Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 8, 2021

Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan làm cho hải chiến Mỹ-Hoa lan rộng đến Ấn Độ Dương và dẫn đến Đệ Tam Thế Chiến bùng nổ?*

James Stavridis Bloomberg

Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Gần đây, vô số các sách vở đã thi nhau thảo luận về việc Trung Quốc dự kiến tấn công Đài Loan để khởi động cho Đệ Tam Thế Chiến bùng nổ. Một trong những danh phẩm thu hút được sự quan tâm của công luận là 2034: A Novel of the Next World War của Eliot Ackerman và James Stavridis, New York: Penguin Press, 2021.

Trên Bloomberg Opinion ngày 26 tháng 04 năm 2021, một trong hai tác giả là Cựu Đô đốc James G. Stavridis trình bày kịch bản này trong bài “Four Ways a China-US War at Sea Could Play Out” mà bản dịch sau đây sẽ giới thiệu.

Theo Stavridis, “bốn điểm nóng” mà Hải quân Trung Quốc có khả năng tấn công là eo biển Đài Loan, Nhật Bản và Biển Hoa Đông, Biển Hoa Nam và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước Indonesia, Singapore, Australia và Ấn Độ. Nhưng nguy cơ cao nhất là Đài Loan.

Tại sao lại là Đài Loan? Thực ra, có nhiều chi tiết khác cho lý do này.

Đài Loan tuy chỉ là một đảo quốc với hơn 23 triệu dân, nhưng tiềm lực quốc phòng được xếp vào hàng hùng hậu. Với 120 chiến hạm các loại được trang bị hiện đại, không lực có các phi cơ tối tân và hơn 80.000 binh sĩ tác chiến anh dũng, Quân lực Đài Loan có thể tạm thời chặn đứng các cuộc tấn công bất ngờ của Bắc Kinh để chờ tiếp viện.

Dù Hoa Kỳ không có Hiệp ước Phòng thủ hỗ tương với Đài Loan, nhưng Đạo luật Quan hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act, TRA) là một căn bản pháp lý để bảo vệ an ninh cho Đài Loan. Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đại Hàn và Tây Âu cũng quan tâm đến việc đối phó với hung đồ xâm lăng của Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là khả năng huy động của Hoa Kỳ tại khu vực Đông Bắc Á. Ngoài Đệ Thất và Đệ Tam Hạm Đội sẵn sàng ứng chiến linh hoạt, Mỹ còn có 28.000 binh sĩ đồn trú tại Đại Hàn, 54.000 tại Nhật Bản và căn cứ không quân tại đảo Guam; tất cả có thể yểm trợ cho các cuộc hành quân trong khu vực.

Ngoài ra, để tăng cường, Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Hoa Kỳ có thể điều động 380.000 binh sĩ thuộc các binh chủng đủ loại trong 36 quốc gia.

Hiểm hoạ xâm lăng của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, nhưng còn quá sớm để so sánh về khả năng tác chiến của hai bên, cho dù trong thực tế hiện nay, Hải quân Trung Quốc được hiện đại hoá cao độ và có trên 360 chiến hạm đủ loại, vượt xa Hoa Kỳ đang với con số 297.

Nguy hiểm nhất cho nền an ninh toàn cầu là Trung Quốc đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân và “có tiềm năng lớn lao làm thay đổi hoàn toàn sự ổn định chiến lược trên thế giới”. Cụ thể là tại sa mạc gần Yumen, một thành phố ở vùng Tây Bắc, Trung Quốc hiện có 119 hầm chứa hoả tiễn liên lục địa, đặc biệt là loại DF-41, với tầm bắn hơn 15.000 km, có nghĩa là, cả hai Hoa Kỳ và Nga đều có nguy cơ bị tổn thương lãnh thổ.

Trung Quốc không có khó khăn về khả năng tác chiến, vì việc đổ bộ và tấn công chớp nhoáng để xâm chiếm Đài Loan là khả thi, nhưng không thể bảo vệ thành quả này trong lâu dài vì Hải lực và Không lực Trung Quốc sẽ không thể đối đầu với Hoa Kỳ và Nhật Bản, nếu Đài Loan bị phong toả trên không và dưới biển.

Trong đấu tranh chánh trị và ngoại giao cho giai đoạn sắp tới, khó khăn cho Trung Quốc là không thể phát huy chính nghĩa khi phong trào bài Hoa lan rộng hơn.

Khi phủ nhận trách nhiệm về dịch bệnh COVID-19 và làm lũng đoạn nền an ninh chiến lược cho toàn cầu qua dự án “Nhất Đái, Nhất Lộ”, Trung Quốc không còn thanh danh là một cường quốc trỗi dậy, công xưởng và chuỗi cung ứng cho toàn cầu.

