Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2021

Khi tâm hồn mục nát

Tạ Duy Anh

Anh bạn nhà thơ gửi cho tôi đường link để đọc một bài có tựa đề là THƯ TỐ GIÁC, của một đồng nghiệp (và tôi cũng mới biết anh còn là đồng môn), gửi tới các cơ quan quyền lực cao nhất. Tôi không thuộc đối tượng bị tác giả nhắm tới trực tiếp. Lời trong thư cũng khá lủng củng, hừng hực tinh thần tố cáo tội phạm, vì thế thông thường tôi chỉ đọc lướt để biết mà không quan tâm. Nhưng vì trong thư tác giả liệt kê 4 tác phẩm bị coi là sách đen, thì có tới 2 tác phẩm của tôi là Mối chúa và Đất mồ côi làm bằng chứng cho lý do khiến anh phải viết thư tố giác. Vì thế mà tôi thấy cần có vài lời.

Bạn đồng môn thân mến!

Thành thực thì tôi chỉ thấy thương hại bạn, hơn là bực tức. Phải chứa ngần ấy thứ trong người, thì rất dễ sinh bệnh, nhất lại khi tuổi đã cao, còn sức lực và tâm trí đâu để cảm thụ và tận hưởng cái đẹp, nói gì đến chuyện tạo ra nó.

Nhưng tôi còn muốn nói đến cả chuyện khác.

Người cầm bút có thể nghèo khó, có thể thất bại (nhà văn thất bại là chính), có thể bị ruồng bỏ trong đương thời…nhưng dứt khoát không được hèn, không được làm những việc trái với thiên chức là bảo vệ, cổ vũ sự sáng tạo. Tố cáo một đồng nghiệp không làm gì hại mình, dù không bình thường, nhưng vẫn chấp nhận được. Tố cáo tác phẩm của một đồng nghiệp không phải với tư cách nhà văn (chẳng hạn vì thấy nó trái về luân thường đạo lý), mà với tư cách mật thám chỉ để tâng công với chế độ, thì thời nào cũng hỏng! Hỏng toàn diện, sâu sắc và bền vững!

Giả sử mai đây, nhờ cái công lao ấy, bạn được chế độ ban cho một cái giải thưởng, thì hãy để tôi nói cho mà nghe: Nó, cái giải thưởng ấy chính là tờ chứng nhận về nỗi nhục nhã vĩnh cửu gắn với cuộc đời bạn. Đem chôn sâu xuống cả chục mét, nó vẫn cứ bốc mùi.

Một tâm hồn mục nát thì vô phương cứu chữa, làm loại gì cũng không đáng, nói gì đến làm một nhà văn.

Chúc bạn sống lâu!

__________________

(Tôi trương ảnh của hai cuốn sách ra đây để bạn đỡ mất công chụp làm bằng chứng)

Có thể là hình ảnh về sách
Nguồn: FB Tạ Duy Anh

Phụ lục:

Thư tố giác của nhà văn Trúc Phương gửi TBT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội có liên quan trong lĩnh vực quản lý văn hóa tư tưởng, văn học nghệ thuật nước nhà:

Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 23/10/2021

THƯ TỐ GIÁC

Kính gửi: Đồng chí Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam

Trưởng Ban Chỉ Đạo về Phòng, Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực

Đồng kính gửi:

Bộ Chính Trị

Ban Bí Thư

Trưởng Ban Tổ Chức TW

Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra

Trưởng Ban Tuyên Giáo TW

Trưởng Ban Nội Chính TW

Phó Thủ Tướng Phụ Trách Văn Hóa-Xã Hội

Bộ Trưởng Bộ Công An

Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng

Ủy Ban Toàn Quốc Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật

...

Kính thưa quý đồng chí và quý cơ quan!

Tôi tên là Trúc Phương, trước đây đã gửi lên quý đồng chí, quý cơ quan Bức Tâm Thư cùng hai văn bản phụ lục về ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam; ông Inrasara – Chủ Tịch Hội Đồng Thơ Hội Nhà Văn Việt Nam.

Hôm nay, xét thấy cần phải tiếp tục gửi thư Tố Giác lên các cơ quan chức năng Trung ương để làm rõ thêm vấn đề về hiện tượng thoái hóa, biến chất, vi phạm các nguyên tắc về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, vi phạm về pháp luật đối với những người có trách nhiệm cao nhất ở Hội Nhà Văn Việt Nam, hầu đi đến việc xử lý đúng theo nguyên tắc Đảng và Pháp luật Việt Nam, nhằm khôi phục lại sự hoạt động lành mạnh, đúng với tôn chỉ mục đích của Hội, bảo vệ, giữ gìn những thành tựu về Văn Học Nghệ Thuật nước nhà, đồng thời góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ta đúng với đường lối Cách Mạng mà Đại Hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, và các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng gần đây.

Với trách nhiệm của một công dân, tôi khẩn thiết tố giác và kiến nghị:

Ban Chỉ Đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, các Ban ngành chức năng của Đảng và Chính phủ hãy thực thi trách nhiệm của mình trước những vấn đề mà tôi nêu ra dưới đây:

- Xác minh và làm rõ trách nhiệm của anh Nguyễn Quang Thiều trong việc bỏ sinh hoạt Đảng 5 năm, trở lại, chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, sau đó tiếp tục giữ trọng trách Phó Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất Bản Hội Nhà văn.

Vì sao một người mất phẩm chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa như vậy mà vẫn được các tổ chức Đảng dung nạp, khôi phục Đảng tịch, và tham gia lãnh đạo Hội Nhà Văn một cách ung dung như chẳng có gì xảy ra. Việc này có gì mờ ám, phức tạp, và vi phạm các nguyên tắc trong Điều lệ Đảng hay không, có vi phạm những điều đảng viên không được làm hay không.

Vì sao, khi anh Nguyễn Quang Thiều tiếp tục bị kỷ luật thêm một lần nữa sau khi ký duyệt cho xuất bản những quyển sách vi phạm Luật Xuất Bản như tác phẩm Tây Hùng Vương, Mối Chúa, Bi Kịch Gia Đình, Đất Mồ Côi... mà vẫn được cơ cấu vào Ban Chấp hành Hội để rồi sau đó được bầu giữ chức Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khóa X. Có hay không việc một vài cán bộ Trung ương ở vị trí cao trong Đảng vì một lẽ nào đó mà đã vô tình hay cố ý bảo kê, bảo vệ cho anh Nguyễn Quang Thiều đứng vào vị trí cao nhất của Hội Nhà Văn để hoạt động và cổ vũ cho phong trào xét lại lịch sử, phá hoại về tư tưởng, chính trị, văn học nghệ thuật, nhân danh cách tân, đổi mới để chống đối, làm mục ruỗng tinh thần-văn hóa của chế độ Xã hội Chủ Nghĩa mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức xây dựng hay không.

- Xem xét lại các vi phạm, khuyết điểm của anh Nguyễn Quang Thiều trong vai trò Giám đốc Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn từ năm 2017, khi đọc duyệt và ký tên chịu trách nhiệm xuất bản các tác phẩm vi phạm điều 10 của Luật Xuất Bản Việt Nam đối với các ấn phẩm đã được ấn hành và được thu hồi. Đó là các tác phẩm có tên sau đây:

- Tây Hùng Vương

- Bi Kịch Gia Đình

- Mối Chúa

- Đất Mồ Côi

- ...

Với tôi, đây là những tác phẩm mang tinh thần sám hối, xét lại lịch sử một cách có dụng ý, cao hơn là có mục đích xuyên tạc, phủ nhận, moi móc lịch sử không với tinh thần xây dựng mà cốt là để đả phá, lên án, đánh đổ công cuộc Cách Mạng của Đảng và Nhân dân ta xây dựng từ hơn 90 năm qua trên đất nước này.

Nội dung của những cuốn sách được cho là tác phẩm mà tôi vừa nêu, hầu hết là những quyển sách có nội dung phủ nhận lịch sử, phủ nhận những thành tựu do Đảng, Nhân dân, Quân đội đã tạo ra từ công cuộc chiến đấu 30 năm cho độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng chế độ mới. Chỉ riêng với quyển Tây Hùng Vương, Đất Mồ Côi, thì nội dung nói xấu Đảng, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm đến tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của quân đội và nhân dân suốt nửa thế kỷ dài, cũng đủ để tác giả và người ký duyệt xuất bản không đáng là nhà văn chân chính, người công dân chân chính, và lại càng không thể là một đảng viên chân chính của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những điều tôi nói ra đây chỉ một của một trăm sự dối trá, tráo trở, và cả sự phản động trong nội dung của các quyển sách này. Nếu xem xét kỹ, thì hẳn là những người có trách nhiệm với nền Văn học-Thi ca nước nhà, trách nhiệm với chế độ, đều có thể nhận ra tính hệ thống của các hành động mà anh Nguyễn Quang Thiều đã làm từ ngày bỏ sinh hoạt Đảng cho đến mãi sau này, và tới hôm nay trong tư cách Bí thư Đảng đoàn và Chủ Tịch Hội Nhà Văn-kiêm Giám đốc Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn. Các anh hãy nghe một nhà văn cùng phe cánh bình luận về tác phẩm tệ hại có tên Đất Mồ Côi, rằng: Nếu Mối Chúa là đại bác, thì “Đất Mồ Côi” sẽ là bom nguyên tử! Bom nguyên tử này nện vào đâu, nếu không phải là chế độ này? Vấn đề là, tại sao những kẻ làm ra nó, cổ vũ cho sự dơ dáy, bẩn thỉu, và hơn thế nữa là sự lưu manh về chính trị, sự côn đồ về văn hóa nghệ thuật, lại ngang nhiên tồn tại và đang nắm lấy ngọn cờ ở Hội Nhà Văn Việt Nam, hướng Hội Nhà Văn Việt Nam đi vào hoạt động chống phá, lật đổ chế độ, phá hủy giá trị tinh thần-văn hóa của Chủ Nghĩa Xã Hội và gia tài thi ca nghệ thuật tinh túy ngàn năm của dân tộc.

