Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Yêu và đọc

Bài sau đây rút từ Tạp văn Tràng Thiên (Tràng Thiên là một bút danh của Võ Phiến, Thời Đại và Nhã Nam 2018). Chúng tôi cho đăng lại là vì thấy rất có ích cho cuộc thảo luận Chung quanh vấn đề “Văn mẫu”.

Văn Việt

Võ Phiến

Còn nhớ trong thời kháng chiến, nhiều đêm cùng đồng bào trong thôn xóm đi xem kịch tới khuya, trên đường về tôi nghe bà con bàn tán khen chê. Khi khen, đại khái thường bảo: “Vở kịch thật có ý nghĩa, đầy ý nghĩa”, ý nói mình hiểu vở đó cốt nói cái gì.

Thưởng thức là cố hiểu ý nghĩa. Hễ hiểu được là lấy làm thú vị, nói cười nghí ngố, hể hả.

Dĩ nhiên, ngược lại, một tác phẩm “không có ý nghĩa”, vì người xem nghĩ mãi mà không thấy, sẽ bị xem là hỏng!

*

Lối thưởng thức ấy chắc chắn là lối hồn nhiên nhất. Tiếp xúc với một nghệ phẩm giá trị, phản ứng đầu tiên là muốn hiểu rõ; cũng như tiếp xúc với một cô gái đẹp, phản ứng trước hết là muốn biết nàng. Biết thêm mãi, biết tất cả.

Nhưng người con gái nào cũng nhận thấy thái độ hồn nhiên ấy không hẳn là thái độ chính đáng và đáng được khuyến khích. Các tác phẩm văn nghệ cũng nên nhận thấy như thế, vì lợi ích của chính nó. Khi được một cô gái nọ cho biết hết rồi, người ta cũng hài lòng, cũng nói cười nghí ngố, hể hả. Nhưng giữa đôi bên đến đó là xong. Một tác phẩm được hiểu trọn vẹn cũng không được độc giả lưu luyến lâu dài. Bởi vậy đối với gái đẹp cũng như đối với nghệ phẩm, sự khôn ngoan chỉ có một lời khuyên chung: hãy giữ lại cho mình chút gì, đừng bao giờ cho cả.

Một cuốn khảo luận, một bài bút chiến, cần cho sáng sủa, phơi bày minh bạch tư tưởng của tác giả. Còn một bài thơ, hay ngay cả một thiên truyện, chúng cần gì dứt khoát, trong sáng? Nhưng vẫn có những nhà văn nhà thơ nghĩ khác. Tác phẩm của Maupassant kể chuyện rõ vanh vách, không để còn chút gì mơ hồ: vì thế đọc giải khuây thật khỏe trí; nhưng đọc xong, nắm được “ý nghĩa” rồi, có thể bỏ qua lời kể, chẳng cần đến nó nữa. Những truyện ngụ ngôn của La Fontaine cũng vậy: hiểu xong cái ý “ngụ”, độc giả hoàn toàn có thể quên hẳn lời. Truyện như thế chẳng qua là phương tiện giúp người đọc ngộ ý nghĩa. Ngộ xong thì vất truyện đi. Y như cạy vỏ con trai ngọc, lấy ngọc rồi, vất vỏ đi.

Trái lại, khi kể chuyện “Con gián ngoài hành lang” trong cuốn Ðúng vào lúc ấy (En ce moment précis), Dino Buzzati gây cho chúng ta một trằn trọc mà mỗi lần muốn gặp lại chỉ có cách tìm đến câu chuyện của ông ta. Một đêm về khuya, ông ta giẫm nhằm một con gián dưới chân; vào phòng, nóng bức, người yêu ngủ không yên giấc, cựa mình, rên khe khẽ, nói vài ba câu vu vơ; bên ngoài có tiếng con chim kim tước kêu, có người đánh diêm, có tiếng khua cửa đâu đó... Chuyện chỉ có thế không phải hoàn toàn không có ý nghĩa: nhưng cái ý nghĩa ấy không “rút” ra được. Cũng như tác giả, ông ta sống những giờ trằn trọc trong cái đêm oi bức nọ, ông ta có những cảm tưởng, cảm xúc...; tất cả không thể rút ra, tách rời ra khỏi khoảng thời gian nọ: khi ánh bình minh hẩng lên là mất hết, tiêu tan hết, không thể nào tìm lại được cái tâm trạng nọ. Có sống qua đêm ấy thì có biết đến tâm trạng ấy; nhưng biết xong vẫn không thể không cần đến khung cảnh đêm ấy: rời khung cảnh ấy ra chẳng còn có gì rõ rệt để mà hồi tưởng. Và tâm trạng được hồi tưởng khác xa cái tâm trạng lúc đối cảnh.