Dĩ nhiên, tình thế đổi thay triệt để cũng làm cho ý chí chánh trị của Đài Loan quyết liệt hơn. Trước đây, họ từ chối thống nhất với Hoa Lục vì bất đồng chính kiến, nay khi Hoa Lục bội ước với nước Anh về quy chếNhất Quốc, Lưỡng Chế của Hong Kong làm cho họ có lý do chính đáng để phủ nhận sự xâm lăng và cai trị của Trung Quốc.

Hiện nay, 78% giới trẻ dưới 30 tuổi không tự cho mình là người Hoa, mà là người Đài Loan chính hiệu, không còn một cảm tưởng gắn bó về truyền thống lịch sử hay văn hoá và ý thức hệ với Hoa Lục. Họ luôn tự hào Đài Loan là một đất nước dân chủ, tôn trọng pháp quyền, đề cao các tự do cơ bản, nhân quyền và quan trọng nhất là sử dụng Internet và các hoạt động xã hội dân sự.

Sự hỗ trợ cho Đài Loan độc lập không chỉ có riêng Mỹ, Đại Hàn và Nhật Bản mà là cộng đồng quốc tế.

Nhưng một yếu tố mới mà Stavridis không đề cập trong chi tiết là quyết tâm của Bộ Tứ trong việc chống đối tham vọng của Trung Quốc, sự thách thức này mới hình thành gần đây.

Trước đây, cơ chế hợp tác của Bộ Tứ lỏng lẻo, mà lý do chính là ý chí của Ấn Độ chỉ là tượng trưng. Sau nhiều xung đột với Trung Quốc về biên giới gây cho 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng khiến cho New Delhi đánh giá lại các ưu tiên chiến lược. Ấn Độ xem mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan là một tình trạng đe dọa cho thương mại và an ninh trong khi Pakistan là một đối thủ truyền kiếp.

Gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhận ra tầm quan trọng của Bộ Tứ và tuyên bố: “Bộ Tứ đã trưởng thành như một trụ cột quan trọng cho ổn định trong khu vực”.

Một chủ đề chính mà Stavidris chưa thể đào sâu là mối quan hệ Mỹ - Iran vẫn chưa rõ ràng. Tổng thống Joe Biden muốn đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong hơn sáu tháng qua, các cuộc đàm phán của hai bên đã không mang lại kết quả. Nhưng nếu cường quốc nguyên tử Iran hợp tác với Trung Quốc, tình hình vùng Ấn Độ Dương sẽ càng nguy hiểm hơn là Stavridis dự kiến.

Nỗ lực mới mà Bộ Tứ sẽ thực thi là hợp tác qua cơ chế “Five Eyes” trong thông tin tình báo và sẽ áp dụng trong Sáng Kiến Răn đe Thái Bình Dương” của Mỹ.

Bên cạnh các xu hướng mới này, còn có nhiều suy đoán khác bất lợi cho Trung Quốc. Do nhiều lý do khác nhau thúc đẩy, Hàn Quốc cũng sẽ tham gia Bộ Tứ, do đó, sẽ trở thành Bộ Ngũ; mặc dù Seoul thường miễn cưỡng công khai chống lại Trung Quốc.

Mỹ có thay đổi gì?

Trước đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố mục tiêu của Washington là “thể chế hóa” Bộ Tứ, “xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự”, và thậm chí mở rộng để “chống lại thách thức của Trung Quốc”. Pompeo quan tâm đến các cuộc đàm phán “Bộ Tứ mở rộng” về thương mại, công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng dành cho New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam.

Hiện nay, Tổng thống Biden tỏ ra quan tâm không những Đài Loan mà còn Biển Đông. Việc thăm viếng liên tục của các quan chức ngoại giao Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam, và Philippines cuối tháng 7 vừa qua và Phó Tổng thống Kamala Harris trong tháng 8 này là một bằng chứng cho thấy lời cam kết của Mỹ đối với nỗ lực thúc đẩy an ninh khu vực là vấn đề thời sự sôi bỏng.

Tóm lại, những luận điểm chính của James G. Stavridis trong bản dịch này cũng như tiểu thuyết 2034 có nhiều giá trị thuyết phục, nhưng cũng còn cần thời gian để cập nhật các biến chuyển mới.

Nhìn chung trong toàn cảnh, giải pháp xâm chiếm Đài Loan bằng vũ lực để thống nhất đất nước sẽ là một thất sách của Trung Quốc.