- Xem xét việc phục sinh và tuyên phong tác giả Nguyễn Huy Thiệp như là một nhà văn có nhiều đóng góp cho Văn học nước nhà nửa cuối thế kỷ 20 có vô tư, trong sáng, và có đúng đắn trong tinh thần xây dựng tình cảm-tâm hồn dân tộc, góp phần vào sự nghiệp của Nhân dân, của Đảng, hay đây là một hành vi ngồi xổm, thiếu đạo lý lên nền Văn học Nghệ thuật Cách Mạng và nhân bản của nước nhà, lợi dụng hình ảnh Nguyễn Huy Thiệp để cổ súy và tự tuyên xưng trọng trách chủ soái của cái gọi là Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại của anh Nguyễn Quang Thiều.

- Kiến nghị xác minh lại hoạt động văn hóa-nghệ thuật và phẩm chất chính trị công dân của ông Inrasara - Chủ tịch Hội đồng Thơ Việt Nam - đang trong vai trò chủ chốt của Hội, người luôn đi đầu cổ vũ cho sự phát triển không lành mạnh của phong trào Hậu Hiện Đại của Hội Nhà Văn và văn chương-thi ca trong cả nước.

Với những gì thu nhận được cho tới hôm nay khi ngồi viết giác thư này, tôi có thể khẳng định rằng: Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại trong bản chất thật của nó là phi dân tộc, phi Tổ quốc, và phi Cách Mạng. Và cao hơn hết, đó là một thứ chủ nghĩa phi nhân, một thứ chủ nghĩa cặn bã của nhân loại cho đến lúc này. Không một tác phẩm nào được thừa nhận là Hậu Hiện Đại có những dòng văn thơ ca ngợi Tổ quốc Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp Cách Mạng Việt Nam cả. Đó là một sự thật.

Với tinh thần là một công dân, một nhà văn, một đảng viên, tôi khẩn thiết kiến nghị và yêu cầu đồng chí Tổng Bí Thư, các Ban Ngành chức năng Trung ương hãy vào cuộc để thẩm định lại những nội dung tố giác của tôi có đúng hay không, và hãy xử lý triệt để theo nguyên tắc Đảng, cùng những quy định của pháp luật nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Riêng tôi, nếu những điều tố giác của tôi là bịa đặt, vu khống, xúc phạm đến cá nhân, tổ chức, danh dự của con người đối với bất kỳ ai, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Kính thư

Chào trân trọng!

Nhà văn Trúc Phương

Nguồn: FB Chống diễn biến hòa bình

Một kiểu đối thoại rất sốc và đáng lo sợ

Trên báo Văn Nghệ TP.HCM số 659 ra ngày 14/10 có bài “Đối thoại với Nguyễn Quang Thiều” dài hơn 5,5 nghìn chữ. Xưa nay, trao đổi hoặc tranh luận cũng là điều bình thường. Thế nhưng, điều bất thường là thái độ và trình độ của người viết vốn ít khi gây thất vọng cho đồng nghiệp- nhà văn Trúc Phương. Năm nay 70 tuổi, lại có sức khỏe không tốt, nhà văn Trúc Phương cho rằng ông viết vì nhận được những thông tin “rất sốc và đáng lo sợ”. Hỡi ơi, đọc bài “Đối thoại với Nguyễn Quang Thiều”, không ai dám tin tác giả là nhà văn Trúc Phương từng có những tác phẩm “Cây sầu đâu sinh đôi”, “Bình minh trong đêm”, “Chuyến xe ngựa cuối cùng”, “Huyền thoại về loài hoa lạ”, “Lá không rơi vào mùa thu”…

ĐỐI THOẠI VỚI ÔNG NGUYỄN QUANG THIỀU

TRÚC PHƯƠNG

Tháng 11/2020, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần IX, anh Nguyễn Quang Thiều được đắc cử chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Trong lời phát biểu nhậm chức, nếu tôi nhớ không nhầm thì anh đã thật xúc động nói đến cụm từ hết sức cao nghiêm là “cuộc chuyển giao thế hệ”. Và tất cả hội viên đã ra về sau tràng pháo tay cùng những ly rượu chúc mừng với một niềm tin mới mẻ cùng sự đợi chờ. Đến nay thì gần một năm đã qua đi. Hội Nhà văn Việt Nam đã thay đổi từ cơ cấu tổ chức đến nhân sự, chương trình nghị sự, kế hoạch hành động. Và tất cả bộ máy đã vận hành như thể là trơn tru. Tôi mừng và tiếp tục đợi chờ thành quả mới, niềm cảm hứng mới từ thế hệ trẻ vừa nhận sự chuyển giao. Để rồi… những ngày cuối năm này, tôi liên tiếp nhận được những thông tin thật là đáng lo ngại, nếu không nói là rất sốc và đáng lo sợ!

Tôi xin được trình bày những mối lo của mình trong tư cách một nhà văn thuộc thế hệ cũ, sống viết với Chủ nghĩa hiện thực cũ, và bút pháp, thi pháp cũng đã cũ hơn cả tuổi đời của mình.

Đang trời trong gió mát, bỗng nghe réo rắt bên tai lời trầm bổng hết sức bi hùng từ một ngày buồn. Ấy là lời điếu từ của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về một tên tuổi lớn của văn đàn vừa vội ra đi ở tuổi bảy mươi! Tôi lắng nghe bằng cả tai và mắt từ báo mạng và đài, cùng Livestream trực tuyến.

Xin được trích:

“Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “Khó nhất không phải là tiền bạc, khó nhất không phải là tri thức, mà khó nhất là đạo đức, nhà văn chỉ là người đi tìm đạo cho dân”. Đây là bản tuyên ngôn về sứ mệnh của người cầm bút.

… Nói đến ông lúc này là để nói với chính chúng ta về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của người cầm bút.

“… Và lúc này chúng ta nghe, những ngọn gió ngân vang
Trên những ngọn núi, những cánh đồng Hua Tat
Cùng tiếng rì rầm mãnh liệt của chính dòng sông
Chảy qua đêm tối về biển cả không gì ngăn được
Đâu đấy trên những cánh đồng nhớ thương hoàng hôn đau đớn
Một đám mây mang tên Nguyễn Huy Thiệp
Thả xuống những cơn mưa của tự do và lấp lánh
Trong vang dội tiếng sấm dọc chân trời

Những nhân vật của ông đang thắp những ngọn nến
Và cất lời cầu nguyện

Hãy thanh thản ra đi, Nguyễn Huy Thiệp, hỡi chàng hiệp sỹ
Cùng thanh gươm ngôn từ hắt sáng ban mai…”

Cùng một số bài báo ngợi ca Nguyễn Huy Thiệp như sau:

“Một văn tài hiếm hoi của văn đàn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX”“May mắn chúng ta còn có Nguyễn Huy Thiệp”. (Chứ nếu không thì đồng nghĩa với nền văn chương và thơ ca Việt Nam cuối thế kỷ XX vừa qua bị thất mùa mất trắng? Chữ của NP) . V.v và v.v…

Tôi không nghĩ rằng anh Nguyễn Quang Thiều đã lợi dụng đám tang anh Thiệp để phát đi lời hiệu triệu đối với các tín đồ Hậu hiện đại Chủ nghĩa, hay phát đi tín hiệu của một chủ soái, một lãnh tụ đã trèo lên đỉnh cao vũ đài văn chương – chính trị trong xã hội và đất nước Cộng Sản này một cách danh chính ngôn thuận. Nhưng rồi tôi bỗng chợt nghiệm ra ý nghĩa thâm sâu của cụm từ “cuộc chuyển giao thế hệ” mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xúc cảm đọc lên với giọng ấm trầm của một nhà hùng biện trên cao hội trường Đại hội hôm nào, uy nghi như một Giáo chủ thực thụ.

Anh Thiều công khai, thẳng thắn, tâm huyết khi đứng ra bên đám đông người dự lễ tang để mạnh mẽ, trang nghiêm thuyết trình về việc phục hồi, khẳng định và tạc tượng ở cấp độ tinh thần cao nhất cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong tư cách một linh hồn hiển hách dưới trần. Anh Nguyễn Quang Thiều đã có một bài điếu văn, đồng thời là một tuyên ngôn, niềm xác tín dành cho anh Thiệp (không phải vì lý do nhân đạo hay văn hóa “nghĩa tử là nghĩa tận”) về một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, người có công đóng góp rất lớn cho nền Văn học – Nghệ thuật nước nhà, một ngọn cờ đầu trong bứt phá nghệ thuật, tạo ra một trào lưu sáng tác mới hừng hực và sôi động. Tôi nhận thấy đây là một sự ngang nhiên, bừa bãi và ngạo mạn hơn là một thái độ dành cho sự công bằng, công chính mà xã hội đòi hỏi phải có cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Năm 1980, ngày tôi còn học trong Trường Viết văn Nguyễn Du, các bạn có photo bản in roneo những truyện ngắn của anh Thiệp đưa tôi đọc. Tôi có đọc tham khảo. Truyện lạ nhất, giật gân nhất mà các bạn cùng học hay xì xào là truyện “Tướng về hưu”. Tôi đọc đến hai, rồi ba lần nhưng vẫn không thấy hay, không thấy thích được, cả mặt bố cục, nghệ thuật truyện ngắn cũng không có gì gọi là đặc sắc. Tôi thấy đây là cái truyện không phải của những người xả thân, tâm huyết, và thành thật của “những người trong nhà”, mà nó như một cuộc đột kích của một kẻ biệt kích vào phía sau nhà… của xã hội cơ cực, túng bấn mà cũng rất thanh cao lúc bấy giờ.

