả thù nhưng tai biến có thể khiến người ta chỉ sống để rửa thù; người chỉ sống với hận thù cũng là một nhân dạng méo mó không dễ sửa chữa; kẻ thuyết giảng với người đời một đường, bản thân mình sống theo một đường, chắc chắn sẽ bị người đời lật tẩy; khát vọng sống nhiều hơn một kiếp hữu hạn là có thể hiểu được, nhưng tham vọng quá đáng tất sẽ bị gãy đổ, v.v. Không thể nói nhân vật Từ Lộ ở tiểu thuyết này đã được xây dựng thành nhân vật tốt hay nhân vật xấu. Chỉ có thể nói đó là một con người với số phận, tính cách của mình.

*

Tiểu thuyết Giàn thiêu còn có nhiều mặt khác đáng nói, nhất là xu hướng nữ quyền khá lộ liễu của nó, với mấy nhân vật nữ đặc sắc: Nhuệ Anh, Lê Thị Ðoan, cung nữ Ngạn La. Cả ba đều là những nhân vật hư cấu, được cài xen vào một quá khứ lịch sử, được đặt bên cạnh nhiều nhân vật lịch sử. Xin nói ngắn về ba nhân vật này.

Tiểu thư Nhuệ Anh là người tình chung thân của Từ Lộ. Nữ nhân vật này là nét bổ sung quyết định mà bằng vào đó tác giả có thể biến truyền thuyết về Từ Ðạo Hạnh thành một tiểu thuyết. Ban đầu ở nữ nhân vật chỉ có duy nhất tư cách tình nhân, nhưng sau khi bị chàng Từ Lộ từ bỏ (để riêng mình chàng đi tìm học phép thuật), nàng nhảy xuống thác toan tự tận, lại được Chàng Cá Bơn cứu thoát (tình tiết này gợi nhớ sự can thiệp của nhân vật truyền thuyết Úc châu và cuộc sống đô thị hiện đại), nàng dứt bỏ đam mê yêu đương, trở thành ni sư, được người đời biết đến dưới cái tên sư bà chùa Trầm. Gặp lại Từ Lộ dưới dạng Dương Hoán, bà đã góp phần chữa bệnh ác cho vị vua trẻ đồng thời cảnh tỉnh ông ta. Trong trần thuật của tác giả, bà như đã cắt đứt được nghiệp duyên ngay trong hiện kiếp, trở nên có khả năng cảm hoá, chữa lành bệnh cho chúng sinh, kể cả cho người điên vốn là cậu công tử Lý Câu đã cưới hụt cô dâu Nhuệ Anh khi xưa… Tác giả lý tưởng hoá nữ nhân vật này như Người Ðàn Bà Không Tuổi, người mà theo sau bước chân lang thang như gió của nàng có cả một dòng những người đàn ông bị hút theo cái nhìn thăm thẳm của mình (tình tiết này gợi nhớ đến truyền thuyết về đám tình nhân không đầu bám theo nàng Cléopatre), họ coi nàng là Thần Nữ và cũng là Phù Thuỷ của họ (tr. 499).