***

clip_image002

Tiến về hướng Trung Quốc? Photographer: Z.A. Landers/U.S. Navy via Getty Images

Vào giữa những năm của thập niên 1970, tôi ra khơi khi còn là một thiếu úy trẻ, chuyến hải hành đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Chúng tôi đi từ San Diego hướng về phía Tây trên một khu trục hạm Spruance loại hoàn toàn mới. Là một thủy thủ trong thời Chiến tranh Lạnh, tôi vô cùng thất vọng vì con tàu không tiến vào vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương để thách thức với hạm đội của Liên Xô đang được phô trương. Thay vì thế, chuyến hải hành của chúng tôi kéo dài sáu tháng tập trung vào các vùng biển phía Tây Thái Bình Dương, những chuyến đi vòng quanh miền Bắc Australia, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.

Điều sâu xa trong tâm trí của chúng tôi là một mối đe dọa nghiêm trọng của Cộng sản Trung Quốc (như khi xưa chúng tôi đã gọi như vậy). Trung Quốc lúc đó có một lực lượng hải quân cận duyên tạm gọi là có khả năng trong thời đó, nhưng các chiến hạm và phi cơ của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân, được họ đặt tên kỳ lạ, đơn giản không phải là một đối thủ cạnh tranh đáng kể.

Mọi thứ đã thay đổi triệt để. Trong suốt đời binh nghiệp hải quân của mình, tôi đã theo dõi việc Trung Quốc cải thiện khả năng hải quân trong mọi khía cạnh một cách tuần tự, tỉ mỉ và khéo léo như thế nào. Khuynh hướng đó đã tăng tốc một cách ngoạn mục trong thập kỷ qua, khi Trung Quốc đã mở rộng số lượng chiến hạm tối tân, điều phối chúng trong khắp khu vực với một cách công kích và xây dựng các đảo nhân tạo để sử dụng làm căn cứ quân sự ở Biển Đông. Hiện nay, Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh ngang hàng của Hoa Kỳ trong các vùng biển đó, và điều này có những nguy cơ đích thực.

Tôi thấy có bốn khu vực là "điểm nóng" hàng hải riêng biệt, nơi Hải quân Trung Quốc có khả năng dùng quân sự để chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh, các đối tác và thân hữu. Đó là eo biển Đài Loan; Nhật Bản và Biển Hoa Đông; Biển Đông (Hoa Nam); và các vùng biển xa hơn xung quanh các nước láng giềng khác của Trung Quốc, bao gồm Indonesia, Singapore, Úc và Ấn Độ.

Đài Loan và eo biển Đài Loan

Đối với quân đội Trung Quốc, ưu tiên cao nhất trong khu vực là đảm bảo cho họ có thể hành xử quyền kiểm soát biển và thể hiện quyền lực ở các vùng biển xung quanh Đài Loan. Chủ tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên thệ sẽ đưa “tỉnh phản bội này” đến bước phải phục tùng. Trong khi họ vẫn hy vọng làm như vậy trong kiên nhẫn - và bằng cách bóp nghẹt sự hỗ trợ quốc tế của Đài Bắc - họ sẽ sẵn sàng sử dụng quân lực nếu cần thiết. Trong lần điều trần gần đây trước Quốc hội, Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương của Ngũ Giác Đài, nói rằng, ông thấy khả năng hành động quân sự là "trong vòng sáu năm".

Người Đài Loan đang theo dõi chặt chẽ khi Trung Quốc vi phạm thỏa thuận đã được đàm phán với Anh vào năm 1997 để tuân theo một hệ thống "Nhất quốc, Lưỡng chế" với Hồng Kông. Họ nhận ra rằng, tương lai của họ trong một Trung Quốc vĩ đại sẽ bao gồm việc đánh mất dân chủ và nhân quyền.

Đài Loan cách Hawaii hơn 8.000 dặm và cách Hoa Lục khoảng 100 dặm, nhưng những thách thức đối với Hải quân Hoa Kỳ là rất sâu đậm. Hoa Kỳ ủng hộ đối với nền an ninh của Đài Loan là việc của lưỡng đảng, nhưng chính sách lâu dài của Hoa Kỳ về "sự mơ hồ trong chiến lược", hỗ trợ cho Đài Loan về mặt quân sự mà không có cam kết chính thức nào để bảo vệ, đó là một điều khó phân biệt đầy nguy hiểm. Tình trạng này có thể dẫn đến một tính toán sai lầm của người Hoa (hoặc người Đài Loan) và gây ra một cuộc xung đột lớn hơn.