Tất cả các nhân vật đều được NHT (xin phép được viết tắt cho nhanh) nắm đầu, xách, đặt vào vị trí mà NHT muốn, như sắp những con cờ cho một cuộc chơi ngộ nghĩnh và bí hiểm. Nhân vật trung tâm là vị tướng, không biết hồi ở chiến trận thì sao, song, lúc về hưu thì có vẻ khù khờ, ngú ngớ, đôi khi lẩn thẩn. Nhưng có lẽ NHT đã không đi bộ đội nên anh ta mới tả về vị tướng không giống với nhiều vị tướng mà tôi đã gặp, đã tiếp xúc và từng ăn cơm uống trà, uống rượu, trò chuyện một cách thân tình. Việc bố trí ông tướng vào ở ngôi biệt thự dành cho cán bộ cao cấp để làm cái cớ dẫn truyện, sau đó cho thêm mấy người nữa cùng chui vào biệt thự, có cả bà vợ không hề yêu mến, tình nghĩa, giống như thời Cải cách chật vật với những điều buồn trót đã xảy ra vì một số sai lầm không đáng có… (Ấy vậy mà khi bà mất, ông ấy khóc, muốn lấy gỗ quý đóng hòm để chôn, cũng lạ!?). So với ngoài đời thực, ông tướng trong vai chủ nhà này chỉ xứng với vai một quan lại cấp thấp về vườn, còn mang theo trong lòng bao điều ẩn ức.

Việc nắn, tạo ra hình dáng, tính cách nhân vật thiếu chân thực, thiếu chất liệu xác thực của đời sống, khiến anh NHT đã thành người thợ không lành nghề, tùy tiện, cẩu thả khi tạc nặn nhân vật của truyện. Lại thêm bà vợ của ông con trai, hết nghề rồi sao lại cho làm bác sĩ phụ sản? À, nhận ra rồi, phải cho là bác sĩ phụ sản thì mới phục vụ được cho chi tiết đắt giá nhất của truyện là lấy “thai nhi chết” mang về nhà nấu cám để phục vụ mấy chú chó Becgie ăn, cho nó khỏe, tiếng sủa của nó lớn, ra oách và làm cho người hàng xóm nể trọng, những tên trộm, kẻ cướp bên ngoài chùn chí nếu muốn chui hoặc xông vào ngôi biệt thự cổ kính, sang trọng kia. Có vậy thì mới đi đến kết luận tồi tệ cho xã hội hồi này được chứ, anh Thiệp nhỉ!?

Đó là chưa nói đến chi tiết khập khiễng là cho ông tướng lờ khờ này nuôi chó Becgie. Nếu ông này là một chính khách, một ông dân chánh cỡ cao, hay một ông cán bộ ngoại giao tầm trung, thì mới có thể sở hữu cái văn hóa nuôi chó kiểng cao cấp, loại chó nhà giàu, chó sang vào thời điểm ấy. Và như vậy thì câu chuyện nuôi chó cảnh nó mới hợp với tâm lý trưởng giả làm sang, kẻ có chút mặt mày học đòi vênh chảnh. Đằng này… (Sau ngày giải phóng miền Nam, cho đến vài năm sau, thực tình là tôi cũng có thấy những ông quan mới hồi nào học lớp hai, lớp ba, hoặc cũng có người một chữ bẻ đôi không biết, phải đi bổ túc cấp I, từng nuôi chó becgie, bỏ nó ngồi trên chiếc Vespa vừa tậu được trong nhà sĩ quan ngụy cải tạo – cả cô vợ xinh đẹp của anh sĩ quan đi cải tạo ấy cũng bị ông lớp ba này tậu – chở đi ăn hủ tiếu uống cà phê. Nhưng ấy là chuyện ở miền Nam phồn vinh Tư bổn, giả tạo, chứ còn trên đất Bắc, trừ các ông đi Tây về (cả giới quý tộc thanh lịch của Hà Nội xưa bấy giờ vẫn chưa dám nuôi chó Becgie – vì sợ truy lý lịch) thì lấy đâu ra một ông thiếu tướng có đủ tiền nuôi chó Becgie – bởi nó ăn một tháng bằng ít nhất hai lần lương cán bộ bậc trung cấp thời này, cho dẫu là người có những ô phiếu Vân Hồ cũng khó mà kham nổi. Vậy mà anh Thiệp vẫn nặn ra được một ông cấp tướng, lại về hưu chứ không phải đương nhiệm, thì quả là một sự hư cấu có phần vượt cấp và quá ư là tùy tiện. Nếu hiểu tự do sáng tác có nghĩa là muốn làm gì, khắc họa nhân vật ra sao cũng được, thì thật là không đúng đắn chút nào. Đó chưa phải là văn học.

Tôi chỉ so sánh tập trung vào chi tiết mà theo tôi là bất nhân nhất, vô sỉ nhất, không một chút nhân văn nào là chi tiết lấy những thai nhi về nấu cháo cho chó ăn. Tôi được biết, có một tín đồ Thiên Chúa giáo một thân một mình đã lặng lẽ đi nhặt gần 200 thi hài thai nhi kém may mắn, không được phúc chào đời đem về chôn cất đàng hoàng trong một vuông nghĩa địa tự ông làm. Cái nghèo ngoài Bắc tuy có thật, thậm chí rất nghèo trong và cả sau chiến tranh năm, bảy năm. Nhưng tôi đoan chắc những người dân bình thường đã không một ai có lương tâm lại làm như thế: bóc lấy thai nhi chết đem về nhà nấu cháo cho chó, lợn, gà ăn. Nhất là đối với một gia đình công dân đẳng cấp như gia đình vị tướng trong truyện của anh Thiệp. Mà nhân vật xử lý các thai nhi bất hạnh lại là một bác sĩ – trí thức Xã hội Chủ nghĩa!? Lại còn mấy nhân vật lưu manh đòi chém cả bố. Một xã hội mà luân lý đạo đức đã xuống tới bùn!

Trong khi đó, tôi đã sống tại Hà Nội gần tám năm, tôi thấy hàng vạn người nghèo, cảnh nghèo, nhưng cái cảnh của ông tướng và những nhân vật xung quanh ông tướng thì tôi chưa từng gặp. Tôi gặp rất nhiều người đi gánh phân từ những nhà xí công cộng. Tại trường Nguyễn Du tôi học, sáng thức dậy chạy ra cổng thì đã thấy mấy bác mấy chị xếp đòn gánh đứng chờ bảo vệ mở cửa. Đó là việc xấu đấy ư? Không, đó là việc đẹp, việc cao cả hơn lũ học trò chúng tôi và nhà văn NHT rất nhiều. Các bác, các chị xúc phân dọn sạch nhà xí, đáp ứng nhu cầu vệ sinh của trường, lại mang phân về ủ, sau đó sử dụng cho việc trồng rau màu hoặc bón lúa. Tôi ăn hàng tấn rau muống, rau cải, cà chua, bầu bí suốt những năm ở Bắc mà không hề có cảm giác thấp hèn, hạ tiện, hay dơ bẩn gì. Và chính cái hình ảnh ấy đã cho tôi một triết lý sống mà tôi yêu thích: Người nông dân bình thường, không học Đại học Sử như anh Thiệp, hay học trường Viết Văn Nguyễn Du như tôi, không học Trung cấp hay Cao cấp lý luận chính trị, không phải là du học sinh hay Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhưng họ biết đi vào nơi dơ bẩn nhất, hôi thối nhất, hiểm trở nhất mà những người thanh sạch phong nhã được giáo dục nhiều không dám bước vào, hầu mang cái vật hôi thối đến nguy hiểm ấy đi xa để hội trường chúng tôi học, nhà ăn chúng tôi ngồi ăn không bị ảnh hưởng bởi sự ô uế; ngoài ra còn dang thân chịu sự hành hạ của mùi hôi thối để biến cái vật không có mấy phẩm giá kia thành vật có ích cho ruộng đồng, nương rẫy. Lạc hậu ư? Bẩn thỉu ư? Bạn không thể bứng, hoặc bưng cái xã hội lạc hậu do ngàn năm phong kiến, trăm năm đô hộ đế quốc thực dân để lại theo ý muốn của một đôi người được. Không chỉ có thế. Lại thêm bốn cuộc chiến tranh đến tàn kiệt: đánh Pháp, đuổi Mỹ, diệt Pol Pot, chiến tranh với người bạn phương Bắc khổng lồ. Rồi tiếp đó là nghèo đói do cấm vận của Mỹ, bị ép bức đến cùng cực do người anh em Trung Quốc ba bữa bạn, bốn bảy bữa thù. Và bao lý do chủ quan, khách quan khác nữa…

Chúng ta, hay cả dân tộc Việt Nam không thể nhất thời di dời ngay cái xã hội đói khổ, cơ cực, lạc hậu nghèo nàn để thay thế bằng một xã hội thiên đường trong tức khắc được. Cũng không vứt đi đâu, hoặc mang vác nó đến chỗ nào khác cao sang hơn trên trái đất này, bởi dù lạc hậu nghèo nàn thì đất nước Việt Nam khốn khó bộn bề vẫn là Tổ Quốc của chúng ta!? Năm 1972-1980, chỉ 8 năm sau cái ngày Nixon tuyên bố cho miền Bắc Việt Nam đi vào thời kỳ đồ đá, 5 năm từ ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, tính đến hôm tôi cầm cái truyện ngắn của NHT trên tay để đọc. Một xã hội mà giữa lòng Thủ đô dầy những căn nhà cấp 4, cấp 5 hoặc hơn thế nữa. Sống để được làm người bình thường nghèo khổ thôi trên cái thế giới của loài người, đối với đồng bào miền Bắc lúc bấy giờ đã là điều quá khó, quá gian nan, và cao thượng lắm rồi, nói chi đến cuộc sống ấm no đầy đủ. Nếu không phải là những con người thô sơ, mộc mạc, cần cù, mệt nhọc, nghèo phải chịu, khổ phải gánh, hạt gạo chia ba ấy thì lấy ai để thắng Mỹ, lấy ai để thống nhất nước nhà và góp phần giải phóng Đông Dương thoát khỏi sự nô dịch của Chủ nghĩa đế quốc – thực dân, lấy ai để diệt Pol Pot, đuổi hết giặc Tàu?