Ở cung nữ Ngạn La vừa có phương diện biểu tượng (biểu tượng về người đàn bà đẹp, với cái đẹp thiên nhiên, với sức hấp dẫn của một yêu nữ,…) vừa có phương diện tả thực, giúp tác giả khai triển một mô tả phê phán đối với đám quan chức quan liêu; đầu mối cho điều này là một liên hệ máu mủ không ai biết: Ngạn La là con rơi của viên quan đầu triều Lý Trác. Thưở còn là một nho sinh lều chõng trên đường đến kinh sư, chàng trai kia gặp nạn, đã được một thầy thuốc cứu chữa, được con gái ông nuôi nấng và nặng lòng yêu đến mức trao thân cho chàng ta (tình tiết này có lẽ là mượn từ một truyện truyền kỳ của Vũ Trinh: 1759-1828). Chàng ta thi đỗ, được bổ làm quan, được trọng dụng nâng dần lên chức cao tước lớn. Nhưng người đàn bà ân nghĩa dọc đường nọ thì y quên hẳn. Y đâu biết con gái của y với người đàn bà ấy lúc 12 tuổi đang bắt cua trên đồng thì bị đưa lên kiệu rước thẳng vào cung vua Nhân Tông; và chính lúc vị vua có tiếng là nhân đức ấy đang nóng lòng chờ thưởng thức hương lạ đồng quê thì chợt lâm bệnh nặng rồi qua đời; cô bé chỉ kịp thấy mặt ông vua già sắp chết nhưng vẫn bị đưa cùng các cung nhân khác lên giàn thiêu tuỳ táng theo vua. Trong khi các cung nữ khác cam chịu cái chết trong lửa thì cô bé chống lại bọn đao phủ hòng chạy trốn, suýt bị chính quan nhất phẩm Lý Trác xin vua Thần Tông (Dương Hoán) cho chém đầu, nhưng vua trẻ chỉ ra lệnh nhốt cô vào lãnh cung. Khi vua lâm bệnh ác mọc lông hoá hổ, cô bị Lý Trác và Hoàng hậu coi là yêu quái hại vua, bị trói vào cọc chịu cực hình trong lễ trừ tà, may được sư bà chùa Trầm giải thoát. Sau hội liên hoa cùng vui chơi với vua, cô lại bị coi là tội đồ khiến vua ngã bệnh, và khi vua Thần Tông chết, một lần nữa cô lại bị đưa lên giàn thiêu. Cô chống lại, không phải để thoát thân lần nữa, mà để tố cáo những mưu mô ác độc đưa tới tục lệ dã man: chôn cung phi theo vua, cũng tức là chôn nô lệ theo chủ nô. Về mặt này, cung nữ Ngạn La hư cấu lại là điểm nối vào sự thật lịch sử: Ỷ Lan Nguyên Phi tức Linh Nhân Thái Hậu đã buộc con trai là vua Lý Nhân Tông đưa tập tục chôn theo này vào lệ tục triều Lý cốt để trừ diệt Dương Thái Hậu (vợ cả Lý Thánh Tông, bị bức tử cùng 76 cung nữ, việc này đã khiến sử thần đời sau là Ngô Sĩ Liên phải lên án là “tàn nhẫn, hãm hại người vô tội”); tội ác này đã ám ảnh con người vốn xuất thân là cô gái hái dâu Kinh Bắc khiến bà ta trong phần đời còn lại phải cho xây hàng trăm ngôi chùa để tự trấn an. Cả một chương thuật những ác mộng của Ngạn La trong “lãnh cung” (tr. 219-241) là nói về sự thật ấy, theo kiểu thấy ma giữa ban ngày. Cũng như vậy, ở chương cuối, chuyện Ngạn La giật dao trong tay đao phủ tự rạch bụng mình, khấn gọi mẹ, bà mẹ xuất hiện, rạch bụng đón thi thể Ngạn La vào trong rồi bay lên trời, – sự việc thần kỳ phi thực này (có lẽ được mách nước từ Trăm năm cô đơn của G. Garcia Marquez) được thuật như sự thực nhãn tiền. Viên quan nhất phẩm nhận ra Ngạn La là con gái mình thì mọi sự đã quá muộn. Những kẻ sĩ thành đạt trong quan chức như y không xứng đáng để dân gian dành cho “bát cơm Xiếu mẫu”, tuy rằng thường khi người ta vẫn quá muộn để nhận ra bộ mặt thật phản dân hại nước của bọn chúng.