Nếu Trung Quốc cố gắng chấm dứt vấn đề độc lập của Đài Loan bằng quân sự, mục tiêu chính của Trung Quốc sẽ khiến cho Hoa Kỳ bất lực trong việc bảo vệ đảo. Chiến lược này sẽ tập trung vào việc chống tiếp cận/từ chối khu vực - sử dụng các biện pháp phòng thủ để giữ cho Hải quân Hoa Kỳ vốn dĩ đã mở rộng ở khoảng cách xa. (Trong báo cáo mới nhất về khả năng quân sự của Trung Quốc, Ngũ Giác Đài đã báo cho Quốc hội biết việc này).

Kế hoạch của Trung Quốc sẽ bao gồm nhiều chiến hạm trên mặt biển (tuần dương hạm, khu trục hạm và hộ tống hạm, tất cả đều có trang bị khả năng hoả tiễn địa đối địa); đầu đạn hoả tiễn hoạt động trên đất liền và trên biển, bao gồm số lượng hoả tiễn siêu thanh ngày càng tăng (có khả năng di chuyển nhiều lần tốc độ âm thanh, và đó là những khả năng mà Hoa Kỳ hiện đang còn thiếu hệ thống phòng thủ đáng tin cậy); chiến tranh trên không gian mạng chống lại các hệ thống chỉ huy điều khiển, điều hướng và hệ thống GPS của Hoa Kỳ; và vũ khí chống vệ tinh ngày càng tinh vi để làm giảm bớt hoạt động tình báo Mỹ và cảnh báo sơ bộ.

Người Hoa khó có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược bằng đổ bộ vào các bãi biển, đó là một cuộc hành quân cực kỳ khó khăn. Thay vào đó, kế hoạch có thể sẽ là một cuộc tấn công chớp nhoáng liên quan đến việc thiết lập việc kiểm soát biển xung quanh Đài Loan, sau đó là dùng các cuộc đổ bộ nhẹ hơn bằng bộ binh. Điều này có thể được thực hiện bằng cách huy động các Lực lượng Đặc biệt, kết nối họ với "nhóm đặc công ngầm" của các biệt kích đã có sẵn ở trên đảo, giành quyền kiểm soát các phi trường và không vận với một lực lượng quân sự hùng hậu. Đồng thời, họ sẽ sử dụng hoả tiễn địa đối địa và không lực để tiêu diệt các hệ thống phòng không của Đài Loan. Người Đài Loan có thể duy trì trong một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng bị thanh toán.

Nếu Hoa Kỳ chọn đáp trả trực tiếp bằng lực lượng quân sự, với một chữ Nếu quan trọng, đầu tiên Mỹ sẽ di động trên biển, nhắm vào các tàu Trung Quốc và giảm khả năng tấn công trên mặt đất của họ. Trung Quốc sẽ tìm cách bảo vệ Đài Loan bằng các tàu có trang bị hoả tiễn đạn đạo; di chuyển nhanh chóng để tăng cường cho các căn cứ tiền đạo tại đảo Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản; và đảm bảo sự kết nối được tiếp tục trong những gì mà chắc chắn là sẽ gây tranh cãi cao độ về các phạm vi trong không gian và trên mạng. Hoa Kỳ cũng có thể tấn công các căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông bằng lực lượng Navy Seal và Marine Raiders, buộc Trung Quốc phải chuyển hướng các cơ sở quân sự và sự quan tâm ra khỏi Đài Loan.

Ai sẽ thắng? Hiện tại, quan điểm của tôi vẫn sẽ còn suýt soát gắn chặt với quân đội Hoa Kỳ, nhưng các xu hướng đang đi là không đúng hướng. Ngũ Giác Đài sẽ phải đặt thêm cược và huấn luyện binh pháp về chiến tranh mạng, huy động các Lực lượng Đặc biệt trên biển, phương tiện không người lái, khả năng dưới mặt đất (cả tàu ngầm có người lái và máy bay không người lái dưới biển); phòng không chống lại tuần dương hạm siêu thanh có trang bị hoả tiễn đạn đạo.

Hợp tác với các đồng minh (đặc biệt là Nhật Bản) sẽ rất quan trọng. Mức độ mà Mỹ sẵn sàng minh thị đảm bảo quốc phòng cho Đài Loan sẽ có tác động đến việc tính toán ở Bắc Kinh. Phẩm chất của các hệ thống vũ khí được cung cấp cho Đài Bắc cũng vậy, đặc biệt là phòng không tốt hơn và phi cơ chiến đấu thuộc thế hệ tiếp theo, mức độ huấn luyện và thao diễn hỗn hợp, và số lượng các chuyến thăm cấp cao đến Đài Loan của các nhân vật quan trọng thuộc quân sự và ngoại giao.