Bạn phải quá độ lên xã hội văn minh nằm trong mơ tưởng bằng cái cơ sở hạ tầng như vậy, nền kinh tế ở mức thấp đến ảm đạm như vậy, tính ra thì thu nhập của người dân ngày ấy chỉ 20 dollar một tháng, thậm chí còn thấp hơn. Và tất nhiên là người Việt Nam ai cũng khổ, trừ một số rất ít có điều kiện để xa hoa, còn thì tất cả con Hồng cháu Lạc đều là những anh hùng theo nghĩa cao đẹp nhất trong hoàn cảnh phải tồn tại như vậy, sống như vậy, ngẩng cao đầu làm người với bốn biển năm châu như vậy! Nghĩa là thời cơ cực ấy, rất nhiều người, cả những người đi gánh phân kia đều đã dốc tâm làm hết sức mình để cùng đất nước, gánh đất nước trên vai mà đi, đi lên dốc, để vượt qua cái dốc lạc hậu đói nghèo khổng lồ đến cam nghiệt đó. Cũng giống như vậy, ngay khi đó, hay trước đó mười năm, hai mươi năm, hàng chục triệu người hoặc nhiều hơn đã đi vào chiến tranh, dấn thân vào đạn bom chết chóc để tìm lấy hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc. Người cao thượng đi vào chỗ hiểm để tìm ra vật quý cho đời. Hàng bao nhiêu triệu người Việt Nam đã ngã xuống cho “cuộc ra đi” ấy. Và hòa bình độc lập mới thành vật quý nhất trên đời mà các con người cao cả ấy mang về cho chúng ta hôm nay, để chúng ta ung dung ngồi học, dạy, sáng tác văn chương, hay tận hưởng những phút giây tơ tình hạnh phúc.

Muốn dóng một tiếng chuông cũng cần có hòa bình. Và trong tiếng chuông ấy vẫn có máu của người đã hy sinh cho sự bình yên và tự do của dân tộc. Người lặn xuống biển để tìm ngọc trai. Người đi vào rừng sâu vạch từng thân cây mục để tìm trầm hương thắp cho thần Phật. Và nhiều người nữa đi ngoài biên cương hải đảo để mang về cho chúng ta sự bình yên trên những dãy phố nghèo và ruộng đồng rẫy nương chân bùn tay lấm. Cái đó không là nhân bản, nhân văn, văn hóa thì thử hỏi phải gọi cái tinh thần, cái hiện tượng thiêng liêng cao cả đó là gì cho đúng với phẩm hạnh của người Việt Nam và Tổ Quốc Việt Nam?

Trở lại với chuyện những người đàn bà gánh phân trước cổng trường mỗi sáng, tôi thấy yêu quý, hãnh diện và tự hào về họ: Họ đi vào chỗ thối để tìm ra, làm ra cái thơm, cái sạch, cái ngon, cái lành cho xã hội, nhân quần. Xã hội nhân quần biết ơn họ. Cả anh tín đồ Thiên Chúa giáo kia, anh đi vào chỗ đau đớn, bi nghiệt để làm công việc thánh thiện mà nhiều người lẽ ra phải làm. Tôi và dĩ nhiên là có rất nhiều người vô cùng ngưỡng mộ, yêu quý và cảm phục tấm gương cao đẹp đó. Còn anh Thiệp và các nhà văn nhà thơ khác nữa, tại sao anh và các anh đi vào chỗ hôi thối hung nghiệt (chỉ do tưởng tượng) ấy rồi tàng hình không trở ra, hoặc trở ra, nhưng lại lén lút mang cái vật lấy được từ chỗ đen đúa tối tăm kia về nhà làm mâm cỗ cho mình rồi thưởng thức một mình, hoặc rộng rãi thì mời người đồng hội đồng thuyền đến nhà cùng nhấm nháp.

Không nhả ngọc phun châu được thì ít ra anh Thiệp và các anh cũng biết tạo ra những vật phẩm, những món quà nho nhỏ bằng chữ nghĩa bình thường nhất có thể cho bữa ăn tinh thần còn thiếu thốn của người dân hay xã hội bấy giờ chứ? Đằng này, các anh lại làm cái công việc hèn hạ, mang các chi tiết, hình ảnh săn nhặt hoặc tưởng tượng được rồi ráp hợp lại và vu đặt cho cuộc sống, chế độ, sau đó chui vào bóng tối để nhồi trộn, nấu nướng, bày ra một cách tráo trá, cẩu thả, dung tục, vội vàng như những kẻ phi nghĩa hung man nhằm phục vụ riêng cho cơn khát đói, thèm thụa hầu thỏa mãn thói xấu xa hám kỷ của mình. Không còn vang danh được bằng cách nào khác, ngoài cách dựng truyện xấu đổ lên đầu người khác, rồi hô toáng lên “Sáng tạo! Hiếm có! Chuyện lạ chưa từng! Đây mới đích thực là văn chương!”. Hình tượng lên một chút, các anh vừa ăn, lại vừa cầm cái vật mình ăn lên với thái độ cười cợt, bêu riếu (giả dụ như cầm con chuột, con cóc nướng đưa lên trước mặt, trước mồm, vừa ngấu nghiến vừa khoái trá nhìn nhau trêu nghịch: tao hóa kiếp cho mầy, hãy đi đầu thai vào kiếp khác cho được bảnh thân hơn nhé). Thật là đểu giả, vừa được bữa lại vừa muốn dành hết lấy phận lấy danh về việc mình làm “Ồ, thật là món ngon vật lạ, thật là một bữa đánh chén tuyệt vời mà lũ viết lách chính chuyên chưa bao giờ có được!”. Ấy, nhưng thực quả không phải chuột, cóc, nhái, hay đuông, mà “món ngon” của anh NHT và đám nhà văn, nhà thơ, đám thợ săn cùng nhóm xốc bát đĩa lần này chính là món “thai nhi nấu lẩu!”.

“Tướng về hưu” thực chất là món thai nhi nấu lẩu không kém không hơn. Thật đúng với quy trình, công nghệ nấu bếp, làm văn, anh Thiệp và anh Thiều ạ. Cứ mang rổ nguyên liệu, gia vị chế biến đến bên bếp. Anh Thiệp trong tư cách nhà văn – đầu bếp, thợ nấu, người có những thao tác thuần thục biến các thứ đã săn nhặt được kia thành những món ăn khoái khẩu cho mình cùng khách quý được mời và khoái trá khen nhau, gật gù, thỏa thuê cho bữa tiệc. Đến lượt anh Thiều thì anh tự lấy “Tướng về hưu”, “Phẩm tiết” và nhiều món tương tự nấu lên thành bữa ăn tinh thần khác cho đồng bọn Hậu hiện đại Chủ nghĩa thưởng thức mâm tiệc đặc sản “Điếu văn Nguyễn Huy Thiệp” để túy lúy cùng nhau, biến đám ma thành một cuộc nhậu tinh thần đầy hứng thú và thật là thi vị. Còn cái công việc thanh cao, cái đạo lý của người phục vụ cho bữa ăn tinh thần đạm bạc của dân lành mà người đời cần có ở nhà văn bị anh Thiệp, anh Thiều và đồng bọn vứt đi. Thay vì là người đầy tớ tận tụy tìm ra cái đẹp, cái đáng yêu đáp ứng cho khát vọng cao đẹp của con người, anh Thiệp, anh Thiều (dù chỉ là người nhại lại) lại cao ngạo tuyên rằng: Nhà văn là người đi tìm đạo cho dân! Dân cần gì cái đạo tởm lợm này của các anh? Thật là trâng tráo!…

Các nhà lý luận – phê bình, nhà nghiên cứu mà tôi đã đọc, xếp anh Thiệp vào nhóm 4-5 tác giả tiêu biểu cho Hậu hiện đại. Kể ra thì cũng vinh hạnh cho anh đấy. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, xin hỏi, chẳng lẽ vì lẽ ấy mà anh NHT lại đưa cái món thai nhi chết do bác sĩ phụ khoa mang về cho anh làm ra món lẩu đơm lên bữa tiệc bồi bổ tâm hồn cho anh và các nhà Hậu hiện đại khác sao? Ở đây anh đừng tranh luận rằng: chuyện này là chuyện của nhân vật, chứ không phải của nhà văn. Nói vậy thì anh biết sử nhiều hơn biết văn rồi! Tất cả đều của anh: chủ thể, ông chủ, không nhét cái món lẩu thai nhi ấy vào ngực áo ai được, trừ anh và những tín đồ Hậu hiện đại nhà anh. Và các anh xúm nhau khen ngon. Các anh vỗ tay cổ vũ, tự sướng với nhau, tự tạc tượng xây đền đài, lăng tẩm cho nhau rồi kéo nhau thờ phượng, sau đó bắt ép quần chúng sinh linh thờ phượng, khói nhang. Tôi nhớ không nhầm là đã có lúc truyện “Tướng về hưu” bị thu hồi hay ngưng, cấm phát hành gì đó. Riêng chuyện này – nếu có – thì tôi đồng cảm với anh Thiệp – bởi nó như tai nạn của nghề văn và cũng là bài học của nhà văn.

Phê phán cái cũ, cái xiềng trói tự do con người, những tệ trạng quan lại phong kiến còn tồn lưu trong con người và xã hội thì có nhiều cách, nhưng cách nào thì cách, tiêu chuẩn cao nhất vẫn phải là nhân văn – và nếu thừa nhận xã hội, chế độ này là Cách mạng thì phải có thêm yếu tố Cách mạng. Tôi thấy cách phê phán, đánh đổ cái cũ của anh Thiệp hoàn toàn không cao nhã như Đống rác cũ của Nguyễn Công Hoan nhà văn tiền bối của chúng ta. Hay ngay cả nhân vật Thị Nở, Chí Phèo của Nam Cao dù viết thời Hiện thực phê phán, cách đây rất xa, nhưng cả hai đều đẫm chất nhân văn với cách xử lý của nhà văn, nào thấy cái mùi tởm lợm như “Tướng về hưu” độc nhất vô nhị của anh Thiệp. Đi vào rác để tạo ra sự không rác, sự sạch sẽ mới là cao nhã vậy. Còn đi vào rác mà mang rác xả ra đường hoặc xả trong nhà mình, thiết nghĩ đều không phải là một Đạo. Anh Thiệp phải học những người lao động đi gánh phân mà tôi đã nhắc tới, bởi họ là những người cao thượng, cái hôi thối thì nhận về mình, con cái sạch sẽ thơm ngọt thì dành cho đời. Ấy mới thật sự là Đạo, là Luân lý tốt đẹp mà xã hội ta cần có, thế gian cần có, anh Thiệp, anh Thiều và các anh Hậu hiện đại cần nên có. Rất tiếc là các anh đã bỏ đi, chỉ ôm khư khư cái báu vật Hậu hiện đại Chủ nghĩa về mình, rồi tự làm pháp sư cho nhau, tự vẽ thần, tạc thánh cho nhau như thời tiền văn minh tôn giáo.