Một buổi chiều buồn, một buổi tinh sương đẹp, một khu vườn hoang vắng làm bồi hồi..., chúng không có ý nghĩa rõ rệt, nhưng chúng dẫn khởi những cảm xúc phong phú nơi người xem, với điều kiện người xem phải tiếp xúc chúng. Rời chúng ra, là mất tất cả. Trong khi ấy, có những nghệ phẩm muốn dồn mục đích vào một ý nghĩa có thể tóm tắt được: như thế tiện dụng, nhưng làm nghèo tác phẩm đi biết bao.

Nghệ phẩm là một cái đẹp nhân vi. Nhưng ước gì nó cố gắng bắt chước những hiện tượng hàm súc của tạo hóa: một cảnh đêm khuya tịch mịch, một khu vườn hoang, một ngã ba sông rộng vắng... Hoặc một thiếu nữ.

*

Yêu gái là yêu cái gì nhỉ? – “Moa khoái con bé vì trông nó nhí nhảnh ngây thơ.” Nhí nhảnh là ý nghĩa của con bé; nhưng ngộ được ý nghĩa ấy rồi vẫn không thể yêu cái nhí nhảnh, mà lại cũng cứ quấn quýt lấy con bé thôi.

Hễ cứ còn gần con bé là còn mê tơi: mắt đắm đuối, mũi ngây ngất, tay chân đê mê... tưởng chừng con bé tràn ngập các giác quan mình. Thế nhưng vừa rời nhau ra về là lại thấy như mất tất cả, chẳng còn giữ lại được gì: mặt mũi nó vẫn còn in trong trí đấy, mùi da thịt tóc tai nó vẫn còn mường tượng được đấy, nhất là cái nhí nhảnh đâu có quên được? Nhưng cứ thấy thiếu, thiếu kinh khủng. Muốn được hưởng lại cái hạnh phúc mê mẩn, chỉ có cách là gần con bé: cái ý nghĩa của người yêu dính liền với người yêu, không thể lĩnh hội riêng rẽ.

Rốt cuộc người yêu cơ hồ thành ra không có ý nghĩa nữa. Cái nhí nhảnh, cái điều mà ta tưởng là then chốt, là lý do chủ yếu của yêu đương, thực ra tự nó chẳng ra nghĩa lý gì. Nghĩa lý, là chính ở nơi cô gái, từ cuối mắt đến đầu mày, là gót chân khuỷu tay, là nhất cử nhất động của cô ta. Dĩ nhiên, tất cả không thể chỉ thành một khối thịt mà đủ: không có ý nghĩa nhí nhảnh, tất cả sẽ vô vị, mắt mày chân tay cử động ấy không thu hút nữa. Nhưng cái ý nghĩa của người yêu, nó thành xương thành thịt của nàng, gần như nó nhập làm một, nó là xương thịt nàng. Nó chất thể hóa, nó là chất thể. Ý nghĩa không còn là cái gì trừu tượng có thể tách ra thành khái niệm.