Trong số bốn điểm nóng hàng hải có tiềm năng chớp nhoáng ở Đông Á, Đài Loan là nguy hiểm nhất và có xác suất bùng nổ cao nhất.

Nhật Bản và Biển Hoa Đông

Nhật Bản và Trung Quốc có một lịch sử lâu dài và khó khăn, trong đó có hai cuộc đối đầu quân sự quan trọng trong thời hiện đại. Trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, bắt đầu vào năm 1894 phần lớn qua sự kiểm soát Triều Tiên, một cỗ máy chiến tranh mới năng động của Nhật Bản dễ dàng đánh bại triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đang suy vi. Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai bắt đầu vào năm 1937 và kéo dài cho đến khi Thế chiến Thứ hai kết thúc. Người Nhật đã giết, gây thương tích, hãm hiếp và bỏ tù hàng triệu người. Ngày nay, sự cay đắng giữa hai quốc gia có thể còn cảm nhận được.

Trong những năm còn trong Hải quân, tôi quay trở lại Nhật Bản nhiều lần, thường trải qua nhiều tuần lễ trên các tàu trong căn cứ rộng lớn của Đệ Thất Hạm Đội tại Yokosuka, gần Tokyo. Lực lượng Hải Cảnh Nhật Bản gây rất ấn tượng, bao gồm các khu trục hạm được trang bị bằng hệ thống hoả tiễn của Hải quân Hoa Kỳ, tàu ngầm tuyệt vời được chạy bằng diesel, phi cơ tuần tra tầm xa, chỉ huy và điều khiển liền mạch đan tất cả lại với nhau.

Trong các cuộc thảo luận của tôi với các sĩ quan cấp cao của Nhật Bản – bao gồm cả khi tôi giảng dạy tại trường Đại học Hải chiến của họ trong vài năm trước – mối quan tâm hàng đầu của họ là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khắp miền Tây Thái Bình Dương.

Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền về một nhóm đảo ở Biển Hoa Đông mà trong tiếng Nhật gọi là Senkaku và trong tiếng Hoa là Diaoyu. Nằm gần Đài Loan, năm hòn đảo này không có người ở và rất quan trọng vì quyền sở hữu đảo cung cấp một khu vực đặc quyền thuộc 200 hải lý và các yêu sách cạnh tranh xung quanh đảo. Đảo là một phần của chuỗi đi xuống hướng phía nam từ các đảo chính của Nhật Bản, và tạo thành một cửa ngõ vào Biển Đông. Quyền sở hữu đảo cũng sẽ tạo ra quyền đánh bắt hải sản, tiếp cận để khai thác hydrocarbon và khả năng khai thác quặng mỏ nằm sâu dưới đáy biển.

Trung Quốc đang tăng dần số lượng và khả năng tuần tra không và hải phận xung quanh và trên các đảo. Các chiến hạm và phi cơ thám thính tầm xa thường xuyên xuất hiện, dẫn đến việc Nhật Bản có những biện pháp tương tự. Cơ hội tính toán sai lạc giữa các phi công hoặc hạm trưởng của các quốc gia đối thủ là không thể bỏ qua.

Hoa Kỳ công nhận các đảo là một phần của Nhật Bản, do đó, một động thái chiếm đóng chúng của Trung Quốc sẽ kích hoạt Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương Hoa Kỳ - Nhật Bản, điều mà các chính quyền liên tục của Mỹ đã minh định.

Về mặt quân sự, Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, nếu Trung Quốc di chuyển tới các đảo? Đứng trước việc có Đệ Thất Hạm Đội tại vịnh Tokyo và Lực lượng III Viễn chinh Thủy quân Lục chiến ở Sasebo, Nhật Bản có khả năng hùng hậu. Máy bay ném bom tầm xa từ đảo Guam, cách khoảng 1.500 dặm về phía đông nam, và các căn cứ khu vực khác cũng sẽ được sẵn sàng sử dụng.

Dĩ nhiên, quân đội Hoa Kỳ sẽ hoạt động liên minh với các chiến hạm và phi cơ Nhật Bản. Không giống như Đài Loan, quần đảo Senkaku không có dân thường, và tất cả các cuộc chiến sẽ được tiến hành trên biển trừ khi Trung Quốc thực sự đổ bộ lực lượng, giống như người Argentina đã làm ở Falklands trong những năm của thập niên 1980.