Còn truyện cũng nổi tiếng nữa của anh Nguyễn Huy Thiệp, tôi đã đọc là truyện có tên “Phẩm tiết”. Hồi ấy dường như truyện này còn nhiều đoạn, nhiều chi tiết tục, đọc rờn rợn. Cả húp, cả nút, cả nhai, nuốt cái bã của tình dục, đọc mà gớm ghiếc, tanh tưởi. Truyện này tôi thấy về mặt nghệ thuật thì tốt hơn truyện “Tướng về hưu”. Nhưng các nhân vật đều là cái loa của anh Thiệp. Anh thành công ở tính chất sử của truyện này. Các nhà phê bình xúm nhau khen, lõ mắt nhìn nhau tán tụng, tôi thấy hơi quá, giống như mượn cái truyện của NHT để giải tỏa lòng mình, khao khát được thể hiện cái vốn tri thức tích lũy nhiều năm không xài được của mình, nhiều hơn là dựa trên giá trị thực của truyện. Một cái nghĩa sờ sờ hiện ra đó mà các anh không nhìn thấy: Chỉ cần một người phụ nữ kinh thành có cái báu vật trời cho, biết khôn ngoan mỹ vị một chút là đủ để làm tan tác cuộc đời, hạ bệ sau trước hay cùng lúc cả hai ông vua tưởng là bậc nhất xứ Đàng Trong!

Cái cảm hứng chủ đạo từ đầu đến cuối của truyện là ở chỗ ấy, thì không hoặc chưa một nhà lý luận nào nhìn thấy, hay thấy mà không ai nói hết, sợ làm nhợt nhạt rồi thòi ra, trào ra cái phần luôn luốc nhớt nhúa của anh Thiệp nhét sâu bên trong cái “bánh” mà anh Thiệp và các anh ấy cho là tác phẩm tuyệt trần này. Đây chính là chỗ thâm tuệ của anh Thiệp – cái thâm của người học văn thì ít, học sử thì nhiều, học các mánh lới thủ đoạn của vua chúa, những kẻ khôn lõi, rắp tâm không ít trong sử, lại thêm cái tính láu cá, hiềm hận, ma quỷ nghi ngút trong hồn. Các ông vua trên tay anh Thiệp khi trở thành nhân vật, họ như những con rối, anh Thiệp điều khiển thế nào thì ra thế ấy, khỉ ra khỉ, chồn lại ra chồn, cóc nhái ra cóc nhái, nòng nọc ra nòng nọc. Giống như một sự trả thù của mối thù từ kiếp trước. Có lẽ kiếp trước anh Thiệp từng là vua, hay con vua, mà bị soán ngôi, kiếp này phải đòi lại theo luật vay trả vậy. Nhưng vì chưa hết chu kỳ luân hồi bởi nghiệp chướng còn chưa dứt, anh Thiệp không làm vua trong hiện thực được, đành phải mượn người phụ nữ trinh trắng, khôn ngoan làm công cụ trả thù, giành lấy ngai vị “làm vua” trong văn học nửa cuối thế kỷ XX.

Tôi thử đặt câu hỏi: Đó là phẩm tiết của người con gái, người đàn bà kinh thành, hay phẩm hạnh của văn hóa Bắc Hà phong kiến muộn thời Trịnh Lê, hay chính là phẩm hạnh của NHT? Cũng là một cái truyện với tính nhân văn rất kém. Tôi không có thời gian dành đọc thêm hay để nhớ lại truyện của anh Thiệp, hầu làm người luận bình vẹn vẽ. Ngụ ý của tôi, sẵn việc các nhà lý luận, nghiên cứu phong anh là đại cao thủ trong tông phái Hậu hiện đại võ lâm mà vịnh vào để nói thêm, bàn thêm đôi chút về Chủ nghĩa Hậu hiện đại ở Việt Nam cho thuận lẽ đó thôi. Xin lỗi hương hồn anh Thiệp! Dẫu sao thì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (trong lễ truy điệu anh ngày anh tạ thế) cũng đã tuyên dương anh rồi: người độc nhất ngồi trên chiếc ngai vàng thế giới truyện ngắn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX! Xin chúc mừng anh!

Tôi cố nhớ lại, trong đám tang anh Thiệp, tôi thấy hình ảnh tôn kính và trang nghiêm của anh Thiều đứng trước quan tài và anh linh của anh NHT với một giọng đọc thật trầm ấm, thật bi hùng, giàu cảm lụy. Và sau đó tôi có tìm để đọc qua bằng văn bản bài điếu văn của anh Nguyễn Quang Thiều vài lần nữa. Thật xúc động và cao siêu, xứng với anh Thiệp một nhà văn tài năng lớn, đồng thời cũng xứng với vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam của anh Thiều.

Và cũng xin thành thật nói rằng, từ bài diễn văn đọc khi kết thúc Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó có cụm từ nói về sự “chuyển giao thế hệ”, đến việc anh long trọng đọc điếu văn trong lẽ truy điệu anh NHT, cộng với việc anh bố trí anh Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ – người công khai vỗ ngực nhân danh là người đại diện của Chủ nghĩa Hậu hiện đại, cả việc các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đều xếp anh NHT vào danh sách hàng đầu những nhà văn Hậu hiện đại, tôi mới buộc phải có vài lời với anh, anh Thiều nhé.

Anh có thể đọc điếu văn cho tất cả nhà văn, nhà thơ Việt Nam khi họ từ trần, bởi đó là đạo lý (trừ tôi – tôi không có ý định được chết một cách trang trọng và lẫm liệt như vậy đâu. Tôi đã dặn con trai tôi là không cho bất kỳ một người thân nào hay về việc tôi chết, kể cả ruột thịt gia đình, không cần vào nghĩa trang dù có tiêu chuẩn – bởi tôi có một triết lý về cái chết của những chiến sĩ chết ở chiến trường ngày xưa chưa tìm được xác, nghĩa là cái chết vô danh và lành tính, nhẹ nhàng như cây như đất, hay như cỏ vậy).

Còn lại, tôi chỉ gửi đến anh một câu: Hãy vì sự nghiệp chung của Đất nước, Nhân dân mà quản lý và sáng tạo, nếu thấy có sai thì sửa, thấy đúng thì làm, không đắp lũy xây thành, biến Hội Nhà văn Việt Nam thành căn cứ địa, thành chi nhánh hay tiền đồn của Chủ nghĩa Hậu hiện đại mang màu sắc chính trị vô văn hóa ở cái xứ sở hình cong chữ S này…

Nguồn: Văn Nghệ TPHCM số 659, ra ngày 14/10/2021

Nguồn: http://www.lethieunhon.vn/2021/10/mot-kieu-oi-thoai-rat-soc-va-ang-lo-so.html

 

ĐƠN TRÌNH BẦY của nhà văn Đông La GỞI TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG VÀ CÁC CÁ NHÂN CÓ TRỌNG TRÁCH VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHỐNG PHÁ CHẾ ĐỘ TRONG LĨNH VỰC VĂN CHƯƠNG VÀ CỦA RIÊNG ÔNG CHỦ TỊCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM NGUYỄN QUANG THIỀU

Kính gửi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, kiêm Trưởng Ban Chỉ Đạo về Phòng, Chống Tham Nhũng, Tiêu Cực.

Đồng kính gửi:

- Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam.

- Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước.

- Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội.

- Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ.

- Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

- Ông Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.

- Ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội Chính TW.

- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW.

- Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ Tướng phụ Trách Văn Hóa-Xã Hội.

- Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng.

- Đại tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công An.

- Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.

- Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục.

- Ông Nguyễn Hoà Bình, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.

- Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

- Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.

- Thiếu tướng Dương Đức Thiện, Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh Quân đội, Bộ Quốc phòng.

- Thiếu tướng Phạm Ngọc Việt, Cục trưởng Cục An ninh Nội địa, Bộ Công an.

- Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên Hiệp Các Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam.

- Ban Lãnh đạo Hội NHà Văn Việt Nam.

Kính thưa TBT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí!

Tôi là Nhà Văn Đông La (tên thật là Nguyễn Văn Hùng), quê ở Thanh Miện, Hải Dương, là Cựu chiến binh, từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, là Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, từng là cán bộ nghiên cứu Hoá dược ở Viện Công nghiệp Dược (Bộ Y tế, hiện không còn), hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh.

Vì tính nguy hiểm và cấp thiết của vấn đề liên quan đến sự tồn vong của Chế độ ở Việt Nam, tôi làm đơn này mạo muội gởi đến TBT Nguyễn Phú Trọng và các vị có trọng trách lá đơn sau đây.

***

Nước ta hiện có tình trạng nhiều cán bộ đảng viên yếu kém và sai phạm về chính trị tư tưởng và tư cách đạo đức, nhưng họ lại được lựa chọn vào những vị trí quan trọng trong guồng máy của thể chế. Thực trạng này đã gây ra những chuyện phạm pháp, tệ nạn trong xã hội, làm mất thanh danh, uy tín của Đảng, gây bức xúc trong nhân dân. Thật tuyệt vời, người chỉ ra đích danh căn bệnh của thể chế đó, lần đầu tiên nói ra khái niệm “tham nhũng chính trị tư tưởng, tư cách đạo đức” chính là TBT Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng 26-11-2020, ông nói:

“Lần này tôi nhấn mạnh là không phải chỉ đấu tranh phòng chống tiêu cực trong lĩnh vực kinh tế đâu nhá, trong lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là quan điểm chính trị, tư tưởng… Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cái đó là cái nguy hiểm vô cùng, sắp tới còn phải làm mạnh cái này nữa”.