Tác phẩm hay cũng vậy. “Bỉ sắc tư phong” là ý nghĩa Truyện Kiều. Nhưng nắm được ý nghĩa ấy rồi là không được gì cả. Ý nghĩa thực sự của nó nằm trong từng lời, từng chữ, từng câu: những câu đọc lên làm thơm tho miệng lưỡi, làm xao xuyến tâm hồn. Rời những câu những chữ đó ra là mất cuốn Kiều. Ý nghĩa trong nghệ phẩm, nó cũng nhập thể: phải ôm chặt lấy thể xác ấy mới tìm gặp được linh hồn, tức ý nghĩa. Vả lại, từ trước tới nay, bao nhiêu lớp người đã thưởng thức Kiều chỉ vì những câu như “Lơ thơ tơ liễu buông mành” mà không nhớ đến cái nghĩa “bỉ sắc tư phong”. Thực ra, về ý nghĩa chưa hề có sự đồng ý: kẻ thì cho đó là sách kể chuyện dâm, người bảo đó là sách hạch tội phong kiến, hạng khác lại cho là sách chống tư bản, v.v. Rõ ràng việc tìm ra ý nghĩa không phải là điều kiện để nhận thức cái hay cái đẹp của nghệ phẩm.

Ý nghĩa người yêu là dung nhan, xương thịt người yêu; ý nghĩa tác phẩm văn nghệ là câu là chữ trong tác phẩm. Yêu là tiếp xúc chung chạ với xương thịt ấy; thưởng văn là tiếp xúc chung chạ với lời với chữ ấy. Bảo: “Anh muốn xa em để yêu em hơn” là nói điêu. Tình yêu thực sự chẳng bao giờ thỏa mãn trong xa cách. Ngay đến Platon cũng không bằng lòng đứng xa mà yêu cái ý nghĩa của vợ.

*

Vậy chỉ có một cách yêu bằng chung chạ. Mà chung chạ lâu ngày lại làm hao mòn... người yêu? Không, thực ra là hao mòn tình yêu.

Nhiều người đàn bà trách rằng lúc đầu đàn ông xoắn xuýt vì mình còn trẻ đẹp, về sau thấy mình xộc xệch nên họ hết nồng nàn. Ðâu phải vậy? Thiếu gì trường hợp họ Sở quất ngựa truy phong trước khi nàng xộc xệch? Thường thường bao giờ các mối tình chúng cũng mệt mỏi trước người tình, sớm hơn người tình; chúng mau suy mau già hơn là thể xác các nàng. Bằng chứng là cùng một nàng ấy, cậu này ruồng rẫy, vẫn có cậu khác say mê; và nếu muốn, nàng có thể gây ra nhiều cuộc mê say mãnh liệt như thế, trước khi thể xác nàng xộc xệch. Vậy rời rã phần lớn là do tình mòn vì tiếp xúc.

(Như thế vợ chồng sống với nhau làm sao? - Giữa vợ chồng không có cái tình cảm y hệt như giữa tình nhân. Yêu nhau rồi lấy nhau, giữa hai người cái tình yêu nồng nàn sẽ dần dần chuyển thành một tình thân thâm thúy. Tình thân ấy không đố kỵ tiếp xúc, lại thêm bền vì tiếp xúc.)

Nghệ phẩm cũng chịu nhiều thiệt thòi trong sự chung chạ như người yêu. Thư sinh xưa kia tiếp xúc với gái hồ ly trong Liêu Trai thì thư sinh mất sinh khí, lâm bệnh, mệnh yểu. Trái lại, thư sinh mà tiếp xúc với nghệ phẩm thì nghệ phẩm tưởng chừng bị mất dần sinh khí. Có những cuốn sách như là tiên thiên bất túc, hay thì có hay, nhưng chỉ chịu được một lần đọc: xem đến lần thứ hai đã thấy vô vị. Có những tác phẩm khác, bẩm chất khỏe mạnh hơn: đương đầu nổi với độc giả được đôi ba phen. Còn thứ tác phẩm bất tử, trường sanh bất lão, thì họa hoằn mới gặp một cuốn.

Cũng như trong trường hợp người yêu, sự tiếp xúc không làm hao mòn suy kiệt chính tác phẩm, mà làm suy mòn cái hứng thú đối với tác phẩm. Còn tác phẩm, nó vẫn nguyên lành.

Lạ! Người chưa xộc xệch, sách vẫn nguyên lành, tại sao bạn tình và độc giả lại thay lòng đổi dạ?

*

Hãy trở lại thuở ban đầu.