Đây là một cuộc chiến mà đúng hơn là Mỹ không muốn có, đặc biệt là khi nước này đối đầu với Trung Quốc về các vấn đề gây tranh cãi khác, từ các biện pháp trừng phạt thương mại đến số phận của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Nhưng Washington bị ràng buộc bởi một hiệp ước chính thức, và những tảng đá nhỏ không có người ở sẽ tiếp tục là trọng tâm quá mức của các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ tại Bộ chỉ huy của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương ở Honolulu.

Biển Đông

Biển Đông rất rộng lớn, gần bằng một nửa kích thước của lục địa Hoa Kỳ. Khi bạn đến gần các bờ biển của nhiều quốc gia bao quanh nó, bạn sẽ thấy vô số những nhóm ngư phủ ven biển; nền tảng dầu và khí tự nhiên; tàu chở dầu loại nhỏ và tàu chở hàng loại lớn và tàu chở dầu loại lớn. Đây là một hải lộ đông đúc; theo một số ước tính, nó mang gần 40% chuyển vận hàng hải trên thế giới.

Bên cạnh tất cả những hình ảnh về hàng hải đó, bạn cũng sẽ thấy các chiến hạm của nhiều quốc gia, Trung Quốc và Hoa Kỳ, chắc chắn là như vậy, nhưng cũng có các binh sĩ địa phương của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác, gồm có Úc, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, đang duy trì sự hiện diện quân sự. Và các chiến hạm từ các nơi khác trên thế giới – Pháp, Đức, Anh – cũng thường xuyên có mặt ở đó.

Các vùng biển đang khuấy động

Trung Quốc và Philippines không phải là những quốc gia duy nhất có tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc đặt ra một yêu sách về lãnh thổ mà hầu như cơ bản là toàn bộ vùng biển. Dựa vào các chuyến hải hành của Đô đốc Trịnh Hòa từ những năm 1400, Trung Quốc trong những năm 1940 đã vạch ra cái mà họ gọi là "Đường chín đoạn", một ranh giới hàng hải, trong đó Trung Quốc duy trì một ảo tưởng về chủ quyền. Điều này đang gây tranh cãi cho hầu hết các quốc gia khác trong khu vực (nhiều quốc gia trong số họ có các yêu sách chồng chéo nhau và cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc, mà cả các nước khác với nhau). Một tòa án quốc tế bác bỏ phần lớn yêu sách bao quát của Trung Quốc vào năm 2016.

Khi Trung Quốc chơi một trò chơi lâu dài để củng cố quyền kiểm soát, họ xây dựng các đảo nhân tạo. Các đảo này chủ yếu là ở trong các khu vực có các mỏ dầu khí đầy hứa hẹn thuộc vùng phía nam của biển và xung quanh quần đảo Trường Sa, nơi mà một số quốc gia còn đang tranh chấp. Có bảy hòn đảo đã hoàn thành, tất cả đều được quân sự hóa và một số có phi trường, nhưng không ai nghĩ là Bắc Kinh sẽ dừng lại ở đó.

Bàn tay nặng nề của Trung Quốc

Trung Quốc coi hơn 80% biển Đông là thuộc chủ quyền lãnh thổ của mình.

Đối với Hoa Kỳ, giá trị quan trọng để bảo vệ vùng biển này là tự do hải dương. Người Hoa tin chắc rằng, theo thời gian, Mỹ sẽ chấp nhận thay vì chiến đấu. Hoa Kỳ thể hiện ý định của mình mặc dù ngày càng có nhiều cuộc tuần tra "tự do hàng hải"; Trung Quốc phản đối, và đôi khi gửi tàu của mình thách thức. Cho đến nay, những bộ óc bình tĩnh hơn đã chiếm ưu thế, và không có sự đụng độ nghiêm trọng nào xảy ra.

Cả hai quốc gia đều điều nghiên cẩn trọng về kế hoạch chiến tranh trong trường hợp có một cuộc chiến đấu đích thực trên Biển Đông. Người Hoa sẽ tràn ngập khu vực với các tàu (khu trục hạm, hộ tống hạm); tuần dương hạm có trang bị siêu thanh và hoả tiễn đạn đạo của các hạm đội Hoa Kỳ; tàu ngầm chạy bằng diesel và điện; và cố gắng vô hiệu hóa các cơ sở không gian và kiểm soát hàng hải của Mỹ và các cấu trúc chỉ huy bằng các cuộc tấn công trên mạng.