Nhân vật Lê Thị Ðoan là một biểu hiện “lãng mạn lịch sử” của tác giả Giàn thiêu. Dường như ở Việt Nam cũng có giai thoại kể chuyện đàn bà giả trai đi thi, nhưng là vào những thời đại muộn hơn. Tác giả Giàn thiêu đặt chuyện này vào thời Lý, cố nhiên là chuyện hư cấu: Lê Ðoá và Lý Trác đều đỗ, đều được bổ làm quan, nhưng Lý Trác lừa dịp giật yếm áo tố cáo Lê Ðoá là gái giả trai khiến tài nữ Lê Thị Ðoan bị đày biệt xứ. Bà xuất hiện giữa đám thường dân trong lễ hoả thiêu các cung nữ theo vua Nhân Tông, lên án việc triều đình đem tục chôn theo của phương Bắc áp dụng vào nước mình khiến hàng trăm phụ nữ đẹp đẽ tài giỏi vô tội bị chết oan. Bà cắn lưỡi tự tận ngay khi ấy, trước mặt vua trẻ và triều thần (tr. 45-52), nhưng những bài văn của bà tố cáo chính sự hủ bại lại được kẻ sĩ trong nước chép thành sách loan truyền, thiên hạ tranh nhau đọc, trong khi cả những hiểu dụ của triều đình lẫn những sách vở của đám văn nhân được triều đình nuôi nấng, viết trên giấy hoa, tung khắp đường ngang ngõ hẻm, dân chúng cũng không thèm đọc, lại còn đặt vè giễu cợt (tr. 508). Các quan trong triều đứng đầu là Lý Trác đem cuốn sách mà họ gọi là “tà thư” ấy cùng linh hồn tác giả của nó ra xử tử, xem “đó là cách duy nhất để thị uy dẹp loạn” (tr. 520): bài vị của tác giả bị băm vằm, cuốn sách bị thuốn sắt nung đỏ xuyên nát rồi ném vào lửa, bìa sách bị quăng vào vạc dầu; nhưng con trai tác giả trước lúc bị mổ bụng vẫn lên tiếng “cảm ơn” các quan đã làm thủ tục cho sự bất tử của cuốn sách và tên tuổi mẹ mình, vì “những cuốn sách bị đốt là những cuốn sách được phong thần” (tr. 526); khi tro đốt sách bị đổ xuống sông Cái, có cơ man dân chúng lội xuống sông vục nước uống: đối với họ đó là “uống chữ của bà Ðoan vào trong tim cật… Ðể sông Cái không bao giờ ngừng chảy. Ðể chính khí nước Nam này không bao giờ cạn kiệt” (tr. 527).

Cảnh hành quyết khác lạ trên đây, dù mang màu sắc trung cổ rõ rệt, vẫn có vẻ đã được gợi ý từ hiện tại nhiều hơn.

Nhân vật Lê Thị Ðoan, như vậy, đã được tạo ra như là lương tri của dân chúng. Các tác giả khác khi viết về quá khứ thường đặt điểm tựa lương tri vào nhân vật nhà nho. Tác giả Giàn thiêu cũng chọn một nhà nho nhưng chẳng những không phải là nho sĩ quan liêu, trái lại, đây là một phụ nữ, một phụ nữ từng theo Nho học, rồi qua Nho học đã đi tới những suy nghĩ vì dân, dám lên tiếng đòi quyền sống của giới phụ nữ, lên án sự bạo hành đối với phụ nữ. Không khó để nhận ra rằng tác giả đã đưa vấn đề của thế giới hiện đại vào tài liệu quá khứ. Ðây không phải điểm yếu, ngược lại, là điểm mạnh, đem lại sức sống cho ngòi bút nhà tiểu thuyết khi nhúng bút vào tích xưa chuyện cũ.

*

Trở lại nhận xét nêu ở đầu bài viết này, xung quanh các vấn đề của tiểu thuyết khi tiếp cận đề tài lịch sử. Tôi không dám nói tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo hơn hay kém so với những cuốn cụ thể trong một loạt tiểu thuyết lịch sử ra mắt mươi năm gần đây. Ðiều tôi dám khẳng định là: sử liệu và truyền thuyết xưa đã được tác giả Giàn thiêu khai thác theo đúng cung cách của tiểu thuyết chứ không lạc sang hướng của các kiểu truyện có hơi hám sử thi. Phương hướng làm việc của tác giả tiểu thuyết Giàn thiêu cố nhiên không quá đơn độc, trái lại thậm chí đang cùng một số tác giả khác làm nên một chuyển động bên trong dòng sáng tác về văn xuôi lịch sử hiện nay. Nó cho thấy người sáng tác về đề tài lịch sử cũng phải gắn với đời sống hiện tại, phải từ những vấn nạn của hiện tại mà tìm chất liệu trong quá khứ lịch sử. Có điều, nhà tiểu thuyết phải tự tìm tòi để thấy ra đâu là những vấn nạn của hiện tại, thay vì nghe ai đó mách nước, chỉ thị, xúi giục.

Tháng 10/2005