Thuở đầu ta đối diện với một bí ẩn, bị thu hút vì cái bí ẩn ấy. Dĩ nhiên, nó phải đẹp.

Ðối với một cô gái, dễ có sự phân vân: “Cái gì hấp dẫn? Ðâu phải cái bí ẩn nào đâu? Sắc đẹp của cô ta đấy chứ.” - Vì vậy, đừng vội động tới các cô gái; Marcel Proust có lần kể một câu chuyện về ba cái gác chuông nhà thờ Martinville. Chỉ là ba gác chuông, thế mà chúng thu hút.

Nói cho đúng, đó là hai gác chuông của Martinville và một nữa của Vievic, cách nhau một ngọn đồi và một thung lũng. Một hôm, ngồi xe ngựa trên đường về, tác giả bỗng để ý đến mấy cái gác chuông nọ trong nắng chiều, và đột nhiên cảm thấy một niềm thích thú đặc biệt, lạ lùng. Cảnh tượng ba gác chuông nọ, như có bao hàm một cái gì mà người xem loay hoay muốn khám phá. “Tôi cảm thấy rằng tôi không thấu đạt tới cùng cảm tưởng của mình, rằng có cái gì phía sau sự chuyển động ấy, phía sau chút ánh nắng ấy, có cái gì mà dường như chúng vừa giữ vừa giấu.” Ba gác chuông tưởng như đang chuyển động vì chiếc xe ngựa của tác giả chạy trên con đường ngoằn ngoèo. Nhìn từ phía này, thấy chúng sáng lên, đứng rời xa nhau; nhìn từ phía khác, chúng lại tối đen và chạy đến nép bên nhau, v.v. Có lúc tác giả nghĩ đến ba con chim im lặng đậu giữa cánh đồng; có lúc liên tưởng đến ba đóa hoa vẽ lên nền trời; rồi một lúc khác, lại nghĩ tới ba cô gái trong câu chuyện huyền hoặc, lạc loài bơ vơ giữa tăm tối, ba cô bỡ ngỡ quờ quạng tìm đường, rồi cuối cùng sợ hãi xúm xít lại với nhau, cô này giấu mình sau cô kia... Chỉ có thế, mà tâm trí tác giả bị hút cả vào cảnh tượng ấy...

Bây giờ trở về các cô gái. “Phía sau” các cô gái, tất nhiên có nhiều điều để nghĩ ngợi, vẽ vời, thêu dệt hơn. Nàng có chiếc răng khểnh, nàng cúi đầu cắn môi nhè nhẹ? Tha hồ tưởng tượng, tìm hiểu... Nàng bảo thích ngửi mùi nước mưa, bảo ghét những mái tóc ngắn? Lại tha hồ suy diễn, tìm hiểu... Nàng vươn lên, trông giống con hươu, lại có vẻ gì giống như con ngỗng trắng? Thôi thì mặc sức giải đoán... Mỗi một cử chỉ dáng điệu, mỗi một lời nói của nàng, có thể gợi lên những ý nghĩ bất tận, những cảm xúc miên man.

Nơi một người con gái, “chuyển động” còn nhiều hơn là ba cái gác chuông biết bao. Nhìn nàng mỗi lúc mỗi khác lạ, nhìn từ mỗi phía thấy mỗi vẻ mới. Và trong thời kỳ say mê, ông Swann đã không ngớt băn khoăn và suy đoán về Odette như thế, Marcel đã không ngớt băn khoăn suy đoán về Gilberte, về Albertine như thế. Công việc ấy thu hút họ, các người đàn ông si tình.

Thế rồi, đến một giai đoạn nào đó, người con gái chớp mắt một cái họ đã biết trước nàng tỏ ý bất bình về chuyện gì, có tiếng gió thổi mạnh ngoài hiên họ đã biết nàng sắp nói câu gì để phàn nàn, nàng vươn cao người lên họ không còn thấy nàng giống hươu giống nai nữa, mà nàng chỉ giống... nàng, một cách rất nản. Họ thuộc làu tính tình của nàng, thuộc từng tật vặt của nàng, từng phản ứng, từng dáng điệu của nàng. Họ như hiểu hết ý nghĩa của nhất cử nhất động nơi nàng. Nhìn nàng, họ không còn gì để nghĩ ngợi băn khoăn nữa. Thân xác nàng còn nguyên, dung nhan xinh đẹp cũng còn nguyên; nhưng cái “phía sau” đã mất. Nàng chỉ mất có cái “phía sau”, mà lẽ ra một mỹ nhân cũng như nghệ phẩm đã phải “vừa giữ vừa giấu”.