Trong cuộc xung đột về Đài Loan hoặc Biển Hoa Đông, Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng không lực hoạt động trong tầm xa từ đảo Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được trang bị với các đầu đạn nguyên tử và dẫn đường bằng bom tinh khôn. Mục tiêu chính sẽ là chiến hạm của Trung Quốc và các căn cứ đảo nhân tạo của họ. Sau khi những phi cơ này làm suy giảm khả năng tấn công của Trung Quốc, các nhóm tác chiến của Hàng không Mẫu hạm Mỹ sẽ tiến vào Biển Đông, sử dụng không gian biển càng nhiều càng tốt để tránh khỏi tầm hoạt động của các hệ thống hoả tiễn và không quân của Trung Quốc đặt căn cứ trên đất liền.

Cả hai bên sẽ cố gắng duy trì quyền kiểm soát mức độ leo thang, bởi vì một cuộc tấn công phá hủy các căn cứ và cơ sở hạ tầng trên lục địa Trung Quốc sẽ gây ra một phản ứng dữ dội. Điều đó thậm chí có thể khiến cho Trung Quốc trả đũa Mỹ trên lục địa. Tôi đã nghiên cứu về kịch bản này trong một cuốn tiểu thuyết mới, "2034: A Novel of the Next World War", mà trong đó có nhiều bước ngoặt, như khi một cuộc chiến như vậy chắc chắn sẽ xảy ra.

Ấn Độ và Ấn Độ Dương

Tôi đã đi vào vùng biển Ấn Độ Dương lần đầu tiên vào những năm cuối của thập kỷ 1970, khi Chiến tranh Lạnh hoành hành và Ấn Độ lãnh đạo của các quốc gia "không liên kết". Tôi là một sĩ quan trẻ trên một khu trục hạm, và trên những phiên trực đêm dài, tôi quan sát bờ biển Ấn Độ trên màn ảnh radar, và tự hỏi là Hải quân Ấn Độ có khả năng gì.

Rốt cuộc, bờ biển Ấn Độ nằm trong số 20 bờ biển dài nhất thế giới, bề mặt nước biển lớn đứng hàng thứ ba trên thế giới. Trong thời đó, Hải quân Ấn Độ không mạo hiểm nhiều, và có một bộ sưu tập khiêm tốn về các chiến hạm cũ được thừa hưởng từ Liên Xô.

Ngày nay, Ấn Độ là nền tảng của một sự liên kết địa chính trị Ấn Độ - Thái Bình Dương mới nổi, thường được gọi là Bộ Tứ, cùng với Úc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Một trong những hành động đầu tiên của Biden sau khi nhậm chức là một hội nghị thượng đỉnh qua mạng với ba nhà lãnh đạo các quốc gia khác.

Bộ Tứ đã không phát triển thành "NATO châu Á" mà một số chiến lược gia hình dung. Như thường xảy ra trong địa chính trị châu Á, nó rất phức tạp. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ba thành viên, và có sự khác biệt rất thực sự về triển vọng và phương sách đối với Bắc Kinh trong nhóm. Nhưng Bộ Tứ ngày càng được xem như một phần của phản ứng chiến lược đối với hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản (thỉnh thoảng cùng tham gia là Úc và Singapore), đã tiến hành các trò chơi chiến tranh, Cuộc thao diễn hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương là môt thành phần tốt hơn của một thập kỷ; gần đây nhất, vào cuối năm 2020, phần lớn được tiến hành ở Vịnh Bengal. Mặc dù không thể so sánh về quy mô với các cuộc thao diễn của Rimpac do Hoa Kỳ chỉ đạo trong quy mô lớn ở trung tâm Thái Bình Dương mỗi năm, Malabar bao gồm một loạt các cuộc hành quân chiến thuật và mang lại một mức độ hợp tác mang tính biểu tượng cao giữa các lực lượng hải quân tham gia.

Sự kết nhóm trong Bộ Tứ là rất quan trọng về mặt chiến lược, vì nó báo trước tiềm năng cho cuộc xung đột hàng hải rộng lớn hơn trên khắp Đông Á và Ấn Độ Dương. Hình dung một kịch bản mà trong đó Trung Quốc tấn công Đài Loan, với việc Hoa Kỳ đến để hỗ trợ cho người Đài Loan. Cho rằng Úc và Nhật Bản là một phần của hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Hoa Kỳ (cùng với các quốc gia châu Á Hàn Quốc, New Zealand, Philippines và Thái Lan), điều này có thể dễ dàng mở rộng từ một cuộc xung đột được địa phương hóa xung quanh eo biển Đài Loan sang một hiệp ước lan rộng khắp Biển Đông. Với Úc trong cuộc xung đột, Ấn Độ Dương có thể dễ dàng trở thành một khu vực khác trong trận chiến.