Trong lĩnh vực văn chương, Nhà Văn Trúc Phương, sau khi viết TÂM THƯ, lại viết ĐƠN TỐ CÁO gởi TBT Nguyễn Phú Trọng và các tổ chức, các cá nhân có trọng trách về việc ông Nguyễn Quang Thiều vẫn được đề cử và trúng cử chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khi đã bỏ sinh hoạt Đảng 5 năm, rồi tiếp tục bị kỷ luật vì ký duyệt xuất bản những tác phẩm Tây Hùng Vương, Mối Chúa, Bi Kịch Gia Đình, Đất Mồ Côi... xuyên tạc, phủ nhận lịch sử, phủ nhận những thành tựu cách mạng, xúc phạm quân đội và nhân dân, và xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trúc Phương cho rằng “vụ Nguyễn Quang Thiều” là một “việc phi nghĩa có tính chất gian trá, đầu cơ trục lợi mang tính chính trị nguy hiểm”. Và như vậy, theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng ở trên thì Nguyễn Quang Thiều đích thị có hành vi “Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống”.

Trong lĩnh vực văn chương, sự chống phá chế độ của giới nhà văn đã có từ lâu và thành hệ thống, từ Dương Thu Hương, Vũ Thư Hiên, Bùi Tín, đến Nguyên Ngọc; từ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Phạm Đình Trọng, Đỗ Minh Tuấn, Phạm Viết Đào, Phạm Xuân Nguyên, Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập, Huy Đức, Phạm Lưu Vũ, đến Inrasara, v.v…, và Nguyễn Quang Thiều. Họ đều bị phê phán, bị kỷ luật, cao nhất là bị bắt tù, bị trục xuất, trốn chạy, riêng Nguyễn Quang Thiều thì ngược lại, lại được ca ngợi, được tôn vinh, và mới đây còn giành được chức Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, và đã và đang như phất lại ngọn cờ đổi mới văn chương từ tay Nguyên Ngọc ngày nào trao cho.

Chế độ xã hội nào cũng có yếu kém, sai trái, việc các nhà văn có tư tưởng, có trách nhiệm phản biện mang tính xây dựng như các bác sĩ chữa bệnh là rất cần thiết. Nhưng không phải vậy, những nhà văn nói trên họ không phải chống những sai trái, yếu kém của chế độ mà là chống chính chế độ. Họ chống từ ý thức hệ, chống Đảng lãnh đạo, chống lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại lịch sử cách mạng, đến chống thể chế để cơ hội, trở cờ, mong ngóng danh và lợi từ những thế lực chống thể chế VN ở Mỹ Phương Tây ban cho.

***

Trong lá đơn này, tôi xin trình bầy rõ hơn về việc Nguyễn Quang Thiều đã có cả một hành trình dài có những quan điểm sai trái về chính trị tư tưởng, thể hiện trong các phát ngôn, các bài viết, và viết các tác phẩm.

17/2/2018, nhân ngày xảy ra cuộc chiến Biên giới phía Bắc khi Trung Quốc xâm lược VN, Nguyễn Quang Thiều, khi là Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, đã viết và đăng bài thơ Kẻ-phản-bội-tổ-quốc. Mục đích để lấy lòng đám đông và các thế lực chống thể chế Việt Nam ở Mỹ và phương Tây. Nguyễn Quang Thiều cho Trung Quốc xâm lược Việt Nam bởi “có những kẻ phản bội dân tộc”. Vì sự tồn vong và phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, trong đó có quan hệ bình thường hoá, giữ gìn tình hữu nghị với Trung Quốc. Nếu có mâu thuẫn sẽ giải quyết bằng con đường ngoại giao và luật pháp quốc tế. Như vậy, qua bài thơ, Nguyễn Quang Thiều đã cho đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta đối với Trung Quốc là sự “phản bội”, là “xảo ngôn”, là “xảo quyệt”, “đứng lẩn trong nghi lễ của sự trung thành” với lợi ích của nhân dân.

Vì vậy, nhiều trang phản động, chống phá Việt Nam đã đăng lại, trong đó có trang “Văn Việt” của “Văn đoàn Độc lập”, một tổ chức muốn được thành lập để chống lại chính Hội Nhà Văn Việt Nam mà Nguyễn Quang Thiều khi đó là Phó Chủ tịch!

***

Tôi và Nguyễn Quang Thiều từng có một tình bạn thân thiết vài chục năm. Thiều có tính tốt là đối xử rất thân thiện với tất cả mọi người, nhưng làm tôi hơi buồn ở chỗ Thiều không phân biệt đúng sai, tốt xấu; Thiều thân với tôi nhưng cũng thân luôn với những người có tư tưởng ngược với tôi. Thiều có tài năng văn chương nhất định, rất đáng quý, nhưng tôi sớm nhận ra Thiều có những quan điểm sai trái. Vì tình bạn, tôi đã bình văn chương của Nguyễn Quang Thiều rất nhiều, muốn hướng Thiều đi về phía tốt đẹp. Nhưng đúng là “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, những ngày hôm nay, với vị trí Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, Thiều đã có những hành động chứng tỏ nhiều tác phẩm của Thiều mà tôi từng cố cho là phản biện có tính xây dựng thì thực sự là phản bội.

Trong tập Châu thổ (Thơ tuyển, NXB Hội Nhà Văn 2010), Nguyễn Quang Thiều có nhiều bài thơ như thế.

Bài “Hội giả trang”, Nguyễn Quang Thiều đã tố cáo xã hội VN là xã hội của “những tay phù thủy cao tay”, nguỵ trang bằng chính ánh sáng ban ngày, bởi "chúng giả trang bằng chính mặt mình”. Như vậy Thiều đã cho sự chính nghĩa để chính danh của chế độ Việt Nam núp vào chỉ là giả.

Trong khúc “Hồi tưởng tháng 9”, Nguyễn Quang Thiều với lối viết phúng dụ, tả một người mù nhưng lại thong thả bước đi trong một sáng sương mù che hết ánh sáng, còn tất cả những người sáng mắt lại thành mù, bị lạc ngay trước cửa ngõ nhà mình. Thiều chỉ viết chung chung nên tôi từng rất thích bài này. Với tầm nhân loại, đúng là loài người từng bị lầm lạc bởi những tập tục, lề thói và cả “ánh sáng” của những tín điều tôn giáo và ý thức hệ chính trị. Vì vậy mà chiến tranh đã và vẫn đang xảy ra khắp nơi. Nhưng rồi qua những việc làm hôm nay, Nguyễn Quang Thiều đã gián tiếp giải thích cho tôi thấy, Thiều không viết về nhân loại mà là viết về xã hội VN, bài thơ ám chỉ ánh sáng của ý thức hệ đã làm người dân Việt Nam lạc đường. Tôi từng cho Thiều là một nhà thơ rất hiếm, làm thơ có tầm tư tưởng. Tiếc là Thiều đã và đang chứng tỏ những tư tưởng đó là tư tưởng phản động!

Về quan điểm văn chương, Nguyễn Quang Thiều đáp lại Trần Mạnh Hảo chê mình làm thơ “lai tây, tây giả cầy nhí nhố”, đã thể hiện thái độ vọng ngoại, khinh thường văn chương VN. Theo Trần Mạnh Hảo, Thiều nói đại ý Thơ Việt như một dàn đồng ca tẻ nhạt, chưa vượt qua được vũng bùn tiểu nông. Nói vậy, Nguyễn Quang Thiều đã rất xấc xược. Vì thực tế toàn bộ giá trị đích thực của thơ Thiều có kỳ công tinh chế, cô đọng lại cũng không bằng nổi một vài câu của Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, v.v…

Thơ Nguyễn Quang Thiều nói chung dài dòng, rối rắm, tối nghĩa do diễn tả chưa sõi tiếng Việt. Hình ảnh trong thơ Thiều thường lập dị, quái dị. Vì tình bạn, tôi đã cố “đãi cát tìm vàng”, chọn những phần hay, phần tốt của văn thơ Thiều viết ra, những mong, như đã viết, Thiều hướng về phía ánh sáng. Nhưng đến nay tôi đã thất bại hoàn toàn. Nguyễn Quang Thiều giờ nghĩ mình đã có quyền cao chức trọng, đã cắt quan hệ với tôi dăm năm nay, để thực hiện niềm khao khát cháy bỏng. Thiều đã làm tất cả để lấy lòng những thế lực chống thể chế VN ở Mỹ và Phương Tây, thể hiện rõ nhất khi đánh giá những tác phẩm văn chương.

***

Về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, trên tất cả những lời tung hô, Nguyễn Quang Thiều đã cho giá trị cuốn sách đã đạt tầm “nhân loại” khi nói: “Nỗi buồn chiến tranh đã chạm vào mẫu số chung của nhân loại”. Nguyễn Quang Thiều nói vậy không phải để lấy lòng tác giả Bảo Ninh mà lấy lòng Mỹ. Bởi Bảo Ninh viết theo tinh thần sám hối, coi cuộc kháng chiến giành lại chủ quyền đất nước của nhân dân ta là phi nghĩa, là một “nỗi buồn”. Phía Mỹ đã trả công cho Bảo Ninh bằng một giải thưởng khoảng 40.000 US. Trong “Nỗi buồn chiến tranh”, Bảo Ninh đã viết, người con lên đường ra trận được cha dặn dò ý là đừng có ngu mà chết vì lý tưởng. Những chiến sĩ của đội quân anh hùng thì toàn là hiếp dâm, hút cần sa, sex tập thể, chôn sống tù binh, v.v… Bảo Ninh đã thú nhận mình xuyên tạc sự thật: “Tôi không muốn viết theo một cái “tông” có sẵn”, nên: “Những gì tôi viết trong cuốn sách này, tôi cũng đã nói rằng nó không hoàn toàn là sự thật”. “Tôi nghĩ thế là quyền của tôi, và có người phê phán, tôi thấy cũng chẳng sai”. (http://www.Baodatviet.vn/).