Không còn cái “phía sau” ấy nữa, thảm kịch bắt đầu. Chàng họ Sở khi đã biết cái phía sau của người đẹp rồi thì hết nồng nàn toan bề quất ngựa, độc giả khi đã rõ cái phía sau của tác phẩm rồi thì bỏ rơi sách.

Bởi vì sách cũng chỉ hấp dẫn ở cái “phía sau” của nó. Biết hết cái đó rồi thì đọc sách như ngựa chạy đường về: làu làu, không vấp váp, mà cũng chẳng còn có cảm tưởng gì nữa!

*

Sách cũng như người, phải kín đáo là vì vậy.

Ðành rằng giữ mình thì được, chứ giữ “phía sau” mình biết giữ làm sao! Bị tiếp xúc gần gũi lâu ngày, thế nào rồi nó cũng có lúc bị khám phá. Tuy nhiên hãy gắng duy trì chút bí ẩn, lâu được chừng nào tốt chừng ấy.

Những vở kịch mà đại chúng coi qua một lần chụp ngay được đầy đủ ý nghĩa, chúng sẽ hết cớ để lưu giữ sự lưu luyến lâu bền của khán giả. “Vở kịch thật có ý nghĩa”: đó là lời khen, mà cũng là lời chào từ biệt.

Có những câu truyện, như của Kafka, của Buzzati... nó không nói gì rõ rệt, xem xong ít kẻ gật gù khen nó đầy ý nghĩa (ý nghĩa gì nào?). Chính vì vậy mà muốn quanh quẩn bần thần băn khoăn bên nó mãi.

Một vài truyện ngắn của Constantin Paoustovski, trong đó có truyện được nhiều người dịch ra tiếng Việt (“Mưa lúc rạng đông”), nó không nói rõ cái nghĩa uể oải chán chường, nhưng nó thể hiện sự uể oải chán chường trong dáng dấp cốt cách, trong toàn bộ kiến trúc của nó. Sự mệt mỏi ngấm trong đường gân thớ thịt, trong khắp cơ thể nó; nó không nói ra, nó thở ra sự mệt mỏi. Người đọc không hiểu minh bạch cái ý ấy, chỉ cảm thông với tâm trạng nọ mỗi lần tiếp xúc với tác phẩm. Tác phẩm không trao dứt khoát, không nhượng đứt cho người đọc ý nghĩa của nó. Nó giữ lấy: nhưng hễ cứ đến với nó là được thông truyền cho. Ý nghĩa ấy không như cái ngọt của mía: có thể ép lấy nước uống mà bỏ cây mía; ý nghĩa ấy như cái ngọt của xoài của chuối: nó làm một với trái, có ăn vào mới cảm thấy.

Những truyện như thế, chúng như trái xoài, trái chuối, như buổi chiều buồn, như buổi mai đẹp, như vườn hoang bồi hồi... Chúng gần như không là nghệ phẩm, mà là sự vật, do đó ý nghĩa chúng không rõ nữa. “Cảm xúc đã biến thành sự vật, bây giờ nó có cái mờ đặc của sự vật”, Jean-Paul Sartre đang nói về thơ, ông không cho tản văn có cùng một tính cách như thế. Nhưng có những thứ tản văn – như của Buzzati – gần thơ hơn là gần loại tản văn của Jean-Paul Sartre. Vì vậy nó ao ước một chút đặc mờ.

Chút đặc mờ ấy nuôi dưỡng cái duyên của nghệ phẩm, tránh cảnh lõa lồ ý nghĩa. Vâng, bày ý nghĩa ra lộ liễu tênh hênh cũng gọi là một nghệ phẩm lõa lồ.

9 - 1968