Nếu vậy, Ấn Độ sẽ phản ứng như thế nào? Trong khi không phải là đồng minh trong hiệp ước, Washington và New Delhi đang đến gần nhau hơn. Với các cuộc đụng độ gần đây về biên giới còn tranh chấp ở dải Hy Mã Lạp Sơn, các mối quan hệ của Ấn Độ với Trung Quốc đang xấu đi. Nếu Ấn Độ tham gia với các quốc gia khác trong bộ Tứ, điều đó có nghĩa là, có một cuộc hải chiến ở Ấn Độ Dương.

Mặc dù đây là kịch bản ít có khả năng nhất trong bốn kịch bản chớp nhoáng được xem xét ở đây, nhưng đó không phải là một nguy cơ không đáng kể. Trung Quốc đang mở rộng hoạt động hải quân như một phần của dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn của mình, Nhất Đái, Nhất Lộ, mà có "một vấn đề": Ấn Độ. Ấn Độ nằm trên các tuyến đường thương mại và nguyên liệu thô phía nam Trung Quốc, và quân đội của họ hoạt động với các tuyến hậu cần ngắn trên khắp phía bắc Ấn Độ Dương. Mặc dù Hải quân Ấn Độ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng khi kết hợp với các thành viên khác trong bộ Tứ, Ấn Độ có thể chứng minh là một yếu tố quan trọng.

Mặt khác, Trung Quốc sẽ hoạt động trong một chuỗi hậu cần dài và có ít đồng minh hoặc căn cứ trong khu vực (tàu Trung Quốc có thể tiếp cận các cảng của Iran và Pakistan, mặc dù cả hai quốc gia này sẽ không nhiệt tình tham gia vào cuộc xung đột Mỹ-Trung). Người Hoa đang xây dựng một căn cứ hải quân trên Sừng châu Phi, và cũng có ảnh hưởng đáng kể đến đảo Sri Lanka; nhưng nhìn chung, hải quân Trung Quốc sẽ gặp bất lợi đáng kể.

Trong khi đó, các căn cứ ở Ấn Độ có thể tiếp tế cho các thành viên trong bộ Tứ khác nhiên liệu, lương thực và các căn cứ tuần tra trên không trong tầm xa (đặc biệt quan trọng chống lại tàu ngầm). Hoa Kỳ cũng sẽ phụ thuộc vào các quyền đóng căn cứ của mình ở Singapore, nơi có phần của Đệ Thất Hạm Đội, và quyền thâm nhập vào miền bắc Australia và Thái Lan. Trung Quốc sẽ cần cam kết các lực lượng để đảm bảo nguồn cung cấp dầu của mình xuyên qua phía bắc Ấn Độ Dương.

Một cuộc xung đột quân sự trong nhiều đại dương như vậy giữa hai siêu cường và các đồng minh của họ có cơ hội xảy ra đến mức độ lớn lao nào? Cơ hội này rất ít và ít hơn nếu so với khả năng bùng phát ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Hoa Đông. Nhưng giống như châu Âu vấp phải trong Thế chiến thứ Nhất vì mạng lưới liên minh rộng lớn, một cuộc chiến ở phía Tây Thái Bình Dương có thể mang lại xung đột cho vùng biển Ấn Độ.

Đối với Thiếu úy trẻ Stavridis khi ra khơi xuyên qua Thái Bình Dương vào những năm 1970, thật là khó tưởng tượng cho bất kỳ điều nào trong số này, nhưng nay các liên minh đã thay đổi triệt để, ngay cả khi vấn đề địa lý không thay đổi gì.

(Có chữa lại về chiều rộng của eo biển Đài Loan trong đoạn thứ bảy và các năm trong chuyến hải hành của đô đốc Trung Quốc trong đoạn thứ 25 của bài báo xuất bản ngày 25 tháng 4.)

***

James Stavridis là Bình luận gia trong chuyên mục Ý kiến của Bloomberg, Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ hồi hưu và Cựu Chỉ huy Đồng minh tối cao của NATO, Khoa trưởng hồi hưu Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ Rockefeller và Phó Chủ tịch các Vấn đề Toàn cầu Tập đoàn Carlyle. Cuốn sách mới nhất là 2034: A Novel of the Next World War.

*Tựa đề bản dịch là của người dịch

Bài liên quan:

Điểm sách: Đe dọa nhất trong khi suy yếu?

Thế chiến tương lai sẽ bùng nổ vào năm 2034

Bộ Tứ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Bắc Kinh*