Về văn tài Nguyễn Huy Thiệp, theo Nhà Văn Trúc Phương, trong đám tang Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều đã đọc điếu văn ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp là “nhà văn tìm đạo cho dân”. Trúc Phương đã nổi giận mắng Nguyễn Quang Thiều: “Dân cần gì cái đạo tởm lợm của các anh? Thật là trâng tráo!”

Nguyễn Quang Thiều cũng đã thể hiện quan điểm chính trị tư tưởng lộn ngược khi nói: “Nói đến ông (Nguyễn Huy Thiệp) lúc này là để nói với chính chúng ta về sự dấn thân, về lương tâm và lòng quả cảm của người cầm bút”. Thực tế, theo Trần Đăng Khoa (Văn nghệ quân đội số 596 tháng 4/2004), trong một lần sang Thụy Điển, Nguyễn Huy Thiệp đã tuyên bố trước phóng viên: “Thế hệ tôi nôn mửa vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”.

Cụ thể trong sáng tác, “hiệp sĩ Nguyễn Huy Thiệp” đã “dấn thân đi tìm đạo cho dân” bằng cách viết bôi đen anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ như giặc cỏ, du côn, ca ngợi Nguyễn Ánh “mới là nòi vương giả”, một người từng cầu viện Pháp, Xiêm, “rước voi giày mả tổ”. Việc ca ngợi Nguyễn Ánh đồng nghĩa với sự biện hộ cho hành động Pháp xâm lược Việt Nam, nên Pháp đã in cho Nguyễn Huy Thiệp tới 14 đầu sách và với số tiền nhuận bút chính ông Thiệp khoe là khoảng 80.000 USD.

Truyện ngắn “Tướng về hưu”, của Nguyễn Huy Thiệp được Nguyễn Quang Thiều đề nghị xét Giải thưởng Nhà nước năm nay, đã cho những người lính cách mạng về hưu không có đất sống trong thời bình, không thể sống trong chính gia đình mình, cho việc BS phụ sản mang xác thai nhi về nấu cho chó, cho lợn ăn là “chẳng quan trọng gì”. Nguyễn Huy Thiệp cũng mượn văn chương chửi đồng nghiệp, viết về con người với con mắt bất nhân. Như về người nông dân: “Chẳng có khuôn mặt nào đáng là mặt người. Mặt nào trông cũng thú vật, đầy nhục cảm, không đểu cáng, dối trá thì cũng nhăn nhúm đau khổ”; tả đàn ông: “Lão già bị liệt, hai chân teo lại, lông chân như lông lợn”, “Tôi rùng mình vì trông thấy khuôn mặt ông ta: mặt đen và tái như da ở bìu dái, lông mày rậm, răng vẩu mà vàng như răng chó”; viết về phụ nữ: “Đàn bà không có thơ đâu… Thơ phải cao cả. Mỗi tháng các bà hành kinh một lần thì cao cả gì”; về chuyện loạn luân, chuyện bố chồng bắc ghế nhìn trộm cô con dâu tắm, Nguyễn Huy Thiệp biện minh: “Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì có con b.”. Về chính trị, Nguyễn Huy Thiệp viết: “Chính trị rặt trò mờ ám bỉ ổi”; về văn chương: “Văn chương là thứ bỉ ổi bậc nhất”.

***

Về sự lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều đã sai trái kép cả chính trị lẫn văn chương khi sử dụng Inrasara làm Chủ tịch Hội đồng Thơ thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam. Inrasa từng làm bài thơ thể hiện sự vĩ cuồng, cho trường học, quê hương, Tổ quốc, ý thức hệ, văn chương, triết lý là “quá chật” đối với anh ta. Anh ta mê muội bắt chước làm thơ kiểu Hậu hiện đại, Tân hình thức với ngôn từ tục tĩu, và thể hiện tư tưởng chống chế độ; chê bai đất nước nghèo khổ, tố cáo chế độ để dân chúng khổ đau trong dịch covid 19; tố cáo đất nước Việt Nam không có tự do, dân chủ. Từ đó, Inrasara đã khao khát trả thù qua bài thơ mang đích danh “Trả thù”. Inrasara cũng khơi dậy lòng hận thù giữa các dân tộc, trở thành kẻ chống cộng, và tin rằng chế độ cộng sản của người Việt “sớm muộn cũng đổ”. Inrasara cũng đã giới thiệu, ủng hộ, bảo vệ những người làm thơ Hậu hiện đại với ngôn ngữ thô tục, bẩn thỉu, báng bổ cả Chúa, cả Phật, cả Bác Hồ, với tư tưởng khủng bố, lật đổ.

Nguyễn Quang Thiều cũng ủng hộ, lăng xê văn chương của Phạm Lưu Vũ, người từng viết truyện ngắn “Chị Cả Bống”, được coi là người hùng và nổi tiếng trong bọn nhà văn phản động. Trong truyện này, Phạm Lưu Vũ đã tố cáo xã hội Việt Nam, nơi công an, uỷ ban, luật pháp đã bao che cho chuyện ở bệnh viện mổ bụng xác chết con chị Cả Bống để “lấy mật bán chác ăn chia”. Một tờ báo chống Việt Nam bên Mỹ đã viết: “Khi Nhà văn Phạm Lưu Vũ, tác giả truyện ngắn “Chị Cả Bống”, đã bị 2 cục công an văn hóa và phản gián kêu lên hù dọa điều tra... Nội dung truyện ngắn cho thấy hoàn cảnh bi thảm của người dân trong nước, tới ngay như người chết cũng bị mổ gan moi mật ra để bán cho cán bộ ăn nhậu”.

Theo Nhà Văn Trúc Phương, mới đây Nguyễn Quang Thiều đã giành quyền duyệt bài của Tổng biên tập Báo Văn nghệ để sớm in truyện ngắn “Ba viên xá lợi” của Phạm Lưu Vũ. Trong truyện, Phạm Lưu Vũ đã kể chuyện một sĩ quan “phía bên kia” đã cứu chữa cho một chiến sĩ Quân Giải phóng bị rắn độc chàm quoạp cắn. Phạm Lưu Vũ đã cho người sĩ quan Ngụy như thuộc đội quân nhà Phật, nên mới từ bi, vị tha cứu chữa cho kẻ thù, còn chỉ đường cho về đơn vị, riêng mình thì tự sát khi thấy Sài Gòn đã được giải phóng. Viết vậy, Phạm Lưu Vũ ám chỉ, một người từ bi, vị tha lại tự sát trước một sự chiến thắng thì chiến thắng đó chỉ có thể là chiến thắng của một đội quân phi nghĩa, chiến thắng của những kẻ ác, và như tuyên truyền, là chiến thắng của bọn cộng sản man rợ, độc tài, xâm lược, chiếm đóng thế giới tự do, dân chủ, văn minh của VNCH. Phạm Lưu Vũ đã nói leo theo Dương Thu Hương, Bảo Ninh, và San hô Huy Đức… Phạm Lưu Vũ do thiếu lương tri nên những điều cơ bản nhất về chính danh, chính nghĩa đã không nhận ra; nhân danh viết theo ánh sáng của Phật Pháp lại vô minh, xuyên tạc lịch sử, đổi đen thành trắng. Phạm Lưu Vũ đã làm ô uế Đạo Phật khi núp bóng Phật để viết văn chống phá chế độ, khơi dậy hận thù, chống phá cuộc sống yên bình của nhân dân.

***

Nguyễn Quang Thiều đang ngang nhiên hành động như coi Hội Nhà Văn VN là của riêng mình. Từ người đón gió, trở cờ, cơ hội chủ nghĩa, bây giờ Nguyễn Quang Thiều đã nắm được cơ hội, dùng danh vọng, quyền lực của thể chế ban cho biến một cơ quan của thể chế, sử dụng kinh phí của thể chế, để chống lại chính thể chế, lấy lòng những thế lực chống thể chế VN ở Mỹ và phương Tây, mong đợi lợi ích và danh vọng lớn hơn mà Phương Tây ban cho. Thực tế, cuối thời Liên Xô, Goocbachov đã được Phương Tây trả công giải Nobel Hoà Bình vì đã đập nát đất nước mình. Về văn chương, Phương Tây cũng đã trao giải Nobel cho một số nhà văn có công chống lại thể chế XHCN ở tổ quốc họ, như Solzhenitsyn, Brodsky (Liên Xô), và Cao Hành Kiện (Trung Quốc).

Ở Việt Nam, các tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp ở trong nước từng bị các cơ quan có trọng trách, những cá nhân có trọng trách, những nhà văn có lương tri phê phán. Chúng chưa được giải Nobel nhưng đã được một số giải nhỏ hơn ở nước ngoài. Nguyễn Quang Thiều đang khao khát những danh tiếng mà Phương Tây đã ban cho Ninh và Thiệp, kể cả những ảo tưởng lớn hơn thế. Nhưng Thiều cao tay hơn Bảo Ninh, hơn Nguyễn Huy Thiệp, những nhà văn “chả được gì trong nước”. Thiều cũng cao tay hơn số nhà văn ở hai nước XHCN được giải Nobel nói trên, họ phải chịu đầy đoạ, bị tù, hoặc bị trục xuất. Riêng Thiều lại được cả hai, xôi của Đảng cũng chén, thịt của phía chống Đảng cũng xơi, chuyện này chỉ có Phạm Xuân Nguyên mới sánh được với Thiều, nhưng ở cấp thấp hơn nhiều. Nguyễn Quang Thiều đã được thể chế Việt Nam vinh danh, đã đoạt được quyền chức trong thể chế, bây giờ đã và đang dùng danh vị để thực hiện sự chống phá thể chế một cách bài bản, quy mô, kể cả chống phá một cách “nên thơ”, biến sự phản bội, phản động thành hành động của hiệp sĩ, là sự dấn thân dũng cảm.

***

Kính thưa TBT Nguyễn Phú Trọng và đồng chí!

Tôi thực e ngại trước thực trạng của xã hội Việt Nam.

Về lĩnh vực truyền thông.

Nguy hiểm ở chỗ các phóng viên văn hoá văn nghệ được học từ những ông GS có quan điểm sai trái, ra trường về làm ở các đài các báo. Trong thời gian qua, khi cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” không được xét Giải thưởng Nhà nước, hầu hết các trang tin Văn hoá Nghệ thuật ở các báo như dàn đồng ca, đã phản ứng về việc không xét giải thưởng cho Bảo Ninh. Mới đây lại lặp lại, khi Nguyễn Huy Thiệp mất, tiếp theo màn Nguyễn Quang Thiều lĩnh xướng đọc điếu văn, hầu hết các trang tin Văn hoá Nghệ thuật ở các báo cũng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp hết lời.

Do trình độ chính trị tư tưởng yếu kém ở các báo, như VietNam.net từng là đất dụng võ của Tương Lai, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Phạm Xuân Nguyên, những cán bộ đảng viên trí thức thoái hoá, nay VietNam.net và VTV lại hay đưa hình ảnh và ý kiến của Dương Trung Quốc, Nguyễn Quang Thiều. Việc này rất nguy hiểm là những người có tư tưởng sai trái về lịch sử, về văn chương, lại được truyền thông chính thống coi trọng, sẽ biến họ thành hình mẫu để mọi người phấn đấu noi theo.

Về lĩnh vực giáo dục.

Từng có một luận văn thạc sĩ của cô Nhã Thuyên ở Trường ĐHSP Hà Nội làm về thơ của Nhóm Mở Miệng. Thơ của Nhóm Mở Miệng được làm theo kiểu Hậu hiện đại với ngôn từ thô tục, bẩn thỉu; xúc phạm cả Chúa, cả Phật, cả Bác Hồ; viết với thái độ chửi bới, khủng bố, lật đổ. Một luận văn như vậy lại được PGS.TS Nguyễn Thị Bình ở Trường ĐHSP HN hướng dẫn; Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, giúp đọc bản thảo, rồi được điểm 10 bởi các giám khảo: TS Chu Văn Sơn ở ĐHSP HN; Văn Giá, Trưởng khoa Lý luận - phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa; Nguyễn Đăng Điệp, - Viện trưởng Viện Văn học. Luận văn đã bị dư luận phản ứng dữ dội, buộc nhà trường phải thu hồi.

Vế lĩnh vực Lịch sử.

Bắt đầu từ Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, đến một số cán bộ lãnh đạo ngành Sử hiện tại. Họ đã nhân danh đổi mới nghiên cứu lịch sử, từ việc biến Nguyễn Ánh có tội thành có công, cho chuyện anh hùng Lê Văn Tám là hư cấu để tuyên truyền, rồi đám Nguyễn Duy, Nguyễn Quang A quay video diễu cợt anh hùng Võ Thị Sáu, v.v… Gần nhất từ màn lĩnh xướng của Trần Đăng Khoa, rồi hầu hết truyền hình, báo chí đã đồng loạt chửi Trung tướng Anh hùng Phạm Xuân Thệ là Lý Thông cướp công Đại tá Bùi Tùng, như thể có một phong trào Lịch sử Nam Bộ chống Lịch sử VN, Miền Nam chống Miền Bắc, mà thực tế, từ những hình ảnh, thước phim, nhân chứng, kể cả lời của chính ông Bùi Tùng, đã chứng tỏ chính ông Bùi Tùng mới là Lý Thông chứ không phải anh Phạm Xuân Thệ!

Về lĩnh vực Điện Ảnh.

Khi Thiếu tướng Lê Tấn Tới – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phát biểu về tác hại khi VTV1 chiếu bộ phim “Người phán xử”, thể hiện quyền lực tuyệt đối của một trùm xã hội đen. Một dàn đồng ca gồm đạo diễn, diễn viên, phóng viên đã phản ứng ông Lê Tấn Tới. Họ đã thật ấu trĩ khi không nhận ra sự sai trái, đã quên mất điều tác phẩm nghệ thuật chân chính là phải chỉ cho khán giả nhận ra và lên án cái xấu, cái ác, chứ không phải dẫn dắt khán giả yêu quý, thần phục một trùm xã hội đen. Họ cũng quên mất bài học cơ bản, tác phẩm văn học nghệ thuật sai trái sẽ tác động xấu đến xã hội là điều tất nhiên, như nhiều học giả cho rằng xã hội Mỹ có nhiều vụ xả súng giết người là do ảnh hưởng từ phim bạo lực Mỹ.

Về lĩnh vực giải trí.

Với chuyện hai diễn viên Chí Tài, Phi Nhung mất, thương xót họ là điều bình thường của tình người, nhưng cả nền truyền thông rên rỉ mãi không thôi, coi việc mất họ như mất đi một bậc hiền nhân thì đã làm loạn chuẩn mực giá trị trong xã hội.

Cuối cùng quan trọng nhất là về lĩnh vực văn chương.

Quan trọng nhất vì môn Văn là một trong vài môn được nền Giáo dục VN coi là quan trọng nhất vì giúp hình thành nhân cách của học sinh. Vậy mà Nguyễn Quang Thiều đang tiếp bước Nguyên Ngọc chống lại thành tựu của cả nền văn chương cách mạng VN, nhân danh “lật đổ thần tượng” và “đọc ai điếu cho nền văn chương minh hoạ”. Nhưng cả Nguyên Ngọc trước đây lẫn Nguyễn Quang Thiều hôm nay đã không theo chính đạo, khắc phục những yếu kém hiện có để đưa nền văn chương lên tầm cao hơn, hay hơn, sâu sắc và toàn diện hơn, mà họ đã theo tà đạo, muốn đưa nền văn chương theo những tiêu chí phản luân thường đạo lý, phản những giá trị chân thiện mỹ, đã xuyên tạc lịch sử, chống chế độ, xúc phạm Bác Hồ, tức lãnh đạo văn chương theo con đường phản động.

Tất cả những điều trên chứng tỏ xã hội VN hiện tại đã có những lĩnh vực Lịch sử, Văn chương, Văn hoá Nghệ thuật có những mảng lớn thoái hoá toàn diện.

***

Ngay từ khi TBT Nguyễn Phú Trọng chưa nói ra vấn nạn “tham nhũng chính trị, tư tưởng, tư cách, đạo đức” trong guồng máy công chức, tôi đã viết rằng, trên diễn đàn QH, các ĐB thường sôi nổi chất vấn, tranh luận về các vụ án hình sự giết người, các vụ án thất thoát ngàn tỷ, nhưng không ai nhận ra những sai trái về chính trị, tư tưởng, sai trái về lịch sử, về văn chương, về văn hoá nghệ thuật. Các vị sợ chuyện giết người, mất tiền bạc, mà không nhận thấy những điều lớn lao hơn, nguy hiểm hơn, đó là chuyện “giết chế độ”, “mất chế độ”! Trước khi TBT Nguyễn Phú Trọng nói ra, chưa ai nhận ra vấn nạn “tham nhũng chính trị tư tưởng, tham nhũng tư cách đạo đức”. Ai cũng dễ dàng nhận ra “nhóm lợi ích kinh tế”, nhưng đến tận hôm nay, chưa ai nhận ra “nhóm lợi ích về văn chương, về văn hoá nghệ thuật”. Đó là sự kết bè, kéo cánh, lăng xê, tâng bốc, nghĩa là tham nhũng danh tiếng, tham nhũng các giá trị cao quý!

***

Như vậy, theo lời TBT Nguyễn Phú Trọng ở trên thì Nguyễn Quang Thiều đích thị là một cán bộ, đảng viên “Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng”. Nguyễn Quang Thiều đang cấu kết thành lập một nhóm lãnh đạo văn chương, hình thành một nhóm lợi ích, nhằm tham nhũng danh tiếng, tham nhũng vật chất, nguy hiểm hơn là làm thoái hoá chính trị tư tưởng, làm loạn các chuẩn giá trị, làm mục ruỗng những giá trị thuộc đạo lý, đạo đức và nhân tính của toàn xã hội. Chính những điều này sẽ đưa xã hội Việt Nam giống Liên Xô những ngày cuối cùng, và sẽ tan vỡ, mà theo Tổng thống Nga Putin, người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tan rã của LX, vẫn phải chua xót nói: “Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là một thảm hoạ địa chính trị lớn nhất của thể kỷ 20”. Đến cả Sol-zhe-nit-syn, tác giả đã kịch liệt phủ định Stalin khi suy ngẫm lại cũng phải thừa nhận “Tôi đã hại Tổ quốc Nga”. Còn cựu Tổng thống Ukraine Krav-chuk, một trong ba nhân vật tham gia ký kết hiệp định giải thể Liên Xô sau này cũng nói: “Nếu như năm 1991, tôi biết được cục diện đất nước sẽ phát triển đến như cục diện hôm nay thì khi đó tôi đã nhất quyết chặt đứt cánh tay mình chứ không ký vào Hiệp định”. Và đúng như lời Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code nói: “Đảng CS Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình”.

Kính mong TBT Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí xem kỹ lá đơn này của tôi, để nhanh chóng và quyết liệt ngăn chặn những nguyên nhân sẽ gây ra thảm hoạ cho đất nước thân yêu và nhân dân Việt Nam!

Tôi làm đơn này hoàn toàn không vì quan hệ cá nhân mà vì lương tâm, trách nhiệm của một công dân, một cựu chiến binh, và vì sứ mệnh cầm bút của một nhà văn. Tôi xin cam đoan viết sự thật, nếu sai xin chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngày 27-10-2021

Nhà văn ĐÔNG LA

Nguồn: FB Chống diễn biến hòa bình